Xem mẫu

  1. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI HỒ THỊ HUYỀN Trường Đại học Đồng Tháp Tóm tắt: Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên là khâu then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Trên cơ sở phân tích thực trạng về đội ngũ giáo viên, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đạo tạo và bồi dưỡng giáo viên hiện nay ở các trường sư phạm. Từ khoá: đổi mới, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. 1. MỞ ĐẦU Hiện nay, cả nước ta có hơn 110 cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông và mầm non, trong hệ thống các trường sư phạm và ngoài sư phạm. Tại Hà Nội có Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Cao đẳng Sư phạm… tiếp đến ở tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế, các tỉnh phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh. Hàng năm, sinh viên ra trường rất nhiều nhưng nhu cầu tuyển dụng thì không đáp ứng đầy đủ việc làm cho số sinh viên đã tốt nghiệp. Mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phát triển chưa ổn định do nhiều trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) chưa đảm bảo cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Đến nay đã có hơn 20 trường CĐSP được nâng cấp lên đại học và hơn 10 trường đại học sư phạm (ĐHSP) và CĐSP đổi tên. Các trường nâng cấp hầu hết là các trường CĐSP địa phương. Nhiều trường nâng cấp trong điều kiện còn thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, giáo trình, tài liệu và sách vở. Tuy nhiên, ngay sau khi nâng cấp, hoặc mở mã ngành mới, các trường đã tuyển sinh đào tạo giáo viên phổ thông và các ngành, nghề kinh tế - kỹ thuật trình độ đại học với quy mô tuyển sinh tăng rất nhanh qua các năm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của giáo dục nói chung, chất lượng đội ngũ giáo viên nói riêng. 2. NỘI DUNG 2.1. Thực trạng đội ngũ giáo viên phổ thông Hệ thống đào tạo giáo viên của nước ta những năm vừa qua đã đạt được những thành quả vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục. Các cơ sở đào tạo giáo viên đã hoàn thành vai trò nhiệm vụ cao cả của mình. Đào tạo song song (theo truyền thống): vừa đào tạo khoa học cơ bản và khoa học chuyên ngành, vừa đào tạo sư phạm (4 năm đối với đại học, 3 năm đối với cao đẳng và hoặc 2 đối với trung học chuyên nghiệp (TCCN)). Theo mô hình này, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học thường được đào tạo dạy toàn diện; giáo viên trung học cơ sở được đào tạo dạy 2 môn. 257
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 Tuy nhiên, đào tạo giáo viên ở các cơ sở đào tạo giáo viên chưa gắn kết chặt chẽ với thực tiễn giáo dục phổ thông vì còn nặng về lý thuyết thiếu tính thực hành. Do không theo sát với thực tiễn sinh động của giáo dục phổ thông, nên các cơ sở đào tạo giáo viên luôn phải “chạy theo” những “canh tân”, “đổi mới” của giáo dục phổ thông. Hàng năm, các trường vẫn phải cử các giáo viên tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn về đổi mới phương pháp dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc do Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố tổ chức. Trước đây, trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp, khi chưa đổi tên thành trường Đại học Đồng Tháp, có tuyển sinh một số ngành ngoài sư phạm, vì vậy những sinh viên tốt nghiệp muốn tham gia giảng dạy thì sau khi được tuyển dụng bắt buộc phải đi học một lớp về bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thiếu đất xây dựng, tính đến tháng 6 năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh có 5 cơ sở đào tạo. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với 13 tỉnh và thành phố có 14 cơ sở (5 trường CĐSP, 6 khoa/ngành sư phạm trong trường đại học và 3 khoa/ngành sư phạm trong trường cao đẳng), đào tạo 11,8% số học sinh, sinh viên sư phạm của cả nước. Trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 2 cơ sở (Đại học Cần Thơ và CĐSP Cần Thơ). Các cơ sở thuộc địa phương quản lý có diện tích rộng hơn nhưng cơ sở vật chất chưa đầy đủ. Bình quân diện tích đất cho mỗi sinh viên là khoảng dưới 30m2. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo giáo viên tập trung chủ yếu vào việc đào tạo mới và đào tạo nâng cao trình độ, chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Việc phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu phát triển giáo viên. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm số lượng sinh viên được đào tạo làm giáo viên rất đông. Ví dụ: Khoa Giáo dục Tiểu học - Mầm Non (có đào tạo Giáo viên Tiểu học), và các ngành Sư phạm Toán - Tin, Sư Phạm Hóa - Sinh, Sư phạm Văn - Sử - Địa của Đại học Đồng Tháp, ngành Sư phạm của Đại học Cần Thơ… hàng năm có hơn 1.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường, nhưng những năm gần đây số sinh viên có việc làm còn rất thấp. Ở tất cả các cấp học, bậc học, cách dạy, cách học nhiều trường còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa phát huy tinh thần tự học và tư duy sáng tạo của người học vì vậy sau khi ra trường các giáo viên truyền thụ lại kiến thức cho các em ở phổ thông chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của đổi mới giáo dục phổ thông như tình hình hiện nay. Nguyên nhân của các yếu kém trong giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng hiện nay là tư duy giáo dục đổi mới còn chậm. Quản lý về giáo dục vẫn còn ̣ có những bất cập. Hệ thống luật pháp và các chính sách về giáo dục chưa hoàn chỉnh, thiếu hiệu lực. Đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước còn ̣ dàn trải, không đủ bảo đảm nhu cầu phát triển giáo dục. Bên cạnh đó, chính sách tuyển dụng, sử dụng cán bộ thiên về bằng cấp, chưa chú ý đúng mức đến năng lực thực tế dẫn đến tình trạng học giả, bằng thật và 258
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 một số hiện tượng tiêu cực khác. Thêm vào đó, chưa có sự phân tầng trong mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên. Việc thực hiện chính sách đào tạo giáo viên và định hướng phát triển của mỗi cơ sở đào tạo giáo viên phụ thuộc chủ yếu vào sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan chủ quản. Do mỗi cơ quan chủ quản có đặc điểm, điều kiện, năng lực, tính chuyên nghiệp và trình độ nghiên cứu hệ thống quản lý, cũng như các chính sách công tương ứng của giáo dục nói chung, đào tạo giáo viên nói riêng khác nhau, nên sự chỉ đạo đối với các cơ sở đào tạo giáo viên cũng khác nhau. Hiện nay, nhiều trường phổ thông do tình trạng thừa giáo viên, nhưng số sinh viên sư phạm tốt nghiệp cũng chưa đáp ứng được xu thế đổi mới trong giáo dục phổ thông hiện nay vì vậy nơi thì thừa mà thiếu thì vẫn thiếu. Ngành giáo dục đã có những biện pháp nhằm điều chỉnh về quy mô đào tạo giáo viên, tuy nhiên đây là những biện pháp có tính chất tình thế, ứng phó dư luận trong bối cảnh “khủng hoảng thừa giáo viên”. Việc phát triển quy mô đào tạo giáo viên phải tính đến cả tình huống của “khủng hoảng thiếu giáo viên”. Nói chung các hoạt động đào tạo này đều là đào tạo mới và đào tạo nâng cao trình độ giáo viên. Công tác đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên cho đội ngũ giáo viên đang làm việc hầu như còn bỏ trống. Do vậy, cần có nguồn nhân lực dự trữ cho ngành giáo dục bằng việc tạo ra cơ hội cho nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học (không phải sư phạm) có thể trở thành giáo viên trong những bối cảnh cụ thể. 2.2. Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Thực tế cho thấy những năm vừa qua Trường Đại học Đồng Tháp đã thực hiện đổi mới tư tưởng giáo dục, lấy sinh viên làm trung tâm trong quá trình dạy học. Ngoài ra, các câu lạc bộ (CLB) của sinh viên được thành lập như: CLB tiếng Anh (khoa Sư phạm Ngoại Ngữ), CLB Toán học (Khoa Sư phạm Toán - Tin), CLB Sáng tác trẻ (Khoa Sư phạm Nghệ thuật)… phát huy tính tích cực, tính chủ động tự học trong học tập và nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới, cần phải thực hiện những giải pháp sau: - Mỗi giảng viên tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm nghề nghiệp, thực hiện tốt việc tự học, tự bồi dưỡng và tham gia tích cực các hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn, hoạt động bồi dưỡng của cơ quan quản lý các cấp. - Đối với các trường sư phạm, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, để đáp ứng chương trình, sách khoa mới đòi hỏi trường sư phạm phải đổi mới chương trình đào tạo sinh viên, đổi mới các hoạt động bồi dưỡng. Với chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh thì chương trình sư phạm phải đảm bảo cho sinh viên hoạt động trải nghiệm; muốn đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh thì phải đổi mới kiểm tra, đánh giá sinh viên, vận dụng nhiều hình thức tổ chức và phương pháp dạy học mới thì phương pháp đào tạo sinh viên 259
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 cũng phải đổi mới, đảm bảo chương trình phát triển năng lực học sinh thì cần phát triển năng lực sinh viên trước. Hay nói cách khác, để tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, rèn kỹ năng sống, đổi mới hình thức, phương pháp nội dung chương trình giáo dục nhằm phát triển năng lực học sinh thì trước hết cần thực hiện những tiêu chí này trong quá trình đào tạo sinh viên sư phạm. Trong giai đoạn hiện nay, các trường sư phạm có sứ mệnh quan trọng đó là đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Mặc dù hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang còn là dự thảo nhưng các trường sư phạm đã bám sát tư tưởng, những định hướng cơ bản của chương trình, những điểm mới trong tư tưởng đổi mới đã và đang triển khai trong thực tiễn (Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nằm trong Chương trình giáo dục phổ thông mới). Các trường đã chủ động vào cuộc, thay đổi hình thức đào tạo giáo viên. Đặc biệt là thay đổi hẳn chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực, bám sát chức năng mới của người giáo viên. Nếu giai đoạn trước đây nhấn mạnh chức năng truyền đạt kiến thức thức thì tới đây trong chương trình mới giáo viên là người hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục, tư vấn và giúp đỡ học sinh. Sự thay đổi này mang tính bản chất do vậy việc đào tạo giáo viên cũng phải chuyển hướng theo tính chất mới. Toàn bộ chương trình đào tạo của các trường sư phạm hiện nay cũng đang tích cực đổi mới để đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông. Các trường sư phạm đã đặt ra hai nhiệm vụ chính: Giảng viên sư phạm phải đổi mới, gắn giáo dục đại học với giáo dục phổ thông và học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Tiếp đó là giảng viên các trường sư phạm phải xuống các trường phổ thông để tìm hiểu, nghiên cứu cùng nhà nhà trường xây dựng cho chương trình của nhà trường. Tại Trường Đại học Đồng Tháp, trong những năm vừa qua các giảng viên luôn được tạo điều kiện đi công tác, học tập ở nước ngoài như Đức (giảng viên của Khoa Tiểu học - Mầm Non), Úc (giảng viên của khoa Sư phạm Ngữ Văn - Sử - Địa), Thái Lan (giảng viên của khoa Sư phạm Hóa - Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp), ngoài ra các sinh viên của Cộng hòa Séc cũng đã tham gia học tập tại Khoa Giáo dục Tiểu học - Mầm non (vừa kết thúc vào HK 1 năm học 2016 -2017)… Có thể nói trong thời gian qua, các trường sư phạm lớn trên cả nước đã nhận thức được điều nay, đã và đang quyết liệt xây dựng chương trình đào tạo giáo viên mới. Đã có nhiều chuyên đề bồi dưỡng giáo viên được xây dựng để thực hiện hai sứ mệnh này trong việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Theo tôi, mỗi trường có đào tạo sư phạm nhất thiết phải có trường thực hành, đó được xem như một trung tâm huấn luyện nghề có uy tín. Sau khi học hết lý thuyết sinh viên đến các trung tâm để thực tập giống như thực tập nghề, rèn luyện cho mình các kỹ năng nghề nghiệp. Khi xây dựng Trường thực hành sư phạm thì cần lưu ý đến những chức năng như sau: 260
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 1. Tại trường Thực hành sư phạm thì có thể quan sát các hoạt động dạy và học của học sinh và giáo viên, mối quan hệ tương tác giữa thầy - trò; trò - trò với nhau, những biểu hiện tâm lý của học sinh trong quá trình hoạt động, những thao tác của học sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, những hành động dạy học của giáo viên, quan hệ giao tiếp… Trong quá trình quan sát đối tượng giáo dục dần dần hình thành cho sinh viên kỹ năng quan sát và hiểu đối tượng dạy học và giáo dục. 2. Sinh viên có nơi để nghiên cứu bài học, nghiên cứu những tài liệu tham khảo chuyên môn. Từ đó sinh viên có thể lập kế hoạch dạy học và giáo dục dưới sự hỗ trợ của giảng viên, chuẩn bị giáo án hay kế hoạch hoạt động giáo dục tùy theo mục đích đặt ra. Vào phòng thực hành sư phạm sinh viên có những tài liệu tham khảo, trao đổi với bạn bè và chuẩn bị giáo án cho chính mình. 3. Ở Trường Thực hành sư phạm sinh viên có những điều kiện để dạy học hay tổ chức họat động giáo dục như: chuẩn bị và làm đồ dùng dạy học, tập sử dụng đồ dùng dạy học, các tài liệu ấn phẩm, tranh, ảnh, các vật liệu, luyện cách sử dụng dụng cụ và phối kết hợp với việc trình bày diễn giải hay ra câu hỏi thảo luận, luyện cách viết bảng, tập sử dụng các thiết bị nghe nhìn hiện đại... - Đối với trường phổ thông, cần xây dựng và thực hiện tốt cơ chế dân chủ trường học theo cả 2 hướng: dân chủ trong quản lý nhà trường và dân chủ giữa nhà trường với xã hội (dân chủ hóa giáo dục). Giáo viên hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn hình thức tổ chức, phương pháp thực hiện như phân bổ thời gian, chọn sách giáo khoa, thiết kế bài giảng… sao cho việc tổ chức dạy học đạt hiệu quả nhất. Ngược lại, để chắc chắn cho các hoạt động của mình đạt hiệu quả thì giáo viên phải giải trình được nếu cán bộ quản lý yêu cầu; cùng thảo luận dân chủ để có được giải pháp tốt nhất; hạn chế quản lý bằng sổ sách. 3. KẾT LUẬN Có thể nói trong thời gian qua, để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông mới, các trường sư phạm lớn trên cả nước đã nhận thức được điều này, đã và đang quyết liệt xây dựng chương trình đào tạo giáo viên mới. Bản thân các trường để thu hút sinh viên đã liên tục đổi mới trang thiết bị dạy và học, thay đổi phương pháp dạy, xây dựng các trương trình chuẩn, liên kết đào tạo với nước ngoài, thuê giảng viên nước ngoài giỏi về giảng dạy, tuyển chọn đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm đồng thời triển khai mạnh mẽ chủ trương đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội. Và quy trình đào tạo giáo viên phải được thiết kế, tổ chức gắn chặt với thực tiễn đời sống học đường, đảm bảo mối quan hệ mật thiết giữa đào tạo và bồi dưỡng theo quan điểm phát triển liên tục nghề nghiệp giáo viên (phát triển liên tục nghề nghiệp giáo viên là một quá trình bao gồm cả 3 giai đoạn: trước đào tạo nghề giáo viên, đào tạo nghề giáo viên và lao động nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục mầm non hoặc phổ thông). 261
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 Sự tham gia của các lực lượng xã hội vào giáo dục nhiều hơn, sẽ có hiệu quả hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Kiểm (2004), Khoa học quản lí nhà trường phổ thông, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. [2] Luật Giáo dục (2005, sửa chữa bổ sung năm 2009), Nxb Giáo dục, Hà Nội. [3] Weside: Dân tri.com.vn. [4] TS Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - Bài viết Tạp chí Khoa học Quản lý Giáo dục số 02 (10)/2016. [5] Báo Nhân dân Điện tử - 20/11/2016. Title: REALITY AND SOLUTIONS FOR TRAINING RENOVATION, CULTIVATING TEACHERS TO MEET THE REQUIREMENTS OF IMPLEMENTING NEW GENERAL EDUCATION Abstract: Training and cultivation is the vital step in basic and comprehensive education and training renovation. On the basic of analysing the reality of teaching staff, this study proposes solutions to improve the quality of training and cultivating teachers at colleges of educations nowadays. Keywords: renovation, training, cultivate teachers. HỒ THỊ HUYỀN Khoa Giáo dục Tiểu học - Mầm non - Trướng Đại học Đồng Tháp Email: hthiminhhuyen@gmail.com 262
nguon tai.lieu . vn