Xem mẫu

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0072 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 140-148 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG SẢN XUẤT RAU Ở THÀNH PHỐ HÀ NỘI Vũ Thị Mai Hương Khoa Địa lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích tiềm năng và thực trạng sản xuất rau ở thành phố (TP) Hà Nội từ năm 2001 đến 2014 theo 2 giai đoạn là trước và sau khi mở rộng địa giới hành chính. Số liệu trình bày trong nghiên cứu được tổng hợp từ các báo cáo của Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội và số liệu thống kê của Cục Thống kê TP Hà Nội. Phương pháp chính được sử dụng là phương pháp thống kê kinh tế. Kết quả phân tích chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến ngành sản xuất rau của Hà Nội chuyển biến chậm và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường TP. Từ khóa: Thành phố Hà Nội, sản xuất rau, tiềm năng và thực trạng. 1. Mở đầu Rau là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Với dân số 7.26 triệu người và khoảng 3 triệu người lưu trú thường xuyên, nhu cầu tiêu thụ rau của TP Hà Nội rất lớn, khoảng trên 1 triệu tấn/năm [1-6]. Trình độ dân trí và mức sống của người dân Hà Nội khá cao nên yêu cầu rau phải đa dạng chủng loại và đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất cao. Tuy nhiên, sản lượng rau của TP chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, trong đó rau an toàn (RAT) mới đáp ứng được 20% [9]. Thực hiện bài nghiên cứu này, chúng tôi mong muốn đánh giá đúng những thuận lợi và khó khăn, những kết quả và hạn chế trong sản xuất rau ở Hà Nội; thông qua đó trả lời được câu hỏi tại sao ngành này lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu rau của TP. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Tiềm năng để phát triển sản xuất rau ở thành phố Hà Nội 2.1.1. Vị trí địa lí Với vị thế là thủ đô - trái tim của cả nước, ngành sản xuất rau của Hà Nội có ưu thế hơn hẳn ngành sản xuất rau của các địa phương khác trong cả nước: vừa có thị trường tiêu thụ tại chỗ rộng lớn; vừa được các ngành chức năng quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn, tập huấn và chuyển giao tiến bộ kĩ thuật. Hà Nội lại có hệ thống giao thông đường bộ khá phát triển. Ngoài 7 tuyến quốc lộ đi qua trung tâm và một số tuyến cao tốc hướng tâm, Hà Nội đã đầu tư xây mới hàng loạt các trục chính Ngày nhận bài: 1/1/2016. Ngày nhận đăng: 5/5/2016 Liên hệ: Vũ Thị Mai Hương, e-mail: huongvmh@yahoo.com. 140
  2. Tiềm năng và thực trạng sản xuất rau ở thành phố Hà Nội trong lõi đô thị, các nút giao thông, các cây cầu vượt sông và các tuyến đường bộ trên cao. Các tuyến tỉnh lộ quan trọng, các tuyến giao thông nông thôn cũng được nâng cấp, mở rộng. Đặc biệt, việc xây dựng thêm các cây cầu vượt sông như cầu Thanh Trì (2/2007), Vĩnh Tuy (9/2010), Phù Đổng 2 (1/2012), Vĩnh Thịnh (6/2014), Đông Trù (10/2014), Nhật Tân (1/2015) sẽ giúp tiêu thụ nhanh chóng, kịp thời rau xanh - là các mặt hàng chóng hỏng và khó vận chuyển xa. 2.1.2. Điều kiện tự nhiên a. Đất Hà Nội có quỹ đất khá đa dạng, được hình thành từ 7 nhóm đất với 21 loại đất khác nhau. Trong đó, đáng chú ý là nhóm đất phù sa, rất màu mỡ và có diện tích lớn nhất (chiếm 36.13% diện tích tự nhiên) [7], thích hợp phát triển nhiều chủng loại rau. Hà Nội còn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp tương đối lớn. Đặc biệt, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là điều kiện thuận lợi để mở rộng và phát triển các vùng chuyên canh rau. Tuy nhiên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp (nhất là đất trồng cây hàng năm) bị thu hẹp khá nhanh do tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa cao. Diện tích đất trồng cây hàng năm giảm 3946 ha trong thời kì 2001 - 2007 (564 ha/năm) và giảm 6859 ha ở thời kì 2008 - 2014 (980 ha/năm). Song đáng mừng là trong các loại đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây hàng năm khác (gồm cả đất trồng rau) vẫn có xu hướng tăng diện tích ở cả hai thời kì. Rau vốn là cây trồng ngắn ngày, có thể trồng nhiều vụ trong năm; có thể trồng xen, gieo lẫn, trồng gối nhiều loại khác nhau nên ngành sản xuất rau của Hà Nội càng có điều kiện thuận lợi để phát triển. Bảng 1. Tình hình sử dụng đất sản xuất nông nghiệp của TP Hà Nội [2] Chỉ tiêu Tình hình sử dụng đất Biến động (+) tăng; (-) giảm 2001 2007 2008 2014 2007-2001 2014-2008 Đất sản xuất nông nghiệp (ha) 41323 37857 156646 150683 -3466 -5963 - Đất trồng cây hàng năm 39570 35624 141029 134170 -3946 -6859 Đất trồng lúa 34464 27966 120074 112793 -6498 -7281 Đất cỏ dùng vào chăn nuôi 88 176 642 624 +88 -18 Đất trồng cây hàng năm khác 5018 7482 20313 20753 +2464 +440 - Đất trồng cây lâu năm 1753 2233 15617 16513 +480 +1178 Đất sản xuất nông 140 116 246 207 -24 -39 nghiệp/người (m2 ) b. Khí hậu Khí hậu Hà Nội mang đặc thù của khí hậu nhiệt đới gió mùa [3]. Mùa đông lạnh rõ rệt so với mùa hè, chênh lệch nhiệt độ lên tới 120C. Trung bình tháng lạnh nhất khoảng 150C. Đây là điều kiện để phát triển cây rau vụ đông có giá trị kinh tế cao. Mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ trung bình 300C. Các loại rau nhiệt đới sinh trưởng rất thuận lợi. Độ ẩm trung bình trên 80%, thích hợp cho nhiều loại rau phát triển. Lượng mưa trung bình 1700 - 1800mm, có khoảng 150 ngày mưa, đáp ứng được nhu cầu nước tưới cho rau. Tuy nhiên, lượng mưa tập trung chủ yếu vào mùa hè, chiếm khoảng 76 - 78% lượng mưa cả năm. Lượng mưa phân bố không đều sẽ gây khó khăn cho sản xuất rau: gây úng ngập vào mùa mưa, gây khô hạn thiếu nước vào mùa khô. c. Thủy văn 141
  3. Vũ Thị Mai Hương Hà Nội có mạng lưới sông ngòi khá dày đặc với nhiều khúc sông lớn chảy qua như sông Hồng, sông Đáy, sông Tích, sông Đà, sông Đuống. . . [8]. Các con sông này vừa vận chuyển phù sa bồi đắp cho đồng ruộng, vừa là nguồn cung cấp nước chủ yếu để tưới cho rau. TP còn có hơn 40 hồ, đầm lớn nhỏ. Chúng có vai trò quan trọng trong việc chống úng, chống hạn cho cây trồng nói chung và cây rau nói riêng. Hà Nội cũng có nguồn nước ngầm khá phong phú hiện đang được khai thác để cung cấp nước tưới cho rau, đặc biệt các vùng rau cách xa các con sông lớn. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh đã làm cho nhiều dòng sông bị ô nhiễm. Trong khu vực nội thành, bốn con sông tiêu thoát nước thải của thành phố (sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét) đã bị ô nhiễm nặng. Ở ngoại thành, các con sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ, sông Cầu Bây... đều bị ô nhiễm, nặng nhất là sông Nhuệ [8]. Nước sông bị ô nhiễm sẽ không đủ tiêu chuẩn để tưới cho rau, sẽ làm cho rau không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 2.1.3. Điều kiện kinh tế - xã hội a. Dân cư và nguồn lao động Quy mô dân số đông, gia tăng dân số vẫn ở mức cao. Dân số của Hà Nội năm 2014 là 7265.6 nghìn người, xếp thứ hai cả nước sau TP Hồ Chí Minh. Tốc độ gia tăng dân số của Hà Nội giai đoạn 2001 - 2007 là 3.0%/năm, giai đoạn 2008 - 2014 là 2.3%/năm [2]. Hà Nội hiện là địa phương có tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng, đồng thời cũng là địa bàn nhập cư lớn thứ hai cả nước sau TP Hồ Chí Minh. Dân số đông, tăng nhanh đòi hỏi nhu cầu tiêu thụ rau ngày càng lớn. Mức sống của dân cư ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội thường chỉ đứng sau TP Hồ Chí Minh. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 là 35.3 triệu đồng, tăng 2.3 lần so với năm 2008 (15.6 triệu đồng) và cao gấp 4.8 lần so với năm 2002 (7.4 triệu đồng) [6]. Đời sống nhân dân được nâng cao nên yêu cầu về chủng loại rau sẽ phong phú và đa dạng, đủ về số lượng, tốt về chất lượng. Số lượng lao động nông nghiệp vẫn còn khá lớn (năm 2012 tỉ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 48% lao động xã hội khu vực nông thôn) [3] song đã giảm đi đáng kể cả trước và sau khi Hà Nội mở rộng. Đây là xu hướng tiến bộ và cũng là trở ngại lớn đối với sản xuất rau. Rau là cây trồng đòi hỏi đầu tư nhiều công lao động nên ngành sản xuất rau sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động, khó thuê lao động, giá thuê lao động cao. Tuy nhiên, lao động nông nghiệp của TP hiện nay đa số là lao động trẻ, có trình độ văn hóa, có tri thức, tiếp thu nhanh tiến bộ kĩ thuật và công nghệ mới nên rất thuận lợi để phát triển sản xuất rau, đặc biệt là những chủng loại rau cao cấp. b. Tiềm lực khoa học - công nghệ Hà Nội là nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu và các cán bộ khoa học có bằng cấp cao nên có tiềm lực khoa học - công nghệ lớn mạnh nhất trong cả nước. Nguồn lực chất xám này là một lợi thế to lớn của Hà Nội so với các địa phương khác trong quá trình hợp tác, nghiên cứu, ứng dụng và triển khai để đưa tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất rau. c. Thị trường tiêu thụ Kinh tế có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Dân số đông thứ hai cả nước. Thu nhập thuộc vị trí hàng đầu cả nước. Công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển mạnh nhất cả nước. Du lịch đứng trong tốp hai TP thu hút lượng khách du lịch nhiều nhất cả nước. Chưa kể một số lượng không nhỏ học sinh, sinh viên, người lao động từ các địa phương khác đang học tập, làm việc, sinh sống trên địa bàn. Mà rau lại là loại thực phẩm không thể thiếu, không thể thay thế trong bữa ăn hàng ngày 142
  4. Tiềm năng và thực trạng sản xuất rau ở thành phố Hà Nội của mỗi gia đình. Vì vậy, thị trường vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với ngành trồng rau của thủ đô. d. Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật Trong những năm qua TP đã chú trọng đầu tư hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, nhà lưới. . . cho nhiều vùng sản xuất rau, đặc biệt là sản xuất RAT. Hà Nội đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về quy mô, chất lượng hệ thống giao thông nông thôn. Trong 21471 km đường của thủ đô thì có tới 19563 km (chiếm 91%) là đường kết nối và phục vụ giao thông nông thôn. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã, 95% đường trục thôn, liên thôn đã được cứng hóa theo tiêu chuẩn kĩ thuật quốc gia; 91% đường ngõ xóm được cứng hóa đáp ứng quy định không lầy lội về mùa mưa trở lên; 50% đường trục chính nội đồng được cứng hóa bằng bê tông xi măng, cấp phối [5]. Ngoài ra, để việc khai thác, sử dụng hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn có hiệu quả, TP còn đẩy mạnh hoàn thành, đưa vào phục vụ 7 cầu vượt kết cấu thép tại các nút giao lớn. Nhiều đoạn trên các tuyến quốc lộ, đường hướng tâm như: quốc lộ 32, đường 1A, quốc lộ 5, vành đai 1 - 2 - 3 - 3,5 cùng 30 công trình phục vụ giao thông trọng điểm khác được xây mới, nâng cấp. Người trồng rau có thể dễ dàng lưu thông từ khu vực ngoại thành đến các vùng cửa ngõ, vào khu vực nội thành. Nhờ đó mà việc vận chuyển rau xanh trở nên dễ dàng và tiết kiệm thời gian, chi phí gấp nhiều lần trước đây. Tuy vậy, hiện vẫn còn một số vùng rau chưa được đầu tư xây dựng đường bê tông nội đồng cộng với một số bờ ruộng quá nhỏ nên rất khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển vật tư, sản phẩm rau thu hoạch. Hà Nội hiện có 9 hệ thống giếng khoan công suất lớn (có thể đáp ứng tưới thường xuyên cho 90 - 110 ha rau) và 21230 giếng khoan nhỏ (có khả năng tưới cho 3050 ha). Nhiều xã, đặc biệt các xã có diện tích rau nằm gần các con sông lớn (sông Hồng, sông Cà Lồ, sông Đuống. . . ) đã đầu tư hệ thống kênh mương để dẫn nước tưới cho rau. Tổng chiều dài kênh mương bê tông phục vụ dẫn nước tưới rau ở các xã là 580 km; có khả năng cung cấp nước tưới cho 6325 ha đất sản xuất rau [9]. Tuy nhiên, số lượng giếng khoan công suất lớn và công suất nhỏ còn ít, đồng thời nhiều kênh mương bê tông đã xuống cấp nên không đáp ứng đủ nhu cầu tưới cho rau, đặc biệt là mùa khô. Hà Nội cũng xây dựng được 1150.2 ha nhà lưới và nhà màn che phủ nilon sử dụng cho sản xuất RAT trái vụ [9]. Nhưng diện tích nhà lưới, nhà màn còn rất thấp và mới chỉ tập trung ở một số xã, phường vùng chuyên canh rau (che phủ nilon 1025 ha: Đông Anh: 800 ha, Mê Linh: 100 ha, Thường Tín: 50 ha...; nhà lưới 125.2 ha: Gia Lâm: 38.5 ha, Hoàng Mai: 45 ha, Thường Tín: 38 ha...) nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất. Do vậy, khi gặp thời tiết nắng nóng, mưa bão, chất lượng rau cũng như sản lượng rau (đặc biệt là rau ăn lá) dễ bị giảm sút và gây thất thu cho người sản xuất. Để nâng cao giá trị của cây rau, hoạt động chế biến cũng bước đầu được quan tâm. Đến nay, toàn TP đã xây dựng được 8 cơ sở sơ chế RAT gắn với vùng sản xuất tập trung có công suất lớn từ 3 - 7 tấn/ngày tại các xã Văn Đức, Yên Mỹ, Duyên Hà, Thanh Đa, Tiền Lệ, Chúc Sơn, Đặng Xá, Nam Hồng và 42 cơ sở sơ chế nhỏ của các hợp tác xã, doanh nghiệp với công suất trung bình từ 200 - 1000 kg/ngày [9]. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và giải quyết đầu ra cho sản xuất rau, hệ thống bán buôn và bán lẻ rau xanh ở Hà Nội cũng khá phát triển. Tính đến năm 2014, trên địa bàn TP có 426 chợ (trong đó có 3 chợ đầu mối bán buôn rau), 19 trung tâm thương mại, 103 siêu thị (có 35 siêu thị đang tiêu thụ RAT) và 58 cửa hàng, điểm bán RAT [9]. Đây thực sự là cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, tạo đà phát triển cho ngành sản xuất rau ở Hà Nội. Song nhìn chung, số lượng rau tiêu thụ qua kênh thương mại hiện đại còn chiếm tỉ lệ nhỏ. 143
  5. Vũ Thị Mai Hương 2.2. Thực trạng sản xuất rau ở thành phố Hà Nội Rau, đậu thực phẩm luôn được xác định là cây trồng mũi nhọn của nông nghiệp thủ đô. Nhóm cây trồng này cho hiệu quả kinh tế cao thứ hai sau nhóm cây ăn quả. Trong đó, cây rau chiếm ưu thế cả về giá trị và diện tích so với cây đậu đỗ. Diện tích rau của Hà Nội hiện đứng thứ 8 cả nước và đứng thứ 2 ở vùng đồng bằng sông Hồng. 2.2.1. Cây rau Sản xuất rau có nhiều biến động. Từ năm 2001 đến 2004, diện tích rau có xu hướng tăng do người dân lựa chọn cây rau để thay thế một số cây trồng truyền thống có giá trị thấp và mở rộng diện tích rau vụ đông xen giữa hai vụ lúa. Từ năm 2005 đến 2007, diện tích rau giảm rõ rệt. Đô thị hóa diễn ra nhanh làm tăng giá đất và tạo nhiều việc làm cho thu nhập cao nên nhiều nông dân không còn mặn mà với nghề trồng rau. Bảng 2. Diện tích, năng suất, sản lượng rau giai đoạn 2001 - 2014 [1] Năm Diện tích (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn) 2001 7484 189.0 141422 2003 8607 176.6 151997 2005 8125 185.3 150587 2007 7989 195.8 156421 2008 28539 171.6 489712 2010 27256 192.4 524416 2012 28500 193.0 550148 2014 29407 200.0 588140 Giai đoạn 2008 - 2014, diện tích và sản lượng rau có xu hướng tăng. Nhờ mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có diện tích đất đai rộng lớn, trù phú, thích hợp cho canh tác rau. Cơ sở hạ tầng đường xá ngày càng được cải thiện giúp vận chuyển sản phẩm nhanh hơn, dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn nên diện tích canh tác rau không chỉ tập trung ở các huyện ven đô mà đã mở rộng ra nhiều huyện xa đô. Với diện tích rau như trên Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, lượng rau còn lại được cung cấp từ các địa phương khác như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương... Sản phẩm rau sau thu hoạch chủ yếu tiêu thụ ở dạng rau tươi. Sản xuất rau ở Hà Nội diễn ra quanh năm với đủ các loại rau của bốn mùa. Tuy nhiên, rau vẫn được sản xuất theo hai vụ chính: vụ đông xuân và vụ mùa. Bảng 3. Diện tích, năng suất, sản lượng rau theo mùa vụ giai đoạn 2001 - 2012 [1] Năm Vụ đông xuân Vụ mùa Diện tích Năng suất Sản lượng Diện tích Năng suất Sản lượng (ha) (tạ/ha) (tấn) (ha) (tạ/ha) (tấn) 2001 5482 166.1 91049 2002 251.6 50373 2003 6321 160.5 101476 2286 221.0 50521 2005 5713 178.0 101689 2412 202.7 48898 2007 5402 183.7 99213 2587 221.1 57208 2008 21616 167.5 362040 6923 184.4 127672 2010 20581 179.9 370295 6675 230.9 154121 2012 21300 186.9 398100 7200 211.2 152048 144
  6. Tiềm năng và thực trạng sản xuất rau ở thành phố Hà Nội Vụ đông xuân (bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau) là vụ rau chính, cho diện tích và sản lượng rau cao (chiếm khoảng 2/3 diện tích và sản lượng rau cả năm). Chủng loại rau rất phong phú. Vụ đông xuân có ưu thế rất lớn là thời tiết phù hợp với nhiều loại rau nên không cần áp dụng các biện pháp che đậy, kích thích quá khắt khe nhưng rau vẫn cho năng suất cao. Vụ này cũng ít sâu bệnh hơn vụ mùa. Vụ mùa (từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm) cả diện tích, sản lượng và chủng loại rau đều giảm. Rau vụ mùa chiếm tỉ trọng thấp là do khó khăn của điều kiện thời tiết (nắng to và mưa to) nên khó sản xuất; do hạn chế về đất đai (diện tích chuyên rau ngoài bãi bị ngập lụt) không thể tiến hành sản xuất. Ngoài ra còn do nguyên nhân thiếu các giống rau thích hợp với điều kiện mùa hè. Tuy nhiên, do áp dụng phổ biến biện pháp che phủ nilon và do có nền nhiệt độ cao, cây rau sinh trưởng và phát triển nhanh, cho nhiều lứa, nên năng suất rau vụ mùa vẫn cao hơn rau vụ đông xuân. Đặc biệt là nhờ có kĩ thuật che phủ nilon (giúp cây hạn chế ánh sáng, mưa; giảm lượng nước tưới, sâu bệnh. . . ), những năm gần đây một số vùng ngoại thành Hà Nội đã trồng thành công nhiều loại rau trái vụ (rau cải, su hào. . . ). Do đặc thù sản xuất rau mang tính thời vụ, không đồng đều nên ở một số thời điểm bị dư thừa rau (vụ đông xuân), gây khó khăn cho tiêu thụ, một số thời điểm lại thiếu hụt rau (vụ mùa) phải nhập từ các tỉnh khác hoặc nhập từ Trung Quốc. Cơ cấu chủng loại rau của Hà Nội khá phong phú (trên 40 loại), tập trung chủ yếu ở vụ đông xuân. Các loại rau được trồng phổ biến gồm cải các loại, rau muống, cải bắp, su hào, cà chua, khoai tây, đậu rau các loại, bí đỏ, bí xanh. Nhiều giống mới của Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Xingapo, Thái Lan... đã được đưa vào gieo trồng. Rau phân bố ở tất cả các quận ven và các huyện ngoại thành vì cho thu nhập cao hơn, có nhu cầu lớn hơn và dễ trồng hơn các cây hàng năm khác. Song diện tích tập trung chủ yếu ở các huyện ngoại thành. Thời điểm trước mở rộng, 4 huyện có diện tích rau lớn là Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Sóc Sơn. Sau mở rộng, 11 huyện có diện tích rau nhiều là Mê Linh, Đông Anh, Thường Tín, Chương Mỹ, Hoài Đức, Ba Vì, Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thanh Oai. Lợi thế cơ bản của các huyện trên là có chợ đầu mối hoặc gần chợ đầu mối, có các trục giao thông chính cửa ngõ vào thủ đô và có diện tích đất bãi khá lớn. Tuy diện tích không lớn như các huyện ngoại thành nhưng rau gần như là cây chủ lực của các quận nội thành. Với lợi thế về thị trường, hiện một số quận (Hoàng Mai, Long Biên) cùng một số huyện ven đô (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì) đã hướng mạnh vào sản xuất các loại rau cao cấp. 2.2.2. Cây rau an toàn Bảng 4. Diện tích, năng suất, sản lượng RAT giai đoạn 2001 - 2014 [1] Diện tích % tổng diện Năng suất % năng Sản lượng % tổng sản Năm RAT (ha) tích rau RAT (tạ/ha) suất rau RAT (tấn) lượng rau 2001 735 9.8 160.2 84.8 11777 8.3 2003 981 11.4 167.3 94.7 16414 10.8 2005 1996 24.6 147.0 79.4 29350 19.5 2007 1930 24.2 196.0 100.1 37834 24.2 2008 6820 23.9 184.3 107.4 125720 25.7 2010 8762 32.1 191.4 99.5 167742 32.0 2012 11400 40.0 195.0 101.0 222345 40.4 2014 12278 41.7 198.0 99.0 243104 41.3 145
  7. Vũ Thị Mai Hương Do yêu cầu của thị trường thủ đô về các sản phẩm có chất lượng và vệ sinh an toàn cao nên Hà Nội chú trọng phát triển RAT từ rất sớm (bắt đầu vào năm 1996). RAT có xu hướng tăng cả về diện tích, năng suất, sản lượng và ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong tổng diện tích và sản lượng rau của TP. Song so với nhu cầu, tỉ lệ RAT còn khá khiêm tốn, mới đáp ứng được 20% nhu cầu của người tiêu dùng thủ đô. Diện tích RAT tăng chậm do những nguyên nhân chủ yếu sau: Thứ nhất là, vùng sản xuất RAT còn manh mún, nhỏ lẻ vừa gây khó khăn cho việc chuyển giao tiến bộ kĩ thuật, cho công tác quản lí, chỉ đạo, giám sát; vừa dẫn đến tốn nhiều công lao động; nguồn hàng cung ứng phân tán, thiếu ổn định; chi phí cấp giấy chứng nhận lớn; ý thức của người nông dân chưa được nâng cao. Thứ hai là, mạng lưới tiêu thụ RAT còn quá "mỏng” so với nhu cầu. Các siêu thị, cửa hàng kinh doanh RAT phát triển chậm do giá thành thuê mặt bằng quá cao, không thuận tiện mua bán, sản lượng bán ra chậm, lợi nhuận thấp. Các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia cung ứng RAT quá ít vì mua bán dưới hình thức kí gửi, rủi ro lớn, lợi nhuận không cao, sản phẩm đòi hỏi phải được tiêu thụ luân chuyển nhanh để bảo đảm chất lượng cũng như lợi nhuận, khó cạnh tranh với rau thường, dễ bị mất thị trường. Do kênh tiêu thụ sản phẩm chưa hoàn chỉnh nên hầu hết sản phẩm RAT nông dân phải tự tiêu thụ và một phần tiêu thụ qua trung gian. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, khoảng 70% khối lượng RAT nông dân phải tự đem đi bán tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn TP; bán cho các tư thương thu gom trực tiếp tại các địa phương, sau đó các tư thương sẽ tiêu thụ tại các chợ đầu mối trên địa bàn hoặc bán đi các tỉnh. Khoảng 20% khối lượng RAT được tiêu thụ qua các tư thương thu gom. Khoảng 10% còn lại được tiêu thụ thông qua các hợp tác xã, các doanh nghiệp. RAT được tiêu thụ qua kênh này với các hình thức: được sơ chế, đóng gói, bao bì, nhãn mác và tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị, điểm bán, điểm phân phối RAT tại các khu dân cư; được sơ chế bao gói lớn bán cho các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể [4]. Với cách thức tiêu thụ này, người nông dân thường bị thua thiệt do bị ép giá, thông tin thị trường thiếu chính xác, phụ thuộc nhiều vào tầng lớp trung gian. Thứ ba là, người tiêu dùng chưa tin tưởng vào chất lượng RAT, dẫn đến cắt giảm nhu cầu hoặc tiêu thụ cầm chừng. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu các dấu hiệu để nhận biết đâu là RAT, đâu là rau không an toàn. Hà Nội mới chỉ dừng ở mức chứng nhận vùng, cơ sở đủ điều kiện sản xuất, sơ chế, kinh doanh RAT (từ năm 2007). Còn chứng nhận rau đảm bảo an toàn thì chưa làm được vì chi phí quá lớn, rau lại là hàng tươi sống đòi hỏi tiêu thụ trong thời gian ngắn. Đồng thời, nhận thức, ý thức trách nhiệm của số đông người sản xuất chưa cao nên tình trạng rau còn tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sinh vật gây hại còn khá cao. Hà Nội đã có một số động thái tích cực để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tiêu thụ rau an toàn. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển mạng lưới tiêu thụ rau an toàn, Hà Nội đã xây dựng và vận hành “Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn” nhằm giới thiệu, quảng bá các cơ sở sản xuất rau an toàn tại sàn và trên website (sanbanbuon.vn); hỗ trợ tiếp thị, kết nối các cơ sở tham gia sàn với khách hàng tiêu thụ rau an toàn. Thành phố cũng tiến hành gắn nhãn nhận diện cho rau an toàn bán buôn và dán tem nhận diện cho rau an toàn bán lẻ nhằm truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cũng như bảo vệ thương hiệu, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Hà Nội hiện có 3 cấp độ canh tác RAT. Diện tích liên tục tăng ở cả 3 cấp độ. Rau hữu cơ là loại rau canh tác trong điều kiện tự nhiên (không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng, các vật liệu biến đổi gen). Qua 5 năm triển khai, diện tích rau hữu cơ duy trì ở mức 10 - 14 ha. Sản lượng đạt khoảng 500 tấn/năm. Rau hữu cơ do 10 146
  8. Tiềm năng và thực trạng sản xuất rau ở thành phố Hà Nội nhóm nông dân ở xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn sản xuất và được cấp chứng nhận hữu cơ PGS (hệ thống đảm bảo có sự tham gia) của Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ VNFU - ADDA. Bảng 5. Cơ cấu diện tích canh tác RAT phân theo quy trình sản xuất [9] 2009 2010 2011 2012 2014 Ha % Ha % Ha % Ha % Ha % Diện tích canh tác 2118.5 100.0 2706.7 100.0 3380.2 100.0 3937.0 100.0 5116.0 100.0 RAT - RAT được xác 2105.0 99.4 2626.0 97.0 3255.0 96.3 3800.0 96.5 4931.0 96.4 nhận - RAT theo 13.5 0.6 70.5 2.6 115.0 3.4 125.0 3.2 171.0 3.3 VietGap - Rau hữu cơ 0 0.0 10.2 0.4 10.2 0.3 12.0 0.3 14.0 0.3 Việc sản xuất rau hữu cơ cần nhiều sức lao động, phức tạp và kì công hơn so với các hình thức sản xuất thông thường nên nhiều hộ còn ngần ngại áp dụng. Bên cạnh đó, do chưa có quy trình, quy định và giấy chứng nhận chính thức về rau hữu cơ nên người sản xuất rất khó chứng minh nguồn gốc rau khi giao dịch trên thị trường. Ngoài ra, sản phẩm không sử dụng thuốc hóa học nên hình thức không bắt mắt, khó thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. . . Do đó, mặc dù được đánh giá là có chất lượng tốt nhất và có thị trường tiêu thụ rất khả quan nhưng việc trồng rau hữu cơ vẫn khó nhân rộng. RAT theo VietGap là sản phẩm rau được sản xuất, sơ chế phù hợp với các quy định liên quan đến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có trong quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Gap) cho rau, quả an toàn tại Việt Nam. Diện tích RAT theo VietGap tăng khá mạnh (năm 2014 tăng gấp 12.7 lần năm 2009). Sản lượng đạt khoảng 9500 tấn/năm. Nhóm rau này hiện được phân bố ở 21 vùng, tiêu biểu như ở Văn Đức (Gia Lâm), Giang Biên, Cự Khối (Long Biên), Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì), Hương Ngải (Thạch Thất), Lĩnh Nam (Hoàng Mai), Song Phương, Tiền Yên (Hoài Đức), Thụy Hương (Chương Mỹ), Thanh Đa (Phúc Thọ)... RAT là sản phẩm rau tươi đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng về hàm lượng kim loại nặng, nitrat, vi sinh vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định hiện hành của nhà nước. RAT của Hà Nội hiện có 2 loại: 1 loại là RAT sản xuất theo Quyết định 104/2009 của Ủy ban Nhân dân TP (quy định về quản lí sản xuất và kinh doanh RAT trên địa bàn TP Hà Nội); 1 loại là RAT diện rộng (được chỉ đạo sản xuất theo quy trình RAT do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội ban hành). Diện tích RAT được xác nhận cũng tăng lên đáng kể qua các năm (năm 2014 gấp 2.3 lần năm 2009). Sản xuất RAT đã đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Giá trị sản xuất RAT cao hơn sản xuất rau thường từ 10 - 20%, trung bình đạt 300 - 500 triệu đồng/ha/năm. Riêng tại các vùng che phủ nilon, nhà lưới trồng rau trái vụ tăng thêm 3 - 5 vụ/năm, giá trị sản xuất đạt 1 tỉ đồng/ha/năm, có diện tích đạt 2 tỉ đồng/ha/năm [9]. 3. Kết luận Ngành sản xuất rau của Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhờ có vị thế là thủ đô, có đất nông nghiệp rộng lớn, trù phú, có hệ thống sông ngòi dày đặc, có dân số đông, thu nhập bình quân đầu người cao, lao động nông nghiệp có trình độ, có nhiều cơ sở chế biến, tập trung nhiều cơ sở đào tạo, nhiều cán bộ khoa học, quản lí có bằng cấp cao, có cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật đang trên đà hoàn thiện. Tuy nhiên, do tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa 147
  9. Vũ Thị Mai Hương cao ngành sản xuất rau cũng đứng trước những khó khăn như lao động nông nghiệp có nguy cơ thiếu hụt, một số cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, một số sông bị ô nhiễm. Do chưa phát huy được những thuận lợi, khắc phục được những hạn chế nêu trên, ngành sản xuất rau của Hà Nội chuyển biến còn chậm. Diện tích, năng suất, sản lượng rau có nhiều biến động và mới đáp ứng được 60% nhu cầu của thị trường Hà Nội. Tỉ lệ RAT (đặc biệt là rau hữu cơ) còn thấp, mặc dù diện tích, năng suất, sản lượng tăng trưởng ổn định. Sản xuất RAT chỉ thỏa mãn được 20% nhu cầu của người dân thủ đô. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Cục Thống kê TP Hà Nội, 2015. Kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản TP Hà Nội từ năm 2001 đến 2014. [2] Cục Thống kê TP Hà Nội, 2015. Niên giám thống kê Hà Nội từ năm 2001 đến 2014. [3] Cục Thống kê TP Hà Nội, 2014. Thủ đô Hà Nội - 60 năm xây dựng và phát triển. [4] Hà Nội có hơn 200 cửa hàng, siêu thị phân phối RAT, http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi- song/650827/ha-noi-co-hon-200-cua-hang-sieu-thi-phan-phoi-rau-an-toan. Cập nhật 14:31, Thứ tư, Ngày 18/12/2013. [5] Hà Nội tự hào dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, http://xttmnongnghiephanoi.vn/chi-tiet/504/ha-noi-tu-hao-dan-dau-ca-nuoc-ve-phong-trao-xay- dung-nong-thon-moi-giai-doan-2011-2015.html. Cập nhật 09:19, Thứ tư, Ngày 27/04/2016. [6] Tổng cục Thống kê, 2014. Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2012. Nhà xuất bản Thống kê. [7] Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, 2011. Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020. [8] Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, 2012. Quy hoạch phát triển thuỷ lợi TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. [9] Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, 2015. Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện “Đề án sản xuất và tiêu thụ RAT TP Hà Nội giai đoạn 2009 - 2016”. ABSTRACT The potential and status of vegetable cultivation in Hanoi The objective of this research are to analyze the potential and status of vegetable cultivation in Hanoi from 2001 to 2014 according to 2 periods - before and after the expansion of administrative boundaries. The data presented in the study were compiled from the reports of the People’s Committee of Hanoi and statistics of the Hanoi Statistics Office. The main method used is the statistical method in economics. The analytical results have indicated the reasons for vegetable sector of Hanoi moved slowly and was not enough to meet the needs of the city market. Keywords: Hanoi, vegetable cultivation, potential and status. 148
nguon tai.lieu . vn