Xem mẫu

  1. TOUCH: Đời là trăm ngàn cú chạm . Tết mỗi năm bạn vẫn đón những người thân từ nước ngoài hoặc nhìn thấy Việt kiều ở nhà hàng xóm. Tất cả những gì bạn biết về đời sống của họ là qua lời họ kể? Bạn chỉ thấy họ – những người đeo một cái túi bao tử trước bụng, lúng túng dùng tiền đồng, kẻ mập người ốm thất thường, lổm chổm kẻ trắng ra, người rám nắng, người nói giọng lơ lớ, thỉnh thoảng vẫn dùng vài chữ nước ngoài… Cuối cùng họ đang vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ? Mình chỉ thấy họ đang không chọn cách sống mình đang sống, ngôn ngữ mình đang dùng, ở đây, tại Việt Nam…
  2. Touch sẽ để bạn vào một phần đời sống của họ, bắt đầu từ nghề nghiệp phổ thông nhất, ở Việt Nam thì thấp kém, qua Mỹ thì giúp kiếm sống – thậm chí là khá khẩm cho nhiều người – nghề nail. Bạn sẽ theo Tâm, nhân vật chính của câu chuyện, đi làm ở tiệm nail VIP, nơi có ba nhân viên thì hai đã nói tiếng Việt không dấu, đời sống quẩn quanh trong niềm vui nói chuyện phiếm về bao cao su, tuần ngủ mấy lần với ông xã, vừa dắt trai về nhà cho hôn lên chỗ kín… Những kế hoạch cuối tuần đi đánh bài, làm tình, ăn uống nghe vừa hào hứng, cũng vừa quen thuộc đến độ nhàm chán. Rồi lại theo Tâm về nhà với ba – ông già cả tuần hầu như chỉ ngồi trên chiếc xe lăn, đúng một chỗ bên khung cửa sổ, coi những tiểu phẩm hài giả gái. Tâm tắm cho ba, lau dọn, nấu nướng cho ba – nhưng cô chỉ làm được những việc đó vào ngày cuối tuần: cô vẫn chọn cho mình đời sống riêng. Bởi từ nhỏ, khi Tâm thèm cọ gò má vào cẳng chân trần của mẹ, nằm trong lòng mẹ, cô đã bị ba nhốt vào một cái phòng kín và nói cho cô biết đó là cách sống bệnh hoạn, không thích hợp ở Mỹ…
  3. Các chị em trong tiệm nail nói chuyện tình dục mỗi ngày, nhưng không thấy bóng dáng đàn ông nào trong cuộc sống của họ. Tâm về nhà ba mỗi cuối tuần, tắm rửa, nấu ăn cho ông. Tâm cũng như những cô gái “không may mắn trong đường tình” khác, chấp nhận hẹn hò từ người mai mối. Một anh chàng kỹ sư người Việt,
  4. lúng túng, sượng sùng, phải giao tiếp bằng tiếng Mỹ trong cuộc gặp gỡ đầu tiên. Ra về, cô chỉ vừa thấy buồn, vừa thấy tội người ta… Rồi Tâm gặp Brendan, người thợ máy hàng ngày đến tiệm nail, chờ được làm sạch móng tay với hy vọng có thể được vợ gần gũi trở lại, cứu vãn quan hệ vợ chồng. Vấn đề của Brendan không chỉ dừng lại ở bộ móng tay dơ, có điều gì đó bất ổn lớn hơn trong mối quan hệ của anh với cô vợ luật sư giỏi giang, bận rộn – mà chỉ có người ý nhị, tâm lý như Tâm mới có khả năng lần lượt giúp anh tháo gỡ từng nút, từng nút thắt một. Brendan đến tiệm hàng ngày với những bộ móng không hiểu sao ngày dơ hơn, nhưng tinh thần ngày một phấn chấn hơn vì mối quan hệ với vợ ngày càng được cải thiện. Cùng lúc đó, mối quan hệ giữa Tâm và Brendan cũng ngày một khác, đậm đà hơn, có nhiều tín hiệu nồng nàn hơn… Tâm sẽ giữ mối quan hệ lại này ở mức “chạm” (hành động mà từ nhỏ cô khát khao nhất, cho đó là thể hiện cao nhất của một tình yêu thương) hay phải đi đến tận cùng cảm xúc trong tình cảm với Brendan – người đàn ông mà cô đang giúp hàn gắn hạnh phúc gia đình?
  5. Hai diễn viên chính của phim John Ruby và Porter Lynn Mâu thuẫn của Brendan và vợ có thể giải quyết bằng tình dục?
  6. Cũng như việc đã lựa chọn và tự hào với nghề của mình (chứ không coi mình là “con dũa móng tay” – như ba vẫn nói), Tâm chọn lựa thể hiện có phần lạnh lùng bên ngoài, giữ giới hạn cần thiết trong nhiều mối quan hệ. Tâm luôn khiến người khác phải thắc mắc, tự hỏi nhiều về mình. Cô mạnh mẽ, sống như một người Mỹ? Hay trong sâu xa, cô gái vẫn khát khao cọ má vào cẳng chân mẹ, cũng như những người Việt Nam xa xứ khác – vẫn thấy việc trở về, chọn một người yêu thương mình, có cùng dòng máu với mình, là ấm áp, cần thiết hơn một cuộc phiêu lưu? Nếu chỉ xem bên ngoài, đạo diễn của Touch chọn tình dục làm tứ chính để kể chuyện, từ những câu chuyện vặt vãnh, hài hước hàng ngày của chị em trong tiệm nail nơi Tâm làm việc, đến những cuộc thảo luận nghiêm túc về hạnh phúc gia đình Brendan, hay mối quan hệ giữa Brendan và Tâm… Nhưng nút thắt tình cảm bị hóa giải bằng từ trần trụi nhất là “đụ” khiến cho ai cũng cười, mà vẫn không sao che được sự buồn tẻ, lạnh lẽo của đời sống. Hình như lúc ấy, chỉ có “chạm” mới chính là thể hiện ấm áp, nồng nàn nhất của một tình yêu thực sự.
  7. Phim có nhiều cảnh khỏa thân trăm phần trăm. Cũng là lần đầu tiên trong phim nói tiếng Việt, từ “đụ” đã xuất hiện một cách “ngoạn mục” từ miệng bà chủ tiệm nail. Về đời sống của người Việt ở Mỹ và mối quan hệ của họ trong xã hội đang sống, mình chỉ là một người “ngồi đáy giếng”, thỉnh thoảng nghe bà con về kể chuyện “ở bển”. Người nói vầy, kẻ nói khác, đọc sách đã thấy khác, coi các chương trình văn nghệ hải ngoại lại thấy còn khác hơn, chẳng biết làm sao hình dung và có quan điểm cho thật nhất quán về đời sống rộn ràng của Việt kiều. Mình có hỏi người gần nhất với mình – chị mình: nghĩ sao về Mỹ? Bảo ngán, vì buồn. Hỏi có về Việt Nam không? Bảo không, vì ngán. Mười năm rồi vẫn câu trả lời ấy. Và vẫn chưa có quyết định nào mới nữa. Mình vẫn tự hỏi một điều, có lẽ đã cũ rồi: có hay không cái hạnh phúc thật sự của thân phận nằm lửng lơ giữa hai nơi sống: một chỗ mình đang hít thở, kiếm tiền, ăn, ngủ …
  8. và hàng ngày đầu óc vẫn nhớ, vẫn thuộc về một nơi khác. Cũng như bạn đang chạm lấy mỗi chỗ một ít và phải sống trong tình trạng không bao giờ thuộc về nơi nào, thuộc về ai cả. Mình từng trả lời như thế chẳng có gì là hạnh phúc cả. Nhưng sau khi xem phim này, thấy không thể mạnh miệng phán về sự lựa chọn hạnh phúc của bất kỳ ai, cũng như sự lựa chọn tình yêu của Tâm mà mình hay nhiều người xem khác sẽ bảo là “dở hơi”, nhưng cô ấy có lý của cô ấy. Giữa cái chạm nhẹ của hai tâm hồn, với cái việc quấn lấy nhau không rời trên giường của Brendan và vợ, cái nào đã chắc hạnh phúc hơn cái nào? Mình hoang mang. Có lẽ, cuộc đời xét cho cùng chỉ là hàng trăm, hàng ngàn cú chạm; và cú chạm nào làm ta lúc ấy hạnh phúc hơn thì ta cứ chạm lâu hơn. * Phim của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Đức Minh, diễn viên chính là John Ruby và Porter Lynn, được sản xuất tại Mỹ, đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
nguon tai.lieu . vn