Xem mẫu

  1. VÀI NÉT VỀ KHOA HỌC GIÁO DỤC VỚI SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM GS.TS Phan Văn Kha Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, 101 Trần Hưng Đạo, Hà Nội ĐT: 0913593846, Email: khapv@vnies.edu.vn Tóm tắt Phát triển sự nghiệp giáo dục gắn liền với sự phát triển của khoa học giáo dục (KHGD) qua các thời kỳ. Nghiên cứu KHGD có phạm vi bao quát rộng, gồm những nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phương pháp luận khoa học phát triển các chuyên ngành khoa học giáo dục, tạo nền tảng vững chắc, lâu dài cho những nghiên cứu ứng dụng, triển khai; cung cấp những luận cứ khoa học cho những đổi mới quản lý cấp hệ thống và cấp cơ sở giáo dục, đổi mới quá trình giáo dục trong các loại hình cơ sở giáo dục. Cùng đồng hành với sự nghiệp của Viện trong 60 năm qua, KHGD đã có những bước phát triển, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu KHGD của Viện thời gian qua cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của sự phát triển giáo dục nước nhà. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện KHGD Việt Nam, tác giả mong muốn giới thiệu khái quát về một số thành tựu cơ bản, cũng như những hạn chế, bất cập trong nghiên cứu KHGD của Viện, nguyên nhân của những hạn chế bất cập; về định hướng phát triển KHGD, góp phần đổi mới giáo dục trong giai đoạn tới. Từ khóa: Khoa học giáo dục; Nghiên cứu cơ bản;nghiên cứu ứng dụng, triển khai; chiến lược giáo dục, chính sách giáo dục, mô hình giáo dục, chương trình giáo dục, quá trình giáo dục. Abstract Educational development is associated with the development of educational sciences through periods. Educational science researches cover a broad scope, including basic researches, scientific methodological researches aiming at developing educational science majors, creating a solid and long-term foundation for applied researches and their development; provide scientific arguments for management innovations at educational system and institutional levels, as well as innovations of the 1
  2. educational process in various types of educational institutions. Along with the VNIES's cause over the past 60 years, educational sciences have made great strides and important contributions to the educational development of the country. However, research activities of the Institute over the past time have also revealed limitations and inadequacies, having not promptly met requirements of the educational development of the country. On the occasion of the 60th anniversary of the foundation of VNIES, the author briefly introduces basic achievements, as well as limitations and inadequacies in VNIES's educational science researches, causes of limitations and inadequacies; development orientations of education sciences , contributing to educational reform in the coming period. Keywords: Education science; basic research, applied research; educational strategy, educational policy, educational model, educational program, educational process Mở đầu Khoa học giáo dục (KHGD) được hiểu một cách khái quát là khoa học về giáo dục con người. Chức năng cơ bản của KHGD là nghiên cứu bản chất và tính quy luật của những sự kiện, hiện tượng, quá trình giáo dục, xu hướng diễn biến của giáo dục trong đời sống xã hội, sự tương tác hai chiều của giáo dục với môi trường kinh tế - xã hội, nhằm vận dụng vào việc cải tạo thực tiễn và dự báo tương lai phát triển sự nghiệp giáo dục. Cũng như các khoa học khác, KHGD thực hiện các chức năng nhận thức, cải tạo, dự báo trong lĩnh vực giáo dục. Nghiên cứu KHGD có phạm vi bao quát rộng, gồm những nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phương pháp luận khoa học phát triển các chuyên ngành khoa học giáo dục, tạo nền tảng vững chắc, lâu dài cho những nghiên cứu ứng dụng, triển khai, cung cấp những luận cứ khoa học cho những đổi mới quản lý cấp hệ thống và cấp cơ sở giáo dục, đổi mới quá trình giáo dục trong các loại hình cơ sở giáo dục. Nghiên cứu KHGD phục vụ cho cả những người thiết kế chính sách giáo dục và cho cả những người hoạt động thực tiễn giáo dục, cung cấp các luận cứ khoa học vững chắc trên cả bình diện lý luận và thực tiễn cho các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và triển khai thực tiễn ở các cơ sở giáo dục, tránh tình trạng mò mẫm làm theo kinh nghiệm. 2
  3. Trình độ phát triển của KHGD bảo đảm cho sự nghiệp giáo dục phát triển đúng hướng, đáp ứng những yêu cầu của xã hội trong từng thời kỳ. Phát triển khoa học giáo dục gắn liền với phát triển sự nghiệp giáo dục qua các thời kỳ. Nghiên cứu khoa học giáo dục của Viện đã có những bước phát triển, những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu KHGD trong thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của sự phát triển giáo dục nước nhà. I. KHÁI QUÁT VỀ PHÁT TRIỂN KHGD VIỆT NAM 1. Một số thành tựu nghiên cứu Nhìn chung, sau sáu thập kỷ, KHGD Việt Nam đã, đang trong quá trình hình thành và và phát triển, đã có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn giáo dục nước nhà, đặc biệt là từ khi chuẩn bị và tiến hành ba lần cải cách giáo dục trước đây và đổi mới giáo dục hiện nay. Về nghiên cứu cơ bản: Nhìn chung, công tác nghiên cứu KHGD trong những năm qua đã có những bước trưởng thành nhất định về nhận thức, về phương pháp luận và kĩ thuật nghiên cứu dần tiếp cận theo hướng hiện đại, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển GD&ĐT. - Nghiên cứu những vấn đề về phương pháp luận KHGD, các cách tiếp cận, các phương pháp nghiên cứu cụ thể, phát triển lý luận các chuyên ngành KHGD. Những kết quả nghiên cứu đã góp phần tiếp tục củng cố và phát triển một số lĩnh vực/chuyên ngành khoa học đã có, như: Giáo dục học, Tâm lý học giáo dục; Lý luận và phương pháp dạy học các bộ môn …. Tuy nhiên, những nghiên cứu về những lĩnh vực nêu trên chủ yếu tập trung cho các cấp học mầm non và phổ thông. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu phục vụ thực tiễn phát triển giáo dục, một số hướng nghiên cứu mới được triển khai, nghiên cứu phương pháp luận khoa học phát triển các cấp học và lĩnh vực giáo dục đặc thù, đặt nền móng cho việc dần hình thành các chuyên ngành KHGD mới, như: Xã hội học giáo dục; Giáo dục học mầm non; Giáo dục học phổ thông; Giáo dục học đặc biệt; Giáo dục học nghề nghiệp; Giáo dục học đại học; Giáo dục học thường xuyên. Viện đã và đang đóng góp vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển chuyên ngành khoa học mới - Khoa học quản lý giáo dục trong hệ thống các chuyên ngành KHGD ở nước ta – nền tảng để hình thành và phát triển chuyên ngành đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ về Quản lý giáo dục. 3
  4. Từ những năm 90 trở lại đây, trước yêu cầu nghiên cứu phục vụ công tác quản lý ngành, nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý giáo dục và phát triển nguồn nhân lực đã được triển khai. Nghiên cứu về quản lý nhà nước về GD và quản lý cơ sở giáo dục; khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; các mô hình và phương pháp dự báo; phương pháp luận xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển giáo dục; chiến lược và quy hoạch phát triển nhân lực; các mô hình quản lý chất lượng giáo dục; các luận cứ khoa học về đào tạo và bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục,.v.v... - Đóng góp có ý nghĩa vào việc xây dựng hệ thống quan điểm mới về phát triển giáo dục trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự điều tiết của nhà nước, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; chuẩn hóa và xã hội hóa giáo dục;… Về nghiên cứu ứng dụng, triển khai: Những nghiên cứu ứng dụng, triển khai đã chú trọng trực tiếp phục vụ quản lí chỉ đạo, góp phần giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của ngành. Trong những năm qua nhiều công trình nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho việc đổi mới hệ thống giáo dục và đóng góp có ý nghĩa vào việc xây dựng các văn bản quan trọng về giáo dục. (1) Nghiên cứu cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng các chiến lược của ngành và các chính sách của Đảng, nhà nước, phục vụ công tác quản lí, chỉ đạo ngành. Nhiều công trình khoa học đã được nghiệm thu, nhiều công bố khoa học có chất lượng, có giá trị, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng các đề án lớn, cấp quốc gia. Viện đã tham gia một số nghiên cứu mang tính liên ngành thông qua 3 Chương trình Khoa học công nghệ cấp Nhà nước về mối quan hệ giữa phát triển văn hóa, phát triển con người và phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chủ trì các đề tài khoa học công nghệ độc lập cấp nhà nước về phát triển nguồn nhân lực công nghệ ưu tiên ở nước ta thời kỳ CNH, HĐH và đánh giá chương trình giáo dục phổ thông.v.v…; các đề tài trọng điểm cấp Bộ và cấp Bộ về cơ cấu ngành đào tạo đại học, đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, mối quan hệ đạo tạo với sử dụng nhân lực, giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, phát triển chương trình và phương pháp giáo dục.v.v… - Nghiên cứu đề xuất các phương án đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định NĐ/90-CP ngày 24/11/1993 qui định về 4
  5. cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng chứng chỉ về giáo dục - đào tạo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lần đầu tiên đưa đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ vào cơ cấu hệ thống, và được chính thức hoá trong Luật Giáo dục 1998. Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW8 khóa XI, Viện tiếp tục nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học và đề xuất phương án đổi mới cơ cấu hệ thống GD quốc dân cho phù hợp với giai đoạn mới. Với tư cách là Thường trực Ban soạn thảo Đề án đổi mới chương trình GDPT sau năm 2015, một vấn đề lớn bao trùm và trước hết cần được quyết định, đó là: Cơ cấu khung hệ thống giáo dục quốc dân cần được đổi mới theo hướng nào cho phù hợp, đặc biệt là tổng số năm học phổ thông (10 năm/ hay 11, 12 năm…?) và cơ cấu số năm học của TH, THCS, THPT ? Xung quanh vấn đề này đã có nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn, các cuộc tranh luận sôi nổi, với nhiều quan điểm khác nhau. Bằng kết quả nghiên cứu của Viện, nghiên cứu kinh nghiệm qua 3 lần cải cách giáo dục ở nước ta, kinh nghiệm quốc tế về cơ cấu hệ thống GD và chương trình giáo dục, Chính phủ và Ban TGTW và đại đa số các nhà khoa học ủng hộ phương án giữ ổn định hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm, theo cơ cấu 5n TH + 4n THCS + 3n THPT. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của Viện, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/ 2016 phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có Giáo dục Mầm non, Giáo dục phổ thông (TH, THCS, THPT), Giáo dục nghề nghiệp (trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng) và Giáo dục đại học (Đại học, Thạc sỹ, Tiến sỹ); Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam, gồm 8 bậc: 8 bậc: Bậc 1 - Sơ cấp I; Bậc 2 - Sơ cấp II, Bậc 3 - Sơ cấp III, Bậc 4 - Trung cấp; Bậc 5 - Cao đẳng; Bậc 6 - Đại học; Bậc 7 - Thạc sĩ; Bậc 8 - Tiến sĩ. Các Quyết định nêu trên là nền tảng, tiền đề quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. - Viện đã triển khai các nghiên cứu, tham gia xây dựng và triển khai các đề án về đổi mới chương trình GDMN, Giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc và giáo dục đặc biệt qua các thời kỳ cải cách, đổi mới GD ở nước ta. Nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 09 tháng 12 năm 2000 của Quốc hội; là cơ quan thường trực triển khai Đề án xây dựng chương trình GDPT năm 2000. Theo phân công của Bộ, Viện đã chủ trì xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông và mầm non theo Đề án đã được phê duyệt. 5
  6. Năm 2011, Viện với tư cách là Thường trực Ban Soạn thảo Đề án về đổi mới chương trình GDPT, Đề án khởi thảo đã xác định được những định hướng quan trọng cho đổi mới chương trình GDPT, như: Định hướng phát triển năng lực người học; phát triển chương trình giáo dục tích hợp, đặc biệt ở tiểu học, giáo dục phân hóa theo hướng tự chọn, đặc biệt ở THPT; tăng cường các hoạt động trải nghiệm và hoạt động giáo dục hướng nghiệp.v.v.. Dự thảo Đề án được lãnh đạo Bộ đánh giá tốt và đã chuyển giao cho Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Chương trình và biên soạn SGK của Bộ GD&ĐT để tiếp tục hoàn thiện, làm căn cứ để xây dựng, ban hành Chương trình GDPT 2018. Đội ngũ cán bộ khoa học của Viện tiếp tục có những đóng góp cho sự ra đời của Chương trình GDPT 2018 và tham gia các nhóm biên soạn SGK. - Viện KHGD VN là cơ quan thường trực, trực tiếp nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển GD 2001 – 2010 và 2011 – 2020. - Viện được giao chủ trì hoặc tham gia xây dựng các văn kiện, báo cáo quan trọng về giáo dục, như: NQTW 2 (khóa VIII) về đổi mới GD; xây dựng các báo cáo của Chính phủ về tình hình GD; dự thảo nội dung liên quan đến GD để đưa vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XI; chủ trì xây dựng Báo cáo đánh giá thực trạng và kết quả thực hiện Nghị quyết TW2 khóa VIII về giáo dục; Thường trực Ban soạn thảo xây dựng Đề án, dự thảo Nghị quyết về đổi mới GD. Nghị quyết số 29-NQ-TW ngày 04/11/2013 của BCH TW đã được thông qua tại Hội nghị trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. - Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt những nghiên cứu về mô hình cơ sở giáo dục, Viện đã đề xuất cho sự ra đời nhiều mô hình (MH) cơ sở giáo dục mới, tiêu biểu trong những năm của thập kỷ 70 và 80, như: MH giáo dục xã Cẩm Bình; Trường Trung học cơ sở Bắc Lý, Hà Nam; Trường Thanh niên XHCN Hòa Bình. Những mô hình nêu trên còn tiếp tục phát huy tác dụng cho đến ngàn nay. Trong thời kỳ đổi mới, trên cơ sở các nghiên cứu của Viện, một số MH giáo dục đã đưa vào triển khai trong thực tiễn, góp phần đa dạng hóa các loại hình cơ sở GD, tạo sức sống mới cho hệ thống giáo dục quốc dân, dần từng bước xây dựng xã hội học tập, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Đó là các MH: Trung tâm học tập cộng đồng; Trường Phổ thông dân tộc nội trú; Trung tâm dạy nghề cấp quận/huyện; Trường Dạy nghề trung học/ Trường Trung học nghề; Trường Cao đẳng cộng đồng; các MH trường bán công, dân lập và tư thục. Viện tập trung triển khai nhiều công trình khoa học về chất lượng và quản lý chất lượng giáo dục, các yếu tố điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục (đội ngũ giáo 6
  7. viên và cán bộ quản lý, nguồn lực,...); những vấn đề nóng nảy sinh trong thực tiễn, trong từng giai đoạn, như: ngăn ngừa lưu ban, bỏ học; vấn đề thi và đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh; dạy học tiếng dân tộc và dạy học song ngữ cho học sinh dân tộc thiểu số; bạo lực học đường.v.v... Ngoài việc chủ trì và tham gia các chương trình và đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, cơ sở, các nhà khoa học còn là lực lượng chủ chốt nghiên cứu, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu nhằm tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách của Ngành như đổi mới giáo dục đại học, đổi mới công tác quản lý giáo dục các cấp, phát triển giáo dục miền núi; phổ cập giáo dục tiểu học, THCS; giáo dục thường xuyên; phát hiện, bồi dưỡng tài năng học sinh, sinh viên; đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật trường học, đổi mới đánh giá và thi. Cùng với các kết quả nghiên cứu và sự cố gắng của Viện KHGD VN, để nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của hệ thống giáo dục, triển khai giải pháp của Chiến lược phát triển GD 2011-2020 và Nghị quyết Hội nghị TW8 khóa XI, Viện đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”. Theo sự phân công của Bộ GD&ĐT, Viện đã huy động lực lượng triển khai các hoạt động nghiên cứu, thiết kế Thuyết minh của Chương trình, tổ chức nhiều hội thảo khoa học để xin ý kiến góp ý, hoàn thiện. Thuyết minh Chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước đã được thông qua Hội đồng Thẩm định cấp Bộ năm 2013 và Hội đồng cấp Nhà nước 4/2014. Đây là Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước đầu tiên của Bộ, nhờ có sự đầu tư thích đáng từ ngân sách nhà nước, nhiều đề tài nhà nước đã và đang được triển khai thời gian qua, góp phần triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đổi mới GD. Mặc dù chất lượng các công trình KHGD và sự đóng góp của KHGD còn hạn chế, nhưng 60 năm qua KHGD đã được ghi nhận có bước phát triển, phạm vi bao quát rông hơn, từ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng triển khai, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển giáo dục qua các thời kỳ. Về những công bố khoa học: Những kết quả nghiên cứu khoa học được chuyển giao trực tiếp cho Bộ, các cơ quan chức năng có liên quan để ứng dụng trong thực tiễn, được công bố định kỳ trên Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế, các chuyên khảo khoa học, các kỷ yếu hội thảo khoa học nhân dịp kỷ 7
  8. niệm 40 năm, 45 năm và 50 năm thành lập Viện, các hội thảo khoa học theo các chủ đề. Đặc biệt là đội ngũ nhà khoa học của Viện là tác giả của hàng nghìn đầu sách giáo khoa, sách giáo viên và sách tham khảo cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.v.v… Một công trình khoa học về những dấu ấn, những thành tựu nổi bật của KHGD Việt Nam giai đoạn đổi mới. Cuốn chuyên khảo “Khoa học Giáo dục Việt Nam từ đổi mới đến nay”, do Phan Văn Kha và Nguyễn Lộc làm đồng Chủ biên, có sự đóng góp chủ yếu của 37 cán bộ khoa học – các chuyên gia đầu ngành về KHGD và toàn thể đội ngũ cán bộ khoa học của Viện. Sách do NXB Đại học Quốc gia Hà nội ấn hành tháng 11/2011, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (06/12/1961 – 06/11/2011). Cuốn sách đã khái quát các giai đoạn phát triển KHGD việt Nam từ đổi mới đến năm 2010, các thành tựu nổi bật của các lĩnh vực của khoa học giáo dục, những đóng góp quan trọng cho quá trình đổi mới giáo dục nước nhà. Với chất lượng và giá trị khoa học của cuốn sách chuyên khảo, sách chuyên khảo đã được Hội đồng Giải thưởng sách hay Quốc gia trao giải Bạc Sách hay năm 2013. Viện cũng là nơi quy tụ được đội ngũ cán bộ KHGD trong cả nước, cộng tác trong nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng sau đại học về KHGD. Biểu hiện rõ nét là, Viện đã chủ trì tổ chức thành công “Hội thảo quốc gia về Khoa học giáo dục Việt Nam”, được tổ chức vào tháng 2/2011, quy tụ được trí tuệ của gần 600 nhà khoa học giáo dục và quản lý giáo dục trong cả nước, các chuyên gia hàng đầu về GD và KHGD tham dự, với gần 150 báo cáo tham luận tại Hội thảo, có sự tham gia của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, các đồng chí lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Các báo cáo và ý kiến tham luận tại hội thảo với nội dung rất phong phú, đề cập các khía cạnh đa dạng của giáo dục, chia sẻ các kết quả nghiên cứu KHGD, là những đóng góp quan trọng cho những nghiên cứu của Viện, xây dựng các đề án lớn của ngành GD, như: Đề án xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020; Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, biên soạn sách giáo khoa; và đặc biệt với vai trò là Thường trực Ban Soạn thảo Đề án và Dự thảo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo sau đại học: Hoạt động nghiên cứu khoa học có sự gắn kết chặt chẽ với đào tạo sau đại học các chuyên ngành KHGD tại Viện. Vận dụng các kết quả nghiên cứu khoa học trong 8
  9. việc xây dựng mới/ hoặc hoàn thiện chương trình đào tạo và chương trình các học phần hiện có, biên soạn sách chuyên khảo, giáo trình và các tài liệu dạy học. Các kết quả nghiên cứu KHGD góp phần quyết định cho sự ra đời chuyên ngành đào tạo mới về Quản lý giáo dục và tiếp tục phát triển các chuyên ngành đào tạo đã có trước đây. Viện được đánh giá là một trong số các cơ sở đào tạo sau đại học về KHGD hàng đầu ở nước ta. Đồng thời, thông qua đào tạo sau đại học, các nhà khoa học phát hiện những vấn đề mới nảy sinh cần được nghiên cứu để vận dụng giải quyết thực tiễn. 2. Những hạn chế, bất cập của nghiên cứu KHGD Việt Nam Một số hạn chế, bất cập của KHGD Việt Nam thể hiện: - Chất lượng của một số công trình nghiên cứu còn hạn chế, còn thiếu toàn diện, hệ thống và hiệu quả thấp; thiếu những nghiên cứu đi trước, đón đầu để cung cấp những luận cứ khoa học kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, đáp ứng kịp thời nhu cầu đổi mới giáo dục. Một số chủ trương, chính sách chưa được nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo trước khi ban hành và tổ chức thực hiện, tổ chức thực hiện còn có nhiều thiếu sót. - Các nghiên cứu cơ bản chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức để tạo nền tảng vững chắc, lâu dài cho các nghiên cứu ứng dụng – triển khai, phục vụ hiệu quả tiến trình đổi mới giáo dục trong bối cảnh mới. Những nghiên cứu lựa chọn và triển khai chưa theo kịp với xu thế quốc tế và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển KHGD nước ta, trong đó có những lĩnh vực nghiên cứu liên ngành và sự phân hóa các chuyên ngành KHGD hiện có thành các lĩnh vực, chuyên ngành hẹp. Đa số những vấn đề trong nghiên cứu KHGD hiện nay đều có tính chất phức tạp, liên ngành, không chỉ là các tri thức của tâm lí học, sinh lí học, Lý luận và phương pháp dạy học các bộ môn như trước kia. Xuất hiện xu hướng và nhu cầu nghiên cứu những lĩnh vực khoa học liên ngành (như: Kinh tế học giáo dục; Xã hội học giáo dục.v.v..) và sự phân hóa các chuyên ngành KHGD trước đây thành các chuyên ngành chuyên sâu, hẹp hơn (như: Khoa học quản lí giáo dục, Triết học giáo dục, Lịch sử giáo dục, Giáo dục so sánh, Đo lường, đánh giá trong giáo dục, Quản lý chất lượng giáo dục, Khoa học dự báo giáo dục…) nhưng chưa được quan tâm thích đáng trong đầu tư nghiên cứu. Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo ngành và quá trình dạy học, giáo dục còn chậm, hiệu quả thấp. Việc thông tin, phổ biến và chuyển giao các kết quả nghiên cứu, các mô hình, điển hình giáo dục tiên tiến chưa được quảng bá một cách sâu rộng đến các cơ sở giáo dục. Việc đăng tải và phổ biến kết quả nghiên cứu tại các tạp chí nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức. 9
  10. Việc xây dựng chương trình nghiên cứu và lựa chọn đề tài của từng đơn vị dù đã có tiến bộ nhưng vẫn còn tản mạn, thiếu tính hệ thống, thiếu một tầm nhìn đủ rộng đủ nhạy bén, một tư tưởng khoa học xuyên suốt trong nghiên cứu. Nhiều vấn đề cốt lõi và bức xúc của giáo dục tuy được nghiên cứu, song kết quả thu được chưa có sức thuyết phục cao. Phương pháp và quy trình, kỹ thuật nghiên cứu còn chưa cập nhật, thiếu chuẩn mực, ảnh hưởng đến chất lượng của các công trình khoa học. Nguyên nhân chủ quan và khách quan của những bất cập, yếu kém: (1) Năng lực của đội ngũ cán bộ nghiên cứu KHGD còn hạn chế, chưa xứng tầm với vị trí, vai trò và trách nhiệm của Viện đối với sự nghiệp phát triển KHGD, đóng góp trí tuệ cho sự nghiệp đổi mới giáo dục của đất nước. (2) Tư duy về nghiên cứu KHGD chậm đổi mới, thiếu một tầm nhìn rộng để định hướng về phát triển KHGD trong mối liên quan trực tiếp với hoạt động giáo dục cũng như các lĩnh vực khoa học khác. Tính chủ động trong xác định những hướng và nội dung nghiên cứu bị hạn chế bởi các nguyên nhân khách quan và chủ quan. (3) Vai trò, vị trí của KHGD chưa thực sự được chú trọng; Cơ quan quản lý cấp trên chưa quan tâm, tập trung đầu tư nâng cao năng lực của Viện - Cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục quốc gia, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục, như giải pháp đã được xác định tại Nghị quyết TW8 khóa XI. Có một thực tế là còn có những ý kiến băn khoăn về vai trò của KHGD. Đồng thời, nhiều ý kiến còn quá chú trọng tới những nghiên cứu ứng dụng, triển khai để giải quyết những vấn đề cấp bách, trước mắt, coi sự độc tôn của nghiên cứu ứng dụng; chưa coi trọng đúng mức nghiên cứu cơ bản để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của KHGD và cho những nghiên cứu ứng dụng, triển khai. (4) Sự biến động về mặt tổ chức và những hệ lụy Các cơ quan nghiên cứu KHGD có nhiều biến động về tổ chức, thiếu ổn định đã gây nhiều tác động hạn chế sự phát triển đội ngũ cán bộ khoa học. Năng lực của đội ngũ nhân lực KHGD còn nhiều hạn chế. Cùng với những bước phát triển nhanh về kinh tế xã hội ở nước ta qua nhiều thời kỳ, sự hình thành và phát triển KHGD, các chuyên ngành KHGD gắn liền với sự ra đời và phát triển của các cơ quan nghiên cứu KHGD trong 60 năm qua. Trước nhu cầu nghiên cứu ngày càng đa dạng về đối tượng và phạm vi ngày càng mở rộng, về mặt tổ chức các đơn vị nghiên cứu KHGD đã có một loạt sự kiện: 10
  11. với sự ra đời của Viện Khoa học giáo dục theo quyết định số 859/QĐ-BGD ngày 06/12/1961 của Bộ Giáo dục với chức năng nghiên cứu những vấn đề giáo dục phổ thông, và sau này là giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non. Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề được thành lập Theo Quyết định số 109/LĐ-VP ngày 24/3/1977 của Bộ trưởng Bộ Lao động (và sau này là Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề), Viện Nghiên cứu Đại học và Trung học chuyên nghiệp (thuộc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp) ra đời theo Quyết định số 347/CP của Hội đồng chính phủ 27/12/1977, và sau này hai Viện đã hợp nhất và tổ chức lại thành Viện NC Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp (năm 1987), Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (năm 1994). Năm 1998, Sau khi Chính phủ quyết định chuyển dạy nghề sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, đồng thời chức năng nghiên cứu về dạy nghề cũng được chuyển giao cho Bộ LĐTB&XH. Năm 2003, sát nhập Viện KHGD và Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục, tổ chức lại, thành lập Viện Chiến lược và Chương trình GD và sau này là Viện KHGD VN (năm 2008) – Cơ quan nghiên cứu quốc gia về KHGD. Sự sáp nhập và tổ chức lại các viện nghiên cứu quốc gia ảnh hưởng tới tiềm lực nghiên cứu của Viện, không những không được nâng cao, mà ngược lại bị suy giảm. Một loạt các đơn vị nòng cốt (có thể nói là quan trọng nhất) trong nghiên cứu KHGD của Viện cùng với đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, được đào tạo bài bản, và có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu được quyết định chuyển đi các cơ sở giáo dục khác. Điển hình như: Các trung tâm nghiên cứu Tâm lý học, Giáo dục học và Trung tâm nghiên cứu Giáo viên chuyển về Đại học Sư phạm; đơn vị nghiên cứu về quản lý GD được chuyển về Trường Cán bộ quản lý giáo dục (nay là Học viện Quản lý giáo dục); Giải thể Trung tâm nghiên cứu Đánh giá giáo dục. Để khắc phục những tồn tại do quá khứ để lại, những năm vừa qua Bộ GD&ĐT đã phải tái thành lập các đơn vị nghiên cứu này để triển khai các nghiên cứu đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, để xây dựng lại đội ngũ và khởi động lại, phát triển các hoạt động nghiên cứu các lĩnh vực trên đòi hỏi thời gian mới đáp ứng được theo yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt là các cơ quan nghiên cứu KHGD phải tách nhập nhiều lần, gây nên sự xáo trộn lớn về lực lượng nghiên cứu và nề nếp hoạt động. Tiềm lực đội ngũ cán bộ KHGD còn hạn chế; sự hẫng hụt đội ngũ chuyên gia đầu đàn; chưa có các chính sách đủ mạnh để thu hút những chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học về làm việc tại các cơ quan nghiên cứu KHGD, v.v... 11
  12. Những yếu tố trên phần nào làm hạn chế hiệu quả nghiên cứu, sự ổn định và phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu giáo dục nói riêng và phát triển các tổ chức nghiên cứu KHGD nói chung. (5) Về chính sách phát triển đội ngũ nhân lực KHGD Chưa có những chính sách đủ mạnh để thu hút đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao về làm việc tại Viện; Chưa có những chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu KHGD. Những chính sách hiện hành không những không thu hút được những cán bộ khoa học có trình độ cao và trải nghiệm thực tiễn từ các cơ sở giáo dục, đặc biệt từ các trường đại học về làm việc tại các cơ quan nghiên cứu. Tồn tại một hiện tượng ngược là “chảy máu chất xám” từ các Viện nghiên cứu về các trường đại học vì cán bộ khoa học ở các trường đại học được hưởng các chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp; các nhà khoa học có học hàm, học vị cao như phó giáo sư, giáo sư ở các cơ quan nghiên cứu, kiêm nhiệm đào tạo sau đại học không được hưởng chế độ nâng lương khi được công nhận học hàm như những cán bộ khoa học có trình độ tương đương ở các đại học, trường đại học và học viện. Trong những năm gần đây, đội ngũ cán bộ khoa học giáo dục không những không được ưu tiên mà không được tham gia đào tạo nâng cao trình độ trong một đề án lớn của quốc gia, là Đề án 322 đào tạo hai mươi nghìn tiến sỹ ở nước ngoài (nay là đề án 911) mà Chính phủ giao Bộ GD&ĐT trực tiếp quản lý. Có một thực tế là đội ngũ cán bộ khoa học ít được quan tâm, qua việc được cử tham gia các khóa bồi dưỡng, nghiên cứu khảo sát ở nước ngoài của các dự án giáo dục do Bộ tổ chức. (6) Cơ chế quản lý và chính sách đầu tư cho nghiên cứu KHGD Chưa có chính sách ưu tiên đầu tư cho những nghiên cứu KHGD cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược và chính sách GD, phục vụ trực tiếp phát triển ngành, đặc biệt là đầu tư nguồn lực cho các nghiên cứu cơ bản trong KHGD; Các chính sách thu hút nguồn lực phát triển tiềm lực KHGD còn nhiều bất cập; định mức kinh phí phân bổ đồng đều theo trình độ và chức danh khoa học đối với các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học quốc gia là không hơp lý. Mặt khác, phân bổ đề tài và tuyển chọn các nhóm nghiên cứu chưa dựa theo chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của từng đơn vị nghiên cứu (viện nghiên cứu KHGD 12
  13. quốc gia, viện nghiên cứu sư phạm, viên nghiên cứu GD của các trường đại học sư phạm). (7) Thiếu sự gắn kết giữa người nghiên cứu và người sử dụng, giữa công tác nghiên cứu và hoạch định chính sách, thiếu cơ chế đặt hàng của các cơ quan quản lý để phục vụ trực tiếp công tác quản lý ngành, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của các công trình nghiên cứu . Thông báo Kết luận số 242-TB/TW ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển GD&ĐT đến năm 2020 đã xác định: “Chất lượng nghiên cứu khoa học giáo dục còn bất cập, chưa đề ra được những giải pháp kịp thời, có hiệu quả để khắc phục hạn chế, yếu kém”. Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 cũng đã xác định nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp các yêu cầu phát triển giáo dục. Chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học nói chung và KHGD nói riêng còn thấp; chưa gắn kết chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất. Do vậy, trước hết cần đổi mới để phát triển mạnh mẽ, sâu sắc chính KHGD, tạo động lực và nền tảng thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục. II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHGD VỚI SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN GIÁO DỤC Nghị quyết 29 của Hội nghị TW8 khóa XI cũng như Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 xác định Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý là một trong những giải pháp quan trọng của sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước ta. Giải pháp 8 được đề cập tại Nghị quyết 29 đã xác định “Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý”. Trong đó khẳng định “Quan tâm nghiên cứu khoa học giáo dục và khoa học quản lý, tập trung đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục quốc gia. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục. Triển khai chương trình nghiên cứu quốc gia về khoa học giáo dục”. 13
  14. 1. Mục tiêu nghiên cứu Mục tiêu tổng quát: Nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học giáo dục, góp phần giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam. Các mục tiêu cụ thể: - Phát triển khoa học giáo dục Việt Nam với đầy đủ các chuyên ngành theo hướng phát triển của KHGD thế giới, làm nền tảng lý luận cho sự phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới. - Xác định hệ thống tiêu chí, chỉ báo thống kê giáo dục; quy trình, phương pháp thu thập dữ liệu đề xây dựng cơ sở dữ liệu đủ độ tin cậy, phù hợp với quốc tế, phục vụ công tác quản lý ngành, phục vụ công tác nghiên cứu, lập quy hoạch, kế hoạch và xây dựng chiến lược phát triển giáo dục.v.v… - Xây dựng luận cứ khoa học cho việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW, hội nghị TW 8, khóa XI của Đảng, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, trong đó tập trung vào quản lý chất lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo và các chương trình đào tạo; tổ chức biên soạn sách giáo khoa và các tài liệu dạy học theo chương trình GDPT 2018; chuẩn hóa, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới quản lý dạy học thích ứng với bối cảnh đại dịch Covid-19…. 2. Đề xuất các nội dung nghiên cứu chính Để đạt được các mục tiêu trên, nội dung nghiên cứu có thể bao gồm các nhóm vấn đề sau: Nhóm vấn đề 1: Tăng cường các nghiên cứu cơ bản nhằm hình thành, củng cố và phát triển các chuyên ngành KHGD, làm nền tảng để triển khai các nghiên cứu ứng dụng, triển khai, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục (1) Nghiên cứu phát triển các chuyên ngành của khoa học giáo dục làm nền tảng lí luận cho các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và các chính sách phát triển giáo dục, trong đó: Nghiên cứu phát triển tâm lý học giáo dục, trong đó quan tâm tới các lĩnh vực: Tâm lý học phát triển; Tâm lý học học đường; Tâm lý học xã hội; Tâm lý học giáo viên; Tâm lý học quản lý; Tâm lý học nghề nghiệp.., làm nền tảng lý luận cho các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. 14
  15. Nghiên cứu phát triển lý luận dạy học, giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo, như: Giáo dục học mầm non, Giáo dục học phổ thông, Giáo dục học đại học và Giáo dục học thường xuyên; làm nền tảng lý luận cho sự phát triển chương trình giáo dục, quản lý cấp hệ thống và quản lý cơ sở giáo dục. Nghiên cứu hình thành, phát triển các lĩnh vực có tính liên ngành, như: Kinh tế học giáo dục, Xã hội học giáo dục, Quản lý giáo dục …, làm nền tảng lý luận cho những chủ trương, chính sách phát triển giáo dục. (2) Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển những tư tưởng giáo dục trong lịch sử nước ta qua các thời kỳ và so sánh với các tư tưởng giáo dục quốc tế; đề xuất một số nội dung cơ bản/triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại. (3) Nghiên cứu các điều kiện (tâm lý, xã hội, kinh tế, văn hóa, địa lý) phát triển giáo dục các vùng dân tộc thiểu số (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ). (4). Nghiên cứu mô hình nhân cách học sinh, sinh viên và những đặc điểm tâm, sinh lý của người học Việt Nam trong xã hội hiện đại; Nghiên cứu hệ giá trị người Việt Nam và giáo dục giá trị cho học sinh, sinh viên. (5) Nghiên cứu, phát triển hệ thống chuẩn trong giáo dục. Nhóm vấn đề 2: Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí, chỉ báo thống kê giáo dục; nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin quản lý giáo dục. (1) Nghiên cứu hệ thống tiêu chí, chỉ báo thống kê, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, tương thích với với thế giới; xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục và hình thành hệ thống thông tin quản lý giáo dục (EMIS). Cơ sở dữ liệu và EMIS cung cấp tư liệu phục vụ xây dựng niên giám thống kê giáo dục, phục vụ yêu cầu nghiên cứu và quản lý giáo dục, đặc biệt cho việc lập quy hoạch, kế hoạch và xây dựng chiến lược phát triển giáo dục. (2) Nghiên cứu các chỉ số phát triển thể chất, tâm sinh lí lứa tuổi của học sinh, làm cơ sở cho việc thiết kế chương trình và tổ chức quá trình dạy học trong các cơ sở giáo dục. (3) Nghiên cứu, đánh giá tác động của các chính sách giáo dục đã được ban hành trong thực tiễn. Xác định hệ tiêu chí, chỉ báo, phương pháp, quy trình, kỹ thuật và bộ công cụ đánh giá mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục .v.v… (4) Nghiên cứu phương pháp xác định chi phí đơn vị/giá thành giáo dục và đào tạo của các cấp học và trình độ đào tạo trong cơ chế thị trường; chia sẻ chi phí trong giáo dục, hiệu quả kinh tế, xã hội của đầu tư trong giáo dục.v.v… 15
  16. Nhóm vấn đề 3: Nghiên cứu luận cứ khoa học cho việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW, hội nghị TW 8, khóa XI của Đảng (1) Nghiên cứu đổi mới công tác quản lý giáo dục đào tạo trong cơ chế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế - Cơ sở khoa học xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển giáo dục; - Đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và phương thức quản lý giáo dục theo hướng mở, liên thông đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu thế phát triển giáo dục thế giới; - Mô hình tổ chức và hoạt động của nhà trường phổ thông theo hướng phát triển năng lực người học; Mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế; - Phân tầng chất lượng trong giáo dục; Quản lý chất lượng giáo dục các cấp học, trình độ đào tạo và loại hình cơ sở giáo dục; - Mô hình tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường trong giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; mô hình quản trị nhà trường ĐH…. Cơ chế giám sát nhà nước, giám sát của xã hội đối với các cơ sở giáo dục – đào tạo. - Các giải pháp thực hiện dân chủ hóa nhà trường, đảm bảo bình đẳng và công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục. - Các giải pháp để củng cố và phát triển các trường ngoài công lập. - Tác động của một số chính sách giáo dục và đề xuất đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, chính sách huy động nguồn lực xã hội cho giáo dục.v.v… (2) Nghiên cứu xác định luận cứ khoa học và thực tiễn cho đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của quá trình giáo dục - Hệ thống chuẩn giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo (chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình, chuẩn điều kiện cơ sở vật chất, …); - Đổi mới và hiện đại hóa chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; - Phát triển chương trình và phương thức giáo dục cho giáo dục thường xuyên và các đối tượng đặc biệt (người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người có năng khiếu, nhân tài,…); 16
  17. - Đổi mới phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức dạy học theo hướng tiếp cận phát triển năng lực người học ở các cấp học và trình độ đào tạo; - Giá trị và giáo dục giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục trải nghiệm cho thế hệ trẻ trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; - Các giải pháp tăng cường giáo dục trải nghiệm, giáo dục ngoài nhà trường trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. - Đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục trên lớp, thi, công nhận tốt nghiệp giáo dục phổ thông, tuyển sinh giáo dục đại học; - Các giải pháp giáo dục góp phần duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa, truyền thống và xây dựng văn hóa nhà trường. (3) Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục - Mô hình đào tạo giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và mô hình đào tạo giáo viên mầm non. - Phát triển chuẩn nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục các cấp học, trình độ đào tạo; - Chuẩn hóa, bồi dưỡng và đào tạo chuẩn hóa giáo viên các cấp học và trình dộ đào tạo; - Đổi mới chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng tạo động lực làm việc và cống hiến. (4) Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế - Mối quan hệ giữa đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vận dụng các quy luật của thị trường trong GD; - Các giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng con người, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; - Nghiên cứu các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng nhân lực các cấp trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các vùng, miền; đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. 17
  18. KHUYẾN NGHỊ: 1. Ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu của Viện KHGD VN Bộ GD&ĐT cần xác định rõ chức năng và phạm vi nghiên cứu, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị nghiên cứu trực thuộc, phát huy được tiềm năng và thế mạnh của từng đơn vị nghiên cứu, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Viện KHGD VN - Viện nghiên cứu quốc gia về KHGD,với chức năng, nhiệm vụ đã được xác định, với tiềm lực và kinh nghiệm của mình, Viện tiếp tục triển khai nghiên cứu cơ bản để phát triển KHGD, nghiên cứu phát triển các chương trình giáo dục, nghiên cứu chiến lược và các chính sách phát triển GD, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục, quản lý các loại hình cơ sở giáo dục, phát triển các chương trình giáo dục.v.v... 2. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và chuyên gia nghiên cứu KHGD Cùng với trách nhiệm của nhà nước về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục như Nghị quyết 29 của BCH TW đã xác định, Viện cần tập trung ưu tiên xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia KHGD thông qua chính sách tạo động lực để đội ngũ cán bộ khoa học làm việc sáng tạo và cống hiến, đặc biệt là chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Cụ thể là: Trước hết, Viện cần nghiên cứu, xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ khoa học (CBKH), xây dựng quy hoạch chi tiết công tác đào tạo, bồi dưỡng sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ). Quy định trách nhiệm của CBKH, đặc biệt là CBKH trẻ trong đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) và tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực nghiệp vụ nghiên cứu KHGD. Để hiện thực hóa công tác “Quy hoạch” đòi hỏi mỗi cán bộ đăng lý lộ trình ĐTBD theo nhu cầu đã đăng ký. Viện cần có chính sách hỗ trợ/ miễn học phí cho CBKH của Viện tham gia các khóa ĐTBD, trong đó có đào tạo sau đại học do Viện tổ chức/ hoặc do các đơn vị ngoài Viện tổ chức nếu phù hợp với nhu cầu của Viện. Hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh (NNCM) theo từng lĩnh vực, chuyên ngành, trong đó có chuyên gia đầu ngành và các thế hệ kế cận; cần có các chính sách và các quy định cụ thể về chức năng nhiệm vụ của NNCM về phát triển chuyên môn, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, tính chuyên nghiệp của người nghiên cứu để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học. 18
  19. 3. Nhà nước cần quan tâm nghiên cứu KHGD, tập trung đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nghiên cứu KHGD quốc gia. Cần “Quan tâm nghiên cứu khoa học giáo dục và khoa học quản lý” và “Tập trung đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục quốc gia” như Nghị quyết 29 đã xác định. Cụ thể là: - Ưu tiên đầu tư tài chính và CSVC, kỹ thuật cho việc nghiên cứu KHGD và cho các hoạt động khoa học của cơ quan nghiên cứu quốc gia về KHGD; - Phân bổ đầu tư theo tỷ lệ hợp lý, khoa học cho nghiên cứu cơ bản KHGD và nghiên cứu ứng dụng, triển khai, để một mặt phát triển chính KHGD, làm nền tảng vững chắc cho những nghiên cứu ứng dụng, triển khai; cung cấp những luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược, ban hành những chủ trương, chính sách đáp ứng nhu cầu thực tiễn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, phục vụ quản lý nhà nước, quản lý cơ sở giáo dục và quá trình giáo dục trong các nhà trường. - Đổi mới cơ chế lựa chọn các đơn vị chủ trì và giao chủ trì các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục trong nghiên cứu KHGD. Cùng với việc thực hiện theo cơ chế đấu thầu theo quy định trong quản lý nghiên cứu khoa học, một số đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu được giao trực tiếp theo cơ chế đặt hàng của Bộ GD&ĐT cho cơ quan nghiên cứu quốc gia về KHGD. Khoa học giáo dục có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển giáo dục. Khoa học giáo dục ngày nay có phạm vi bao quát rộng, mang tính xã hội cao, phát triển đồng thời theo cả 2 hướng: tích hợp, liên ngành và phân hóa theo các lĩnh vực chuyên sâu. Nghiên cứu KHGD phải được đồng thời triển khai hai loại hình nghiên cứu, là: Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phương pháp luận khoa học phát triển các chuyên ngành khoa học giáo dục, tạo nền tảng vững chắc, lâu dài cho những nghiên cứu ứng dụng, triển khai. Để hoàn thành được sứ mệnh của mình, trách nhiệm không chỉ của các cơ quan nghiên cứu khoa học, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, của nhà nước bằng các cơ chế, chính sách mang tính pháp lý, ưu tiên đầu tư và tạo các điều kiện cần thiết cho sự phát triển KHGD. 19
  20. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013. 2. Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ) 3. Thủ tướng Chính phủ. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (Ban hành kèm theo Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ) 4. Thủ tướng Chính phủ. Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ) 5. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kỷ yếu Hội thảo quốc gia về “Khoa học Giáo dục Việt Nam” (tập 1 và tập 2). Hải Phòng, tháng 2/2011. 6. Viện Khoa học Giáo dục Việt nam. Kỷ yếu Hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam”. Viện KHGD VN, 01/2012. 7. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thuyết minh Chương trình nghiên cứu quốc gia về KHGD “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, 2014. 8. Phan Văn Kha, Nguyễn Lộc (đồng chủ biên). Khoa học giáo dục Việt Nam thời kỳ đổi mới. NXB ĐHQG HN, 2011. 9. Phan Văn Kha (2012). Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Tạp chí Khoa học Giáo dục, Viện KHGDVN 10. Phan Văn Kha (2013). Đổi mới giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI. Tạp chí Khoa học Giáo dục, Viện KHGDVN 20
nguon tai.lieu . vn