Xem mẫu

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH KINH DOANH NÔNG NGHIỆP ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG NÔNG NGHIỆP GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ NÔNG THÔN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CẦN TRỞ THÀNH MỘT NỘI DUNG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH KINH DOANH NÔNG NGHIỆP ThS. Nguyễn Quốc Phóng* ThS. Đào Đức Bùi* TÓM TẮT Trong thời gian qua, vấn đề tích tụ và tập trung ruộng đất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, phát triển các mô hình liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trở thành vấn đề thời sự, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị của nông sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam, tạo thu nhập ôn định cho người sản xuất, nhất là các vùng nông thôn. Kèm theo đó là chính sách vốn tín dụng có liên quan cho thực hiện mục tiêu trên phải được triển khai có hiệu quả. Đó là những nội dung hết sức cần thiết cần được quan tâm, bổ sung trong đào tạo nhân lực ngành kinh doanh nông nghiệp hiện nay. Từ khóa: Ứng dụng công nghệ cao, kinh tế nông thôn, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đào tạo nhân lực, ngành kinh doanh nông nghiệp. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bài viết nghiên cứu về thực tiễn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp góp phần phát triển bền vững kinh tế nông thôn và bảo vệ môi trường và nội dung đào tạo nhân lực ngành kinh doanh nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, phân tích, tổng hợp và so sánh dựa trên các nguồn số liệu thứ cấp, tư liệu của các cơ quan chức năng xây dựng, điều hành và thực thi chính sách, như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê, các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác và một số cơ quan khác có liên quan đến xây dựng và điều hành chính sách tín dụng; đồng thời tiến hành trao đổi, phỏng vấn với các chuyên gia với cán bộ ngân hàng, cán bộ doanh nghiệp để đưa ra các nhận xét, đánh giá theo mục tiêu nghiên cứu của bài viết. * Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên 187
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH KINH DOANH NÔNG NGHIỆP ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 1. Tổng quan ban hành chính sách Từ khi có Nghị quyết 26-NQ/TW ban hành ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất, mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao được thúc đẩy phát triển, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Về chính sách của Nhà nước, cách đây hơn 6 năm, tại Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) triển khai chương trình cho vay thí điểm các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Để hình thành mô hình này, tất yếu phải tích tụ và tập trung ruộng đất, canh tác hiện đại trên diện tích đất lớn hơn, có hiệu quả hơn, gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2016, sau khi kết thúc triển khai thí điểm, trên cơ sở những tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm, NHNN Việt Nam đã đề xuất và bổ sung các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc một số ngành, lĩnh vực đặc thù, như cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Nghị định số 55/NĐ-CP, sau đó được sửa đổi và bổ sung Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018. Đồng thời, ngày 24/4/2017, NHNN Việt Nam đã có Quyết định số 813/QĐ-NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ. [SBV (2020 - 2021)] Quá trình hình thành các chính sách nói trên, cũng như nội dung của từng chính sách, những vấn đề sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khả năng triển khai trong thực tiễn cần được đưa vào trong bài giảng, phân tích, bình luận, đánh giá trong đào tạo nhân lực kinh doanh nông nghiệp, kết hợp với những ví dụ khảo sát cụ thể trong thực tiễn để nâng cao hiệu quả của nội dung đào tạo, hiệu quả đào tạo. Bài viết xin nêu 3 ví dụ cụ thể về khảo sát ở phạm vi địa phương và khảo sát ở phạm vi doanh nghiệp, khảo sát mối liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp ở 3 mục có liên quan dưới đây. 2. Khảo sát thực tiễn triển khai chính sách tại tỉnh Hà Nam Hà Nam là một tỉnh điển hình ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ sớm triển khai, triển khai trên diện rộng và triển khai khá có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Tỉnh Hà Nam đã sớm thành lập Ban Quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 188
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH KINH DOANH NÔNG NGHIỆP ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI Trong những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Hà Nam đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn về đầu tư, từng bước nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân. Ðến nay, tỉnh Hà Nam đã phê duyệt 6 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 656,22 ha. Các hộ dân có đất nông nghiệp trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã ký hợp đồng cho thuê 375,68 ha, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp sạch ra thị trường. Mục tiêu của tỉnh Hà Nam là hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhưng phải có sự tham gia của nông dân, doanh nghiệp sẽ xây dựng những vùng sản xuất theo chuỗi để liên kết cùng nông dân. [Agribank (2020 - 2021)] Trong những năm gần đây, các cơ chế chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Hà Nam tiếp tục tạo ra hiệu ứng tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo báo cáo của Ban Quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hà Nam, đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ được 375,6 ha đất, ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất hơn 206 ha. Các doanh nghiệp trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Lý Nhân tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất dưa vân lưới, rau, củ, quả, tạo việc làm ổn định cho hơn 230 lao động; giá trị sản xuất bình quân từ 1,4 - 1,8 tỷ đồng/ha. Công ty Vinaseed và Công ty VinEco đã khảo sát và liên kết sản xuất với các hộ nông dân sản xuất lúa giống chất lượng cao, rau, củ… Toàn tỉnh Hà Nam có 38 xã xây dựng mô hình liên kết, sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa, rau, củ, quả, với tổng diện tích 575 ha. Đặc biệt, sản phẩm dưa nhà lưới trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Nhân Khang của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam đạt giải Bông lúa vàng; Công ty VinEco Hà Nam đạt danh hiệu doanh nghiệp vì nhà nông năm 2018. [Agribank (2020 - 2021)] Tỉnh Hà Nam chú trọng nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hà Nam hiện có 46 xã xây dựng được 55 mô hình tích tụ ruộng đất với tổng diện tích 578 ha của 1.885 hộ tham gia sản xuất lúa, rau, củ, quả, tham gia vào chuỗi nông sản hàng hóa an toàn. Tỉnh hiện có 20 cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm nông sản an toàn được mở tại các trung tâm huyện, thành phố. Chương trình liên kết với doanh nghiệp được đẩy mạnh, như Công ty VinEco đã tổ chức khảo sát 40 hợp tác xã, nhóm hộ, hộ nông dân và đã ký hợp đồng liên kết được với 24 trong số 40 hộ dân. Hiện đã có 5 trong số 24 hộ, cơ sở sản xuất nông sản sạch đưa 76,6 tấn sản phẩm nông nghiệp sạch lên kệ tại hệ thống siêu thị Vinmart, giá bán tăng từ 15% đến 25% so với giá bán tại địa phương. Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) hằng tháng cung cấp cho hệ thống siêu thị Vinmart từ 120 đến 150 tấn gạo chất lượng cao. Giá trị sản xuất trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu sản suất ngoài trời 189
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH KINH DOANH NÔNG NGHIỆP ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI đạt 1.200 triệu đồng/ha/năm, khu trong nhà kính đạt 4,5 tỷ đồng/ha/năm. [Agribank (2020 - 2021)] Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam trở thành mô hình điểm của tỉnh Hà Nam và 11 tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện tích tụ ruộng đất theo chủ trương chính sách của tỉnh, tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm năng suất chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu…   Bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Hà Nam vẫn còn một số hạn chế sau: tiến độ tích tụ ruộng đất vẫn còn chậm; hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ; việc triển khai các mô hình tích tụ ruộng đất làm vệ tinh liên kết sản xuất ở các xã còn gặp nhiều khó khăn; năng lực tài chính, kinh nghiệm sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường của nông dân còn hạn chế... Tích tụ ruộng đất là xu hướng, yêu cầu cần thiết để phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất tại các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Nông dân chưa đủ năng lực xây dựng mô hình đảm bảo theo tiêu chí của Kế hoạch 1381/KH-UBND ngày 29/5/2018 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Nam về Kế hoạch sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh, liên kết chuỗi với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018 - 2019, để được hưởng cơ chế hỗ trợ của tỉnh Hà Nam. UBND tỉnh Hà Nam cần ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân tháo gỡ khó khăn về thuê đất nông nghiệp; hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các hộ tham gia liên kết sản xuất nông sản sạch, chăn nuôi quy mô lớn. Tỉnh Hà Nam cần tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ sản xuất trên diện tích đã bàn giao; các sở ngành chức năng và Ban quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hà Nam cần tập trung xúc tiến đầu tư để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài quy hoạch; tổ chức nghiệm thu, hỗ trợ các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) thực hiện tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh, liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm… Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng cần quan tâm tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Hà Nam trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao như: về số lượng HTX kiểu mới được thành lập, diện tích sản xuất, số mô hình tích tụ ruộng đất… 3. Khảo sát thực tiễn một số doanh nghiệp tiên phong đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Từ năm 2006, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa một cách trực tiếp thông qua xây dựng các trang trại nuôi 190
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH KINH DOANH NÔNG NGHIỆP ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI bò sữa công nghiệp với tổng vốn khởi điểm là hơn 500 tỷ đồng và đã tăng đến trên 3.000 tỷ đồng (năm 2013). Hiện nay, tổng đàn bò cung cấp sữa cho Vinamilk (bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa) là hơn 120.000 con bò, cung cấp khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Với kế hoạch phát triển các trang trại mới, Vinamilk sẽ đưa tổng số đàn bò từ các trang trại và của các nông hộ lên khoảng 160.000 con vào năm 2017 và khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi, đạt 1.500 - 1.800 tấn/ngày. Tính đến nay, Vinamilk đã có hệ thống 10 trang trại đang hoạt động với quy mô lớn cùng toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, Mỹ, và New Zealand. Trong các năm sắp tới, Vinamilk dự kiến sẽ tiếp tục nhập bò giống cao sản từ các nước này để đáp ứng cho nhu cầu con giống của các trang trại mới. [Agribank (2020 - 2021)] Trang trại bò sữa Organic Đà Lạt của Công ty Vinamilk tại Lâm Đồng được đầu tư 200 tỷ đồng, quy mô ban đầu hơn 500 con. Giống bò được tuyển chọn nghiêm ngặt nên có sẵn hệ miễn dịch mạnh, nguồn thức ăn cho chúng là 100% hữu cơ. Dự án gồm các hạng mục: đàn bò, hệ thống cơ sở hạ tầng, chuồng trại, trang thiết bị kỹ thuật… được Tổ chức Toàn cầu Control Union Certifications (Hà Lan) chứng nhận là trang trại bò sữa Organic tiêu chuẩn châu Âu. Trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt là bước đi chiến lược để Vinamilk có thể đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm hữu cơ cao cấp tại Việt Nam và xuất khẩu ra các nước trên thế giới. [Agribank (2020 - 2021)] Dự án đầu tư Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Tam Đảo do Tập đoàn Vingroup triển khai tại thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, là một trong số những điển hình về đầu tư trong lĩnh vực này của tập đoàn. VinEco Tam Đảo là 1 trong 14 nông trường đang được triển khai trên cả nước của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco, thành viên của Tập đoàn Vingroup. Dự án chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2015, có quy mô 78 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện của tỉnh Vĩnh Phúc. VinEco - Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông Nghiệp VinEco, một thành viên của Tập Đoàn Vingroup, đã chính thức tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 3/2015, tổng số vốn đầu tư lên tới 4000 tỷ đồng và quy mô 1000 nhân sự. VinEco có 3 vùng sản xuất lớn ở miền Bắc, miền Nam, Lâm Đồng với 14 nông trường đã và đang chuẩn bị đưa vào sản xuất. [Agribank (2020 - 2021)] Bắt đầu thực hiện từ năm 2009, sau 8 năm triển khai dự án, Tập đoàn TH đã xây dựng trang trại bò sữa tại Nghĩa Đàn, Nghệ An, ứng dụng công nghệ cao với quy mô hơn 45.000 con bò. Từ năm 2015, Tập đoàn này tiếp tục phát triển trang trại chăn nuôi hữu cơ, thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn organic châu Âu và Mỹ. Đến nay, Tập đoàn đã sở hữu đàn bò sữa, bê hữu cơ quy mô lớn tại Việt Nam với hơn 1.000 con. 191
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH KINH DOANH NÔNG NGHIỆP ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI Theo kế hoạch, tới năm 2018, đơn vị này sẽ sản xuất sữa organic trên quy mô 3.000 con. [Agribank (2020 - 2021)] Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là một trong số ít doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đầu tư trọng điểm vào nuôi bò công nghệ cao. Công ty đã dành tới 6.300 tỷ đồng vào dự án chăn nuôi với tổng đàn 236.000 con, trong đó có 120.000 con bò sữa. Hoàng Anh Gia Lai còn hợp sức cùng Tập đoàn An Phú thành lập Công ty Cổ phần Bình Hà. Mới đây, Bình Hà cho biết đã hoàn thành giai đoạn I của dự án chăn nuôi bò lớn nhất Việt Nam tại Hà Tĩnh. Công trình có vốn đầu tư lên tới 4.582 tỷ đồng, nằm trên diện tích 5.000 ha với khoảng 3.000 lao động. Dự kiến đến năm 2017, tổng đàn bò tại đây là 217.000 con. Mục tiêu dự án là phát triển chăn nuôi bò giống và bò thịt theo quy trình công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Sau khi hoàn thành, trang trại này sẽ đem lại khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm. [Agribank (2020 - 2021)] 4. Khảo sát thực trạng tiển khai của doanh nghiệp và ngân hàng 4.1. Chủ động đầu tư của doanh nghiệp và ngân hàng Về góc độ chủ động đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao của NHTM phải nói đến Standard Chartered Bank, đây là ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đã triển khai dự án 70 triệu USD, vốn vay ưu đãi cho Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với mục đích giúp hình thành một chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh lúa gạo khép kín bền vững. Năm 2018 (theo kế hoạch), chuỗi sản xuất của AGPPS sẽ có 360.000 ha và hoàn thành 12 cụm nhà máy chế biến có tổng công suất 2,4 triệu tấn gạo/năm tại Đồng bằng sông Cửu Long. [SBV (2020 - 2021)] 4.2. Triển khai của Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành có liên quan Triển khai Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ, NHNN đã ban hành Quyết định 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp. NHNN cũng đã chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN tiến hành khảo sát các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại 8 địa phương trên toàn quốc làm cơ sở xây dựng cơ chế chính sách cho vay thí điểm. NHNN đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN lựa chọn 28 doanh nghiệp tại 22 tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện 31 dự án sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Tính đến nay các NHTM đã giải ngân cho vay 22 trong tổng số 28 doanh nghiệp để thực hiện 22 trong tổng số 31 dự án sản xuất nông nghiệp theo chương trình với số vốn đạt 7.333,73 tỷ đồng. [SBV (2020 - 2021)] 192
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH KINH DOANH NÔNG NGHIỆP ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI Sau hơn 2 năm triển khai, trên cơ sở kết quả của chương trình, các bộ ngành: NHNN, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN đã thống nhất kết thúc chương trình theo đúng kế hoạch, các dự án đang triển khai đã được chuyển sang thực hiện vay theo các chính sách tín dụng tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Riêng trường hợp dự án nuôi cá tra của Công ty Thuận An tại tỉnh An Giang, UBND Tỉnh và Công ty Thuận An cho phép Công ty được kéo dài thời gian thí điểm thêm 2 năm đến 28/5/2018 do Công ty mới hoàn thành liên kết với 13/30 hộ dân được phê duyệt tham gia chương trình, các hộ dân còn lại vẫn đang hoàn tất các thủ tục tất toán khoản vay cũ tại ngân hàng khác (thời gian mất khoảng 3 - 5 tháng) để làm thủ tục vay mới tại Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Agribank (ngân hàng cho vay chuỗi cá tra của Công ty Thuận An trong chương trình thí điểm) và cần thêm khoảng 3 - 5 tháng để hoàn thành cơ sở hạ tầng nuôi, chuyển giao kỹ thuật. Mô hình liên kết chuỗi cá tra của Công ty Thuận An là mô hình đặc thù trong nuôi trồng - thu mua - chế biến và xuất khẩu cá tra có hiệu quả trên địa bàn tỉnh An Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong mô hình liên kết này, doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật và một phần chi phí cơ sở hạ tầng. Các hộ dân liên kết trực tiếp vay vốn tại NHTM để trang trải chi phí nuôi trồng. Bộ KH&CN và Agribank đã đồng thuận việc gia hạn thời gian thí điểm đối với Công ty Thuận An. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho rằng, Công ty Thuận An nên chuyển sang vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP vì việc kéo dài thời gian thực hiện thí điểm thêm 2 năm chỉ đối với một dự án của một doanh nghiệp là không cần thiết và mô hình liên kết này không mang tính điển hình cho liên kết. [SBV (2020 - 2021)] Sau khi xem xét, NHNN thấy rằng mô hình này có tính đặc thù cao trong nuôi trồng thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long (như đầu tư nuôi vốn từ 10 - 12 tỷ đồng/ ao nuôi, doanh nghiệp không có khả năng hỗ trợ toàn bộ, chỉ có khả năng cung ứng giống, kỹ thuật, đầu tư một phần cơ sở hạ tầng giúp hộ nuôi đáp ứng tiêu chuẩn vùng nuôi và cam kết tiêu thụ hết sản phẩm). Do đó, NHNN cần thêm thời gian nghiên cứu mô hình này. Nếu chuyển sang vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, các hộ dân nuôi trồng thủy sản ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty Thuận An chỉ được NHTM xem xét cho vay không tài sản bảo đảm ở mức tối đa 500 triệu đồng. Vì vậy, nếu chấm dứt ngay việc vay theo chương trình thí điểm thì các hộ dân trong chuỗi liên kết sẽ gặp khó khăn về tài sản bảo đảm. [SBV (2020 - 2021)] NHNN xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cho vay đối với mô hình Chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An thêm 2 năm đến 28/5/2018 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các 193
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH KINH DOANH NÔNG NGHIỆP ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI hộ dân trong chuỗi liên kết hoàn thiện và phát triển mô hình liên kết theo đề nghị của UBND tỉnh An Giang, Công ty Thuận An và Agribank. [SBV (2020 - 2021)] 4.3. Triển khai của Agribank – Ngân hàng chủ lực trong cho vay vốn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp Về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ, ngày 24/4/2017, NHNN Việt Nam đã ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN chỉ đạo triển khai cụ thể. Theo số liệu của NHNN Việt Nam, sau thời gian triển khai cho vay lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, các NHTM đang có dư nợ 3.700 tỷ đồng đối với 25 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, Agribank đóng vai trò chủ lực, tiên phòng đi đầu trong lĩnh vực này. [SBV (2020 - 2021)] Agribank đã ban hành văn bản hướng dẫn cho vay doanh nghiệp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định 813/QĐ-NHNN của NHNN Việt Nam về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ. Agribank dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng bằng vốn huy động thương mại của Agribank, bắt đầu thực hiện từ ngày 01/11/2016. Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5% - 1,5% so với lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành. Trên thực tế, Agribank đã triển khai mô hình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, như: mô hình trồng hoa nhà kính tại Lâm Đồng; cánh đồng mẫu lớn tại Cần Thơ, Đồng Tháp; chăn nuôi lợn tại Hà Nam; trồng mía tại Khánh Hòa; sản xuất hoa quả, rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên… và bước đầu các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân. [SBV (2020 - 2021)] Agribank cùng doanh nghiệp tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc như: về thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp (đối với tài sản gắn liền với đất); tháo gỡ, giảm thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng tự hoàn thiện cơ chế quản lý, năng lực quản trị kinh doanh, quản lý tài chính theo hướng minh bạch, rõ ràng, đầu tư 194
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH KINH DOANH NÔNG NGHIỆP ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp cần tái cấu trúc kinh doanh nhằm tập trung vào các mảng sản xuất, kinh doanh chủ chốt, có thế mạnh, có khả năng tạo ra dòng tiền ổn định để tăng khả năng trả nợ khi tiếp cận vốn vay ngân hàng. Mặt khác, Agribank cũng đồng hành cùng doanh nghiệp được hỗ trợ vốn tập huấn về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp; triển khai bảo hiểm trong nông nghiệp đảm bảo an toàn vốn. Agribank còn cho phép vay tín chấp hoặc vay bảo đảm một phần, khách hàng được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank và giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành của Agribank đối với chuyển tiền ngoài hệ thống. Đối tượng cho vay gồm cung ứng vật tư đầu vào (cây, con giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón chất lượng cao,…); sản xuất (xây dựng nhà máy, chuồng trại, ao nuôi nhà kính, nuôi trồng, chế biến, thiết bị và các chi phí sản xuất khác…). Về tài sản bảo đảm, tùy vào đối tượng khách hàng sẽ được Agribank xem xét cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm đối hoặc có đảm bảo một phần bằng tài sản. 5. Một số đánh giá những vướng mắc trong cho vay vốn đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp Trước hết, chúng ta cần phải xác định rõ nội hàm của nông nghiệp công nghệ cao, xác định được phạm vi bao gồm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp hay còn nội dung nào khác. Đồng thời, các vấn đề liên quan đến chính sách tín dụng hiện nay vẫn còn chưa rõ ràng về thời gian vay ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn thì áp dụng cho vay lĩnh vực nào, khâu nào, và tỷ lệ của các loại kỳ hạn trong gói tín dụng này được xác định ra sao. Các ngân hàng có đảm bảo hạn mức sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đối với ngành nông nghiệp công nghệ cao khi tỷ lệ hạn mức này càng ngày càng giảm. Bên cạnh đó, liên quan đến việc cho vay vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cũng còn nhiều vấn đề đang đặt ra như: Về phạm vi cho vay, ngân hàng cho vay theo chuỗi hay cho vay theo từng công đoạn của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao? Về đối tượng cho vay, ngoài các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ kinh doanh, trang trại, gia trại liệu có vay được không? Thứ hai, một số khó khăn khác đó là hạn chế trong: chính sách mở rộng hạn điền; chính sách về tín dụng ưu đãi; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp xanh; sự phối kết hợp giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh; mối liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 195
  10. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH KINH DOANH NÔNG NGHIỆP ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI Thứ ba, do quy hoạch cây, con, ngành nghề của các địa phương còn chưa rõ ràng và manh mún; việc cấp giấy chứng nhận nông nghiệp công nghệ cao còn chậm và các ngân hàng phải tự mày mò các quy định liên quan; giá trị đất đai làm tài sản đảm bảo thấp do địa phương định giá theo khung giá của Nhà nước trong khi các khoản vay giá trị lớn; pháp luật chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp (như: nhà xưởng, nhà kính, xe vận chuyển chuyên dùng…), trong khi đây đều là những tài sản có giá trị cao… KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH Trước hết, công tác đào tạo nguồn nhân lực cần không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đào tạo cán bộ kinh doanh nông nghiệp, gắn lý luận với phân tích, mổ xẻ các chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Nội dung đào tạo cần có kết quả khảo sát cụ thể, với những số liệu cụ thể. Với những nội dung này, giảng viên, giáo viên có thể chủ động xây dựng đưa ra giảng dạy, hoặc giao bài tập tình huống, gợi ý, hướng dẫn người được đào tạo tiến hành nghiên cứu, khảo sát. Thứ hai, trong nội dung nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo cần phân tích chuyên sâu về những nhân tố tác động đến sự ra đời của các chính sách kinh tế phát triển nông nghiệp - nông thôn, cơ sở lý luận và thực tiễn của chính sách, tính cấp bách của chính sách; nhưng ưu điểm và nhược điểm triển khai chính sách trong thực tiễn, đề xuất khuyến nghị có liên quan. Nếu như có những đánh giá độc lập về tác động của chính sách đối với thực tiễn thì càng có tính thuyết phục đối với người được đào tạo, hay nâng cao kỹ năng và kiến thức cho người được đào tạo. Ví dụ, từ những nội dung về chính sách và triển khai chính sách nói trên, có thể đưa ra một số khuyến nghị như sau: cần có đột phá trong cơ chế đầu tư tín dụng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; đồng thời, cần tách bạch rõ ràng giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại. Khi thực hiện nhiệm vụ chính sách, các tổ chức tín dụng cũng phải được hưởng những ưu đãi của chính sách như các đơn vị thụ hưởng, được hỗ trợ nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách giảm lãi suất; cách tính các hệ số an toàn, chính sách thuế, cơ chế xử lý rủi ro cần linh hoạt hơn. Không hình sự hóa các quan hệ tín dụng, xác định đến cùng trách nhiệm trả nợ của người vay, ngăn chặn sự lạm dụng, rủi ro đạo đức và giảm tâm lý lo ngại của cán bộ tín dụng khi thực hiện cho vay khách hàng. Hoặc là, một số khuyến nghị khác có liên quan như: Chính phủ cần khuyến khích thành lập một số quỹ bảo hiểm nông nghiệp, quỹ hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, cũng như coi trọng xây dựng các cơ chế, chính sách, lộ trình thực hiện các ưu 196
  11. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH KINH DOANH NÔNG NGHIỆP ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI đãi thuế, tín dụng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và cán bộ; phát triển các trung tâm và các dịch vụ hỗ trợ chuyển giao và quản lý công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng và phát triển, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản; xây dựng và duy trì hàng rào kỹ thuật đúng quy định và các cam kết hội nhập để bảo vệ nông nghiệp trong nước; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc làm hồ chứa, đập thủy lợi nhỏ và có chính sách tín dụng cho vay vốn để thay đổi công nghệ trong sản xuất, tạo động lực cho nông nghiệp phát triển. Những đề xuất như vậy làm cho người được đào tạo nắm được tính hệ thống của một chính sách, tính xuyên suốt và các mối liên hệ có liên quan của chính sách. Thứ ba, trong phân tích và đánh giá thực tiễn khi giảng dạy và đào tạo nhân lực kinh doanh nông nghiệp, các giảng viên cần làm cho người được đào tạo thấy được mối liên hệ giữa các chính sách, sự phối hợp của các cơ quan và bộ ngành chức năng. Nhóm tác giả xin đưa thêm một ví dụ có thể xem là các khuyến nghị tiếp theo về triển khai chính sách nói trên, đó là: Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, tỉnh Hà Nam cần: (i) đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cả trong nước và quốc tế, tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản chất lượng cao có giá trị; (ii) tăng cường tuyên truyền, phổ biến và lồng ghép các nhiệm vụ của chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các nhiệm vụ phát triển của ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; (iii) nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý của Nhà nước trong việc kiểm soát quy chuẩn chất lượng các sản phẩm nông nghiệp được minh bạch, tin cậy và khuyến khích đầu tư, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch với đặc thù giá thành cao; xử lý nghiêm minh các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật; coi trọng dự báo và cung cấp thông tin thường xuyên về cung - cầu, giá cả thị trường trong nước và thế giới; hỗ trợ tuyên truyền, tiếp thị, quảng bá để tạo thương hiệu quốc gia, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Thêm một ví dụ nữa trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy đào tào nhân lực kinh doanh nông nghiệp có thể tham khảo, đó là: các địa phương thuộc quy hoạch tổng thể khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 (giai đoạn đến năm 2020) cần chủ động huy động nguồn lực, bảo đảm đủ kinh phí đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, nước; nghiên cứu phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp kiểu mới; thành lập và phát triển các Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao ở các cấp với quy mô và nội dung hoạt động 197
  12. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH KINH DOANH NÔNG NGHIỆP ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI phù hợp ở các địa phương có sự kết nối toàn quốc và khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến, xây dựng, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giữa người sản xuất, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp; coi trọng hiện đại hóa, nâng cấp văn minh thương mại, khắc phục tình trạng bán hàng kiểu đổ đống, không bao bì, không nhãn mác, thương hiệu không có áp phích và poster giới thiệu… để tạo động lực mới và mở ra cơ hội mới, kỳ vọng mới cho phát triển và hiện đại hóa bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank (2020 - 2021), Truy cập tại: https://www.agribank.com.vn: “Báo cáo hoạt động kinh doanh; báo cáo đầu tư vốn tín dụng cho các chương trình đặc biệt của Agribank”, truy cập từ ngày 14-19/01/2021. 2. Bộ NN&PTNT (2020 - 2021), “Báo cáo hoạt động ngành nông nghiệp năm 2020”, tháng 1/2021. (Bản cứng) 3. GSO (2020 - 2021): Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn; truy cập từ ngày 14- 19/01/2021. 4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - SBV (2020 - 2021): Truy cập tại: https://www. sbv.gov.vn: Mục tin tức – văn bản, truy cập từ ngày 14-19/01/2021 198
nguon tai.lieu . vn