Xem mẫu

  1. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 TÌNH YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI TRONG TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH DƯƠNG THỊ HẬU Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Đà Lạt Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh được biết đến không chỉ là nhà tư tưởng lỗi lạc mà còn là một nhà chính trị hoạt động chuyên nghiệp. Ở Hồ Chí Minh, hội tụ đầy đủ những phẩm chất đạo đức cao đẹp của một vĩ nhân và yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất của Người. Trong bài viết, tác giả trình bày nội dung cơ bản tình yêu thương con người trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh đó là tình yêu thương sâu rộng và cụ thể với từng số phận con người, đồng thời chỉ ra được nét đặc sắc thể hiện triết lý nhân văn trong tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh: yêu thương phải gắn cùng hành động, sự nghiệp giải phóng con người phải do chính con người tự làm lấy. Từ khóa: Đạo đức, yêu thương con người, tư tưởng đạo đức. 1. MỞ ĐẦU Trải qua các thời đại lịch sử, yêu thương con người luôn là một phẩm chất đạo đức cao đẹp và vô cùng cần thiết của tất cả mọi người nói chung và các nhà chính trị nói riêng. Điều này bắt nguồn từ văn hóa chính trị truyền thống phương Đông, đó là luôn trọng dụng người hiền tài và đề cao tấm gương “vua sáng tôi hiền”. Đạo đức là cội nguồn tạo nên sức mạnh, động lực đó là vô tận, không giới hạn, thúc đẩy con người ta không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực của mình, từ đó làm cho tài năng của nhà chính trị cũng trở nên có giá trị tất cả vì cộng đồng. Hồ Chí Minh đã khẳng định: Có tài mà không có đức là người vô dụng (Đó vừa là động lực, vừa là mục tiêu nhà Chính trị hướng đến). Với nhà chính trị Hồ Chí Minh - Người không chỉ được biết đến là anh hùng giải phóng dân tộc, mà Người còn để lại trong lòng mỗi người dân Việt Nam và nhân dân các dân tộc trên thế giới sự tôn trọng, kính yêu bởi chính nhân cách đạo đức cao đẹp và vĩ đại của một nhà chính trị tài ba hy sinh cả cuộc đời vì dân tộc và nhân loại. Yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như Người đã từng nói: “Tình yêu thương con người trong tôi không bao giờ thay đổi”, chính tình yêu thương con người đó là cội nguồn tạo nên sức mạnh về trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh. Đúng như Gốtxta Hơncơxơvít (Thụy Điển) đã khẳng định: “Sống với cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh sẵn sàng chết vì cách mạng, sống như thế, đòi hỏi phải có một tinh thần sắt thép, nhưng đồng thời cả một trái tim giàu tình cảm”. 2. NỘI DUNG Kế thừa truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, tiếp thu tinh thần nhân văn của nhân loại qua nhiều thế kỷ, cùng với sự thể nghiệm của bản thân qua thực tiễn hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh có được tình yêu thương con người sâu rộng. Đối với Hồ Chí Minh, con người vừa tồn tại với tư cách cá nhân, vừa là thành viên của gia đình và của cộng đồng, có cuộc sống tập thể và cuộc sống cá nhân hài hòa, phong phú. Người đã nêu ra một định nghĩa về con người không phải chung chung trừ tượng mà rất cụ thể: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng hơn nữa là cả loài người. Trừ bọn việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những kẻ ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, 197
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 kính trọng giúp đỡ” (Trích Cần kiệm liêm chính năm 1949). Bởi vậy, với Hồ Chí Minh, tình yêu thương con người là không biên giới, Người chăm lo cho chính dân tộc mình, đồng thời Người cũng chăm lo cho tất cả những kiếp người trên hành tinh còn bị đọa đầy đau khổ. Yêu thương con người là yêu thương những con người cùng khổ, những người bị áp bức, bóc lột, mất tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên ở một dân tộc thuộc địa, Người đã sớm chứng kiến cảnh người dân bị áp bức, bóc lột vô cùng dã man và tàn bạo, bởi vậy từ sớm đã hình thành tấm lòng yêu nước, thương dân là động lực thôi thúc Người quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Khi ra nước ngoài, đi qua nhiều nước thuộc địa, chứng kiến cảnh người nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, xót xa, rơi lệ trước cảnh những người dân da đen bị hành quyết dã man, từ đó Người đã nhận thấy: ở đâu cũng vậy, ở đâu cũng có cảnh trái ngược, một bên là thiên đàng của những kẻ thống trị, một bên là địa ngục trần gian của nhân dân lao động. Khi về lãnh đạo phong trào cách mạng, Cách mạng tháng Tám thành công, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam chưa được giải phóng thì lúc này: “Miền Nam ở trong trái tim tôi”, “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên” [1, tr.470]. Tình yêu thương con người còn được thể hiện ở mối quan hệ giai cấp, bạn bè, đồng chí, tình yêu thương này như anh em trong một nhà. Trong tác phẩm Đường kách mệnh năm 1927, Người đã khẳng định: “Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, ai làm cách mạng thế giới đều là bạn là đồng chí của nhân dân An Nam”; “Quan san muôn dặm một nhà; bốn phương vô sản đều là anh em”. Từ tình yêu thương con người nói chung, Hồ Chí Minh đã gắn kết Việt Nam với các lực lượng vô sản trên thế giới coi như những người đồng chí, anh em trong một nhà, cùng chung chí hướng, cùng nhau phấn đấu vì sự nghiệp chung của nhân loại là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Nhờ vậy đã tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên toàn cầu, biến cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới. Yêu thương những con người lầm đường, lạc lối đã biết hối cải, kể cả đối với kẻ thù đã bị thương, bị bắt, bị quy hàng. Tình yêu thương đó đã thức tỉnh những gì tốt đẹp mà Hồ Chí Minh tin rằng trong mỗi con người đều có. Tất cả xuất phát từ chính tấm lòng bao dung độ lượng sâu sắc của Hồ Chí Minh. Thư gửi đồng bào Nam Bộ năm 1946, Người viết: “... Năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn nhưng dài ngắn đều tập trung nơi bàn tay. Trong muôn triệu người có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác thì đều là dòng dõi của tổ tiên ta cả, vì vậy ta phải bao dung độ lượng”; Thư gửi Người Pháp ở Đông Dương tháng 10/1945: “Than ôi, trước lòng bác ái, máu Pháp, máu Việt đều là máu, người Pháp, người Việt đều là người...”. Trong quan hệ đối ngoại Người luôn tìm mọi cách để giải quyết chiến tranh bằng biện pháp hòa bình thông qua viết thư, thương lượng với kẻ thù và coi chiến tranh bạo lực chỉ là giải pháp cuối cùng. Tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh với một tình cảm vừa sâu sắc, bao la rộng lớn, vừa gần gũi, thân thương đến từng số phận con người. Từ những người công nhân quét đường, đến cụ già và các em nhỏ,... Hồ Chí Minh luôn quan tâm bằng những lời động viên, bằng những món quà nhỏ từ chính những đồng tiền tiết kiệm của mình. Trong bài thơ “Bác ơi” (6/9/1969) của nhà thơ Tố Hữu cũng đã ca ngợi tình cảm cao đẹp đó của Người: “Bác sống như trời đất của ta Yêu từng ngọn lúa mỗi cành hoa Tự do cho mỗi đời nô lệ Sữa để em thơ, lụa tặng già” 198
  3. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 Đối với những người cùng chung lý tưởng, cùng phấn đấu cho sự nghiệp chung, tình yêu thương trên nguyên tắc tự phê bình và phê bình một cách chân thành, nghiêm túc trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau. Khác với yêu thương con người Tôn giáo, đó là lòng thương hại của kẻ bề trên nhìn xuống, là sự động lòng trắc ẩn của người đứng ngoài trông vào. Cũng khác hẳn với Kiêm ái của Mặc Tử (khoảng 479-381 tr.CN). Với Mặc Tử, tất cả thiên hạ đều thương yêu nhau như anh em một nhà. Xã hội sẽ là xã hội tương thân, tương ái. Các phần tử hỗ trợ lẫn nhau để an cư, lạc nghiệp. Tức là một tình yêu thương chung chung, không phân biệt, thương cả kẻ thù của chính mình. Cũng không phải như đạo nhân ái của Mạnh Tử (372-289 tr.CN) cũng là tình thương chung cho tất cả mọi người, chỉ khác là có trình tự trước sau: thân rồi đến sơ. Ở Hồ Chí Minh yêu thương con người không chỉ dừng lại ở sự đồng cảm, lời nói mà là đồng cảm với nỗi đau khổ của con người, coi nỗi đau khổ của người khác như chính nỗi đau khổ của mình. Bởi vậy, từ suy nghĩ đi đến hành động đầy bản lĩnh, Người đã quyết chí ra đi để tìm ra nỗi đau khổ của những con người nô lệ, mất nước và người cùng khổ: Nguyên nhân gây nên sự đau khổ cho con người không ai khác đó chính là chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân. Người đã tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc đó là con đường cách mạng vô sản (Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội), đồng thời góp phần chỉ rõ con đường giải phóng dân tộc thuộc địa và nhân dân lao động toàn thế giới. Hồ Chí Minh đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin và được thức tỉnh bởi một tư tưởng vĩ đại của Mác: “Sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân phải do chính giai cấp công nhân tự đảm nhiệm lấy”. Điều đó có nghĩa là: Sự nghiệp giải phóng con người phải do chính con người tự làm lấy. Đó là một bước ngoặt của tư tưởng nhân văn nhân nhân loại mà trước đó chưa có nhà tư tưởng nào phát hiện được. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh biết khơi dậy sức mạnh của con người để họ tự đứng lên để giải phóng cho mình, Người đã có niềm tin vào sức mạnh vĩ đại của nhân dân, lấy dân làm gốc. Điều đó đã chững tỏ được bản lĩnh chính trị, trí tuệ và tài năng của Hồ Chí Minh. Với tâm và tầm của một nhà chính trị, Hồ Chí Minh cũng nhận thấy, yêu thương con người không chỉ là sự quan tâm ở những mặt cơ bản của cuộc sống như cái ăn, cái mặc, chỗ ở, thuốc men....cho nhân dân, mà căn nguyên là phải phát huy được sức mạnh, trí tuệ của họ để phục vụ cho sự phát triển đất nước. Đặc biệt, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng việc đào tạo cán bộ và trọng dụng nhân tài để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Trước hết, Người luôn quan tâm đội ngũ cán bộ của nước nhà. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” [2, tr.309]. “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém” [2, tr.292]. “Cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể”. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn [3, tr.356]. Bởi vậy, Người luôn nhắc nhở Đảng phải thương yêu, chăm sóc, bảo vệ cán bộ. Nhưng thương yêu không phải vỗ về, nuông chiều, thả mặc. Thương yêu là giúp họ học tập, tiến bộ thêm, là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn... Thương yêu là luôn chú ý đến công tác của họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp họ sửa ngay, để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ. Đồng thời, phải nêu rõ những ưu điểm, những thành công của họ. Phải vun đắp chí khí của họ, để đi đến chỗ “bại không nản, thắng cũng không kiêu”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm, vì vậy, đối với cán bộ mắc sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục để giúp họ sửa chữa, phải có thái độ thân thiết, giúp đỡ và động viên họ hăng hái tiến lên. 199
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm trọng dụng trí thức, nhân tài. Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Người đã nói: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế” [2, tr.184]; “Trí thức phục vụ nhân dân bao giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên Chủ nghĩa xã hội càng cần, tiến lên chủ nghĩa cộng sản lại càng cần” [4, tr.59]. Khẳng định vị trí hết sức quan trọng của trí thức với sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu thương, quan tâm đến điều kiện làm việc, cuộc sống, gia đình của trí thức, đôi khi Người còn trực tiếp tháo gỡ những khó khăn cho trí thức để họ yên tâm làm việc, cống hiến hết tâm sức và trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là người đứng đầu của đất nước, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Người cũng không quên gửi thư, quà hoặc đến tận nhà thăm hỏi trí thức. Khi nhận được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Người đã gửi thư chia sẻ, động viên: Tôi được báo cáo rằng: Con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt nam là gia đình tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với trí thức bằng cả tấm lòng chân thành, tin tưởng, không một chút định kiến. Người luôn trân trọng những tài năng, những trí thức dù là trong xã hội cũ hay xã hội mới đều xứng đáng được trân trọng. Với tư tưởng không muốn bỏ xót bất cứ một nhân tài nào, vì vậy Người đã luôn kêu gọi cả những trí thức đã từng làm việc trong chế độ xã hội cũ để tham gia cống hiến cho chính phủ mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiêu biểu như Vua Bảo Đại sau khi trao ấn cho chính phủ mới, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân mời ra làm cố vấn cho chính phủ và công nhận Ông là công dân số một. Với thái độ chân thành, cởi mở, khoan dung nhân ái và đặc biệt là tình yêu thương vô bờ bến của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa và thu hút được nhiều thành phần trong xã hội ra sức đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Chính vị Hòa thượng Thích Đôn Hậu sau khi được gặp trực tiếp Hồ Chí Minh đã viết những lời cảm động: “Tất cả những người đã đến với Hồ Chí Minh thì không bao giờ từ giã Người cả. Tôi đã hiểu vì sao Người là một lãnh tụ sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam mà Người vẫn thu hút được tất cả các thành phần khác trong xã hội đứng chung quanh mình làm việc lớn cho dân, cho nước” [6, tr.112]. Như vậy, yêu thương con người ở Hồ Chí Minh không phải chỉ thể hiện ở lời nói mà còn là hành động. Người đã giáo dục, huấn luyện đem tri thức, hiểu biết đến cho mọi người để họ tự nhận ra những việc cần phải làm và cách duy nhất để họ có thể tự cứu lấy mình là “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Điều đó thể hiện tầm nhìn của một nhà chiến lược, với tầm nhìn xa trông rộng. Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương tiêu biểu về phẩm chất đạo đức yêu thương con người. Cả cuộc đời không màng đến công danh, phú quý, chỉ biết quên mình vì hạnh phúc của nhân dân. Trong bản Di chúc năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Nhà thơ Tố Hữu sau này phải thốt lên: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế; Ôm cả non sông, mọi kiếp người”. Một nhà khoa học nước ngoài cũng nhận xét: “Người có lòng nhân đạo là người lạc quan, có một lòng thương cao cả đối với nhân loại, đối với nhân dân, đồng chí, bạn bè của mình. Người ta không thể nói gì đến lạc quan hay tự trọng nếu người ta không có chút thương yêu đối với Tổ quốc, đối với nhân dân mình. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình yêu này thật trong sáng và sâu rộng” [5, tr.115]. 3. KẾT LUẬN Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục ra sức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó, yêu thương 200
  5. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 con người là vô cùng cần thiết để xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh. Yêu cầu cán bộ, đảng viên phải lấy dân làm gốc, yêu thương quý trọng nhân dân, nói phải đi đôi với làm, chớ lên mặt làm quan cách mạng. Mọi chủ trương, đường lối chính sách phải xuất phát từ ý chí nguyện vọng của nhân dân và phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Trong Đảng, cán bộ, đảng viên phải có tinh thần tự phê bình và phê bình trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau. Nhân dân ta, đặc biệt là thế hệ trẻ phải biết yêu thương, quý trọng con người. Biết kính trên nhường dưới, mạnh dạn đấu tranh với những cái xấu, cái ác và bảo vệ cái đúng, cái tốt; đấu tranh với những biểu hiện thờ ơ trong xã hội; biết phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc. Tất cả vì một xã hội ổn định, hướng đến xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [2] Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [3] Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [4] Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [5] Phan Ngọc Liên, Nghiêm Văn Thái (1993). Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay (Qua sách báo nước ngoài), NXB Đại học Sư Phạm Hà Nội. [6] Nguyễn Thị Tình, Lê Kim Dung (2009). Tìm hiểu văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục Việt Nam. Title: HUMAN LOVE IN HO CHI MINH'S IDEOLOGY Abstract: President Ho Chi Minh is known not only as a prominent thinker but also as a professional politician. In Ho Chi Minh, full of beautiful moral qualities of a great man and love of humanity is one of his most beautiful moral qualities. In the article, the author presents the basic content of human love in Ho Chi Minh's political thought which is deep love and specific to each human destiny, at the same time point out the unique characteristics that embody Ho Chi Minh's moral philosophy in moral thought: love must be associated with action, human liberation must be done by man himself. Keywords: Ethics, love people, moral thought. 201
nguon tai.lieu . vn