Xem mẫu

  1. TRUNG QUỐC HIỆN ĐẠI HÓA GIÁO DỤC ĐẾN NĂM 2035 TS. Phạm Thị Hồng Thắm Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Tóm tắt Trung Quốc là đất nước nổi tiếng với những kế hoạch mang tầm nhìn dài hạn và có hệ thống chặt chẽ. Cùng với sự phát triển chung của giáo dục thế giới, Trung Quốc tập trung phát triển giáo dục cho tương lai nhằm hướng đến một nền giáo dục toàn cầu mang đặc trưng của nền văn hóa Trung Hoa giàu bản sắc. Bài viết trên cơ sở tổng hợp những nguyên tắc, mục tiêu, định hướng phát triển giáo dục của Trung Quốc hướng tới năm 2035 để cung cấp một kênh tham khảo cho quá trình hiện đại hóa giáo dục của Việt Nam. Từ khóa: Hiện đại hóa giáo dục, Trung Quốc, Giáo dục Trung Quốc Abstract China is a country known for its systematic and long-term visionary plans. Along with the general development of world education, China focuses on the development of education for the future, aiming for a global education with characteristics of rich Chinese culture. The article is based on a synthesis of the principles, goals and orientations of China's education development towards 2035 to provide a reference channel for Vietnam's educational modernization process. Keywords: Education modernization, China, Chinese education 1. Đặt vấn đề Tháng 9 năm 2015, hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc đã họp và đạt được sự đồng thuận về sự phát triển giáo dục trong thế kỉ 21. Các nhà lãnh đạo thế giới đã thảo luận và nhất trí thông qua “Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” và đề xuất “Đảm bảo mục tiêu giáo dục: Hòa nhập, Công bằng, chất lượng cao và khuyến khích toàn dân tranh thủ cơ hội học tập suốt đời”. Trên cơ sở này, vào tháng 11 cùng năm, UNESCO đã thông qua “Khung hành động cho giáo dục 2030” nhằm đưa ra các kế hoạch cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu giáo dục năm 2030 và vạch ra kế hoạch chi tiết cho tương lai của giáo dục toàn cầu. Trên cơ sở đó, tháng 10.2020 Hội nghị Trung Ương Trung Quốc họp và đặt mục tiêu “trở thành một quốc gia vĩ đại vào năm 2035” với nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo 241
  2. dục. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để đối phó với những thách thức về phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài sao cho phù hợp với mục tiêu chung của thế giới trong khi đó vẫn phải mang những đặc trưng văn hóa Trung Quốc, nhằm phục vụ tốt hơn cho sự phát triển xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội của con người. Nghiên cứu những năm gần đây cho thấy, Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa giáo dục và đã gặt hái được một số thành tựu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc do điều kiện kinh tế xã hội ở các vùng miền chưa đồng đều. Bài viết này tập trung khai thác kế hoạch hiện đại hóa giáo dục của chính phủ Trung Hoa trong quá trình phát triển đất nước. 2. Nội dung nghiên cứu Trước thực trạng thế giới đang thực hiện quốc tế hóa giáo dục nhằm tạo nên một thế giới phẳng không khoảng cách giữa con người với con người, cộng với nhu cầu phát triển giáo dục trong nước, Trung Quốc tiến hành hiện đại hóa giáo dục, mục tiêu đến năm 2035 sẽ đưa giáo dục trong nước phát triển ngang tầm thế giới, người học cơ bản sẽ được tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, được tiếp cận với nội dung, phương pháp giáo dục mới đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước (Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện, 2019). 2.1 Nguyên tắc Để thực hiện kế hoạch thành công, Trung Quốc cần có một kế hoạch mang tầm nhìn dài hạn, có hệ thống và có lợi cho đất nước. Cũng chính vì vậy, những nguyên tắc thực hiện được chính phủ đặt ra rất chặt chẽ như sau (Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện, 2019): 1. Tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng. Đảng được nhắc đến ở đây là Đảng Cộng sản Trung Quốc – đảng có quyền tối cao trong việc chỉ đạo và xây dựng những đường lối, chính sách, định hướng cho sự phát triển cho đất nước, trong đó có giáo dục. Sự phát triển giáo dục Trung Quốc đến năm 2035 phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa mang tầm nhìn dài hạn của đất nước này. 2. Tuân thủ các đặc trưng văn hóa truyền thống. Đó là những nét đặc sắc về văn hóa - nền văn hóa truyền thống và hiện đại cùng được dung hòa và phát triển, tuy nhiên nền văn hóa ấy vẫn mang màu sắc Trung Quốc và không bị hòa tan bởi bất cứ nền văn hóa nào khác. 242
  3. 3. Tuân thủ ưu tiên phát triển. Trung Quốc thực hiện ưu tiên phát triển những lĩnh vực cần phải thực hiện trước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những lĩnh vực sau phát triển. 4. Tuân thủ phục vụ nhân dân. Hiện đại hóa giáo dục đặt mục tiêu vì sự phát triển của đất nước, của con người, lấy sự phát triển con người làm cái đích cao nhất cho mọi hoạt động, do vậy, việc đưa giáo dục hiện đại hóa cần tuân thủ nguyên tắc vì con người để phát triển và vì con người để phục vụ. 5. Tuân thủ cải cách và đổi mới. Hiện đại hóa không thể tách rời khỏi sự phát triển. Để giáo dục có thể phát triển tốt hơn thì không thể không loại bỏ những cái cũ, cái không phù hợp để tiếp nhận những cái mới, cái phù hợp với xu thế và thời đại. Cụ thể trong kế hoạch đổi mới giáo dục, Trung Quốc tiến hành đầu tư đưa công nghệ thông tin hiện đại vào dạy học, giáo viên cũng cần phải học để có thể sử dụng tốt nhất công nghệ, đáp ứng tốt nhất mục tiêu dạy học và mục tiêu giáo dục. 6. Tuân thủ pháp quyền. Điều này có nghĩa là quản lí giáo dục trên cơ sở pháp luật và quyền con người. Ở Trung Quốc, tôn trọng pháp luật luôn là cảnh giới cao nhất của mọi hoạt động. Giáo dục cũng không ngoại lệ, mọi hoạt động giáo dục đều được thực hiện trên cơ sở tôn trọng quyền con người và tuân phủ luật pháp. 7. Tuân thủ kế hoạch tổng thể. Phát triển giáo dục mang tính dài hạn không có nghĩa là nó sẽ được thực hiện sao cho phù hợp với điều kiện thuận lợi của giáo dục trong một giai đoạn hay một khía cạnh nào đó mà nó bắt buộc phải nằm trong một hệ thống tổng thể. Kế hoạch tổng thể không chỉ là kế hoạch về giáo dục mà nó còn là kế hoạch chung cho sự phát triển đất nước trong đó liên quan tới cả kế hoạch phát triển kinh tế, bảo tồn và phát triển văn hóa và xã hội. 2.2 Mục tiêu Theo một số những nghiên cứu gần đây, đến năm 2020, kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Bộ Giáo dục Trung Quốc đã được thực hiện tương đối thành công, trong đó phải kể đến tầm ảnh hưởng của giáo dục Trung Quốc trên trường Quốc tế. Thành tựu rõ rệt nhất là những thành tựu về nghiên cứu khoa học, đưa người đi học tại những quốc gia có nền khoa học kĩ thuật hiện đại, thu hút nhân tài từ những quốc gia khác vào Trung Quốc học tập và cống hiến... tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường tăng cao, trình độ dân trí tăng lên rõ rệt... để có được kết quả này phải kể đến chính sách phổ cập giáo dục của nước này đã thực hiện rất hiệu quả (Youchao Deng; Baoli Gao, 2021). 243
  4. Phát huy những thành tựu đã đạt được, trên con đường đi đến mục tiêu phát triển dài hạn, Trung Quốc tiếp tục thực hiện toàn diện hiện đại hóa giáo dục, đạt mục tiêu đứng vào hàng ngũ những cường quốc về giáo dục, đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng một đất nước Xã hội chủ nghĩa giàu đẹp văn minh. Trên cơ sở đó, mục tiêu phát triển chính đến năm 2035 là: xây dựng hệ thống giáo dục hiện đại phục vụ học tập suốt đời cho mọi người; phổ cập giáo dục mầm non có chất lượng, đạt chất lượng cao và cân đối với giáo dục phổ thông, phổ cập toàn diện giáo dục trung học phổ thông; nâng cao năng lực người học trong giáo dục nghề nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh trong giáo dục đại học; trẻ khuyết tật và thanh thiếu niên đều được hưởng nền giáo dục phù hợp, hình thành một mô hình quản trị giáo dục mới trong đó có sự tham gia của toàn xã hội (Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện, 2019). 2.3 Định hướng thực hiện Trên cơ sở những nguyên tắc và mục tiêu trên, Văn phòng Quốc vụ Viện kết hợp với văn phòng Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc đề ra phương hướng thực hiện thống nhất trên toàn quốc như sau: - Tập trung nghiên cứu và triển khai thực hiện theo tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc trong thời đại mới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIX (tháng 10/2017), Đảng cộng sản Trung Quốc đã đưa vào điều lệ Đảng một học thuyết chính trị mới đó là “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa Xã hội mang đặc trưng Trung Quốc trong kỉ nguyên mới” và đó cũng chính là hệ thống tư tưởng được xác định trong định hướng phát triển đất nước trong thời kì mới. Cũng từ đây, việc nghiên cứu vận dụng và triển khai tư tưởng này được chú trọng và tập trung nhiều hơn. Có thể coi học thuyết của chủ tịch nước Tập Cận Bình chính là tư tưởng định hướng xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước nước nói chung trong đó có giáo dục nói riêng và nó trở thành tư tưởng của Chủ nghĩa xã hội thời đại mới. Để thực hiện được điều này, chính phủ Trung Quốc đã không ngừng thực hiện các biện pháp tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông, ngoài ra nó còn được đưa vào trong các tài liệu giảng dạy của giáo viên, tài liệu học tập của học sinh. Ngay từ các cấp học nhỏ, người học đã được tiếp cận với những tư tưởng chính trị của Đảng mà cụ thể là tư tưởng của chủ tịch nước Tập Cận Bình. Trong nghiên cứu khoa học, chủ đề nghiên cứu về tư tưởng của Người cũng được coi trọng và tập trung hơn. Thông 244
  5. qua các hình thức như trên, Trung Quốc mong muốn kiện toàn hệ thống tư tưởng giáo dục mang màu sắc Trung Hoa trên cơ sở tư tưởng của chủ tịch Tập. - Phát triển nền giáo dục chất lượng đẳng cấp quốc tế mang đặc trưng của Trung Quốc Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc không ngừng thực hiện các chính sách giáo dục nhằm thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Trong quá trình quốc tế hóa giáo dục của chính phủ nước này, có hai nhánh chiến lược quan trọng là “đi ra ngoài” và “thu hút vào”. Chiến lược này được chính phủ Trung Quốc thực hiện từ những năm 1978 và cho đến nay vẫn không ngừng phát triển mạnh mẽ. Để thực hiện được mục tiêu phát triển giáo dục mang đẳng cấp quốc tế thì Trung Quốc đã không ngừng cử sinh viên trong nước đến những nước có nền khoa học kĩ thuật phát triển, chọn những trường học tốt nhất, những giáo sư giỏi nhất để theo học. Sau khi tốt nghiệp, Trung Quốc thực hiện những chính sách thu hút nhân tài về nước làm việc thông qua những cơ chế đãi ngộ vô cùng hấp dẫn. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng thực hiện những chính sách thu hút nhân tài nước ngoài vào trong nước làm việc, đồng thời “tiếp thu học hỏi mọi thành quả ưu việt của văn minh nhân loại” (Lê Đức Nguyên & Chen Shi Xiang, 2020). Chính những điều này đã khiến cho Trung Quốc có nền khoa học kĩ thuật phát triển vượt bậc và có thể nói là bỏ xa so với các nước có nền kinh tế tương đương cùng thời kì. Cùng với sự phát triển đất nước, Trung Quốc cũng tập trung phát triển con người thông qua hình thức giáo dục đạo đức, tăng cường lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nâng cao tinh thần đấu tranh mang đặc trưng văn hóa Trung Hoa. Đầu tư nâng cấp trường học, xây dựng khuôn viên trường xanh, sạch, thẩm mỹ nhằm tăng cường tinh thần học tập và làm việc cho học sinh và giáo viên, phát triển kĩ năng hợp tác, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thực hành cho người học. Ngoài việc nâng cao chất lượng người học ra thì vấn đề phát triển thể chất con người cũng được chính phủ nước này coi trọng. Cụ thể trong các chương trình học hiện nay, môn thể dục rất được coi trọng. Mỗi ngày, học sinh đều có tiết thể dục, mỗi trường học đều có sân bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, phòng tập múa… và đều có giáo viên hướng dẫn. Học sinh được tự do sử dụng nguồn tài nguyên này. Chính vì thế, thể chất người học trong những năm gần đây được tăng lên đáng kể, đáp ứng tốt mục tiêu giáo dục. Ngoài việc tập trung cho người học, Trung Quốc cũng tiến hành hoàn thiện những tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong tương lai. Quy định tiêu chuẩn về giảng viên đại học, giáo viên phổ thông phải đáp ứng được yêu cầu do Bộ Giáo dục đề 245
  6. ra. Ví dụ, giảng viên đại học nhất thiết phải là trình độ thạc sĩ trở lên và có ít nhất 01 năm công tác tại các trường đại học ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu về chuyên ngành, sử dụng thông thạo tiếng Anh và biết thêm 01 ngoại ngữ khác… điều này nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và dần dần đưa giáo dục sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới. Ngoài ra, hệ thống tài liệu học tập cũng được chính phủ nước này từng bước hoàn thiện. Song song với việc phát triển các tài liệu giấy thì tài liệu số cũng đang được chú trọng phát triển. Các trang thư viện CNKI, Thư viện số Trung Quốc (được phát triển bởi 9 thư viện danh tiếng Trung Quốc); hệ thống thông tin thư viện các trường đại học… hiện nay đều cơ bản hoàn thiện và mỗi người học đều có tài khoản truy cập riêng và hoàn toàn miễn phí, điều này đã tạo ra một bước ngoặt cho người học trong việc vận dụng công nghệ, tiết kiệm thời gian khai thác tài liệu học tập, giúp người học tiến nhanh hơn trong việc tiếp cận tri thức mới. - Đẩy mạnh phổ cập giáo dục trình độ cao và chất lượng cao ở tất cả các cấp học. Hiện nay, việc phổ cập giáo dục ở Trung Quốc cơ bản đã hoàn thành mục tiêu và trong tương lai tiến tới phổ cập chất lượng cao trong toàn hệ thông giáo dục từ cấp mầm non đến đại học (Youchao Deng; Baoli Gao, 2021). Trung Quốc tập trung đầu tư hoàn thiện trang thiết bị hiện đại cho trường học, xây dựng trường công lập, đẩy nhanh tốc độ phát triển trường chuyên biệt cho trẻ khuyết tật, giúp các em hòa nhập được cộng đồng và là những công dân có ích cho xã hội sau này. Trung Quốc xác định, mỗi con người sinh ra đều mang trong mình một sứ mệnh nhất định, do vậy, mỗi người đều có trách nhiệm với sự phát triển của xã hội. Học tập là bước đầu tiên của việc hoàn thành sứ mệnh này, chính phủ có trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị học tập nhằm phục vụ tốt nhất cho người học. Nội dung, phương pháp giảng dạy cũng như môi trường học tập được Bộ giáo dục và các nhà quản lí giáo dục quan tâm, nghiên cứu và cải tổ. Mô hình trường học hạnh phúc được đẩy mạnh phát triển và nhân rộng trên toàn quốc, hạn chế tới mức tối đa học sinh bỏ học. Mô hình kết hợp giáo dục phổ thông và nghề nghiệp được đẩy mạnh nhằm định hướng nghề nghiệp nhanh nhất, hiệu quả nhất khi học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, hạn chế tối đa sự mất phương hướng của người học sau khi kết thúc bậc phổ thông. 246
  7. - Thúc đẩy công bằng giáo dục Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng việc thực hiện công bằng trong giáo dục thông qua thực hiện các biện pháp như đầu tư cho giáo dục ở các vùng nông thôn, niền núi, các vùng khó khăn, những đối tượng thiệt thòi trong xã hội. Trung Quốc hướng tới một nền giáo dục mà trong đó mọi đối tượng người học đều được hưởng một chất lượng giáo dục như nhau, không có khoảng cách giữa các vùng miền. Để làm được điều này, Trung Quốc tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp trường học, nâng cao chất lượng người dạy ở những vùng cần có sự đầu tư nâng cấp cần thiết. Ngoài ra, Trung Quốc quy định mọi trẻ em đều có quyền đến trường. Do vậy, ngay cả với những trẻ di cư, trẻ nhập cư, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… đều nhận được những chính sách ưu tiên hợp lí, giúp các em có điều kiện học tập trở thành công dân có ích trong tương lai (中小学校学生学籍管理办法). - Xây dựng hệ thống học tập suốt đời cho toàn dân. Để thực hiện được điều này, Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp cải tổ lớn, trong đó có việc thay đổi mục tiêu giáo dục từ phát triển tri thức người học sang phát triển kĩ năng, trong đó thúc đẩy sự phát triển sở trường của mỗi cá nhân người học. Hệ thống quản lí được cải thiện bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại, thông suốt trong toàn ngành. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc thiết lập cơ chế làm việc liên bộ, xuyên ngành và hệ thống hỗ trợ chuyên nghiệp cho toàn dân. Xây dựng thêm, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và phục vụ miễn phí thư viện, bảo tàng và các công trình văn hóa nhằm thu hút người dân đến tham quan và học tập. Tăng cường chức năng phục vụ xã hội và giáo dục thường xuyên tại các trường dạy nghề và các trường cao đẳng, đại học. Thực hiện nhiều loại hình và hình thức giáo dục thường xuyên cho người lao động. Tăng cường cung cấp các nguồn lực giáo dục cộng đồng, thúc đẩy phát triển giáo dục cho người cao tuổi, đồng thời cũng đẩy nhanh việc xây dựng các tổ chức học tập khác nhau trên toàn quốc (终身教育、终身学习的法律法规). - Tập trung đầu tư cho những thế mạnh đặc biệt Nhân tài đặc biệt luôn cần những môi trường đặc biệt và giáo viên đặc biệt. Do vậy, Trung Quốc tập trung đầu tư hàng loạt các trường học mang đẳng cấp quốc tế. Tính đến nay, đất nước tỉ dân này đã có 62 trường đại học nằm trong top 500 trường đại học tốt nhất thế giới (Academic Ranking of world Universities, 2018), trong đó có 3 trường nằm trong top 100, 1 trường nằm trong top 22 trên thế giới. Xây dựng 2 trường đại học tinh hoa đẳng cấp thế giới là Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa 247
  8. (Times Higher Education, 2021). Điều này thể hiện rõ rệt về sự vượt bậc của Trung Quốc trong việc đầu tư chất lượng trường học mang đẳng cấp quốc tế. Ngoài việc đầu tư chất lượng trường học, Trung Quốc cũng rất tập trung đầu tư về con người. Hàng năm chính phủ nước này cử những sinh viên ưu tú nhất sang những nước có nền khoa học kĩ thuật phát triển, lựa chọn những trường nổi tiếng, những giáo sư tài năng để sinh viên theo học. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng có những chính sách để thu hút người tài trên thế giới đến Trung Quốc học tập và làm việc. Điều này đã làm cho đất nước Trung Quốc phát triển vượt bậc trong những năm gần đây và tiếp tục phát triển trong tương lai (Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện, 2018). Ngoài ra, chính phủ nước này vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi và phát triển giáo dục nghề nghiệp hiện đại. Đẩy mạnh kết nối và phát triển giáo dục nghề nghiệp với phát triển công nghiệp, tập trung xây dựng trường nghề trình độ cao và tập trung vào các chuyên ngành mà Trung Quốc có thế mạnh. Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng những con người có khả năng đặc biệt, khả năng sáng tạo, khả năng ứng dụng khoa học kĩ thuật vào trong công việc. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường học. - Xây dựng hệ thống đội ngũ giáo viên chất lượng cao đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa giáo dục Để thực hiện tốt mục tiêu hiện đại hóa giáo dục đến năm 2035, Trung Quốc tiến hành phân bổ lại đội ngũ giáo viên trên toàn quốc, qua đó, các vùng khó khăn, nông thôn, miền núi… đều đảm bảo có nguồn giáo viên chất lượng cao và đủ số lượng giáo viên đảm bảo tốt nhất công tác dạy học của nhà trường và từng vùng, từng khu vực. Chính phủ đảm bảo các nguồn tài nguyên tri thức phục vụ công tác giảng dạy cho giáo viên bằng các hình thức như truy cập mở tất cả các tài liệu giảng dạy, số hóa nguồn tài nguyên… tăng cường bồi dưỡng nâng cao kĩ năng sử dụng công nghệ, cập nhật những thông tin mới nhất cho giáo viên. Tiêu chuẩn hóa phương pháp kiểm tra đánh giá giáo viên. Tăng cường sự kết nối giữa các giáo viên trong nước và nước ngoài thông qua các hình thức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm dạy học, nghiên cứu khoa học… nâng cao vị thế của giáo viên trong xã hội, duy trì truyền thống “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” trong xã hội hiện đại, đồng thời nhà nước cũng có những chính sách đảm bảo quyền lợi cho người giáo viên, giúp họ cảm thấy an tâm khi làm việc và cống hiến cho ngành Giáo dục, ví dụ chính phủ Trung Quốc thực hiện trợ cấp sinh hoạt, tăng mức lương và phụ cấp cho những giáo viên công tác tại các vùng khó khăn, vùng đặc biệt nghèo… 248
  9. ngoài ra, ngành Giáo dục còn tăng cường ghi nhận những cống hiến của nhà giáo trong sự phát triển của ngành thông qua các hình thức như tặng bằng khen, trao giấy chứng nhận, trao tặng danh hiệu nhà giáo… tạo thêm động lực làm việc tích cực cho giáo viên (Bộ Giáo dục Trung Quốc (2014). - Đẩy nhanh cải cách giáo dục phù hợp với thời đại mới Thời đại công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và hướng tới thời đại công nghệ 5.0 như hiện nay thì giáo dục cũng đang cần có sự chuyển mình tích cực để đón đầu và hòa nhập với xu thế mới. Theo đó, cải cách giáo dục không chỉ hướng tới thay đổi về chất lượng mà còn phải hướng tới sự thuận tiện trong học tập và nghiên cứu. Việc xây dựng một mô hình trường học thông minh với các dịch vụ tiện ích là những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Cũng chính vì vậy, công nghệ hiện đại là sẽ là nền tảng vững chắc để toàn ngành giáo dục có những bước tiến vào thời đại mới. Xây dựng hệ thống công nghệ hiện đại, chia sẻ tài nguyên giáo dục kĩ thuật số, hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hệ thống quản lí giáo dục… cũng là những việc làm thiết yếu để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai (Đảng CS Trung Quốc lần thứ 14, 1992) - Thúc đẩy kết nối giáo dục với thế giới Trong quá trình hiện đại hóa giáo dục, Trung Quốc đặc biệt coi trọng việc kết nối với thế giới. Vấn đề giao lưu hợp tác quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ để đạt mục tiêu về công nhận sự đồng đẳng học vị của các trường học trong nước. Tăng cường học hỏi lẫn nhau giữa các đơn vị giáo dục thông qua nhiều hình thức khác nhau như hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm giáo dục... các chính sách, biện pháp phát triển giáo dục thời kì này tập trung hướng tới sự phát triển của chiến lược “Một vành đai một con đường”. Đồng thời, chính phủ nước này cũng tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNESCO và các tổ chức giáo dục khác trong khu vực và quốc tế, qua đó nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong nước. Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc liên kết du học cho học sinh trong nước có khả năng và nhu cầu học tập tại nước ngoài. Đồng thời cũng có những chính sách thu hút những học sinh tài năng quốc tế đến Trung Quốc du học. Tính đến cuối năm 2019, toàn Trung Quốc có khoảng 77.000 lưu học sinh, trong đó các quốc gia có lưu HS đông nhất là Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Đức, Nga, Nepan, Pháp, Úc, Malaysia… Trung Quốc cũng phái khoảng 50.000 học sinh sang các nước khác du học. Hình thức trao đổi học viên được các nước thống nhất áp dụng, ngoài ra, các nước cũng thực hiện việc du học tự túc cho những ai có nhu cầu. Chính hình thức 249
  10. trao đổi đào tạo như thế này đã giúp cho Trung Quốc gặt hái được rất nhiều thành công trong quá trình phát triển giáo dục của đất nước (Bộ Giáo dục Trung Quốc, 2019). Ngoài ra, Trung Quốc cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường quốc tế ở nước ngoài mang đặc trưng văn hóa Trung Hoa. Tại các nước trên thế giới, chinh phủ nước này đều cho xây dựng các trường học cho những Hoa kiều và sẵn sang đón nhận học sinh những nước sở tại đến nhập học. Đồng thời, Trung Quốc còn thực hiện liên kết với các nước sở tại để xây dựng những ngôi trường chất lượng cao đáp ứng mục tiêu giáo dục quốc tế. Ngoài ra, mô hình về Học viện Khổng Tử vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển. tính đến cuối năm 2020, toàn cầu có 548 Học viện Khổng Tử và 1193 lớp học Khổng Tử, liên kết với 163 quốc gia trên thế giới để xây dựng Học viện này1. Việc xây dựng này nhằm mục tiêu chính là trao đổi và giao lưu văn hóa, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau của nhân dân Trung Quốc và nhân dân nước bạn, đồng thời cũng là một hình thức học hỏi lẫn nhau về nền văn minh giữa các nước. - Hiện đại hóa hệ thống quản lí giáo dục và nâng cao năng lực quản lí. Hiện nay, hệ thống quản lí giáo dục ở Trung quốc cơ bản đã được hiện đại hóa phù hợp với yêu cầu thực tế (张国华,2008). Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu con người ngày càng tăng cao thì sự hiện đại hóa cũng là xu thế tất yếu. Do vậy, việc nâng cao trình độ quản lí giáo dục, xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống luật cần được thực hiện. Nâng cao năng lực quản lí của chính phủ để sử dụng toàn diện luật pháp, tiêu chuẩn, dịch vụ thông tin và các phương pháp quản lí hiện đại khác. Cải thiện hệ thống giám sát của giáo dục và nâng cao hiệu quả của công tác giám sát giáo dục. Cải thiện cơ cấu tổ chức và nâng cao khả năng quản lí độc lập của các cơ sở giáo dục. Khuyến khích các trường tư thục thực hiện cải cách và đổi mới nội dung chương trình phù hợp với xu thế xã hội đang ngày càng phát triển. Tăng cường sự tham gia của xã hội vào công tác quản lí trường học, giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục. 3. Kết luận và bài học kinh nghiệm Hiện đại hóa giáo dục là tất yếu trong quá trình phát triển giáo dục. Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có nhiều sự tương đồng về văn hóa, chính trị, xã hội và cả giáo dục. Dựa trên những nguyên tắc, mục tiêu và định hướng thực hiện của quá trình hiện đại hóa giáo dục Trung Quốc đến năm 2035, giáo dục Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm sau để vận dụng vào quá trình hiện đại hóa giáo dục Việt Nam trong tương lai: 1 https://baike.baidu.com/item/%E5%AD%94%E5%AD%90%E5%AD%A6%E9%99%A2/812632?fr=aladdin#1 250
  11. Thứ nhất: Xây dựng nguyên tắc giáo dục dựa trên những điều kiện kinh tế, văn hóa, xu hướng phát triển của xã hội, tuân theo sự lãnh đạo của Đảng và quan điểm giáo dục trong nước. Thứ hai: Mục tiêu giáo dục cần hướng tới sự dài hơi và tính đến đối tượng người học. Thứ ba: Quá trình thực hiện cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp ban ngành và toàn xã hội, giáo dục hướng tới một thế “mở” cho toàn người học và có thể kết nối rộng rãi với thế giới. Thứ tư: Tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của xã hội mới. Thứ năm: Sử dụng công nghệ hiện đại để hiện đại hóa công tác quản lí, thông suốt và thống nhất trong toàn ngành, tránh hiện tượng sai sót, trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Thứ sáu: Chú trọng hơn đến đầu tư theo chiều sâu, đầu tư cốt lõi để đạt được những giá trị cao, giá trị thực sự trong giáo dục. Thứ bảy: Coi trọng nghiên cứu khoa học và thúc đẩy khoa học phát triển. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Academic Ranking of world Universities (2018). Top universities in the world featured in the ShanghaiRanking ARWU league table for 2018. 2. Bộ Giáo dục Trung Quốc (2013). Quy định về Quản lí Học bạ học sinh tiểu học và trung học (Điều 23 quy định đối với đối tượng học sinh có quốc tịch nước ngoài). 3. Bộ Giáo dục Trung Quốc (1990). Quy định về Giáo dục suốt đời, học tập suốt đời (终身教育、终身学习的法律法规). 4. Bộ Giáo dục Trung Quốc (2014). Kế hoạch năng cao năng lực nhà giáo (教育 部办公厅关于下达职业院校教师素质提高计划 2014 年度项目任务的通知). 5. Bộ giáo dục Trung Quốc (2019). Thống kê số lượng lưu học sinh nước ngoài tại Trung Quốc và lưu học sinh Trung Quốc tại nước ngoài 教育部发布 2019 年出国留 学和来华留学数据. 251
  12. 6. Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 14 (1992). Kiến nghị về mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến 2035 và kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Đảng Cộng (中共中央关于 制定国民经济和社会发展第十四个五年规划和二○三五年远景目标的建议). 7. Lê Đức Nguyên & Chen Shi Xiang, 2020. Tiến trình lịch sử quốc tế hóa giáo dục ở Trung Quốc. Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Số 40, tr59-64. 8. Times Higher Education (2021). 9. https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/2021/world- ranking#!/page/0/length/25/sort_by/rank/sort_order/asc/cols/stats 10. Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện (2019). 中国教育现代化 2035 (Hiện đại hóa giáo dục 2035). 11. Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện (2018). 加快推进教育现代化实施方案 (2018-2022 年) (Đẩy nhanh kế hoạch thực hiện hiện đại hóa giáo dục (2018-2022)). 12. Youchao Deng; Baoli Gao (2021). Education reseaech in China - Articles from Educational Research. 外文图书. 13. 张国华(2008). Thúc đẩy hiện đại hóa quản lí giáo dục. 推进教育管理现代化 必须做到 “三个坚持”.教育科研论坛(FORUM ON ELEMENTARY EDUCATION RESEARCH). 252
nguon tai.lieu . vn