Xem mẫu

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0023 Social Sci., 2017, Vol. 62, No. 2, pp. 185-193 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn TIẾP CẬN LIÊN NGÀNH TRONG KHU VỰC HỌC VỚI NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN DU LỊCH (ỨNG DỤNG TRƯỜNG HỢP TỈNH GIA LAI) Trần Đăng Hiếu Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Ngày nay, trong các nghiên cứu khoa học về xã hội và nhân văn cũng như nhiều ngành khoa học khác, khu vực học được coi là một khoa học có tính gắn kết cao và là cơ sở nền tảng để các khoa học khác, đặc biệt góp phần định hướng quan trọng cho các môn khoa học xã hội và nhân văn dựa vào để nghiên cứu, khai thác và đưa ra kết quả định hướng vấn đề, đối tượng bởi tính liên ngành cao trong khu vực học. Du lịch được coi là một ngành kinh tế tổng hợp, trước yêu cầu của phát triển và hội nhập đòi hỏi các nhà làm công tác chuyên môn luôn phải tìm tòi, nghiên cứu và đưa ra những kết quả nhằm ứng dụng cho phát triển du lịch đảm bảo hiệu quả và bền vững. Nghiên cứu liên ngành là phương pháp ưu việt đối với ngành được coi là kinh tế tổng hợp như du lịch hiện nay. Từ khóa: Khu vực học, phát triển du lịch, tiếp cận liên ngành. 1. Mở đầu Ngày nay, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ đặc biệt là các khoa học công nghệ như thông tin, kiểm định, công nghệ số. . . đã giúp ích rất nhiều cho các nghiên cứu của các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực. Tiếp cận liên ngành của Khu vực học trong nghiên cứu khoa học đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học như Trần Lê Bảo, Phạm Đức Dương, Nguyễn Tri Nguyên, Lưu Minh Văn, Nguyễn Văn Hậu... [1-5]. Tuy nhiên, để xác định làm rõ được đối tượng nghiên cứu bên cạnh sự giúp ích của các thành tựu khoa học công nghệ thì hướng tiếp cận liên ngành là đặc biệt quan trọng và hữu ích để làm rõ được rất nhiều những thắc mắc, những bế tắc trong việc nghiên cứu, xác định đối tượng, vấn đề để đưa ra được các kết quả nghiên cứu có tính chính xác và thuyết phục cao. Công trình này của chúng tôi mong muốn ứng dụng nghiên cứu liên ngành như là phương pháp ưu việt nhằm thúc đẩy sự phát triển của du lịch - ngành được coi là kinh tế tổng hợp hiện nay. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Tiếp cận liên ngành của Khu vực học trong nghiên cứu khoa học Khu vực học là một trong nhiều bộ môn khoa học liên ngành. Tri thức của nhân loại về thế giới khách quan là vô cùng rộng lớn và tồn tại không phải là bất biến mà luôn vận động, thay đổi Ngày nhận bài: 15/10/2016. Ngày nhận đăng: 20/3/2017 Liên hệ: Trần Đăng Hiếu, e-mail: hieutran.dhsp@gmail.com 185
  2. Trần Đăng Hiếu đa dạng và phức tạp theo thời gian và không gian cho nên cần phải có những ngành nghiên cứu áp dụng phương pháp liên ngành như Khu vực học tức là nghiên cứu các vấn đề đối tượng trong tổng thể của thế giới khách quan ở nhiều phương diện và góc độ mới có khả năng lí giải những khác biệt và cho ra kết quả một cách toàn diện, khách quan và thuyết phục. Việc vận dụng cách tiếp cận liên ngành sẽ vô hình chung làm cho các khoa học chuyên ngành bộc lộ nhiều điểm yếu trong nghiên cứu vấn đề đối tượng mà đặc trưng nhất là tính cục bộ hay tính áp đặt trong các nhận định hay kết quả nghiên cứu.Tuy nhiên, vì là cách tiếp cận mới nên nghiên cứu liên ngành cũng có một số hạn chế nhất định như bị coi là không có tính chuyên sâu hay không có tính chuyên môn hóa cao, chưa mang tính học thuật phổ biến. . . Nghiên cứu khu vực học là tiếp cận phương pháp liên ngành trong nghiên cứu. Vậy liên ngành là gì? Theo Trần Lê Bảo, liên ngành là một thuật ngữ được tạo bởi hai từ gốc tiếng Anh là inter và disciplinarity. Trong đó inter có nghĩa là ở giữa hay liên kết còn disciplinarity là môn học hay là ngành học. Cũng theo tác giả, interdisciplinarity có nghĩa là sự liên kết các môn học, các ngành học [1]. Tính liên ngành trong nghiên cứu khoa học là đặc điểm nổi trội của sự phát triển khoa học hiện đại. Nó đã diễn ra và dần được định hình trong khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn và khoa học xã hội của thế kỉ XX và theo ý kiến của các nhà khoa học luận đó vẫn sẽ là xu hướng chính trong thế kỉ này. Nhưng điều đó không có nghĩa đã hết vấn đề, hay nói nôm là còn nhiều việc cần giải quyết tiếp. Trả lời câu hỏi tính liên ngành trong sự phát triển của khoa học hiện đại có nhiều cách giải nghĩa, nhưng về đại thể nó được hiểu là sự tích hợp, thâm nhập giữa các khoa học trong nghiên cứu. Vì vậy về bản chất đó là sự thay đổi “cách nhìn” đối tượng từ chỗ chỉ xuất phát từ một hệ quy chiếu sang hệ phức hợp. Sự thay đổi đó là không đơn giản, điều này được thể hiện không chỉ trong lịch sử phát triển của khoa học, mà cả trong chính thực hành nghiên cứu. Những khó khăn trong nghiên cứu liên ngành có thể đến từ nhiều phía, nhưng điều căn bản là nó đặt ra những đòi hỏi thay đổi từ phương diện tri thức luận, bản thể luận, phương pháp luận đến thể chế nghiên cứu và đào tạo [4]. Liên ngành là một khái niệm nói lên một thực tế diễn ra trong lí luận và nghiên cứu khoa học nói chung cũng như trong văn hóa học nói riêng. Nó được hiểu như là một cách tiếp cận hiện đại trong nghiên cứu khoa học và là một sự phản ứng trước hiện tượng chuyên môn hóa ngày càng cao trong những chuyên ngành khoa học đã mang tính ổn định. Vì vậy, tính đa tầng của các lĩnh vực khoa học đang đặt ra hiện nay ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trên thế giới. J. Kokelmans – nhà triết học người Đức đã đưa ra một cách phân biệt các thuật ngữ trong nghiên cứu khoa học hiện đại (phân loại mang tính hình thức) tác biệt giữa: Ngành (hay bộ môn), Chuyên ngành, Đa ngành và Liên ngành. Cách giải thích sự khác biệt giữa các thuật ngữ trên đây của J. Kokelmans hoàn toàn mang tính hình thức. Nó không tạo ra được một thuật ngữ có tính chính xác khoa học. J. Mittelstrass – nhà khoa học người Đức đề nghị, nên xác định sự chuyên ngành hóa đích thực là sự xuyên ngành. Các chuyên ngành phải định rõ đối tượng và phạm vi nghiên cứu cho đến những vấn đề cần được giải quyết, mà không còn phụ thuộc vào cách lí giải của một chuyên ngành đơn lẻ. Ông định nghĩa: “Sự xuyên ngành là làm cho các ngành riêng lẻ không còn như nó vốn có”. Với định nghĩa này thì các khái niệm đa ngành, liên ngành và xuyên ngành là những cấp độ 186
  3. Tiếp cận liên ngành trong khu vực học với nghiên cứu phát triển du lịch... và là những hình thức tham gia của nhiều chuyên ngành khác nhau vào phương pháp nghiên cứu nào đó. Nhưng chỉ có sự xuyên ngành mới đạt đến chất lượng cao của phương pháp mà ta gọi là phương pháp liên ngành. Đó chính là sự hợp đề (Synthese). Sự liên ngành không chỉ là sự bổ sung của những phương pháp luận, mà còn là một ngành hay một chương trình độc lập đối với việc cải tiến khoa học trong thực tiễn nghiên cứu mới. Có thể nói, liên ngành không phải là sự cộng lại của các ngành khoa học với nhau, mà là sự tổng tích hợp các cách tiếp cận, các phương pháp nghiên cứu của các chuyên ngành vào trong một ngành khoa học mới [6]. Thực ra khái niệm này đã xuất hiện và tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Trung tâm nghiên cứu liên ngành của Đại học North Texas – Hoa Kỳ đã có công trình nghiên cứu về phương pháp liên ngành trong nghiên cứu. Cụ thể trong Sổ tay Oxford của tri thức khoa học giới thiệu một mức độ lớn hơn nhằm vào các lĩnh vực nghiên cứu liên ngành, giáo dục, và thực hành bằng cách tạo ra một công việc đó sẽ trở thành kinh thánh cho tất cả các nỗ lực trong tương lai tại liên ngành. Cùng với việc xem xét các công việc học tập, nó cũng sẽ tìm cách để vẽ ra các mối quan hệ cho việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, từ công việc kinh doanh của pháp luật và chính quyền [11]. Nghiên cứu khu vực học thoạt đầu cũng có nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần nghiên cứu thông qua các nguồn tài liệu trên các ấn phẩm được lưu trữ hoặc các nguồn thông tin được cung cấp qua các kênh thông tin đại chúng nhưng trên thực tế, đại đa số các ý kiến khác lại cho rằng, nghiên cứu khu vực học là phải nghiên cứu tại thực địa bởi chỉ có thực địa mới có thể đưa ra được kết quả sát thực và đầy đủ khách quan nhất. Một nhà nghiên cứu khu vực học người Mỹ, David Szanton đã nêu khái niệm khu vực học như sau: “Hiểu một cách rõ ràng nhất thì khu vực học là một nhóm gồm nhiều lĩnh vực và hoạt động học thuật với những đặc điểm chung sau đây: (1) Nghiên cứu sâu về ngôn ngữ; (2) Nghiên cứu điền dã sâu bằng tiếng bản địa; (3) Nghiên cứu kĩ các sự kiện lịch sử địa phương, các quan điểm, các tài liệu, tư liệu, các tri thức về địa phương; (4) Kiểm tra, thảo luận, phê phán hay phát triển các lí thuyết cơ bản dựa trên những quan sát cụ thể; (5) Có những thảo luận liên ngành liên quan đến nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn [12]. Cách giải thích trên chứa đựng hàng loạt các ý niệm về đối tượng và phương pháp nghiên cứu, đặc biệt là phương pháp liên ngành trong nghiên cứu khu vực học. Nó giống như một đường hướng nghiên cứu được đông đảo các nhà nghiên cứu không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ đồng thuận. Phương pháp tiếp cận liên ngành là phương pháp liên kết các phương pháp riêng biệt của nhiều ngành khác nhau, như là những phương pháp cụ thể dưới sự chỉ đạo của phương pháp luận mới, để khám phá đối tượng. Liên ngành bao trùm nhất và phổ biến nhất trong việc nghiên cứu văn hóa, là sự kết hợp giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, giữa các ngành khoa học xã hội và nhân văn với nhau. Các ngành khoa học tự nhiên trong đó quan trọng nhất là Địa lí học để xây dựng ngành Địa lí nhân văn; ngành Sinh học, xây dựng ngành Nhân học; ngành Toán học để làm công cụ tính toán định lượng đến định tính... còn các ngành Khoa học xã hội và Nhân văn đương nhiên phải được thâm nhập vào nhau. 2.2. Tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu phát triển du lịch Việc ứng dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành trong phát triển du lịch đã và đang thu hút được ngày càng nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn trong và ngoài 187
  4. Trần Đăng Hiếu nước. Gần đây, năm 2014 Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tư duy hệ thống – liên ngành trong phát triển Du lịch Bền vững”. Tại buổi hội thảo, TS Nguyễn Thu Hạnh đã giới thiệu phương pháp tư duy hệ thống, liên ngành và ứng dụng của nó trong các dự án nghiên cứu phát triển du lịch bền vững tại STDe. Theo TS Hạnh, phương pháp liên ngành ứng dụng trong phát triển du lịch tuy còn khá mới mẻ và còn nhiều trăn trở nhưng phải thừa nhận đây là phương pháp rất ưu việt cho nghiên cứu du lịch bởi tính toàn diện đa chiều cạnh của nó khi nghiên cứu hay tìm hiểu để góp phần làm rõ về một vấn đề hay một đối tượng nào đó. Các đại biểu đến tham dự cũng đều cho rằng “tư duy hệ thống” và “tư duy liên ngành” là cần thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay có rất nhiều biến động. Tuy nhiên, làm thế nào để áp dụng hiệu quả vào thực tiễn công việc thì đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và thực nghiệm chuyên sâu và lâu dài. Tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu phát triển du lịch qua đề tài cấp Nhà nước do GS.TS Trương Quang Hải chủ trì được làm rõ như sau: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành và liên vùng cao. Liên ngành được định nghĩa theo tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (O.E.C.D) là “một danh từ mô tả sự tương tác giữa hai hoặc nhiều hơn ngành khoa học khác nhau. Mối quan hệ tương tác đó có thể kể từ việc truyền thông đơn giản những ý tưởng đến sự tích hợp lẫn nhau trong việc tổ chức ra những khái niệm, phương pháp luận, thủ tục, thuật ngữ, dữ liệu và những tổ chức nghiên cứu và giáo dục trong một diện trường thật rộng lớn”. Liên ngành được tiếp cận theo ba mức độ: (i) Dùng khái niệm và phương pháp ngành này áp dụng cho ngành kia; (ii) Vận dụng những quy luật của ngành này vào ngành khác để làm hậu thuẫn cho việc minh giải quy luật hoặc định hướng tìm tòi cho một ngành khác; (iii) Xác định điểm giao thoa giữa các ngành của bộ môn khu vực học. Du lịch là ngành kinh tế có nhiều mối quan hệ với các ngành kinh tế khác. Một sản phẩm du lịch được cấu thành bởi nhiều thành phần kinh tế, khi một tour du lịch hoàn chỉnh và đến với du khách đã có sự tham gia của các trung tâm du lịch, tổ chức lữ hành, trung tâm xúc tiến du lịch, ngành vận tải, thông tin, an ninh trật tự. Nhận thức được tính liên ngành của du lịch, đề tài sử dụng tiếp cận liên ngành trước hết trong quá trình khảo sát thực địa. Nhóm khảo sát bao gồm nhiều nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực khác nhau như Địa lí, lịch sử, môi trường. . . Nhóm nghiên cứu liên ngành rõ ràng hỗ trợ nhau trong nghiên cứu, các vấn đề được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau mang lại chiều sâu trong nghiên cứu, trong nhiều trường hợp một số giải pháp đưa ra được thảo luận ngay tại điểm khảo sát, các tranh luận thực chứng có sự phản biện trực tiếp giúp sớm tìm ra giải pháp tối ưu nhất [10]. Nhờ tiếp cận liên ngành, nghiên cứu đã đánh giá cả tiềm năng tự nhiên và tiềm năng nhân văn. Trong tiềm năng tự nhiên lại phân ra thành tiềm năng địa chất - địa mạo, khí hậu, thủy văn, sinh vật. . . Sau giai đoạn phân chia, đánh giá thành phần, giai đoạn đánh giá tổng hợp đã đặt các đối tượng du lịch trong tổng thể các nghiên cứu khác nhau, tiếp cận liên ngành như là công cụ để tích hợp các nghiên cứu thành phần khi đánh giá, cho điểm, xếp hạng các di sản. 2.3. Ứng dụng tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Gia Lai Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Gia Lai rất cần đến nhiều phương pháp nghiên cứu trong đó phương pháp nghiên cứu tiếp cận liên ngành là một phương pháp đóng vai trò quyết định bởi lẽ khi nghiên cứu về địa bàn tỉnh Gia Lai đặt trong phạm vi khu vực Tây Nguyên, tác giả cần vận dụng nhiều đến các môn khoa học cũng như các phương pháp nghiên cứu của nhiều bộ môn khoa 188
  5. Tiếp cận liên ngành trong khu vực học với nghiên cứu phát triển du lịch... học khác nhau để luận giải cho những vấn đề của đối tượng mà đề tài nghiên cứu. Cụ thể để nghiên cứu được tiềm năng, hiện trạng của du lịch Gia Lai, tác giả phải biết vận dụng kết hợp nhiều kiến thức của nhiều bộ môn khoa học khác nhau như văn hóa, lịch sử, địa lí, xã hội học, dân tộc học. . . để nghiên cứu một vấn đề hay nhiều vấn đề trong cùng một đối tượng nhằm tìm ra được bản chất khách quan, đầy đủ và toàn diện nhất của vấn đề nghiên cứu để từ đó mới đưa ra được những giải pháp góp phần xây dựng du lịch địa bàn nghiên cứu phát triển bền vững. Chẳng hạn như để đánh giá được đầy đủ về nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh Gia Lai thì tác giả phải kết hợp được nhiều phương pháp nghiên cứu như điền dã, điều tra xã hội học, phân tích đo lường đánh giá hệ sinh thái cảnh quan tự nhiên, phỏng vấn sâu người dân về văn hóa truyền thống trong ăn, mặc, ở, đi lại của họ để tìm ra đặc trưng nhất về văn hóa của cư dân bản địa. Với đề tài nghiên cứu của mình, tác giả nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của lí thuyết khu vực học cũng như phương pháp tiếp cận liên ngành trong việc giải quyết các vấn đề nghiên cứu. Việc đánh giá tài nguyên và hiện trạng phát triển du lịch Gia Lai chỉ là bước đầu để qua đó giúp cho tác giả có cách nhìn được đầy đủ về điều kiện cũng như thực tế của ngành du lịch địa phương. Vấn đề quan trọng là từ đó phải tìm ra được những giải pháp góp phần thúc đẩy du lịch Gia Lai phát triển hiệu quả nhưng phải đáp ứng được yêu cầu về phát triển bền vững. Đây là vấn đề đòi hỏi tác giả phải nghiên cứu tìm hiểu và tổng hợp được các yếu tố, các lĩnh vực, ngành nghề tham gia vào hoạt động du lịch nói chung trên địa bàn. Cụ thể như: - Những định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước trong vấn đề phát triển kinh tế - văn hóa – xã hôi Gia Lai nói chung và phát triển kinh tế ngành du lịch nói riêng. - Sự liên quan mật thiết của các cơ quan ban ngành từ cấp trung ương đến địa phương trong toàn tỉnh cũng như trên địa bàn Vùng kinh tế Tây Nguyên. - Đánh giá phát triển du lịch phải hài hòa với phát triển kinh tế nói chung và đặc biệt là phải giữ gìn được bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư cũng như việc bảo vệ được môi trường tự nhiên không ảnh hưởng đến sự bền vững của xã hội. - Một trong những vấn đề của tỉnh Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung hiện đang phải đối mặt là sự thiếu đồng bộ và không đảm bảo lợi ích hài hòa giữa phát triển kinh tế du lịch với kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp và nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác. Cụ thể như vấn đề thủy điện với việc phát triển du lịch ở các thác nước tự nhiên, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường dân sinh trong khai thác thủy điện chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức, vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục [8]. Hay như vấn đề bảo vệ rừng đặc dụng với phát triển loại hình du lịch sinh thái, vấn đề phát triển du lịch văn hóa cộng đồng trước sự phát triển của tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn còn nhiều bất cập. Thực tế, nếu tách biệt các môn khoa học khác nhau thì cũng là một cách để tác giả xây dựng luận điểm nghiên cứu và chứng minh bảo vệ các quan điểm nhận định của mình đưa ra nhưng quả thật nếu tách rời các kiến thức ngành riêng biệt để nghiên cứu vấn đề phát triển du lịch mà không biết kết hợp các môn khoa học chuyên ngành lại với nhau dựa trên phương pháp nghiên cứu tiếp cận liên ngành thì quả là thiếu sót, kém hiệu quả và chưa chắc đã đưa lại được kết quả đánh giá khách quan, đầy đủ về đối tượng hay vấn đề nghiên cứu bởi du lịch được coi là ngành kinh tế tổng hợp bởi các thành phần, đối tượng tham gia trong nó rất phong phú, đa dạng như: - Khách du lịch - Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú, vận chuyển, nhà hàng, các khu vui chơi giải trí. . . 189
  6. Trần Đăng Hiếu - Các cơ quan quản lí Nhà nước về du lịch, chính quyền sở tại. - Các cơ quan hữu quan và các ban ngành khác - Các đối tượng khách thể trong khai thác phát triển du lịch như tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn. - ... Trong những năm gần đây, cùng hòa chung với sự phát triển đi lên của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội thì ngành kinh tế du lịch ngày càng trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến, khi đời sống người ngày càng được cải thiện và nâng cao, nhu cầu đi du lịch để nghỉ ngơi giải trí nhằm tái tạo sức lao động cũng tăng lên, không những thế, đi du lịch có thể nói đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hiện đại, ở góc độ nào đó nó trở thành tiêu chuẩn để đánh giá mức sống và chất lượng cuộc sống của các tầng lớp dân cư trong xã hội. Việt Nam là một đất nước có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng phong phú đa dạng khi có vị trí địa lí thuận lợi hội tụ được nhiều dạng thức và loại hình tự nhiên như biển đảo, sông hồ, núi non, rừng nguyên sinh cùng với nó là hệ sinh thái động thực vật phong phú, các dạng địa hình địa chất độc đáo mà điển hình là dạng hang động Kart. Bên cạnh đó, với lịch sử đất nước con người Việt Nam hàng nghìn năm cũng đóng góp to lớn cho ngành du lịch những nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, phong phú về di sản văn hoá, các làng nghề và các lễ hội truyền thống gắn với các nhóm dân tộc của cả nước. Tất cả đều là các yếu tố hết sức thuận lợi cho Việt Nam để phát triền ngành kinh tế du lịch. Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang có nhiều biến chuyển, tuy nhiên ngành nông nghiệp vẫn được coi là ngành kinh tế chính, mặc dù ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu gạo đứng thứ hai thứ ba trên thế giới song vẫn chưa mang lại thu nhập cao cho người dân, bên cạnh đó là ngành công nghiệp lại cần đến lượng vốn đầu tư khoa học kĩ thuật lớn, thời gian hoàn vốn lâu thì ngành du lịch - một ngành kinh doanh dịch vụ, được coi như là một ngành công nghiệp không khói do lượng vốn cần đầu tư không quá nhiều và thời gian thu lợi nhuận nhanh, đang dần trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. Phát triển du lịch không chỉ tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho đất nước, đóng góp tích cực vào hoạt động xuất khẩu tại chỗ mà còn góp phần quan trọng tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho cộng đồng ở những vùng còn khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch và tổng thể nền kinh tế quốc dân; tạo sức “lan toả”, động lực và thị trường kéo theo nhiều ngành kinh tế có liên quan như giao thông vận tải, đặc biệt là hàng không, thương mại, xây dựng, nông nghiệp... cùng phát triển. Ngoài ý nghĩa về kinh tế - xã hội, phát triển du lịch còn góp phần quan trọng vào nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, phát triển giao lưu văn hoá và qua đó tăng cường hiểu biết, hữu nghị giữa các dân tộc. Phát triển du lịch còn có những đóng góp tích cực trong việc nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân Việt Nam. Đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, du lịch góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Du lịch chính là chiếc cầu nối góp phần thúc đẩy nền kinh tế, là bộ mặt của một đất nước, kinh tế muốn phát triển thì phải đẩy mạnh du lịch phát triển và du lịch muốn phát triển mạnh thì các cấp lãnh đạo phải biết quan tâm và cân nhắc các chính sách phải triển sao cho phù hợp với tình hình kinh tế. Để có một sản phẩm du lịch hoàn hảo, hấp dẫn và thu hút được khách du lịch là điều không hề đơn giản, bởi du lịch có mối quan hệ sâu sắc với các ngành kinh tế phụ trợ khác như: Y tế, thương mại, tài chính, an ninh, hải quan, giao thông vận tải, khách sạn. Muốn phát triển du lịch một cách bền vững ta phải xem xét mối quan hệ giữa ngành du lịch với các ngành kinh tế phụ trợ và phối hợp nhịp nhàng các ngành đó để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Do vậy, có thể nói rằng 190
  7. Tiếp cận liên ngành trong khu vực học với nghiên cứu phát triển du lịch... du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, nó mang tính liên ngành, liên vùng và phức tạp. Để phát triển du lịch tại một địa bàn, khu vực cụ thể nào đó thì nó luôn đòi hỏi những nhà hoạch định nghiên cứu chiến lược phải có tư duy tổng hợp, liên ngành, kết hợp nhiều góc nhìn từ nhiều lĩnh vực: kinh tế, môi trường, văn hóa, lịch sử, địa lí, quan hệ quốc tế. . . để nghiên cứu đối tượng. Trên thực tế đã có những dự án đầu tư khai thác phát triển du lịch “có vẻ như” đã đạt được những ưu thế khi tổ chức những cuộc hội thảo, chuyên đề để tranh thủ ý kiến nhiều chiều của nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để dự án có thể đạt tính khả thi cao. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động phát triển du lịch của Việt Nam trong thời gian qua và ngay cả cho đến thời điểm hiện tại cũng vẫn còn nhiều bất cập và thiếu tính chuyên nghiệp, không đảm bảo cho phát triển bền vững chung cho kinh tế - văn hóa – xã hội của cả nước. Đó là sự phát triển thiếu quy hoạch, thiếu tính đồng bộ, liên ngành trong đánh giá đối tượng chưa được nghiêm túc đánh giá đúng mức độ quan trọng của nó vì vậy dễ mang lại tính cục bộ trong phát triển. 3. Kết luận Tóm lại, du lịch Việt Nam trong thời gian qua mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể góp phần không nhỏ trong công cuộc đổi mới phát triển đất nước nhưng cũng còn không ít những hạn chế đòi hỏi các nhà quản lí, các nhà khoa học và cộng đồng nói chung phải chung tay cải cách và khắc phục những điểm yếu, phát huy những điểm mạnh để phát triển ngành du lịch xứng đáng với tiềm năng của nó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và hình ảnh của quốc gia trong con mắt của bạn bè quốc tế. Những vấn đề còn hạn chế của ngành du lịch dưới góc nhìn của liên ngành trong nghiên cứu có thể tóm tắt như sau: - Hiệu lực quản lí nhà nước về du lịch còn thấp: Tổ chức bộ máy quản lí thiếu ổn định; chưa chú trọng hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch, đặc biệt là hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Du lịch. - Vai trò của Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương trong phối hợp giữa các cấp, các ngành thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch và hợp tác quốc tế chưa được phát huy đầy đủ. - Mô hình tổ chức quản lí hoạt động du lịch theo lãnh thổ, đặc biệt ở cấp vùng du lịch chưa rõ. - Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch và bảo tồn các giá trị tự nhiên, văn hoá; gắn du lịch với xoá đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh, quốc phòng chưa được sử dụng có hiệu quả, đầu tư thiếu tập trung. - Hệ thống các chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch với tư cách là một ngành kinh tế mũi nhọn còn chưa đồng bộ, mặc dù Luật Du lịch đã được thực hiện. Để du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, cần thiết phải có một chính sách tổng thể trên bình diện quốc gia, theo đó dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các ngành liên quan như giao thông, văn hóa, tài nguyên môi trường... phải thực sự là đối tác trong một thể thống nhất trợ giúp du lịch phát triển với mục tiêu mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Các chính sách này cho tới nay chưa thực sự hướng tới mục tiêu chung “xuất khẩu tại chỗ” thông qua du lịch. - Các hình thức kinh doanh ở nhiều nơi phát triển mang tính tự phát; thiếu sự gắn kết, phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương, thiếu tính gắn kết vì mục tiêu chung giữa các doanh 191
  8. Trần Đăng Hiếu nghiệp kinh doanh du lịch và các dịch vụ liên quan khác. Nhiều nơi khai thác tài nguyên du lịch kém hiệu quả, thiếu tính bền vững. - Du lịch Việt Nam còn thiếu những sản phẩm du lịch đặc sắc mang bản sắc riêng của Việt Nam, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế để thu hút khách từ những thị trường trọng điểm, có khả năng chi trả cao; chưa có những thương hiệu du lịch nổi bật. Mặc dù nhiều điểm du lịch có lợi thế so sánh như vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, phố cổ Hội An, v.v. song có nhiều vấn đề đặt ra với việc quy hoạch và quản lí quy hoạch phát triển du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch... Hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ sở vui chơi giải trí, các dịch vụ, hệ thống quà lưu niệm du lịch đặc trưng các vùng, miền trên phạm vi cả nước còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ, chất lượng chưa cao. - Năng lực đội ngũ lao động tham gia hoạt động du lịch (từ quản lí đến tác nghiệp) còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo về số lượng và trình độ nghiệp vụ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch; đến khả năng tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch và vì vậy sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng hạn chế tác động của cộng đồng đối với tài nguyên và môi trường du lịch, đến khả năng cạnh tranh và hội nhập của du lịch Việt Nam. - Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; môi trường du lịch trên phạm vi cả nước, đặc biệt ở những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch như Hạ Long - Cát Bà, Huế - Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu... đã có sự suy thoái do tác động của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nguy cơ ô nhiễm do sự cố môi trường có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, nhưng quan trọng nhất là cho đến nay sự phối hợp giữa du lịch với các ngành có liên quan, giữa ngành du lịch với các địa phương, đặc biệt là các địa phương trong các địa bàn trọng điểm du lịch, còn nhiều bất cập. Mặc dù Ban chỉ đạo quốc gia về du lịch đã ra đời nhưng hiệu quả hoạt động của cơ chế này chưa đạt được như mong muốn. - Công tác quy hoạch nhất là quy hoạch tổng thể phát triển du lịch các vùng chưa sát với thực tiễn nên chưa tạo được sự gắn kết các sản phẩm giữa các địa phương trong vùng và sản phẩm liên vùng. - Công tác bảo tồn, tôn tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Mặc dù Luật Du lịch đã quy định “Nhà nước thống nhất quản lí tài nguyên du lịch”, tuy nhiên trên thực tế ngành Du lịch không quản lí bất kì dạng tài nguyên du lịch nào. Điều này dẫn tới nguy cơ tài nguyên du lịch bị khai thác bừa bãi, xuống cấp nhanh chóng do tầm nhìn ngắn hạn trong quản lí, lợi ích cục bộ giữa các địa phương, các ngành và bệnh “thành tích”, cơ chế “xin-cho” trong khi “tiếng nói” của ngành Du lịch không có ý nghĩa quyết định. - Việc phối hợp liên ngành giữa du lịch với các ngành liên quan còn chưa chặt chẽ. Trong quá trình hội nhập quốc tế, du lịch Việt Nam chưa hoàn toàn bắt kịp và khai thác tốt các cơ hội cho phát triển du lịch. Phương pháp liên ngành trong khu vực học nói riêng và trong các môn khoa học xã hội và nhân văn ngày nay nói chung đang là một phương pháp khoa học dần trở nên phổ biến và có hiệu quả cao trong việc đánh giá được vấn đề, đối tượng nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện. Việc áp dụng phương pháp liên ngành sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, chiến lược phát triển, vùng, quốc gia và khu vực có được cơ sở vững chắc và đa chiều để thực hiện tôt vai trò nhiệm vụ của mình trong vấn đề nghiên cứu phát triển. 192
  9. Tiếp cận liên ngành trong khu vực học với nghiên cứu phát triển du lịch... TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Lê Bảo, 2009. Khu vực học và Nhập môn Việt Nam học. Nxb Giáo dục Việt Nam. [2] Phạm Đức Dương, 2002. Từ văn hóa đến văn hóa học. Viện Văn hóa & Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. [3] Nguyễn Tri Nguyên, 2011. “Văn hóa học – quan điểm tiếp cận liên ngành”. http://www.vanhoa hoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/vhh-phuong-phap-nc/2086-van-de-lien-nganh-trong-van -hoa-hoc-2-van-hoa-hoc-quan-diem-tiep-can-lien-nganh.html. [4] Lưu Minh Văn, 2010. Nghiên cứu liên ngành khoa học xã hội và đào tạo chính trị học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [5] Nguyễn Văn Hậu. Văn hóa học là khoa học liên ngành. http://huc.edu.vn /chi-tiet/732/Van-hoa-hoc-la-khoa-hoc-lien-nganh.html. [6] Phạm Đức Dương, 2000. Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á. Nxb Khoa học Xã hội. [7] Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005. Hội thảo khoa học Nghiên cứu và đào tạo về Khu vực học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [8] Nguyễn Lập Dân, Nguyễn Đình Ninh, Lại Tiến Vinh, Nguyễn Thị Thanh Hoàng, 2013. Đánh giá các mâu thuẫn trong việc khai thác sử dụng nước ở Tây Nguyên. Tuyển tập Hội nghị Địa lí toàn Quốc lần thứ 7. [9] Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, 2010. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. [10] Trương Quang Hải, 2016. Báo cáo tổng hợp nghiên cứu, đánh giá tổng hợp tài nguyên du lịch, hoạch định không gian và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch ở Tây Nguyên. Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. [11] Frodeman, Klein, and Mitcham, eds., June, 2010. “Oxford Handbook of Interdisciplinarity”, Oxford University Press, http://csid.unt.edu/research/ OxfordHandbookofInterdisciplinarity/index.html [12] David L.Santon, 2002. “The Politics of Knowledge: Area Studies and the Disciplines”. California University Press.http://escholarship.org/uc/item/59n2d2n1page-4 ABSTRACT Interdisciplinary study in regionology with the tourism development Tran Dang Hieu Faculty of Vietnam Study, Hanoi National University of Education Nowadays, in the studies of human society (social sciences) and human culture (humanities) as well as in many other scientific disciplines, regionology is considered as a science that presents itself a strong coherence. Thanks to its highly interdisciplinary character, regionology also provides other fields of scholarship, especially those of social sciences and humanities, with basic foundation for their specific studies, exploitation and bringing about outcomes that orientate issues and objects (of study).Tourism is seen as a multi-sectoral economic industry. In response to the demand of development and integration, tourism professionals are required to continuously carry out research and studies and produce results that can be of use in tourism development to ensure its industry’s effectiveness and sustainability. Inter-disciplinary study is a preeminent methodology for such a multi-sectoral economic industry as tourism of today. Keywords: Regionology, tourism development, interdisciplinary study. 193
nguon tai.lieu . vn