Xem mẫu

  1. THỰC HIỆN VAI TRÒ CỦA CHÍNH PHỦ ĐIỀU HÀNH TẦM VĨ MÔ VỀ CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT KHI THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG ThS. Lê Thị Thu Bộ Tư pháp ThS.NCS. Trần Văn Duy Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Tóm tắt Tháng 11 năm 2011, Việt Nam đã chính thức tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cho đến nay, các nước TPP đã tiến hành vào giai đoạn cuối của các phiên đàm phán quan trọng và chuẩn bị kết thúc để trình các Nghị viện/Quốc hội phê chuẩn. Việc đàm phán của Việt Nam thể hiện sự nỗ lực thúc đẩy đàm phán của Chính phủ để sớm đạt được mục tiêu hội nhập chủ động, sâu, rộng và nền kinh tế thế giới. Hiệp định TPP được coi là cơ hội và đồng thời cũng là thách thức đối với Việt Nam. Việt Nam sẽ là nước đạt được nhiều lợi ích nhất từ Hiệp định TPP. Tuy nhiên việc thực thi sẽ là thách thức lớn vì những quy định khắt khe trong một số lĩnh vực như lao động và mua sắm công. TPP sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích, như xuất khẩu nhiều hàng hóa chế biến hơn (tăng tới 21-35%), tiếp cận với hàng nhập khẩu dễ dàng hơn, thu hút nhiều đầu tư trực tiếp từ nước ngoài hơn (+7-11%), nâng cao năng suất nói chung (16-18%) và tăng cường liên kết chuỗi. Ngoài ra, đây cũng là sức ép buộc Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đà tăng trưởng trong tương lai. Do vậy, có thể khẳng định rằng, cần có một quyết tâm chính trị đủ mạnh của Chính phủ cho quá trình hội nhập kinh tế, tự do hóa thương mại. Vậy nên những cam kết tự do hóa thương mại mang tính khu vực trong phạm vi sân chơi toàn cầu là nhu cầu thực tế khách quan trong quá trình hợp tác phát triển, cần có những quyết sách quan trọng và tổng thể toàn diện khi gia nhập TPP. 451
  2. 1. Dẫn nhập Khu vực thương mại tự do là một dạng liên kết thương mại giữa nhóm quốc gia nhằm xóa bỏ rào cản thuế quan, hạn ngạch và các ưu đãi đối với hầu hết (nếu không phải tất cả) hàng hóa và dịch vụ. Các quốc gia chọn hình thức liên kết kinh tế này nếu cấu trúc nền kinh tế mang tính bổ trợ nhau. Mục tiêu của khu vực thương mại tự do là giảm bớt rào cản thương mại để tăng trưởng kinh tế như kết quả của quá trình chuyên môn hóa, phân công lao động và phát huy lợi thế cạnh tranh [3]. Khu vực thương mại tự do được thiết lập trên cơ sở Hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia; được gọi là “FTAs”. Hiệp định thương mại tự do là điều ước quốc tế xóa bỏ hạn chế hạn ngạch hoặc rào cản hoặc sự thiếu cân bằng thuế quan trong mua và bán, nhập và xuất hàng hóa, trong các vấn đề phi đầu tư hay lao động giữa hai hay nhiều quốc gia [3]. Cho đến nay, Việt Nam là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do đa phương trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN với các nước đối tác như Úc - Newzealand, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Việt Nam cũng đã ký Hiệp định thương mại tự do song phương với Chi lê; Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản; Hiệp định thương mại tự do với Lào; Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc; Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á Âu. Hiện Việt Nam đang đàm phán FTAs với một số các đối tác như với Liên minh châu Âu (13 phiên); Hiệp định thương mại tự do EFTA với các nước Thụy Sĩ, Na-uy, Ai-xơ-len, Lichteinsten (Phiên 11); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay còn gọi là Hiệp định ASEAN+6 ASEAN với 6 nước khác, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand và Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Hồng Kông [5]. Bên cạnh các FTAs đang đàm phán như trên, Hiệp định thương mại khu vực với những đặc điểm khác biệt nổi trội, là Hiệp định mẫu cho khuôn khổ hợp tác thương mại tự do là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (sau đây viết tắt là TPP). Hiệp định TPP là Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do trong phạm vi các nước đối tác khu vực châu Á Thái Bình Dương. Cho đến nay, đã có 12 nước tham gia vào đàm phán TPP (bao gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản - không có sự tham gia của Trung Quốc). Đàm phán TPP hiện đang là một trong những đàm phán thương 452
  3. mại quan trọng nhất của Việt Nam, bao gồm không chỉ các vấn đề về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những vấn đề phi thương mại [4]. Do đó, việc nghiên cứu “Thực hiện vai trò của Chính phủ điều hành tầm vĩ mô về chính sách và pháp luật khi thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương” với mục tiêu để giúp Chính phủ thực hiện, tận dụng được những cơ hội và thách thức mà TPP mang lại. Chính phủ phải tận dụng quá trình hội nhập vào khu vực đang nổi lên đóng vai trò chủ đạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đặc biệt là tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Qua đây, với tư cách là chủ thể tầm vĩ mô việc nghiên cứu này cho thấy vị trị, vai trò của Chính phủ tham gia Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và thông qua Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội đàm phán để Hoa Kỳ mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, tạo cú hích mạnh để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Bên cạnh đó, việc tham gia Hiệp định TPP sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Hoa Kỳ và các nước vào Việt Nam. Nghiên cứu về “Thực hiện vai trò của Chính phủ điều hành tầm vĩ mô về chính sách và pháp luật khi thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương” sẽ giúp Chính phủ có tầm nhìn toàn diện, nhận thức những thách thức khi tham gia Hiệp định TPP là sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, vốn còn yếu, khả năng quản lý còn nhiều bất cập... để từ đó giúp Chính phủ có sự chuẩn bị tốt để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế. 2. Nội dung đàm phán Hiệp định TPP Nội dung đàm phán TPP (30 Chương) bao gồm các hướng chính sau: + Tiếp cận thị trường toàn diện: hướng tới việc bãi bỏ thuế và các rào cản thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư; + Hiệp định khu vực toàn diện: hướng tới việc tạo thuận lợi để phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng giữa các thành viên TPP; + Các vấn đề thương mại hướng tới các mục tiêu: Hài hòa môi trường chính sách pháp luật; tạo thuận lợi thúc đẩy năng lực cạnh tranh và kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; thúc đẩy phát triển; 453
  4. + Những vấn đề mới trong thương mại: tạo điều kiện thúc đẩy thương mại và đầu tư đối với các sản phẩm và dịch vụ mang tính sáng tạo (nền kinh tế kỹ thuật số và công nghệ xanh..) + Hiệp định mở: Hiệp định có thể cập nhật về nội dung cam kết cũng như mở rộng thành viên định hướng + Đàm phán cả gói (tất cả các vấn đề cơ bản về thương mại và có liên quan tới thương mại); Đàm phán bao gồm các nội dung về quy tắc (legal texts) và các nội dung về mở cửa thị trường (hàng hóa, dịch vụ, mua sắm công); Đàm phán “tiêu chuẩn cao”, có tính đến các lĩnh vực nhạy cảm và thách thức riêng mà các nước đang phát triển trong TPP phải đối mặt thông qua hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và lộ trình thực hiện cam kết thích hợp [7]. Trong 9/30 Chương đàm phán TPP thì tranh cãi trước khi kết thúc đàm phán bao gồm: - Cạnh tranh và tạo thuận lợi kinh doanh - Hợp tác và xây dựng năng lực - Thương mại dịch vụ qua biên giới - Hải quan - Phát triển - Hài hòa pháp lý - Doanh nghiệp vừa và nhỏ - Viễn thông - Tạm nhập (những nội dung ít gây tranh cãi trong phạm vi tạo thuận lợi liên quan đến thương mại ít gắn với các cam kết mở cửa ngành cụ thể). Vấn đề khó khăn nhất đối với Việt Nam là: đầu tư; doanh nghiệp nhà nước; mua sắm Chính phủ và sở hữu trí tuệ. Đối với riêng Việt Nam, một số vấn đề khác cũng được cho là còn vướng mắc và chưa hẳn đã đạt được thỏa thuận thống nhất trong TPP là lao động và mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực dịch vụ cụ thể như phân phối, viễn thông [15]. 3. Những thách thức mà Chính phủ cần giải quyết khi thực hiện vai trò điều hành tầm vĩ mô về chính sách và pháp luật khi thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương khi gia nhập TPP trong thời gian tới TPP cũng là thách thức đối với Chính phủ Việt Nam như về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, công ty nhỏ và trung bình. Quyền lao động, bao gồm quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập, quyền tụ họp, quyền đình công, chỉ là một phần của vấn đề rộng lớn hơn là nhân quyền. Theo đó, ba vấn đề khó khăn nhất là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Những quy định của TPP về lĩnh vực này cao hơn, chế tài khắc nghiệt hơn khi các thành viên vi phạm thương mại tự do. Đồng thời, vấn đề doanh nghiệp nhà nước, cạnh tranh, mua sắm Chính phủ tham gia TPP phải xóa bỏ hết sự phân biệt, đối xử, áp dụng luật chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trên thị trường cũng như trong đấu thầu các khoản mua sắm công trừ mua sắm cho an ninh quốc phòng; mọi doanh nghiệp 454
  5. bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, tài nguyên, vốn, thị trường; kiểm soát đầu tư công, công khai toàn bộ ngân sách quốc gia, mua sắm Chính phủ. Và phải cam kết trao cho người lao động quyền lập hội để làm việc với giới chủ, để hỗ trợ nhau lúc khó khăn. Vấn đề mà Việt Nam phải vượt qua là việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước để loại bỏ sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa nhà nước và tư nhân. Khu vực quốc doanh chiếm khoảng gần 40% tổng sản lượng nội địa mà lại luôn luôn làm ăn thua lỗ, ngăn cản sự phát triển kinh tế, nhưng lại được ưu tiên về vốn đầu tư của nhà nước, quỹ phát triển quốc tế ODA và vay nợ ngân hàng. Trên 50% nợ xấu của các ngân hàng là xuất phát từ các doanh nghiệp nhà nước. Hơn 10 năm nay, nhà nước bàn thảo việc cải tổ khu vực quốc doanh, nhưng không đạt được tiến bộ cụ thể đáng kể nào [15]. Khi tham gia TPP, thuế quan giảm nhưng hàng rào phi thuế quan lại tăng, đó là những yêu cầu khắt khe về rào cản kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ. Điển hình là trong quá trình đàm phán, một khó khăn nghiêm trọng mà Việt Nam gặp phải là vấn đề xuất xứ hàng hóa ngành Dệt may. Theo đó, Hoa Kỳ đòi hỏi quần áo chỉ được coi là hàng hóa của Việt Nam nếu vải làm bằng tơ sợi cũng phải được sản xuất tại Việt Nam hay mua của các nước trong TPP. Trên thực tế, việc chứng minh xuất xứ hàng hóa là rất khó khăn [15]. Ngành hàng trong nước có thể gặp khó khăn đầu tiên là ô tô nếu chúng ta mở cửa thị trường hoàn toàn cho Hoa Kỳ và Nhật Bản. Cùng với đó, TPP sẽ ảnh hưởng mạnh đến giá thành nông sản. Các nông hóa phẩm mà Việt Nam hiện nay sử dụng đều có bảo hộ sáng chế, vì vậy chi phí sản xuất sẽ cao. Việc sử dụng những sản phẩm có bảo hộ sở hữu trí tuệ trong TPP khắt khe hơn. Các mặt hàng thịt gà, lợn, bò là lợi thế của Hoa Kỳ hoặc mặt hàng đường là thế mạnh của Australia, thì các ngành hàng tương ứng của ta cũng có thể gặp khó khăn. 4. Những giải pháp thực hiện vai trò của Chính phủ điều hành tầm vĩ mô về chính sách và pháp luật khi thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương Thứ nhất, khẩn trương thúc đẩy cải tổ cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của các nước đối tác có công nghệ nguồn Chính phủ Việt Nam cần thực hiện tốt quan điểm là hội nhập sâu rộng và bền vững. Cần coi chất lượng hội nhập khi tham gia TPP hướng tới mục tiêu cao nhất là việc tham gia vào khu vực thương mại tự do chất lượng cao. Tạo điều kiện thúc đẩy nhanh cải tổ cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút 455
  6. đầu tư của các nước đối tác có công nghệ nguồn, hoàn chỉnh nền kinh tế thị trường, nâng cao vị thế của Việt Nam góp phần giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển. Đối với sự tham gia vào khu vực thương mại tự do có thể mang lại sự tăng trưởng chung cho nền kinh tế, do đó, Chính phủ ở tầm vĩ mô cần chú ý tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng cường chuyên môn hóa và tận dụng lợi ích phân công lao động khi tham gia thị trường thương mại tự do. Khi tham gia vào sân chơi trong khuôn khổ TPP với tiêu chuẩn cao, hình mẫu cho thương mại tự do trong tương lai, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục phát huy lợi thế từ các ngành hàng thế mạnh của Việt Nam. Tận dụng hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa cũng không đơn giản. Chẳng hạn, để tránh sự lợi dụng thông qua tái xuất, các quốc gia thành viên sử dụng hệ thống chứng nhận xuất xứ, trong đó yêu cầu tỷ lệ tối thiểu sử dụng nguyên liệu đầu vào và giá trị gia tăng hàng hóa trong khu vực. Hàng hóa không đáp ứng tiêu chuẩn này sẽ không được hưởng quy chế của khu vực thương mại tự do. Đối với ngành hàng thế mạnh như may mặc, sản phẩm dệt may, dầu thô, giày dép, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Chính phủ cần có hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ (ví dụ, quy tắc “yarn-forward” - “từ sợi trở đi” của TPP, theo đó nguyên liệu dệt phải có nguồn gốc trong khu vực TPP). Thứ hai, Chính phủ cần có những giải pháp quản lý kinh tế nâng cao mức độ chuyên môn hóa và tăng cường khả năng tham gia vào việc gia tăng giá trị hàng hóa trong khu vực thương mại tự do. Trong quá trình hội nhập, Việt Nam cần có những giải pháp tạo ra nguồn nhân lực đủ có trình độ cao trong hầu hết các ngành nghề công nghệ cao, đòi hỏi kỹ năng chuyên nghiệp. Việc làm có thể gia tăng nhưng tình trạng dư thừa lao động ở một số ngành nghề tạm thời vẫn có thể xảy ra. Do đó, cần có chính sách tầm Chính phủ về cơ cấu lao động theo vùng miền, ngành nghề, giới tính, độ tuổi, trình độ, mức thu nhập lao động cũng thay đổi. Hội nhập và dỡ bỏ rào cản thương mại sẽ tạo ra thất nghiệp trong từng thời điểm nhất định. Môi trường cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, khi đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cần gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội dài hạn và tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. 456
  7. Ở những lĩnh vực công nghệ cao, nhà sản xuất thiết kế gốc; nhà thầu sản xuất đạt lợi thế theo quy mô, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ở mọi cấp độ trong chuỗi cung ứng. Ở những lĩnh vực sản xuất yêu cầu công nghệ thấp hơn như da giầy cần phải đổi mới kiểu dáng và xoay vòng sản xuất chu kỳ ngắn. Nhà thầu nào có lợi thế tiết kiệm thời gian sản xuất sẽ có lợi thế cạnh tranh [6]. Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải biến một trong những thách thức trở thành cơ hội đối với các Việt Nam ở trình độ phát triển thấp hơn so với các nước đối tác TPP là sự lo ngại trước thâm hụt thương mại và khả năng dễ tổn thương về tài chính. Vậy nên việc cơ cấu lại nền kinh tế và cải cách thể chế sẽ đòi hỏi thực tế hơn. Thứ ba, Chính phủ cần có những giải pháp mạnh mẽ cải cách thể chế quản lý kinh tế không đi trên những đường ray cũ khi tham gia TPP Liên quan đến cải cách thể chế, trong số những vấn đề còn gây nhiều chia rẽ trong đàm phán TPP, có thể nhận diện ra một số những khác biệt về quan điểm đứng từ lập trường của một quốc gia có nền kinh tế yếu trong số 12 quốc gia TPP như sau: Một là, cần cải cách thể chế quản lý kinh tế mạnh mẽ đối với doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn khi thực hiện các nguyên tắc của TPP Chính phủ cần có những quan niệm thống nhất về sự khác biệt thể hiện trong quy định về Doanh nghiệp Nhà nước (SOEs) liên quan đến khái niệm và việc áp dụng các nguyên tắc đối với SOEs. Về lý thuyết, quy tắc chung trong các FTAs áp dụng đối với SOEs là không phân biệt đối xử; Nhà nước quản lý tốt nhằm bảo đảm các SOEs tôn trọng pháp luật, chống hối lộ và không cấp vốn ưu đãi cho SOEs [1]. Thực hiện tốt để các SOEs của Việt Nam hoạt động theo cách thức quản lý chung Luật Doanh nghiệp chung, hay nói cách khác, theo luật chơi chung của các chủ thể tham gia thị trường. Không có ngoại lệ, tạo sân chơi bình đẳng theo luật chung, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Hai là, Chính phủ cần coi trọng việc phát triển xanh bền vững trong lĩnh vực môi trường TPP hướng tới nâng cao các cam kết khác đã ràng buộc các nước đối tác trong lĩnh vực môi trường. Bên cạnh đó, TPP quy định có tính bắt buộc về bảo tồn động thực vật hoang dã và quy định tranh chấp môi trường sẽ được xử lý theo cơ chế giải quyết tranh chấp áp dụng chung cho tất cả các lĩnh vực khác. Việt 457
  8. Nam đã ký kết Tuyên bố London về bảo tồn động vật hoang dã 2014, đó cũng là bước đi ban đầu trong vấn đề này. Ba là, Chính phủ cần mở rộng áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp đối với các khoản đầu tư về dịch vụ tài chính và những vấn đề khác có liên quan đến nhà đầu tư Áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước - nhà đầu tư (ISDS) với phạm vi rất rộng, trong đó mở rộng áp dụng đối với các khoản đầu tư về dịch vụ tài chính và những vấn đề khác có liên quan đến nhà đầu tư. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần giải quyết quy định thể chế, chính sách và pháp luật theo hướng: Khi tham gia TPP, có một số nguyên tắc sau mà phía cơ quan nhà nước Việt Nam cần phải tuân theo: - Nguyên tắc công bằng: Mọi nhà đầu tư đến từ các nước thuộc TPP đều phải được đối xử, xét xử một cách công bằng. - Nếu cơ quan quản lý Việt Nam thực hiện hành vi vi phạm các nguyên tắc trong TPP, nhà đầu tư có thể thông qua Chính phủ nước đó để khởi kiện Chính phủ VN ra một tòa án quốc tế. - Nếu một nhà đầu tư đến từ 1 nước mà vừa tham gia TPP, vừa có FTA riêng với VN, thì nhà đầu tư đó có thể chọn lựa các ưu đãi theo TPP hoặc FTA đó, nhưng nếu đã chọn lựa theo hiệp định nào, thì sẽ phải theo hiệp định đó tới cùng. Nếu vi phạm thì phải có cơ chế giải quyết tranh chấp triệt để. Bên cạnh đó, gia nhập TPP có thể thúc đẩy nhà đầu tư tham gia vào Việt Nam cũng như quy mô của việc đầu tư, kèm theo đó là số lượng tranh chấp/mâu thuẫn phát sinh có thể gia tăng. Do đó, Chính phủ cần có quy định cụ thể để tạo hành lang pháp lý để giải quyết các vụ việc tranh chấp có thể sẽ được tiến hành hoặc điều chỉnh phù hợp với thỏa thuận của các bên (chọn quy tắc hòa giải, luật áp dụng trong hợp đồng) và có thể được giải quyết tại Việt Nam. Cũng giống như các thỏa thuận FTA khác, TPP có quy định về việc giải quyết tranh chấp (Chương 28), trong đó có quy định về trung gian hòa giải. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định chặt chẽ và cụ thể về trung gian hòa giải nên thời gian tới, để phù hợp với TPP, pháp luật Việt Nam sẽ cần ban hành thêm hành lang pháp lý cho trung gian hòa giải, cũng như hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp thương mại. Việc giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam thay vì giải quyết tại một nước khác sẽ mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư tại Việt Nam như: tiết kiệm chi phí đi lại, lưu trú, phí giải quyết tranh chấp,... Điều này đồng thời cũng góp 458
  9. phần mang lại chi phí và lợi ích cho các tổ chức hòa giải, trọng tài tại Việt Nam, nâng cao năng lực và kinh nghiệm giải quyết tranh chấp, từ đó tạo uy tín và thu hút các nhà đầu tư trong việc giải quyết tranh chấp... Bốn là, Chính phủ cần giải quyết hài hòa vấn đề lao động trong chính sách kinh tế hậu TPP Chính phủ cần có quy định cụ thể, đánh giá tác động kỹ và sâu về một trong những cách hiểu khác nhau giữa các nước TPP liên quan đến quyền tự do lập hội (công đoàn), quyền can thiệp vào các trường hợp sử dụng lao động trẻ em, vào việc giải quyết các tranh chấp lao động… Đây là những vấn đề mới mà Chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu để thể chế hóa nhằm đảm bảo thực hiện tốt góc độ quyền của người lao động như quyền con người thì Việt Nam đã tham gia các Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị, Công ước quốc tế về kinh tế, xã hội và văn hóa cũng như ghi nhận các quyền của người lao động trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Chính phủ cần có giải pháp tăng cường áp dụng pháp luật giải quyết tốt vấn đề lao động để tránh dẫn đến việc vô hiệu hóa khả năng xuất khẩu đối với hàng hoá của Việt Nam với lý do - không đáp ứng quy định về lao động theo TPP… 5. Kết luận chung Bên cạnh các thách thức xuất phát từ nội dung đàm phán TPP, một trong những rào cản “mềm” nằm ở chính chúng ta. Sự thiếu chiến lược dài hạn, sự khát thông tin cũng như việc thiếu sáng tạo và tìm tòi phương thức, con đường riêng trong quá trình phân công lao động, chuyên môn hóa và thương mại cũng như các vấn đề khác sẽ đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào tình trạng rủi ro hơn trong cạnh tranh khi tham gia vào khu vực thương mại tự do. Nếu các doanh nghiệp được thông tin đầy đủ và sẵn sàng nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ ngăn ngừa nhiều bất lợi trong quá trình tham gia khu vực thương mại tự do. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đảng CSVN, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, www. dantri.com.vn 2. http://baochinhphu.vn/The-gioi-va-Viet-Nam/Tuyen-bo-chung-Viet- Nam Hoa-Ky/177490.vgp 459
  10. 3. http://mfat.govt.nz/Trade-and-Economic-Relations/2-Trade- Relationships -and-Agreements/Trans-Pacific/index.php trang web của Bộ Ngoại giao và ngoại thương New Zealand (truy cập ngày 10/3/2014) 4. http://thelawdictionary.org/free-trade-agreement/#ixzz2raAydaJ8 Black’s law dictionary 5. http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/tpp truy câp ngày 05/07-2015 6. http://www.trungtamwto.vn/fta 7. Jonathan R.Pincus/ Phân công lao động, chuyên môn hóa và thương mại/ Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. Nhập môn chính sách công và phân tích thể chế, Ghi chú bài giảng số 3 (Quý Tâm dịch) 8. Khung đàm phán sơ bộ TPP mà các lãnh đạo TPP chính thức đưa ra ngày 12/11/2011 9. Khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về phương án đàm phán Chương Đầu tư trong TPP. 10. Tổng hợp thông tin từ vòng đàm phán thứ 19 TPP. 11. Alan W.Wolff - Hội đồng ngoại thương Hoa kỳ/ Quy định về các quy tắc thương mại quốc tế trong các FTAs/Tài liệu hội thảo FTA - Ủy ban Đói ngoại Quốc hội 8/2012 12. http://www.duthaoonline.quochoi.vn/ “Thách thức đối với thị trường lao động và việc làm” 13. http://www.princeton.edu/~achaney/tmve/wiki100k/docs/Free_trade_area. html- trang web của trường Princeton 14. Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo TPP bên lề APEC 2013 15. Theo nhận định của Tổng Giám đốc DABACO - Tập đoàn, Công ty Cổ phần chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc trong chuyên mục tin tức thời sự VTV1 ngày 5/2/2014 16. Trung tâm WTO - VCCI “Cập nhật tình hình Đàm phán TPP (Tính đến tháng 5/2015)” 460
nguon tai.lieu . vn