Xem mẫu

  1. TIẾP CẬN VỐN TÍN DỤNG NGÂN HÀNG CỦA DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA: KINH NGHIỆM VÀ NHỮNG GỢI Ý CHO VIỆT NAM ThS. Trần Quốc Hoàn Trường Đại học Hùng Vương Tóm tắt Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc về các chính sách nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, cùng kinh nghiệm mở rộng tín dụng SME thành công của các ngân hàng như Wells Fargo, ICICI. Từ đó, bài viết đưa ra những gợi ý đối với Chính phủ và các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của SME tại Việt Nam. Từ khóa: SME, tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, kinh nghiệm, bài học. 1. Đặt vấn đề Tài chính toàn diện được hiểu là việc phát triển hệ thống tài chính nhằm đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho tất cả mọi tổ chức và cá nhân, đặc biệt là người có thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính như thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý và được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững. Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên thực hiện một số chương trình nhằm tăng cường tiếp cận tài chính và thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, trong đó SME là một trong những đối tượng được chú trọng quan tâm phát triển tài chính toàn diện, đặc biệt là nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho các SME. Hiện nay, 97% doanh nghiệp ở Việt Nam là các SME. Khối doanh nghiệp này đang đóng một vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt vấn đề việc làm hiện nay. Tuy vậy, các SME đang gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do các SME thường có nhu cầu tài chính quá lớn đối với hoạt động tài chính vi mô nhưng lại quá nhỏ để tận dụng hiệu quả các mô hình dịch vụ ngân hàng dành cho doanh nghiệp lớn (IFC, 2009), đồng thời thị trường tín dụng SME thường mất nhiều chi phí, rủi ro cao, khó phục vụ, cũng như lợi nhuận không lớn, do đó nhiều NHTM rất thận trọng mà khi cấp tín dụng cho SME. Kết quả cấp tín dụng cho SME hiện nay còn nhiều bất cập như tỷ lệ dư nợ tín dụng SME chiếm tỷ trọng thấp (trung bình 22% đến 25%) trong tổng dư nợ tín dụng toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2013-2017, số lượng SME tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng còn khá khiêm tốn, chỉ hơn 30% SME tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, gần 70% còn lại sử dụng vốn tự có hoặc vay từ các nguồn vốn khác với chi phí cao và nhiều rủi ro.Điều này đòi hỏi Chính phủ, các NHTM,… cần phải có những giải pháp thiết thực để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của SME. Các nội dung trình bày tiếp theo của bài nghiên cứu này gồm: Phần 2 trình bày kinh nghiệm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho SME. Phần 3 gợi ý những giải pháp đối với Chính phủ và các NHTM. Phần 4 là kết luận. 2. Kinh nghiệm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho SME 2.1. Kinh nghiệm của Chính phủ một số quốc gia trên thế giới Trong các chính sách hỗ trợ SME tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đã được các quốc gia trên thế giới thực hiện (Bảng 1), thì có hai chính sách gồm bảo lãnh tín dụng cho SME và cho vay 483
  2. trực tiếp SME được đa phần các quốc gia lựa chọn thực hiện. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nhiều quốc gia đã tạo lập được môi trường phát triển thuận lợi, bền vững cho các SME, giúp các SME đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ngược lại, một số quốc gia đã bảo hộ quá mức các SME, vô hình chung làm cản trở sự phát triển của khu vực tư nhân khi Chính phủ hỗ trợ các SME dưới dạng phúc lợi và bảo trợ xã hội mà không chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của SME. Bảng 1: Một số chính sách của Chính phủ một số quốc gia hỗ trợ SME tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng Chính sách Quốc gia Chính phủ bảo lãnh Áo, Bỉ, Canada, Chile, Colombia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, khoản vay Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Israel, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Hà Lan, Nauy, Bồ Đào Nha, Liên bang Nga, Serbia, Cộng hòa Slovak, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Hoa Kỳ. Chính phủ bảo lãnh khoản Áo, Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Mexico, Hà Lan, New vay hay cho vay đối với Zealand, Serbia, Anh. doanh nghiệp khởi nghiệp Chính phủ bảo lãnh xuất Áo, Bỉ, Canada, Colombia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần khẩu hoặc tín dụng Lan, Hungary, Hy Lạp, Hàn Quốc, Hà Lan, New Zealand, Tây Ban thương mại Nha, Thụy Điển. Cho vay trực tiếp SME Áo, Bỉ, Canada, Chile, Cộng hòa Séc, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nauy, Bồ Đào Nha, Serbia, Cộng hòa Slovak, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh. Hỗ trợ lãi suất Hungary, Bồ Đào Nha, Liên bang Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh. Hỗ trợ từ quỹ đầu tư mạo Áo, Bỉ, Canada, Chile, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, hiểm, vốn cổ phần, hỗ trợ từ Pháp, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Israel, Mexico, Hà Lan, New Zealand, nhà đầu tư thiên thần Nauy, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Slovak, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh. Thành lập ngân hàng cho Cộng hòa Séc, Pháp, Bồ Đào Nha, Liên Bang Nga, Anh. SME Hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp Colombia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển. Miễn thuế, hoãn thuế Bỉ, Phần Lan, Ý, New Zealand, Nauy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ. Hỗ trợ môi giới tín dụng Bỉ, Pháp, Ireland, Latvia, New Zealand, Tây Ban Nha. Chỉ định các ngân hàng cho Ireland, Đan Mạch. vay SME Nguồn: (OECD, 2015) Các chính sách hỗ trợ SME tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cũng đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc,… * Nhật Bản Để tạo cơ hội cho SME có thể sử dụng các nguồn lực tài chính từ các thiết chế tài chính khu vực tư, Chính phủ Nhật Bản thực hiện bảo lãnh các khoản vay cho các SME và Chính phủ có thể trả thay khi các SME không thể trả được (Viện Nghiên cứu lập pháp, 2017). Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng quản lý của các doanh nghiệp siêu nhỏ với đội ngũ quản lý hạn chế, thiếu tài sản đảm bảo, Chính phủ Nhật Bản đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, trong đó có biện pháp cung cấp vốn với lãi suất thấp khi SME không đủ điều kiện về tài chính hoặc không có tài sản đảm bảo. 484
  3. * Hàn Quốc Hàn Quốc có những chương trình sàng lọc, phân loại những doanh nghiệp siêu nhỏ để tìm ra được những ưu điểm riêng của từng doanh nghiệp, từ đó Chính phủ sẽ xây dựng những chương trình hỗ trợ như: đưa vào vườn ươm doanh nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ nguồn nhân lực, tài chính, hoặc hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa,... để các SME có thể tồn tại và phát triển. Hàn Quốc thành lập Cơ quan Quản lý SME (SMBA), cơ quan này đóng vai trò tiên phong trong việc cung cấp và phát triển chính sách giúp SME hoạt động hiệu quả và thiết thực hơn, đồng thời đề xuất cho Chính phủ Hàn Quốc trong việc tạo ra các công cụ, chính sách giúp SME phát triển, cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, với mục đích giảm nhẹ khó khăn tài chính cho SME, hệ thống hỗ trợ tài chính cho SME ở Hàn Quốc được thành lập và chia theo ba kênh chính: Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc, Quỹ bảo lãnh tín dụng công nghệ Hàn Quốc và Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. Hệ thống bảo lãnh tín dụng này đã tạo điều kiện cho các SME tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn (Viện Nghiên cứu lập pháp, 2017). 2.2. Kinh nghiệm của một số ngân hàng thương mại * Kinh nghiệm của Wells Fargo: Wells Fargo được thành lập năm 1852, là một trong năm ngân hàng lớn nhất tại Mỹ. Wells Fargo liên tục là nhà cung cấp hàng đầu các khoản vay dưới $100.000 cho các SME ở Mỹ, với hơn $23.000.000.000 tổng các khoản vay được tạo ra trên toàn quốc trong năm 2007, chiếm 16% thị phần tín dụng SME (IFC, 2009). Kinh nghiệm của Wells Fargo nổi bật ở 3 nội dung: Một là, trước khi xâm nhập vào thị trường tín dụng SME, trong vòng 5 năm đầu tiên, Wells Fargo tập trung tìm hiểu và xây dựng nền tảng kiến thức về SME. Wells Fargo chú trọng tới việc học hỏi kinh nghiệm từ các SME hiện có và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng cho những SME này. Thông qua đó, Wells Fargo thu thập ý kiến phản hồi từ các SME trong quá trình phát triển sản phẩm, giúp cho Wells Fargo có dữ liệu thống kê để nhận biết những nhu cầu chưa được đáp ứng của SME, cũng như phân tích rủi ro có thể chấp nhận được khi cấp tín dụng cho SME. Wells Fargo tìm thấy những lợi thế riêng của mình, từ đó đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với các loại hình SME. Hai là, để lựa chọn phương pháp phục vụ SME phù hợp và tiết kiệm chi phí, Wells Fargo phân chia SME thành 2 nhóm: SME thông thường và SME quản lý dựa trên quan hệ. SME thông thường là những SME có doanh thu hằng năm dưới $2.000.000, SME thông thường chiếm đại đa số trong danh sách khách hàng của Wells Fargo. Wells Fargo nhận thấy các SME thông thường đòi hỏi “sự quan tâm” của ngân hàng ít hơn so với các SME quản lý dựa trên quan hệ, từ đó Wells Fargo áp dụng các dịch vụ tư vấn và sử dụng sản phẩm qua điện thoại hoặc Internet đối với nhóm SME thông thường. Nhờ vậy, Wells Fargo giảm một phần rủi ro và chi phí đối với nhóm SME thông thường nhờ tìm hiểu rõ thị trường này dựa trên cơ chế giám sát danh sách khách hàng theo dữ liệu thống kê. Ba là, Wells Fargo chú trọng đổi mới tiếp thị sản phẩm đến từng SME thông qua việc gửi thông tin sản phẩm trực tiếp qua đường bưu điện và gọi điện thoại tiếp thị từ các chi nhánh ngân hàng địa phương. Đồng thời, Wells Fargo bắt đầu tiếp xúc trực tiếp SME qua các cuộc hội thảo, hội nghị để giới thiệu và hướng dẫn SME về các lựa chọn tài chính, phát triển thị trường, kỹ năng quản lý,... Những nỗ lực này chính là sự cam kết của Wells Fargo đối với SME và giúp Wells Fargo có thêm nhiều khách hàng SME mới. Ngoài ra, các nỗ lực này còn cung cấp những ý kiến phản hồi quý giá từ SME mà Wells Fargo có thể tận dụng để tìm cách phát triển và cải tiến các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của SME. * Kinh nghiệm của ICICI: ICICI được thành lập năm 1955, là ngân hàng tư nhân lớn nhất Ấn Độ. Tại Ấn độ có khoảng 70 - 80 ngân hàng phục vụ SME thì ICICI có thị phần khoảng 9%. ICICI đã bắt đầu chiến 485
  4. lược hướng vào khách hàng SME từ năm 2003 và chỉ sau đó 4 năm, dư nợ tín dụng SME tăng gấp 3 lần (IFC, 2009). Kinh nghiệm của ICICI nổi bật ở 2 nội dung: Một là, để phục vụ thị trường tín dụng SME một cách hiệu quả, ICICI chia đối tượng SME thành ba nhóm: (i) SME có quan hệ giao dịch mua bán với các khách hàng hiện tại của ICICI; (ii) SME sản xuất kinh doanh thuộc các ngành nghề có tiềm năng phát triển tốt tại Ấn Độ; (iii) Các SME còn lại. Theo đó, ICICI phát triển các hệ thống quản lý rủi ro và hệ thống thông tin quản lý riêng biệt. Ví dụ, đối với các SME thuộc nhóm (i) là nhóm khách hàng có mức rủi ro thấp hơn vì ICICI biết rõ thông tin về họ thông qua các đối tác của các doanh nghiệp này là khách hàng hiện tại của ICICI và có thể cấp tín dụng dựa trên các thông tin này. Tương tự, qua việc lựa chọn 12 ngành có tiềm năng phát triển tốt tại Ấn Độ trong số 165 ngành, ICICI có thể chú trọng tìm hiểu thông tin để am hiểu các SME tiềm năng nhất ở cấp độ sâu hơn nhằm tìm cách đáp ứng tốt hơn các nhu cầu cũng như đánh giá ưu điểm của họ. Hai là, ICICI linh hoạt trong đánh giá xếp hạng tín nhiệm SME. ICICI đã phát triển hệ thống “Đánh giá rủi ro tín dụng 360 độ”. Hệ thống chấm điểm tín dụng dựa trên các thông tin bao gồm cả ngành nghề, các mối liên kết kinh doanh,… ICICI tổng hợp các yếu tố chấm điểm đã được chuẩn hóa, đánh giá của cán bộ tín dụng, và việc gặp mặt trao đổi trực tiếp với lãnh đạo SME tại trụ sở doanh nghiệp, cũng như thông tin do SME cung cấp để từ đó có một kết luận cấp tín dụng phù hợp, an toàn. Việc linh hoạt trong đánh giá xếp hạng tín nhiệm SME đã giúp ICICI đã có thể mở rộng tín dụng SME, gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng. 3. Những gợi ý nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho SME tại Việt Nam 3.1. Đối với Chính phủ Việt Nam Từ kinh nghiệm quốc tế về nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của SME, tác giả xác định một số bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam là: Một là, Chính phủ cần phải quan tâm phát triển SME, bởi các SME có vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, đặc biệt là SME ở khu vực nông thôn và vùng khó khăn. Hai là, Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm trợ giúp những khó khăn, bất lợi của SME. Trong đó, hỗ trợ và tạo điều kiện để các SME tiếp cận vốn, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng được coi là giải pháp chủ yếu để thúc đẩy sự phát triển của các SME. Mặc dù vậy, Chính phủ không nên can thiệp quá sâu vào quá trình vận động phát triển của SME mà tác động tích cực gián tiếp thông qua việc cải cách môi trường kinh doanh, trợ giúp SME tiếp cận các nguồn lực như tài chính, công nghệ và nhân lực,... Ba là, Chính phủ nên thành lập các tổ chức chuyên trách hỗ trợ các SME vượt qua khó khăn về tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường,… theo hướng khuyến khích các SME phát triển. Tăng cường tổ chức và nâng cao chất lượng các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức cho SME, OECD (2015) có đưa ra một tập hợp các chủ đề đào tạo tài chính hướng tới mục tiêu cung cấp kiến thức và kỹ năng cho các lãnh đạo SME như: - Xây dựng và lập kế hoạch quản lý tài chính doanh nghiệp; - Giao tiếp với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính và đánh giá những dịch vụ và sản phẩm tài chính phù hợp; - Xác định nhà cung cấp dịch vụ tài chính hoặc nhà đầu tư, đáp ứng các yêu cầu của họ và tiếp cận nguồn tài trợ; - Quản trị rủi ro tài chính; 486
  5. - Phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp; - Hiểu biết chung về tài chính như hiểu biết về lãi suất, lạm phát, tỷ giá hối đoái và ảnh hưởng của những yếu tố này tới tiết kiệm, đầu tư hay doanh thu của doanh nghiệp. Những chủ đề trên hướng tới giải quyết nhu cầu đào tạo tài chính của phần lớn các SME. Tuy nhiên mỗi nhóm đối tượng lại có nhu cầu đào tạo khác nhau. Để làm được điều này thì Chính phủ cần xây dựng khung chính sách, thiết lập các tổ chức điều hành và xây dựng các chương trình, nội dung đào tạo phù hợp cho từng đối tượng. 3.2. Đối với các NHTM Từ kinh nghiệm của một số NHTM trên thế giới đã thành công trong mở rộng tín dụng SME như Wells Fargo và ICICI, một số bài học rút ra cho các NHTM ở Việt Nam khi mở rộng tín dụng SME là: Một là, điều kiện tiên quyết khi muốn mở rộng tín dụng SME là NHTM phải thực sự am hiểu về SME, tạo cơ chế phản hồi tích cực từ SME. Để làm được điều này, NHTM cần thực hiện một số giải pháp sau: - NHTM cần thực hiện khảo sát và đánh giá nhu cầu của khách hàng SME truyền thống và tiềm năng. Trên cơ sở đó đánh giá năng lực cung ứng vốn của NHTM, mức rủi ro và chi phí có thể chấp nhận được khi cấp tín dụng cho SME, từ đó hình thành những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với SME. - NHTM nên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới cho các khách hàng SME truyền thống của NHTM, thông qua đó xây dựng cơ chế phản hồi tích cực từ SME để có thể dần hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trước khi triển khai ra diện rộng. - NHTM cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức về tín dụng SME cho cán bộ NHTM. Cán bộ tín dụng phải là nhà tư vấn tài chính cho SME thay vì trở thành một nhân viên kinh doanh thuần túy. Cán bộ tín dụng phải thông thạo nghiệp vụ, am hiểu chuyên môn, nắm vững quy trình, điều kiện cấp tín dụng SME,… - NHTM cần phải đa dạng hóa các hình thức khai thác thông tin của SME (trực tiếp hoặc gián tiếp), từ đó củng cố thêm quyết định cấp tín dụng của NHTM. - Các NHTM cần tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm trong cấp tín dụng cho SME để học hỏi thêm kinh nghiệm. Đồng thời, tham vấn thêm ý kiến của cơ quan thuế, các hiệp hội doanh nghiệp,… để có thêm những hiểu biết về SME, qua đó giúp NHTM dễ dàng hơn trong việc ra quyết định cấp tín dụng cho SME. Hai là,NHTM không nên chỉ sử dụng một phương pháp duy nhất để phục vụ tất cả các SME, mà NHTM cần thực hiện phân loại SME để tạo ra các phân khúc thị trường tín dụng SME mục tiêu, từ đó đưa ra các chiến lược phục vụ phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro và chi phí. Ba là, NHTM phải chủ động tìm kiếm khách hàng SME, đổi mới phương thức tiếp thị sản phẩm. Kinh nghiệm cho thấy các NHTM phải tập hợp và tìm kiếm các dữ liệu thị trường tín dụng SME ở cả bên trong và bên ngoài, và tuân theo một quy trình được sắp xếp chặt chẽ để bảo đảm tiếp cận được tất cả các khách hàng SME tiềm năng. Tiếp cận SME bằng nhiều hình thức như tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm mới, thông qua mối quan hệ với khách hàng truyền thống, mối quan hệ với cán bộ NHTM, thông qua các kênh truyền thông chi phí thấp như: gửi email, quảng cáo trực tiếp trên Internet, gọi điện thoại, gửi thư qua đường bưu điện,... Ba là, NHTM phải linh hoạt trong đánh giá xếp hạng tín nhiệm khách hàng SME. Bài học thu được từ kinh nghiệm của các NHTM thành công trong mở rộng tín dụng SME là các NHTM cần áp dụng linh hoạt các phương pháp xếp hạng tín dụng thông thường để điều chỉnh thích nghi với thị trường tín dụng SME. Việc thẩm định tín dụng đối với SME thường đòi hỏi nhiều dạng dữ liệu kết hợp, trong đó bao gồm cả các nguồn thông tin không chính thức. Khi một NHTM đã tích lũy được dữ liệu cần thiết, khả năng dự đoán rủi ro tín dụng của NHTM sẽ tăng lên. 487
  6. 4. Kết luận Thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện có vai trò quan trọng đối với mọi tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế xã hội, đặc biệt là các SME. Do đó, Chính phủ các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam rất quan tâm. Nghiên cứu kinh nghiệm của các NHTM trên thế giới cho thấy thị trường tín dụng SME từng được các NHTM đánh giá là thị trường nhiều rủi ro, tốn kém và khó phục vụ, thì giờ đây các NHTM đang tìm các giải pháp hiệu quả để khắc phục những trở ngại đó. Mở rộng tín dụng SME trở thành mục tiêu chiến lược của các NHTM trên toàn thế giới, đây sẽ trở thành phân khúc thị trường mang lại lợi nhuận lớn cho các NHTM. Khi khơi thông được dòng chảy vốn, các SME dễ dàng tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng thì mới giúp các SME thực hiện tốt hơn chức năng, vai trò của mình, giải quyết tốt các vấn đề kinh tế xã hội, đóng góp hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trần Quốc Hoàn (2018), Nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Phú Thọ, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Tài chính, Hà Nội. 2. IFC (2009), The SME Banking Knowledge Guide, 2th Edition, Washington DC. 3. OECD (2015), Financing SMEs and Entrepreneurs 2015: An OECD Scoreboard, OECD Publishing, Paris. 4. Viện Nghiên cứu lập pháp (2017), Chuyên đề: Chính sách hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của một số quốc gia - Kinh nghiệm cho Việt Nam (Tài liệu phục vụ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV), Hà Nội. 488
nguon tai.lieu . vn