Xem mẫu

  1. TÌM HIỂU CÔNG TÁC GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH LỚP 12 TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG ĐẶNG HUY TRỨ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ BÙI THỊ KIỀU DI Khoa Tâm lý – Giáo dục 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Thực tế cho thấy có khá nhiều sinh viên chọn nghề không phù hợp dẫn đến hiện tượng làm trái nghề, chuyển nghề sau khi tốt nghiệp. Hậu quả là gây lãng phí thời gian, công sức và cả tiền bạc cho bản thân người học, gia đình, xã hội. Hàng năm, đa số HS tốt nghiệp THPT đều đăng kí dự thi vào đại học (ĐH), rất ít học sinh (HS) đăng kí học trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc trường nghề. Điều này dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Nguyên nhân của tình trạng trên là công tác hướng nghiệp chưa tốt. Nếu thực hiện công tác hướng nghiệp cho học sinh Trung học Phổ thông (THPT) hiệu quả thì bài toán việc làm cho thanh niên sau khi ra trường được giải quyết. Đó là lý do để chúng tôi chọn đề tài: “Tìm hiểu công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 trường Trung học Phổ thông Đặng Huy Trứ, tỉnh Thừa Thiên Huế”. 2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU Để tìm hiểu đánh giá của học sinh về hiệu quả công tác hướng nghiệp tại THPT Đặng Huy Trứ, tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi nghiên cứu các vấn đề như: Nhận thức về tầm quan trọng của công tác giáo dục hướng nghiệp (GDHN) cho HS lớp 12, thực tế việc tổ chức và tham gia các hoạt động hướng nghiệp tại nhà trường, đánh giá về hiệu quả của GDHN, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng. Từ đó đề xuất những khuyến nghị cần thiết để công tác GDHN hiệu quả hơn. 2.1. Nhận thức của giáo viên và học sinh lớp 12 trường THPT Đặng Huy Trứ về vai trò của công tác GDHN Khi được hỏi về tầm quan trọng của công tác GDHN cho HS lớp 12 thì đa số giáo viên (GV) và HS đều đã nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng, ý nghĩa của GDHN. Có 92.3% GV và 100% HS khẳng định sự cần thiết của GDHN cho HS. Tuy nhiên, vẫn có 7.7% GV cho rằng GDHN cho HS là không cần thiết. Nhận thức này cần được điều chỉnh lại. Các lý do GV và HS đánh giá cao vai trò của GDHN là: Một là GDHN cung cấp cho HS những thông tin về các nghề cơ bản trong xã hội; hai là hình thành động cơ, hứng thú chọn nghề đúng đắn; ba là giúp các học sinh chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý, tri thức, kỹ năng trước khi bước vào nghề. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sinh viên năm học 2013-2014 Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, tháng 12/2013, tr: 265-272
  2. 266 BÙI THỊ KIỀU DI Bảng 1. Đánh giá của giáo viên về tầm quan trọng của công tác GDHN cho HS THPT Rất đồng ý Đồng ý Phân vân Không đồng ý Nội GV HS GV HS GV HS GV HS dung SL % Sl % SL % SL % SL % Sl % SL % SL % 1 8 61.5 43 43 5 38.5 57 57 0 0 0 0 0 0 0 0 2 2 15.4 47 47 11 84.6 57 57 0 0 6 6 0 0 0 0 3 9 69.2 30 30 3 23.1 59 59 1 7.7 10 10 0 0 1 1 4 1 7.7 30 30 12 92.3 48 48 0 0 9 9 0 0 5 5 5 2 15.4 26 26 7 53.9 61 61 3 23.1 12 12 1 7.7 1 1 6 2 15.4 21 21 7 53.9 50 50 3 23.1 20 20 1 7.7 7 7 7 0 0 2 2 0 0 5 5 2 15.4 9 9 11 84.6 90 90 8 1 7.7 14 14 1 7.7 12 12 4 30.8 29 29 7 53.9 35 35 9 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 Ghi chú: 1. Cung cấp cho HS những thông tin về các nghề cơ bản trong xã hội 2. Hình thành động cơ, hứng thú chọn nghề đúng đắn 3. Giúp đỡ học sinh tự đánh giá về năng lực phẩm chất của bản thân đối với các nghề trong xã hội 4. Giúp các học sinh chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý, tri thức, kỹ năng trước khi bước vào nghề 5. Giúp HS tự vạch ra kế hoạch học tập rèn luyện theo nghề mình chọn 6. Giúp học sinh có điều kiện thực hành một số nghề trong xã hội 7. Tốn nhiều thời gian vô ích 8. Học sinh có thể tự cập nhật thông tin một cách đầy đủ, chính xác về nghề từ ba mẹ, phương tiện thông tin đại chúng, sách báo… 9. Ý kiến khác (xin bổ sung ) SL: Số lượng 2.2. Nội dung công tác GDHN cho HS lớp 12 ở trường THPT Đặng Huy Trứ, tỉnh Thừa Thiên Huế Kết quả nghiên cứu cho thấy, trường THPT Đặng Huy Trứ đã triển khai nhiều nội dung trong GDHN cho HS, trong đó nội dung được khai thác thường xuyên nhất là thông tin nghề nghiệp; nội dung tư vấn nghề, tổ chức thực hành nghề cũng được quan tâm tổ chức. Nội dung thông tin nghề nghiệp được chú trọng hàng đầu. Thông qua nhiều hình thức khác nhau GV giúp HS có được những thông tin về nghề như thông tin về những nghề cơ bản, yêu cầu của nghề lao động và thị trường lao động, triển vọng của nghề đều được chú trọng cụ thể. Trong đó, thông tin về những nghề cơ bản được chú trọng hơn cả. Nội dung tư vấn nghề cũng được nhà trường chú trọng. Nhìn tổng quan, trong các vấn đề của tư vấn nghề nghiệp thì việc đánh giá phẩm chất nghề nghiệp và năng lực liên quan đến nghề cho HS cũng như đưa ra lời tư vấn cho việc chọn nghề của học sinh được chú trọng hơn việc giáo dục truyền thống nghề nghiệp của gia đình và địa phương.
  3. TÌM HIỂU CÔNG TÁC GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH LỚP 12... 267 Đa số GV cho rằng việc đánh giá về phẩm chất nghề được chú trọng, còn đa số HS cho rằng nội dung này được nhà trường chú trọng và ít chú trọng. Giữa GV và HS mâu thuẫn ý kiến với nhau về việc này. Giáo viên đánh giá cao hơn so với HS. Hơn nữa, có sự chênh lệch cao đối với việc lựa chọn mức độ. Nếu như 37% HS chọn mức độ chú trọng, 36% HS chọn mức độ ít chú trọng thì có đến 84.7% GV chọn mức độ chú trọng và chỉ có 7.7% GV chọn mức độ ít chú trọng. Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn này là do các em cho rằng phẩm chất nghề không quan trọng bằng năng lực nghề nghiệp, nên các em không quan tâm vấn đề này mặc dù GV có đưa ra những đánh giá về phẩm chất nghề . Đây là một quan điểm sai lầm, vì phẩm chất nghề rất quan trọng giúp HS gắn bó lâu dài với nghề. Vì vậy, cần có những biện pháp thống nhất ý kiến giữa GV và HS để quá trình GDHN được hiệu quả. Việc đánh giá về năng lực liên quan đến nghề cũng được nhà trường quan tâm. Về nội dung này, giữa GV và HS có sự thống nhất ý kiến với nhau. Công tác giáo dục truyền thống nghề nghiệp của gia đình và địa phương tuy chưa được chú trọng cao như các nội dung trên nhưng cũng cũng được GV và HS quan tâm. Có 53.9% giáo viên trả lời là chú trọng, có 35% HS cho rằng chú trọng. Đối với nội dung đưa ra lời tư vấn cho việc chọn nghề của học sinh được trường quan tâm nhưng chưa đúng mức. Qua cuộc phỏng vấn với thầy Nguyễn Trí Hải, phụ trách chung về hoạt động hướng nghiệp trong trường thì tôi được biết các GV chỉ dừng lại ở việc tư vấn thông tin hướng dẫn nhằm giới thiệu với HS nội dung nghề mà mình định chọn. Tư vấn chẩn đoán, tư vấn y học, tư vấn hiệu chỉnh chưa được chú trọng thực hiện do trình độ GV còn hạn hẹp. GV trường Đặng Huy Trứ ít chú trọng tổ chức thực hành nghề. Trường có tổ chức một số hoạt động như lao động tạo ra sản phẩm đơn giản để giải quyết một phần nhu cầu: Giảng dạy, học tập, vui chơi... Vệ sinh trường lớp sạch sẽ. Tham gia công tác xã hội: làm đường, vệ sinh đường phố, dâng hương và chăm sóc nhà thờ họ Đặng - nơi thờ danh nhân Đặng Huy Trứ, HS cũng được tham gia trồng và chăm sóc bảo vệ cây xanh ở trường. Tuy nhiên, điều này chưa phải là thực hành nghề cho HS. Vì vậy, các cấp lãnh đạo ở trường cần quan tâm hơn nữa đối với việc liên hệ cơ sở sản xuất cho HS đến thực hành và tạo điều kiện cho HS tham quan các cơ sở sản xuất, trường đại học, cao đẳng trong quá trình học tập. 2.3. Các con đường tổ chức hoạt động GDHN cho HS lớp 12 ở trường THPT Đặng Huy Trứ, tỉnh Thừa Thiên Huế Kết quả nghiên cứu cho thấy, trường Đặng Huy Trứ đã sử dụng nhiều hình thức khác nhau để GDHN cho HS. Hình thức được khai thác nhiều đó là thông qua sinh hoạt hướng nghiệp; thông qua giảng dạy các môn kỹ thuật và lao động sản xuất, thông qua việc giảng dạy các môn văn hóa. Con đường hoạt động ngoại khóa cũng được sử dụng nhưng không thường xuyên. Các con đường và phương pháp khác như phương pháp đóng vai, diễn kịch; việc tổ chức trò chơi; tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm trao đổi
  4. 268 BÙI THỊ KIỀU DI với các chuyên gia; Các buổi tham quan ở các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề cũng được chú ý nhưng không được sử dụng nhiều. Về hình thức thông qua sinh hoạt hướng nghiệp, có 30.8% GV khai thác con đường này với mức độ thường xuyên; có 43% ý kiến HS cho rằng thường xuyên. Theo kế hoạch của trường, mỗi tháng có 2 tiết hướng nghiệp và 1 tiết hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (GDNGLL). Để tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của GV và HS trường thường ghép hoạt động hướng nghiệp và hoạt động GDNGLL thành một buổi 3 tiết. Để tổ chức chỉ đạo hoạt động, trường thành lập ban hoạt động ngoài giờ lên lớp - hướng nghiệp. Ban này có nhiệm vụ soạn giáo án chung cho từng khối. Dựa vào giáo án chung mà các GV chủ nhiệm trong trường tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp đạt yêu cầu đề ra. Trong quá trình tổ chức hoạt động, nhà trường khuyến khích GV bổ sung thêm những nội dung mà mình tự tìm tòi được để phù hợp với đặc điểm riêng của lớp mình chủ nhiệm và tạo ra sự phong phú cho bài dạy (tiết sinh hoạt) của mình từ đó hiệu quả GDHN cũng được nâng cao. Đối với con đường GDHN thông qua việc giảng dạy các môn văn hóa không được nhà trường chú trọng. Đa số GV và HS đánh giá con đường này chỉ thực hiện ở mức độ thỉnh thoảng (46.8% GV và 40% HS). Nguyên nhân nào dẫn đến kết quả trên. Về khách quan, thời gian dành cho việc lồng ghép kiến thức nghề nghiệp vào các môn học chính khoá là “ít” chủ yếu là các môn như văn, giáo dục công dân, địa lý và giáo viên lồng ghép ở “bất cứ thời điểm” nào thích hợp, việc lồng ghép nội dung GDHN vào các môn văn hóa trong nhà trường hiện nay là hoàn toàn không bắt buộc. Về vấn đề kinh phí GV ý kiến rằng, hiện nay, không có một khoản kinh phí nào để hỗ trợ cho việc lồng ghép này. Hơn nữa, GV còn cho rằng nội dung lồng ghép còn ít, giáo viên không có tài liệu hướng dẫn cho việc lồng ghép, đa số là GV phải tự mày mò, tìm tòi, sáng tạo. Về chủ quan, GV vẫn nhận thức về mục đích và quan tâm đến việc lồng ghép GDHN với các môn văn hóa là khá cao nhưng kinh nghiệm của GV về việc này còn hạn chế. Con đường giảng dạy các môn kỹ thuật và lao động sản xuất ít được nhà trường quan tâm. Trường chỉ tổ chức một số hoạt động như lao động tạo ra sản phẩm đơn giản để giải quyết 1 phần nhu cầu: Giảng dạy, học tập, vui chơi... Vệ sinh trường lớp hàng tuần; làm đường, vệ sinh đường phố vào các ngày lễ lớn (ngày quốc khánh mùng 2-9; ngày quốc tế lao động mùng 1-5); tham gia trồng và chăm sóc bảo vệ cây xanh ở trường. Những hình thức lao động giản đơn này ít mang lại hiệu quả GDHN cao. Cần phải tổ chức cho HS tham quan, tham gia lao động ở các cơ quan, xí nghiệp, các cơ sở đào tạo Hoạt động ngoại khóa là một con đường gây nhiều hứng thú cho cả GV và HS. Nhà trường có tổ chức một số hoạt động văn nghệ các hoạt động giao lưu với các trường và các tổ chức khác. Qua đó, HS được trao đổi giao lưu với nhau góp phần làm phong phú thêm tri thức về nghề cho HS để từ đó HS có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp... Tuy nhiên, các hoạt động ngoại khóa hướng nghiệp không được nhà trường tổ chức thực hiện thường xuyên. Lý do chủ yếu đó là để tổ chức các buổi ngoại khóa tốn nhiều tiền và thời gian chuẩn bị và tổ chức trong khi kinh phí tổ chức hoạt động lại eo hẹp, thầy cô và HS rất bận với việc dạy và học chính khóa.
  5. TÌM HIỂU CÔNG TÁC GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH LỚP 12... 269 Các con đường và phương pháp khác như phương pháp đóng vai, diễn kịch; việc tổ chức trò chơi; các buổi giao lưu, tọa đàm trao đổi với các chuyên gia; các buổi tham quan ở trường đại học, cao đẳng, dạy nghề rất ít GV sử dụng. Nguyên nhân của thực trạng này tương tự như nguyên nhân của việc không thực hiện con đường hoạt động ngoại khóa thường xuyên. Ngoài ra nhà trường còn gặp khó khăn trong việc tạo quan hệ với các trường đại học, cao đẳng, chủ doanh nghiệp ở trong vùng nên con đường thông qua các buổi tham quan ở trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ít được tổ chức. 2.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến việc chọn nghề của HS Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sự chọn nghề của HS. Đa số nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến HS là nhân tố sự tự đánh giá năng lực của bản thân (86%), tiếp đó là yếu tố gia đình (74%), xã hội (71%); bạn bè (64%). Trong khi đó giáo viên bộ môn (36%), giáo viên chủ nhiệm (35%); các tổ chức Đoàn Hội (29%) trong trường không ảnh hưởng nhiều đến việc chọn nghề của HS. Điều này cho thấy hiệu quả GDHN ở trường còn chưa cao. Vì trong công tác GDHN, GV và các lực lượng giáo dục khác trong nhà trường là những người am hiểu về GDHN, hiểu tâm lý học sinh nên họ phải đóng vai trò chủ đạo trong công tác GDHN. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng giáo dục ở trong nhà trường với các lực lượng giáo dục khác ngoài nhà trường như phụ huynh HS, các tổ chức xã hội khác để GDHN hiệu quả. 2.5. Hiệu quả công tác GDHN cho HS lớp 12 ở trường THPT Đặng Huy Trứ, tỉnh Thừa Thiên Huế Đa số giáo viên nhận định rằng công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay có hiệu quả. Không có ý kiến nào cho rằng giáo dục hướng nghiệp “rất hiệu quả”. 61.5% ý kiến cho rằng giáo dục hướng nghiệp “hiệu quả”. 38.5 % ý kiến cho rằng giáo dục hướng nghiệp “chưa thực sự hiệu quả”. Đa số HS nhận định rằng công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay có hiệu quả (63% HS đồng ý). 34 % ý kiến cho rằng giáo dục hướng nghiệp “chưa thực sự hiệu quả”. 3% ý kiến cho rằng giáo dục hướng nghiệp “không hiệu quả”. Như vậy, GV và HS có cùng ý kiến công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay có hiệu quả. Công tác GDHN ở trường Đặng Huy Trứ được đánh giá hiệu quả khi học sinh thường xuyên phát biểu ý kiến, trả lời câu hỏi trong quá trình tổ chức GDHN. Có sự không thống nhất ý kiến giữa GV và HS ở lý do này. Đa số GV cho rằng HS ít khi phát biểu ý kiến, trả lời câu hỏi (61.5%); còn HS cho rằng HS phát biểu ý kiến, trả lời câu hỏi ở mức độ thường xuyên (67%). Như vậy, GV đánh giá HS vẫn chưa có tính tích cực cao trong GDHN còn HS lại quá tự tin cho rằng HS đã có tính tích cực cao trong công tác GDHN. Công tác GDHN ở trường Đặng Huy Trứ được đánh giá hiệu quả khi học sinh tham gia trao đổi thông tin về nghề nghiệp. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết các em rất hào hứng trao đổi ý kiến về thông tin nghề nghiệp. Các em thường trao đổi những thông tin về các
  6. 270 BÙI THỊ KIỀU DI cơ sở, các trường đào tạo nghề, các yêu cầu tâm sinh lý của nghề, yêu cầu tuyển chọn của nghề, điều kiện lao động và đặc biệt là triển vọng của nghề. Học sinh còn có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung trong quá trình GDHN. Đa số GV và HS cho rằng HS rất ít khi tham gia chuẩn bị việc này. 46.2% GV và 57% HS có ý kiến là thỉnh thoảng chuẩn bị nội dung GDHN. Như vậy, cho thấy bước đầu HS đã có tính chủ động trong công tác GDHN nhưng ở mức độ chưa cao. GV cần giao nhiệm vụ chuẩn bị nội dung nhiều hơn cho HS trong quá trình tổ chức hoạt động GDHN để phát huy tính tích cực của HS. Đa số HS vẫn chưa tích cực trong việc chuẩn bị phương tiện, kĩ thuật trong quá trình GDHN; GV chưa chủ động phối hợp với HS, phát huy vai trò chủ thể của HS (52% HS và 69.3% GV đồng ý). Vì vậy, GV cần giao nhiệm vụ chuẩn bị phương tiện kĩ thuật nhiều hơn cho HS trong quá trình tổ chức hoạt động GDHN. Đồng thời GV cần thay đổi các phương pháp, các hình thức tổ chức hoạt động GDHN theo hướng tích cực hóa người học. Ví dụ tổ chức trò chơi, đóng vai diễn kịch, thảo luận, đàm thoại do các phương pháp này thường đòi hỏi sử dụng nhiều phương tiện kĩ thuật khác nhau. Thỉnh thoảng HS có kiến nghị với GV về việc tổ chức thêm nhiều trò chơi, đóng vai, diễn kịch trong quá trình tổ chức sinh hoạt hướng nghiệp (61.5% GV và 67 % HS đồng ý). Như vậy, HS đã quan tâm đến công tác GDHN nhưng ở mức độ chưa cao. GV cần phải giúp HS phát huy vai trò chủ thể trong công tác GDHN bằng việc kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Tương tự, HS cũng ít khi góp ý, đề xuất với giáo viên về nội dung tổ chức hoạt động cũng không (74% HS và 53.9% GV đồng ý). Một số HS có đề nghị GV nên đưa thêm những thông tin mới như các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với việc học và làm việc tại các làng nghề truyền thống của địa phương và tổ chức tham quan ở các cơ quan, xí nghiệp, trường ĐH, CĐ, trường dạy nghề. Cần cải tiến nội dung và hình thức hướng nghiệp. Đa số HS lớp 12 có xu hướng chọn thi vào trường ĐH hay CĐ (74%). Điều này phù hợp với đặc điểm thực tế của trường. Trường Đặng Huy Trứ là một trong những trường THPT có chất lượng giáo dục cao của tỉnh Thừa Thiên Huế nên số HS có nguyện vọng thi ĐH CĐ cao. Bên cạnh đó, có 11% HS chọn thi cao đẳng nghề có 12% HS lựa chọn con đường thi vào trường trung cấp chuyên nghiệp, có 1% HS thi trung cấp nghề và có 2% HS lao động sản xuất. Các em lựa chọn như vậy là do con đường đại học không phải con đường duy nhất thành công. Chúng tôi cho rằng đây cũng là một hiệu quả mà GDHN mang lại, đã góp phần giúp cho HS định hướng được ngành nghề đúng với sở thích, ước muốn của mình. Có 76% HS lớp 12 đã xác định được nghề mà mình theo đuổi; 24% HS vẫn chưa xác định được nghề cho mình. Thực trạng này, khẳng định rằng công tác GDHN vẫn chưa thực hiện tốt. Đây là một điều đáng lo ngại. GV cần phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao HS chưa xác định nghề cho bản để tìm hướng giúp đỡ các em và rút kinh nghiệm, phải quan tâm nhiều hơn đến công tác hướng nghiệp.
  7. TÌM HIỂU CÔNG TÁC GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH LỚP 12... 271 Lý do chọn nghề của HS rất đa dạng. Đa số HS biết dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau để lựa chọn nghề của bản thân chứ không chạy theo dư luận xã hội, đua theo bạn bè hay sự sắp đặt của cha mẹ, trong các tiêu chí thì 2 tiêu chí quan trọng hơn hết là sở thích và năng lực. Điều này, nói lên hiệu quả của công tác GDHN. Bảng 2. Lý do chọn nghề Kết quả STT Lý do Xếp loại SL % 1 Sở thích 82 82 1 2 Năng lực 59 59 2 3 Nhu cầu xã hội 45 45 3 4 Học phí thấp 9 9 5 5 Học gần nhà 6 6 8 6 Thu nhập cao 20 20 4 7 Truyền thống gia đình 8 8 6 8 Xã hội coi trọng 20 20 4 9 Lý do khác 7 7 7 3. KẾT LUẬN Tóm lại, qua nghiên cứu về công tác GDHN cho HS lớp 12 tại trường THPT Đặng Huy Trứ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho thấy công tác GDHN có hiệu quả nhưng ở mức độ chưa cao. Đa số GV và HS nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của công tác GDHN, nhưng về công tác tổ chức thực hiện còn chưa được hiệu quả. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng GDHN chưa cao là thời gian dành cho công tác GDHN “ít”, kinh phí thì eo hẹp, tài liệu hướng dẫn GDHN chưa phong phú, chưa có cán bộ hướng nghiệp chuyên nghiệp; còn một số ít GV và HS vẫn nhận thức rõ về vai trò quan trọng của công tác GDHN cho HS, GV chưa biết khai thác triệt để sự hỗ trợ của các lực lượng giáo dục khác. Qua nghiên cứu trên, chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị: - Cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho đội ngũ những người làm công tác hướng nghiệp, quản lý hướng nghiệp, cha mẹ, học sinh và các lực lượng giáo dục khác. - Xây dựng đội ngũ những người làm công tác hướng nghiệp. - Cải tiến nội dung và hình thức hướng nghiệp. - Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác hướng nghiệp. - Tổ chức tư vấn nghề cho học sinh một cách chuyên nghiệp, đồng bộ. - Tăng cường trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng về giáo dục hướng nghiệp
  8. 272 BÙI THỊ KIỀU DI TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đặng Danh Ánh (2002). Hướng nghiệp trong trường phổ thông, Tạp chí giáo dục, số 42 (10). [2] Trần Thị Thu Hà (2008). Thực trạng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 trường THPT số 4 Bố Trạch và trường chuyên Quảng Bình - tỉnh Quảng Bình, Khóa luận tốt nghiệp, ĐHSP Huế. [3] Trần Văn Chiến (2008). Xu hướng chọn nghề nghiệp của học sinh lớp 12 trường THPT dưới ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường (khảo sát tại Phú Thọ), Luận văn Thạc sỹ, ĐHSP Huế. [4] Phạm Tất Dong (chủ biên), Phạm Huy Thụ, Nguyễn Minh An (1987), Giáo trình công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông, NXB Giáo dục, Hà Nội. BÙI THỊ KIỀU DI SV lớp TLGD 4, Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 0164 566 9649, Email: ditamly@gmail.com
nguon tai.lieu . vn