Xem mẫu

  1. TỔNG QUAN KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2015 GS.TS. Trần Thọ Đạt PGS.TS. Tô Trung Thành Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Bài viết đánh giá kết quả của nền kinh tế trong năm 2015, tìm hiểu những điểm nghẽn quan trọng của nền kinh tế, nghiên cứu từ các biến số kinh tế quan trọng như tăng trưởng, lạm phát, khu vực đối ngoại, khu vực tiền tệ tỷ giá và khu vực ngân sách. Phần kết luận đề xuất một số khuyến nghị chính sách cơ bản cho năm 2016 và những năm tiếp theo. 1. Tăng trưởng Bộ tác động tiêu cực từ những vấn đề nội tại của nền kinh tế, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam sau khi suy giảm mạnh từ năm 2011 đã tìm được dấu hiệu hồi phục rõ nét hơn. Trong khi tăng trưởng 2014 vẫn ở mức dưới 6% thì tăng trưởng năm 2015 đã ở mức 6.68%, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, đưa quy mô nền kinh tế lên 204 tỷ USD, theo đó, GDP bình quân đầu người đạt 2109 USD/người1 (theo giá hiện hành) và 1140 USD/người (theo giá so sánh 2005). Hình 1. Tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người Nguồn: GSO, WDI 1 Theo thống kê kinh tế năm 2015 của GSO 3
  2. 1.1. Sản xuất công nghiệp và tiêu dùng cuối cùng hỗ trợ cho hồi phục Trong cơ cấu ngành sản xuất, tỷ trọng nông nghiệp đã giảm từ năm 2011, đầu 2015 còn 17% GDP, hệ quả từ tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giảm còn 2.41% so với 3.44% năm 2014. Trong khi tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ không thay đổi đáng kể (khoảng 6%), thì tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng tăng mạnh (từ 6.42% năm 2014 lên 9.64% năm 2015). Hình 2. Cơ cấu ngành trong GDP và tốc độ tăng trưởng của ngành Nguồn: GSO Ghi chú: Từ năm 2010, Tổng cục Thống kê đã tiến hành tách thuế giá trị gia tăng hàng hóa và dịch vụ khỏi VA các ngành công nghiệp và dịch vụ Bảng 1 cũng cho thấy công nghiệp và xây dựng đóng góp chính vào tăng trưởng. Trong khi nông nghiệp chỉ đóng góp 0.40 điểm phần trăm tăng trưởng (so với 0.61 điểm phần trăm năm 2014), dịch vụ đóng góp 2.43 điểm phần trăm (so với 2.62 điểm phần trăm năm 2014) thì công nghiệp và xây dựng đóng góp tới 3.20 điểm phần trăm vào tăng trưởng (so với 2.75 điểm phần trăm năm 2014). Bảng 1. Đóng góp của các ngành vào tăng trưởng GDP (%) 2010 2011 2012 2013 2014 2015 Đóng góp của nông nghiệp vào tăng trưởng GDP 0.47 0.66 0.44 0.48 0.61 0.40 Đóng góp của công nghiệp xây dựng vào tăng trưởng GDP 3.20 2.32 1.89 2.09 2.75 3.20 Đóng góp của dịch vụ vào tăng trưởng GDP 3.11 2.91 2.70 2.85 2.62 2.43 Nguồn: GSO 4
  3. Hình 3. Tốc độ tăng chỉ số phát triển công nghiệp (%) Nguồn: GSO Trong ngành công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp đã có mức tăng nhanh liên tục từ năm 2012. Chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng 9.8%, với đóng góp quan trọng của sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo với mức tăng 10.6% (so với 8.74% năm 2014), kết quả của tăng tiêu dùng loại hàng này (chỉ số tiêu thụ hàng công nghiệp chế tạo chế biến 11 tháng đầu năm tăng 12.6%), trong khi các chi phí đầu tư sản xuất như giá nguyên vật liệu, giá xăng, đều có xu hướng giảm. Bảng 2. Tốc độ tăng các thành tố chi tiêu GDP 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 Tốc độ tăng trưởng kinh tế 8.48 6.23 5.32 6.78 5.89 5.03 5.42 5.98 6.68 Tổng tích lũy tài sản 26.80 6.28 4.31 10.41 -6.84 2.37 5.45 8.90 9.04 Tài sản cố định 24.16 3.84 8.73 10.89 -7.81 1.87 5.30 9.26 Thay đổi tồn kho 54.56 26.87 -26.18 5.44 3.60 7.15 6.82 5.72 Tiêu dùng cuối cùng 9.71 7.66 2.66 8.51 4.35 5.07 5.36 6.20 9.12 Nhà nước 8.90 7.52 7.60 12.28 7.12 7.19 7.26 7.00 Tư nhân 9.78 7.67 2.25 8.19 4.10 4.88 5.18 6.12 Nguồn: GSO 5
  4. Hình 4. Tỷ trọng đầu tư của các thành phần kinh tế Nguồn: GSO Về phía các thành tố chi tiêu của GDP, tỷ trọng của tiêu dùng cuối cùng vẫn đóng vai trò lớn nhất (duy trì mức trên 70% trong các năm), trong khi tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng lên đến 9.12% (so với 6.2% năm 2014), mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, trở thành động lực chính cho tăng trưởng, đóng góp tới 10.66 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, tổng tích lũy tài sản vẫn duy trì ở mức cao 9.04% (gần tương đương năm 2014, so với mức tăng 5.45% năm 2013), theo đó, đóng góp 4.64 điểm phần trăm vào tăng trưởng. Vốn đầu tư toàn xã hội cũng đã tăng đến 12% so với năm 2014, tương đương 32.6% GDP, xác lập đà tăng trở lại của tỷ trọng đầu tư trên GDP từ năm 2013, sau khi đã giảm sâu từ thời điểm bắt đầu tái cơ cấu nền kinh tế năm 2011. Đóng góp lớn vào mức tăng tổng đầu tư là từ khu vực FDI (tăng gần 20% và tỷ trọng trong tổng đầu tư tăng lên 23.3% từ 21.74% năm 2014). Bên cạnh đó, khu vực tư nhân tăng 12%, chiếm 38.7% tổng vốn đầu tư xã hội, trong khi vốn đầu tư khu vực Nhà nước tăng 6.7% và chiếm 38% tổng vốn đầu tư. Với sự phục hồi kinh tế, đặc biệt từ tiêu dùng và đầu tư, trong khi cấu trúc sản xuất và xuất nhập khẩu không có cải thiện đáng kể, nên nhập siêu đã quay trở lại sau khi nền kinh tế thặng dư 3 năm liên tiếp. Trong năm 2015, nhập siêu ở mức 3.2 tỷ USD, tương đương 1.57% GDP, và làm giảm 8.62 điểm phần trăm mức tăng trưởng của nền kinh tế. 1.2. Thiếu động lực vượt qua vùng trũng suy giảm Như vậy, tăng trưởng năm 2015 phục hồi chủ yếu từ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là từ sản xuất công nghiệp chế tạo và chế biến; cùng với gia tăng mạnh 6
  5. của tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên, nếu tính trung bình cho 5 năm (2011-2015), tốc độ tăng trưởng là 5.8%, so với 6.99% trung bình giai đoạn 5 năm 2006-2010, và kém xa giai đoạn trước khủng hoảng 2000-2006 là 7.51%. Có thể nói, nền kinh tế vẫn ở trong vùng trũng suy giảm, tuy gần đây đã có những dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa bền vững. Nền kinh tế vẫn còn thiếu một số động lực cơ bản để vượt qua vùng trũng này. 1.3. Mô hình tăng trưởng chưa có cải thiện nhiều về chất lượng tăng trưởng Hình 5. Tăng trưởng, đầu tư/GDP, tăng trưởng tín dụng, hệ số ICOR Việt Nam Nguồn: Tính toán từ số liệu của GSO, SBV Trước năm 2011, mô hình tăng trưởng Việt Nam được nhận định là theo chiều rộng (dựa chủ yếu vào đầu tư) nhưng thiếu hiệu quả, đi kèm với các chính sách thích ứng chưa bài bản và bị hạn chế hiệu lực bởi chính mô hình tăng trưởng, đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những bất ổn kinh tế vĩ mô. Vì thế, con đường duy nhất là phải đổi mới mô hình tăng trưởng, đi kèm với tái cơ cấu nền kinh tế để tăng chất lượng tăng trưởng, hướng đến tăng trưởng nhanh và bền vững (xem Tô Trung Thành và Nguyễn Trí Dũng, 2012). Tuy nhiên, trong giai đoạn tái cơ cấu, mặc dù tỷ trọng đầu tư đã giảm mạnh so với giai đoạn trước năm 2011, nhưng đà tăng trưởng đã lại xác lập từ năm 2014. Tỷ trọng đầu tư/GDP ở mức trên 30% hiện nay cũng là mức cao so với các nước trong khu vực (Hình 6). Bên cạnh đó, mặc dù chất lượng đầu tư được cải thiện hơn so với giai đoạn trước (chỉ số ICOR giảm), nhưng vẫn ở mức cao hơn nhiều so với các nước khác ở những giai đoạn phát triển tương đương2. Hình 5 đặt ra câu hỏi là liệu việc 2 Con số này cao hơn rất nhiều so với con số tương ứng của các nước công nghiệp mới (NICs) trong thời kì chuyển đổi 1961-1980. Ví dụ, trong giai đoạn này hệ số ICOR của Đài Loan là 2.7 và của Hàn Quốc là 3. Hay gần hơn là ICOR của Thái Lan trong giai đoạn 1981-1995 là 4.1 và của Trung Quốc trong giai đoạn 2001-2006 là 4. 7
  6. tăng trưởng phục hồi dần (kể từ năm 2013) vẫn xuất phát từ mô hình tăng trưởng cũ (được hỗ trợ bởi gia tăng tỷ lệ đầu tư và chính sách tiền tệ nới lỏng đi kèm), mà chưa có những cải thiện đáng kể về chất lượng tăng trưởng. Hình 6. So sánh tỷ lệ đầu tư/GDP giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực (%) Nguồn: IFS, GSO Một chỉ tiêu khác thể hiện chất lượng tăng trưởng là năng suất lao động (chất lượng của đầu vào lao động) đang ở mức tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực. Hình 7 và Hình 8 cho thấy giá trị gia tăng công nghiệp tính trên một lao động hay GDP trên một lao động của Việt Nam ở mức rất thấp so với các nước, hiện chỉ hơn một nửa so với Phillippines, ¼ so với Trung Quốc, và không thấy dấu hiệu của sự cải thiện rõ nét theo thời gian. Hình 7. Giá trị gia tăng công nghiệp trên một lao động (USD, giá hiện hành) Nguồn: WDI 8
  7. Hình 8. GDP bình quân trên 1 lao động (USD, giá cố định 2005) Nguồn: WDI 1.4. Tư duy kinh tế chưa có cải cách mạnh mẽ Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và thiếu hiệu quả có nguyên nhân lớn bởi những tư duy và quan điểm kinh tế chậm được đổi mới. Có thể nói, tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo” sẽ cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, bởi các nguồn lực của nền kinh tế khó có thể hướng vào những nơi có hiệu quả nhất. Tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo” rõ ràng tạo lập môi trường kinh doanh thiếu sự cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch và lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, khiến khu vực tư nhân khó có cơ hội tiếp cận các nguồn đầu vào và cơ hội kinh doanh một cách bình đẳng. Trong khi sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận và quyền sử dụng các nguồn lực quốc gia cũng như về quyền tự do kinh doanh giữa các thành phần kinh tế, theo lý thuyết, lại là cơ sở quan trọng để các nguồn lực phân bổ hợp lý, cơ cấu kinh tế có hiệu quả và nâng cao được hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả phân bổ. Tư duy này thường được diễn giải là sử dụng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn là “công cụ ổn định kinh tế vĩ mô”, “công cụ định hướng và điều tiết vĩ mô”. Tuy nhiên, đây lại là tư duy thiếu cơ sở, bởi bản chất DNNN là một thành viên của nền kinh tế, giống như mọi doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài khác, chứ không phải là một thành tố của công cụ hay chính sách kinh tế vĩ mô. Việc trao trọng trách công cụ điều tiết hay bình ổn kinh tế vĩ mô cho DNNN đã biến một thành viên kinh tế (đáng lẽ phải được bình đẳng như các doanh nghiệp khác) có được ưu thế tuyệt đối so với các thành viên kinh tế còn lại, theo đó, các nguồn lực nghiễm nhiên bị phân bổ méo mó về một phía. Một số hệ lụy có thể kể đến như: (i) vấn đề bất 9
  8. bình đẳng trong môi trường kinh doanh, trong tiếp cận các nguồn lực của nền kinh tế; (ii) tình trạng độc quyền và kém hiệu quả của các DNNN; (iii) tình trạng giá cả được điều tiết (như giá điện, giá xăng) bị bóp méo, không phản ánh đúng tín hiệu thị trường và dẫn đến những cú sốc giá đến nền kinh tế,...; (iv) sự chèn ép khu vực tư nhân trong nước, trong khi khu vực này cần mau chóng mạnh lên để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đang xâm nhập vào nền kinh tế theo các cam kết hội nhập,.... Tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo” cũng đang bị các nhóm lợi ích tận dụng triệt để cho lợi ích của một số cá nhân có liên quan. Đây là miếng đất màu mỡ để tạo ra các mối “quan hệ” vây quanh các tập đoàn và tổng công ty nhà nước nảy nở và phát triển. Thực trạng này đã dẫn đến sự ra đời và lớn mạnh nhanh chóng của một số doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam phất lên nhanh chóng không phải từ tiến bộ khoa học - công nghệ, tăng năng suất lao động, bảo vệ môi trường mà chủ yếu do khai thác các tài nguyên đất đai, gỗ, mỏ, biển... Những ông chủ doanh nghiệp này mặc nhiên tự cho mình có những đặc quyền riêng, trong không ít trường hợp thiếu tôn trọng pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Sự phát triển lệch lạc này khiến khu vực kinh tế tư nhân phát triển không bền vững, không phù hợp với tăng trưởng xanh và phát triển hài hòa các lợi ích của xã hội. Vì vậy, muốn tái cơ cấu thành công nền kinh tế, muốn các nguồn lực được phân bổ một cách hiệu quả nhất cho tăng trưởng nhanh và bền vững, không thể không thay đổi tư duy về kinh tế nhà nước, theo hướng: (i) khu vực kinh tế nhà nước chỉ tập trung khắc phục những khuyết tật chủ yếu của kinh tế thị trường nhằm điều tiết hiệu quả nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường; Nhà nước chỉ tham gia vào những lĩnh vực kinh tế mà khu vực tư nhân không muốn tham gia hoặc không thể tham gia; (ii) tăng cường cung cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ công; (iii) đẩy nhanh sự thoái lui của Nhà nước trong vai trò chủ đầu tư và chủ sở hữu doanh nghiệp, cũng như giảm dần tiến tới xóa bỏ bao cấp, lợi thế về quyền và cơ hội kinh doanh dành riêng cho các DNNN; và (iv) nâng cao vai trò định hướng, kiến tạo hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thân thiện đối với mọi thành phần kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, thực tế quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cho thấy tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm xuống dưới 40% từ năm 2007-2012 song lại quay về mức trên dưới 40% năm 2013- 10
  9. 2015. Quan trọng hơn, cơ cấu đầu tư công theo ngành chưa có sự cải thiện đáng kể. Nếu phân loại đầu tư công theo nhóm ngành: (i) cung cấp dịch vụ công (bao gồm quản lý nhà nước (QLNN), an ninh quốc phòng (ANQP), giáo dục đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ (KHCN); (ii) cơ sở hạ tầng (CSHT) công (điện nước, vận tải kho bãi, thông tin truyền thông); (iii) trực tiếp sản xuất kinh doanh (SXKD) (nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng); và (iv) còn lại, có thể thấy đầu tư vào CSHT công đang giảm dần, trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đầu tư cao và gia tăng vào lĩnh vực SXKD trực tiếp (đáng lẽ cần chuyển sang cho khu vực tư nhân) và xuất hiện cả xu thế phân tán đầu tư công sang nhiều lĩnh vực khác. Chuyển dịch cơ cấu đầu tư công không phản ánh sự thay đổi nào thật sự về vai trò của Nhà nước nói chung và đầu tư công nói riêng trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chiến lược phát triển con người và tháo gỡ nút thắt về CSHT cũng như thể chế. Hình 9. Cơ cấu đầu tư công theo nhóm ngành Nguồn: GSO 1.5. Khu vực FDI thiếu đóng góp bền vững Đóng góp của khu vực FDI vào GDP gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, hiện chiếm tỷ trọng 18% sản lượng của cả nền kinh tế. Doanh nghiệp FDI cũng đang đóng góp lớn nhất vào cán cân thương mại của nền kinh tế. Trong khi đó, khu vực sản xuất trong nước đang gặp khó khăn rất lớn (hệ quả của các chính sách thắt chặt mạnh và tổng cầu suy giảm nhanh trước đây). Có thể nói một động lực quan trọng cho tăng trưởng nền kinh tế hiện nay là từ khu vực FDI. 11
  10. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI vẫn chủ yếu tập trung vào ngành gia công, tạo giá trị gia tăng thấp cho nền kinh tế, không đóng góp tích cực cho cải thiện tiến bộ khoa học công nghệ (trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình, 14% thấp và lạc hậu, chỉ có 5-6% sử dụng công nghệ cao3). Các doanh nghiệp FDI có công nghệ cao thì ít tạo được hiệu ứng lan tỏa về công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước do khoảng cách công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài làm giảm khả năng tiếp thu những tiến bộ công nghệ, đồng thời, sự thiếu vắng lực lượng lao động có trình độ cao cũng là nguyên nhân khiến hiệu ứng lan tỏa công nghệ không cao. Hình 10. Đóng góp của các thành phần kinh tế vào GDP Nguồn: GSO Hình 11. Đóng góp của các thành phần kinh tế vào cán cân thương mại Nguồn: GSO Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI có thể đóng góp vào tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng đánh đổi là nguồn lực trong nước có thể bị tiêu hao. Tăng trưởng 3 http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_khoahoc/_mobile_khoahoakh/item/25613102.html 12
  11. GDP có thể cao, nhưng cái thực chất của một quốc gia có được chính là chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) và tiết kiệm (saving). Nếu phần chênh lệch giữa GNI và GDP dương, có nghĩa Việt Nam có thu nhập sở hữu thuần với nước ngoài. Ngược lại, nếu phần chênh lệch này là âm có nghĩa Việt Nam phải chi trả sở hữu cho nước ngoài nhiều hơn phần thu được từ sở hữu của mình. Bảng 3 cho thấy tỷ lệ GNI/GDP đã giảm xuống từ năm 2006 đến nay. Nếu như tỷ lệ này năm 2006 là 97.9% thì đến năm 2014 chỉ còn 95.1%. Phần chênh lệch gia tăng giữa hai biến số chính là từ khu vực FDI (chi trả sở hữu thuần). Nếu quy theo USD thì năm 2013 luồng tiền chảy ra nước ngoài là 8.6 tỷ USD và năm 2014 là 9 tỷ USD4 và riêng 2 quý đầu năm đã là 4.2 tỷ USD (Bảng 5). Tình hình này vẫn không có dấu hiệu thay đổi và luồng tiền chảy ra nước ngoài hàng năm vẫn không có dấu hiệu đổi chiều khi các chính sách đối với các thành phần kinh tế không có thay đổi đáng kể. Điều này phản ánh sức khỏe nền kinh tế là đáng ngại cả về quá trình tạo thành thu nhập từ sản xuất và phân phối lại thu nhập từ sở hữu. Bảng 3. Tỷ lệ GNI trên GDP của Việt Nam GNI GDP Tỷ lệ (nghìn tỷ đồng) (nghìn tỷ đồng) (%) 2006 1,038,755 1,061,565 97.9 2007 1,211,806 1,246,769 97.2 2008 1,567,964 1,616,047 97.0 2009 1,731,221 1,809,149 95.7 2010 2,075,578 2,157,828 96.2 2011 2,660,076 2,779,880 95.7 2012 3,115,227 3,245,419 96.0 2013 3,430,668 3,584,262 95.7 2014 3,745,515 3,937,856 95.1 Nguồn: GSO Với những khung chính sách như hiện nay (hướng tới quản lý cầu) có thể gây ra những rủi ro trong thời gian tới do nguy cơ lạm phát có thể quay lại và 4 Sở dĩ tỷ lệ để dành trong GDP không sụt giảm nhiều là do lượng kiều hối hàng năm trên dưới 10 tỷ USD. 13
  12. thâm hụt thương mại ngày càng trầm trọng đối với khu vực kinh tế trong nước. Khi xuất khẩu hoàn toàn do khu vực FDI chiếm lĩnh và vay nợ ngày một nhiều thì nguy cơ luồng tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài sẽ ngày càng gia tăng. Do tiết kiệm của nền kinh tế bằng GDP + Chi trả sở hữu thuần + Chuyển nhượng hiện hành thuần + Thuế trực thu - Tiêu dùng của dân cư - Tiêu dùng của Chính phủ nên chi trả sở hữu thuần ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ tiết kiệm, trong khi tiết kiệm là nguồn lực cơ bản cho đầu tư trong tương lai. Nếu coi tài nguyên là nguồn lực của nền kinh tế thì việc tận khai tài nguyên góp phần làm giảm GNI, để dành của nền kinh tế nhỏ đi và luồng tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài tăng mạnh. Như vậy, có thể nói, mặc dù FDI đang có đóng góp và là động lực cho hồi phục tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng về dài hạn, khu vực này khó tạo được tăng trưởng cao và bền vững cho nền kinh tế. 2. Giá cả, lạm phát Từ năm 2012 cho đến nay, lạm phát đã được kiểm soát và giữ ở mức thấp. Cho đến năm 2015, lạm phát chỉ còn 0.63%, thấp nhất kể từ khi gia nhập WTO, và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5%. Nguyên nhân chủ yếu là giá dầu và giá lương thực trong xu hướng suy giảm dài hạn (xem Hình 12). Cụ thể, với xu hướng giảm mạnh giá dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước cũng đã điều chỉnh giảm, khiến một số nhóm hàng như nhà ở vật liệu xây dựng, giao thông đều giảm mạnh so với năm 2014 (tương ứng 1.62% và 11.92%). Bên cạnh đó, xu hướng giá gạo thế giới giảm mạnh, trong khi nguồn cung trong nước dư thừa khiến chỉ số giá lương thực năm 2015 giảm 1.06% so với năm 2014. Tác động của giá xăng dầu và giá lương thực thế giới cũng mang đến xu hướng lạm phát thấp ở các nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Singapore hay Thái Lan. Hình 12. Lạm phát và mức tăng giá dầu và giá lương thực thế giới Nguồn: GSO, SBV, IFS 14
  13. Hình 13. Lạm phát, lạm phát cơ bản và chính sách tiền tệ Nguồn: GSO, SBV Tuy nhiên, nếu loại các nhóm hàng có biến động mạnh như lương thực và năng lượng, lạm phát cơ bản năm 2015 chỉ còn 1.69%, so với 3.31% năm 2014. Hình 13 cho thấy chính sách tiền tệ đã nới lỏng hơn từ năm 2012 nhưng lạm phát cơ bản vẫn giảm, thậm chí giảm sâu như năm 2015, đã phản ánh hiệu lực chính sách tiền tệ chưa có cải thiện. Điều này xuất phát từ những rào cản của hệ thống tài chính ngân hàng (đang xử lý vấn đề nợ xấu cùng những rủi ro hệ thống khác), và từ phản ứng còn yếu của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân. Rủi ro về lạm phát vẫn còn trong năm 2016 và những năm tiếp theo do các nguyên nhân như: i) giá các mặt hàng thiết yếu có thể gia tăng theo lộ trình như giá điện, giá nước, giá dịch vụ y tế,... cũng như lộ trình tăng lương cơ bản, ii) trong khi chính sách tiền tệ đang trở nên nới lỏng hơn, vượt quá mức tăng GDP danh nghĩa, thì khi kinh tế hồi phục, khu vực ngân hàng có những cải thiện nhất định thì phản ứng chính sách tốt hơn, gây nên sức ép đến lạm phát cơ bản, iii) nợ công gia tăng nhanh chóng có thể khiến kỷ luật vay nợ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bị buông lỏng. 3. Khu vực đối ngoại 3.1. Nhập siêu quay trở lại khi kinh tế phục hồi Từ năm 2012, cán cân vãng lai (CCVL) đã được cải thiện và xuất hiện thặng dư. Nguyên nhân chủ yếu là cầu nhập khẩu thấp do suy thoái kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu ổn định với vai trò chủ chốt là khu vực FDI và dòng kiều hối bền vững. Với tỷ trọng lớn trong cán cân vãng lai, cán cân thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thặng dư CCVL trong những năm gần đây. 15
  14. Nếu như năm 2011, nhập siêu vẫn ở mức 9.8 tỷ USD (gần 8% GDP) thì đến sau 2012, Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại (2012: 750 triệu USD, 2013: 0.3 triệu USD và 2014: 2.4 tỷ USD). Tuy nhiên, thặng dư thương mại còn rất thấp và chưa bền vững do cấu trúc sản xuất và xuất khẩu chưa có cải thiện đáng kể. Điều này có thể thấy trong năm 2015, khi kinh tế bắt đầu hồi phục, nhập siêu đã lại quay trở lại với quy mô gia tăng. Hình 14. Cán cân thương mại, cán cân vãng lai và dự trữ ngoại hối Nguồn: GSO, IFS Ghi chú: Dự trữ ngoại hối tính ở thời điểm tháng 9/2015 Hình 15. Xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại Nguồn: GSO Giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt 162.4 tỷ USD, tăng 8.1% so với năm 2014, và là mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây. Lý do chủ yếu là chỉ số giá xuất khẩu giảm, mức giảm là 3.8% với một số mặt hàng chủ lực giảm mạnh như dầu thô giảm 52.98%, xăng dầu giảm 49.83%, than đá giảm 10.04%, sắt, thép giảm 16
  15. 7.55%, cao su giảm 24.1%, gạo giảm 8.1%, cà phê giảm 6.4%.... Nếu loại trừ yếu tố giá, xuất khẩu thực tăng khoảng 12%, tương đương năm 2014. Tuy nhiên, với đà phục hồi tốt hơn của nền kinh tế, do giá các mặt hàng nhập khẩu rẻ hơn do xu thế thế giới cũng như do tỷ giá tăng trong năm, giá trị nhập khẩu đạt 165.6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước, và nếu loại trừ yếu tố giá (chỉ số giá nhập khẩu giảm 5.8%), thì nhập khẩu thực đã tăng lên đến 18.9%, so với mức tăng 13.2% của năm 2014. Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa đã quay trở lại nhập siêu ở mức 3.2 tỷ USD. Đóng vai trò quan trọng trong cả xuất khẩu và nhập khẩu trong 10 năm gần đây là khu vực FDI. Trong năm 2015, khu vực này xuất khẩu 115.1 tỷ USD, chiếm gần 71% tỷ trọng xuất khẩu chung; trong khi nhập khẩu của khu vực này đạt 98 tỷ USD, chiếm 59% tỷ trọng nhập khẩu chung. Theo đó, đây là khu vực đóng góp quan trọng vào cán cân thương mại khi tạo ra thặng dư thương mại lớn, bù đắp cho mức thâm hụt thương mại ngày càng cao của khu vực trong nước. Hình 16. Xuất khẩu và nhập khẩu của các thành phần kinh tế Nguồn: GSO Hình 17. Tỷ trọng mặt hàng xuất khẩu Nguồn: GSO 17
  16. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã có những chuyển biến rõ nét với hàng nông lâm thủy sản chỉ chiếm 14.6% xuất khẩu (do giá và lượng đều giảm mạnh). Hàng công nghiệp nặng và khoáng sản chiếm khoảng 45.5%, lớn nhất trong tổng giá trị xuất khẩu, với sự đóng góp của một số mặt hàng hiện nay đã là các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam như điện thoại các loại và linh kiện đạt 30.6 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng kim ngạch xuất khẩu. Phần lớn các mặt hàng này đều từ khu vực FDI như điện thoại các loại, điện tử máy tính và linh kiện gần như chiếm tuyệt đối, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 89.5%. Tuy nhiên, đây cũng chính là các mặt hàng chủ yếu thuộc nhóm gia công, lắp ráp, theo đó, giá trị gia tăng của các mặt hàng này, cũng như của khu vực FDI cho nền kinh tế là không lớn. Xu hướng chuyển dịch sâu sắc trong nền kinh tế Việt Nam hướng đến sản xuất công nghiệp và ra khỏi khu vực nông nghiệp cũng được thể hiện rõ nét thông qua xu hướng xuất khẩu hàng hóa sản xuất theo phương pháp công nghiệp. Trung bình mặt hàng này đã gia tăng nhanh chóng (bình quân mỗi năm tăng 23% kể từ năm 2000), đạt 94.6 tỷ USD năm 2013, và chiếm khoảng 75% tổng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (Hình 17). Bên cạnh đó, theo WDI, từ năm 2008 đến năm 2013, xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao trong tổng hàng hóa xuất khẩu sản xuất theo phương pháp công nghiệp đã tăng từ 5% lên 28%, tương đương với Trung Quốc và cao hơn mức trung bình của khối ASEAN. Hình 18. Tỷ lệ hàng hóa sản xuất theo phương pháp công nghiệp trong xuất khẩu Nguồn: WDI 18
  17. Do sự thiếu vắng của công nghiệp phụ trợ, cũng như thất bại trong nỗ lực tăng giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu, nên trong 10 năm qua, hầu như không có thay đổi nào về cơ cấu hàng nhập khẩu. Theo đó, năm 2015, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tới 91.3% tổng giá trị nhập khẩu. Trong nhóm hàng này, đóng góp chính cũng là từ nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải, phụ tùng (đạt 67.5 tỷ USD, tăng 19.9% và chiếm 40.8% tỷ trọng), với sự gia tăng mạnh mẽ của các đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu điện thoại, điện tử (điện tử máy tính và linh kiện tăng 24.2%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 25.4%). Hình 19. Tỷ trọng mặt hàng nhập khẩu Nguồn: GSO Cơ cấu thị trường xuất khẩu trong những năm gần đây hầu như không có đột biến, trong đó, năm 2015, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 20.6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường nhập khẩu đã có những thay đổi rõ nét, khi thị trường ASEAN giảm nhanh chóng và Việt Nam chuyển hướng nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm 2015, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 28.8% tổng kim ngạch nhập khẩu, tiếp đến là Hàn Quốc (chiếm 16.7%), trong đó nhập khẩu chủ yếu từ 2 thị trường này là máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; đặc biệt là điện thoại các loại, điện tử, máy tính và linh kiện phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu điện tử, máy tính và điện thoại... 19
  18. Hình 20. Cơ cấu thị trường xuất khẩu Nguồn: GSO Hình 21. Cơ cấu thị trường nhập khẩu Nguồn: GSO Có thể nói xu hướng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn do bên cạnh việc các doanh nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc phần lớn đầu vào và nguyên liệu từ Trung Quốc có giá rẻ và trình độ công nghệ phù hợp, thì còn do nguyên nhân hiện nay Việt Nam đang ở vị trí cuối cùng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Những năm gần đây, khu vực FDI đầu tư gia tăng vào Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa là do các tập đoàn đa quốc gia tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi sản xuất toàn cầu, trước mắt là ở khu vực Đông Á gia 20
  19. tăng nhanh chóng trong giai đoạn gần đây. Không những thế, sự thay đổi chuỗi sản xuất toàn cầu trong thời gian gần đây đặt Việt Nam vào vị trí cơ sở sản xuất quan trọng hơn. Trước đây, một số nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc sử dụng Trung Quốc và các nước ASEAN là cơ sở sản xuất cho xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, Trung Quốc đang dần trở thành một thị trường tiêu thụ thay vì chỉ là cơ sở sản xuất, nên các nước ASEAN, trong đó nổi lên là Việt Nam đang trở thành cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ, Tây Âu, Nhật và Trung Quốc. Ngoài ra, chuỗi sản xuất toàn cầu đang dần dịch chuyển đầu tư sản xuất một số khâu trong chuỗi giá trị từ Trung Quốc và Thái Lan sang Việt Nam. “Chiến lược Trung Quốc + 1” và “Chiến lược Thái Lan + 1” đang được các công ty đa quốc gia theo đuổi để tìm một nước ngoài Trung Quốc để tránh xu hướng tiền công nhân công đang gia tăng nhanh chóng tại các quốc gia này, nhưng nước này lại đủ gần để có thể xuất khẩu ngược trở lại Trung Quốc hay Thái Lan. Với tiêu chí đó, Việt Nam đã và đang là lựa chọn ưu tiên hàng đầu, cùng với việc Việt Nam đã gia nhập hàng loạt các FTA. Theo đó, Việt Nam chủ yếu thực hiện các khâu lắp ráp, gia công từ các đầu vào nguyên liệu và bán thành phẩm nhập từ Trung Quốc, sau đó xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ như Mỹ, EU, và Nhật Bản. Chuỗi này đang được xác lập nhanh chóng cho Việt Nam. Tuy nhiên, mô thức tham gia vào chuỗi của Việt Nam hiện nay là khác so với quốc gia khác khi họ tham gia gần như toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu thiết kế, sản xuất các chi tiết, đến lắp ráp và phân phối (ví dụ Hàn Quốc). Ở Việt Nam chỉ tham gia một khâu cụ thể, ở điểm cuối của chuỗi, đó là lắp ráp các chi tiết nhập khẩu từ những nước khác, và phụ thuộc vào sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia mà thiếu đi sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước. Nếu cứ tiếp tục ở vị trí hiện tại, Việt Nam khó tạo được giá trị gia tăng cao, và hiệu ứng lan tỏa từ công nghệ và tiến bộ khoa học đến các doanh nghiệp trong nước bị hạn chế. Theo đó, vai trò của các chính sách chính phủ về thể chế, hạ tầng,... là rất quan trọng để Việt Nam tiến lên vị trí cao hơn cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong chuỗi giá trị toàn cầu. 21
  20. 3.2. Cán cân vốn tương đối bền vững, đóng góp vào cán cân tổng thể Hình 22. Vốn FDI đăng ký và thực hiện Nguồn: GSO Trong khi cán cân vãng lai có những biến động lớn từ sau khủng hoảng, thì cán cân vốn tương đối ổn định với sự duy trì mức độ cao của FDI và ODA giải ngân qua các năm. Trung bình giai đoạn 2011-2014, FDI giải ngân khoảng 11 tỷ thì trong năm 2015, FDI giải ngân tăng lên đến 14 tỷ USD (mức cao nhất trong 10 năm gần đây), đi kèm với FDI đăng ký vẫn duy trì trên 20 tỷ USD hàng năm. Nguyên nhân của sự gia tăng này là do triển vọng kinh tế đang phục hồi, môi trường kinh doanh và tự do kinh tế đã có những cải thiện nhất định, nhưng quan trọng hơn, đây là sự đón đầu các cơ hội từ rất nhiều các hiệp định thương mại và đầu tư tự do mà Việt Nam đã ký kết và sắp sửa thực thi như TPP, FTA với EU, FTA với Hàn Quốc, đồng thời là thành viên chính thức của AEC từ cuối năm 2015. Xu hướng này cũng phản ánh chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó Việt Nam được coi là điểm cuối, thay thế Trung Quốc trong tương lai gần. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, sự gia tăng FDI có thể dẫn đến những rủi ro khác cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân cũng đã có cải thiện trong những năm gần đây, với mức dự kiến 5 tỷ USD trong năm 2015. Theo đó, cán cân vốn trong 2 quý 1 và 2 thặng dư tổng cộng khoảng 3 tỷ USD. (Bảng 5) 22
nguon tai.lieu . vn