Xem mẫu

  1. TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ XÃ HỘI TRUYỀN THỐNG CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC ÍT NGƯỜI - TRƯỜNG HỢP NGƯỜI CHĂM Ở AN GIANG Phạm Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thị Huyền Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh GVHD: ThS. Vũ Nhật Tân TÓM TẮT Nghiên cứu tổ chức và quản lý xã hội của cộng đồng dân tộc ít người là một trong những vấn đề quan trọng trong việc quản lý đất nước. Đây cũng là vấn đề cần thiết để có thể đưa ra những chính sách phù hợp, đúng đắn và đó cũng là mục tiêu để định hướng toàn xã hội phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến đời sống dân cư. Mỗi dân tộc đều có cách quản lý cộng đồng khác nhau, vấn đề này phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và văn hoá xã hội của từng dân tộc, từng vùng miền. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến vấn đề tổ chức và quản lý xã hội của cộng đồng người Chăm, đặt trường hợp tại tỉnh An Giang. Cách thức tổ chức quản lý xã hội dưới sự quản trị của các thánh đường và tiểu thánh đường đã thể hiện được những nét riêng biệt mà chỉ xuất hiện trong cộng đồng dân tộc người Chăm. Từ khoá: cộng đồng, dân tộc ít người, người Chăm, tổ chức, quản lý. 1 MỞ ĐẦU Để vận hành xã hội theo hướng phát triển ổn định đòi hỏi phải có những cách thức tổ chức và quản lý xã hội một cách phù hợp và thống nhất, có thể nói rằng: Tổ chức quản lý xã hội là sự tác động có ý thức của con người vào một tổ chức xã hội hay một nhóm xã hội nhằm sắp xếp và duy trì các phẩm chất đặc thù của các tổ chức, các nhóm xã hội ấy, đồng thời đáp ứng sự tồn tại và phát triển trong các lĩnh vực hoạt động của nó. Tổ chức quản lý của con người chỉ thật sự bắt đầu từ khi con người bước vào thời kì con người bước vào đời sống xã hội thực thụ, tức là khi con người ý thức được sự tồn tại của bản thân không phụ thuộc vào sự tồn tại của cá thể khác và bị các điều kiện khác chi phối. Để đảm bảo sự ổn định và duy trì không gian xã hội ở mức ổn định, con người bắt đầu sáng tạo ra các hình thái tổ chức, các nguyên tắc, tiêu chuẩn và phương tiện hỗ trợ cho sự vận hành cơ chế quản lý. Trong một xã hội có tổ chức, con người vừa là chủ thể của quản lý nhưng đồng thời cũng là khách thể của quản lý. Suy cho cùng thì mục đích sâu xa của quản lý xã hội vẫn là phát triển con người đồng thời hoàn thiện toàn diện các chức năng của con người. 2685
  2. Trong các khái niệm về dân tộc hay tộc người, các nhà nhân học cho rằng: Dân tộc là cộng đồng người cùng sinh sống trong một quốc gia, một nước, được quản lý của cùng một bộ máy nhà nước. Một dân tộc có thể gồm nhiều tộc người, mỗi tộc người lại có những nét đặc trưng riêng trong ngôn ngữ, văn hoá, phong tục tập quán, … tạo nên những nét riêng biệt trong đời sống xã hội và góp phần làm phong phú, độc đáo nét văn hoá của quốc gia đó. Ở Việt Nam, trong số các dân tộc thì người Chăm được xếp vào nhóm Nam Đảo (Malayo – Polynesia), chiếm 0,18% trong tổng dân số và được xếp thứ 17 trên bảng xếp hạng dân số. 2 VÀI NÉT VỀ NGƯỜI CHĂM Ở AN GIANG 2.1 Sự hình thành người Chăm ở An Giang An Giang là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ, toàn tỉnh có 8 huyện, 2 thành phố, 1 thị xã và 156 xã, phường, thị trấn. An Giang có khoảng hơn 1,9 triệu người, với 95,15% dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số (Hoa, Khmer, Chăm…) chiếm khoảng 4,85%, trong đó đồng bào dân tộc Chăm có 2.991 hộ, với 14.209 người chiếm tỷ lệ 0,59%, chủ yếu sống dọc theo sông Hậu trên các cù lao thuộc xã Vĩnh Trường, Đa Phước, Quốc Thái, Nhơn Hội, Khánh Bình (huyện An Phú), Châu Phong (Tân Châu), Khánh Hòa (Châu Phú), Vĩnh Hanh (Châu Thành) và phường Mỹ Long (thành phố Long Xuyên). Theo tư liệu lịch sử ghi chép lại, người Chăm ở An Giang hình thành chủ yếu là do hai nguồn di dân: Thứ nhất, đầu thời vua Minh Mạng (khoảng năm 1822 – 1823), vua Chiêm Thành cuối cùng là Pô Chơn đóng ở Phan Rang bỏ ngai vàng cùng tướng, tùy tùng, binh lính và gia đình (đều là Hồi giáo) vượt Trường Sơn sang Campuchia. Năm 1840, nhiều người Chăm thuộc nhóm này hoặc con cháu, người thân của họ theo đoàn quân của Trương Minh Giảng, Doãn Uẫn, Lê Văn Đức nhà Nguyễn về cư trú dọc sông Hậu và Khánh Bình thuộc An Giang. Đây cũng là đợt di cư đông đảo nhất của người Chăm từ Campuchia về An Giang. Thứ hai, vì những nguyên nhân lịch sử, từ thế kỉ XV đến thế kỉ XIX, một bộ phận người Chăm đã rời bỏ quê hương sang sống ở Campuchia, Thái Lan,… Giữa thế kỷ XIX, do chính quyền Campuchia lúc bấy giờ ngược đãi, một số người Chăm và gia đình đã về định cư ở tả ngạn sông Tiền, Châu Đốc, dọc theo hai bờ sông Hậu. Triều Nguyễn với chính sách “tận dân vi binh” đã thu dụng và cho định cư ở biên giới rồi lập thành bảy làng với tổng số dân lên tới 5.000 người, chia làm chín đội dưới sự quản lý của một viên Hiệp quản ở Châu Giang. 2.2 Những đặc điểm của người Chăm ở An Giang Người Chăm ở An Giang có mối quan hệ khá mật thiết với người Hồi giáo Malaysia, Indonêsia,… và từ đó mở rộng quan hệ với cộng đồng Hồi giáo trong khu vực và thế giới. Nhờ đó, họ thực hiện đức tin Hồi giáo chính thống Islam, có những điểm khác so với những người đồng đạo, đồng tộc theo Hồi giáo Bà Ni ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Theo dòng thời gian, người Chăm An Giang cũng hòa đồng với các cộng đồng dân tộc khác cùng sinh sống. “Java – Kur” là từ được người Chăm An Giang nói để chỉ người Chăm lai, kết quả của những cuộc hôn nhân giữa đàn ông Malaysia, Java với phụ nữ Chăm, Việt, Khơme,…Đến nửa thế kỷ XX, nhóm “Java – Kur” càng hòa nhập vào cộng đồng Chăm tại đây. Trải qua bao biến đổi thăng trẩm của lịch sử, cộng đồng người Chăm ở An Giang luôn đoàn kết sát cánh cùng các dân tộc anh em ra sức khai phá, mở mang, lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ đất nước. 2686
  3. Người Chăm An Giang sống quần tụ, đùm bọc lẫn nhau, tập trung theo từng puk (xóm), paley (làng). Đồng bào Chăm sống bằng nghề mua bán, trồng trọt và chăn nuôi dê, bò, chài lưới, dệt vải, thêu đan… Trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, cộng đồng Chăm tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, chấp hành tốt luật pháp; bảo đảm an ninh chính trị, tạo mối quan hệ thân thiện và hợp tác với cộng đồng dân cư trên địa bàn, tình đoàn kết các dân tộc được củng cố. Người Chăm cộng cư với các dân tộc khác trong tỉnh, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống trong tổ chức đời sống cộng đồng, văn hoá lễ hội… 3 TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ XÃ HỘI TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỒNG BÀO CHĂM Ở AN GIANG An Giang có 9 Paley Chăm là: ParekSabâu (Khánh Bình), Koh Koi (Nhơn Hội), Koh Kakia (Quốc Thái), Pulao Ba (Lama) (Vĩnh Trường), Phũm Soài (Châu Phong), Koh Kapoah (Đa Phước), Mot Churt (Châu Phong), Katampong (Khánh Hoà), Vĩnh Hanh (Châu Thành), Mỹ Long (TP. Long Xuyên). Trong mỗi Paley có thể có nhiều Puk. Các Puk, Paley có các Ahly, Hakêm… đại diện cộng đồng để quản lý trong ngoài xóm làng Chăm. Các Ahly và Hakêm được dân làng bầu, phải là người cao tuổi, có uy tín, am hiểu phong tục tập quán, giáo lý Islam, vì mọi người, có lòng vị tha, đồng thời họ cũng phải là người lao động giỏi, có kinh nghiệm trong sản xuất, gia đình hạnh phúc, con cháu hoà thuận. Đạo Islam giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống đồng bào Chăm An Giang. Hầu như mọi qui định trong cuộc sống cộng đồng đều bị chi phối bởi giáo lý Islam. Tỉnh An Giang có 12 Masjid (thánh đường), 16 surao (tiểu thánh đường). Các thánh đường và tiểu thánh đường là trung tâm tôn giáo và cũng là trung tâm sinh hoạt văn hoá, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Chăm An Giang. Đồng thời thánh đường còn được xem là trung tâm của một “Jamaah”- một đơn vị quản lý tín đồ, giống họ đạo hay giáo xứ trong các làng công giáo của người Việt. Bộ máy tự quản Puk, Paley do dân làng bầu chọn, có nhiệm vụ trông coi về phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, phân xử những thành viên trong cộng đồng vi phạm Luật tục… Thành viên của “tổ chức tự quản” là những người có uy tín trong tôn giáo, trong các tộc họ, là người am hiểu tập quán, phong tục lễ nghi, tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm. “Tổ chức tự quản” Paley gồm các thành viên: Hakêm người đứng đầu Paley, còn gọi là Giáo cả người quản trị cao nhất ở thánh đường Islam. Naif người phụ tá cho Hakêm Ahly người đứng đầu các Puk Một số nơi có thể có thêm thư ký, thủ quỹ… Ngoài ra còn có Haji- những người đã hành hương về thánh địa Mécca giúp việc cho Hakêm, Naif và Ahly. Trong Puk có tiểu thánh đường (surao) thì Ahly kiêm luôn việc quản trị tiểu thánh đường. Các vấn đề nảy sinh trong Puk sẽ được Ahly giải quyết. Khi sự việc phức tạp, Ahly khó giải quyết thì sẽ được đưa lên Hakêm. Cùng với “Tổ chức tự quản” trên ở mỗi thánh đường chính thức thành lập một Ban quản trị thánh đường gồm các thành viên: 2687
  4. Ban quản trị thánh đường có nhiệm vụ quản lý hoạt động trong “Jamaah”, giải quyết các vụ việc trong Paley do các Ahly giải trình lên, hoặc những việc quan trọng vượt quá tầm của Ahly. Ngoài ra Ban quản trị thánh đường còn làm đại diện cho cộng đồng để thực hiện quan hệ đối ngoại với các Paley khác, đồng thời làm đại diện của Paley tiếp xúc, quan hệ với chính quyền địa phương trong việc quản lý xã hội, thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước. Vấn đề quản lý phát triển xã hội người Chăm An Giang trong giai đoạn hiện nay Tổ chức tự quản ở các Puk, Paley đã hoà quyện vào các Ban quản trị thánh đường. Tổ chức này có thể xem là cấp cơ sở của Ban đại diện cộng đồng Islam tỉnh An Giang, cùng với Ban đại diện cộng đồng Islam tỉnh An Giang đồng thời thực hiện hai chức cơ bản là chức năng quản lý tôn giáo và chức năng quản lý xã hội trong cộng đồng Chăm An Giang. Trong cách thức tổ chức và quản lý cộng đồng của người Chăm nổi bật nhất là vai trò của tôn giáo và các giá trị tri thức bản địa rất lớn. Các giá trị văn hoá tổ chức của họ một mặt đã đảm bảo trật tự, ổn định cho xã hội, mặt khác lại đảm bảo cho việc thích nghi dễ dàng các cơ cấu, thiết chế quản lý xã hội hiện đại. Bên cạnh những mặt thuận lợi, các Puk và Paley cũng có những khó khăn trong việc tổ chức và quản lý xã hội trong cộng đồng người. Cộng đồng người Chăm đã từng xây dựng lên một nhà nước vô cùng phát triển từ những thế kỉ VII, họ cũng có những nét văn hoá riêng biệt lâu đời nên thường sống tách biệt, không có mối quan hệ với các cộng đồng khác. Ngoài ra, người Chăm cũng có chữ viết riêng điều này cũng gây không ít khó khăn trong việc tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân. Phần lớn cộng đồng người Chăm ở An Giang tập trung sinh sống tại các vùng ven biên giới, nơi có điều kiện kinh tế và giáo dục kém phát triển và khó khăn trong việc tiếp xúc với các cơ sở vật chất hiện đại cũng ảnh hưởng một phần không nhỏ đến quá trình phát triển của cộng đồng người Chăm hiện nay. 4 KẾT LUẬN Trong bộ máy quản lý xã hội của người Chăm, tôn giáo và tri thức bản địa nắm giữ vai trò quan trọng nhất. Mọi quyết định, hoạt động trong cộng đồng cư dân ở đây đều chịu sự chi phối bởi các giáo lý của đạo Islam. Thông qua đó có thể thấy vai trò của Ban quản trị các Thánh đường, tiểu Thánh đường là vô cùng quan trọng trong việc thực hiện quản lý tôn giáo 2688
  5. và quản lý xã hội. Cách thức tổ chức và quản lý xã hội của người Chăm một mặt đã đảm bảo bảo tồn được các giá trị văn hoá truyền thống của họ, một mặt lại đảm bảo xã hội trật tự, ổn định cho xã hội, cũng như đảm bảo việc triển khai các chính sách, đường lối cơ bản của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa đến đồng bào dân tộc một cách hoàn thiện. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Inrasara (2003), Văn hóa – xã hội Chăm: nghiên cứu và đối thoại, Nxb. Văn học, Hà Nội. [2] Lafont. P-B (2011), Vương quốc Champa: địa dư – dân cư – lịch sử, IOC – Champa, San Jose. [3] Sakaya (2013), Tiếp cận một số vấn đề văn hóa Champa, Nxb. Tri thức, Hà Nội. [4] Lý Tùng Hiếu, Những ảnh hưởng của văn hoá Chăm đối với văn hoá Việt và dấu ấn trong ngôn ngữ, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công Nghệ, Tập 17, số X2-2014. [5] Thanh Hoàng (2015), Thuyết minh Văn hoá Chăm, Nxb. Thế giới. [6] Chí Quang, An Giang: Dân số đứng thứ 8 trong cả nước và đứng nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, 29/10/2019, nguồn: http://www.angiang.gov.vn/ , truy cập 20/03/2021. [7] Danh sách các dân tộc Việt Nam theo số dân, 31/01/2021. https://cuutnxpvietnam.org.vn/danh-sach-cac-dan-toc-viet-nam-theo-so-dan/ [8] Dân tộc thiểu số ở Việt Nam, 30/06/2020, nguồn: https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/ethnic-minorities-and- indigenous-people/, truy cập 20/3/2021 [9] Hướng dẫn chi tiết chuyên đề “Vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc”, 14/10/2017, http://tuyengiao.vn/tu-lieu/huong-dan-chi-dao/huong-dan-chi-tiet-chuyen-de-van-de- dan-toc-va-chinh-sach-dan-toc-105830 [10] Thiết chế lưỡng diện trong mối quan hệ gia đình và xã hội của người Chăm ở Trung Bộ, https://chamblogger.wordpress.com/2020/06/20/thiet-che-luong-dien-trong-moi- quan-he-gia-dinh-xa-hoi-cua-nguoi-cham-o-trung-bo/. 2689
nguon tai.lieu . vn