Xem mẫu

  1. Sở hữu là một phạm trù kinh tế biểu hiện các quan hệ giữa người với người đối với việc chiếm hữu của cải vật chất, trước hết là đối với những tư liệu sản xuất chủ yếu. Sở hữu tư liệu sản xuất quy định mục đích của sản xuất, hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, phương thức quản lý, phân phối sản phẩm và cơ chế điều tiết chúng. Mỗi phương thức sản xuất có một hình thức sở hữu tư liệu sản xuất đặc thù. Vì thế, sở hữu tư liệu sản xuất luôn là một vấn đề trong những vấn đề cơ bản và sâu xa của mọi cuộc cách mạng. Và từ Đại hội lần thứ VI, Đảng ta đã có tư duy mới về sở hữu. Trong Đại hội này Đảng ta thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót trong nhận thức và chỉ đạo về sở hữu và các thành phần kinh tế, cũng như việc vận dụng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng lần thứ VI khẳng định: Trong nhận thức và trong hành động chúng ta chưa thật sự thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, chưa nắm vững và vận dụng đúng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất. Trên cơ sở chỉ ra những thiếu sót, Đảng ta đã có những nhận thức mới, đúng đắn và khoa học về vấn đề sở hữu và các thành phần kinh tế, từng bước khắc phục chế độ công hữu hình thức và khơi dậy được những động lực của nền kinh tế. Nghĩa là thừa nhận sự tồn tại khách quan của nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất và nhiều thành kinh tế. Từ đó thay đổi cơ chế quản lý và cơ chế phân phối. Cụ thể là chuyển từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; từ phân phối bình quân (bình quân chủ nghĩa) sang phân phối theo lao động và tài sản đóng góp. Đồng thời đã nhận thức rõ hơn các quyền như quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền chuyển nhượng… nhờ đó khắc phục được tình trạng vô chủ như trước đây. Đến Đại hội Đảng lần thứ VII và trong Chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2000, Đảng ta đã khẳng định: Trong nền kinh tế ở nước ta còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu cơ bản, đó là: sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Trên cơ sở 3 hình thức sở hữu cơ bản này mà hình thành nhiều hình thức tổ chức và nhiều thành phần kinh tế (gồm 5 thành phần: kinh tế quốc doanh; kinh tế hợp tác; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản nhà nước). Sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế là vấn đề có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn, là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Các thành phần kinh tế còn tồn tại lâu dài và nằm trong một cơ cấu kinh tế thống nhất. Đại hội Đảng lần thứ VIII có những nhận thức đầy đủ hơn về các thành phần kinh tế như xác định thay kinh tế quốc doanh bằng kinh tế nhà nước để đảm bảo thực lực về kinh tế… Đại hội Đảng lần thứ IX, Đảng ta tiếp tục có những bổ sung và phát triển về sở hữu và các thành phần kinh tế cho phù hợp với thực tiễn của đất nước. Về sở hữu, tiếp tục phát triển những tư tưởng của Đại hội VI, VII, VIII, Đại hội IX khẳng định thêm một số tư tưởng sau: Chế độ sở hữu công cộng (công hữu) về tư liệu sản xuất chủ yếu từng bước được xác lập và sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối khi chủ nghĩa xã hội được xây dựng xong về cơ bản. Xây dựng chế độ đó là một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lâu dài qua nhiều bước, nhiều hình thức từ thấp đến cao. Phải phát triển từ thực tiễn tìm tòi, thử nghiệm để xây dựng chế độ xã hội công cộng nói riêng và quan hệ sản xuất mới nói chung với bước đi vững chắc; tiêu chuẩn căn bản để đánh giá hiệu quả sản xuất, quan hệ sản xuất định hướng xã hội chủ nghĩa là thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội. Về các thành phần kinh tế, xuất phát từ tình hình thực tiễn, Đại hội IX tiếp tục khẳng định quan điểm đổi mới của Đại hội VI, VII, VIII, đồng thời bổ sung một số điểm mới như sau: Thay thành phần kinh tế hợp tác bằng thành phần kinh tế tập thể, trong đó hợp tác xã là nòng cốt; nhận thức rõ hơn vai trò của thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhằm phát huy nội lực để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; bổ sung thêm thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, đến Đại hội IX, nước ta có 6 thành phần kinh tế, đó là: kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể trong đó nòng cốt là hợp tác xã, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các thành phần kinh tế này có thể có các hình thức sản xuất, kinh doanh đan xen, hỗn hợp, vừa hợp tác vừa cạnh tranh trong cùng một nền kinh tế quốc dân thống nhất. Tất cả các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Ở đây, kinh tế nhà nước bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng nhà nước, các quỹ dự trữ quốc gia, các quỹ bảo hiểm nhà nước và các tài sản thuộc sở hữu nhà nước có thể đưa vào vòng chu chuyển kinh tế. Dựa trên chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, là nhân tố mở đường cho sự phát triển kinh tế, là lực lượng vật chất quan trọng và công cụ để nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Cũng cần khẳng định rằng, trong quá trình chuyển đổi, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất cơ bản. Quá trình chuyển đổi đó diễn ra một cách từ từ, trong khuôn khổ chuyển dần từ nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết và quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (Đại hội VI) sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Đại hội IX). Và, chuyển đổi sở hữu ở nước ta được làm dần từng bước, xây dựng và hợp pháp hoá nền kinh tế nhiều thành phần (đa sở hữu). Mặc dù cách làm của nước ta "có vẻ" chậm nếu xét về mặt chuyển đổi chính sách, kém phát triển các thị trường, nhưng hầu như không dẫn đến xáo trộn, duy trì được tính liên tục và ổn định của hoạt động kinh
  2. doanh. Từ đó nâng cao được năng lực sản xuất, kinh doanh vốn có và bổ sung thêm các năng lực sản xuất mới thông qua liên doanh, liên kết đầu tư mới. Trong thực tế, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, doanh nghiệp nhà nước cũng còn nhiều yếu kém bất cập. Để kinh tế nhà nước thực sự giữ được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, Đảng và Nhà nước đã xác định phải cơ bản hoàn thành việc củng cố, sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Kể từ năm 1992 đến nay, chúng ta đã đạt được nhiều thành công trong tiến trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Nhưng vấn đề tồn tại trong nhiều năm là mặc dù doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều cải cách theo hướng thị trường, nhưng trách nhiệm và động lực của bộ máy quản lý chưa được cải cách triệt để. Lãnh đạo và người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước vẫn được coi là công chức nhà nước, bổ nhiệm và miễn nhiệm như trong bộ máy hành. Giám đốc được trả lương phụ thuộc vào thứ hạng doanh nghiệp. Việc tuyển dụng và trả lương chưa gắn với hợp đồng trách nhiệm cụ thể, đồng thời thiếu cơ chế đánh giá sát với thực tế. Quyền chủ sở hữu chưa được cải cách tương xứng và trở thành bất cập so với yêu cầu sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Chưa có phân định rõ ràng giữa quyền lợi và trách nhiệm của các đại diện chủ sở hữu; quản lý chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước còn chồng chéo, thiếu hiệu lực, đan xen, bị phân tán ra nhiều cơ quan, nhiều tổ chức dẫn đến hiệu quả kém, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau do lợi ích cục bộ; thiếu tiêu chí đánh giá, giám sát đối với quyền chủ sở hữu, với người đại diện chủ sở hữu; năng lực của nhiều cán bộ quản lý nhà nước, quản lý ngành, quản lý doanh nghiệp chưa đáp ứng được đòi hỏi của quá trình đổi mới quyền chủ sở hữu, trong khi chưa mạnh dạn cải cách cơ chế để có thể lựa chọn những người có đầy đủ năng lực và phẩm chất làm giám đốc, không đào thải được giám đốc không đủ năng lực, yếu kém trong áp dụng các chế tài… Có thể liên tưởng đến một số vụ tiêu cực lớn đã, đang được phát hiện như vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ PMU 18… Đại hội lần thứ X của Đảng, Đảng ta tiếp tục có những bổ sung và phát triển về sở hữu và các thành phần kinh tế cho phù hợp hơn với thực tiễn của đất nước. Đại hội đã xác định: Trên cơ sở ba chế độ sở hữu (toàn dân, tập thể, tư nhân), hình thành nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, so với Đại hội IX, nước ta có 5 thành phần kinh tế. Ở đây, thành phần kinh tế tư nhân bao gồm cả tư bản tư nhân và cá thể, tiểu chủ. Đại hội cũng xác định các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật và đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế. Và, Đại hội lần này cũng đã đưa ra một quan điểm rất mới về kinh tế tư nhân, đó là: kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế. Đại hội lần này, Đảng và Nhà nước ta có những quan điểm, chủ trương đúng đắn hơn, khoa học hơn về vấn đề sở hữu, các thành phần kinh tế, phù hợp hơn với tình hình mới để nền kinh tế nước ta có bước phát triển mới, góp phần quan trọng đưa đất nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
nguon tai.lieu . vn