Xem mẫu

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 ỨNG PHÓ VỚI CƠN CÁU GIẬN Ở TRẺ CHẬP CHỮNG THEO PHƯƠNG PHÁP CỦA HARVEY KARP - MỘT SỐ GỢI Ý KHI ÁP DỤNG VỚI TRƯỜNG HỢP TRẺ VIỆT NAM Lê Thị Thanh Nhàn Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng lttnhan@ued.udn.vn Tóm tắt: Ứng phó với các cơn cáu giận vốn diễn ra khá thường xuyên do đặc tính tâm lý lứa tuổi ở trẻ chập chững là yêu cầu cần thiết nhằm mang lại chất lượng cho quá trình chăm sóc giáo dục trẻ. Bài viết này giới thiệu một cách tiếp cận khá mới mẻ với cộng đồng người nuôi dưỡng trẻ Việt: phương pháp tương tác theo “phong cách người tiền sử” của bác sĩ Harvey Karp; trên cơ sở đó, đưa ra các chỉ dẫn gợi ý trong việc áp dụng phương pháp này vào ứng phó với các cơn cáu giận của trẻ Việt Nam. Từ khóa: Trẻ chập chững, cáu giận, phương pháp, Harvey Karp, ứng phó. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Cáu giận, ăn vạ, bướng bỉnh (tantrums) được xem là hiện tượng phổ biến, quen thuộc, thường xảy ra trong khoảng thời gian trẻ từ 15 tháng và có thể kéo dài đến khi bước sang tuổi thứ 5. Dấu hiệu để nhận biết giai đoạn khủng hoảng này chính là lúc thay vì vẫn ăn ngoan ngủ ngoan, thơ ngây, dễ bảo thì trẻ lại bắt đầu sử dụng những tiếng “không” đầy dữ dội và kiên quyết; kèm với đó là các hành vi như khóc lóc, mè nheo, ăn vạ, nổi giận đánh đập các vật hoặc người ở gần, ném những thứ có trong tay, lăn lộn dưới đất hoặc thậm chí, trẻ có thể nôn ọe, tím tái đến ngất đi trong một vài giây. Nguyên nhân của biểu hiện trên được lý giải là bởi khi bước vào tuổi chập chững, trẻ có sự phát triển nhảy vọt về thể chất lẫn tâm lý thần kinh. Bé đã có thể đi đến chỗ mình cần và cầm nắm những thứ mình muốn nên ý thức về sức mạnh, sự độc lập và quyền kiểm soát cũng đồng thời phát triển (Lam Huyền, 2018). Ở giai đoạn này, trẻ sở hữu một nguồn năng lượng tưởng như bất tận, trong khi đó, khả năng ngôn ngữ lại vẫn ở mức độ giản đơn, chưa đủ để diễn đạt các mong muốn và bày tỏ, giải tỏa cảm xúc. Điều này khiến cho trẻ thường xuyên ở trong trạng thái ức chế. Theo đó, những cơn bốc đồng không thể kiểm soát sẽ bùng lên thành những cơn giận dữ. M. Potegal mô tả biểu hiện của những cơn cáu giận ở trẻ thành 5 thành tố hợp phần (còn được gọi là 5 cấp độ). Cấp độ 1 là Giận dữ, thể hiện bởi các hành vi như la hét, đá đấm… Cấp độ 2 là Buồn bã, được gán nhãn với biểu hiện chính là khóc lóc rền rĩ. Thứ 3 là cấp độ Đừng chạm tôi, trẻ sẽ giãy nãy lên khi người lớn chạm vào hoặc an ủi. Cấp độ 4 được gọi là Tôi cần ôm. Lúc này, trẻ đã giảm đi sự ăn vạ thái quá và có biểu hiện muốn hòa giải. Và cuối cùng là Hết giận. Ngay cả khi không có các tác động từ người lớn thì cơn cáu giận của trẻ vẫn kết thúc và trẻ sẽ trở lại bình thường vì bộ não non nớt của trẻ không thể chịu được cơn giận dữ trong khoảng thời gian dài hơn 1 giờ (Potegal, M., Sosorok, R.J. & Davidson, R.J., 2003). Dù có tồn tại cơ chế tự điều chỉnh trong bản thân trẻ bất chấp trẻ có nhận được can thiệp hay không, song việc phát khởi những cơn thịnh nộ này, nếu không được kiểm soát xử lý đúng cách, sẽ có thể ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của trẻ trong tương lai (Potegal, M. & Davidson, R.J., 2003). Do vậy, sẽ rất hữu ích và cần thiết nếu các bậc bố mẹ giữ được sự kiên 127
  2. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA định và sáng suốt để biến cuộc vật lộn cam go với các cơn ăn vạ thành cơ hội tôi rèn, xây đắp những bài học lớn về cách sống và điều chỉnh hành vi cho trẻ. Thế nhưng, trong thực tiễn nuôi dạy trẻ, thái độ và cách ứng phó của các bậc nuôi dưỡng chưa bao giờ là một vấn đề được thống nhất rõ ràng cũng như chưa có một phương pháp tiếp cận nào hiện tại có thể giải quyết triệt để chứng “tantrum” ở trẻ em. Từ phương thức đối phó theo phong cách “cây gậy” như đánh đòn, cô lập trẻ và đưa ra các giới hạn nghiêm ngặt như cấm ôm hôn, nuông chiều cho đến các biện pháp kiểu “củ cà rốt” - dùng yêu thương để nhìn nhận các cảm xúc tiêu cực ở trẻ, kiên trì giải thích, trò chuyện với trẻ bằng một thái độ tôn trọng và đầy trắc ẩn, thừa nhận cảm xúc kết hợp với nhiều thủ thuật tinh vi thì vẫn có lúc, kết quả mang lại lại chỉ là sự vô vọng. “Bạn cố giải thích. Bạn nhận được sự giận dữ. Bạn đánh lạc hướng. Bạn nhận được sự giận dữ. Bạn đưa ra lời cảnh báo. Bạn nhận được sự giận dữ. Bạn cách ly trẻ. Bạn nhận được sự giận dữ” (Harvey Karp & Paula Spencer, 2017, tr.30). Trước tình hình ấy, Bác sĩ Harvey Karp, người có nhiều năm nghiên cứu và thực hành nhi khoa, tiếp xúc và thất bại với rất nhiều lần “nổi xung” của trẻ, đã tìm ra một phương pháp tiếp cận đặc biệt mới mẻ, đó chính là tương tác theo “phong cách người tiền sử”với trẻ em ở tình trạng tantrum. Kết quả trong các lần thực hành phương pháp được ông mô tả là: “Khi đã học được cách nói chuyện bằng ngôn ngữ tiền sử với trẻ chập chững, tôi có thể trấn an những trẻ hay ngờ vực, hay sợ hãi, hay gào thét nhất chỉ trong vòng một phút hoặc thậm chí ít hơn” (Harvey Karp & Paula Spencer, 2017, tr.18). Phương pháp này cũng đã được lan tỏa đến đông đảo các bậc phụ huynh ở Mỹ và nhận được những kết quả đáng kỳ vọng. Để giúp các bậc nuôi dưỡng ở Việt Nam mở rộng cách thức tiếp cận nhằm có nhiều hơn các phương án lựa chọn nhằm kiểm soát cơn giận dữ của trẻ, trong nghiên cứu này, chúng tôi giới thiệu và tường minh hóa tiến trình xử lý đối với trường hợp trẻ cáu giận theo phương pháp của Harvey Karp (từ đây sẽ gọi là phương pháp HK). Đồng thời, nghiên cứu cũng tiến hành phân loại và định hướng hướng xử lý cho mỗi dạng tantrum, bao gồm cách tương tác ngôn ngữ và thủ thuật luyện tập thể nghiệm nhằm Việt hóa phương thức của HK vào trường hợp trẻ nói tiếng Việt, giúp khắc phục các rào cản có thể có xuất phát từ những khác biệt về nền tảng văn hóa cũng như cách nhận thức về trẻ em của người nuôi dưỡng ở Việt Nam. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Trong bài viết này, quan điểm và cách thức tương tác nhằm kiểm soát cơn giận và sự bất hợp tác ở trẻ chập chững của bác sĩ HK được giới thuyết bằng phương pháp tổng hợp và hệ thống hóa. Trong đó, các vấn đề như cơ sở lý thuyết dẫn đường cho phương pháp tiếp cận; hệ thống nguyên tắc và kỹ thuật giải quyết hành vi ăn vạ, cáu giận; quy trình thực hiện ứng phó nhằm chấm dứt cơn cáu giận ở trẻ chập chững là những nội dung cốt lõi được ưu tiên thuyết minh và mô tả cụ thể. Về nhiệm vụ xây dựng các hướng dẫn trong áp dụng cách tương tác của HK, nghiên cứu sử dụng phương pháp phân loại nhằm xác định bản chất của các dạng cáu giận. Đồng thời, thiết kế các cách thức ứng phó và tổ chức thể nghiệm kiểm chứng làm cơ sở cho việc thiết lập quy trình xử lý cho mỗi kiểu dạng tantrum ở trẻ em. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Phương pháp của K. Harvey trong kiềm chế cơn cáu giận ở trẻ chập chững 3.1.1. Cơ sở lý thuyết của phương pháp Phương pháp của HK được thiết lập trên nền tảng “phong cách người tiền sử”. Cơ sở lý thuyết dẫn đến cách thức tiếp cận này, theo chia sẻ của HK, chính là Định luật phát sinh sinh vật 128
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 (hay còn gọi là Học thuyết lặp lại hình thái- ORP) của Ernst Haeckel. Một cách ngắn gọn, định luật này được phát biểu là: “Sự phát triển của cá thể lặp lại quá trình phát triển của loài”. Lấy điểm nhìn này soi chiếu vào các chặng đường phát triển của trẻ, HK cho rằng “từ khi có nhận thức cho đến lúc trưởng thành, trẻ phản ánh lại rất nhiều đặc tính của tổ tiên cổ đại chúng ta trong quá trình dần dần tiến hóa thành người hiện đại” (Harvey Karp & Paula Spencer, 2017, tr.36]. Và theo đó, trẻ từ 1 đến 4 tuổi trải qua 4 giai đoạn phát triển mô phỏng sự tiến hóa của người tiền sử. Giai đoạn 1 (từ 12 đến 18 tháng) là thời kỳ của những chú tinh tinh nhỏ đáng yêu: trẻ bắt đầu di chuyển bằng hai chân, sử dụng tay để cầm nắm mọi thứ trong tầm với; và giống người tiền sử, trẻ giao tiếp với vốn ngôn ngữ chủ yếu là dấu hiệu và cử chỉ. Giai đoạn 2 (từ 18 đến 24 tháng) là giai đoạn người Nê-ăng-đéc-tan: Cũng như người Nê-ăng-đéc-tan, khả năng giữ thăng bằng và dùng tay để vặn xoắn, sờ nắn, tách rời đồ vật ở trẻ khá tiến bộ. Trẻ phát hiện ra cách chơi đồ chơi vặn dây cót hay có thể dùng gậy để lấy đồ vật bị rơi dưới gầm giường. Giai đoạn 3 (từ 24 đến 36 tháng) là thời kỳ trẻ thượng cổ tinh khôn: Nếu đến giai đoạn thượng cổ tinh khôn, con người đã bắt đầu quan tâm đến việc tạo dựng các mối quan hệ và đồng minh, bắt đầu sống trong một thế giới phức tạp hơn về ngôn ngữ, công cụ và các thỏa thuận thì trẻ từ 2-3 tuổi cũng vậy. Tay trẻ đã đủ linh hoạt để có thể sử dụng nhiều loại công cụ (đồ chơi) hơn, hứng thú kết bạn gia tăng, biết chơi luân phiên và phát triển tính kiên nhẫn. Trẻ cũng đã có thể sở hữu hình thức ngôn ngữ cơ bản bao gồm các động từ, danh từ và một số đại từ. Tuy nhiên, việc dễ bực bội và cảm giác bất an với những trải nghiệm mới cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các hành vi đánh và cắn ở trẻ. Giai đoạn 4 (từ 36 đến 48 tháng) là giai đoạn của những công dân làng xã tháo vát: Khi con người tập hợp thành làng xã, sống theo từng nhóm lớn thì bắt buộc phải hình thành các nguyên tắc ứng xử. Lúc này, trí thông minh của họ phát triển ở tầm mức cao hơn, giúp lĩnh hội, học tập các quy tắc xã hội cũng như đạt được các kỹ năng ngôn ngữ quan trọng.Tương ứng, trẻ từ 3 đến 4 tuổi có một đặc điểm nổi trội là nói rất nhiều. Trẻ cũng bắt đầu lĩnh hội các nghi thức ứng xử trong các mối quan hệ (Harvey Karp & Paula Spencer, 2017). Có thể nói, việc áp dụng Định luật phát sinh sinh vật đã mở ra một khung cửa sổ mới trong cách nhìn nhận trẻ. Cảm quan về trẻ theo hướng tiến hóa rõ ràng giúp cho người lớn dễ dàng hơn trong việc lý giải và chấp nhận các hành vị kỳ lạ, thô lỗ, thiếu văn minh của con em mình. Chính vì thế, bất chấp những tranh cãi về tính chân thực trong cơ sở khoa học của Học thuyết lặp lại hình thái và Thuyết tiến hóa nói chung, cách tiếp cận của HK vẫn mang đến một góc nhìn mới mẻ, thú vị trước những biểu hiện phát triển của trẻ, đủ khả năng thiết lập một mối liên hệ hợp lý với các phương pháp và thủ thuật mà ông đề xuất trong tương tác ngôn ngữ và cả phi ngôn ngữ nhằm xử lý các cơn cáu giận khó lường của trẻ tuổi chập chững. 3.1.2. Nguyên tắc và quy trình kỹ thuật thực hiện ứng phó với sự nóng giận ở trẻ của HK Trong phương pháp của HK, các hành động ứng phó với cơn nóng giận của trẻ được yêu cầu thực hiện theo “nguyên tắc Đồ ăn nhanh” (Harvey Karp & Paula Spencer, 2017, tr 159). HK diễn giải một cách đơn giản về bản chất của nguyên tắc, đó là: Trước khi nói với một người đang buồn bực những suy nghĩ của bạn, bạn cần phải nhắc lại cảm xúc của người đó - nhắc lại lời nói và (quan trọng hơn cả) là thể hiện sự đồng cảm bằng việc mô phỏng một cách chân thành mức độ cảm xúc của người đó thông qua giọng nói, khuôn mặt và cử chỉ của bạn. Xuất phát từ nguyên tắc đó, việc thực hiện phương pháp HK được tiến hành theo các bước như sau: Bước 1: Nhắc lại những gì bạn nghe được đúng như cách trẻ nói Điểm khác biệt trong phương pháp của HK chính là ở chỗ, ông không chỉ yêu cầu người lớn thừa nhận hoặc chia sẻ cảm xúc, mong muốn của trẻ mà phải lặp lại những gì trẻ nói bằng 129
  4. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA giọng điệu, ngữ điệu đúng chính xác như của trẻ và biểu lộ cảm xúc ở ánh mắt, nét mặt tương thích với phần lời, không được sai khác. Theo HK, các cách thức xử lý của người lớn nhằm ngắt lời trẻ như giải thích, đánh trống lảng, làm ngơ hay an ủi, chất vấn, dọa dẫm đều chỉ giống với hành động “đậy vung lên nồi nước đang sôi”, sẽ không thể nào làm cho nước ngừng sôi mà ngược lại, càng đẩy thành cao trào, dữ dội. Vì sao vậy? Đó là bởi ngay cả với người trưởng thành thì trong cơn giận dữ cũng không thực sự có khả năng “nghe” những gì người khác nói. Trẻ chập chững đương nhiên, vì trẻ hoàn toàn chưa giỏi về tư duy logic, chỉ tập trung vào những gì mình muốn. Nếu người lớn chỉ ngăn cấm và giảng giải, trẻ sẽ có cảm giác không được thấu hiểu, sự ức chế sẽ càng gia tăng. Cho nên, trong trường hợp này, hãy lặp lại những gì trẻ nói bằng đúng ngôn ngữ như của trẻ. Có các kỹ thuật nói bằng ngôn ngữ trẻ nóng giận như sau: 1. Nói ngắn gọn: Trẻ dưới 2 tuổi chỉ từ 1 đến 3 từ mỗi câu; trẻ 2 tuổi trở lên có thể từ 3 đến 5 từ. 2. Nói lặp đi lặp lại: Hãy hình dung trẻ trong cơn tức giận giống như ở trong một trận cuồng phong, lời nói phải được lặp lại nhiều lần để trẻ có thể chú ý. Việc lặp lại có thể thực hiện liên tục đến 5 lần. 3. Sử dụng tông giọng phù hợp: Phải mô phỏng đúng cảm xúc mạnh mẽ của trẻ và chứa đựng sự đồng cảm chân thành. 4. Biểu cảm trên khuôn mặt và cử chỉ phải nhất quán với giọng nói: Trẻ em từ 1 tuổi đã rất giỏi trong việc đọc biểu cảm trên khuôn mặt. Hơn nữa, khi tương tác, trẻ thường chú ý nhiều hơn đến biểu hiện trên nét mặt của người giao tiếp. Vậy nên, rất hữu ích nếu người lớn tận dụng các biểu cảm phi ngôn ngữ để tác động đến trẻ, chú ý quỳ hoặc ngồi xuống sao cho mặt trẻ cao hơn mặt mình và thật sự nghiêm túc khi nói chuyện. Có thể nói, kỹ thuật “nhắc lại lời của trẻ” là “chìa khóa của bí mật” - điểm mấu chốt tạo nên sự khác biệt, chuyển tải cách tiếp cận dựa trên nền tảng học thuyết lặp lại hình thái trong phương pháp của HK. Trẻ em giai đoạn tuổi chập chững là những người tiền sử hoang dã, ngôn ngữ hạn chế, do vậy, cách thức tiếp cận tối ưu chính là ưu tiên cảm xúc và mong muốn của trẻ, đồng thời cho trẻ nhận thấy điều đó bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt: ngôn ngữ của chính trẻ. Trong trường hợp trẻ không nói, không gào thét điều gì, hãy nghĩ đến điều mà chúng ta nghĩ là trẻ sẽ nói, và nói to lên bằng thứ ngôn ngữ của một đứa trẻ đang không hề cảm thấy hài lòng. Bước 2: Đưa ra thông điệp Sau khi người lớn dùng ngôn ngữ của trẻ để giúp bé thoát khỏi “vòng xoáy cảm xúc” của mình, trẻ đã có thể “nghe” một chút. Đây chính là thời điểm để đưa ra thông điệp - là điều mà bạn muốn trẻ thực hiện, hoặc là từ chối không đáp ứng trẻ. Ví dụ: “Mẹ biết là con rất, rất muốn đi chơi. Ước gì mẹ có thể dùng cái máy sấy tóc và vèooo một cái, làm khô hết cơn mưa này! Sau đó mẹ con mình có thể ra ngoài chơi cả ngày luôn”. Lưu ý là chúng ta vẫn không nên thuyết giảng các bài học, hãy để dành vào lúc sau, khi trẻ đã bình tĩnh và không cáu giận nữa. Thay vào đó, sử dụng các biện pháp để giúp trẻ bình tâm theo bước 3. Bước 3: Hỗ trợ trẻ lấy lại cân bằng Việc này có thể thực hiện bằng các hành động như ôm, ru hoặc ngồi cạnh trẻ, đưa ra cho trẻ một số lựa chọn, dạy trẻ cách thể hiện cảm xúc, sử dụng lời thì thầm hoặc khen ngợi vì trẻ vâng lời… 130
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 Tất nhiên, vẫn có ngoại lệ trong phương cách này, đó chính là với các tình huống khẩn cấp như trẻ tỏ ra bạo lực, làm những điều nguy hiểm hoặc vi phạm một nguyên tắc quan trọng nào đó. HK cũng đã lưu ý một số nguyên tắc đi kèm như: tôn trọng và giữ thể diện cho trẻ, tích cực khen ngợi trẻ nhưng chú ý chỉ khen ngợi hành vi, không khen quá mức bản thân trẻ, chú ý giúp trẻ tự tin và khuyến khích sự kiên nhẫn ở trẻ, thiết lập các giới hạn cho trẻ một cách tích cực bằng việc nhắc nhở trẻ về quy tắc thay vì yêu cầu trẻ không được làm gì đó, và đặc biệt là phải nhất quán trong các thông điệp dành cho trẻ, tuyệt đối không được so sánh trẻ, trầm trọng hóa vấn đề và làm tổn thương trẻ. Và cùng với hệ thống nguyên tắc là các thủ thuật bổ trợ, chẳng hạn: - Sử dụng vật trấn an (là những vật dụng thân thiết của trẻ) để giúp trẻ bình tâm. - Mát xa cho trẻ. - Giả vờ ngốc nghếch khờ khạo trước trẻ. - Dành cho trẻ những kỳ vọng phù hợp với khả năng của trẻ và từng bước nâng cao. - Sử dụng những “thông điệp của ngách” như tán gẫu với người hoặc vật về trẻ để trẻ nghe được, kể chuyện cổ tích để chuyển tải một kỳ vọng nào đó đến trẻ, sử dụng chiến thuật “tâm lý đảo ngược”, lợi dụng tâm lý “của con”… 3.2. Áp dụng phương pháp của HK vào trường hợp trẻ nói tiếng Việt Với một số nền văn hóa, khó có thể hình dung một người lớn lại có thể nói chuyện theo kiểu trẻ con như những gì mà HK chỉ dẫn. Vì cách hành động đó có thể được xem là sự “vượt quá giới hạn”, kỳ cục, cảm giác như là đang trêu chọc con, hoặc đang cổ vũ cho hành vi ăn vạ. Đôi khi, người lớn cũng có thể không đồng tình với những cảm xúc của trẻ. Tất cả đó sẽ là những cản trở cơ bản khi thực hành phương pháp nói trên. Trong bối cảnh ấy, với người Việt - những người được nuôi dưỡng trên nền tảng văn hóa hướng nội, không quen việc bộc bạch, chia sẻ cảm xúc một cách mạnh mẽ, nhất là khi đứng trước người lạ - thì để có thể chuyển giao áp dụng hiệu quả nó vào hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ em, chắc chắn rất cần có những bước cần thiết để giải quyết về mặt tâm lý, đồng thời cách tiến hành cũng phải được điều chỉnh phù hợp, tự nhiên. 3.2.1. Nhìn nhận về cáu giận của trẻ chập chững theo quan điểm của HK Có một số nội dung cốt lõi về tư tưởng và tâm lý cần được quán triệt để đảm bảo đủ điều kiện áp dụng phương pháp của HK. Điểm thứ nhất liên quan đến câu hỏi “Trẻ nhỏ là ai?”. Về khía cạnh này, có thể nói, trong xã hội Việt Nam hiện nay, cơ bản tồn tại hai cách quan niệm về trẻ em. Quan niệm thứ nhất cho rằng trẻ em chỉ là những đứa trẻ chưa có khả năng nhận thức, trẻ em có nghĩa là “không biết gì”. Thứ hai, coi trẻ em là những người lớn thu nhỏ, có thể hiểu chuyện. Và ứng với mỗi khuynh hướng nhìn nhận về trẻ, người lớn có những phương cách tương tác, giao tiếp, ứng xử với trẻ rất khác nhau. Một là luôn yêu cầu, ra lệnh, bắt buộc trẻ thực hiện theo ý muốn của mình, bỏ qua suy nghĩ, cảm xúc của trẻ. Hoặc ngược lại, đánh đồng cách tư duy của trẻ nhỏ với người lớn, dẫn đến ứng xử với trẻ như với một người trưởng thành, luôn giảng giải, nói chuyện lý lẽ với trẻ, ngay cả khi trẻ đang mất bình tĩnh. Thực chất, nếu như quan điểm coi trẻ em chưa có khả năng nhận thức, từ đó phớt lờ nhu cầu, cảm xúc của trẻ thể hiện một thái độ phản giáo dục, lạc hậu thì việc “giả định trẻ em là một người lớn thu nhỏ” cũng sai lầm không kém. Theo mô tả của HK thì trẻ tuổi chập chững là những con người “độc nhất vô nhị, không còn là trẻ sơ sinh nhưng cũng chưa phải là trẻ nhỏ”, mang những đặc 131
  6. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA điểm hết sức đặc biệt đó là “rất bốc đồng, hay xao lãng, chưa biết diễn đạt rõ ràng, chỉ quan tâm đến bản thân và nhất là rất nguyên thủy” (Harvey Karp & Paula Spencer, 2017). Điểm thứ 2 là cảm xúc của người nuôi dưỡng về hành vi của trẻ khi cáu giận. Nhiều trẻ, trong cơn cáu giận thường có những lời nói, việc làm khá thô lỗ, hung dữ và hỗn hào - những hành vi được cho là rất “thiếu giáo dục”. Điều này đã khiến cho không ít người lớn cảm thấy thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng. Vì với họ, các biểu hiện đó của trẻ chắc hẳn được khởi phát và là sản phẩm của bản tính bẩm sinh, nó cho thấy đứa trẻ của họ đang có trong mình hạt giống của sự ích kỉ, cáu bẳn và khó dạy. Tức là, người lớn, trong khi quan sát hành vi của trẻ tuổi chập chững thì đồng thời gán nhãn cho chúng bằng những yếu tố thuộc về tính cách tiêu cực để rồi cảm thấy xấu hổ và bất lực trước những gì mà trẻ thể hiện. Về vấn đề này, từ góc nhìn của HK thì đó chỉ là trẻ đang ở trong giai đoạn hoang dã của quá trình tiến hóa, không hề là sản phẩm của môi trường giáo dục và không quy định tính khí về sau của trẻ. Vượt qua “giai đoạn tiền sử”, trẻ sẽ lột xác biến thành một người văn minh ôn hòa, lịch sự, sẽ trưởng thành và biết cách cư xử với mọi người. Vậy thì, có cần phải chú ý đến những cơn tantrum của trẻ không nếu đó chỉ là vấn đề mang tính giai đoạn? Rõ ràng, thái độ trước các hành vi cáu giận của trẻ của người lớn cũng là một vấn đề đáng để bàn luận. Không ít phụ huynh có suy nghĩ là trẻ em không đủ sức để hiểu những quy tắc logic nên các biện pháp là hoàn toàn vô ích. Theo đó, người ta chủ trương phớt lờ trẻ, bỏ qua các tương tác ngôn ngữ. Đối với những trường hợp cần thiết, họ sử dụng sức mạnh và quyền người lớn để ép trẻ tuân phục. Thực tế thì, dù cáu giận là một phần trong quá trình phát triển mang tính giai đoạn của trẻ, song các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu trẻ không nhận được những tác động tích cực, đúng đắn từ người nuôi dưỡng thì có thể sẽ có những tổn thương về mặt tâm lý và ảnh hưởng đến hành vi của trẻ về sau. Ngược lại, nếu người lớn biết cách phản hồi, ứng phó với cơn cáu giận một cách hợp lý và khoa học thì đấy sẽ là cơ hội để trao cho trẻ những bài học về sự thấu hiểu, sẻ chia, lòng kiên nhẫn, về cách thức hành xử trong các mối quan hệ với cộng đồng. 3.2.2. Phân loại các dạng tình huống gây cáu giận Việc phân loại các dạng cáu giận là cần thiết nhằm cụ thể hóa các hướng dẫn ứng phó cho người nuôi dưỡng cũng như linh hoạt điều chỉnh quy trình. Trong nghiên cứu này, để phục vụ cho việc khái quát các chỉ dẫn ứng phó, chúng tôi chia các tình huống cáu giận thành 5 nhóm chính dựa theo nguyên nhân cáu giận: 1. Cáu giận do đòi hỏi không được đáp ứng; 2. Cáu giận do không muốn thực hiện một việc cần thiết; 3. Cáu giận do không thể thực hiện một việc gì đó; 4. Cáu giận do bị bất ngờ, sợ hãi; 5. Cáu giận do bị cản trở vì vi phạm nguyên tắc ứng xử quan trọng, hoặc vì có hành vi bạo lực, nguy hiểm. Với 2 nguyên nhân đầu, cách xử lý ở bước 1 và 2 có cùng một kỹ thuật: Bước 1: Lặp lại điều trẻ nói hoặc nói điều được cho là trẻ đang muốn/không muốn bằng ngôn ngữ trẻ chập chững. Khi thực hiện khâu này, với ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Việt, có thể thêm vào các từ ngữ như: “được rồi, rồi, ok, à hoặc Mẹ biết, ừ, con nói…” để lời nói được tự nhiên, dễ thực hiện hơn. Ví dụ: Được rồi! Con muốn. Con muốn. Con muốn. Cái đó. Chỉ cái đó. À, là Con muốn. Con muốn. Con muốn. Cái đó. Chỉ cái đó. (Khi trẻ hét lên vì bạn lấy lại thỏi son môi). Hoặc Mẹ biết. Con nói Con không thích. Không thích. Không tắm. OK, không thích. Không thích. Không tắm. (Khi trẻ không chịu vào phòng tắm lúc đến giờ). Bước 2: Đưa ra thông điệp: Nói ngắn gọn nhưng thật sự dứt khoát, kiên định và nhất quán. 132
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 Ví dụ: Mẹ biết con thích. Nhưng không được. Không thể được đâu, con yêu. Không được chơi cái đó. Hoặc Nhưng, phải tắm. Đến giờ rồi. Phải tắm. Phải tắm thôi. Bước 3: Hỗ trợ trẻ lấy lại cân bằng - thì đối với dạng cáu giận thứ nhất, có thể sử dụng các cách sau: - Đưa ra cho trẻ các lựa chọn khác. - Làm sao nhãng trẻ. - Sử dụng tâm lý “của con” (Nếu con cứ khăng khăng đòi thỏi son của mẹ, thì mẹ sẽ lấy con gấu xinh xắn mà con rất thích này nhé). - Sử dụng tâm lý “đảo ngược” (OK, con cứ vặn cho nước chảy cho hết đi, hay quá, để cho chảy hết nước luôn). Còn với nguyên nhân cáu giận do không muốn thực hiện một việc cần thiết thì ngợi khen (Con của mẹ dũng cảm lắm mà. Tiêm chỉ đau một chút thôi, có gì mà phải sợ, nhỉ), hoặc sử dụng “thông điệp cửa ngách” sẽ dễ dàng mang lại hiệu quả. (Bé Bin không muốn ăn rau búp bê ạ, nhưng nếu thế da của bé sẽ xấu lắm. Bạn búp bê không thích những bé da xấu đúng không?). Ngoài ra, phương pháp mặc cả để đôi bên cùng chiến thắng cũng có thể được sử dụng. (Giờ mình hãy ra ngoài và mặc quần áo đã, rồi mẹ sẽ cho con chơi với quả bóng này). Nếu cáu giận xuất phát từ nguyên nhân thứ 3 - do không thể thực hiện được một việc gì đó (như khi trẻ cố để sử dụng một đồ chơi cần các kỹ năng vận động tinh vượt khả năng của trẻ), người nuôi dưỡng trước hết phải chú ý nói về cảm xúc của bé (Bực quá, hả? Ờ, Con bực. Bực quá. Sao không làm được chứ), sau đó đưa ra thông điệp (Bố biết là con cảm thấy bực mình đấy. Để bố giúp con nhé). Và cuối cùng, đưa trẻ trở lại trạng thái bình thường bằng cách dạy cho trẻ thực hiện việc mà trẻ muốn, đồng thời hướng dẫn trẻ cách nhờ sự hỗ trợ trong trường hợp gặp khó khăn (Lần sau có gì con gọi bố nhé, bố sẽ ở bên con, giúp con xử lý hết cả thế giới). Nếu nguyên nhân là bởi do sợ hãi, nhất thiết không được dùng góc nhìn của người lớn khi nói với trẻ. Những câu trấn an như “Không sao. Không sao. Có gì đâu mà phải sợ” có thể khiến cho trẻ khóc to hơn. Cho nên, lời nói đầu tiên khi tương tác với trẻ trong trường hợp này vẫn phải là lời đồng cảm. (Ồ, Con sợ. Mẹ biết rồi. Con sợ. Con sợ. Sợ lắm…). Và tiếp đến là thông điệp khẳng định hỗ trợ (Nhưng mẹ ở đây rồi. Mẹ đang ở bên con rồi.). Cuối cùng, để giúp trẻ bình tâm, người lớn có thể cách ly trẻ khỏi vật gây sợ hãi, hoặc “chiến đấu” chống lại vật/người làm cho trẻ hoảng sợ một cách “dũng mãnh”, hay là khen ngợi trẻ (Con giỏi quá. Con mẹ cam đảm quá. Con không sợ nữa, nhỉ!). Riêng với trường hợp trẻ khóc lóc do bị cản trở vì có hành vi vi phạm một nguyên tắc nào đó quan trọng, hoặc hành động có tính chất nguy hiểm thì không cần thiết thực hiện bước 1. Ứng xử phù hợp trong tình huống đó là một câu lệnh cực kỳ dứt khoát và nghiêm khắc, không mặc cả. Điều này sẽ giúp trẻ nhận thức được các giới hạn và sự nguy hiểm. 3.2.3. Luyện tập “Nói theo cách của trẻ” trong phương pháp của HK chuyển tải một phương thức phản ứng và tương tác không thực sự quen thuộc, sẽ rất khó thực hiện nếu chúng ta không vượt qua được cảm giác ngại ngùng, kỳ cục. Do đó, luyện tập thử nghiệm là khâu quan trọng trước khi sử dụng cách thức tương tác đặc biệt này với trẻ. Có một số cách tập luyện như sau: - Thiết kế các tình huống giả định và tập luyện với sự hướng dẫn góp ý của chuyên gia chuyển giao phương pháp. 133
  8. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA - Áp dụng phương pháp khi ở nhà một mình với trẻ trước, sau đó là với sự có mặt của những người thân trong gia đình, sẽ dễ dàng trở nên tự nhiên khi xử lý trẻ nơi công cộng. 4. KẾT LUẬN Trong hành trình nuôi dưỡng trẻ thơ vô cùng đẹp đẽ và đầy hứng khởi thì sự xuất hiện những cơn giận dữ của trẻ vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của không ít bậc cha mẹ. Trong tình hình đó, cách tiếp cận và phương pháp của HK mở ra một cách nhìn nhận mới đầy nhân văn và tích cực về các biểu hiện “hư hỏng” của trẻ em. Đồng thời, cung cấp cho các bậc nuôi dưỡng trẻ một “liệu pháp” đặc biệt để đối phó, kiểm soát các cơn giận ở trẻ, biến những khoảnh khắc đầy mệt mỏi thành cơ hội để trao cho trẻ các bài học về sự thấu hiểu, về tình thương yêu đầy nhẫn nại, về cách giải tỏa xúc cảm… Tuy nhiên, với cộng đồng người Việt, đây vẫn còn là một cách tiếp cận mới mẻ và có nhiều khác biệt, do đó rất cần có những nghiên cứu thực nghiệm bài bản, dài hơi được triển khai để có thể nhìn thấy rõ hơn các vấn đề khi áp dụng trên trẻ, giúp cho quá trình sử dụng phương pháp được hiệu quả hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Harvey Karp & Paula Spencer (2017). Em bé hạnh phúc nhất khu phố. NXB Lao động. [2] Potegal, M., Davidson, R. J. (2003). Temper tantrums in young children: 1. Behavioral composition. Developmental and Behavioral Pediatrics, 24(3), 140-147. [3] Potegal, M., Sosorok, R. J., Davidson, R. J. (2003). Temper tantrums in young children: 2 Tantrum Duration and emporal Organization. Developmental and Behavioral Pediatrics, 24(3), 148-154. [4] Lam Huyen (2018). Responding to tantrums: Đáp ứng với những cơn ăn vạ của trẻ. Tìm được từ đường link: http://colourfulhouse.vn/responding-tantrums-dap-ung-voi-nhung-con- va-cua-tre/. Title: K. HARVEY’S METHOD IN DEALING WITHTANTRUMS OF TODDLERS - SOME SUGGESTIONS ON APPLYING TO THE CASES OF VIETNAMESE CHILDREN Le Thi Thanh Nhan University of Education, Da Nang University lttnhan@ued.udn.vn Abstract: Dealing with tantrums that are pretty prevalent and frequent in toddlers is necessary to improve the quality of the raising children’s process. In this study, we introduce an unfamiliar approach with Vietnamese: communication with toddler in primitive style - created by Harvey Karp, based on that, gave some suggestions on applying it to the cases of Vietnamese in order to intervening in children’s tantrums at toddlerhood. Keywords: Toddler, tantrum, method, Harvey Karp, deal with. 134
nguon tai.lieu . vn