Xem mẫu

  1. Hội thảo khoa học Quốc gia Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Việt Nam THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN RỪNG VÙNG TÂY BẮC VIỆT NAM Vũ Đức Toàn1,2*, Đoàn Đức Lân3 1 Khoa Nông Lâm - Đại học Tây Bắc 2 Trung tâm Đa dạng sinh học và Môi trường - Đại học Tây Bắc 3 Hội đồng Trường Đại học Tây Bắc * Email: vuductoan@utb.edu.vn Tóm tắt: Bài viết trình bày về thực trạng quản lý tài nguyên rừng tại 4 tỉnh vùng Tây Bắc Việt Nam, gồm Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình. Kết quả tổng hợp, phân tích số liệu cho thấy, quy hoạch đất đai cho phát triển lâm nghiệp không ổn định và biến động lớn giữa các năm, nhất là số liệu thống kê năm 2013 tại hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Tỷ lệ che phủ rừng tại Lai Châu và Điện Biên đến năm 2019 đã đạt tương ứng 50,2 % và 42,2 %, vượt xa diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp của năm 2019 (45,7 % và 38,5 %). Hệ thống rừng đặc dụng tương đối hoàn chỉnh với 1 Vườn Quốc gia, 12 Khu Bảo tồn thiên nhiên, 1 khu rừng thực nghiệm, 3 khu rừng văn hóa lịch sử. Số liệu thống kê một số nghiên cứu về đa dạng sinh học từ năm 1991 - 2018 cho thấy, số loài động vật và thực vật điều tra được tại một số khu rừng đặc dụng thấp hơn nhiều sô loài được ghi nhận có mặt tại vùng Tây Bắc trước đó. Diện tích rừng trồng thống kê tại các thời điểm 2010, 2013, 2016, 2019 chỉ đạt từ 14 - 19 % so với diện tích trồng rừng lũy kế theo năm đến thời điểm so sánh. Từ khóa: Tây Bắc; quản lý tài nguyên rừng. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Vùng Tây Bắc bao gồm 4 tỉnh Lai châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình, với tổng diện tích tự nhiên 3,7324 triệu ha, chiếm 11,27 % diện tích cả nước [32]. Diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp năm 2019 là 1,7141 triệu ha, chiếm 45,92 % diện tích toàn vùng. Tây Bắc là vùng núi cao, dốc nhất Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, là vùng có đa dạng sinh học cao của Việt Nam và Thế giới [21], là vùng đầu nguồn chủ yếu của hai hệ thống Sông Đà và sông Mã, với diện tích lưu vực Sông Đà là 2,368 triệu ha, lưu vực sông Mã 1,027 triệu ha (Hình 1). Từ năm 1993, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách, chiến lược, nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng vùng Tây Bắc, điển hình là 2 dự án 327 và 661. Tính đến năm 2019 vùng Tây Bắc đã trồng mới được 288.900 ha rừng tập trung, nâng độ che phủ rừng bình quân các tỉnh Tây Bắc từ 42,6 % (2010) lên 47,1 % (2019) [32]. Các chương trình, dự án này chủ yếu trồng các loài cây nhập nội như thông, keo, bạch đàn, chưa thực sự quan tâm đến phát triển các loài cây bản địa, là những loài đã thích nghi với điều kiện lập địa của địa phương và khi trồng sẽ tạo ra hệ sinh thái gần với hệ sinh thái rừng tự nhiên, tạo điều kiện phục hồi đa dạng sinh học. Tuy nhiên, trồng rừng cây bản địa còn nhiều hạn chế do thiếu những hiểu biết về loài, thiếu những nghiên cứu cơ bản làm căn cứ xây dựng kỹ thuật nhân giống gây trồng hoàn chỉnh [25]. Mặt khác, do thiếu những công trình nghiên cứu đánh giá toàn diện về đa dạng sinh học vùng Tây Bắc, làm cơ sở xây dựng chiến lược bảo tồn, phát triển các hệ sinh thái, nguồn gen quý hiếm, đây là vấn đề hết sức cần thiết, cần chú trọng nghiên cứu. Về thực trạng công tác quy hoạch lâm nghiệp vùng Tây Bắc có thể chia ra thành 4 giai đoạn chính [24]: (i) Trước năm 1993 trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc hoạt động lâm nghiệp trên cơ sở các lâm trường khai thác, hoặc quy hoạch phát triển lâm nghiệp theo cấp huyện, cấp tỉnh; (ii) Từ năm 1993 - 1999 các hoạt động lâm nghiệp được thực hiện từ Chương trình 327 thông qua các dự án nông, lâm nghiệp do các nông, lâm trường đầu tư, hoặc các dự án định canh, định cư, dự án rừng phòng hộ hồ Hòa Bình,… trong thời gian này chủ yếu tập trung xây dựng các dự án đầu tư rừng phòng hộ và rừng đặc dụng là chủ yếu; (iii) Từ năm 2000 đến hết năm 2006 các hoạt động lâm nghiệp thực hiện theo các dự án của Chương trình 661 và các dự án có nội dung bảo vệ và phát triển rừng; (iv) Từ năm 2007 đến nay thực hiện dự án Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên do nhiều yếu tố, quy hoạch lâm nghiệp có nhiều biến động, thiếu tính ổn định, cần phải có những tổng kết, đánh giá làm cơ sở hoạch định chính sách phát triển tài nguyên rừng lâu dài.
  2. Thực trạng quản lý tài nguyên rừng vùng Tây Bắc Việt Nam 189 Từ những lý do trên, việc tổng hợp, phân tích, đánh giá thực trạng quản lý tài nguyên rừng Tây Bắc trên các mặt quy hoạch, phát triển rừng, đa dạng sinh học là quan trọng và cần thiết, nhằm xác định các rào cản, khó khăn làm cơ sở đề xuất các định hướng, giải pháp phát triển tài nguyên rừng bền vững. 2. ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ DỮ LIỆU 2.1. Khái quát về địa bàn nghiên cứu Tây Bắc nằm ở phía Tây miền Bắc Việt Nam, có đường biên giới chung với Lào và Trung Quốc. Hiện nay, phân vùng Tây Bắc chưa thống nhất và khác nhau giữa các lĩnh vực, tuy nhiên để lựa chọn cách phân vùng phù hợp với nội dung, bài viết dựa theo phân vùng sinh thái của Luật Lâm nghiệp 2017 và các văn bản dưới luật [6], vùng Tây Bắc bao gồm 4 tỉnh là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình (Hình 1). Tổng diện tích tự nhiên vùng Tây Bắc tính tại thời điểm tháng 1/2019 là 3,7324 triệu ha, chiếm 11,27% so với tổng diện tích của cả nước [15]; [32], trong đó diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 1,7141 triệu ha, chiếm 45,92% diện tích toàn vùng (Bảng 1). Dân số toàn vùng 3,1728 triệu người, mật độ bình quân 97 người/km2. Hình 1. Sơ đồ vùng Tây Bắc và lưu vực Sông Đà, Sông Mã (Nguồn: Nhóm tác giả, 2020) 2.2. Phương pháp nghiên cứu và cơ sở dữ liệu Để hoàn thành bài viết, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích số liệu sau: - Diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp, hiện trạng rừng, tổng hợp từ cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thống kê; các quyết định công bố hiện trạng rừng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Các quyết định công bố diện tích đất đai hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2010 - 2019. - Các dữ liệu về đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên rừng, tổng hợp từ các công trình nghiên cứu đã công bố trên các tạp chí, hội nghị khoa học, báo cáo khoa học. - Diện tích lưu vực và bản đồ lưu vực được phân tích từ mô hình số độ cao ASTER GDEM v2 Worldwide Elevation Data và bản đồ hành chính Việt Nam bằng phần mềm ArcGIS. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Biến động quy hoạch đất lâm nghiệp Mặc dù là khu vực miền núi, nhưng diện tích đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp vùng Tây Bắc chỉ ở mức trung bình so với cả nước. Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2018, diện tích rừng và đất đồi núi quy hoạch phát triển lâm nghiệp của vùng Tây Bắc là 1.714,1 nghìn ha, chiếm 45,2 % diện tích tự nhiên, tương đương với tỷ
  3. 190 Vũ Đức Toàn, Đoàn Đức Lân lệ 45,11 % bình quân của cả nước (Bảng 1) [15] [32]. Tỷ lệ diện tích đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp trên tổng diện tích tự nhiên cao nhất là Hòa Bình với tỷ lệ 64,5 % và thấp nhất là tỉnh Điện Biên chỉ đạt 38,53 %, hai tỉnh Lai Châu và Sơn La tỷ lệ này ở mức trung bình tương ứng với 45,69 % và 45,03 %. Điều này cho thấy, quỹ đất dành cho phát triển rừng, tăng độ che phủ rừng bị hạn chế bởi diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là tỉnh Điện Biên. Bảng 1. Diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp 4 tỉnh vùng Tây Bắc (01/2019) Đơn vị: Nghìn ha Tỷ lệ đất lâm Diện tích đất Tổng diện Đất rừng Đất rừng Đất rừng Khu vực nghiệp/tổng quy hoạch cho tích sản xuất phòng hộ đặc dụng diện tích (%) lâm nghiệp Điện Biên 954,1 38,53 367,6 109,11 210,28 48,22 Lai Châu 906,9 45,69 414,4 146,84 236,53 31,13 Sơn La 1.412,3 45,03 636,0 258,06 305,71 72,23 Hòa Bình 459,1 64,50 296,1 153,25 114,33 28,53 Vùng Tây Bắc 3.732,4 45,92 1.714,1 667,27 866,87 180,12 Cả nước 33.123,6 45,11 14.940,8 7.480,415 5.256,920 2.203,527 Tây Bắc/cả nước (%) 11,27 101,81 11,47 8,92 16,49 8,17 Nguồn: [15];[32] Bảng 2. Biến động diện tích đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp vùng Tây Bắc giai đoạn 2010 - 2018 Đơn vị: Nghìn ha Tỷ lệ so với tổng diện tích Năm Lai Châu Điện Biên Sơn La Hòa Bình Tây Bắc tự nhiên (%) 2010 623,60 398,70 572,90 251,30 1.846,50 49,47 2011 418,70 602,07 624,56 288,29 1.933,62 51,81 2012* 393,30 403,10 635,20 240,00 1.671,60 44,79 2013 738,99 637,82 637,99 288,42 2.303,23 61,71 2014 386,65 350,86 662,96 296,50 1.696,96 45,47 2015* 368,30 416,40 601,10 267,30 1.653,10 44,29 2016 411,81 358,11 643,77 296,38 1.710,06 45,82 2017 411,65 361,63 623,56 296,29 1.693,12 45,36 2018 414,52 367,62 636,01 296,13 1.714,28 45,93 Nguồn: từ [9]đến [15]; (*)[32] Kết quả thống kê từ năm 2010 - 2018 cũng cho thấy, quy hoạch đất dành cho phát triển lâm nghiệp tại cả 4 tỉnh Tây Bắc đều có sự thay đổi hàng năm, thiếu tính ổn định (Bảng 2). Trong giai đoạn này, diện tích quy hoạch phát triển lâm nghiệp của vùng biến động từ 1.653,1 - 2.303,03 nghìn ha, tương ứng với biến động về tỷ lệ diện tích quy hoạch với tổng diện tích tự nhiên toàn vùng từ 44,29 - 61,71 %. Biến động diện tích quy hoạch đất phát triển lâm nghiệp lớn nhất là hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên (Bảng 2). Tại Lai Châu diện tích quy hoạch này biến động từ 368,3 ha (2015) đến 738,99 ha (2013). Biến động nhiều thứ hai là tỉnh Điện Biên, từ 350,86 ha (2014) đến 637,82 ha (2013). Tại Sơn La và Hòa Bình, cũng có sự thay đổi quy hoạch hàng năm nhưng ở mức độ ít hơn (Hình 2). So sánh số liệu năm 2014 [12] và năm 2013 [[11]] thấy rằng tại Lai Châu, diện tích quy hoạch năm 2013 cho phát triển lâm nghiệp là 506.922 ha đất rừng phòng hộ và 190.052 ha đất rừng sản xuất, đến năm 2014 diện tích quy hoạch này giảm chỉ còn 208.414 ha đất rừng phòng hộ (giảm 308.508 ha) và 146.216 ha đất rừng sản xuất
  4. Thực trạng quản lý tài nguyên rừng vùng Tây Bắc Việt Nam 191 (giảm 43.836 ha). Mức độ biến động về quy hoạch đất phát triển lâm nghiệp hàng năm lớn và không ổn định gây ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách phát triển tài nguyên rừng. Diện tích (nghìn ha) 800 600 400 200 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 Năm Lai Châu Điện Biên Sơn La Hòa Bình Hình 2. Biểu đồ biến động diện tích đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp các tỉnh Tây Bắc (giai đoạn 2010 - 2018) 3.2. Biến động tỷ lệ che phủ rừng Tỷ lệ che phủ rừng khu vực Tây Bắc giai đoạn 2010 - 2019 tăng đều hàng năm (Bảng 3). Năm 2010, độ che phủ rừng của vùng mới đạt 42,6 %, đến hết năm 2018 đã tăng lên 47,1 %, cao hơn so với bình quân toàn quốc (41,9 %). Độ che phủ rừng cao nhất là Hòa Bình (51,1 %) và thấp nhất là Điện Biên (42,2 %), cho thấy càng về phía đầu nguồn (Hòa Bình → Sơn La → Điện Biên), địa hình càng cao, càng dốc, nhiều vùng phòng hộ xung yếu thì độ che phủ rừng càng giảm, làm giảm khả năng phòng hộ của khu vực. Kết quả thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ che phủ rừng của khu vực năm 2018 (47,1 %) lớn hơn tỷ lệ diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp (45,11 % tại Bảng 1), trong đó tỷ lệ che phủ rừng của hai tỉnh Điện Biên (42,2 %) và Lai Châu (50,2 %) đã vượt tỷ lệ diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp, tương ứng với 38,53 % và 45,69 %. Hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình tỷ lệ che phủ rừng cũng đã tiệm cận tỷ lệ diện tích đất quy hoạch, vấn đề này cho thấy tỷ lệ che phủ rừng khu vực Tây Bắc theo thống kê đã đạt ngưỡng tối đa nếu không điều chỉnh quy hoạch tăng cơ cấu đất lâm nghiệp. Bảng 3. Tỷ lệ che phủ rừng khu vực Tây Bắc giai đoạn 2010 - 2019 Tỷ lệ che phủ rừng (%) Khu vực 2010 2013 2016 2019 Điện Biên 36,2 40,9 38,5 42,2 Lai Châu 41,2 43,8 46,8 50,2 Sơn La 44,1 44,7 42,4 44,5 Hòa Bình 49,0 49,4 51,1 51,5 Tây Bắc 42,6 44,7 44,7 47,1 CẢ NƯỚC 39,5 41,0 41,2 41,9 Nguồn: [4]; [5]; [7]; [8]; [32] 3.3. Thực trạng công tác bảo tồn, phát triển tài nguyên rừng 3.3.1. Thực trạng bảo tồn đa dạng sinh học Để bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn gen động, thực vật rừng đặc hữu, quý, hiếm của khu vực Tây Bắc, Chính phủ Việt Nam đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách và hành động nhằm bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên này, trong đó có việc thiết lập các khu rừng đặc dụng
  5. 192 Vũ Đức Toàn, Đoàn Đức Lân (RĐD) bên cạnh hệ thống rừng phòng hộ. Năm 1986, thông qua Quyết định số 194/CT ngày 09/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc thành lập 73 khu rừng cấm trên cả nước, vùng Tây Bắc có hai khu bảo tồn là KBT Hoàng Liên - Sa Pa (7.500 ha thuộc địa phận Lai Châu) và KBT Mường Nhé. Đến nay 4 tỉnh Tây Bắc đã có 1 Vườn Quốc gia, 12 Khu Bảo tồn thiên nhiên, 1 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm (số liệu chưa đầy đủ), 3 khu rừng văn hóa lịch sử đã được thành lập (Bảng 4), đã góp phần bảo tồn ĐDSH của quốc gia, thể hiện cam kết thực hiện Công ước Đa dạng sinh học (1994), phát huy và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, giá trị tài nguyên rừng của khu vực. Mặc dù diện tích rừng và độ che phủ tăng nhưng trữ lượng và chất lượng rừng khu vực Tây Bắc vẫn suy giảm, đặc biệt là tính đa dạng sinh học các loài động thực vật. Theo thống kê từ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, đa dạng loài động vật, thực vật vùng Tây Bắc đã ghi nhận 13.766 loài thực vật, 310 loài thú, 840 loài chim, 296 loài bò sát, 162 loài ếch nhái và khoảng 1.000 loài cá nước ngọt [21]. Tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây về đa dạng loài động thực vật ở một số khu vực và khu bảo tồn của vùng Tây Bắc cho thấy số loài rất hạn chế so với số liệu thống kê đã ghi nhận. Các nghiên cứu về đa dạng loài thú hiện biết tại khu vực Tây Bắc có rất ít, điển hình như công bố của Nguyễn Nghĩa Thìn và cs. [29] chỉ ghi nhận được 66 loài thú, 41 loài lưỡng cư, 347 loài chim, 73 loài bò sát tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai, Lai Châu, 1998). Một công bố khác ghi nhận được tại huyện Đà Bắc (Hòa Bình, 2017) [3] có 47 loài thú, và đánh giá một số loài như Vượn đen tuyền Tây Bắc (Nomascus unicolor), Nai (Rusa unicolor), Tê tê (Manis pentadactyla), trước đây có nhiều nhưng đến 2017 không phát hiện còn cá thể nào. Một công bố khác tại Khu BTTN Phu Canh (Hòa Bình, 2013) thống kê được 27 loài thú thuộc 14 họ, 4 bộ; 60 loài chim thuộc 23 họ, 6 bộ; 22 loài bò sát thuộc 10 họ, 2 bộ và 14 loài ếch nhái thuộc 6 họ, 1 bộ, trong đó có một số loài quý hiếm với số lượng rất ít như Gấu ngựa (Ursus thibetanus); Sơn dương (Capricornis milneedwardsii) (Vũ Tiến Thịnh, 2013) [30]. Bảng 4. Một số khu rừng đặc dụng chính của vùng Tây Bắc Năm thành Diện tích Vườn Quốc gia/Khu Bảo tồn Tỉnh lập (ha) 1. Vườn Quốc gia - Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn Lai Châu 1986 7.500 2. Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) - Khu BTTN Mường Tè Lai Châu 1986 33.775 - Khu BTTN Mường Nhé Điện Biên 1996 45.581 - Khu BTTN Copia Sơn La 2002 16.244 - Khu BTTN Sốp Cộp Sơn La 2002 17.405 - Khu BTTN Tà Xùa Sơn La 2002 16.673 - Khu BTTN Xuân Nha Sơn La 2002 18.267 - Khu BTTN Mường La Sơn La 2015 17.000 - Khu rừng thực nghiệm khoa học Tây Bắc Sơn La 415,7 - Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò Hòa Bình 2002 7.091 - Khu BTTN Phu Canh Hòa Bình 1995 5.647 - Khu BTTN Thượng Tiến Hòa Bình 1995 7.308 - Khu BTTN Ngọc Sơn Hòa Bình 1995 19.524 3. Khu rừng văn hóa lịch sử (VHLS) - Khu rừng VHLS Mường Phăng Điện Biên 2010 4.436 - Khu rừng VHLS Võ Nguyên Giáp Sơn La 268,7 - Khu rừng VHLS Đảo hồ Sông Đà Hòa Bình 1995 3.000 Nguồn: [18]; [19]; [21]; [22]
  6. Thực trạng quản lý tài nguyên rừng vùng Tây Bắc Việt Nam 193 Về đa dạng loài thực vật, các nghiên cứu đã thống kê được đa dạng loài thực vật bậc cao có mạch nhiều nhất tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai, Lai Châu, 1998) với 2.024 loài thuộc 771 chi và 200 họ thực vật, trong đó có 701 loài đặc hữu Bắc bộ và 22 loài mang địa danh Sa Pa [29]. Một công bố khác ghi nhận được 1.131 loài thực vật thuộc 650 chi và 189 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch tại Khu BTTN Xuân Nha (Sơn La, 2012) [27]. Tại Mường Tè (Lai Châu, chỉ thống kê được 541 loài của 135 họ thuộc 4 ngành thực vật bậc cao có mạch [2]. Về đa dạng loài bò sát, lưỡng cư các công bố ghi nhận 45 loài ở Khu BTTN Mường Nhé, 39 loài ở Tủa Chùa (Điện Biên, 1991); 78 loài ở Khu BTTN Xuân Nha (Sơn La, 2010), 46 loài ở khu vực đèo Pha Đin, khu vực giáp ranh giữa Sơn La và Điện Biên (2017) [1]. Mặc dù không có nhiều nghiên cứu về đa dạng loài động thực vật, nhưng các công bố đã có thống kê được số lượng các loài thú, lưỡng cư - bò sát, chim, các loài thực vật bậc cao có mạch rất ít so với số lượng loài được ghi nhận phân bố tự nhiên ở vùng Tây Bắc, cho thấy nhiều loài động thực vật có số lượng cá thể rất ít hoặc không còn cá thể nào ngoài tự nhiên. 3.3.2. Một số nguyên nhân gây suy thoái tài nguyên rừng, đa dạng sinh học Bên cạnh những thành quả trong quy hoạch và thiết lập các khu rừng đặc dụng, nỗ lực bảo tồn ĐDSH, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng khu vực Tây Bắc còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, xuất phát từ một số nguyên nhân chính: * Quy hoạch Việc quy hoạch các khu RĐD xen lẫn với các khu dân cư gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH, cũng như ảnh hưởng tới sinh kế của các cộng đồng dân cư sống gần rừng do hạn chế các quyền và cơ hội tiếp cận, sử dụng, hưởng lợi từ tài nguyên rừng và đất rừng. Mặt khác, việc quy hoạch xen kẽ dân cư trong RĐD tạo nên sự chồng lấn quyền sử dụng đất giữa hộ gia đình, công đồng với ban quản lý các khu rừng đặc dụng, thể hiện những tranh chấp về quyền sử dụng rừng và đất rừng, việc này xảy ra ở hầu hết các khu rừng đặc dụng [33]. * Khai thác, buôn bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép Một số bộ phận người dân chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng, vai trò bảo vệ môi trường sinh thái của rừng, kết hợp với áp lực sinh kế, nên tình trạng vi phạm pháp luật lâm nghiệp, đặc biệt là khai thác, buôn bán các loài quý hiếm vẫn xảy ra nhiều. Theo số liệu thống kê trong 3 năm (2016 - 2018) bình quân mỗi năm cả nước trong đó có cả vùng Tây Bắc phát hiện và xử lý 16.980 vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại 1.873 ha/năm [28]. Đối với tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép, từ năm 2013 - 2017 cơ quan thực thi pháp luật đã phát hiện và bắt giữ 1.504 vụ, thu giữ 26.221 cá thể của 180 loài động vật hoang dã bị vận chuyển, buôn bán trái phép [31]. Tình trạng này đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng, suy giảm ĐDSH, nhiều loài đứng trước nguy cơ biến mất khỏi vùng Tây Bắc. * Cháy rừng Bảng 5. Bảng thống kê diện tích rừng bị cháy tại các tỉnh vùng Tây Bắc theo giai đoạn 5 năm (từ 1996 - 2015) Đơn vị: ha Giai đoạn Điện Biên Lai Châu Sơn La Hòa Bình Tây Bắc 6 1996 - 2000 - 1.861,0 5.457,8 451,5 7.770,3 2001 - 2005 1.952,7 627,2 539,5 969,4 4.088,8 2006 - 2010 250,2 966,6 1.333,0 40,6 2.590,4 2011 - 2015 119,0 775,7 256,3 39,3 1.190,3 Cộng 2.321,9 4.230,5 7.586,6 1.500,8 15.639,8 Tỷ lệ (%) 14,85 27,05 48,51 9,60 100 Nguồn: [32] 6 Giai đoạn 1996 - 2000, số liệu tỉnh Lai Châu bao gồm cả tỉnh Điện Biên.
  7. 194 Vũ Đức Toàn, Đoàn Đức Lân Do đặc điểm thời tiết khô hanh từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau đồng thời bị tác động bởi gió Lào, có thể nói cháy rừng luôn là một nguy cơ thường trực đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của vùng Tây Bắc. Theo số liệu thống kê (từ 1996 - 2015), hàng năm các tỉnh Tây Bắc đều xảy ra cháy rừng. Tổng diện tích rừng bị cháy trong giai đoạn này lên tới 15.639,8 ha, trong đó Sơn La là tỉnh bị cháy rừng nhiều nhất với 7.586,6 ha, chiếm tới 48,51 % so với tổng diện tích bị cháy toàn vùng (Bảng 5), ảnh hưởng lớn tới phát triển tài nguyên rừng và nâng cao độ che phủ rừng của tỉnh. Kết quả thống kê theo giai đoạn 5 năm cũng cho thấy, diện tích rừng bị cháy có xu hướng giảm dần. Giai đoạn cháy rừng nhiều nhất từ năm 1996 - 2000, với 7.770,3 ha, chiếm tới 49,68 % tổng diện tích rừng bị cháy. Kết quả này phản ánh sự nỗ lực trong phòng chống cháy rừng của Chính phủ và chính quyền các cấp khu vực Tây Bắc. 3.4. Thực trạng nhân giống, gây trồng Công tác trồng rừng vùng Tây Bắc rất được quan tâm và đã đạt được thành quả nhất định, diện tích rừng trồng tập trung đều tăng hàng năm tại cả 4 tỉnh. Tính đến năm 2019, vùng Tây Bắc đã trồng tập trung tổng cộng 381.300 ha rừng, chiếm 6,9 % tổng diện tích trồng rừng tập trung trên cả nước (Bảng 6), trong đó trồng nhiều nhất là tỉnh Hòa Bình với 178.400 ha, chiếm 46,79 % diện tích trồng toàn vùng. Kết quả thống kê cho thấy, diện tích trồng rừng lũy kế theo năm lớn hơn rất nhiều diện tích rừng trồng. Giai đoạn từ năm 1996 đến hết năm 2009, tổng diện tích trồng mới tại vùng Tây Bắc là 223.900 ha, nhưng tại thời điểm 2010 diện tích rừng trồng thống kê toàn vùng chỉ có 42.600 ha. Mức độ chênh lệch còn lớn hơn tại thời điểm năm 2019 khi rừng trồng chỉ có 47.100 ha, trong khi tổng diện tích trồng rừng toàn vùng đã lên tới 381.300 ha, tương đương tỷ lệ 12,35% (Bảng 7). Bảng 6. Diện tích rừng trồng mới tập trung giai đoạn 1995 - 2019 Đơn vị: Nghìn ha Giai đoạn Điện Biên Lai Châu Sơn La Hòa Bình Tây Bắc Cả nước Tỷ lệ 7 (%) 1996 - 2000 - 9,2 36,2 20,8 66,2 1.073,1 6,17 2001 - 2005 5,1 8,0 33,9 31,8 78,8 942,9 8,36 2006 - 2010 6,2 12,7 17,1 42,9 78,9 1.003,0 7,87 2011 - 2015 8,9 7,4 17,4 42,2 75,9 1.109,4 6,84 2016 - 2019 5,1 12,4 23,3 40,7 81,5 1.397,8 5,83 Cộng 25,3 49,7 127,9 178,4 381,3 5.526,2 6,90 Tỷ lệ (%) 8 6,64 13,03 33,54 46,79 100,00 Nguồn [32] Bảng 7. Thống kê diện tích rừng trồng và diện tích trồng rừng tập trung lũy kế vùng của vùng Tây Bắc, giai đoạn 1995 - 2019 Năm Diện tích rừng trồng (ha) Diện tích trồng mới 9 (ha) Tỷ lệ (%) 2010 42.628 223.900 19,04 2013 44.700 274.900 16,26 2016 44.700 316.200 14,14 2019 47.100 381.300 12,35 Nguồn [32] Kết quả thống kê này cho thấy có hai nguyên nhân chính: (i) Hiệu quả của các chương trình trồng rừng chưa cao, nên tỷ lệ rừng trồng thành rừng thấp; (ii) rừng được trồng với mục đích sản xuất, sau một chu kỳ nhất định 7 Tỷ lệ diện tích trồng mới tập trung của vùng Tây Bắc so với cả nước. 8 Tỷ lệ diện tích trồng mới tập trung của các tỉnh so với vùng Tây Bắc. 9 Diện tích rừng trồng mới tập trung lũy kế từ 1995 đến thời điểm thống kê.
  8. Thực trạng quản lý tài nguyên rừng vùng Tây Bắc Việt Nam 195 được khai thác và trồng lại, với nguyên nhân này phản ánh chưa phù hợp với chủ trương các chương trình dự án đầu tư trồng rừng vùng Tây Bắc chủ yếu với mục đích phòng hộ [24]. Theo danh mục các loài cây trồng rừng sản xuất chủ lực Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành năm 2014 [6], vùng Tây Bắc có 5 loài cây trồng rừng chủ lực (Keo tai tượng; Keo lai; Bạch đàn uro; Sa mộc; Vối thuốc) và 23 loài cây trồng rừng chủ yếu, đáng chú ý là các loài cây bản địa như Sơn tra, Trám trắng, Trám đen, Vối thuốc, Mây nếp, Giổi xanh. Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, gây trồng các loài cây bản địa mới được thực hiện từ những năm 70 Thế kỷ XX, cho đến nay vùng Tây Bắc có khoảng hơn 50 loài bản địa được nghiên cứu, trong đó có khoảng 20 loài được nghiên cứu khá toàn diện, còn lại là mới được nghiên cứu một phần [25]. Một số loài được nghiên cứu và đưa vào sản xuất với quy mô lớn như Sơn tra, Lát hoa, Giổi xanh, Mỡ, Sa mộc, Luồng,… Các loài cây được trồng với diện tích ít hơn gồm một số loài như Lim xanh, Re hương, Xoan mộc, Tông dù, Vối thuốc, Muồng đen, Pơ mu, Tống quá sủ, Mây nếp, Trúc sào, Thảo quả,… Thành tựu nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, gây trồng đã xây dựng được cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn cho phục hồi rừng Tây Bắc bằng các loài cây bản địa tiềm năng. 4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT Với vị trí và vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước cung cấp cho hai hệ thống Sông Đà và sông Mã, vùng Tây Bắc đã và đang nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đầu tư của các tổ chức thuộc Chính phủ, phi Chính phủ một số nước phát triển trên thế giới, thông qua các chương trình, dự án để bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, đến nay đã đạt được những thành quả nhất định. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2010 mới đạt 42,6 %, đến hết năm 2018 đã tăng lên 47,1 %, cao hơn so với bình quân toàn quốc (41,9 %). Hệ thống rừng đặc dụng với mục đích chính là bảo tồn đa dạng sinh học được thành lập tương đối hoàn chỉnh với 1 Vườn Quốc gia, 12 Khu Bảo tồn thiên nhiên, 1 khu rừng thực nghiệm, 3 khu rừng văn hóa lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, công tác quản lý tài nguyên rừng gặp không ít khó khăn, thách thức, như công tác quy hoạch không ổn định, sự suy giảm chất lượng rừng, suy giảm đa dạng sinh học. Trên cơ sở tổng hợp, phân tích các dữ liệu thống kê, các công trình nghiên cứu đã công bố liên quan tới nội dung bài viết, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp định hướng phát triển tài nguyên rừng khu vực Tây Bắc, cụ thể: (i) Nâng cao nhận thức: Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, mỗi chủ rừng, mỗi người dân và toàn xã hội, đi đôi với tăng cường quản lý nhà nước, thể chế và pháp luật trong việc bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng. (ii) Quy hoạch: Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện ổn định quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng đặc dụng phải đồng thời xác lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển vùng đệm và hành lang đa dạng sinh học, cắm mốc ranh giới trên thực địa. (iii) Nghiên cứu hoàn thiện cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học hệ sinh thái, đa dạng loài, đa dạng nguồn gen của khu vực Tây Bắc, làm cơ sở hoạch định chính sách bảo tồn. (iv) Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống, gây trồng các loài thực vật bản địa, chuyển đổi trồng rừng, phòng hộ bằng các loài nhập nội sang các loài bản địa, thuận lợi cho phục hồi và phát triển đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Phạm Văn Anh, Hoàng Lê Quốc Thắng, Vanh Sin Khuang Kham Doy, Sồng Bả Nênh, Hà Mạnh Linh, Bùi Thị Thanh Dung, Nguyễn Quảng Trường (2017), Thành phần loài lưỡng cư và bò sát ở khu vực đèo Pha Đin, tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên, Hội nghị Khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 7, (tr. 29 - 36), Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Hà Nội. [2]. Nguyễn Thị Vân Anh, Phạm Quang Tuyến, Hoàng Thanh Sơn, Trịnh Ngọc Bon, Bùi Thanh Hằng, Đỗ Thanh Hà, Trần Cao Nguyên, Phan Minh Quang (2013), Tính đa dạng thực vật tại 2 xã Mù Cả và Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu, Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp, 4/2013 (3031 - 3037), Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. [3]. Nguyễn Thị Lan Anh (2017), Thành phần loài thú hiện biết ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, Hội nghị Khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 7, (tr.29 - 36), Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Hà Nội.
  9. 196 Vũ Đức Toàn, Đoàn Đức Lân [4]. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2011), Quyết định số 1828/QĐ-BNN-TCLN ngày 11/08/2011 Phê duyệt và công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2010. [5]. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2014), Quyết định số 3322/QĐ-BNN-TCLN ngày 28/07/2014 Phê duyệt và công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2013. [6]. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2014), Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/11/2014 Phê duyệt danh mục các loài cây chủ lực trồng rừng sản xuất theo 8 vùng sinh thái lâm nghiệp. [7]. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016), Quyết định số 2089/QĐ-BNN-TCLN ngày 27/07/2016 Phê duyệt và công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2015. [8]. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2019), Quyết định số 911/QĐ-BNN-TCLN ngày 19/03/2019 Phê duyệt và công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2018. [9]. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011), Quyết định số 2282/QĐ-BTNMT ngày 08/12/2011 Phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm tính đến ngày 01/01/2011. [10]. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2012), Quyết định số 1482/QĐ-BTNMT ngày 10/09/2012 Phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai toàn quốc năm 2011. [11]. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2014), Quyết định số 2282/QĐ-BTNMT ngày 21/07/2014 Phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2013. [12]. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016), Quyết định số 2712/QĐ-BTNMT ngày 25/11/2016 Phê duyệt và công bố kết quả kiểm kê diện tích đất đai năm 2014. [13]. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2017), Quyết định số 2311/QĐ-BTNMT ngày 28/9/2017 Phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2016. [14]. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2018), Quyết định số 3873/QĐ-BTNMT ngày 25/12/2018 Phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2017. [15]. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2019), Quyết định số 2908/QĐ-BTNMT ngày 13/11/2019 Phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2018. [16]. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2002), Quyết định số 90/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/7/2002, về việc chuyển Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Sa Pa thành Vườn Quốc gia Hoàng Liên. [17]. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2007), Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05/2/2007, Phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020. [18]. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2014), Quyết định số 1976/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. [19]. UBND tỉnh Sơn La (2014), Quyết định số 3584/QĐ-UBND Bảo tồn Phát triển rừng đặc dụng Sơn La 2020. [20]. Trương Quang Hải, Nhữ Thị Xuân, Nguyễn Quang Hưng (2002), Phân tích ảnh hưởng của hoạt động gây suy thoái tài nguyên ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, T.XVIII, số 2 - 2002, tr. 26 - 34. [21]. Đặng Huy Huỳnh, Nguyễn Ngọc Sinh (2011), Rừng và đa dạng sinh học vùng Tây Bắc với chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam, Hội nghị Khoa học toàn quốc về sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 4, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. [22]. Hội đồng Bộ trưởng (1986), Quyết định số 194/CT ngày 09/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc thành lập 73 khu rừng cấm trên cả nước. [23]. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Trần Kim Tĩnh, Phạm Việt Hùng, Thực trạng quản lý khu bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. Truy cập ngày 30/8/2020 trên https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/10033 /1/Th%E1%BB%B1c%20tr%E1%BA%A1ng%20qu%E1%BA%A3n%20l%C3%BD%20khu%20b%E1% BA%A3o%20t%E1%BB%93n.pdf. [24]. Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ (2009), Báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng và cơ hội đầu tư phát triển lâm nghiệp khu vực Tây Bắc. [25]. Nguyễn Xuân Quát, Lê Minh Cường (2013), Thực trạng và kết quả nghiên cứu trồng rừng cây bản địa ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp 3/2013 (tr. 2920 - 2931).
  10. Thực trạng quản lý tài nguyên rừng vùng Tây Bắc Việt Nam 197 [26]. Nguyễn Văn Sáng, Nguyễn Xuân Đặng và Nguyễn Quảng Trường (2010). Đa dạng về thành phần loài bò sát và ếch nhái ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, tỉnh Sơn La. Tạp chí Sinh học, 32(4): 54 - 61. [27]. Trần Huy Thái (2012), Đa dạng nguồn tài nguyên thực vật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, Sơn La, Tạp chí Sinh học, 34(1): 88 - 93. [28]. Thông tấn xã Việt Nam, số liệu vi phạm pháp luật lâm nghiệp 2016 - 2018, truy cập ngày 25/8/2020, https://baotintuc.vn/kinh-te/moi-nam-phat-hien-16980-vu-vi-pham-ve-bao-ve-phat-trien-rung- 20190308105736526.htm. [29]. Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Thị Thới (1998), Đa dạng thực vật có mạch vùng núi cao Sa Pa - Phanxipan, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. [30]. Vũ Tiến Thịnh (2013), Các loài động vật hoang dã có giá trị bảo tồn tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phu Canh, tỉnh Hòa Bình, Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp 3/2013 (2914 - 2920), Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. [31]. Tổ chức Wildlife Conservation Society, Chương trình Việt Nam (WCS Việt Nam), Báo cáo tổng kết tình hình vi phạm và thực thi pháp luật về động vật hoang dã tại Việt Nam, giai đoạn 2013 - 2017. Truy cập ngày 30/8/2020 tại https://programs.wcs.org/DesktopModules/Bring2mind/DMX/Download.aspx? EntryId=36990&PortalId=119&DownloadMethod=attachment [32]. Tổng cục Thống kê (2020), Niên giám thống kê toàn quốc giai đoạn 2010 - 2019, có sẵn dữ liệu trên Website https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=713, truy cập tháng 8/2020. [33]. Nguyễn Hải Vân, Nguyễn Việt Dũng (2015), Chồng lân quyền sử dụng đất, thách thức cho quy hoạch và quản lý rừng đặc dụng ở Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature). CURENT SITUATION OF FOREST RESOURCE MANAGEMENT IN THE NORTHWEST OF VIETNAM Vu Duc Toan1,2, Doan Duc Lan3 1 Department of Agro-forestry - Tay Bac University 2 Research Center for Biodiversity and Environment - Tay Bac University 3 Tay Bac University Council * Email: vuductoan@utb.edu.vn Abstract: The paper presents the current situation of forest resource management in four provinces in the Northwest of Vietnam, including Lai Chau, Dien Bien, Son La, and Hoa Binh. The results of the synthesis and analysis of the data show that land planning for forestry development is not stable and fluctuates significantly between years, especially the statistics in 2013 in Lai Chau and Dien Bien. Forest cover in Lai Chau and Dien Bien in 2019 reached 50.2 % and 42.2 %, respectively, far exceeding the planned forest land area of 2019 (45.7 % and 38.5 %). The special-use forest system is relatively complete with 1 national park, 12 nature reserves, 1 experimental forest, 3 cultural and historical forests. The statistics of some biodiversity studies from 1991 to 2018 showed that the number of species of fauna and flora surveyed in some special-use forests is much lower than the number of species recorded in the Northwest region before. The statistics of planted forest area in 2010, 2013, 2016, 2019 only reached from 14 - 19 % compared with the accumulated afforestation area by year to the time of comparison. Keywords: Northwest; management of forest resources.
nguon tai.lieu . vn