Xem mẫu

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 THỰC TRẠNG VÀ BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN NHÓM TRẺ GIA ĐÌNH TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Phạm Bích Thủy Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh thuypb@iemh.edu.vn Tóm tắt: Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu thực trạng và đề xuất biện pháp phát triển nhóm trẻ gia đình tại các khu công nghiệp. Kết quả khảo sát tại thành phố Hồ Chí Mihnh cho thấy thực trạng nhóm trẻ gia đình tại các khu công nghiệp ngoài những ưu điểm, còn bộc lộ nhiều nhược điểm. Từ đó, bài viết đề xuất một số biện pháp để phát triển nhóm trẻ gia đình là hoàn thiện thể chế pháp luật; kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra kiểm tra hoạt động của nhóm trẻ gia đình. Từ khóa: Thực trạng và biện pháp, nhóm trẻ gia đình, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Giáo dục là chìa khóa để phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Giáo dục mầm non có vị trí đặc biệt quan trọng, là tiền đề cho sự phát triển của nguồn nhân lực. Trong những năm gần đây, giáo dục mầm non (GDMN) đã có sự phát triển về quy mô, mạng lưới trường, lớp và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ ở độ tuổi mầm non tới trường, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp một. Hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non công lập (bao gồm nhà trẻ, nhóm trẻ, trường, lớp mẫu giáo, trường mầm non) đã tăng về số lượng và ngày càng nâng cao về chất lượng. GDMN ngoài công lập phát triển nhanh, nhất là ở các thành phố, thị xã, khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất đã góp phần làm giảm tình trạng quá tải trong các cơ sở GDMN công lập. Tuy nhiên, ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhu cầu gửi trẻ ở độ tuổi mầm non, nhất là độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) ngày càng tăng. Hệ thống các cơ sở GDMN công lập và ngoài công lập tại những địa phương này tuy có tăng về số lượng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều cơ sở có chất lượng còn rất hạn chế. Việc đầu tư xây dựng cơ sở GDMN ngoài công lập, nhất là ở các cơ sở GDMN tư thục còn gặp nhiều khó khăn; việc quản lý, cấp phép thành lập và hoạt động đối với các cơ sở này còn chưa chặt chẽ, có nơi bị buông lõng trong quản lý, giám sát, kiểm tra. Do thiếu trường, lớp mầm non, nhiều trường hợp phụ huynh phải gửi trẻ tại các nhóm, lớp mầm non tư thục chưa được cấp phép, không bảo đảm điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng gây nguy cơ mất an toàn cho trẻ; nhiều vụ bạo hành trẻ đã xảy ra tại các cơ sở này; gây tư tưởng bất an cho cha mẹ trẻ và ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý trẻ trong quá trình phát triển. Đặc biệt, có rất nhiều vụ bạo lực xẩy ra đối với trẻ trong các trường mầm non tư thục. Ngày 12/1/2018, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo kết luận thanh tra số 65/TB-TTCP chuyên đề “công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo”. Thanh tra Chính phủ chỉ ra “nhiều hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm trong công tác này. Ðáng chú ý, công tác xây dựng và rà soát, điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong giáo dục, đào tạo còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; chưa bám sát thực tế phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển dân số tự nhiên dẫn đến mạng lưới cơ sở giáo dục tuy có tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, vẫn còn thiếu, chưa đủ tiêu chuẩn. Ngoài 221
  2. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ra, Bộ Giáo dục và Ðào tạo chưa thực hiện đầy đủ, thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu các địa phương thực hiện đúng và đủ quy định pháp luật” (Thanh tra Chính phủ, 2018). Tại thành phố Hồ Chí Minh, chất lượng GDMN ngày càng được nâng cao, rút ngắn dần khoảng cách giữa nội thành và ngoại thành, công lập và ngoài công lập. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 1.151 trường mầm non, trong đó có 451 trường công lập nuôi dạy 38,3% trẻ nhà trẻ và 46,1% trẻ mẫu giáo; có 700 trường mầm non tư thục, 1.764 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục và 570 nhóm trẻ gia đình. 25 quận huyện đều có trường tư thục dân lập, trong đó có các quận chiếm tỷ lệ khá cao như quận Gò Vấp và Tân Phú chiếm 41-50% tổng số trường, Quận 6 và Thủ Đức chiếm 61-70%. Các quận có số nhóm lớp tư thục cao như Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân có từ 51-60 nhóm lớp, quận 12 có từ 61-70 nhóm lớp, quận Tân Bình có từ 71-80 nhóm lớp, quận Tân Phú có từ 81-90 nhóm lớp. Có những nơi như Tân Phú, Thủ Đức 2/3 số trẻ học ở các cơ sở ngoài công lập. Phần lớn nhóm trẻ gia đình này thường không đạt yêu cầu về diện tích, ánh sáng, sân chơi. Trong tổng số 247 trường tư thục có 50% số trường có sân chơi, 20% số trường có phòng âm nhạc, 15% số trường có phòng thể dục, 15% số trường có có thư viện và phòng kismart. Khoảng 10% số trường có công trình vệ sinh trong lớp, 20% số trường có bếp 1 chiều đúng quy cách, 25% số trường có vườn cây của bé. Hiện nay, ở một số khu vực đô thị hóa, KCN vẫn còn một số nhóm trẻ gia đình hoạt động chưa có phép. Từ năm 2005 đến nay, ngành mầm non đã kiểm tra và đóng cửa hàng trăm cơ sở không đủ điều kiện. Theo phân loại của Sở Giáo dục và Đào tạo hiện có khoảng 20% cơ sở GDMN được xếp vào loại tốt, 50% khá, 25 % trung bình, 10-15% yếu và chưa đạt. Số các cơ sở yếu và chưa đạt tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho trẻ (Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hồ Chí Minh, 2016). Những con số nêu trên cho chúng ta thấy rằng nhóm trẻ gia đình giữ một vai trò không nhỏ trong giáo dục mầm non ở Tp. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu để thấy được ưu nhược điểm của NTGD ở các khu công nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh, từ đó có những biện pháp quản lý phù hợp nâng cao chất lượng của NTGD là việc làm cần thiết. 2. KHÁCH THỂ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Khách thể nghiên cứu Nhóm tác giả đã điều tra bằng bảng hỏi trên 223 khách thể điều tra là chủ nhóm trẻ và phụ huynh gửi trẻ tại các NTGD thuộc địa bàn quận Tân Bình, Thủ Đức và Bình Tân - những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh; phỏng vấn sâu trên 86 khách thể nghiên cứu là: Phó chủ tịch UBND phụ trách văn hóa - xã hội của xã/phường; các cán bộ phụ trách mảng phụ nữ, gia đình, trẻ em; cán bộ phụ trách mảng mầm non của phòng/sở Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn nghiên cứu. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Để đánh giá thực trạng những khó khăn và thuận lợi của các NTGĐ và đề xuất các biện pháp phát triển NTGĐ tại các KCN tại thành phố Hồ Chí Minh, nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu bằng 2 phương pháp chủ đạo, bao gồm: Điều tra bằng bảng hỏi; phỏng vấn sâu. Phần mềm Excel 2010 được sử dụng để xử lý dữ liệu của bảng hỏi. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1. Ưu điểm và nhược điểm của nhóm trẻ gia đình tại các khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Ưu điểm được đánh giá cao nhất đó là “giờ giấc linh hoạt” (65,97%); tiếp tới là “gần nhà” (61,8%). Lý do “trường tốt” chỉ được 7,63% khách thể điều tra lựa chọn. Một đặc trưng lớn 222
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 của giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp đó là hầu như phụ huynh là công nhân. Họ làm việc theo ca (3 ca/1 ngày) và thay đổi luân phiên theo tuần. Vì vậy, điều cần nhất đối với họ là “giờ giấc linh hoạt”. Đây là ưu điểm nổi trội của nhóm trẻ gia đình mà các trường mầm non công lập và dân lập đều không có được. Biểu đồ 1. Ưu điểm của nhóm trẻ gia đình Biểu đồ 2. Nhược điểm của nhóm trẻ gia đình Nhược điểm chiếm tỷ trọng lớn nhất 90,2% là “trình độ đội ngũ GV chưa đạt chuẩn”. Hầu như chủ các nhóm trẻ gia đình ở các khu công nghiệp dù được cấp phép hay chưa được cấp phép đều là những người phụ nữ không có nghề nghiệp, học vấn thấp, có nhà rộng thoáng hơn các nhà thuê. Chính vì vậy, họ không thể đạt chuẩn như giáo viên các trường mầm non và thiếu kinh nghiệm, yếu chuyên môn. “Đội ngũ giáo viên không ổn định” không chỉ là nhược điểm của nhóm trẻ gia đình mà còn là nhược điểm của các trường mầm non ngoài công lập (Thanh tra Chính phủ, 2018). 3.2. Biện pháp phát triển nhóm trẻ gia đình Để phát huy những thuận lợi, hạn chế những khó khăn, đáp ứng những thay đổi của bản thân các NTGD trong giai đoạn hiện nay, các cấp quản lý cần lưu ý một số biện pháp như sau: 223
  4. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế pháp luật. Việc hoàn thiện thể chế pháp luật có ý nghĩa hết sức quan trọng vì đây là công cụ của công tác QLNN. Các cơ quan QLNN cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về GDMNNCL nói chung và NTGĐ nói riêng. Khi phân tích thực trạng hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề này, chúng tôi đã thấy một lỗ hổng lớn nhất là khái niệm NTGĐ chưa được xác định rõ ràng, cụ thể. Bản thân các Chủ NTGĐ và đội ngũ CBQL các cấp, các ngành không xác định được mô hình NTGĐ là gì và chịu sự quản lý của những văn bản pháp luật nào. Bên cạnh việc sửa đổi cần xây dựng và hoàn thiện một số chính sách, chế độ đối với đội ngũ GV và Chủ NTGĐ. Mặc dù, NTGĐ là một dạng của kinh doanh cá thể, số lượng giáo viên rất ít. Nhưng cũng cần phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chính sách, chế độ, kiểm tra, đánh giá đối với GV, chủ NTGĐ. Đặc biệt chú ý tới vấn đề bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ trong hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ cho đội ngũ Chủ NTGĐ và GV ở các cơ sở này như các cơ sở GDMNNCL khác. Nhà nước và UBND các cấp cần xây dựng chính sách khuyến khích các trường tư thục, dân lập, NTGĐ và các tổ chức kinh tế, xã hội đầu tư cho GDMN Thứ hai, kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy QLNN về nhóm trẻ gia đình. Nâng cao hiệu lực QLNN đối với NTGĐ phụ thuộc phần lớn vào chất lượng bộ máy QLNN, nhận thức và trình độ CBQL, phương thức lãnh đạo điều hành. Vì vậy, việc đầu tiên là phải thực thi kiện toàn và chấn chỉnh bộ máy QLNN về NTGĐ. Chúng tôi cho rằng cần: thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập; nâng cao năng lực đội ngũ CBQL của cơ quan QLNN đối với NTGĐ; quy hoạch và chấn chỉnh lại hệ thống trường lớp MN Thứ ba, cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Yêu cầu các cơ sở NTGĐ trang bị đầy đủ các thiết bị theo đúng quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và thực hiện đúng các nội quy, quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức bữa ăn bán trú cần thực hiện tốt các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm, tình thương yêu đối với trẻ. Có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, xâm phạm đến thân thể, sức khỏe và tinh thần của trẻ; kịp thời xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm về đạo đức nhà giáo. Sở GD&ĐT cần yêu cầu các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức, ban, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của các cơ sở GDMNNCL, giám sát hoạt động của các nhóm trẻ, kiên quyết đình chỉ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không đảm bảo các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và vi phạm các quy định về an toàn trường học. Bên cạnh đó, cần phối hợp chính quyền địa phương công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến các tổ dân phố về các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đã được cấp phép, hoặc bị đình chỉ hoạt động trên địa; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non trên địa bàn. Tăng cường phối hợp liên ngành và huy động các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư trong việc giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn; công khai hoạt động của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục tại địa bàn dân cư và UBND cấp xã… 4. KẾT LUẬN Trong thời đại ngày nay, không một dân tộc nào có thể đứng vững ở vị trí tiên tiến mà thiếu quốc sách hành đầu là giáo dục đào tạo. Việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục 224
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 là khâu then chốt có tính đột phá trong tiến trình đổi mới giáo dục; là quá trình làm cho các trường và toàn hệ thống đổi mới tư duy quản lý, hoàn thiện tính nhân văn, khoa học, hiện đại, phát huy bản sắc dân tộc và kế thừa thành quả giáo dục của thế giới. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục mầm non phải phù hợp thể chế chính trị, cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và năng lực bộ máy quản lý nhà nước và là nỗ lực chung của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục mầm non và toàn xã hội. Đó chính là những biện pháp để phát triển NTGD ở các khu vực công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015). Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục. Ban hành theo Thông tư 13/2015 /TT-BGDĐT ngày 30/6/2015. [2] Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh (2016). Báo cáo tình hình giáo dục mầm non ngoài công lập năm học 2015 -2016 của thành phố Hồ Chí Minh. [3] Thanh tra Chính phủ (2018). Thông báo kết luận thanh tra số 65/TB-TTCP về Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo. Title: REALITY AND SOLUTION DEVELOPING FAMILY CHILDCARE GROUPS IN THE INDUSTRIAL ZONES IN HO CHI MINH CITY Pham Bich Thuy Ho Chi Minh City School of Education Management thuypb@iemh.edu.vn Abtract: This study aimed to explore the reality and solution developing family childcare groups in the industrial zones. A survey in Ho Chi Minh city showed that there are the advantages and disadvantages of the family childcare groups. The solutions to develop this type of non-public preschool education are proposed in the paper, including completing legal institutions; consolidate and improve the capacity of state management apparatus; enhance the effectiveness of inspection work. Keywords: Reality and solution, family childcare groups, the industrial zones in Ho Chi Minh city. 225
nguon tai.lieu . vn