Xem mẫu

  1. THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN Ở VIỆT NAM PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh Học viện Tài chính Tóm tắt Tài chính toàn diện đang ngày càng được các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và mọi người dân Việt Nam quan tâm. Tài chính toàn diện cung cấp cho các doanh nghiệp và mọi thành viên trong xã hội các dịch vụ tài chính phù hợp, thuận tiện và có chi phí hợp lý để có thể đáp ứng nhu cầu tiết kiệm, đầu tư nhằm gia tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo phân phối công bằng và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 1. Vai trò của tài chính toàn diện trong phát triển kinh tế bền vững Trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nêu bật tầm quan trọng của tài chính toàn diện. Tại Hội nghị thượng đỉnh Pittsburgh năm 2009, nhóm G20 đã coi tài chính toàn diện là một trong những trụ cột chính trong định hướng phát triển của mình. Hiện tại, hầu hết các cơ quan quản lý tài chính và ngân hàng trung ương các quốc gia trên thế giới được trao thêm nhiệm vụ tài chính toàn diện bên cạnh nhiệm vụ giữ ổn định thị trường tài chính. Tuy nhiên, có nhiều quan niệm khác nhau về tài chính toàn diện. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tài chính toàn diện có nghĩa là các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính - các giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm - đáp ứng nhu cầu của họ và có mức chi phí hợp lý, được cung cấp theo một cách thức có trách nhiệm và bền vững. Liên minh Tài chính Toàn diện (AFI) định nghĩa về tài chính toàn diện rộng hơn và đa chiều hơn, nhấn mạnh đến cả khía cạnh chất lượng sử dụng dịch vụ. Theo đó, tài chính toàn diện là việc cung cấp cho người sử dụng các dịch vụ tài chính sẵn có với mức chi phí hợp lý; làm cho khách hàng sử dụng các dịch vụ tài chính một cách thường xuyên; đưa ra những dịch vụ tài chính được thiết kế phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Đặc biệt, trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ trên thế giới, xuất hiện trào lưu các doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech), tài chính toàn diện đã được nhận thức theo nghĩa rộng nhất có thể của các sản phẩm và dịch vụ tài chính đối với các chủ thể trong nền kinh tế. Công nghệ thông tin và viễn thông thế hệ mới (ICT), blockchain… đang làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của dịch vụ tài chính trên khắp toàn cầu. Công nghệ ICT làm cho dịch vụ tài chính có thể hiện diện ở bất cứ nơi nào, với chi phí thấp hầu như không đáng kể, giúp hàng trăm triệu người lần đầu tiên đã có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính. Tài chính toàn diện (financial inclusion) là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với các DN nhỏ, siêu nhỏ và nhóm dân cư dễ bị tổn thương, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng. Tài chính toàn diện có thể tạo ra những tác động tích cực như: Gia tăng tiết kiệm và đầu tư, qua đó thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế. Tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng giúp các cá nhân và doanh nghiệp tìm được nguồn lực để đáp ứng những nhu cầu như vay vốn cho các cơ hội 419
  2. kinh doanh, đầu tư cho con cái học hành, luân chuyển dòng vốn đầu tư hoặc dành tiền tiết kiệm khi về hưu... Tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng còn giúp người nông dân, người nghèo giảm thiểu rủi ro, vượt qua khó khăn trong cuộc sống như ốm đau, bệnh tật, mất mùa, thiên tai. Người nghèo sẽ tránh được vòng luẩn quẩn khi phải đi vay ở khu vực không chính thức với lãi suất cao, tạo gánh nặng trả nợ ngày càng cao để rồi nghèo sẽ càng nghèo hơn, thậm chí bị bần cùng hóa. Tài chính toàn diện góp phần bảo vệ những đối tượng yếm thế, xóa bớt khoảng cách về thu nhập, đảm bảo sự phát triển đồng đều, bình đẳng và toàn diện của các tầng lớp dân cư, tạo cơ sở phát triển bền vững nền kinh tế. Tài chính toàn diện giúp Chính phủ giảm bớt chi phí cho các chương trình trợ cấp an sinh xã hội cho các đối tượng dễ bị tổn thương; đồng thời, thông qua việc thanh toán không dùng tiền mặt qua tài khoản ngân hàng, làm tăng sự minh bạch, phòng chống tham nhũng, nhờ đó quản lý xã hội tốt hơn. Đối với các tổ chức tài chính - tín dụng, tài chính toàn diện đồng nghĩa với việc mở rộng đối tượng phục vụ tới tất cả các doanh nghiệp, các nhóm người trong xã hội, tạo cơ hội cho các tổ chức tài chính - tín dụng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, mở rộng cơ sở khách hàng và tăng lợi nhuận. Hiện tại, các tổ chức quốc tế và các quốc gia triển khai chương trình tài chính toàn diện đã thống nhất sử dụng 24 tiêu chí đánh giá tài chính toàn diện do G20 đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Saint Peterburg năm 2012 dựa trên 3 khía cạnh đo lường tài chính toàn diện là: (i) Mức độ bao phủ của các tổ chức tín dụng (xét về phương diện nhân khẩu học và địa lý), bao gồm số lượng chi nhánh/phòng giao dịch trên 1 km2 hay trên 1 nghìn dân, số lượng máy ATM trên 1 km2 hay trên 1 nghìn dân. (ii) Mức độ sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, liên quan tới tần suất sử dụng sản phẩm và dịch vụ tài chính như: Phần trăm số lượng tài khoản tiền gửi và ghi nợ trên tổng dân số, số lượng giao dịch trên mỗi tài khoản tiền gửi, số lượng giao dịch điện tử, những chỉ tiêu thể hiện chất lượng của sản phẩm/dịch vụ, mức độ hiểu biết về tài chính của người sử dụng. (iii) Chất lượng sản phẩm, dịch vụ tài chính, thể hiện chất lượng của sản phẩm/dịch vụ, và mức độ hiểu biết về tài chính của người sử dụng. 2. Tài chính toàn diện ở Việt Nam Ở Việt Nam, khái niệm tài chính toàn diện vẫn còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, các nội dung của tài chính toàn diện đã và đang được Chính phủ đặt thành những ưu tiên và triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Các quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp trong các chiến lược phát triển lớn của Việt Nam như các Chiến lược phát triển kinh - tế xã hội từng giai đoạn, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011 - 2020 tầm nhìn 2030 đều hướng tới việc nâng cao thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thực hiện xóa đói giảm nghèo, thực hiện ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ và trợ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường. Chính phủ cũng xây dựng và triển khai nhiều chính sách cụ thể hướng đến những đối tượng của tài chính toàn diện ở Việt Nam. Trong đó phải kể đến Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (Nghị quyết 30a của Chính phủ) đến nay đã thực hiện được 3 giai đoạn với đối tượng của chương trình là người nghèo, hộ nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo; ưu tiên đối tượng hộ nghèo mà chủ hộ là phụ nữ, hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội (người già, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt); Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (Chương trình 135) đã được triển khai thực hiện ở giai đoạn 2; Nhiều chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên, hộ gia đình sản xuất kinh doanh ở những khu vực khó khăn; Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa… 420
  3. Với một đất nước có dân số gần 96 triệu người trong đó hơn 60% dân cư sống ở vùng nông thôn thu nhập bình quân đầu người chưa cao, có tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 95% số hộ nghèo của cả nước thì Chính sách hỗ trợ tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai từ năm 2010 (còn gọi là Nghị định 41/2010/NĐ-CP) đã đem lại nhiều ý nghĩa thực tiễn. Việt Nam cũng đã có một số chính sách nhằm thúc đẩy trực tiếp các hoạt động thuộc phạm vi của tài chính toàn diện. Ở Việt Nam hiện nay, mức độ bao phủ của hệ thống các tổ chức tín dụng đã phát triển mạnh trong những năm qua thông qua mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch trải rộng khắp cả nước, cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp. Tính đến nay, hệ thống các tổ chức tín dụng bao gồm 04 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối (Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank), 03 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại, 02 ngân hàng chính sách, 28 ngân hàng thương mại cổ phần, 27 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 01 ngân hàng hợp tác xã, 08 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 02 ngân hàng liên doanh, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.170 quỹ tín dụng nhân dân, 04 tổ chức tài chính vi mô. Mạng lưới hoạt động bao gồm 2.741 chi nhánh, 7.046 phòng giao dịch. Tính đến hết tháng 9/2018, toàn quốc có khoảng 18.173 máy ATM, 294 nghìn máy POS/EFTPOS/EDC. Thanh toán qua thẻ nội địa và thẻ quốc tế cũng tăng lên nhanh chóng. Cuối tháng 9/2018, số lượng giao dịch thanh toán qua thẻ nội địa đạt gần 167 triệu giao dịch, tăng 21% so với năm 2017, giá trị giao dịch đạt 442 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, thanh toán điện tử qua internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút lượng lớn khách hàng sử dụng. Đến nay, có 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 tổ chức ung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Tính đến hết tháng 9/2018, số lượng giao dịch tài chính trên internet là 178 triệu giao dịch, đạt giá trị 11 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 33% và 18% so với cùng kỳ năm 2017. Cùng thời điểm trên, số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động là 122 triệu giao dịch với giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng gần 30% về số lượng và 126% về giá trị so với năm 2017. Một số ngân hàng thương mại đã nghiên cứu, hợp tác và đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động, với việc áp dụng sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, giọng nói...), sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), công nghệ mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... Đồng thời để tạo nền tảng cho sự phát triển của tài chính toàn diện, việc tiếp tục thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành được thực hiện từ 2006 đã được triển khai cho giai đoạn thứ 3 (2016-2020). Đây sẽ là cơ sở thúc đẩy các DN và cá nhân mở tài khoản và thực hiện các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và là tiền đề cho sự phát triển của tài chính toàn diện. Ngay từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020. Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1726/ QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế với mục tiêu đến năm 2020 đại bộ phận dân cư ở độ tuổi trưởng thành, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng cơ bản phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, với chi phí hợp lý. Đây là những đề án thúc đẩy sự phát triển của tài chính toàn diện ở Việt Nam trên các phương diện khác nhau. Nhưng những chính sách này vẫn chưa được đặt trong một chiến lược tài chính toàn diện mang tính tổng thể, có thể tập trung tất cả nguồn lực và nỗ lực để hướng vào đúng đối tượng và triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp một cách hiệu quả. 421
  4. Đặc biệt, trong khi những người dân đô thị và các doanh nghiệp lớn được tiếp cận khá dễ dàng đến các dịch vụ do các ngân hàng cung cấp thì nhóm đối tượng dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang gặp không ít trở ngại. Một phần do hệ thống mạng lưới các tổ chức tài chính - ngân hàng vẫn chủ yếu tập trung tại các đô thị và các thành phố lớn, chưa bao phủ đến các vùng xa xôi, hẻo lánh. Mặt khác, nhận thức và hiểu biết về tài chính toàn diện của một bộ phận lớn dân cư nông thôn còn hạn chế. Hơn nữa, tập quán tiêu dùng tiền mặt cũng vẫn còn ăn sâu, bám rễ tương đối sâu ở các vùng thôn quê cũng trở thành lực cản cho sự phát triển của tài chính toàn diện. 3. Giải pháp phát triển tài chính toàn diện Để phát triển tài chính toàn diện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển bền vững nền kinh tế đất nước, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục tài chính đối với cộng đồng dân cư nhằm nâng cao nhận thức về tài chính toàn diện. Thông qua giáo dục tài chính, giúp mỗi cá nhân tự xây dựng được kế hoạch tài chính cá nhân ngắn hạn, trung và dài hạn. Trên cơ sở có các hiểu biết cơ bản về tài chính toàn diện, thông qua tiếp cận tài chính, mỗi cá nhân có cơ hội để tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, giảm sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, giúp cho mỗi người dân có thể được thụ hưởng thành quả tăng trưởng kinh tế đem lại. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu và ban hành các văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người sử dụng các dịch vụ tài chính để có căn cứ pháp lý bảo vệ người sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng hợp pháp. - Trong điều kiện phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ ICT, blockchain, công nghệ thông minh vào phát triển tài chính toàn diện là một đòi hỏi cấp thiết. Việc nghiên cứu và ban hành các văn bản mang tính pháp lý cho các hoạt động Fintech và các hoạt động ứng dụng công nghệ trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng cần được đẩy nhanh để có thể đảm bảo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động này. - Cần nâng cấp hạ tầng công nghệ tương thích với nền tảng tài chính số và không ngừng mở rộng mạng lưới các tổ chức tài chính - tín dụng để bắt kịp trào lưu ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động, với việc áp dụng sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, giọng nói...), sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), công nghệ mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... - Chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho các nhân viên của các tổ chức tài chính - ngân hàng, đảm bảo đội ngũ nhân sự tài chính - ngân hàng có phẩm chất cao, có khả năng vận hành và làm chủ hệ điều hành, đảm bảo xử lý chính xác, đầy đủ, nhanh chóng an toàn các dữ liệu ngày càng phức tạp, đa dạng. - Đẩy mạnh đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tài chính của các tổ chức tài chính - tín dụng để đáp ứng các nhu cầu rất đa dạng của các DNNVV và các tầng lớp dân cư khác nhau; khuyến khích các tổ chức tín dụng vi mô, các quỹ tín dụng nhân dân, các công ty Fintech, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính qua internet, qua điện thoại di động nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ phù hợp, an toàn cho các DN nhỏ, siêu nhỏ và các cư dân nghèo, người có thu nhập thấp với chi phí hợp lý. - Chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu về tiếp cận tài chính và tiếp cận tài chính toàn diện để có thể thực thi việc xếp hạng tín nhiệm với các tổ chức kinh tế và các cá nhân trong phát triển tài chính toàn diện. Đồng thời, tăng cường công tác bảo mật an ninh công nghệ thông tin trong các hoạt động tài chính nói chung và trong tài chính toàn diện nói riêng trước các dạng tội phạm công nghệ cao để đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng sản phẩm tài chính - ngân hàng. 422
  5. - Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế như WB, ADB, UN và Chính phủ các quốc gia trong APEC, ASEAN để học hỏi kinh nghiệm, huy động và tận dụng nguồn lực kỹ thuật và tài chính để phát triển thành công hoạt động tài chính toàn diện tại Việt Nam./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (2018), Tài liệu tài chính toàn diện tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017; 2. http://khoahocnganhang.org.vn/news/vi/chien-luoc-quoc-gia-ve-tai-chinh-toan-dien-o- viet-nam-y-nghia-va-su-can-thiet/ 3. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/phat-trien-tai-chinh- toan-dien-tai-viet-nam-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-145986.html 4. https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/chien-luoc-tai-chinh-toan-dien-va-yeu-cau-xay- dung-co-so-du-lieu-230144.html 5. Trang điện tử của Diễn đàn APEC về tài chính toàn diện ở Việt Nam - https://www.apec2017.vn/ap17-c/gallery/asia-pacific-forum-financial-inclusion 6. Trang điện tử về tài chính toàn diện của World Bank - http://www.worldbank.org/en/topic/financialinclusion/overview 423
nguon tai.lieu . vn