Xem mẫu

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC VAI TRÒ CỦA CHÍNH QUYỀN THÀNH PHỐ TRONG VIỆC HỖ TRỢ KẾT NỐI DOANH NGHIỆP VÀ CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO TS. Đinh Công Khải TS. Nguyễn Văn Dư Khoa Quản lý nhà nước, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM TÓM TẮT Bài tham luận đưa ra góc nhìn về vai trò của chính quyền thành phố trong việc hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và nhà trường nhằm xây dựng chương trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp và tạo môi trường thực tập, trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên. Để nâng cao khả năng tìm việc làm cho sinh viên khi ra trường, thông qua bàn luận, nhóm tác giả cho rằng các trường cần chủ động trong việc liên kết trong khi đó chính quyền thành phố cần có những cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo. Ngoài ra, chính quyền thành phố cần đóng vai trò quan trọng trong việc dự báo nhu cầu nguồn lực, tăng cường công tác truyền thông hướng nghiệp nhằm giảm thiểu những tổn thất vô ích của xã hội trong đào tạo. Từ khóa: liên kết nhà trường và doanh nghiệp, thực hành nghề nghiệp, khả năng tìm việc. 1. VÌ SAO CẦN PHẢI LIÊN KẾT GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP? Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong nền kinh tế tri thức, nhân lực chính là nguồn tài nguyên vô tận, không hữu hạn như nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thực tế ở Nhật Bản, Đài Loan và nhiều quốc gia phát triển khác đã cho thấy, dù không có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng nhờ vào nguồn nhân lực, kinh tế của các quốc gia này vẫn phát triển vượt bậc. Giáo dục chính là cách để có thể tích lũy vốn con người nhằm tạo ra tăng trưởng kinh tế thông qua việc nâng cao năng suất lao động. Chất lượng nguồn nhân lực có mối quan hệ chặt chẽ với công tác đào tạo ở các cấp, đặc biệt là giáo dục đại học (ĐH). Theo Võ Thị Kim Loan (trích dẫn từ Chu Hảo, 2014), nhân lực chất lượng cao không đồng nghĩa với học vị cao mà đòi hỏi họ phải trở thành những người có năng lực thực tế, không phải ở dạng tiềm năng, để hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc nhất và có đóng góp thực sự hữu ích cho xã hội. Cụ thể hơn, Ngân hàng Thế giới chỉ ra yêu cầu đối với nguồn nhân lực trong đó gồm cả kiến thức và kỹ năng, trình độ lành nghề để phát triển kinh tế - xã hội trong một cộng đồng (WB, 2000). Kiến thức và kỹ năng là điều mà hầu hết mọi tổ chức tuyển dụng lao động đều yêu cầu ở người lao động phải có. Chính vì thiếu những yêu cầu của nhà tuyển dụng nên tỷ lệ thất 29
  2. LIÊN KẾT GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN… nghiệp của sinh viên (SV) sau khi ra trường còn ở mức cao. Bản tin về thị trường lao động Việt Nam của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của nhóm có trình độ cao đẳng (CĐ), ĐH và trên ĐH gia tăng. Cụ thể, quý III năm 2017, số người thất nghiệp có trình độ ĐH trở lên là 237 nghìn người, chiếm tỷ lệ 4,51%, tăng so với quý trước là 3,63%. Nhóm người lao động có trình độ CĐ thất nghiệp là 84,8 nghìn người, tăng 1,9 nghìn người so với quý trước. Trong nửa đầu năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Số người thất nghiệp có trình độ ĐH trở lên là 126 nghìn người, trình độ CĐ là 70,8 nghìn người. Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, thì đây là sự lãng phí mà nguyên nhân là do nhiều chương trình đào tạo không sát với thực tế, nhà trường vốn chỉ dạy những gì họ có chứ không dạy điều xã hội cần. Chương trình, kiến thức còn quá nặng nề, nghiêng về lý thuyết, thiếu thực hành, thiếu hướng nghiệp trong nhà trường. Tình trạng SV ra trường không làm đúng ngành được đào tạo cũng rất phổ biến. Cũng theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện có khoảng 60% SV ra trường làm trái ngành. Thậm chí nhiều SV còn làm những công việc ở các khu công nghiệp như lắp ráp linh kiện điện tử, công nhân may và phổ biến nhất hiện nay là chạy “xe ôm công nghệ” cho các hãng Uber hoặc Grab, những công việc không đòi hỏi trình độ ĐH. Việc SV không chịu tư duy tìm kiếm việc làm hoặc khởi nghiệp mà chỉ “nhăm nhăm” lao vào con đường “chạy xe ôm công nghệ” để kiếm sống là đang làm cho đất nước bị thụt lùi, mất đà phản triển, phóng viên Vương Phi, viện dẫn từ quan điểm của những nhà quản lý cho biết. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng SV ra trường thất nghiệp. Sự thụ động trong tìm kiếm việc làm, thiếu linh hoạt, nhạy bén khi đi tìm việc; thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, lập kế hoạch,…; ảo tưởng về công việc trong tương lai, không chấp nhận làm từ những công việc bình thường; không biết tạo dựng mối quan hệ để trau dồi kiến thức, chia sẻ thông tin; không có kinh nghiệm làm việc thực tế là những nguyên nhân chính mà các chuyên gia đã chỉ ra. Các chuyên gia cho rằng SV hãy mạnh dạn đi làm cộng tác viên, làm bán thời gian, nộp hồ sơ đi xin thực tập tại các công ty ngay từ năm 2 năm 3 để giải quyết yêu cầu về kinh nghiệm của nhà tuyển dụng. Ngay cả khi chấp nhận tuyển dụng SV mới ra trường thì nhà tuyển dụng cũng phải tiến hành đào tạo bổ sung cả về kiến thức và về kỹ năng. Ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Trung tâm đào tạo thuộc Ban quản lý Khu công viên phần mềm Quang Trung trước đây cho biết: “Hầu hết các các công ty phân mềm ở đây khi tuyển SV mới ra trường đều phải tiến hành đào tạo nội bộ, cả về quy trình và kiến thức. Nhiều công ty lớn còn có cả một bộ phận chuyên trách về đào tạo với thời gian từ 3 đến 6 tháng, tùy theo yêu cầu công việc”. Không chỉ thiếu về kinh nghiệm mà cả ý thức nghề nghiệp, trách nhiệm với công việc và tính kỷ luật cũng thiếu. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, giám đốc Công ty Tư vấn Chất lượng VJQC, một công ty có hơn 15 năm tham gia vào việc tuyển chọn, huấn luyện và đưa thực tập sinh đi làm việc ở Nhật Bản cho biết: “Tôi nhận thấy các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản 30
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC không chỉ quan tâm về trình độ (bằng cấp), mà chủ yếu họ cần những ứng viên có nhận thức, thái độ, tác phong nghiêm túc, đúng đắn trong công việc và kinh nghiệm thực tế của ứng viên. Thực tế cho thấy phần lớn lao động mới ra trường thường không đáp ứng được những tiêu chuẩn cơ bản ấy. Họ “biết nhiều” nhưng “làm ít” và ít quan tâm để ý đến những giá trị cơ bản như ý thức nghề nghiệp, trách nhiệm với công việc và tính kỷ luật thấp”. Một số nghiên cứu trước cũng đã chỉ ra sự cần thiết trong việc liên kết giữa nhà trường và DN. Trịnh Thị Mai Hoa (2008) cho rằng sự liên kết sẽ giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, chất lượng đào tạo, tỷ lệ SV có việc làm sẽ là kênh để tạo lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu cho nhà trường. Về phía DN, việc liên kết đào tạo sẽ giúp cho DN chủ động trong việc tìm được nguồn nhân lực phù hợp và giảm chi phí đào tạo lại. Phạm Thị Thu Phương (2016) có một so sánh với mô hình hợp tác ở các nước trên thế giới như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, Mỹ,… đã đi vào thực tiễn, trong khi đó ở Việt Nam, việc “học đi đôi với hành” còn mang tính “khẩu hiệu” dẫn đến SV có kết quả tốt nghiệp xuất sắc cũng không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Tác giả đưa ra 5 lý do cần thiết cho việc liên kết, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của con người trong một tổ chức, vai trò của công tác đào tạo của nhà trường và của DN sử dụng lao động. Như vậy, từ lý thuyết cho đến thực tiễn đều cho thấy sự cần thiết phải đẩy mạnh việc liên kết giữa nhà trường và DN trong đào tạo nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cho SV, giúp SV ngay sau khi ra trường sớm tìm được việc làm, hòa nhập và đáp ứng nhu cầu của các DN. 2. THỰC TẾ VỀ VIỆC LIÊN KẾT Đứng trước nhu cầu của nhà tuyển dụng, nhiều trường đã chủ động trong việc phát triển các chương trình đào tạo có liên kết với các DN nhằm tăng khả năng tìm được việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp. Về phía DN thì mục tiêu chính của việc liên kết là tìm nguồn tuyển dụng dồi dào hoặc đưa công nghệ của họ đào tạo cho SV. Tuy nhiên, sự liên kết này mới chỉ diễn ra ở một số cơ sở đào tạo và một số DN điển hình mà chưa được thực hiện rộng rãi. 2.1. Sự chủ động của nhà trường Sáng kiến thành lập ngân hàng mô phỏng của khoa Tài chính-Ngân hàng trường ĐH Mở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là một cách giúp SV ngành này có cơ hội thực hành nhiều nghiệp vụ của ngân hàng. Với đặc trưng rất khắt khe, đòi hỏi giao dịch chính xác cùng với những nguy cơ của rủi ro hệ thống, trong quá trình đi thực tập tại ngân hàng, SV không có cơ hội để thực hiện các nghiệp vụ, nhất là các nghiệp vụ liên quan đến những giao dịch được thao tác trên hệ thống phần mềm quản lý của ngân hàng. Tiến sĩ Trần Thế Sao, hiện phụ trách mô hình ngân hàng mô phỏng cho biết “Ngoài việc đi thực tập ở ngân hàng với mục tiêu trau dồi kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống thì SV của Khoa được thực hành nghề nghiệp ở ngay tại trường. Hệ thống ngân hàng mô phỏng ở đây cho phép SV 31
  4. LIÊN KẾT GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN… thực hiện được rất nhiều nghiệp vụ và nhờ đó mà nhiều SV sau khi ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng”. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, các trường trong khối ngành kỹ thuật không ngừng đẩy mạnh việc liên kết với các DN để đưa SV đi thực tập và tạo việc làm cho SV khi ra trường. Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Đoàn Quang Vinh, trả lời báo chí cho biết hiện trường đã có mối quan hệ chặt chẽ với hơn 200 DN và các tập đoàn kinh tế lớn như Công ty CP Ô-tô Trường Hải, Tập đoàn Intel,… nhằm tạo cầu nối vững chắc giữa nhà trường và DN trong việc giới thiệu SV thực tập và tạo việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp. Tương tự, khoa Công nghệ Cơ khí của trường ĐH Công nghiệp TP.HCM không ngừng mở rộng mạng lưới liên kết với các DN hoạt động trong ngành cơ khí để đưa SV đi thực tập ở khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận. Không chỉ gắn kết với DN về nơi thực tập mà Khoa còn tiến hành định hướng nghề nghiệp cho tân SV ngay từ khi mới nhập học tại trường. Điểm đặc biệt của Khoa là xây dựng mạng lưới cựu SV và chính những cựu SV của Khoa đã không chỉ tạo nơi thực tập mà còn chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp và cả trao học bổng cho SV, tạo động lực cho SV trong học tập. Điều này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Trịnh Thị Mai Hoa (2008). Không chỉ có khoa Công Nghệ Cơ Khí mà ở nhiều khoa khác trong trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng được đánh giá cao về việc đẩy mạnh liên kết với DN để SV sớm có môi trường thực hành nghề nghiệp. 2.2. Sự tham gia của doanh nghiệp Về phía DN, không chấp nhận cảnh bị động trong tuyển dụng, nhiều đơn vị đã chủ động tiến hành liên kết với nhà trường, nhận sinh viên thực tập nhằm tìm được nguồn nhân lực có chất lượng cao. “Độc đáo mô hình học kỳ doanh nghiệp” là tựa đề bài báo của phóng viên Giang Nam viết về mô hình liên kết mà trong đó Công ty CP Sài Gòn Food đã tạo sân chơi còn nhà trường thì kết nối để SV có cơ hội thực tập. Mới hình thành và đi vào hoạt động được 2 năm nhưng công ty đã tổ chức được 8 khóa học với sự tham gia của gần 700 SV đến từ nhiều trường như ĐH Nông Lâm, ĐH Công nghiệp Thực phẩm, ĐH Thủy sản Nha Trang,… tham gia trải nghiệm những công việc thực tế trong ngành chế biến thực phẩm. Bài báo cho biết nhiều SV tỏ ra hài lòng khi trực tiếp được thao tác trên các máy móc hiện đại, phức tạp, tại xưởng sản xuất. Về phía DN, với kết quả khảo sát có đến 72% SV đến thực tập có nguyện vọng ở lại làm việc tại công ty là minh chứng rất rõ về nguồn tuyển dụng nhân viên chất lượng cao, phù hợp với hoạt động của DN. “Quản trị viên tập sự” là chương trình huấn luyện được Công Ty Cổ Phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ) triển khai cho SV xuất sắc đang học năm cuối hoặc mới tốt nghiệp có cơ hội được trải nghiệm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau tại nhiều phòng ban khác nhau. Trong suốt thời gian tập sự, công ty cử người hỗ trợ, theo dõi, đánh giá và đây là cơ sở để công ty ra quyết định trong việc tuyển dụng, trở thành nhân viên chính thức của 32
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC PNJ. Với mô hình này PNJ không chỉ có nguồn tuyển dụng dồi dào và là những ứng viên xuất sắc mà người được tuyển dụng cũng sẽ sẵn sàng làm việc cho PNJ. “Chương trình đào tạo kỹ thuật Toyota” (T-TEP) được Công ty Toyota Việt Nam ký kết, triển khai ở nhiều trường ĐH có ngành cơ khí, chế tạo máy như trường CĐ Giao thông Vận tải Hà Nội, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghiệp Hà Nội, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long,... Sau 18 năm hoạt động của T-TEP, Toyota đã chi gần 1 triệu đô để xây dựng chương trình đào tạo, trang bị máy móc phục vụ học tập, cấp học bổng cho SV, nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên. Không chỉ có SV tham gia chương trình T-TEP được tham gia vào thực hành nghề nghiệp mà Toyota Việt Nam còn tạo nhiều cơ hội cho SV các ngành khác như quản trị, tài chính, kỹ sư sản xuất,… tham gia thực tập tại công ty trong thời linh hoạt, phù hợp với ngành đào tạo. Thông tin “Các thực tập sinh đóng vai trò quan trọng trong rất nhiều phòng ban của Toyota” được đăng tải trên website của Công ty cho thấy quan điểm của họ đối với công tác thực tập, tuyển dụng. 2.3. Vai trò của cơ quan quản lý Không chỉ là sự năng động của nhà trường hay chiến lược tìm kiếm nguồn nhân lực của DN, Nghị định 111/2017/NĐ-CP quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe cho thấy rõ vai trò của cơ quan quản lý trong việc tổ chức chương trình đào tạo gắn với thực hành. Là một ngành học đòi hỏi tính thực hành nghề nghiệp cao, SV của các trường y khoa luôn phải kết hợp giữa bài học lý thuyết và thực hành lâm sàng tại bệnh viện. Để đảm bảo cho SV có nơi thực tập tốt, các trường đào tạo y khoa đều đặt bộ môn ngay tại bệnh viện. Nghị định này của chính phủ đã khuyến khích, tạo môi trường thực tập, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và bệnh viện, giúp cho nhiều thế hệ SV y khoa có môi trường thực hành tốt ngày trong quá trình học. Nghị định 111/2017/NĐ-CP Điều 13. Quyền và trách nhiệm của cơ sở thực hành. 1. Cơ sở thực hành có các quyền sau đây: a. Được ưu tiên tham gia các chương trình, dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế và đào tạo nhân lực y tế; b. Được sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị của cơ sở giáo dục (nếu có) đặt tại cơ sở thực hành trong hoạt động chuyên môn; c. Được tính điểm khi đánh giá chất lượng và xếp hạng cơ sở y tế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; d. Được công nhận là một bộ phận thực hiện nhiệm vụ đào tạo của cơ sở giáo dục sau khi ký hợp đồng chi tiết đào tạo thực hành với cơ sở giáo dục. 33
  6. LIÊN KẾT GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN… Với mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và mục tiêu tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 5444/BGDĐT-GDĐH về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trình độ ĐH. Ngoài việc ban hành những cơ chế đặc thù về đào tạo tại điều 1, điều 2 của công văn này quy định rõ về việc: “Hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp”. Theo đó, các cơ sở đào tạo phải gắn kết với các DN nhằm (i) tạo môi trường thực tập, nâng cao kỹ năng thực hành, đẩy mạnh những ứng dụng mang tính thực tiễn cho SV; (ii) thỏa thuận với DN để cử chuyên gia tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành; (iii) phối hợp với các DN, hiệp hội để dự báo nhu cầu nhân lực về cả số lượng, chất lượng. Về chương trình đào tạo theo hướng mở được đề cập tại mục 3, theo đó ngoài, những nội dung cốt lõi thì cần đưa vào phần tự chọn hướng đến những công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trên tinh thần đó, thời gian qua, nhiều trường đào tạo ngành công nghệ thông tin đã có những thay đổi đáng kể, nhất là việc liên kết với các DN. Trường ĐH Công nghệ Thông tin TP.HCM đã đẩy mạnh việc đánh giá theo tiêu chuẩn AUN-QA trong đó có những nội dung đánh giá về trang thiết bị thực hành, nội dung chương trình nền tảng và chuyên sâu, đội ngũ giảng viên và chuyên gia,... Cũng theo thông tin trên trang web của trường thì cơ sở đào tạo này đã ký kết với nhiều DN phần mềm, tổ chức ngày hội việc làm nhằm kết nối giữa DN và SV. Nhiều cơ sở đào tạo ngành công nghệ thông tin khác cũng rất năng động trong việc điều chỉnh chương trình học, đẩy mạnh việc thực tập theo các dự án, kết hợp đào tạo để cấp các chứng chỉ nghề có uy tín như chứng chỉ của Microsoft, Oracle, Cisco ngay trong thời gian học ở trường. Tóm lại, một số thực trạng nêu trên đã chứng minh cho thấy tính hiệu quả từ hoạt động liên kết giữa các cơ sở đào tạo và DN trong việc xây dựng chương trình đào tạo, hướng nghiệp, tạo môi trường thực tập. Để đẩy mạnh việc liên kết, thông qua tìm hiểu những trường hợp cụ thể nêu trên cho thấy các cơ sở đào tạo cần phải chủ động trong việc kết nối với DN trên tinh thần hợp tác đôi bên, nhà trường và DN, đều có lợi và phân công trách nhiệm rõ ràng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt vẫn cần có sự hỗ trợ, định hướng và can thiệp của cơ quan quản lý. 3. KẾT LUẬN Thật khó để tìm ra câu trả lời “Chính quyền các cấp đóng vai trò quan trọng như thế nào, cần làm gì trong việc hỗ trợ sự kết nối giữa DN và các cơ sở đào tạo với mức độ chuyên môn khác nhau?”. Tuy nhiên, dựa vào một số bằng chứng, chúng tôi đưa ra một số ý kiến tham luận bàn về “Vai trò của chính quyền thành phố trong việc hỗ trợ kết nối DN và các cơ sở đào tạo chuyên sâu, đào tạo nghề” như sau: Về quan điểm, nhà trường cần xem việc liên kết với DN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo. Qua việc lược khảo lý thuyết cũng như thực tiễn đều cho thấy sự cần thiết phải trang bị cả kiến thức, kỹ năng, tinh thần thái độ cho SV trong suốt quá trình đào tạo. Để quan điểm này được lan tỏa trong các cơ sở đào tạo thì chính 34
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC quyền thành phố cần phổ biến rộng rãi, khuyến khích và tạo môi trường để nhà trường và DN gặp gỡ, kết nối để từ đó hoàn thành sứ mệnh của công tác đào tạo là tạo ra nguồn nhân lực cho xã hội mà không lãng phí. Mở rộng hơn, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh, khuyến khích các cơ sở đào tạo có những mô hình nhằm cải cách hình thức đào tạo nặng về lý thuyết mà cần kết hợp với thực hành nghề nghiệp cho sinh viên trong suốt thời gian theo học. Về hành động, các trường cần đóng vai trò chủ động trong công tác đào tạo và liên kết với các DN trong khi đó chính quyền thành phố cần tạo những cơ chế động viên khuyến khích. Một số mô hình ở trường ĐH Mở, trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM, trường ĐH Công nghệ Thông tin đã cho thấy rõ vai trò của nhà trường trong việc tạo môi trường thực tập, cập nhật chương trình học, tìm nơi thực tập, định hướng rõ nghề nghiệp,… nhằm giúp cho SV trang bị kiến thức, kỹ năng và có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng ngay sau khi ra trường. Về phía DN, ngoài việc tìm được nguồn tuyển sinh dồi dào hoặc một số DN có nhu cầu nhận SV thực tập để định hướng thương hiệu sản phẩm cho các khách hàng trong tương lai thì nhiều DN còn chưa nhiệt tình tham gia vào công tác đào tạo SV. Chính vì thế mà chính quyền thành phố cần có cơ chế động viên, khuyến khích, xây dựng những tiêu chí cụ thể nhằm ghi nhận sự đóng góp của DN, nhất là các DN lớn, trong công tác đào tạo. Về công tác hướng nghiệp, chính quyền thành phố cần đóng vai trò chủ chốt trong việc kết nối các cơ quan hữu quan để dự báo nhu cầu nhân lực, tránh tình trạng lãng phí trong đào tạo: Thực trạng SV ra trường thất nghiệp hoặc làm việc trái nghề đào tạo đặt ra cho các cơ quan quản lý của thành phố phải có kế hoạch để dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, qua đó định hướng, phân luồng học sinh. Việc tăng cường công tác truyền thông hướng nghiệp và nhu cầu nguồn nhân lực sẽ giúp phụ huynh và học sinh phổ thông có thêm thông tin trong việc ra quyết định lựa chọn ngành học, hướng đi tiếp theo khi tốt nghiệp phổ thông, tránh tình trạng xã hội phải tốn kém vô ích trong công tác đào tạo mà SV ra trường lại rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc làm việc không đúng ngành nghề đào tạo. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phạm Minh Hạc, 2003. Đi vào thế kỷ XXI phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ CNH-HĐH đất nước. Tạp chí LĐ- XH, Số 215. 2. Võ Thị Kim Loan, 2014. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ở thành phố Hồ Chí Minh. Luận án tiến sĩ kinh tế. 3. Trịnh Thị Mai Hoa, 2008. Liên kết đào tạo giữa nhà trường đại học với doanh nghiệp ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế-Luật 24 (2008) 30-34. 4. Phạm Thị Thu Phương, 2016. Các phương thức hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong đào tạo sinh viên ngành du lịch đáp ứng nhu cầu hội nhập. Tạp chí Phát triển KH&CN, tập 19, số X5-2016. 35
  8. LIÊN KẾT GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN… 5. WB, 2000. World Development Indicators. Oxford, London. 6. Nghị định 111/2017/NĐ-CP: Quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe. 7. Công văn 5444/BGDĐT: Về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT trình độ đại học. 8. Thông tin từ websie của Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội. Hai mươi năm chuyển dịch cơ cấu lao động ở Việt Nam. http://www.molisa.gov.vn/vi/pages/ ChiTiet.aspx?IDNews=14718, truy cập ngày 14/12/2016. 9. Thông tin từ websie baomoi.com. Giật mình 60% cử nhân làm trái nghề, quá nhiều người chọn việc chạy Grab, Uber để kiếm sống. https://baomoi.com/giat-minh-60- cu-nhan-lam-trai-nghe-qua-nhieu-nguoi-chon-viec-chay-grab-uber-de-kiem- song/c/24286282.epi, truy cập ngày 14/12/2017. 10. Thông tin từ websie nhandan.com.vn.237 nghìn cử nhân thất nghiệp trong quý III năm 2017.http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/35112802-237-nghin-cu-nhan- that-nghiep-trong-quy-iii-nam-2017.html, truy cập ngày 26/12/2017. 11. Thông tin từ websie nld.com.vn. Độc đáo mô hình học kỳ doanh nghiệp, https://nld.com.vn/cong-doan/doc-dao-mo-hinh-hoc-ky-doanh-nghiep- 20180331202536056.htm, truy cập ngày 1/4/2018 12. Thông tin từ website của các trường: https://www.uit.edu.vn/; http://hcmute.edu.vn/; http://hufi.edu.vn/, v.v.v 36
nguon tai.lieu . vn