Xem mẫu

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0096 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 10, pp. 141-147 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn TIỀM NĂNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG VÙNG TÂY BẮC Đỗ Thúy Mùi Khoa Sử - Địa, Trường Đại học Tây Bắc Tóm tắt. Du lịch cộng đồng là hình thức du lịch mà cộng đồng địa phương sẽ nhận được lợi ích kinh tế, học hỏi được những kinh nghiệm từ du khách, có cơ hội giao lưu, hiểu biết những nét văn hóa, các thông tin trong nước và quốc tế. Du lịch cộng đồng có vai trò to lớn đối với việc phát triển kinh tế, nhất là những vùng kinh tế còn khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên. Vùng Tây Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Nhưng, việc khai thác tiềm năng đó chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để có thể khai thác tốt hơn những tiềm năng đó, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: quản lí nhà nước về du lịch, đảm bảo tốt về cơ chế chính sách, bảo vệ cảnh quan, môi trường và an toàn thực phẩm, giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc, đào tạo nguồn nhân lực. . . Từ khóa: Du lịch cộng đồng, tiềm năng, giải pháp, quản lí nhà nước, cảnh quan. 1. Mở đầu Tây Bắc là vùng có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Hiện nay, một số bản đã khai thác tiềm năng để phát triển DLCĐ. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao. Phần lớn chỉ khai thác tự nhiên, chưa có sự đầu tư và có chiến lược phát triển lâu dài. Để DLCĐ vùng Tây Bắc phát triển mạnh mẽ hơn, bài viết sẽ đánh giá tiềm năng và đề xuất một số giải pháp nhằm khai thác tốt hơn những tiềm năng để phát triển DLCĐ góp phần xóa đói, giảm nghèo cho vùng Tây Bắc. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Khái quát về DLCĐ và vai trò của DLCĐ DLCĐ là một khái niệm còn mới mẻ. Năm 1997, mới xuất hiện ở Việt Nam, nhưng lại phát triển khá nhanh. Từ đó đến nay, có nhiều quan niệm, nhiều khái niệm khác nhau về DLCĐ. Nhìn chung, các tác giả đều quan niệm rằng: DLCĐ là hình thức du lịch mà du khách là người mang lại lợi ích kinh tế và có ảnh hưởng nhất định đến tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, nếp sống của người dân địa phương. Người dân địa phương là người kiểm soát các giá trị về tài nguyên du lịch để hỗ trợ cho khách có cơ hội tìm hiểu và nâng cao nhận thức về văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương. Cộng đồng địa phương sẽ nhận được lợi ích kinh tế, học hỏi được những Ngày nhận bài: 15/5/2016. Ngày nhận đăng: 20/9/2016 Liên hệ: Đỗ Thúy Mùi, e-mail: maithuydotb@gmail.com 141
  2. Đỗ Thúy Mùi kinh nghiệm từ du khách, có cơ hội về giao lưu, nắm bắt được những nét văn hóa, các thông tin trong nước và quốc tế [2]. Như vậy, DLCĐ là loại hình du lịch mà du khách có thể cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người dân địa phương. Du khách được khám phá những giá trị về tự nhiên, văn hóa của địa phương, nâng cao nhận thức, hiểu biết về cộng đồng địa phương. Cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ kinh tế, học hỏi những kinh nghiệm từ du khách, nâng cao nhận thức, đồng thời biết giữ gìn, bảo vệ những giá trị tự nhiên, nhân văn để khai thác vào mục đích du lịch. DLCĐ là loại hình du lịch mà mọi hoạt động của nó gắn liền với cộng đồng dân cư. Người dân địa phương được tham gia và chịu trách nhiệm ra quyết định thực thi, điều hành các hoạt động du lịch. Mục đích là tạo cho thành viên trong cộng đồng được tham gia vào hoạt động du lịch, phát triển đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao đời sống của cộng đồng địa phương. Phát triển DLCĐ có vai trò rất lớn, nhất là đối với vùng kinh tế kém phát triển. DLCĐ góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Thông qua du lịch, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa địa phương các vùng miền được bảo vệ và khai thác có hiệu quả hơn, đồng thời còn quảng bá, giới thiệu được những nét văn hóa đặc sắc của địa phương. DLCĐ mang lại hiệu quả cao trong quá trình hiện đại hóa nông thôn thông qua việc tạo ra công ăn việc làm, giữ gìn và phát huy các làng nghề truyền thống, bảo vệ các giá trị cộng đồng. DLCĐ góp phần tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương, đặc biệt ở vùng nông thôn, nơi tỷ lệ đói nghèo còn cao. Đây là yếu tố tích cực góp phần làm giảm tác động của cộng đồng đến các giá trị cảnh quan, tự nhiên, góp phần bảo tồn tài nguyên, môi trường, đảm bảo cho phát triển du lịch cộng đồng bền vững [2]. Phát triển DLCĐ giúp cho những người dân tham gia vào các dich vụ du lịch, được hưởng lợi từ việc phát triển hạ tầng du lịch. Đây là yếu tố tích cực để đảm bảo sự công bằng trong phát triển du lịch. Phát triển DLCĐ tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng, qua đó sẽ góp phần thay đổi cơ cấu, nâng cao trình độ lao động của khu vực này. Đây là yếu tố quan trọng góp phần hạn chế dòng di cư của cộng đồng từ nông thôn ra thành thị, ổn định xã hội, đảm bảo cho sự phát triển bền vững chung. Phát triển DLCĐ góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phục hồi, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nghề truyền thống, tạo điều kiện đảy mạnh giao lưu văn hóa, kinh tế giữa các vùng miền và với các nước trên thế giới. 2.2. Đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi đề cập đến Tây Bắc bao gồm 4 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Tổng diện tích tự nhiên là 3741,6 km2 , chiếm 11,3% diện tích cả nước. Dân số năm 2015 là 2759,3 nghìn người, chiếm 2,8% dân số cả nước. Tây Bắc có chung đường biên giới với Trung Quốc, Lào, có nhiều cửa khẩu quan trọng, đây là điều kiện để hợp tác phát triển kinh tế nói chung và phát triển DLCĐ nói riêng. Tiếp giáp với các tỉnh của đồng bằng sông Hồng, khu vực Đông Bắc, nên Tây Bắc có thể kết nối với các tour du lịch với các vùng lân cận. Tây Bắc có vị thế chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng, là lãnh thổ có nhiều lợi thế so sánh về sản xuất nông sản đặc sản. Hàng hóa đặc sản nổi bật của vùng như: chè, sữa bò, các loại cây ăn quả, các loại hoa của xứ ôn đới. Đây là một lợi thế để thu hút khách du lịch có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, trải nghiệm những công việc của bà con nông dân. 142
  3. Tiềm năng và các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc Tuy nhiên, vị trí khá xa với thị trường khách cùng với giao thông không thuận lợi cũng là những thách thức lớn trong phát triển DLCĐ. Tây Bắc có địa hình núi non hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, có nhiều phong cảnh đẹp, có nhiều dạng địa hình độc đáo, thích hợp với thị hiếu của du khách. Du khách có thể tham quan, ngắm cảnh, tham gia các hoạt động sản xuất với người dân địa phương như cùng cày, cấy, chăm bón, thu hoạch lúa trên ruộng bậc thang, cùng trồng, chăm sóc thu hoạch ngô, sắn, các loại hoa quả trên nương đồi, cùng tham gia vào việc hái chè hay vắt sữa bò, hái hoa quả, chăm sóc hoa lan. . . Các hoạt động sản xuất nông nghiệp đó sẽ giúp cho du khách có những khoảng thời gian để trải nghiệm, để cùng làm nông dân với bà con Tây Bắc. Tây Bắc có nhiều sông ngòi, đặc biệt trong vùng có ba hồ thủy điện lớn: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Du khách có thể đi thuyền dọc hồ để ngắm cảnh thiên nhiên, tham gia các hoạt động đánh bắt cá trên hồ, nuôi cá lồng, cá bè trên các hồ thủy điện. Vùng có khá nhiều các điểm nước nóng, nước khoáng. Hầu hết các tỉnh đều đã khai thác để phát triển du lịch. Du khách có thể đến vùng Tây Bắc để tắm nước khoáng, thư giãn, chữa bệnh sau những ngày lao động mệt nhọc. Tây Bắc còn có nhiều điều kiện về kinh tế - xã hội để phát triển du lịch cộng đồng. Dân cư trong vùng không đông, nhưng có nhiều dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng, có sức hấp dẫn khách du lịch. Hàng năm, Tây Bắc thường tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như lễ hội “hoa ban”, lễ hội “đua thuyền”, lễ hội “xên mường”, “gầu tào”. . . Tây Bắc còn có các trò chơi mang tính cộng đồng như “ném còn”, “kéo co”, “ném pao”. . . có các làn điệu dân ca, dân vũ như “hát khắp”, hát “đối đáp”, múa xòe, múa sạp. . . rất thích hợp để du khách tham gia vào các hoạt động của cộng đồng địa phương. Tây Bắc có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nhiều làng nghề truyền thống. . . Các tài nguyên này có ý nghĩa rất lớn trong phát triển DLCĐ. Ngoài ra, Tây Bắc còn có nhiều món ăn độc đáo được chế biến từ những nguyên liệu sản xuất địa phương, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm như: cơm lam, cá đồ, gà nướng, canh bon, canh xổm lôm, măng lay. . . Tây Bắc có nhiều mặt hàng nông sản nổi tiếng như: gạo nếp tan, gạo tám thơm, khoai sọ, xoài, nhãn, bơ, thanh long ruột đỏ, mận, mơ. . . Tất cả những sản phẩm này không những là món ăn hàng ngày cho du khách mà còn là những món quà tinh tế, ý nghĩa để du khách tặng người thân. Du khách cũng có thể cùng tham gia các hoạt động sản xuất, thu hoạch các loại nông sản, cùng trải nghiệm với bà con vùng Tây Bắc. Trong những năm gần đây, Tây Bắc đã được đầu tư đáng kể, hệ thống các nhà hàng, khách sạn, các đường giao thông đến thôn bản, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách nên thu hút được du khách nhiều hơn. Tuy nhiên, để khai thác tốt những tiềm năng này và biến nó thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn đòi hỏi nhiều vấn đề khác như: vốn đầu tư, chiến lược khai thác phù hợp. . . Rất nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra cho DLCĐ như: xây dựng các mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; vấn đề bảo vệ môi trường, tài nguyên, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, bảo tồn nguồn tài nguyên và các giá trị văn hóa, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật. Các điểm du lịch của vùng Tây Bắc xa nhau, giao thông đi lại khó khăn, vấn đề cấp thiết là phải phát triển cơ sở hạ tầng để nối liền các điểm, khu du lịch. . . Mặc dù tiềm năng để phát triển DLCĐ ở vùng Tây Bắc rất lớn, nhưng Tây Bắc chưa khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch này. Trong số 4 tỉnh, Hòa Bình là tỉnh có mức doanh thu du lịch cao nhất, trung bình mỗi năm đạt trên 1000 triệu đồng. Sơn La, mỗi năm thu được khoảng 800 triệu đồng, Điện Biên thu được trên 500 triệu đồng. Lai Châu là tỉnh có thu nhập từ 143
  4. Đỗ Thúy Mùi hoạt động du lịch thấp nhất, trung bình mỗi năm thu được khoảng gần 250 triệu đồng. Tây Bắc có một số bản DLCĐ hoạt động như Bản Lác (Mai Châu – Hòa Bình), bản Áng (Mộc Châu – Sơn La), bản Hụm (TP Sơn La), bản Mển (Điện Biên), bản Nà Luồng, Vàng Pheo (Lai Châu). . . Trong số các điểm du lịch cộng đồng đó thì điểm bản Lác (Mai Châu) là điểm khai thác hiệu quả nhất. Bản có 25 nhà nghỉ phục vụ DLCĐ, doanh thu hàng năm ở bản này khoảng 50 triệu đồng. Các điểm du lịch ở các tỉnh thành khác nhìn chung chưa mang lại hiệu quả cao. Nguyên nhân, chất lượng phục vụ chưa tốt, sản phẩm du lịch chưa đặc trưng, giao thông không thuận lợi. . . cần phải có những giải pháp cụ thể để khai thác những tiềm năng và khắc phục hạn chế của vùng. 2.3. Các giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc Tây Bắc muốn phát triển nhanh và bền vững, tiến tới hòa nhập với sự phát triển kinh tế chung của cả nước, cần huy động mạnh mẽ các nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Cần xây dựng các chính sách đầu tư phù hợp như chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút vốn ODA, FDI, vốn trong nước, chính sách phát triển hợp tác với Trung Quốc, Lào. Giải pháp để huy động các nguồn lực đầu tư là các tỉnh tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, tập trung cải cách thủ tục hành chính, có cơ chế hấp dẫn thu hút đầu tư như tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư về mặt bằng, hỗ trợ đầu tư thông qua miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khách sạn tại các khu, điểm du lịch. Các giải pháp cụ thể để phát triển DLCĐ vùng Tây Bắc như: Giải pháp quản lí nhà nước về du lịch, về cơ chế chính sách, bảo vệ cảnh quan, môi trường và an toàn thực phẩm, giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc, đào tạo nguồn nhân lực. . . 2.3.1. Các giải pháp quản lí nhà nước về du lịch Để phát triển DLCĐ, các giải pháp về quản lí nhà nước đối với hoạt động DLCĐ có ý nghĩa quan trọng. Đây được coi là những định hướng, là kim chỉ nam để phát triển du lịch đúng hướng và có hiệu quả. Các giải pháp cụ thể là: - Đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho cán bộ quản lí, điều hành về du lịch. - Tuyên truyền các văn bản nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền nghị quyết của tỉnh ủy các tỉnh về phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. - Quy hoạch hệ thống du lịch của các tỉnh thành dựa trên các tiềm năng và sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi tỉnh thành. - Xây dựng các làng bản du lịch và nhà văn hóa xóm tại các thôn bản có điểm du lịch. Giới thiệu, trưng bày các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. - Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, các sản phẩm, tour, tuyến, điểm du lịch. Có biện pháp tạo nên những giá trị, sản phẩm khác biệt để tránh sự nhàm chán cho du khách. - Tăng cường công tác quản lí lữ hành, quản lí các cơ sở lưu trú, quản lí, bảo tồn những giá trị văn hóa hiện có. Kiên quyết xử lí những cơ sở vi phạm pháp luật về môi trường. - Quản lí, khai thác chặt chẽ các nguồn thu từ dịch vụ du lịch. Đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm du lịch. 144
  5. Tiềm năng và các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc 2.3.2. Giải pháp về cơ chế, chính sách Hoạt động DLCĐ là hoạt động còn mới mẻ đối với các tỉnh vùng Tây Bắc. Bởi thế, cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Để phát triển DLCĐ hiệu quả cần chú ý một số giải pháp cụ thể là: - Cụ thể hóa nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh về phát triển DLCĐ gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư các dự án phục vụ du lịch và quản lí đối với hoạt động du lịch của các tỉnh, đảm bảo tính khả thi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. - Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào du lịch và tổ chức các loại hình dịch vụ du lịch. - Cần có sự phối hợp, hợp tác liên ngành, liên vùng trong phát triển du lịch. - Quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo cơ bản và tập huấn thường xuyên cho những người tham gia hoạt động du lịch, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân khai thác lợi thế của các tỉnh về phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. - Tạo môi trường sinh thái, môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp. - Triển khai, hướng dẫn các quy chế về quản lí du lịch tại các địa bàn có hoạt động về du lịch. - Có chính sách ưu đãi về đất, miễn giảm thuế đất, giải phóng mặt bằng cho các dự án du lịch có quy mô lớn. - Cụ thể hóa các chính sách, phát triển dịch vụ phụ trợ cho ngành du lịch. - Thực hiện thu chi từ nguồn thu của du lịch để tái đầu tư cho du lịch và cơ chế phân bổ cho du lịch cộng đồng. 2.3.3. Các giải pháp về bảo vệ môi trường, cảnh quan và vệ sinh an toàn thực phẩm Trong thực tiễn phát triển DLCĐ ở nhiều nơi đã để lại những hậu quả không mong muốn như ô nhiễm môi trường, phá hủy cảnh quan thiên nhiên. . . Để bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên và vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải có các giải pháp cụ thể là: - Tuyên truyền phổ biến, nâng cao ý thức của cộng đồng tham gia du lịch. - Bảo vệ môi trường trong đầu tư, xây dựng các hoạt động du lịch. Cần phải nghiên cứu tính toán về sức chứa của mỗi điểm du lịch, nghiên cứu các khu chứa rác thải, nước thải, tránh thải ra môi trường trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường. Các hệ thống công trình vệ sinh ở các bản du lịch cộng đồng cần phải được xây dựng hợp lí, đúng tiêu chuẩn để vừa bảo vệ môi trường, vừa đáp ứng tốt nhu cầu cho du khách. - Quản lí vệ sinh an toàn thực phẩm trong các nhà hàng ăn uống. Đối với vùng Tây Bắc, các loại thực phẩm nhìn chung vẫn đảm bảo sạch, có chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm khi sử dụng một số sản phẩm như: nấm, rau rừng. . . Đặc biệt một số món ăn sống như: gỏi cá, lạp sườn, thịt chua. . . 2.3.4. Các giải pháp giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc Các nguồn tài nguyên văn hóa dân tộc ở Tây Bắc rất đặc trưng, có thể nói đây là một lợi thế để thu hút khách. Các giải pháp cụ thể là: - Duy trì các tổ chức các lễ hội hàng năm, khôi phục lễ hội truyền thống. Tây Bắc có nhiều lễ hội truyền thống, có sức lan tỏa như lễ hội: “hoa ban”, “cầu mùa”, “mừng cơm mới”, “đua thuyền 145
  6. Đỗ Thúy Mùi trên sông Đà”. . . Mỗi tỉnh thành nên có kế hoạch tổ chức để thu hút khách. Có thể luân phiên tổ chức giữa các tỉnh để vừa làm phong phú sắc màu Tây Bắc, vừa học hỏi kinh nghiệm giữa các tỉnh, các bản DLCĐ với nhau. - Duy trì và thành lập mới các đội văn nghệ tại các xóm, xã có tiềm năng phát triển du lịch. Có thể tổ chức cho giao lưu các đội văn nghệ của các bản du lịch cộng đồng. - Tu bổ, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa có trên địa bàn. - Khôi phục các làng nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, rèn đúc, nấu rượu, làm gốm. . . , xây dựng các làng văn hóa du lịch. 2.3.5. Các giải pháp khác Mỗi địa phương cần quan tâm hơn nữa đến phát triển du lịch cộng đồng, giáo dục cộng đồng, nâng cao dân trí, tạo điều kiện cho người dân địa phương trong quản lí và trực tiếp tham gia các hoạt động du lịch. Điều hòa lợi ích từ du lịch trong đó cần ưu tiên phát triển cộng đồng. - Có chiến lược tuyên truyền quảng bá và xúc tiến DLCĐ. - Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kĩ năng làm DLCĐ. Hàng năm nên tổ chức các buổi giao lưu, tham quan giữa các tỉnh thành để có thể học hỏi kinh nghiệm giữa các bản du lịch cộng đồng. 3. Kết luận Tây Bắc là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển DLCĐ. Những tiềm năng đó chưa được khai thác hiệu quả. Để khai thác tốt hơn những tiềm năng này, cần phải thực hiện nhiều giải pháp như: Giải pháp quản lí nhà nước về du lịch, giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp bảo vệ môi trường, cảnh quan và vệ sinh an toàn thực phẩm, các giải pháp giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, các giải pháp tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch. Nghiên cứu đánh giá đầy đủ tiềm năng và đề xuất giải pháp cho phát triển DLCĐ là một yêu cầu cấp thiết đối với việc phát triển kinh tế nói chung và DLCĐ vùng Tây Bắc. (*) Bài báo nằm trong khuôn khổ đề tài “Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc theo hướng bền vững, thực trạng và giải pháp”, mã số B2014-25-30. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] REST, 1997. Community Based Tourism: Principles and Meaning. [2] Trần Thị Mai, 2005. Du lịch cộng đồng – du lịch sinh thái: Định nghĩa, đặc trưng và quan điểm phát triển. Trường Trung cấp nghiệp vụ du lịch Huế [3] Bùi Thị Hải Yến (chủ biên), 2012. Du lịch cộng đồng. Nxb Giáo Dục Việt Nam. [4] Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hòa Bình, Báo cáo tổng kết hoạt động du lịch Hòa Bình năm 2011, 2012, 2013, 2014. [5] Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Sơn La, Báo cáo tổng kết hoạt động du lịch Sơn La năm 2011, 2012, 2013, 2014. [6] Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Điện Biên, Báo cáo tổng kết hoạt động du lịch Điện Biên năm 2011, 2012, 2013, 2014. [7] Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lai Châu, Báo cáo tổng kết hoạt động du lịch Lai Châu năm 2011, 2012, 2013, 2014. [8] http://www.pachamama.org/community-based-tourism 146
  7. Tiềm năng và các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc [9] http://www.communitybasedtourism.info/en/community-based tourism/community-based- tourism.asp [10] http://www.community-tourism.org ABSTRACT Potential solutions and development of community tourism in Vietnam Northwestern area Do Thuy Mui Faculty of History and Geography, Tay Bac University Community tourism is a form that the local communities will get economic benefits, learn experiences from travelers, as well as have the opportunities to exchange and understand different domestic and oversea culture. Community tourism has a great contribution to the economic development, especially in the regions with economic difficulties like the Northwest or the Central Highlands in Vietnam. Although the northwestern area possesses enormous potentiality to develop community tourism, the exploitation has not brought high economic efficiency. To be able to better exploit that potentiality, it is definitely essential to implement simultaneously such solutions as: state management of tourism, good administration, protection of the landscapes, environment, preservation and conservation of national culture, human resources development, etc. Keywords: Tourism community, contribution, potentiality, solutions. 147
nguon tai.lieu . vn