Xem mẫu

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 TRAO ĐỔI LỄ VẬT, QUÀ TẶNG TRONG HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI CƠHO LẠCH Ở LÂM ĐỒNG Trần Thị Hiềna* a Khoa Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam * Corresponding author: Email: hientt@dlu.edu.vn Tóm tắt Trong cộng đồng người Cơ ho Lạch, quà tặng trong hôn nhân được hiểu như phần lễ vật bắt buộc gia đình nhà gái phải trả cho nhà trai khi muốn cưới chồng cho con gái mình, đồng thời quà tặng cũng là những món quà đáp tặng lại của gia đình nhà trai cho nhà gái. Bên cạnh những giá trị về vật chất, những món quà tặng còn góp phần củng cố mối quan hệ thông gia giữa hai bên gia đình cũng như những người cùng tham dự đối với hai đối tượng kết hôn. Việc trao đổi quà tặng trong hôn nhân cũng thể hiện những đặc trưng văn hóa hôn nhân mang đậm yếu tố mẫu hệ của người Cơho Lạch. Dựa trên nguồn từ liệu điền dã, bài viết này sẽ tìm hiểu những nội dung, cách thức và ý nghĩa của việc trao đổi lễ vật, quà tặng trong hôn nhân của người Cơ ho Lạch. Kết quả nghiên cứu của bài viết sẽ góp phần bổ sung nguồn tư liệu về hôn nhân của người Cơ ho Lạch ở Lâm Đồng. Từ khóa: quà tặng; hôn nhân; người Cơho; người Cơ ho Lạch; tỉnh Lâm Đồng. 279
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 GIFT EXCHANGE IN MARRIAGE OF THE COHO LACH PEOPLE IN LAM DONG PROVINCE Tran Thi Hiena* a The Faculty of History, Dalat University, Lamdong, Vietnam * Corresponding author: hientt@dlu.edu.vn Abstract In Coho Lach community, it is considered to be a compulsory wedding ritual for the bride's family to give the groom's family wedding gifts when marring a husband for their daughter. In respond to that, the groom's family also gives gifts to the bride's family. Beyond the material values, giving wedding gifts helps strengthen the relationship between two families and wedding attendants with the couple. Gift exchange also portraits the distinctive cultural characteristics of the Coho's matrilineal descent. Based on the field data, this article studies about the content, etiquette and significance of gift exchange and giving gifts of the Coho in wedding. The result of this study will serve as supplementary materials for the Coho Lach's marriage in Lam Dong. Keywords: gifts; marriage; the Coho; the Coho Lach, Lam Dong province. 280
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Theo Danh mục các thành phần dân tộc ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê Nhà nước công bố ngày 2/3/1979, người Cơho Lạch là một nhóm địa phương của tộc người Cơho, một tộc người thiểu số gốc Tây Nguyên, cư trú tập trung chủ yếu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong quá trình tồn tại và phát triển, người Cơho Lạch đã sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa vật chất, tinh thần phong phú, phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi cư trú, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mình. Trong đó, nghi thức hôn nhân là một thành tố quan trọng, góp phần tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng cư dân này. Nghi thức hôn nhân của người Cơho Lạch chứa đựng và hiển thị nhiều giá trị, đặc trưng văn hóa đặc sắc. Từ trước đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu về quan niệm, loại hình hôn nhân, diễn trình nghi lễ của người Cơho Lạch ở Lâm Đồng. Riêng về sự biếu tặng, trao đổi lễ vật cho đôi nam nữ giữa hai gia đình và những người thân trong dòng họ diễn ra trong suốt quá trình tổ chức các nghi lễ của hôn nhân vẫn chưa được các nhà nghiên cứu chú ý, nếu có thì chủ yếu tiếp cận dưới quan điểm xem đây là hủ tục thách cưới, chứ chưa nghiên cứu một cách cụ thể, toàn diện. Trong khi đó, việc trao đổi lễ vật, quà tặng trong hôn nhân là một yếu tố phản ánh đậm nét đặc tính văn hóa, kinh tế, xã hội của cộng đồng người Cơho Lạch trong truyền thống và đương đại. Vì vậy, vấn đề trao đổi về quà tặng trong các nghi lễ hôn nhân của người Cơho Lạch đến nay vẫn chứa đựng nhiều vấn đề cần lý giải: Những quy định chung được đặt ra trong vấn đề trao đổi lễ vật, quà tặng là gì? Lễ vật, quà tặng có vai trò quan trọng như thế nào đến sự thành công của một cuộc hôn nhân? Các món quà sẽ được tặng cho ai và tặng với số lượng bao nhiêu? Tính chất quà tặng có mang tính bắt buộc (về loại hình và số lượng) hay không? Vì sao họ lại phải thực hiện việc tặng quà này? Phía người được tặng quà có phải bắt buộc phải thực hiện việc đáp trả hay không? Giá trị và chức năng, ý nghĩa của vấn đề trao đổi lễ vật, quà tặng trong hôn nhân? Trong bài viết này, dựa trên nguồn tư liệu điều dã, chúng tôi sẽ bước đầu khảo tả và lý giải những vấn đề này. Kết quả bài viết góp phần tìm hiểu những giá trị văn hóa thể hiện trong hôn nhân mang đậm yếu tố mẫu hệ của người Cơho Lạch ở Lâm Đồng. 2. KHÁI QUÁT VỀ HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI CƠHO LẠCH Người Cơho Lạch là cư dân cư trú lâu đời ở cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang), phía Đông Bắc tỉnh Lâm Đồng. Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 15/11/2017, người Cơho Lạch có 1.213 hộ với 4.888 người. Địa bàn cư trú của họ tập trung chủ yếu ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương với 943 hộ, 3.885 khẩu1. Ngoài ra, một bộ phận người Cơho Lạch hiện cư trú ở tổ dân phố Măng Line - phường 7, xã Tà Nung (thành phố Đà Lạt), thôn K’rèn - xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) và thôn Tân Lin - xã Tân Văn (huyện Lâm Hà). 1 Số liệu do Phòng PC64, Công an tỉnh Lâm Đồng cung cấp tháng 6/2018. 281
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 Từ trước cho đến nay, người Cơho Lạch luôn quan niệm hôn nhân là sự kiện trọng đại, không chỉ đối với cá nhân, gia đình, dòng họ mà còn đối với cả cộng đồng. Do đó, những bậc làm cha mẹ trong gia đình người Cơho Lạch luôn có sự chuẩn bị chu đáo từng công đoạn tiến đến hôn nhân từ việc lựa chọn đối tượng kết hôn cho con cái, chuẩn bị lễ vật đến tổ chức các nghi lễ và sắp xếp việc cư trú sau hôn nhân. Người Cơho Lạch theo chế độ mẫu hệ, do đó, người con gái đóng vai trò chủ động trong hỏi cưới chồng. Sau hôn nhân, người con trai về cư trú và lao động sản xuất bên gia đình nhà vợ (Đé kòn ur lơh hoang pô/ Đé kòn k’lô lơh pơrtơu - Đẻ con gái thì đi hỏi cưới chồng về/ Đẻ con trai thì phải đi làm rể). Tương tự nhiều tộc người khác, người Cơho Lạch quan niệm hôn nhân chỉ có hiệu lực, được tập quán thừa nhận khi đã tiến hành đầy đủ các nghi lễ, các thủ tục theo tập quán quy định. Vì vậy, các bước trong nghi lễ hôn nhân của người Cơho Lạch thường được chuẩn bị khá chu đáo về vật chất, tinh thần. Trước tiên, lơh chóa hiu/lơh lúp (đi thăm nhà) là dịp để nhà gái tìm hiểu gia cảnh cũng như thăm dò thái độ của gia đình và bản thân chàng trai. Tiếp theo, lơh hoang pô (đi hỏi cưới) là nghi lễ quan trọng có ý nghĩa xác lập mối quan hệ hôn nhân của hai đối tượng kết hôn. Tầm pô ét (đám cưới nhỏ) là nghi lễ nhà trai tiễn con về nhà vợ và nhà gái đón chàng trai về làm rể ở gia đình mình. Tầm pô đờng (đám cưới lớn) là nghi lễ bắt buộc để nhà gái và đôi vợ chồng đền đáp lễ vật cho gia đình, họ hàng nhà trai, đồng thời cũng là dịp để những người trong cộng đồng chúc mừng cho hạnh phúc đôi vợ chồng. Chi phí cho tầm pô đờng khá tốn kém, đòi hỏi phải có thời gian tích lũy và chuẩn bị. Vì vậy, từ trước đến nay trong cộng đồng người Cơho Lạch phổ biến trường hợp vợ chồng tổ chức tầm pô đờng sau nhiều năm chung sống, đã có con, thậm chí đã lên chức ông, bà 2. Việc tặng quà cho đôi nam nữ và trao đổi lễ vật, quà tặng giữa gia đình, họ hàng hai bên là điều không thể thiếu trong tất cả những nghi lễ hôn nhân của người Cơho Lạch. Nội dung, cách thức, số lượng, quy tắc và ý nghĩa của việc trao đổi quà tặng trong hôn nhân sẽ được chúng tôi trình bày cụ thể ở phần thứ 3 của bài viết. 3. TRAO ĐỔI LỄ VẬT, QUÀ TẶNG TRONG HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI CƠHO LẠCH Theo người Cơho Lạch, để nuôi dưỡng, giáo dục đứa con trai đến tuổi trưởng thành thì cha mẹ phải tốn nhiều công sức, của cải (Hòn đạ tó, sóh đạ điêu - Chảy cạn dòng sữa, khô nước miếng). Mặt khác, khi đứa con trai đi ở rể nhà vợ cũng là lúc gia đình mất đi một chỗ dựa, một lao động quan trọng. Vì vậy, khi tiến hành hỏi cưới, nhà gái phải có trách nhiệm đền bù cho cha mẹ chàng trai nhiều lễ vật có giá trị, được gọi là pộ bun, pộ đé (Đền công mang thai, đền công sinh đẻ) cũng như chuẩn bị nhiều lễ vật dâng cúng các vị thần linh (yang) trong suốt quá trình thực hiện các nghi lễ hôn nhân nhằm cầu mong cho các thành viên trong gia đình được bình yên, cuộc hôn nhân của con cái họ diễn ra 2 Tất cả 09 đám cưới lớn (tầm pô đờng) của người Cơ ho Lạch mà người viết được tham dự trong quá trình đi điền dã đều được tổ chức khi đôi vợ chồng đã chung sống với nhau nhiều năm và đã có con. Đặc biệt, vào tháng 4/2011, người viết được dự một đám cưới lớn của người Cơ ho Lạch ở thôn Măng Line, trong đó chú rể và cô dâu đã bước qua tuổi 50 và đã có 3 đứa cháu nội, ngoại. 282
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 suôn sẻ. Ngược lại, khi chàng trai được cưới về phải phụ thuộc vào gia đình nhà vợ, làm việc chăm chỉ để chăm lo cho vợ con và gia đình nhà vợ. Những lễ vật có giá trị được nhà gái tặng cho nhà trai, dâng cúng các vị thần linh và sự đáp tặng lại của nhà trai cho nhà gái này được người Cơho Lạch gọi chung là những lễ vật/quà tặng trong hôn nhân. Những lễ vật này có thể được thể hiện thông qua các hình thức như biếu tặng, trao đổi thậm chí còn được xem là sự trả nợ. Trong truyền thống, quà tặng trong nghi thức cưới xin của người Cơho Lạch thường có quần, áo (pa, ào), khố (ui tờ roàn), tấm đắp (ui3), vòng đồng đeo tay (kòong), vòng hạt chuỗi đeo cổ (nhòong); các vật dụng như: chén, bát (cha rố), nồi niêu; các loại gia súc, gia cầm như: trâu (rơ pu), gà (iar), vịt (ờ đa), lợn (sur); các loại công cụ lao động như rìu (sung), rựa, chà gạc (wieh) cho đến hạt giống gieo trồng... Thông thường, nhà trai yêu cầu nhà gái phải đền đáp từ 01 đến 02 con trâu để trả công nuôi dưỡng cho cha mẹ chàng trai; người mẹ, cậu (kồn) và những người chị em gái của bà ta, mỗi người yêu cầu được nhận 01 tấm ui; bố chàng trai và những người anh, chị em của ông ta mỗi người đòi nhận một chiếc áo và một chiếc khố; những người chị em gái của chàng trai đòi nhận mỗi người một tấm ui. Ngày nay, nhà trai thường đòi được nhận tiền hoặc vàng thay cho trâu. Trong một đám hỏi người viết được dự tại tổ dân phố Măng Line (phường 7, thành phố Đà Lạt), nhà trai yêu cầu lễ vật cưới mà nhà gái phải đáp ứng cho mình là 1 cây vàng; mẹ chàng trai và những người chị em gái của bà ta yêu cầu được nhận mỗi người một tấm ui. Bên cạnh đó, nhà trai cũng yêu cầu được nhận một con heo 3 - 4 gang tay trong đám cưới nhỏ, một con heo 4 - 5 gang trong đám cưới lớn4. Nhìn chung, các lễ vật được yêu cầu trong đám cưới của người Cơho Lạch ngày nay bên cạnh các loại hình quà tặng mang tính chất truyền thống như ui, nhoòng, koòng, các loại gia súc, gia cầm... thì còn có thêm tiền (dèn) và nhiều đồ trang sức quý được làm bằng vàng, bạc. Số lượng và các loại hình quà tặng này không giống nhau ở các gia đình, nhưng có một điểm chung là ngày nay quy mô tổ chức đám cưới cũng như vấn đề lễ vật đã trở thành một trong những trở ngại gây khó khăn cho gia đình nhà gái trong việc hỏi cưới chồng cho con mình. Để tổ chức đám cưới cho con gái, gia đình phải tốn kém rất nhiều tiền của, đặc biệt trong việc chuẩn bị lễ vật để biếu tặng cho gia đình nhà trai. Do đó, để giảm bớt gánh nặng trong việc phải sắm cùng một lúc đầy đủ các lễ vật, nhiều gia đình có con gái, cha mẹ đã ý thức trong việc tích cóp, mua sắm trước các lễ vật dùng trong hôn nhân ngay từ lúc con gái của họ còn nhỏ tuổi, đặc biệt là các lễ vật mang tính 3 Ui là tấm vải thổ cẩm truyền thống, có hình chữ nhật, trang trí hoa văn cầu kỳ, dùng làm váy để mặc hoặc đắp khi trời lạnh, có khi được dùng để địu con trên lưng.Người Cơ ho Lạch không biết dệt vải nên họ phải mua các sản phẩm dệt của người Chăm hoặc người Cơ ho Chil. Riêng tấm ui dùng cho các nghi lễ hôn nhân, họ mua của người Cơ ho Chil sống tại Bon Ja, xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương vì sản phẩm này bền và đẹp 4 Người Cơ ho Lạch đo kích cỡ của heo bằng cách: lấy một sợi dây để đo vòng ngực, ngay sau hai chân trước của con heo, sau đó dùng gang tay người lớn để đo chiều dài của dây. Vì vậy, khi nói về kích cỡ của con heo người ta sẽ nói heo 2 gang, 3 gang, 4 gang…Trong khi đó, họ xác định kích cỡ con trâu bằng cách dùng cánh tay để trực tiếp đo chiều dài của sừng trâu và khi nói về kích cỡ con trâu người ta sẽ đưa một cánh tay lên và tay kia chỉ vào vị trí trên cánh tay để nói về độ dài của sừng trâu tính từ đầu ngón tay giữa 283
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 chất bắt buộc phải có theo như quy định của luật tục như: vòng đồng đeo tay, chuỗi hạt đeo cổ, tấm đắp bằng thổ cẩm (Rơpu kết mờ sê/Trọ kết mờ kình he/Pó ú pó téh mờ chàng lèng/Hoang ur, hoang k’lô juê đố kòong đố nhòong - (Trâu cột bằng dây/Gùi cột bằng mây/Đất đai cuốc bằng cuốc/Lấy vợ, lấy chồng thì đeo vòng đeo cườm) Theo quy định của luật tục người Cơho Lạch, những trao đổi và cam kết về sự đáp ứng các sính lễ, quà tặng trong cưới xin trên lý thuyết là tự nguyện của hai bên gia đình, nhưng thực ra là sự bắt buộc phải làm và phải đáp tặng. Thông qua đồ vật, các sính lễ được đáp ứng, người biếu quà có được sự tác động đến người nhận quà. Trong quan hệ hôn nhân, không ai được tự do từ chối một quà tặng, các quà tặng thừa nhận hôn nhân, tạo thành một quan hệ thân tộc giữa hai nhóm thông gia. Đối với người Cơho Lạch, lễ vật/quà tặng trong nghi thức cưới xin mang ý nghĩa rất quan trọng, sự trao đổi quà tặng này không hoàn toàn tập trung vào ngày tổ chức đám cưới mà lần lượt được tiến hành theo các sự kiện từ lúc hỏi cưới (lọt hoang pô) đến đám cưới nhỏ (tầm pô ét), đám cưới lớn (tầm pô đờng). Luật tục của người Cơho Lạch quy định rất rõ ràng về tính chất, ý nghĩa và tầm quan trọng của những lễ vật, trong từng nghi thức của việc cưới hỏi sẽ có những lễ vật nào được trao, trao cho ai và trao với số lượng bao nhiêu. Theo đó, trong lễ ăn hỏi, khi sang nhà trai để thực hiện lễ hỏi, nhà gái phải mang theo hai lễ vật không thể thiếu là chiếc vòng đồng (kòong) và sợi dây cườm (nhòong). Đây là lễ vật mang tính bắt buộc phải có trong nghi thức dạm hỏi của người Cơho Lạch. Nếu không đồng ý cuộc hôn nhân, cha mẹ chàng trai sẽ không nhận hai lễ vật trên của nhà gái đồng thời đưa một chiếc ui cộng với khoản tiền tiền nhỏ với ngụ ý đền bù danh dự cho cô gái. Nếu đồng ý cuộc hôn nhân, gia đình nhà trai sẽ giữ lại hai lễ vật cầu hôn của nhà gái và cho phép thực hiện nghi thức đeo vòng tay cho đôi nam nữ (do koòng kup te) - được xem là nghi thức thể hiện sự cam kết của hai bên gia đình cho cuộc hôn nhân này. Người thực hiện công việc này là kwăng đút – người mai mối. Trong các nghi thức cưới xin, người Cơho Lạch chọn kwăng đút là người khéo ăn nói, có uy tín trong dòng họ và thông thường đó là người cậu của cô dâu5. Ông là người có vai trò quan trọng trong suốt cuộc hôn nhân của người cháu gái mình (dạm hỏi, đám cưới và sau này về chung sống với nhau), cùng với gia đình nhà gái thương lượng các vấn đề về lễ vật thách cưới của nhà trai đưa ra, hướng dẫn hai bên gia đình thực hiện các nghi thức cho đúng với luật tục… Ở người Cơho Lạch, khoảng thời gian giữa lễ ăn hỏi và đám cưới nhỏ thường không được ấn định cụ thể mà có thể tùy thuộc vào điều kiện chuẩn bị lễ vật, sắp xếp thời gian của hai bên gia đình. Trong đám cưới nhỏ, nhà gái phải trả/biếu tặng cho gia đình nhà trai một số lễ vật như đã thỏa thuận trong lễ hỏi trước đó (hoặc có thể trả hết các lễ vật nếu gia đình nhà gái có điều kiện). Đồng thời, gia đình nhà gái phải làm thịt một con 5 Thông thường việc đi hỏi cưới chồng cho con gái của người Cơ ho Lạch ít khi được thành công ngay lần đầu tiên mà phải trải qua từ 2 – 3 lần, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Do đó, trước lúc sang nhà trai thực hiện việc dạm hỏi, gia đình nhà gái luôn xác định tâm thế là việc này có thể thành công hoặc thất bại. Nếu thành công, họ xem đó là việc vô cùng may mắn, ngược lại nếu bị thất bại, họ xem đó là điều xấu hổ cho gia đình mình và việc để nhiều người bên ngoài biết chuyện con gái của mình đã qua nhiều lần đi hỏi hoặc hỏi ở nhiều đám khác nhau sẽ khó cho việc lập gia đình của cô gái sau này. Do đó, khi chọn người làm kwăng đút, họ thường tìm trong dòng họ để hạn chế người ngoài biết chuyện 284
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 heo khoảng 3 - 4 gang tay, đúng như yêu cầu của nhà trai đã đưa ra trong lễ hỏi. Trước khi giết thịt, người đại diện nhà gái phải đo kích cỡ con heo trước sự chứng kiến của họ hàng hai bên, đồng thời mời nhà trai uống rượu cần để nhận heo (sa sur nhu tơ nờm - ăn heo, uống rượu cần). Thông thường, gia đình nhà trai chỉ nhận một nửa con heo đã xẻ thịt, một nửa còn lại để cho nhà gái làm tiệc đãi khách. Sau nghi thức trao và nhận heo giữa hai bên gia đình, gia đình nhà gái tiến hành tặng quà cho các thành viên nhà trai tham dự lễ cưới. Trong nghi thức trao quà này, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của những thành viên trong gia đình nhà trai sẽ được thể hiện thông qua các loại hình và số lượng các lễ vật được biếu tặng. Trong đó, cha mẹ chàng trai là người quan trọng nhất nên họ sẽ nhận được phần lễ vật có giá trị nhất, số lượng cũng nhiều nhất và sẽ là những người đầu tiên được nhận quà tặng. Tiếp đến sẽ là người cậu (kồn) và những người chị em gái về phía người mẹ. Vì người Cơho Lạch theo chế độ mẫu hệ nên đây là thành phần có vai trò rất quan trọng trong quan hệ hôn nhân và gia đình của cháu trai họ và cũng theo lẽ đó mà những người anh, chị em của người cha lại được xếp ở vị trí thứ ba và cuối cùng là những người chị em gái của chàng trai. Lúc này, các món quà được trao không còn đơn thuần mang ý nghĩa về vật chất mà nó còn biểu hiện sự kính trọng, khẳng định uy tín, tầm quan trọng của từng cá nhân. Những món quà đó có thể làm cho người được nhận nó không trở nên giàu hơn nhưng họ cảm thấy hài lòng vì họ được đối xử xứng đáng với chức danh của mình. Trong trường hợp nếu nhà gái có điều kiện, họ có thể trả hết các lễ vật thách cưới cho nhà trai cùng một lúc trong tầm pô ét và sẽ tổ chức tầm pô đờng khoảng một tuần đến mười ngày sau. Tuy vậy, trường hợp này hiếm xảy ra, bởi chi phí cho tầm pô đờng khá tốn kém; đồng thời điều kiện để tầm pô đờng được tổ chức là nhà gái phải trả đủ lễ vật thách cưới cho nhà trai. Vì vậy, từ trước đến nay trong cộng đồng người Cơho Lạch phổ biến trường hợp vợ chồng tổ chức tầm pô đờng sau nhiều năm chung sống, đã có con, thậm chí đã lên chức ông, bà. Đây là nghi lễ quan trọng, mang tính bắt buộc để nhà gái và đôi vợ chồng cảm ơn gia đình, họ hàng nhà trai, đồng thời cũng là dịp để những người trong cộng đồng chúc mừng cho hạnh phúc đôi vợ chồng. Do vậy, dù lâu bao nhiêu thì họ vẫn phải tổ chức. Trong tầm pô đờng, nhà gái phải làm thịt một con heo khoảng 4 - 5 gang tay và thực hiện thủ tục đưa heo cho nhà trai tương tự trong tầm pô ét. Nhìn chung, theo quan niệm của người Cơho Lạch, lễ cưới lớn không có nhiều nghi thức mà chủ yếu là dịp để họ hàng và những người trong cộng đồng đến ăn uống, tặng quà chúc mừng đôi vợ chồng và cũng là dịp để cha mẹ và những người trong họ hàng nhà trai đáp tặng lại cho gia đình nhà gái (chủ yếu là cho đôi vợ chồng trẻ mà người con gái của họ là chủ gia đình). Theo phong tục của người Cơho Lạch, việc đáp tặng này trên danh nghĩa là sự đáp tặng quà tặng trở lại của gia đình nhà trai cho gia đình nhà gái, nhưng thực chất các món quà này chủ yếu là dành cho đôi vợ chồng trẻ - là đối tượng chính của cuộc hôn nhân. Ở đây, những người đáp tặng có thể tự do lựa chọn món quà mà mình muốn tặng và tặng với mức giá trị bao nhiêu thì tùy mình quyết định mà không có sự quy định chặt chẽ như những món quà của nhà gái khi đem tặng cho nhà trai. Tuy nhiên, không vì thế mà họ tỏ ra hời hợt, thực hiện cho đủ thủ tục với những món quà ít 285
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 giá trị mà ngược lại họ cũng đáp tặng lại cho đôi vợ chồng rất nồng hậu với nhiều món quà có giá trị vật chất lớn. Sự đáp tặng này trên lý thuyết là sự tự nguyện, nhưng thực chất nó mang tính bắt buộc. Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm, tình cảm của những người có quan hệ thân thuộc với đối tượng kết hôn là con cháu của mình mà còn là sự tự trọng, sỉ diện của những người được nhận quà bởi họ cũng nhận thức rõ một điều là việc không đáp tặng sẽ làm cho người nhận quà trở nên thấp kém và nếu có thể, mình phải đáp tặng nhiều hơn món quà mình đã nhận. Do đó, những người họ hàng thân cận của chàng trai như me wa ur, me óh ur (chị, em gái của mẹ) thường có sự hỗ trợ vật chất cho đôi vợ chồng trẻ thông qua tục sa sur (ăn heo). Theo quan niệm của người Cơho Lạch, tập tục sa sur của những người họ hàng nhà trai trong hôn nhân của con, cháu họ thực chất là một hình thái hỗ trợ về mặt vật chất cho đôi vợ chồng trẻ có thêm vốn liếng để làm ăn sau khi kết hôn. Theo đó, những người này sẽ yêu cầu được nhận heo từ vợ chồng cháu trai của mình (có thể mỗi người nhận một con hoặc vài người cùng nhận chung một con heo, kích cỡ từ 5 gang tay trở lên). Việc trao và nhận heo được tổ chức cách hai ngày sau đám cưới lớn, tại gia đình nhà trai, với sự tham dự của những người họ hàng thân cận hai bên. Đến ngày đã định, vợ chồng chàng trai đưa heo sang nhà cha mẹ mình, theo yêu cầu của những người sa sur. Tiếp đó, người mai mối của nhà gái mời họ đến đo kích cỡ của những con heo được sa (ăn). Nếu con heo nhỏ hơn yêu cầu thì đôi vợ chồng phải bù thêm vài con gà. Sau khi họ hàng nhà trai đồng ý nhận heo, họ hàng hai bên cùng uống rượu cần hoàn tất việc giao nhận heo. Những con heo được họ hàng nhận sẽ được giết thịt ngay sau đó để thiết đãi họ hàng hai bên (sa sur nhu tơ nờm – ăn heo uống rượu cần). Khi ra về, cha mẹ của cô gái sẽ được tặng một chiếc đùi sau của con heo. Số thịt còn lại không được phép trao đổi, mua bán, mà sẽ được chia phần cho họ hàng mang về. Theo phong tục Cơho Lạch, tương ứng với mỗi con heo được sa, những người đề nghị sa sur sẽ tặng lại cho đôi vợ chồng một con trâu tơ (ngày nay họ có thể không tặng trâu mà thay bằng một số tiền lớn gấp 2 – 3 lần giá trị của con heo). Việc tặng trâu có thể được thực hiện ngay hôm sau hoặc có thể chờ khi nào họ có đủ điều kiện. Khi họ hàng đưa trâu đến, đôi vợ chồng làm thịt một con gà và bày một ché rượu cần để làm thủ tục nhận trâu, cảm ơn họ đã hỗ trợ cho mình một số vốn để làm ăn. Theo phong tục người Cơho Lạch, cha mẹ chàng trai phải có trách nhiệm sa sur trở lại để “trả lễ” trong tầm pô đờng của con trai những người họ hàng đã sa sur trong tầm pô đờng của con trai mình. Ngoài việc sa sur của những người trong họ hàng nhà trai, những người đến tham dự đám cưới lớn (họ hàng phía nhà trai, những người bạn bè của gia đình hai bên, hàng xóm láng giềng) còn tặng thêm cho đôi vợ chồng nhiều món quà mang tính vật chất như: chén, bát, ly, nồi, chảo, mền, mùng, chiếu, gối, công cụ lao động (chà gạt, cuốc…), ché rượu cần, ống măng chua, cá khô, mắm, muối, gạo, gà, vịt, dây cườm, ui, áo quần, thậm chí còn có cả phong bì đựng tiền, vàng. Những quà biếu tặng này sẽ được sở hữu riêng cho đôi vợ chồng nếu họ đã dọn ra ở riêng. Trong trường hợp họ vẫn còn ở chung với cha mẹ cô gái thì có thể được trích một phần hỗ trợ cho cha mẹ lo việc kinh tế gia đình, còn lại sẽ được đôi vợ chồng cất giữ để dành làm vốn liếng làm ăn. 286
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 Trong quá trình trao đổi quà tặng trong cưới xin của người Cơho Lạch, tất cả những món quà được biếu tặng, trao đổi giữa hai bên gia đình cũng như của những người họ hàng, bạn bè, láng giềng sẽ được đại diện phía gia đình hai bên hoặc đôi vợ chồng ghi lại cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết như: Ai tặng? Tặng cho ai? Tặng với số lượng bao nhiêu con gà, vịt; heo, trâu bao nhiêu gang tay; bao nhiêu tấm vải thổ cẩm, ui; bao nhiêu sợi dây cườm và giá tiền bao nhiêu/sợi; bao nhiêu ký gạo… Đây được xem như bằng chứng về việc đã thỏa thuận về lễ vật giữa hai bên gia đình, đồng thời đôi vợ chồng cũng biết được những người nào tặng mình cái gì để sau này có dịp thì đáp lễ lại cho tương xứng; hoặc trường hợp trong đám cưới nhỏ, gia đình nhà gái chưa trả hết phần lễ vật cho gia đình nhà trai thì đây được coi như bằng chứng để gia đình nhà trai đòi nhà gái phải tiếp tục trả nợ cho mình. Như vậy, việc trao đổi quà tặng trong hôn nhân ngoài yếu tố tình cảm, thể diện và tuân thủ theo quy ước văn hóa của xã hội, thì điều đó còn thể hiện sự tính toán, cân nhắc và sự chủ động của người trong cuộc theo nguyên tắc có qua có lại. Ngoài việc trao đổi quà tặng giữa hai bên gia đình nhà gái và gia đình nhà trai, quà tặng của những người trong cộng đồng đến chúc phúc cho hai vợ chồng thì gia đình nhà gái còn phải biếu tặng đến hai đối tượng quan trọng góp phần vào sự thành công của cuộc hôn nhân đó chính là người mai mối (kwăng đút) và các vị thần linh (yang). Theo phong tục của người Cơho Lạch, khi đám hỏi thành công, nhà gái tặng kwăng đút một tấm đắp, đồng thời làm thịt một con gà và mở một ché rượu cần để thiết đãi, cảm ơn sự giúp đỡ của ông ta. Đối với các yang, trong lúc diễn ra các nghi lễ, người ta không quên chuẩn bị các lễ vật như gà, rượu cần, hoa quả để dâng cúng với ý nghĩa trước là mời các thần linh về để chứng giám và sau là phù hộ mọi việc được diễn ra suôn sẻ, cuộc hôn nhân thành công tốt đẹp. Người Cơho Lạch tin rằng, những lễ vật dâng cúng thần linh này sẽ được xem như những món quà mà gia chủ muốn gửi đến các vị thần. Các món quà biếu tặng này sẽ có tác dụng mua lấy sự yên ổn, giúp xua đuổi các tà thần mà thông thường là những ảnh hưởng xấu có tác động làm hỏng công việc của họ. 4. MỘT SỐ NHẬN XÉT Trong quan hệ hôn nhân của người Cơho Lạch, rõ ràng chúng ta nhận thấy các lễ vật, sự biếu tặng thực sự là một trong những vấn đề quan trọng, quyết định đến sự thành bại của cuộc hôn nhân. Các quà biếu tặng của nhà gái cho nhà trai được người Cơho Lạch xem là một khoản nợ mà bắt buộc gia đình nhà gái phải trả nếu như muốn cưới được chồng cho con gái mình. Đành rằng việc đi đến quan hệ hôn nhân của đôi trai gái là dựa trên nguyên tắc tự nguyện của hai đối tượng kết hôn, nhưng ở đây chúng ta thấy có một sự thỏa thuận rõ ràng giữa hai bên gia đình đó là sau khi đã đồng ý nhận quà biếu tặng (các lễ vật thách cưới) của gia đình nhà gái thì gia đình nhà trai phải có nghĩa vụ đáp tặng lại “món quà lớn nhất” của mình đó chính là đồng ý cho người con trai của họ sang ở rể phía gia đình nhà gái. Ở đây, sự biếu tặng và trách nhiệm phải đáp trả được thể hiện như một bản hợp đồng cụ thể trong các nghi thức cưới xin truyền thống của người Cơho Lạch mà bất luận một đối tượng nào muốn xác lập mối quan hệ hôn nhân đều phải trải qua. 287
  10. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT NĂM 2018 Quà tặng, lễ vật được trao đổi trong hôn nhân của người Cơ ho Lạch ngoài ý nghĩa văn hóa, chịu sự chi phối và quy định của phong tục truyền thống, còn góp phần tạo tạo dựng và tăng cường nguồn vốn xã hội, củng cố mối quan hệ liên minh giữa các gia đình, dòng họ. Mặt khác, những hiện vật trao đổi trong hôn nhân như trâu bò, tiền, vàng… cũng là những tài sản có giá trị lớn với gia đình. Như vậy, chức năng kinh tế và chức năng phi kinh tế của sự trao đổi quà tặng, lễ vật trong hôn nhân có sự hòa quyện lẫn nhau. Vì vậy, nội dung và cách thức trao đổi lễ vật, quà tặng trong hôn nhân luôn chịu sự chi phối của các quy ước xã hội và tính chiến lược trong việc lựa chọn của những người tham gia vào những mối quan hệ cho – nhận, trao đổi này. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bùi M. Đ. & Vũ T. H. (2001). Người Cơ-ho ở Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: NXB Văn hóa dân tộc. Cao T. T. chủ nhiệm đề tài (1996). Văn hóa truyền thống Mạ - Cơ-ho. Đề tài NCKH cấp tỉnh Lâm Đồng. Lê M. C. (2017). Biến đổi trong tổ chức xã hội của cộng đồng người Kơ ho trong tiến trình đô thị hóa ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Luận án tiến sĩ Xã hội học, Viện HLKHXN Việt Nam. Mạc Đ. chủ biên (1983). Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng. Lâm Đồng, Việt Nam: Sở Văn hóa thông tin. Mauss M. (2011). Luận về biếu tặng. (Bản dịch của Nguyễn Tùng). Hà Nội, Việt Nam: NXB. Tri thức Nguyễn T. T., Đoàn N. S., Liênghot H. S. (1993). Người Lạch trên cao nguyên Lang Biang. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt, (1993), Đà Lạt thành phố cao nguyên trang (175 – 210). Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam: NXB Tp.HCM. Phan N. C. (2005). Người Kơ ho ở Lâm Đồng– nghiên cứu nhân học về dân tộc và văn hóa. Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam: NXB Trẻ. Võ T.T. chủ biên (2016). Tây Nguyên dưới góc nhìn nhân học. Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam: NXB: Đại học Quốc gia Tp. HCM. 288
nguon tai.lieu . vn