Xem mẫu

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 18 * 2018 79 TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VỚI CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM HIỆN NAY Phạm Văn Hồ* Học viện Chính trị khu vực III Tóm tắt 170 năm đã trôi qua kể từ khi tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản ra đời. Trong khoảng thời gian ấy, dù thế giới có những đổi thay nhưng những nguyên lý của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản đối với cách mạng thế giới nói chung, đối với cách mạng Việt Nam vẫn nguyên giá trị; đặc biệt là những chỉ dẫn về con đường xây dựng một xã hội tương lai xã hội cộng sản chủ nghĩa. Thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong 87 năm qua, nhất là thắng lợi của công cuộc đổi mới, gắn mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội đã khẳng định tính khoa học và cách mạng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Từ khóa: Tuyên Ngôn của Đảng Cộng sản, Chủ nghĩa xã hội, Cách mạng Việt Nam; Đổi mới; Abstract Declaration of the Communist Party and the Development Road of Vietnam’s Revolution It has been 170 years since the birth of the Declaration of the Communist Party. During the time, despite how much the world has changed, the value of the principles of the Declaration of the Communist Party to the world’s revolution in general and Vietnam’s revolution in particular still remains unchanged; especially the guidelines for the direction of building a future communist society. The great success of Vietnam’s revolution in the last 87 years, especially the victory of the renovation process, attaching the goal of the national independence to socialism, has affirmed the scientific and revolutionary features of the Declaration of the Communist Party. Keywords: Declaration of the Communist Party, Socialism, Vietnam revolution, Renovation 1. Tuyên Ngôn của Đảng Cộng sản – Cương lĩnh chính trị của giai cấp vô sản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của C.Mác và Ph.Ăngghen. Tuyên ngôn là tác phẩm khoa học xuất sắc, đánh dấu sự chín muồi về tư tưởng, quan điểm và phương pháp luận khoa học của C.Mác và Ph.Ăngghen. “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong di sản lý luận của Mác và Ăngghen, là tác phẩm , nền tảng về lý luận của chủ nghĩa Mác. “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” được coi là văn kiện lý luận chính trị quan trọng bậc nhất vào giữa thế kỷ XIX, báo hiệu sự trưởng thành về tư tưởng, chính trị và tổ chức của phong trào vô sản, của Đảng Cộng sản - đội tiên phong của giai cấp vô sản trong sự nghiệp đấu tranh nhằm tự * Email: hophamvan@yahoo.com.vn
  2. 80 TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN giải phóng mình và giải phóng toàn nhân loại khỏi ách thống trị chủ nghĩa tư bản. Ngay từ khi ra đời, Tuyên ngôn đã được xem là Cương lĩnh chính trị của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; đó là Cương lĩnh hành động của những người cộng sản, nhằm tập hợp giai cấp vô sản và nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh chống CNTB, xây dựng một xã hội tương lai; thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội loài người ra khỏi ách áp bức bóc lột và thống trị của CNTB, tiến tới một chế độ xã hội tốt đẹp nhất, xoá bỏ mọi sự tha hoá, phi nhân tính, làm cho con người được tự do và làm chủ, có đời sống hạnh phúc, cả về vật chất lẫn tinh thần. Với ý nghĩa là Cương lĩnh chính trị của giai cấp vô sản, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã nêu rõ quan điểm, mục đích, chiến lược và sách lược của Đảng cộng sản; chỉ ra tiến trình cách mạng của giai cấp vô sản, những nhiệm vụ, biện pháp mà giai cấp vô sản cần áp dụng để đạt được mục đích cuối cùng đó là giải phóng vĩnh viễn xã hội khỏi ách áp bức, bóc lột, đem lại tự do vĩnh viễn cho con người. “Tuyên ngôn” đã trang bị lý luận cách mạng, thế giới quan cách mạng, phương pháp tư duy biện chứng duy vật cho giai cấp vô sản, giúp cho giai cấp vô sản tránh được tình trạng mò mẫm và tính chất tự phát trong tiến trình cách mạng của giai cấp mình. 2. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản với con đường cách mạng Việt Nam hiện nay Đối với Việt Nam, tư tưởng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản có ý nghĩa vô cùng to lớn, chỉ dẫn con đường cách mạng gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Kể từ khi bị thực dân Pháp xâm lược và đặt ách thống trị, xã hội Việt Nam tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản, đó là giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc xâm lược và giữa nông dân với địa chủ phong kiến. Những mâu thuẫn trên đã quy định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là chống đế quốc và chống phong kiến, trong đó ở một nước thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam, nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc nổi lên hàng đầu. Yêu cầu của lịch sử dân tộc đặt ra là vậy, song không phải giai cấp nào, phong trào yêu nước nào cũng đáp ứng được. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam kiên cường đấu tranh, từ ngọn cờ phong kiến đến ngọn cờ dân chủ, tư sản với hàng chục cuộc đấu tranh vũ trang oanh liệt vì mục tiêu giành độc lập dân tộc nhưng tất cả đều rơi vào bế tắc, thất bại. Sau nhiều năm bôn ba, khảo nghiệm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra được con đường cứu nước theo con đường cách mạng vô sản “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” [8,128]. Vận dụng sáng tạo nguyên lý Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nói riêng, chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung, Chính cương vắn tắt do Nguyên Ái Quốc soạn thảo xác định đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” [9,1]. Phương hướng, mục tiêu chiến lược cách mạng được nêu ra trong Chính cương vắn tắt đã thể hiện rõ nội dung cách mạng thuộc địa nằm trong phạm trù của cách mạng vô sản, làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội gắn liền mật thiết với nhau, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đường lối đúng đắn, sáng tạo trong Chính cương vắn tắt là ngọn cờ dẫn dắt sự
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 18 * 2018 81 nghiệp cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra cho dân tộc kỷ nguyên mới độc lập tự do, đi lên CNXH; thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đại hội IV của Đảng (12/1976) khẳng định: “Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, là ngọn cờ bách chiến bách thắng của cách mạng Việt Nam. Với đường lối cơ bản ấy, Đảng đã giải quyết đúng một loạt vấn đề chiến lược, sách lược trong cách mạng dân tộc dân chủ cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa” [1, 40]. Bước vào thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, do chưa nhận thức hết đặc điểm dân tộc, chưa nhận thức hết quy luật của con đường chủ nghĩa xã hội, chưa nhận thức đầy đủ chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác - Lênin, nên trong gần một thập kỷ đầu, Đảng đã phạm sai lầm duy ý chí, chủ quan về sự chỉ đạo chiến lược, tổ chức thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội. Công cuộc đổi mới toàn diện được Đảng khởi xướng tại Đại hội VI (12/1986) đến nay là kết quả của tổng kết thực tiễn; quán triệt, vận dụng những tư tưởng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nói riêng, nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung vào điều kiện cụ thể của Việt Nam đã giúp Đảng nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn các quy luật khách quan của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Để sự nghiệp đổi mới đúng định hướng và giành thắng lợi, đồng thời thực hiện những tư tưởng được chỉ dẫn từ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VI, tháng 3-1989), Đảng ta đã đề ra các nguyên tắc cơ bản trong công cuộc đổi mới: “- Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của nước ta, là sự lựa chọn sáng suốt của Bác Hồ, của Đảng ta. Xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa là mục tiêu, là lý tưởng của Đảng và nhân dân ta. Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp. - Chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng và là kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta. Đổi mới tư duy là nhằm khắc phục những quan niệm không đúng, làm phong phú những quan niệm đúng về thời đại, về chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chứ không xa rời những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin. - Đổi mới tổ chức và phương thức họat động của hệ thống chính trị là nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, có nghĩa là tăng cường sức mạnh và hiệu lực của chuyên chính vô sản, làm cho các tổ chức trong hệ thống chính trị họat động năng động và có hiệu quả hơn. - Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Phải phê phán những khuynh hướng phủ nhận hoặc hạ thấp sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến trung thực phê bình những khuyết điểm trong sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng. - Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dân chủ phải đi đôi với tập trung, với kỷ luật, pháp luật, với ý thức trách nhiệm công dân. Dân chủ phải có lãnh đạo, lãnh đạo để phát huy dân chủ đúng hướng;
  4. 82 TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN mặt khác phải lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ trên cơ sở phát huy dân chủ. Dân chủ với nhân dân nhưng phải nghiêm trị những kẻ phá hoại thành quả cách mạng, an ninh trật tự và an toàn xã hội. - Kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản và quốc tế xã hội chủ nghĩa; kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới” [3,590-592]. Cần nhấn mạnh là, trong các nguyên tắc, Đảng khẳng định giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa là nguyên tắc đầu tiên. Việc khẳng định tính nguyên tắc cơ bản của quá trình đổi mới thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, góp phần ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ hữu khuynh đổi mới để phát triển bằng mọi giá, không quan tâm tới định hướng chính trị đối với sự phát triển của đất nước. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII (6/1991), Đảng đã chỉ rõ “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta”… “Toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau” [2, 4]. Năm 1985, Đảng cộng sản Liên Xô đề ra chủ trương cải tổ để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cải tổ đưa đến hậu quả là chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sụp đổ. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là không xác lập đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng trong toàn xã hội và phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng. Những sai lầm nói trên là do làm trái quy luật khách quan, làm trái các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng Đảng, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu là một tổn thất nặng nề của phong trào cách mạng thế giới, tác động sâu sắc đến quá trình vận động của lịch sử thế giới. Lợi dụng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, các học giả của giai cấp tư sản đã công kích, xuyên tạc về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Họ cho rằng việc ra đời chủ nghĩa xã hội là trái quy luật, chỉ có con đường đi lên chủ nghĩa tư bản là hợp quy luật. Sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã đặt ra một câu hỏi lớn cho rất nhiều quốc gia trên thế giới về vấn đề lựa chọn con đường phát triển? Một thực tế là, sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, hầu hết các nước thuộc thế giới thứ ba, kể cả một số nước ở Châu Á, Châu Phi, Mỹ La tinh đã có xu hướng lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa trong các thập kỷ trước cũng đã quay trở về con đường tư bản chủ nghĩa. Trước tình hình vô cùng phức tạp của bối cảnh quốc tế, tác động rất lớn đến quá trình đổi mới, đến con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nhưng trên cơ sở trung thành với nguyên lý Tuyên Ngôn Đảng Cộng sản nói riêng, chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung, phân tích biện chứng, khoa học về sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đảng đã khẳng định sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội không đúng đắn, quy luật của xã hội loài người vẫn đang trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội “Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ khiến chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào, nhưng điều đó không làm thay đổi tính chất của thời đại; loài người vẫn đang trong thời kỳ qúa độ từ
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 18 * 2018 83 chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội” [4,76]. Đại hội lần thứ VIII của Đảng (6/1996) xác định bài học đầu tiên sau 10 năm đổi mới là: “Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới, nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” [4,70]. Đại hội IX của Đảng (4/2001) tổng kết 15 năm đổi mới (1986-2001), Đảng khẳng định: “Trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” [5,81]. Sự phát triển bền vững, ổn định, đúng định hướng của công cuộc đổi mới không phải tự nó diễn ra, mà đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, sự kiên định con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đảng lãnh đạo tiến hành đổi mới toàn diện, không xa rời mục tiêu, lý tưởng, không xa rời những vấn đề có tính nguyên tắc, không phủ nhận những thành tựu của quá khứ; trái lại, đổi mới trên cơ sở kế thừa và phát triển những truyền thống tốt đẹp, kiên định và vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác – Lênin để thực hiện có hiệu quả hơn mục tiêu đã định: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam” [7,69]. Thực hiện sự nghiệp đổi mới với những thành tựu và cả những khuyết điểm, hạn chế chính là quá trình Đảng nhận thức rõ hơn về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, về chế độ xã hội chủ nghĩa. Đường lối đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đáp ứng đúng yêu cầu cấp bách của cách mạng, hợp quy luật, thuận lòng dân nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, đạt được những thành tựu hết sức to lớn: “Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử” [7,69]. Sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH
  6. 84 TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN của Đảng ta ngày càng sáng tỏ hơn. Mục tiêu, mô hình CNXH ở nước ta đang xây dựng theo đường lối đổi mới hiện nay được Đảng ta nêu rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước (1991) và được bổ sung, phát triển năm 2011 gồm có 8 đặc trưng, đó cũng là quá trình cụ thể hóa tư tưởng của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng là một xã hội “Dân giàu nước mạnh, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới” [6,70]. Về những giải pháp để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội cũng được Đảng ta xác định rõ hơn, đó là sử dụng kinh tế thị trường, cơ chế thị trường; sử dụng sức mạnh tổng hợp các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước, tập thể đóng vai trò chủ đạo, nền tảng; xây dựng nền kinh tế tri thức; sử dụng những thành tựu khoa học, kinh nghiệm quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trong sự nghiệp đổi mới là quyết tâm chính trị của Đảng, là quy luật vận động khách quan của lịch sử. Chính thành tựu, kinh nghiệm của hơn 30 năm đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã và đang làm rõ quy luật khách quan đó. Đổi mới ở Việt Nam không phải là một công việc đơn giản, dễ dàng mà là một cuộc cách mạng rộng lớn và sâu sắc trong phương pháp tư duy, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, cũng như trong hoạt động thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề mới đòi hỏi phải giải đáp cả về mặt lý luận và giải quyết trong hoạt động thực tiễn. Song dựa trên những nguyên lý Tuyên Ngôn của Đảng Cộng sản nói riêng, chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung, kinh nghiệm của hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt là thực tiễn sinh động xây dựng CNXH ở nước ta sẽ giúp Đảng có lời giải thấu đáo những vấn đề đặt ra, đưa sự nghiệp xây dựng CNXH theo đường lối đổi mới thành công. 3. Lời kết Kỷ niệm 170 năm ngày ra đời Tuyên ngôn, khẳng định giá trị lý luận được chỉ dẫn từ Tuyên ngôn về con đường phát triển của cách mạng; về những nguyên lý cơ bản của thế giới quan cách mạng, về các phương pháp luận khoa học trong việc xem xét và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong công cuộc xây dựng CNXH hiện nay là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Tuyên Ngôn của Đảng Cộng sản là cơ sở lý luận và phương pháp luận để Đảng lãnh đạo sự nghiệp sự nghiệp đổi mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Sự kiên định, niềm tin sắt đá vào mục tiêu cách mạng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là nguồn gốc, động lực tạo ra sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc đổi mới
  7. TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 18 * 2018 85 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1977), Báo cáo chính trị Đại hội IV, Nxb Sự thật, Hà Nội. [2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội. [3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. [4] Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đai hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. [5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. [6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. [7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. [8] Hồ Chí Minh Toàn tập (2000), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. [9] Hồ Chí Minh Toàn tập (2000), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. (Ngày nhận bài: 25/01/2018; ngày phản biện:27/04/2018; ngày nhận đăng: 07/06/2018)
nguon tai.lieu . vn