Xem mẫu

  1. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN TRƯỜNG PHỔ THÔNG ThS. Đặng Danh Hướng Trường THPT Hoàng Văn Thụ - Hà Nội Mail: danhhuong01071988@gmail.com Tóm tắt Trong bối cảnh đổi mới nền giáo dục như hiện nay, xây dựng cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học giáo dục đối với giáo viên trường phổ thông là rất cần thiết. Bởi nó thúc đẩy giáo viên trường phổ thông tìm tòi, phát minh, sáng chế phương pháp dạy học mới phù hợp với thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, sẽ tạo ra cơ sở vững chắc để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Bài viết, tập trung nghiên cứu thực trạng cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học giáo dục đối với giáo viên trường phổ thông và đề xuất một số giải pháp xây dựng cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học giáo dục cho giáo viên trường phổ thông thời gian tới. Từ khóa: Cơ chế, chính sách, nghiên cứu, khoa học giáo dục, trường phổ thông. 1. Đặt vấn đề Những năm qua, các trường phổ thông rất quan tâm và chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục cho giáo viên. Coi đây là nhân tố then chốt, có ảnh hưởng quyết định tới việc thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Tuy nhiên, nhận thức về nghiên cứu khoa học giáo dục của nhiều giáo viên chưa đầy đủ, một số trường phổ thông chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiên cứu khoa học của giáo viên chủ yếu nhằm đối phó với công tác thi đua, khen thưởng…. Đây chính là cơ sở để tác giả thực hiện nghiên cứu thực trạng cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học giáo dục đối với giáo viên trường phổ thông. Qua đó, tác giả mong muốn góp phần vào xây dựng cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học giáo dục cho giáo viên trường phổ thông ở Việt Nam. 2. Đối tượng và thời gian nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu cụ thể là cán bộ quản lí, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và giáo viên đang công tác tại một số trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội, Kiên 580
  2. Giang, Tp. Hồ Chí Minh chịu sự tác động của cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học giáo dục. Thời gian nghiên cứu từ tháng 6 năm 2021 đến tháng 9 năm 2021, bắt đầu xây dựng kế hoạch, thực hiện nghiên cứu cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học giáo dục đối với giáo viên trường phổ thông và ngày 25/9/2021 hoàn thành viết báo cáo. 3. Phương pháp nghiên cứu - Nghiên cứu tài liệu thứ cấp: Luật Khoa học và Công nghệ của Việt Nam và quốc tế; Tài liệu từ Nghị quyết, kế hoạch của Bộ giáo dục và đào tạo về cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học giáo dục đối với giáo viên trường phổ thông trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2021; Tài liệu thực địa có liên quan. - Nghiên cứu thực địa: tạo 319 phiếu hỏi quiz tương tác online có nội dung cơ chế chính sách khuyến khích giáo viên nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông; nguồn kinh phí hỗ trợ giáo viên nghiên cứu khoa học giáo dục; cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học; tổ chức các nhóm nghiên cứu khoa học giáo dục; nhà trường tạo điều kiện như thế nào cho giáo viên công bố các kết quả nghiên cứu. - Nghiên cứu liên ngành: tổng hợp khoa học liên ngành giáo dục, văn hóa, xã hội để có cái nhìn đa chiều về vấn đề nghiên cứu. - Xử lý số liệu: Sử dụng thuật toán thống kê để tổng hợp, phân tích, đánh giá số liệu điều tra về thực trạng cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học giáo dục đối với giáo viên trường phổ thông. 4. Kết quả và thảo luận 4.1 Thực trạng cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học giáo dục với giáo viên trường phổ thông Theo các tài liệu thứ cấp được thu thập cho thấy thời gian qua Đảng và Chính phủ rất quan tâm tới hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Do đó, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học giáo dục từ đại học tới các trường phổ thông. Tiêu biểu, Nghị quyết 02-NQ/HNTW ngày 24 tháng 12 năm 1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 [1] và Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội coi phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu [5]. Căn cứ vào đó, Bộ giáo dục và đào tạo nói chung, Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh thành nói riêng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khuyến khích giáo viên trường 581
  3. phổ thông tích cực, chủ động nghiên cứu khoa học [2], mạnh dạn áp dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học vào giảng dạy để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học ở trường phổ thông. Chính vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học đã tạo ra động lực cho giáo viên phát triển chuyên môn và tâm huyết với nghề nghiệp. Trong số 139 phiếu hỏi quiz trả lời online có đến 78,41% đánh giá ở mức “đã có” cơ chế chính sách khuyến khích giáo viên nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông và có 14,39% phiếu đánh giá “đã có” nguồn kinh phí hỗ trợ giáo viên nghiên cứu khoa học giáo dục, có 66,19% đánh giá “đã có” cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học; và cũng ở mức độ này có 12,95% đánh giá “đã có” các tổ, nhóm nghiên cứu khoa học giáo dục. Theo ghi nhận từ thực tế, giáo viên trường THPT Hoàng Văn Thụ, TP. Hà Nội và trường THPT Ngô Thời Nhiệm, TP. Hồ Chí Minh cho biết “nhà trường khuyến khích giáo viên nghiên cứu khoa học thông qua Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2021 và Quy chế thi đua khen thưởng”. Còn theo cán bộ quản lí, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn trường THPT Chu Văn An, TP. Hà Nội cho rằng “Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2021 có quy định nguồn kinh phí hỗ trợ giáo viên nghiên cứu khoa học để phục vụ hoạt động giáo dục của nhà trường”. Như vậy, rõ ràng các trường phổ thông đã nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học nên đã có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học (Bảng 1). Bảng 1. Kết quả khảo sát thực trạng cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học giáo dục đối với giáo viên trường phổ thông. (đơn vị: %) Không biết/ Nhận thức Đã có Chưa có không trả lời Cơ chế chính sách khuyến khích giáo viên nghiên cứu khoa học ở 78,41 21,59 0 trường phổ thông Nguồn kinh phí hỗ trợ giáo viên 14,39 85,61 0 nghiên cứu khoa học giáo dục cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu 66,19 33,81 0 khoa học Tổ, nhóm nghiên cứu khoa học 12,95 87,05 0 giáo dục Nguồn: Số liệu điều tra của nhóm khảo sát, 2021. 582
  4. Tuy nhiên, còn 21,59% phiếu cho biết chưa có cơ chế chính sách khuyến khích giáo viên nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông, 85,61% phiếu trả lời chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ giáo viên nghiên cứu khoa học giáo dục, 33,81% phiếu trả lời cơ sở vật chất chưa phục vụ được nghiên cứu khoa học của giáo viên, 87,05% phiếu trả lời chưa có Tổ, nhóm nghiên cứu khoa học giáo dục. Nguyên nhân, thứ nhất là do cơ chế chính sách khuyến khích giáo viên nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông còn mang tính hình thức, dẫn đến tình trạng giáo viên chưa biết cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học và không có động lực tham gia nghiên cứu khoa học giáo dục. Cụ thể như Trường THPT Hoàng Văn Thụ, THPT Trương Định, THPT Việt Nam Ba Lan (TP. Hà Nội), Trường THPT An Biên, THPT Đông Thái, THPT Nam Yên (tỉnh Kiên Giang) [3] ngoài việc khuyến khích giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm chưa có cơ chế chính sách khuyến khích giáo viên công bố công trình nghiên cứu, đề tài nghiên cứu trên tạp chí khoa học giáo dục uy tín trong nước và quốc tế. Hơn nữa, mức chi khen thưởng cho viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) đạt giải của Sở và ngành chưa xứng đáng. Dẫn chứng là Trường THPT Hoàng Văn Thụ chi cho SKKN đạt Giải A của Sở là 500.000đ, Giải B là 300.000đ, Giải C là 200.000đ; Thứ hai, cán bộ quản lý trường phổ thông chưa quan tâm tới cấp phát kinh phí cho giáo viên nghiên cứu khoa học; Thứ ba, cơ sở vật chất thiếu thốn và lạc hậu [4] chưa có phòng thí nghiệm phân tích số liệu phục vụ nghiên cứu khoa học giáo dục của giáo viên; Thứ tư, tổ, nhóm nghiên cứu khoa học giáo dục chỉ được hình thành khi nghiên cứu bài học để thao giảng, dự giờ; Thứ năm, chưa có kế hoạch phát triển khoa học ở trường phổ thông nên giáo viên rất khó tham gia nghiên cứu giáo dục… Đây chính là những nguyên nhân cản trở giáo viên tham gia nghiên cứu các đề tài cấp trường, cấp Sở, cấp ngành và tích cực tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục. Kết quả tương tác online trả lời nội dung nhà trường tạo điều kiện như thế nào cho giáo viên công bố các kết quả nghiên cứu. Có đến 97,84% ý kiến cho biết trường phổ thông tổ chức phổ biến sáng kiến kinh nghiệm để giáo viên công bố các kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, còn 2,16% ý kiến đánh giá không biết/ không trả lời bởi tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều trường phổ thông chưa tổ chức phổ biến sáng kiến kinh nghiệm. Bên cạnh đó, có đến 99,28% phiếu trả lời trường phổ thông chưa tổ chức các diễn đàn khoa học để giáo viên công bố các kết quả nghiên cứu do cán bộ quản lý trường phổ thông thờ ơ, thiếu trách nhiệm với việc tổ chức quản lý nghiên cứu khoa học, coi trọng dạy và học hơn nghiên cứu khoa học… Tóm lại, thời gian qua các trường phổ thông đã có cơ chế chính sách động viên giáo viên tích cực, chủ động nghiên cứu khoa học và được quy định cụ thể trong các văn 583
  5. bản chính thống của các nhà trường như Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế thi đua khen thưởng. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, thiếu sót và đem đến những vấn đề không mong đợi như cơ chế chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học còn mang tính hình thức, chưa có kinh phí đầu tư cho giáo viên nghiên cứu khoa học, khen thưởng nghiên cứu khoa học chưa xứng đáng… 4.2 Giải pháp xây dựng cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học giáo dục cho giáo viên trường phổ thông. Căn cứ vào kết quả trên, có thể thấy rằng để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong xây dựng cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học giáo dục cho giáo viên ở trường phổ thông cần thực hiện một số giải pháp sau: Một là, tham khảo các cơ chế chính sách khuyến khích giáo viên phổ thông tham gia nghiên cứu khoa học giáo dục trong khu vực và quốc tế để xây dựng cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học phù hợp với giáo viên nhằm tạo ra động lực trong nghiên cứu và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông. Hai là, xây dựng cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học phải cụ thể với từng môn học và từng năm học tránh mang tính hình thức, để giáo viên có căn cứ xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học phù hợp với hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường. Ba là, mạnh dạn đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học để thu hút giáo viên tích cực tham gia nghiên cứu các đề tài cấp trường, cấp Sở, cấp ngành và công bố công trình nghiên cứu, đề tài nghiên cứu trên tạp chí khoa học giáo dục uy tín. Bốn là, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học của giáo viên. Đặc biệt, cần xây dựng các phòng thí nghiệm phân tích số liệu để GV thuận lợi trong việc nghiên cứu và đạt kết quả tốt nhất. Năm là, tổ chức các diễn đàn khoa học để giáo viên công bố các kết quả nghiên cứu và qua đó giáo viên có thể giao lưu trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các thành viên với nhau về nghiên cứu khoa học. Sáu là, tăng mức chi khen thưởng về nghiên cứu khoa học để động viên kịp thời giáo viên có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học. Tránh tình trạng như Trường THPT Hoàng Văn Thụ mới chỉ chi khen thưởng cho SKKN đạt giải của Sở giáo dục và đạo tạo Hà Nội, chưa có cơ chế chính sách khen thưởng cho giáo viên có công trình nghiên cứu, đề tài nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học giáo dục uy tín. 584
  6. 5. Kết luận Những năm qua, các trường phổ thông đã quan tâm tới xây dựng chính sách nghiên cứu khoa học cho giáo viên bằng Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế thi đua khen thưởng. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học trong các quy chế này còn mang tính hình thức. Do vậy, để khuyến khích giáo viên tích cực, chủ động nghiên cứu khoa học hơn nữa, các trường phổ thông cần nhận rõ thực trạng cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học giáo dục đối với giáo viên. Bởi qua đó sẽ giúp các trường phổ thông thấy được các mặt tích cực cũng như mặt hạn chế, thiếu sót của cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học giáo dục đã triển khai. Từ đó, các trường phổ thông có thể điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học giáo dục phù hợp với giáo viên để nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Nghị quyết 02- NQ/HNTW về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000, Nxb: Chính trị quốc gia, tr.1-15. [2] Bộ giáo dục và đào tạo (2019), Xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, truy cập ngày 25/04/2019 từ https://moet.gov.vn/Pages/tim-kiem.aspx?ItemID=5966 [3] Nguyễn Văn Đệ & Nguyễn Văn Vũ (2017), Thực trạng và biện pháp quản lí hoạt động nghiên cứu khoa học của giáo viên trung học phổ thông ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, Tạp chí Giáo dục, Số 425 (Kì 1 - 3/2018), tr 5-9. [4] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Luật khoa học và công nghệ, Nxb: Chính trị quốc gia, tr.3-40. [5] Phan Sáu (2019), Đề xuất cơ chế, chính sách nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ, truy cập ngày 21/09/2019 từ https://www.vietnamplus.vn/de-xuat-co-che- chinh-sach-nghien-cuu-khoa-hoc-cho-giang-vien-tre/596519.vnp 585
nguon tai.lieu . vn