Xem mẫu

  1. TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY Hồ Lê Trâm Anh Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh GVHD: ThS. Nguyễn Tiến Thành, CN. Trần Lý Minh Trí TÓM TẮT Hiện nay, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không còn là một khái niệm mới đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù đã nhận thức được tầm quan trọng và những lợi ích mà trách nhiệm xã hội mang lại để phát triển bền vững, nhưng phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thật sự biết cách áp dụng một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Các hoạt động về trách nhiệm xã hội tại phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ được hiểu là các khoản đóng góp từ thiện, chia sẻ cộng đồng hoặc là công tác xã hội tự nguyện của doanh nghiệp. Các hoạt động trách nhiệm xã hội hầu hết chỉ tuân theo những quy tắc, chuẩn mực do doanh nghiệp tự xây dựng để đạt được mục tiêu lợi nhuận mà chưa thực sự vì xã hội, vì cộng đồng. Bài viết này làm rõ vai trò thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam và gợi mở một số đề xuất nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay. Từ khóa: hội nhập, kinh tế, lợi ích, phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội. 1 TỔNG QUAN VỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP (CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY – CSR) Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp rất khó định nghĩa, các đối tượng khác nhau có nhận định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khác nhau. Vì vậy cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm nhất quán nào về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Có rất nhiều định nghĩa và quan điểm được đưa ra bởi các học giả khác nhau, nhưng luôn có một số điểm chung như sau: Thứ nhất, CSR luôn gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của xã hội hay nói cách khác doanh nghiệp phải biết cân bằng giữa các lợi ích đa chiều: giữa doanh nghiệp với các đối tượng liên quan như người lao động, nhà cung cấp, đại lý phân phối... Thứ hai, việc thực hiện CSR đòi hỏi tính tự giác vì nó còn là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một nền tảng vững chắc cho việc phát triển bền vững không chỉ cho doanh nghiệp mà cho sự phát triển bền vững chung cho toàn xã hội.[1] 2236
  2. 2 THỰC TRẠNG 2.1 Thực trạng CSR hiện nay Các hình thức hoạt động xã hội, từ thiện của doanh nghiệp chủ yếu là quyên góp tiền chiếm đến hơn 70%, hiện vật chiếm khoảng 40%, nhưng thời gian mà doanh nghiệp dành cho các hoạt động này lại khá thấp, khi chỉ có 10%. Điều này cho thấy, doanh nghiệp vẫn chưa coi trọng ý nghĩa thực sự của các hoạt động từ thiện đối với cộng đồng. Có 5 vấn đề xã hội quan trọng nhất mà doanh nghiệp đã góp phần giải quyết: 89,3% doanh nghiệp tham gia hỗ trợ cộng đồng địa phương; 64,3% quan tâm đến thúc đẩy minh bạch trong kinh doanh; 60,7% bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động môi trường, 46,4% giảm tỷ lệ thất nghiệp và 42,9% quan tâm đến chăm sóc sức khoẻ. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng thách thức thường gặp phải khi thực hiện trách nhiệm xã hội ở nước ta, điển hình như nhận thức về trách nhiệm xã hội mới dừng lại ở hoạt động tài trợ (52%), thiếu ngân sách (36%), thiếu chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Chính phủ (32%), không được lan truyền trên truyền thông (24%)...[2] Điều này cũng cho thấy một phần sự quan tâm và đầu tư cho các hoạt động trách nhiệm xã hội từ phía chính quyền và chính các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa xứng tầm với vai trò quan trọng của trách nhiệm xã hội trong việc cải thiện đời sống xã hội và chưa khai thác được tối ưu tiềm năng đóng góp của khối doanh nghiệp.[3] 2.2 Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp khi thực hiện trách nhiệm xã hội 2.2.1 Về cơ hội Thứ nhất, nếu người lao động có các điều kiện môi trường làm việc thuận lợi sẽ thúc đẩy họ làm việc tốt hơn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường thế giới, mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình. Những doanh nghiệp trả lương thỏa đáng và công bằng, tạo cho nhân viên cơ hội đào tạo, bảo hiểm y tế và môi trường làm việc sạch sẽ có khả năng thu hút và giữ được nhân viên tốt. Thứ hai, việc Việt Nam tham gia vào các tổ chức khu vực và thế giới, ký kết và tham gia các hiệp định mậu dịch tự do, hiệp định thương mại... đã thực sự mở đường cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng. Thứ ba, trách nhiệm xã hội là xu thế tất yếu và mang tính toàn cầu, thực hiện trách nhiệm xã hội là tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế, không mâu thuẫn với lợi ích kinh tế của doanh nghiệp. Thứ tư, thực hiện trách nhiệm xã hội đang là xu hướng phổ biến trên thế giới và trở thành yêu cầu mềm đối với các doanh nghiệp. Việc các doanh nghiệp quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, công nghệ cũng như những kinh nghiệm quý báu trong quá trình áp dụng các chuẩn mực kinh doanh cho doanh nghiệp từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước, các nhà đầu tư và ngay cả các khách hàng của họ. 2.2.2 Thách thức Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở mức ổn định, nằm trong số các nước tăng trưởng cao ở châu Á. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có sức cạnh tranh thấp hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác. Việt Nam đứng thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh toàn cầu, chỉ số cạnh tranh 2237
  3. của các doanh nghiệp Việt Nam đứng thứ 77/140 nước. Thứ hạng thấp của Việt Nam về chỉ số cạnh tranh cả về kinh tế vĩ mô lẫn vi mô cho thấy rằng Việt Nam đang phải đối mặt với một thử thách lớn về phát triển bền vững và phải lựa chọn mục tiêu kinh tế hay xã hội, môi trường.[4] Đối với một số doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong chiến lược kinh doanh nhằm phát triển bền vững thì lại không có đủ năng lực về tài chính, nhân lực và kỹ thuật để áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt hơn là ở Việt Nam số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này thường không đủ năng lực về tài chính, nguồn lực lao động và kỹ thuật hạn chế. Vì vậy, nếu không nhận được sự quan tâm của Chính phủ và chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ thì các doanh nghiệp này khó có thể tiếp cận được các tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm xã hội. Khó khăn cuối cùng trong việc áp dụng các chuẩn mực về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chính là sự thiếu hụt và lạc hậu của các quy định pháp luật Việt Nam với các quy tắc ứng xử quốc tế, sự chồng chéo của các quy định của các bộ, ngành. Về phía Nhà nước, chúng ta chưa xây dựng được các Bộ Quy tắc ứng xử và các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; về phía doanh nghiệp, chưa nhiều doanh nghiệp của Việt Nam có bộ quy tắc ứng xử có tính chất chuẩn mực áp dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình nhằm định hướng cho việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Vì vậy mà chưa tạo ra được môi trường, khung pháp lý - biện pháp có hiệu lực nhất mang tính bắt buộc hỗ trợ giải pháp đạo đức trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn cho Việt Nam trong bối cảnh cần thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay, bởi nếu quá coi trọng mục tiêu về môi trường và xã hội thì khó có thể thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng nếu không đưa ra yêu cầu cao đối với vấn đề thực hiện trách nhiệm xã hội thì các kết quả của sự tăng trưởng kinh tế khó có thể bù đắp được hậu quả về môi trường, xã hội và như vậy sẽ không thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững. 3 CÁC GIẢI PHÁP Trên con đường hội nhập, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam là một công việc vô cùng cần thiết, vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, lợi ích cho xã hội, đồng thời còn nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, của quốc gia và hỗ trợ thực hiện tốt hơn luật pháp lao động tại Việt Nam. Để có thể giúp cho doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình cần thực hiện các giải pháp sau đây: - Qua nhiều kênh khác nhau cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để mọi người hiểu đúng bản chất của vấn đề "Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp" và các Bộ Quy tắc ứng xử, nhất là trong các doanh nghiệp, các nhà quản lý, hoạch định chính sách vĩ mô. - Nhà nước cần ban hành các các cơ chế, chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp có thể thực hiện được trách nhiệm xã hội của mình, với một chính sách ưu tiên, ưu đãi, Nhà nước có thể cho vay từ quỹ hỗ trợ phát triển, quỹ xúc tiến thương mại,… - Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, những chế tài xử phạt phải thực sự đủ mạnh, đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản lí môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp 2238
  4. theo các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp và thân thiện hơn với con người. - Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường các cấp, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Thực hiện trách nhiệm xã hội là vấn đề lâu dài. Tuy nhiên, việc này mới thực hiện chủ yếu trong các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu sang các thị trường lớn (EU, Mỹ, Nhật…), nhưng trong tương lai tất cả các doanh nghiệp đều cần thiết phải thực hiện trách nhiệm xã hội. Vấn đề này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi vậy, cần phải bắt tay ngay vào nghiên cứu, xây dựng kế hoạch dài hạn và lộ trình thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế. 4 KẾT LUẬN Khi doanh nghiệp thực hiện CSR doanh nghiệp đạt được nhiều lợi ích bao gồm tăng giá trị thương hiệu, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất và thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới. Doanh nghiệp nhận thức tốt hơn về CSR và đưa CSR vào các hoạt động nhằm mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, cho môi trường và xã hội. Nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín của công ty: CSR có thể giúp doanh nghiệp tăng giá trị thương hiệu và uy tín đáng kể. Uy tín giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, hấp dẫn nhà đầu tư và người lao động. Thu hút người lao động: nguồn lao động có năng lực là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm. Ở các nước đang phát triển, số lượng lao động lớn nhưng đội ngũ lao động có chuyên môn tốt và có sự cam kết cao là một thách thức đối với doanh nghiệp. Cơ hội tiếp cận thị trường mới: thực tiễn ở các doanh nghiệp ban đầu khi chưa quen các tiêu chuẩn thì còn nhiều khó chịu và khúc mắc, nhưng khi đi vào vận hành thì các tiêu chuẩn này còn giúp gia tăng năng suất lao động và cải tiến chất lượng sản phẩm. Khai thác các cơ hội từ việc thực hiện trách nhiệm xã hội: trách nhiệm xã hội không chỉ là vấn đề gây tốn kém và bó buộc mà còn có thể là những cơ hội tiềm tàng trong kinh doanh cho những ai nhận ra và đón bắt được. Khi doanh nghiệp xem CSR là một phần thiết yếu của chiến lược kinh doanh, thì những vấn đề này không còn là một gánh nặng hay một điều bắt buộc mà là nguồn và cơ sở cho thành công. Sự trung thành của nhân viên và khách hàng: đây là những bộ phận quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của mọi doanh nghiệp. Vì vậy, dù chi phí ban đầu có thể sẽ nặng, lợi ích có thể chưa thấy ngay, nhưng chắc chắn về lâu dài sẽ chẳng có gì thiệt thòi khi doanh nghiệp tôn trọng lợi ích của những bộ phận thiết yếu này. Khi thực hiện tốt doanh nghiệp sẽ nhận được sự ủng hộ trung thành và nhiệt tình của nhân viên, khách hàng và các đối tác khác. Tóm lại, thực hiện trách nhiệm xã hội trong kinh doanh có thể không mang lại những lợi nhuận trước mắt nhưng cũng không phải gánh nặng cho các doanh nghiệp. Nếu biết cách đưa những vấn đề này vào trong chiến lược kinh doanh, các doanh nghiệp và xã hội sẽ có thể phát triển theo hướng tích cực và bền vững hơn. Ở Việt Nam, việc thực hiện trách nhiệm 2239
  5. xã hội của doanh nghiệp hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững. Để thực hiện thì việc tuyên truyền, giáo dục trách nhiệm xã hội và hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện nó là việc làm cấp thiết hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Thị Hồng Giang (22/11/2019) “Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành QTKD” - Mục 1.1.1. Khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - https://www.slideshare.net/trongthuy3/luan-van-trach-nhiem-xa-hoi-doi-voi-khach-hang- cua-vnpt-hay [2] Theo Vietnam Report “Khảo sát các doanh nghiệp BP5 ” (02/2019). [3] Nguyễn Vĩnh Long, Lưu Thế Vinh “Cơ hội và thách thức khi thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập” – Mục 3.1.2. Những lợi ích của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - đăng tải trên tạp chí Khoa học và Công nghệ trường Đại học Hùng Vương, tập 15, số 2 (2019): 77-87. [4] Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 (The Global Competitiveness Report 2018). [5] Lưu Ngọc Liêm (04/10/2020), “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay” – https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/trach-nhiem-xa-hoi-cua- doanh-nghiep-trong-boi-canh-hien-nay-328432.html [6] TS. Đoàn Duy Khương Phó Chủ tịch VCCI, Đồng Chủ tịch VBCSD (2020), “Nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững thông qua việc thực hiện CSR - http://www.vbcsd.vn/detail.asp?id=217 [7] ThS. Trần Thị Trà My (03/07/2020), “Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam nhằm mục tiêu phát triển bền vững, Tạp chí Công Thương - https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nang-cao-trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-o- viet-nam-nham-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-72855.htm 2240
nguon tai.lieu . vn