Xem mẫu

  1. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN Ở KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIAO THÔNG VẬN TẢI HIỆN NAY Lê Thị Hòa1* 1 Trường Đại học Giao thông vận tải, Số 3 Cầu Giấy, Hà Nội * Tác giả liên hệ: hoa_lt@utc.edu.vn Tóm tắt. Nghiên cứu khoa học (NCKH) là hoạt động trí óc ở trình độ cao, có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát huy năng lực sáng tạo, tư duy lý luận, là con đường ngắn nhất để nâng cao năng lực giảng dạy và học tập ở bậc đại học. Giảng viên đại học nói chung và giảng viên khoa Lý luận chính trị nói riêng phải vừa là nhà sư phạm, vừa là nhà khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với giảng dạy, làm cho nghiên cứu khoa học trở thành đòn bẩy trong nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học cũng hỗ trợ nâng cao kết quả học tập. Nghiên cứu khoa học sinh viên (NCKHSV) là một hoạt động có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ở trường ĐHGTVT. Bài báo nghiên cứu về những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động NCKHSV ở khoa Lý luận chính trị. Yêu cầu cấp bách là phát huy thuận lợi và khắc phục khó khăn, nhằm đẩy mạnh hoạt động NCKHSV, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập ở trường ĐHGTVT hiện nay. Từ khóa: Nghiên cứu khoa học, giảng dạy, học tập, kiến thức, phương pháp, kỹ năng nghiên cứu. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Ở bậc đại học, vấn đề nâng cao chất lượng dạy và học là những yếu tố quan trọng, có sự tác động lớn đến chất lượng đào tạo. Để đánh giá khả năng chuyên môn, tư duy lý luận và nhận thức thực tiễn của giảng viên tại trường đại học, nhất thiết phải kết hợp tốt hoạt động NCKH với hoạt động giảng dạy của giảng viên. Đối với sinh viên cũng vậy, để học tập tốt thì sinh viên phải tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Đây là hai mặt của một vấn đề. Chúng ta đều biết và nhận thức được rằng, NCKH có vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục đại học. Trong công tác đào tạo đại học ở nước ta hiện nay, NCKH được xem là một “mắt xích” quan trọng không thể thiếu được trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu mới của sự phát triển xã hội. Trong quá trình NCKH thì giảng viên và sinh viên đều có những thuận lợi và khó khăn. Bài báo sử dụng phương -433-
  2. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải pháp lý luận và khảo sát thực tiễn để phân tích, đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động NCKHSV ở khoa Lý luận chính trị trường ĐHGTVT hiện nay. 2. NỘI DUNG 2.1. Tầm quan trọng và lợi ích của nghiên cứu khoa học đối với hoạt động dạy & học ở bậc đại học Hiện nay, Đảng chủ trương là đào tạo ra nguồn lực con người vừa hồng vừa chuyên, vừa có đức vừa có tài, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Luật Giáo dục Đại học (2012) khẳng định mục tiêu chung: “Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo” [1]. Để thực hiện mục tiêu đó, giảng viên có nhiệm vụ: “Giảng dạy theo mục tiêu, chương trình đào tạo và thực hiện đầy đủ, có chất lượng chương trình đào tạo. Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo” [1]. Có thể thấy, giảng viên ở bậc đại học có hai nhiệm vụ chính, quan trọng, đó là: giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH). Thực tiễn và lý luận đã chứng minh rằng, giảng dạy và NCKH có mối quan hệ mật thiết, gắn kết chặt chẽ với nhau và hỗ trợ cho nhau. NCKH tạo cơ sở, điều kiện, tiền đề nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy. Ngược lại, công tác giảng dạy phản ánh kết quả của hoạt động NCKH. Do vậy, có thể khẳng định rằng, cùng với hoạt động giảng dạy, NCKH là thước đo năng lực chuyên môn của giảng viên. Bên cạnh đó, đối tượng của hoạt động khoa học công nghệ trong trường đại học không chỉ bao gồm giảng viên và các nhà khoa học khác mà còn có cả sinh viên thuộc các loại hình đào tạo đang theo học tại trường. Vấn đề này được thể hiện ở mục tiêu hoạt động khoa học công nghệ trong Luật Giáo dục Đại học: “Hình thành và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho người học; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao” [1]. Về nội dung hoạt động khoa học và công nghệ, Luật Giáo dục Đại học cũng khẳng định: “Nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục, khoa học công nghệ để tạo ra tri thức và sản phẩm mới” [1] Như vậy, mục tiêu chính của NCKH ở bậc đại học vừa nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên, vừa giúp cho sinh viên mở rộng vốn kiến thức trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời trang bị cho sinh viên kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học độc lập, nhằm hỗ trợ cho hoạt động học tập, chuẩn bị cho sinh viên hành trang tốt nhất sau khi ra trường. NCKH của giảng viên có nhiều hình thức như đề tài, bài báo, hướng dẫn NCKHSV vv… Còn sinh viên cũng có các hinh thức khác nhau như, viết tiểu luận, báo cáo chuyên đề, làm khóa luận, làm đề tài nghiên cứu vv… NCKH mang lại những ý nghĩa thiết thực và có vai trò quan trọng đối với hoạt động giảng dạy và học tập ở bậc đại học hiện nay: Thứ nhất, thông qua NCKH, giảng viên sẽ củng cố, đào sâu và cập nhật thêm kiến thức mới. Đây là cơ sở cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp -434-
  3. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Tham gia NCKH giúp sinh viên hiểu sâu hơn về những kiến thức đã học trên giảng đường, đồng thời có thể tiếp cận kiến thức lý luận và thực tiễn một cách đa dạng, phong phú ngoài sách vở, những kiến thức về đời sống xã hội, về lối sống, cách làm người vv… để làm giàu vốn sống cho bản thân. Có thể khẳng định: NCKH không chỉ mở ra cho giảng viên và sinh viên cơ hội tiếp cận sâu tri thức trong lĩnh vực chuyên môn yêu thích, những kiến thức liên ngành bổ trợ cho chuyên ngành mình đang dạy, học, mà còn tạo cho họ mở rộng kiến thức lý luận và vận dụng những kiến thức lý thuyết đã học vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Trong nghiên cứu, giảng viên và sinh viên sẽ tiếp nhận được tri thức đa chiều, có cách nhìn nhận vấn đề ở các góc cạnh khác nhau, nghiên cứu trên quan điểm toàn diện và phát triển. Thứ hai, NCKH, góp phần phát triển tư duy sáng tạo, tư duy nghiên cứu khoa học độc lập, tư duy phản biện, trau dồi tri thức và các phương pháp nhận thức khoa học và hình thành những phẩm chất của nhà nghiên cứu ở giảng viên. NCKH sẽ dạy cho sinh viên phương pháp thực hiện một đề tài mang tính khoa học: lập kế hoạch, bố trí thời gian, phân công nhiệm vụ trong nhóm, lập đề cương, tìm và xử lý tài liệu vv… Đồng thời, giúp cho giảng viên, sinh viên có kỹ năng phân tích, tổng hợp kiến thức, khả năng tư duy logic; xây dựng tinh thần hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau… để giải quyết những vấn đề đang nghiên cứu. Từ một vấn đề sẽ mở rộng ra nhiều vấn đề làm phong phú kiến thức cũng như kinh nghiệm, vốn sống của bản thân. Thứ ba, trong quá trình đi khảo sát thực tế, như điều tra xã hội học, phỏng vấn… giảng viên hướng dẫn sinh viên xây dựng câu hỏi điều tra, kỹ năng điều tra bằng phiếu hoặc phỏng vấn trong thực tiễn. Khi thực hiện, sinh viên được trải nghiệm và phát huy những kỹ năng như giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phỏng vấn… Thông qua đó, sinh viên nâng cao được kỹ năng mềm một cách hiệu quả; tạo cho sinh viên có tác phong làm việc và học tập khoa học; hiểu sâu hơn về những điều còn bỏ ngỏ ở giảng đường đại học hay những bài học trong sách vở. Thứ tư, NCKH, không chỉ mang lại cho người dạy, người học có kiến thức sâu rộng, mà còn cho họ những kinh nghiệm trong việc tìm, đọc và xử lý tài liệu, cách trích dẫn tài liệu; phương pháp nghiên cứu khoa học độc lập; kỹ năng trao đổi, phản biện hoặc chứng minh một vấn đề khoa học vv… Đây là tiền đề phục vụ cho hoạt động giảng dạy của giảng viên (ví dụ như chuẩn bị bài giảng, tài liệu tham khảo… cho sinh viên) và nâng cao chất lượng học tập của sinh viên (ví dụ như chuẩn bị bài tập và thuyết trình trong giờ xemina, viết tiểu luận, chuyên đề khoa học, luận văn tốt nghiệp sau này). Đặc biệt, những kiến thức và kinh nghiệm này thực sự bổ ích cho sinh viên năm cuối và sau khi rời ghế nhà trường. Thứ năm, những công việc chuẩn bị và trình bày kết quả nghiên cứu trước hội đồng khoa học như: chuẩn bị slide, nội dung báo cáo; thuyết trình và trả lời những câu hỏi do hội đồng khoa học đưa ra… sau khi thực hiện nó, giảng viên, cũng như sinh viên sẽ nâng cao được kỹ thuật tin học, kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng trao đổi khoa học… Đặc biệt là trang bị cho sinh viên có đầy đủ nhận thức về nghiên cứu khoa học. -435-
  4. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải Như vậy, dù là giảng viên hay sinh viên khi tham gia NCKH sẽ bổ sung và cập nhật được kiến thức chuyên môn sâu, kiến thức liên ngành; kỹ năng, phương pháp nghiên cứu, nhằm củng cố những kiến thức về lý luận và vốn hiểu biết về những vấn đề chính trị, xã hội… góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng đào tạo của các trường đại học, học viện, nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao: có đạo đức làm người, làm nghề, có chuyên môn giỏi, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. 2.2. Thuận lợi và khó khăn trong hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên ở khoa Lý luận chính trị trường Đại học Giao thông vận tải hiện nay Những thuận lợi: Một là, để nâng cao chất lượng đào tạo, lãnh đạo trường ĐHGTVT luôn quan tâm và đẩy mạnh hoạt động NCKH nói chung và NCKHSV nói riêng, trong đó có NCKH xã hội và nhân văn của sinh viên. Nhà trường đã hỗ trợ kinh phí cho hoạt động NCKHSV: 1triệu/1 đề tài. Sau khi hoàn thành đề tài nghiên cứu của mình, sinh viên được nhà trường khen thưởng khi đạt thành tích trong NCKH (thưởng bằng tiền giải nhất 1 triệu; giải nhì 700.000; giải ba 500.000; giải khuyến khích 300.000). Bên cạnh đó, sinh viên được cấp giấy chứng nhận tham gia NCKH và tính điểm rèn luyện. Đặc biệt, đối với những đề tài có tính khoa học cao, ứng dụng trong thực tiễn sẽ được phát triển bồi dưỡng thêm để tham dự tiếp các giải NCKH ở cấp trường, cấp bộ vv… Những chủ trương của nhà trường đã kịp thời, động viên khuyến khích sinh viên tích cực tham gia NCKH. Hai là, khoa Lý luận chính trị, trường ĐHGTVT giảng dạy các môn học khá đặc thù trong hệ thống giáo dục đại học. Trước đây, khoa Lý luận chính trị giảng dạy ba môn: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin; Đường lối cách mạng của ĐCSVN và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ K60, khoa Lý luận Chính trị giảng dạy 5 môn học: Triết học, Kinh tế chính trị, CNXH, Lịch sử Đảng CSVN và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện nay, khoa Lý luận chính trị có đội ngũ các nhà giáo: 01 Phó giáo sư tiến sĩ; 12 tiến sĩ, 15 thạc sĩ. Đa số các giảng viên - người hướng dẫn khoa học có đạo đức tốt, có trình độ cao, có kinh nghiệm giảng dạy và NCKH, tâm huyết, yêu nghề, có trách nhiệm, tận tình hướng dẫn, chỉ dạy cho sinh viên của mình. Số đông giảng viên khoa Lý luận chính trị luôn ý thức được nhiệm vụ của mình, không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng cho mục tiêu của giáo dục đại học. Đây là thuận lợi căn bản tạo nên những thành công trong việc hướng dẫn hàng trăm đề tài NCKHSV trong nhiều năm. Trong giai đoạn (2015-2020) (xem Bảng 1), giảng viên khoa Lý luận chính trị đã hướng dẫn sinh viên thực hiện 54 đề tài NCKH. Các hướng nghiên cứu, đề tài nghiên cứu với các chủ đề nóng trong đời sống xã hội, như nghiên cứu về vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên; nghiên cứu Luật an ninh mạng; văn hóa trong tham gia giao thông; ý thức bảo vệ môi trường của sinh viên; về chủ quyền biển đảo; tác động của tâm lý đám đông vv… đã thu hút 150 sinh viên các ngành kinh tế và kỹ thuật khác nhau tham gia nghiên cứu. Nhiều đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, có tính thời sự, nhiều người quan tâm. -436-
  5. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải Bảng 1. Số lượng đề tài và sinh viên tham gia NCKH (2015-2020)1 Năm học Số lượng đề tài NCKH Số lượng SV tham gia 2015- 2016 12/616 37 2016 - 2017 10/635 34 2017 - 2018 11/614 26 2018 - 2019 10/583 28 2019 - 2020 11/586 25 Ba là, trong 5 năm (xem Bảng 2) có thể nhận thấy, chủ yếu là sinh viên là năm thứ hai và năm thứ ba tham gia nghiên cứu khoa học. Sinh viên trường ĐHGTVT với sức trẻ, với tinh thần ham học hỏi, luôn cố gắng học tập và NCKH để tiếp thu những tri thức mới về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người vv… trau dồi kỹ năng mềm, phương pháp nghiên cứu để triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, cùng với sự nỗ lực của sinh viên, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ở khoa Lý luận chính trị đạt được giải nhất, giải nhì… tạo động lực cho sinh viên NCKH, hỗ trợ, nâng cao kết học tập. Bảng 2. Số lượng SV các năm tham gia NCKH ở khoa LLCT (2015 – 2020)2 Năm học SV năm thứ nhất SV năm thứ 2 SV năm thứ 3 SV năm thứ 4 2015-2016 0 36 1 0 2016-2017 0 25 9 0 2017-2018 0 24 2 0 2018-2019 0 25 2 1 2019-2020 7 13 5 0 Một số khó khăn: Thứ nhất, trong NCKHSV, người hướng dẫn khoa học (giảng viên) và người nghiên cứu (sinh viên), đều có vai trò rất quan trọng. Thiếu một trong hai thì đề tài sẽ không thực hiện được. Trong 5 năm (2015-2020) số lượng giảng viên tham gia hướng dẫn sinh viên NCKH của khoa Lý luận chính trị giảm 50%, số lượng đề tài giảm 60% so với những năm (2010-2015)3. Có nhiều nguyên nhân, như thầy cô chưa tìm được hướng nghiên cứu hay, chưa khích lệ được sinh viên tham gia NCKH. Nhiều giảng 1,2. Số liệu lấy từ Quyết định giao nhiệm vụ thực hiện dề tài NCKHSV trong các năm 2015-2020 của trường ĐHGTVT. Lưu tại Văn phòng khoa Lý luận chính trị. 3. Số liệu được tổng hợp từ Quyết định giao nhiệm vụ thực hiện đề tài NCKHSV trong các năm 2010-2015 của trường ĐHGTVT. Lưu tại Văn phòng khoa Lý luận chính trị. -437-
  6. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải viên không còn thiết tha hướng dẫn NCKHSV, do lãnh đạo khoa chưa có nhiều giải pháp đủ mạnh để khuyến khích giảng viên tích cực tham gia hướng dẫn NCKH sinh viên. Hội đồng chấm đề tài đôi lúc chưa thực sự khách quan trong đánh giá chất lượng của đề tài, làm giảm hứng thú NCKH của cả thầy và trò. Mặt khác, có nhiều thầy cô hướng dẫn sinh viên rất tận tình, tuy nhiên, còn có một số thầy cô khi hướng dẫn NCKH còn chưa sâu sát với sinh viên trong quá trình triển khai đề tài, dẫn đến chất lượng đề tài yếu kém, số lượng đề tài giảm. Bên cạnh đó, trình độ và phương pháp NCKH của một bộ phận giảng viên khoa Lý luận chính trị còn hạn chế, chưa tự đổi mới, nâng cao trình độ, đáp ứng được yêu cầu mới trong nâng cao chất lượng NCKH hiện nay. Thứ hai, phân tích số liệu ở Bảng 2 cho thấy, trong 5 năm, khoa Lý luận chính trị chỉ thu hút được 7 sinh viên năm thứ nhất tham gia NCKH. Sinh viên năm thứ hai là 123 và năm thứ ba là 19. Đây là lực lượng chủ yếu tham gia nghiên cứu khoa học ở khoa Lý luận chính trị. Nguyên nhân do sinh viên năm thứ nhất khi bước vào trường đại học, họ là đối tượng lạ lẫm và mới mẻ của nghiên cứu khoa học. Đa số sinh viên năm thứ nhất của trường ĐHGTVT chưa hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của NCKH, đặc biệt là NCKH xã hội và nhân văn. Số lượng sinh viên năm thứ hai và năm thứ ba tham gia nghiên cứu khoa học tăng cao vì trong hai năm ngồi trên giảng đường đại học, sinh viên được học những kiến thức của các môn Lý luận chính trị, được các giảng viên khoa Lý luận chính trị tận tình giảng dạy và động viên tham gia nghiên cứu khoa học. Sinh viên năm thứ tư và thứ năm do tập trung vào việc chuẩn bị cho thực tập và đồ án chuyên ngành nên số lượng tham gia nghiên cứu khoa học ở khoa Lý luận chính trị rất hạn chế. Mặc dù trong 5 năm có 150 sinh viên tham gia NCKH, nhưng so với tổng số lượng sinh viên toàn trường thì chưa đến 1%. Điều này thể hiện sinh viên trường ĐHGTVT ít quan quan tâm đến những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội… Sinh viên ĐHGTVT học các môn Lý luận chính trị cũng chỉ học cho qua chứ không đào sâu, suy nghĩ hay tư duy. Đây cũng là khó khăn của giảng viên khi thu hút sinh viên tham gia nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn trong bối cảnh hiện nay. Thứ ba, sinh viên tham gia NCKH ở khoa Lý luận chính trị được tiếp cận với các hướng nghiên cứu chủ yếu là về khoa học xã hội và nhân văn, cụ thể là những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử, con người, những vấn đề nóng và mang tính thời sự của xã hội vv…Đây là những hướng nghiên cứu kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, hướng nghiên cứu khó với sinh viên trường ĐHGTVT. Bởi vì, sinh viên trường ĐHGTVT đa phần là sinh viên học ngành kinh tế kỹ thuật, hoặc các ngành kỹ thuật, được tuyển sinh từ các tổ hợp môn A, A1, D07. Do chương trình phân ban ở phổ thông nên những sinh viên học các tổ hợp này chủ yếu chỉ học những môn tự nhiên, còn học đối phó hoặc bỏ qua các môn xã hội. Vì vậy, kiến thức nền về khoa học xã hội và nhân văn và vốn hiểu biết về đời sống xã hội rất hạn chế. Bên cạnh đó, sinh viên không có kiến thức về phương pháp nghiên cứu khoa học (Học phần về phương pháp nghiên cứu khoa học không nằm trong chương trình đào tạo chính khóa của trường ĐHGTVT). Hệ quả là đa số sinh viên không có đủ kiến thức để tìm hướng nghiên cứu, không biết lựạ chọn đề tài, không xác định được mục tiêu, nhiệm vụ; đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài; không biết triển khai một đề tài NCKH vv… Tóm lại: -438-
  7. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải việc thiếu kiến thức về lĩnh vực nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu là một thách thức không nhỏ đối với sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học. Giảng viên khoa Lý luận chính trị trong quá trình hướng dẫn sinh viên NCKH khá vất vả trong việc trang bị kiến thức và phương pháp nghiên cứu cho sinh viên. Người hướng dẫn cố gắng tư vấn, gợi mở hướng nghiên cứu, giúp đỡ sinh viên chọn đề tài nghiên cứu; hướng dẫn cho sinh viên tìm, đọc và xử lý tài liệu… Nhiều sinh viên, mặc dù kiến thức ít ỏi, nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy cô, họ đã nỗ lực để tìm tòi, nghiên cứu và đạt được kết quả cao. Bên cạnh đó, cũng còn những bạn sinh viên khi đề tài được duyệt, trong quá trình triển khai đề tài, do lười học, lười nghiên cứu vv… đã bỏ giữa chừng; thầy cô liên lạc nhiều lần không gặp, kết quả là đề tài không được thực hiện. Thứ tư, sinh viên khi tham gia hoạt động NCKH thiếu những kỹ năng cơ bản như, kỹ năng nghiên cứu độc lập, hoặc kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phản biện, kỹ năng khảo sát thực tiễn vv… Nhiều nhóm nghiên cứu đã không hoàn thành đề tài, hoặc đề tài chất lượng kém. Nguyên nhân là do kỹ năng làm việc nhóm còn hạn chế dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ nhóm. Sinh viên lúng túng trong việc phân công trách nhiệm cho từng thành viên, chưa biết triển khai một đề tài, tìm và xử lý tài liệu còn nhiều hạn chế. Đây là thách thức lớn trong quá trình nghiên cứu. Thứ năm, bên cạnh việc hoàn thành nội dung khoa học, khâu trình bày kết quả nghiên cứu trước hội đồng khoa học cũng rất quan trọng. Đây là một phần quyết định đến kết quả của đề tài. Tuy nhiên, nhiều đề tài NCKH, sinh viên chưa làm tốt khâu này. Nguyên nhân là do nhiều giáo viên hướng dẫn chưa chỉ dạy cho sinh viên một cách cụ thể về kỹ năng thuyết trình, kỹ năng trả lời câu hỏi… còn sinh viên thì chưa chuẩn bị chu đáo, chưa biết cách trình bày một vấn đề khoa học nên phần thuyết trình không thành công. Tóm lại: trong 5 năm qua, hoạt động NCKHSV ở khoa Lý luận chính trị có những thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Có thể khẳng định rằng, NCKH không phải là một hoạt động đơn giản, dễ dàng mà bất kì sinh viên nào cũng có thể làm được. Tuy nhiện, nếu sinh viên hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của NCKH; củng cố được kiến thức của lĩnh vực nghiên cứu; có phương pháp và kỹ năng nghiên cứu cơ bản; có sự hướng dẫn tận tình của thầy, cô, thì khi tham gia NCKH, sinh viên nhất đinh sẽ đạt được kết quả cao. 3. KẾT LUẬN Như vậy, bài báo đã tập trung làm rõ tầm quan trọng và lợi ích của NCKHSV đối với hoạt động dạy và học ở bậc đại học. Từ đó, tác giả đã phân tích những thuận lợi và khó khăn của hoạt động NCKHSV ở khoa Lý luận chính trị trường ĐHGTVT hiện nay. Trong giai đoạn mới, giảng viên và sinh viên nhận thức được vai trò của nghiên cứu khoa học, cần phát huy những thuận lợi và khắc phục những khó khăn, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng NCKHSV ở trường ĐHGTVT, đáp ứng yêu cầu mới - nâng cao chất lượng đào tạo. Có thể khẳng định rằng NCKH là phương pháp hiệu quả nhất, hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc đại học nói chung và trường ĐHGTVT nói riêng. -439-
  8. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải LỜI CẢM ƠN Cảm ơn trường Đại học Giao thông Vận tải đã tài trợ cho nghiên cứu này trong khuôn khổ đề tài, mã số T2020-ML-004. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Luật Giáo dục đại học năm 2012, https://thuvienphapluat.vn, truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020. [2]. Đ.C. Vũ, Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, xuất bản lần thứ 13, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2005. [3]. B.C. Hoàng, Nghiên cứu cơ bản trong Khoa học Xã hội – Nhân văn và Lý luận ở nước ta hiện nay: Quan niệm và vấn đề đặt ra, Tạp chí Triết học, số 7 (2004). http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de, truy cập ngày 1/8/2020. [4]. T.V. Nguyễn, Phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học đối với sinh viên đại học, http://hvnh.edu.vn, 8/2017, truy cập ngày 5/8/2020. [5]. Ư.M. Trần, Nghiên cứu khoa học của giảng viên - Yếu tố khoa học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học hiện nay. https://ajc.hcma.vn/Pages/nghien-cuu-khoa-hoc, 9/2013, truy cập ngày 17/8/2020. [6]. V.V. Phạm, Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, xuất bản lần thứ hai, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000. -440-
nguon tai.lieu . vn