Xem mẫu

  1. THẾ GIỚI NHÂN VẬT THẦN LINH TRONG THẦN THOẠI HY LẠP, NHÌN TỪ LÝ THUYẾT BIỂU TƯỢNG TRẦN HOÀNG THÙY LINH Khoa Ngữ Văn Tóm tắt: “Nghiên cứu biểu tượng là khoa học có chức năng giải mã các thành tố văn hóa được sản sinh trong đời sống của con người...” [3]. Từ góc nhìn này, bài báo tiến hành khám phá văn hóa Hy Lạp cổ đại nói riêng và văn hóa Phương Tây nói chung qua hệ thống thế giới nhân vật thần linhđược phân chia theo các gia hệ thần từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp trong Thần thoại Hy Lạp. Từ khóa: nhân vật thần linh, Thần thoại Hy Lạp, biểu tượng, văn hóa 1. MỞ ĐẦU THẦN THOẠI HY LẠP VÀ LÝ THUYẾT BIỂU TƯỢNG Thể loại thần thoại xuất hiện từ buổi bình minh của nhân loại. Nó ra đời khi loài người chưa có chữ viết, phản ánh cách tư duy sáng tạo, nhìn nhận thế giới quan của con người về sự xuất hiện của vũ trụ, trời đất, thế giới, con người...trong thời kì mông muội, nguyên thủy. Do đó, đặc trưng cơ bản nhất của thần thoại là “dùng tưởng tượng và mượn tưởng tượng để giải thích hiện thực” [1, tr. 99]. Đặc trưng đó đã tạo nên sự tồn tại của thế giới thần linh và thượng đế. Đây là một sự sáng tạo độc đáo; là phép cộng của trí tưởng tượng, của ý thức phản kháng, chế ngự thiên nhiên và niềm mơ ước làm chủ thế giới của con người cổ đại cũng như toàn nhân loại sau này. Và Thần thoại Hy Lạp ra đời, phát triển dựa trên tinh thần ấy. Thần thoại Hy Lạp được các nhà nghiên cứu đánh giá là bộ thần thoại có thời gian ra đời sớm nhất và có quy mô đồ sộ nhất trong lịch sử thần thoại thế giới. Nó vừa mang những đặc điểm riêng về đất nước và phản ánh cách nghĩ của người dân Hy Lạp cổ đại nhưng cũng vừa khát quát được những đặc điểm chung của các bộ thần thoại sau này như thần thoại Trung Hoa, thần thoại Việt Nam... Tuy nhiên, so với thần thoại các dân tộc khác, Thần thoại Hy Lạp phong phú và đa dạng hơn, có tính hệ thống, biểu tượng cao hơn và hay hơn, do “Bản chất của thần thoại Hy Lạp là tự nhiên và chính là các hình thái xã hội được trí tưởng tượng dân gian chế biến đi một cách có hệ thống, có nghệ thuật nhưng không tự giác...” [1, tr. 99]. Văn hóa, văn học, thần thoại đất nước Hy Lạp được xem là khởi đầu của mọi khởi đầu, là cái nôi văn minh Châu Âu, Phương Tây nên có thể khẳng định đây là nền văn hóa, văn học mang tính chất biểu tượng. Mác nhận định: nếu không có Hy Lạp – La Mã cổ đại thì không có Châu Âu ngày nay. Việc nghiên cứu thế giới biểu tượng trong Thần thoại Hy Lạp giúp người đọc mở ra nhiều cánh cửa khám phá mới đối với “tấm gấm vóc được thêu dệt bằng ngôn từ” này. Sự khám phá đầu tiên là con đường tư duy của người Hy Lạp cổ đại đối với thế giới quan. Và sự khám phá thứ hai là văn hóa Hy Lạp cổ đại Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sinh viên năm học 2016-2017 Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, tháng 12/2016: tr. 5-14
  2. 6 TRẦN HOÀNG THÙY LINH nói riêng cũng như văn hóa Phương Tây nói chung trong sự đối sánh với văn hóa Phương Đông. Biểu tượng symbol (Tiếng Anh) hay symbole (Tiếng Pháp), “khởi nguyên, biểu tượng là một vật được cắt làm đôi, mảnh sứ, gỗ hay kim loại. Hai người mỗi bên giữ một phần, chủ và khách, người cho vay và người đi vay, hai kẻ hành hương, hai kẻ sắp chia tay nhau lâu dài...Sau này, ráp hai mảnh lại với nhau, họ sẽ nhận ra mối dây thân tình xưa, món nợ cũ, tình bạn ngày trước.” [4, tr. 23]. Như vậy, biểu tượng trước hết phải là dấu hiệu, kí hiệu, tín hiệu. Nó có thể được định nghĩa một cách đơn giản nhất là một cái gì đó được dùng để đại diện cho một cái khác và có phạm vi tồn tại rất rộng lớn trong nền văn hóa và đời sống văn hóa của một dân tộc. Hay nói cách khác, chúng ta đang sống trong một thế giới biểu tượng, truy nguyên nguồn gốc của thế giới biểu tượng đó chính là truy nguyên nguồn gốc văn hóa. Vậy thế giới ra đời khi nào ? Ra đời từ hoàn cảnh căn nguyên nào ? Phát triển ra sao ? Sự ra đời và phát triển của thế giới có những ý nghĩa gì ? Huyền thoại về thần Dớt xuất phát từ đâu ? Và thế giới của thần Dớt ngự trị có ý nghĩa gì đối với loài người ? Việc nghiên cứu “Thế giới nhân vật thần linh trong thần thoại Hy Lạp, nhìn từ lý thuyết biểu tượng” sẽ là hướng tiếp cận giải mã một số nét văn hóa trên. 2. BIỂU TƯỢNG NHÂN VẬT THẦN LINH NHÌN TỪ CÁC GIA HỆ THẦN TRONG THÂN THOẠI HY LẠP Nguyên thủy, trái đất là một cõi hỗn mang, khái niệm hỗn mang này tương ứng với hỗn nguyên, hỗn độn. Đây là khái niệm miêu tả thế giới thời nguyên sơ, khai thiên lập địa. Hỗn mang được xem là dạng tồn tại đầu tiên của thế giới, “có trước sự sáng thế, khi mà trật tự chưa được thiết định cho các yếu tố của thế giới” [4, tr. 453]. Ở dạng thức này, thế giới hoàn toàn vô chính phủ và bao quanh mặt đất chỉ có bóng tối, sự trống rỗng. Đây là cái nhìn đầu tiên của loài người khi biết cảm nhận thế giới. Do đó, người Hy Lạp cổ đại đã xác lập thế giới bằng sự xuất hiện của các vị thần bước ra từ cõi hỗn mang. 2.1. Gia hệ thần Khaôx Sự xuất hiện đầu tiên của vị thần Khaôx đã giải thích cho dạng thức tồn tại đầu tiên của thế giới hỗn mang, là sự mở đầu cho gia hệ thần thứ nhất.Về mặt ngữ nghĩa, hỗn mang là lộn xộn, thiếu trật tự. Còn Khaôx trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “một vực thẳm đen ngòm, vô cùng, vô tận, trống rỗng, mơ hồ, vật vờ, phiêu bạt trong khoảng không gian bao la” [6, tr. 5]. Thần Khaôx đã thiết lập nên gia hệ thần đầu tiên nhưng vẫn chưa có sự phân định rõ ràng. Tuy nhiên đây vẫn được xem là nơi khơi nguồn sinh sôi nảy nở, cội nguồn của sự tạo lập cho các gia hệ thần ra đời sau này. Có thế xem Khaôx hay dạng thức hỗn mang của trái đất là nguồn gốc của mọi nguồn gốc. Trong tất cả những huyền thoại giải thích sự ra đời, nguồn gốc vũ trụ và sự kết thúc quá trình tiến hóa đều xem vực thẳm là “cái rốn của vũ trụ”, nó có thể nuốt chửng, ngấu nghiến tất cả sinh vật, phá hủy toàn bộ thế giới cũ để rồi tái tạo một thế giới mới. Trong Thần thoại Hy Lạp, Khaôx chỉ mang ý nghĩa khởi sinh, không mang ý nghĩa hủy diệt. Từ vực thẳm đen ngòm ấy đã bắt đầu kiến tạo thế giới, Khaôx đã tự nảy sinh ra đất mẹ Gaia. Điều này phản ánh việc
  3. THẾ GIỚI NHÂN VẬT THẦN LINH TRONG THẦN THOẠI HY LẠP... 7 con người bắt đầu nhận thức được sự tồn tại của mặt đất và bắt đầu có ý thức sống trên mặt đất, sinh cơ lập nghiệp bền vững, nuôi dưỡng giống nòi ở đó. Sau này từ đất mẹ Gaia đã sinh ra bầu trời cùng vạn vật, đánh dấu chế độ mẫu hệ xuất hiện đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Đây là nét văn hóa không chỉ của Phương Tây mà của cả thế giới. Cội nguồn của người Phương Đông cũng xuất phát từ chế độ mẫu hệ thể hiện rõ qua nhân vật Nữ Oa – vị nữ thần sáng chế trong thần thoại Trung Hoa, “Nữ Oa đã tham chiếu tướng mạo bản thân sử dụng bùn của Hoàng Hà tạo ra một thân hình con người sau đó sử dụng pháp thuật để cho bùn đất sét đó có sự sống thành con người thật thụ.” [7]. Từ Khaôx lại sinh ra chốn tối tăm vĩnh cửu Erôbôx và Nix đêm tối mịt mù. Sự xuất hiện của hai vị thần này phản ánh việc con người nhận thức được bóng đêm luôn bao quanh mặt đất. Do vậy, con người mơ ước đầu tiên có một luồng ánh sáng soi rọi mặt đất, sưởi ấm mặt đất lạnh lẽo ? Và phải chăng ngay sau đó, Hêmer – thần ánh sáng trong trẻo đã được sinh ra (từ cuộc hôn phối đầu tiên của Erôbôx và Nix) và trái đất mới bắt đầu quay quỹ đạo đầu tiên vòng quanh mặt trời để tạo ra sự luân chuyển ngày – đêm cho trái đất. Sự xuất hiện lần lượt, thứ tự ấy phần nào cho thấy nét tư duy văn hóa biện chứng, lý trí của người Phương Tây. Đứa con cuối cùng của Khaôx là Erôx, vị thần mang sứ mệnh gắn kết con người, vạn vật bằng tình yêu. Trong học thuyết về nguồn gốc vũ trụ của Ôrphee thì “khởi thủy là đêm và hư không. Đêm đẻ ra một quả trứng, từ quả trứng ấy nở ra thần tình yêu Erox, trong khi ấy thì Đất và Trời hình thành từ hai nửa vỏ trứng vỡ.” [4, tr. 927]. Có thể thấy hình dáng của Đất và Trời là hai mảnh trứng vỡ, hình bán cầu, trong đó, thần tình yêu Erôx ở vị trí trung tâm giữa hình bán cầu, giữa Đất và Trời. Hay theo quan niệm của Hésiode thì “có trước mọi vật là vực thẳm; rồi xuất hiện Đất rộng, chỗ nương thân vững chắc của muôn loài; rồi đến vị thần Erôx...” Dẫu đi theo quan niệm nào thì vai trò của vị thần Erôx cũng rất lớn, cho thấy người Hy Lạp từ xa xưa đã cảm nhận được tình yêu thương và tình yêu đó được sinh ra bất diệt cùng với vũ trụ. Erôx là người con cuối cùng của cõi hỗn mang, là sự hòa hợp trong chốn vực thẳm đen tối, hỗn độn và rối rắm, sinh ra mang sứ mệnh là sợi dây kết nối giữa thần linh, hoa lá cỏ cây và vạn vật. Bên cạnh đó, tình yêu còn mang “ý nghĩa biểu tượng cho sự thống nhất của các mặt đối lập” [4, tr. 927]. Điều này đã phần nào lí giải được cuộc hôn phối của các nam thần với nữ thần, các mặt đối lập tiêu biểu là Thần bầu trời Uranôx và nữ thần đất mẹ Gaia sau này, bởi tính chất “Đất đối lập với trời một cách tượng trưng như bản nguyên thụ động đối lập với bản nguyên chủ động, khuôn mặt nữ tính đối với khuôn mặt nam tính của thế giới” [4, tr. 287]. Cũng phải nói rằng, thần tình yêu Erôx đã dẫn dắt, đưa đến sự thành công cuộc hôn phối của đất trời; mà đất và trời là hai phần của nhận thức bị chia cắt, tách biệt, hai mảnh vỡ; hai phần nhận thức này nhận ra nhau, kết hợp với nhau qua tình yêu thì đó chính là biểu tượng. Do đó, tình yêu là linh hồn của biểu tượng hay nói cách khác, tình yêu là biểu tượng của biểu tượng. Bước chân tri nhận thế giới tiếp theo của người Hy Lạp cổ đại là sự xuất hiện của vị thần Uranôx, thần bầu trời xanh ngát, vô biên được sinh ra trong lòng của nữ thần Đất mẹ cường tráng và phì nhiêu. Và cũng từ Gaia, những ngọn núi cao vút và biển Pôntôx
  4. 8 TRẦN HOÀNG THÙY LINH mênh mang cũng lần lượt ra đời. Như vậy, đất trời sông núi đều được nảy nở từ trong lòng đất Gaia nên Đất mang ý nghĩa biểu tượng người mẹ, biểu tượng của sự sản sinh và phục hồi; những yếu tố tự nhiên đã đầy đủ, kết thúc sứ mệnh của gia hệ thần thứ nhất do Khaôx làm chủ. Đây là sự kiện đánh dấu kết thúc thời kì hỗn mang của thế giới. Gia hệ thần thứ hai ra đời và bước thứ hai tri nhận về thế giới của người Hy Lạp cổ đại cũng được khai mở bằng cánh cửa vô thức, bậc thang thứ nhất trong hệ thống các hình thái ý thức xã hội qua sự kiện đất mẹ Gaia hôn phối với thần bầu trời Uranôx. 2.2. Gia hệ thần Uranôx và Gaia Gia hệ thần thứ 2 do thần Bầu trời Uranôx và đất mẹ Gaia đứng đầu, việc Uranôx lên ngôi thống trị thế giới đánh dấu và phản ánh bước chuyển từ chế độ mẫu hệ (Gaia) sang chế độ phụ hệ (Uranôx) của loài người. Bên cạnh đó, cuộc hôn phối đầu tiên này đã đưa loài người bước vào thời kỳ mang đậm dấu ấn lịch sử thể hiện qua hình thức hôn nhân quần hôn, tạp hôn của cộng đồng nguyên thủy, thời kì của sự vô thức. Biểu hiện của sự vô thức đầu tiên là cuộc hôn phối cùng huyết thống đầu tiên giữa mẹ và con. Hệ quả của cuộc hôn phối này cho ra đời 6 nam thần khổng lồ Titan (Ôkeanôx, Côiôx, Hiperiôn, Dapê, Cronôx và Criôx), 6 nữ thần khổng lồ Titaniđêx (Thetix, Theia, Themix, Mnêmôxin, Phêbê và Rêa), 3 thần khổng lồ Kiclốp (Arghex, Xtêrôpex và Brôntex) và 3 quỷ thần khổng lồ Hecatonkhia (Côttôx, Briarê và Ghiex). Việc cân bằng định tính và định lượng thế hệ những đứa con của Gaia và Uranôx hàm ẩn một ý nghĩa biểu tượng. Số lượng giữa các nam thần và các nữ thần cân bằng. Đây là điểm khác biệt so với văn hóa Phương Đông, nếu người Phương Đông tôn trọng tôn ti trật tự, khi xem xét truyện thần thoại của Việt Nam thì các nam thần chiếm phần lớn và phái nữ rất ít khi được lí tưởng hóa thành thần thánh (truyện Thần trụ trời có Ông đếm cát, Ông tát bể, Ông kể sao, Ông trồng cây, Ông xây rú, Ông trụ trời...Hay huyền thoại về Thần Nông – ông tổ của Nông nghiệp trong Thần thoại Trung Hoa...) thì ngược lại, người Phương Tây tôn trọng sự đồng đẳng. Số lượng giữa các nhân thần và các quỷ thần cũng được ở trạng thái cân bằng. Điều này cho thấy việc nhận thức của con người về thế giới là luôn luôn mong ước vươn đến sự cân bằng, hài hòa. Tuy nhiên do hoàn cảnh thời kỳ Uranôx và Gaia vẫn chưa có một sự thống trị tuyệt đối nào nên đây lại là sự cân bằng không xác định. Trước hết bàn về số ba, đây là “con số cơ bản, nó biểu thị một trật tự và tinh thần trong thần linh, trong vũ trụ hoặc trong con người. Nó tổng hợp tính tam – nhất của một sinh linh” [4, tr. 37]. Cho nên về cơ bản, 6 nam thần Titan, 6 nữ thần Titaniđêx, 3 thần Kiclốp và 3 quỷ thần Hêcatônkhia đều được hình thành dựa trên con số ba cơ bản. Sau này, mọi sự vật và sự việc đều được cấu thành dựa trên con số này, nó đã vượt ra ngoài ranh giới Đông – Tây và trở thành biểu tượng thế giới. Văn hóa Phương Đông nói chung, văn hóa Việt Nam nói riêng luôn quan niệm trạng thái của sự trung hòa phải đạt được bắt đầu từ ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa; lấy con số ba làm chuẩn mực như “quá tam ba bận”. Quay trở lại Thần thoại Hy Lạp, khi đi sâu hơn, việc chia ba và chia sáu trong sự sắp xếp 6 nam thần khổng lồ và 6 nữ thần khổng lồ được xếp chung một nhóm, còn 3 nhân thần khổng lồ và 3 quỷ thần khổng lồ lại được xếp riêng ra hai nhóm, hoàn toàn mang tính biểu tượng. Như đã phân tích, số ba là con số cân bằng cơ bản, và sáu lại bằng hai lần ba, nên bộ sáu theo đó cũng chỉ sự cân bằng. Số sáu là sự
  5. THẾ GIỚI NHÂN VẬT THẦN LINH TRONG THẦN THOẠI HY LẠP... 9 “hoàn thiện tiềm tàng, điều đó được biểu thị bằng biểu tượng sáu tam giác đều nội tiếp trong một vòng tròn” [4, tr. 802]. Soi chiếu khái niệm biểu tượng này trong sự sắp xếp các vị thần có thể thấy rằng, việc tạo lập sáu nam thần (nữ thần) khổng lồ chính là sự kết hợp, tổng hòa của ba nhân thần và ba quỷ thần sau đó. Chính điều này đã làm nên bản chất của tất cả các vị thần linh được sinh ra ở thế hệ sau. Mỗi vị thần đều mang trong mình một nửa cái thiện và một nửa cái ác, một nửa quyền uy sức mạnh chính nghĩa (sấm chớp, giông, sét) và một nửa sức mạnh phi nghĩa, kinh hoàng. Họ có thể nghiêng về cái tốt, làm việc thiện và cũng có thể nghiêng về cái ác, sự phản trắc, làm việc đồi bại, tầm thường. Suy rộng ra đó không chỉ là bản chất của thần linh mà đó còn là bản chất của con người, bởi loài người là sản phẩm mang dáng dấp của thần linh. Điều này có thể được làm sáng tỏ qua tính chất lưỡng phân trong hình tượng thần Dớt, đấng tối cao cai quản thế giới ở gia hệ thần thứ tư, một vị thần tượng trưng cho sức mạnh quyền uy, sự điều đặn, luân lý, là người cai quản có quyền phán xét tất cả mọi sự rối ren, lộn xộn. Tuy nhiên, Dớt cũng nổi tiếng với vô số những cuộc phiêu lưu ái tình với các nữ thần, tiên nữ trần gian (mặc dù đã có vợ là thần Hêra). Còn Hêra là vị nữ thần đại diện cho cuộc sống hạnh phúc hôn nhân gia đình, cho sự sinh nở nhưng ngay trong cuộc sống hôn nhân của mình, nữ thần Hêra cao cả vẫn luôn phải đi canh chừng chồng mình ngoại tình....Việc lưỡng phân trong tính cách của các vị thần cho thấy, con người nhìn thấy họ trong các vị thần. Họ tạo ra các vị thần bằng niềm tin, niềm mơ ước lí tưởng hóa, nâng con người lên một tầm cao nhất định nhưng vẫn chấp nhận sự tồn tại trong bản chất, tính cách một chút ít của tầm thường, nhỏ nhen, đố kỵ, ghen tuông và dục vọng...Nhưng chính sự lưỡng phân đó lại làm nên sự hoàn thiện của một cấu trúc, chỉnh thể. Nó chỉ có thể tồn tại được khi có sự kết hợp cân bằng như một tam giác bộ sáu “nội tiếp trong vòng tròn” mà thôi. Vậy từ việc cân đối giữa các nam thần và nữ thần, các nhân thần và quỷ thần đã lật mở vấn đề “văn hóa Hy Lạp về bản chất là văn hóa của cái đẹp hài hòa” [1, tr. 95]. Sự vô thức thứ hai biểu hiện qua hàng loạt các cuộc hôn phối của những vị thần có cùng chung mẹ Gaia và cha Uranôx, cùng chung huyết tộc. Thế hệ hôn phối này tạo ra hàng loạt các vị thần, mỗi người cai quản một phần thế giới. Và những công việc, phận sự của các vị thần trong thời kỳ này đã có phần cụ thể hơn, phong phú hơn so với thời kỳ hỗn mang, điều này phản ánh một bước tiến mới trong nhận thức của con người. Làn sóng hôn phối lần này đã cho ra đời thần Mặt trời Hêliôx, thần Mặt trăng Xêlenê, nữ thần Bình minh Êôx là những hiện thân cụ thể, sinh động của bầu trời Uranôx mênh mông vô biên. Hay sự ra đời của ba nghìn con trai là thần sông cai quản mọi con sông trên mặt đất và ba nghìn con gái Ôkêaniđ là những tiên nữ trú ngụ ở sông, biển, là sự cụ thể hóa của biển Pôntôx khởi nguyên bao la bất tận.Và hàng loạt sự ra đời mang ý nghĩa cụ thể khác. Nhìn chung, về mặt tự nhiên, con người đã bắt đầu nhận thức được nhiều sự vật xung quanh nhưng đó mới chỉ là bước đầu nhận thức về những hiện tượng cụ thể như vòm trời, trăng sao... Và về mặt xã hội, ý thức của con người vẫn nằm trong vô thức mạnh mẽ. Phải đến thế hệ sau của thần Crônôx thì ý thức mới được trỗi dậy một cách đầy đủ. Ở thời kỳ này, cuộc hôn phối lộn xộn giữa thế hệ các vị thần anh trai – em gái chung huyết tộc mang ý nghĩa biểu tượng cho một giai đoạn tối tăm của nhân loại.
  6. 10 TRẦN HOÀNG THÙY LINH Đây là hiện tượng bán thú tính, nghĩa là một phần con tồn tại và thống trị phần người trong chỉnh thể con người/nhân thần. Những cuộc hôn phối này được xem là hiện tượng loạn luân, khiến các đối tượng chỉ kết hợp trong một hệ thống khép kín và “không thể đồng hóa với một đối tượng khác”. Nó “thể hiện tình trạng bị chặn đứng, một cái nút, một điểm dừng trong quá trình phát triển tinh thần và tâm lý của một xã hội và của một con người” [4, tr. 523]. Như vậy có thể xem giai đoạn hôn phối của các vị thần chung huyết thống thời Gaia – Uranôx và giai đoạn xuất hiện hiện tượng loạn luân của loài người là một, giai đoạn này là một vết nhơ của nhân loại. Tuy nhiên, cách bào chữa duy nhất đó là do hiện tượng này diễn ra trong sự vô thức của loài người. Và trong cõi tối tăm, mù mờ của vô thức, con người đã cố gắng thoát khỏi nó, vươn ra ngoài để chạm đến tầm ý thức. Điều này phản ánh phần nào qua việc hai vị thần Titaniđêx là Thêmix và Mnêmôxin đã “không chịu lấy cùng anh em” nên hai Titan nam thần còn lại phải lấy hai vị nữ thần khác không cùng huyết thống là Ơribê và nữ thần rạng đông Êôx. Cuộc hôn phối chứa đầy sự ý thức này đã sinh ra cho thế gian những ngọn gió Tây với tính nết dịu dàng, ngọn gió Bắc nhanh nhẹn, ngọn gió Nam vui vẻ ấm áp và ngọn gió Đông mát mẻ thân thiện, cùng với đó là vô số ngôi sao lấp lánh. Gió biểu tượng cho “sự thẩm thấu, phá vỡ và tẩy uế” [4, tr. 362]. Do đó, sự cố gắng và kết quả của cuộc hôn phối ngoại tộc này đã một phần xóa mờ đi dấu vết loạn luân, tăm tối trong lịch sử nhân loại. 2.3. Gia hệ thần Crônôx và Rêa Sự kiện của cuộc hôn phối ngoại tộc trên đã manh nha ý thức trong sự tri nhận thế giới của con người cổ đại. Sự ra đời của gia hệ thần thứ ba do Crônôx và Rêa đứng đầu là khoảng thời gian đánh dấu bước phát triển ý thức nói trên. Sự ý thức về quy luật của thế giới và con người thứ nhất được đánh dấu bằng sự kiện thần Crônôx nghe theo lời mẹ Gaia chém chết cha Uranôx. Đây có thể xem là hành động phản trắc nhưng có ý thức, mang ý nghĩa biểu trưng cao, phản ánh thời kỳ xã hội nguyên thủy chuyển từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ. Hành động trên xuất phát từ việc thần Uranôx đối xử không công bằng với những đứa con của mình, ông đã đày những Kiclốp và những Hêcatônkhia xuống đại ngục Tartar dù họ không hề mang tội lỗi. Điều này phản ánh bài học đầu tiên về sự công bằng để có thể tồn tại mà người Hy Lạp cổ muốn chuyển tải. Khi máu của Uranôx chảy vào lòng đất mẹ Gaia lại sinh ra một thế hệ đại khổng lồ quái đản gớm ghiếc, dữ tợn. Nhưng cũng dòng máu ấy khi chảy xuống biển, hòa tan vào những con sóng bạc đầu lại sinh ra nữ thần Tình yêu và sắc đẹp Aphrôđitơ. Sự khác biệt đó có thể lí giải từ góc độ biểu tượng, Đất mang biểu tượng của sự sản sinh sức mạnh, do đó sự quyết tâm, lòng phản trắc và lòng hận thù trong Crônôx được dồn nén ở lưỡi hái chém Uranôx và khi máu của Uranôx rơi xuống được đất mẹ nuôi dưỡng đã sinh ra những đỉnh điểm của sự hận thù. Biểu tượng này của Đất cũng được chứng minh sau này khi diễn ra cuộc giao chiến của người anh hùng Hêraclex với gã giết người Ăngtê, “Ăngtê có một điều bí mật như lá bùa hộ mệnh, đó là nhờ thần đất mẹ Gaia...Chính vị nữ thần này đã luôn luôn tiếp sức cho đứa con trai của mình, không ai có thể chiến thắng được Ăngte là vì gã gắn bó với thần đất mẹ, chính đất mẹ đã làm hồi sinh khi gã bị tử thương” [6, tr. 333]. Ăngtê trở thành biểu tượng của sự gắn bó với cội nguồn. Khả năng nuôi dưỡng sức mạnh, tái sinh lòng hận thù của đất mẹ Gaia còn được thể hiện sau
  7. THẾ GIỚI NHÂN VẬT THẦN LINH TRONG THẦN THOẠI HY LẠP... 11 này qua việc năm lần bảy lượt nuôi ý định chống trả lại Dớt, thông qua việc giải thoát cho lũ con quỷ thần khổng lồ Ghigantôx bị giam trong địa ngục u tối và các Titan bị giam trong lòng Đất để họ nổi dậy chống lại trật tự mới do Dớt tạo dựng. Trái lại, Biển biểu tượng cho động thái của sự sống và là nơi có khả năng làm sạch, tái sinh, biến đổi sự hận thù. Do đó khi giọt máu hận thù của Uranôx nhỏ xuống biển, những làn sóng bạc đầu liền tẩy rửa và biến đổi thành tình yêu và sắc đẹp. Biểu tượng của nước còn được chứng minh sau này khi thần Dớt nhận ra loài người đã bắt đầu hư hỏng, khinh miệt thần thánh thì đấng tối cao này cũng chọn cơn đại hồng thủy để rửa sạch mặt đất, xóa tan những thói xấu của loài người để tạo ra một giống mới tốt đẹp hơn, trong sạch hơn. Quay trở lại, chính sự lật đổ, soái ngôi chấn động nói trên đã đưa vị thần thời gian Crônôx giành lấy quyền cai quản thế giới, xác lập gia hệ thần thứ ba do Crônôx và Rêa đứng đầu, giai đoạn bắt đầu của sự trỗi dậy ý thức đấu tranh, phản kháng dành chỗ đứng cai quản thế giới. Sự biểu hiện ý thức thứ hai trong việc tri nhận thế giới là hàng loạt sự ra đời của các vị thần mang tính cụ thể hóa. Nếu sự ra đời của các vị thần ở giai đoạn vô thức của Uranôx biểu hiện cho sự cụ thể hóa trong cách tri nhận thiên nhiên, về những hiện tượng cụ thể, hiển diện trực tiếp thì đến giai đoạn này, sự ra đời của các vị thần là sự phản ánh cụ thể hóa cuộc sống con người bao gồm số mệnh con người và những hiện tượng trừu tượng thường nhật trong cuộc sống con người. Ở một bậc cao hơn, trong giai đoạn ý thức này, chính tư duy biện chứng, lý trí đã khiến nữ thần Đêm tối Nix sinh ra nữ thần chết Ker, thần báo tử Thanatôx, thần giấc ngủ Hipnôx, thần bất hòa Êrix, thần già nua, buồn phiền, lừa dối, mệt mỏi, đói khổ, đau thương, cướp bó, hỗn loạn... bởi bóng tối luôn tiềm ẩn những hình thái tiêu cực trên. Đặc biệt sự xuất hiện của ba vị nữ thần Moirơ cho thấy cách nhìn nhận của con người về cái chết rất mong manh và họ biết rằng con người hoàn toàn bị phụ thuộc vào sợi chỉ số mệnh. Một nữ thần nắm giữ cuộn chỉ, một vị đảm nhiệm công việc giám định và vị nữ thần cuối cùng sẽ quyết định cắt chỉ số mệnh của con người và của cả nhân thần. Từ đây con người đã bắt đầu có sự nhận thức về cuộc sống của chính mình. Những ước mơ được bất tử hóa, khao khát làm chủ thế giới, chế ngự vạn vật cũng xuất phát từ giai đoạn ý thức này của con người. Đây là giai đoạn đánh dấu bước phát triển mới trong cộng đồng nguyên thủy, đánh dấu sự chuyển biến từ giai đoạn hái lượm sang giai đoạn con người đã biết săn bắn và thuần dưỡng vật nuôi. 2.4. Gia hệ thần Dớt và Hêra Gia hệ thần Dớt, đây là giai đoạn kế thừa và phát triển tất cả những ý niệm của các giai đoạn trước để tổng hòa và đúc kết thành giai đoạn đỉnh điểm, siêu ý thức của loài người. Ở các giai đoạn trước, thần thánh vẫn bị sợi chỉ số mệnh của ba chị em Moirơ nắm giữ, họ vẫn đi theo quy luật sống chết như người trần, và chỉ có thể kéo dài tuổi thọ mà không thể cưỡng lại quy luật sống – chết của vạn vật. Nhưng cho đến gia hệ thần Dớt, ý thức con người phát triển ở một mức cao hơn, và sự xuất hiện của 12 vị thần ngự trị trên đỉnh núi Ôlympôx bất tử đã cho thấy được ước mơ cao nhất, sự phát triển ý thức cao nhất của người cổ đại.
  8. 12 TRẦN HOÀNG THÙY LINH Biểu hiện đầu tiên của sự phát triển siêu ý thức, con người cổ đại đã sáng lập nên đỉnh núi Ôlympôx. Núi nói chung hay đỉnh Ôlympôx nói riêng mang biểu tượng của tâm điểm, “với những đặc điểm: cao, thẳng đứng, gần trời...Nhìn từ trên xuống, núi là đầu nhọn của một đường thẳng đứng, là trục của thế giới; nhìn từ dưới lên, từ mặt phẳng ngang, núi như là một đường thẳng đứng, là đường trục của thế giới, nhưng cũng là cái thang, là sườn dốc phải trèo lên.” [4, tr. 699]. Do đó, đỉnh Ôlympôx này tương ứng với cách xây dựng hình thức tổ chức xã hội, hình thái tổ chức nhà nước, thành bang và hình thức tổ chức này đóng vai trò trung tâm, chi phối toàn bộ những quy định, luật lệ còn lại của xã hội Hy Lạp, Phương Tây. Đồng thời, biểu tượng đỉnh Ôlympôx còn khái quát được quy luật tôn ti trật tự trong cách sắp xếp các hình thái tổ chức của người Phương Đông qua hình ảnh “cái thang” của núi. Mặt khác, việc xây dựng và ngự trị trên đỉnh Ôlympôx cao nhất của những vị thần linh bất tử còn cho thấy quá trình di chuyển nơi sinh sống, trú ngụ của con người cổ đại từ trong hang núi ra ngoài ánh sáng, phản ánh một bước tiến hóa mới của nhân loại. Biểu hiện thứ hai của sự siêu ý thức thể hiện qua việc sáng tạo hình tượng thần linh. Những vị thần trong gia hệ thần Dớt được mang ý nghĩa khái quát thành biểu tượng. Trong các giai đoạn trước, thần không được miêu tả như con người mà chỉ là những đấng, bậc xa vời; đứng tách biệt với con người. Tuy nhiên, đến giai đoạn Dớt, một trong những nguyên tắc sáng tạo, xây dựng biểu tượng các vị thần linh là “thần nhân đồng hình”. Nguyên tắc “thần nhân đồng hình” đi từ quan niệm văn hóa “vạn vật hữu linh” của con người cổ đại. Theo đó, tất cả những hiện tượng tự nhiên diễn ra đều xuất phát từ sức mạnh của thần linh ma quỷ. Thiên nhiên vạn vật hứng chịu những gì thì con người hứng chịu cái ấy và thiên nhiên nhận được những gì thì con người cũng nhận được cái ấy. Ảnh hưởng hiện tượng bão lũ, động đất, núi lửa thì cây cối ngả nghiêng, sinh linh chịu nạn, con người cũng không thoát khỏi vòng nguy hiểm ấy. Biểu hiện quan niệm “thần nhân đồng hình”, trong Thần thoại Hy Lạp đã phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa con người và thần linh, qua hình ảnh những vị thần bất tử Ôlympôx chính là tượng đài lý tưởng hóa của chính con người. Chỉ đến giai đoạn này, hình ảnh và những đặc điểm tính cách của các vị thần mới gần gũi với con người nhất, khác với các vị thần hoang sơ, ghê tợn được xây dựng ở giai đoạn trước. Biểu hiện thứ ba ở việc thần Êpimêthê sáng tạo ra con người và thần Prômêthê đã mang lửa xuống cho loài người. Chính sự kiện này và chính ý nghĩa biểu tượng của ngọn lửa đã đưa giai đoạn của gia hệ thần Dớt bước lên tầm siêu ý thức, phản ánh giai đoạn hiện thực khi con người đã hoàn toàn từ giã thời kỳ mông muội nguyên thủy bước vào thời kỳ tiến hóa. Biểu tượng của lửa – sự văn minh nhân loại được cụ thể hóa qua nữ thần Hêxtia, thần bếp - người được Dớt cử trông coi việc bếp núc. Vì bếp mang biểu tượng “cho sự sống chung, cho mái nhà, cho sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bà, cho tình yêu, cho tập hợp và sự gìn giữ lửa” [4, tr. 78] nên chiếc bếp lửa đã vô hình tạo dựng nên quan hệ hôn nhân một vợ một chồng, đưa loài người thoát khỏi chế độ quần hôn, tạp hôn của buổi hồng hoang, bảo đảm sự phát triển ổn định cho tương lai nhân loại. Sự xuất hiện của chiếc bếp lửa trong gia đình đã phản ánh hình thái tổ chức xã hội văn minh. Với cấu trúc mỗi gia đình là một tế bào của xã hội thì thời đại Dớt thế giới đã
  9. THẾ GIỚI NHÂN VẬT THẦN LINH TRONG THẦN THOẠI HY LẠP... 13 mang một hình thái hài hòa ổn định đi theo chiều bếp lửa -> gia đình -> xã hội. Trước đó, ngọn lửa ban đầu khi được thần Prômêthê mang xuống cho loài người mới chỉ mang tính chất là vũ khí bảo vệ con người. Nhưng khi ngọn lửa được xây dựng thành biểu tượng qua hình ảnh nữ thần Hêxtia thì nó mới phát huy hết tính chất văn minh của mình. Bên cạnh đó, biểu tượng của nữ thần Hêxtia, hay biểu tượng của chiếc bếp lửa còn mang một ý nghĩa khác. Đó là sự phản ánh cuộc sống của con người khi có bước tiến nhảy vọt từ hình thức ăn tươi nuốt sống thời hồng hoang tiền sử, thời con người còn duy trì việc săn bắt, hái lượm chuyển sang hình thức ăn chín uống sôi trong thời văn minh, khi con người đã biết tự chủ động sản xuất lương thực, thực phẩm, đảm bảo được nhu cầu tồn tại của chính mình, phần nào thoát khỏi sự lệ thuộc vào thiên nhiên. Và ý nghĩa này cũng là nguồn gốc xuất hiện Đêmêter – thần Nông nghiệp bảo hộ mùa màng, Hêphaixtôx – thần thợ rèn, Hêrmex – thần Thương nghiệp, Athêna – thần thủ công nghiệp, Điônixôx – thần rượu nho và công nghiệp trồng nho cùng hàng loạt các vị thần khác đảm nhiệm từng chức năng ngành nghề sản xuất trong xã hội... Đây là những phương diện ở các giai đoạn Khaôx, Uranôx, Crônôx chưa hề xuất hiện. Biểu hiện thứ tư của siêu ý thức là sự sáng tạo trong việc hình thành nên các vị thần đảm nhiệm những khía cạnh nghệ thuật, tinh thần như Apôllo, Athêna, Aphrôđitơ...Từ đây nhận thấy, con người cổ đại đã phát hiện và coi trọng yếu tố con người, xem con người là trung tâm của vũ trụ, dẫn đến lối tư duy lý trí, phân tích biện chứng. Và để phục vụ cho con người – yếu tố trung tâm của thế giới, người Hy Lạp cổ đã sáng tạo ra hệ thống các vị thần chuyên đảm nhận trách nhiệm về mặt tinh thần và xã hội cho con người, từ đó các vị thần đại diện cho tự nhiên dần lui về thứ yếu. Điều này biểu hiện rõ qua hệ thống 12 vị thần Ôlympôx, đại diện giai đoạn tầm siêu ý thức. Đây là điểm văn hóa hoàn toàn đối lập với văn hóa Việt Nam, văn hóa Phương Đông. Hệ thống thần linh trong thần thoại các nước Phương Đông rất ít khi xuất hiện thần âm nhạc, thần nghệ thuật như ở Phương Tây mà chỉ có thần Núi, thần Sông, thần Biển, thần Cây, thần Mưa, thần Gió... Phương Đông coi trọng thiên nhiên và con người Phương Đông sống phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, không tự mình làm chủ được như ở Tây phương (“Trông trời trông đất trông mây/ Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm/Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời êm, biển lặn mới yên tấm lòng” – Ca dao Việt Nam). Trong 12 vị thần Olympôx còn có Arex – thần chiến tranh. Sự xuất hiện của Arex là sự cụ thể và văn minh hóa các cuộc hỗn chiến ở những giai đoạn trước và cả trong gia hệ thần Dớt. Sự xuất hiện này cũng phần nào khu biệt nét văn hóa Đông – Tây. Những cuộc chiến đấu mang ý nghĩa sinh tồn và bá chủ thế giới xuất hiện từ thời Khaôx đến thời Dớt đều được cô đọng trong biểu tượng thần chiến tranh Arex từ hình dáng đến tính cách hung bạo, hiếu chiến, đầy sức mạnh. Điều này phản ánh văn hóa, văn minh Phương Tây coi trọng sức mạnh, coi trọng quân sự, ở đó luôn tồn tại những lò lửa chiến tranh. Vì thế văn hóa Phương Tây là văn hóa của tính chất động trái ngược với văn hóa Phương Đông coi trọng tính chất tĩnh, khép kín, không hề có thần chiến tranh mà luôn sống theo quan niệm: huề cả làng. Và khi so sánh văn hóa Phương Tây với văn hóa Phương Đông, đỉnh núi Ôlympôx so sánh với “lũy tre làng” luôn có phần khập khiễng nhưng điều đó phần nào giải thích được tính chất khác biệt của hai nền văn hóa.
  10. 14 TRẦN HOÀNG THÙY LINH 3. KẾT LUẬN Hiển diện trong thần thoại là thế giới huyền ảo. Tuy nhiên, bất kì sự huyền ảo nào cũng dựa trên những yếu tố quan hiện thực. Thần thoại Hy Lạp là bản ghi chép sớm nhất về thiên nhiên, thế giới, nhân loại qua cách suy nghĩ của con người cổ đại. Vì thế, khi tìm hiểu, tiếp cận thế giới thần linh trong Thần thoại Hy Lạp từ góc nhìn biểu tượng thì các hình thái ý thức xã hội, những bước tiến văn minh của loài người được thể hiện rõ. Đó là những bước đi từ đơn giản đến phức tạp, từ mẫu hệ đến phụ hệ, từ hỗn mang, vô thức đến siêu ý thức, từ hoang dã đến văn minh của nhân loại, tất cả đều được phản ánh và kiến giải qua toàn bộ những sự vật, sự việc được miêu tả trong từng gia hệ thần. Không những vậy, thế giới thần linh trong Thần thoại Hy Lạp còn mở ra cái nôi văn minh thắp sáng “cõi hỗn mang” vũ trụ, mang ý nghĩa khái quát, trường tồn. Về sau những giá trị biểu tượng của thế giới nhân vật thần linh vẫn luôn được các nhà văn, nhà thơ tái hiện trong những khúc ca. Đề tài là sự kết hợp hài hòa và hợp lí giữa đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. Đối tượng là một tác phẩm văn học mang đầy đủ bản nguyên cội nguồn văn hóa và phương pháp nghiên cứu thì có đặc điểm tổng hợp, vạn năng. Qua đó việc tìm hiểu văn hóa Hy Lạp, văn hóa Phương Tây qua biểu tượng thế giới thần linh trong Thần thoại Hy Lạp là con đường tối ưu để truy nguyên nguồn gốc, bản chất và tiến trình phát triển văn hóa nhân loại. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê Nguyên Cẩn (2014). Tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [2] Đặng Anh Đào, Hoàng Nhân, Lương Duy Trung, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Văn Chính, Phùng Văn Tửu (2012). Văn học Phương Tây, NXB Giáo dục Việt Nam. [3] Đinh Hồng Hải (2014). Nghiên cứu biểu tượng, một số hướng tiếp cận lí thuyết, NXB Thế giới, Hà Nội. [4] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2002). Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du. [5] Jean – Francois Dortier (Trung Phương dịch), Những vấn đề tư duy Phương Đông. [6] Việt Thanh, Văn Trọng, Vương Đăng (biên soạn) (2011), Thần thoại Hy Lạp, NXB Văn hóa thông tin. [7] Từ điển Wikipedia: mục Nữ Oa. TRẦN HOÀNG THÙY LINH SV lớp Văn 4D, khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế ĐT: 0120 610 5160, Email: ththuylinhdhsp@gmail.com
nguon tai.lieu . vn