Xem mẫu

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0045 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2A, pp. 169-174 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn THAM VẤN TÂM LÍ CHO NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN TRONG QUÁ TRÌNH NẠN NHÂN TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG Nguyễn Bá Đạt Khoa Tâm lí học, Trường Đại học Khoa học Xã hội&Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Tóm tắt. Nạn nhân của mua bán người trải qua các hành vi bạo lực và sự ngược đãi của những kẻ mua bán người. Họ phải chịu đựng các sang chấn và bệnh tật dai dẳng. Họ có nhu cầu được tham vấn và chữa trị những tổn thương thể chất và tinh thần. Công tác tham vấn có thể diễn ra dưới các hình thức tham vấn cá nhân, tham vấn nhóm, tham vấn gia đình. Tùy vào từng giai đoạn của quá trình trở về, mức độ khủng hoảng tâm lí, các vấn đề sức khỏe tâm thần ở nạn nhân, các hình thức tham vấn được thực hiện một cách linh hoạt và phù hợp với mỗi nạn nhân. Từ khóa: Mua bán người, sức khỏe tâm thần, tham vấn. 1. Mở đầu Nạn nhân của mua bán người sau khi thoát khỏi tình cảnh bị bóc lột, sức lao động, nô lệ tình dục có nhiều biểu hiện cho thấy bị tổn thương cả về thể chất và tinh thần. Nổi bật nhất là tình trạng suy nhược về cơ thể và khủng hoảng tâm lí, trầm trọng hơn nạn nhân có thể bị rối loạn nhân cách – một dạng rối loạn tâm thần. Sự ốm yếu, suy nhược cơ thể và khủng hoảng tâm lí – xã hội hay rối loạn nhân cách là hậu quả tất yếu của việc nạn nhân phải trải qua và chịu đựng một loạt các hành vi như bị đe dọa, đánh đập khi có ý định bỏ trốn, bị nhốt trong phòng kín hoặc bị cô lập khỏi môi trường xã hội, bị bóc lột và biến thành nô lệ tình dục trong các nhà chứa; phải tiếp khách quá sức ngay cả những ngày ốm đau, bị bán làm vợ cho người khác, bị thu hết giấy tờ tùy thân và tiền bạc (Nations Unies, 2010; 2012 [3, 4]). Từ kết quả tổng quan tài liệu nghiên cứu về thực trạng mua bán người hiện nay, cộng với kinh nghiệm làm tham vấn – trị liệu tâm lí cho những khách hàng bị tổn thương tâm lí sau sang chấn, trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung phân tích lí do tại sao phải tham vấn sức khỏe tâm thần cho nạn nhân bị mua bán sau khi thoát khỏi tình trạng bị xâm hại, bóc lột – nô lệ tình dục và những vấn đề đặt ra trong công tác tham vấn cho nạn nhân tại cộng đồng. Bài viết tập trung phân tích các vấn đề sức khỏe tâm thần, các hình thức tham vấn tâm lí cho nạn nhân bị mua bán tại ngay tại cộng đồng khi họ trở về, tái hòa nhập cộng đồng. Ngày nhận bài: 1/1/2016. Ngày nhận đăng: 5/5/2016 Liên hệ: Nguyễn Bá Đạt, e-mail: datnb@ussh.edu.vn 169
  2. Nguyễn Bá Đạt 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Một số vấn đề sức khỏe tâm thần cản trở nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng Tái hòa nhập cộng đồng là sự trở về và hòa nhập với cộng đồng nơi cá nhân đã sinh sống cùng trong một thời gian dài trước khi ra đi. Đối với nạn nhân bị mua bán, tái hòa nhập cộng đồng là sự trở về, thích ứng và hội nhập trở lại với môi trường văn hóa, xã hội của cộng đồng nơi họ sinh ra và lớn lên hoặc nơi họ đã từng sinh sống trong một thời gian khá dài trước khi rơi vào tình trạng bị mua bán. Giai đoạn tái hòa nhập diễn ra từ 3 – 6 tháng, cũng có thể kéo dài từ 1-2 năm. Tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân bị mua bán phụ thuộc vào chính năng lực và những vấn đề của nạn nhân đang phải đối mặt và sự giúp đỡ của cộng đồng, các tổ chức xã hội, chính quyền cơ sở và gia đình. Những vấn đề sức khỏe tâm thần dưới đây là các vấn đề cá nhân cản trở sự tái hoàm nhập cộng cộng của nạn nhân. Trạng thái nhiễu tâm: nạn nhân không quan tâm nhiều đến những vấn đề cá nhân như tình trạng sức khỏe, bệnh tật, hành vi ứng xử đúng mực với những người xung quanh, cảm xúc cùn mòn hoặc dễ thay đổi cảm xúc biểu hiện rõ nhất là trạng thái buồn, vui lẫn lộn, dễ nổi cáu, không thể diễn đạt thành lời những cảm giác của chính bản thân. Thu mình, né tránh các hoạt động xã hội: nạn nhân có xu hướng tách mình ra khỏi các mối quan hệ liên cá nhân, không cảm thấy vui và có sự say mê trong cuộc sống hàng ngày, miễn cưỡng khẳng định bản thân hoặc thừa nhận các vai trò xã hội, thu động và nhút nhát trong các hoạt động của gia đình, cộng đồng và xã hội. Kém thích ứng xã hội: nạn nhân khó thích ghi với những thay đổi từ môi trường xã hội nơi nạn nhân sinh sống trước khi rơi vào tình trạng bị mua bán và những thay đổi ở người thân. Nạn nhân cũng tỏ ra thiếu sự kiên nhẫn, chịu đựng, hiểu và chấp nhận những quan điểm trái chiều hay các kiểu sống khác. Sự kém thích ứng xã hội như vậy dẫn đến nạn nhân có xu hướng rời khỏi quê hương, gia đình và tìm kiếm một môi trường sống mới. Rối loạn hành vi ứng xử: do cảm xúc của nạn nhân hay thay đổi dẫn đến bạn bè và người thân trong gia đình gặp nhiều khó khăn trong việc ứng xử với nạn nhân. Nạn nhân thường có hành vi ứng xử thiếu lịch sự, hờ hững, thờ ơ, thiếu nhiệt tình làm cho bạn bè và người thân xa lánh, làm hạn chế sự cảm thông từ phía bạn bè và gia đình, cộng đồng. Nạn nhân thiếu tôn trọng những quy tắc xã hội dẫn đến rắc rối với những người xung quanh. Mặc cảm tội lỗi và xấu hổ: nạn nhân cho rằng bản thân rơi vào tình trạng bị bán là do lỗi của chính bản thân mình, nhất là đối với những thiếu nữ bị coi là hư, không nghe lời cha mẹ. Nạn nhân cảm thấy xấu hổ khi mọi người biết chuyện. Nạn nhân sợ làm mất thể diện cho gia đình, cũng có khi nạn nhân cảm thấy tủi hổ đến mức không biết nói ra với ai về tình trạng bị bóc lột tình dục do những kẻ mua bán người gây ra. Bị xã hội kì thị và kì thị chính bản thân: đến nay cộng đồng vẫn còn thiếu thông tin về tình trạng mua bán người, bằng chứng là nhiều người dân cho rằng nạn nhân của mua bán người là những phụ nữ lười lao động, muốn có tiền nhưng ngại lao động vất vả, nhẹ dạ, cả tin. Do vậy, khi nạn nhân trở về, cộng đồng có cái nhìn thiếu thiện cảm với họ, kì thị và gán cho họ những biệt hiệu không mấy tính cực. Không chỉ cộng đồng có thái độ kì thị với nạn nhân của mua bán người khi họ trở về, nạn nhân cũng có thái độ tự kì thị với chính bản thân mình. Thái độ này xuất phát từ cảm giác vô giá trị. Nạn nhân cho rằng, bản thân chẳng còn gì mà để yêu quý, họ tự xỉ vả, mắng nhiếc, ghét bỏ chính bản thân mình. Họ có những kiểu suy nghĩ hết sức tiêu cực như “Bản thân mình chẳng còn gì để mà mất”. 170
  3. Tham vấn tâm lí cho nạn nhân bị mua bán trong quá trình nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng Sơ đồ 1. Diễn biến tâm lí của nạn nhân bị mua bán khi trở về Các hành vi nguy cơ ở nạn nhân của mua bán người khi trở về cộng đồng. Sau khi trở về gia đình, cộng đồng được một thời gian, nạn nhân gặp khó khăn trong việc thích ứng với cuộc sống, không tiếp cận được các dịch vụ trợ giúp của các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương, nguy cơ lớn nhất đối với nạn nhân của mua bán người đó là họ rời khỏi gia đình và cộng đồng; nguy cơ thứ hai họ có thể trở thành đối tượng tiếp tay cho mạng lưới mua bán người bởi khi họ rời khỏi gia đình và cộng đồng họ thường lôi kéo và rủ rê thêm một hai phụ nữ đi cùng. 2.2. Tham vấn tâm lí cho nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng Tham vấn cho nạn nhân của mua bán người tại cộng đồng giúp họ loại bỏ những vấn đề sức khỏe tâm thần cản trở họ tái hòa nhập cộng đồng. Công tác này có thể diễn ra theo các hình thức dưới đây. Tuy nhiên, tùy vào từng giai đoạn của quá trình trở về, mức độ khủng hoảng tâm lí, các vấn đề sức khỏe tâm thần của nạn nhân, các hình thức tham vấn tâm lí được thực hiện một cách linh hoạt và phù hợp với mỗi nạn nhân. Tham vấn khủng hoảng là một dạng hỗ trợ tâm lí ngắn hạn trong tình huống khẩn cấp. Trong tình huống như vậy, cá nhân vừa trải qua hay chứng kiến một loạt các sự kiện có thể dẫn đến tử vong hoặc chấn thương nghiêm trọng, phản ứng của cá nhân lúc đó là sự kinh hoàng và bất lực. Trong tình huống như vậy, tham vấn khủng hoảng được thực hiện giúp cá nhân giảm bớt sự hoảng sợ và đau khổ. Trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, tham vấn khủng hoảng thường được tổ chức thực hiện khi giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về hoặc khi nạn nhân được đưa về gia đình, các cán bộ cộng tác viên làm công tác tham vấn có thể tiếp cận và làm tham vấn khủng hoảng cho nạn nhân. Nâng đỡ, kèm cặp về mặt tâm lí là một hình thức trợ giúp tâm lí diễn ra trong một thời gian dài. Nhà tâm lí hoặc cán bộ xã hội, cán bộ quản lí ca thỉnh thoảng gặp gỡ, lắng nghe thân chủ, giúp thân chủ giảm bớt những lo lắng, buồn chán, đau khổ, xung đột nội tâm gây ra sự phiền toái trong cuộc sống hàng ngày của thân chủ. Với ý nghĩa như vậy, trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng, sự nâng đỡ, kèm cặp về mặt tâm lí là rất cần thiết và đặc biệt quan trọng. Công việc này do cán bộ cộng tác viên tại cộng đồng thực hiện bởi họ có điều kiện gặp gỡ nạn nhân thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Tham vấn tâm lí là một quá trình tương tác giữa nhà tham vấn hoặc cán bộ xã hội và thân chủ đang nhận sự hỗ trợ, giúp thân chủ hiểu, tìm thấy và phát huy tiềm năng của bản thân để giải quyết vấn đề khó khăn đang gặp phải trong cuộc sống. Tham vấn tâm lí cho nạn nhân bị mua bán 171
  4. Nguyễn Bá Đạt tại cộng đồng có thể được chia ra thành các giai đoạn khác nhau: giai đoạn thứ nhất, sau khi nạn nhân được giải cứu, trở về gia đình, tham vấn giúp họ kiểm soát và loại bỏ các cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực (bi quan, buồn chán, sợ hãi, thất vọng. . . ); giai đoạn thứ hai, sau khi nạn nhân trở về được một thời gian, tham vấn giúp họ hiểu rõ bản thân và hoàn cảnh hiện tại, giúp nạn nhân đưa ra và thực hiện những quyết định tích cực, phòng ngừa những hành vi nguy cơ cao như rời khỏi gia đình và cộng đồng, quan hệ tình dục bừa bãi; giai đoạn thứ ba, tham vấn nâng cao năng lực đương đầu, ứng phó với những vấn đề trong cuộc sống cá nhân và xã hội cho nạn nhân. Trị liệu tâm lí là một quá trình tương tác có ý thức và có kế hoạch nhằm giảm bớt và đi đến loại bỏ những cảm xúc, nhận thức và hành vi kém thích nghi, được thực hiện trên cơ sở đồng thuận giữa nạn nhân và nhà trị liệu. Khi nạn nhân trở về được một thời gian có biểu hiện rỗi loạn tâm thần: hội chứng stress sau sang chấn, trầm cảm kèm theo dấu hiệu loạn thần và có ý tưởng tự sát hoặc có biểu hiện rối loạn nhân cách, nạn nhân cần được chăm sóc chữa trị về mặt y tế, kèm theo trị liệu tâm. Công tác tham vấn hoặc trị liệu cho nạn nhân cần phải kết nối với các nhà tham vấn và trị liệu chuyên nghiệp để cung cấp dịch vụ này cho nạn nhân. Các hình thức hỗ trợ tâm lí trên đây có thể được thực hiện dưới hình thức tham vấn cá nhân, nhóm hoặc gia đình. Tham vấn cá nhân nhằm phá vỡ sự im lặng của nạn nhân về tình trạng bị bóc lột tình dục, sức lao động, ngược đãi, giải tỏa mặc cảm tội lỗi, nâng cao năng lực nhận thức bản thân, tạo ra môi trường an toàn, thay đổi những điều huyễn tưởng về hoàn cảnh của bản thân ở nạn nhân. Một số liệu pháp tâm lí được các nhà tham vấn – trị liệu sử dụng trong can thiệp cá nhân cho nạn nhân bị mua bán: liệu pháp ghi thức, liệu pháp tưởng tượng, phương thức kiểm soát cơn tức giận, khám phá ranh giới trong các mối quan hệ, nhận diện các hình thức bạo lực, phòng ngừa hành vi bạo lực cho nạn nhân. Khác với tham vấn cá nhân, tham vấn nhóm phù hợp hơn với những nạn nhân bị khủng hoảng tâm lí ở mức độ nhẹ và trung bình. Tham vấn nhóm đáp ứng nhu cầu học tập, khẳng định và bộc lộ cái tôi giúp nạn nhân củng cố niềm tin vào bản thân. Với những ưu điểm như vậy, giúp nạn nhân phát triển năng lực giải quyết vấn đề, giao tiếp, khám phá thế giới xung quanh. Tham vấn nhóm có thể cho phép nạn nhân phân biệt được những điều xảy ra trong cuộc sống và những điều do nạn nhân huyễn tưởng ra. Nạn nhân xóa bỏ mọi mặc cảm tội lỗi liên quan đến tình trạng bị mua bán của mình trong quá khứ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tham vấn không chỉ tập trung vào nạn nhân, cần tác động đến cha mẹ và cộng đồng, như vậy mới có hiệu quả bền vững. Các chiến lược phòng ngừa và can thiệp mua bán người: (1) phát động các chiến dịch truyền thông giúp các gia đình có nạn nhân bị mua bán và cộng đồng hiểu rõ những tác động tiêu cực của tình trạng mua bán người đối với nạn nhân; (2) giám sát các gia đình có nạn nhân bị mua bán, liệu nạn nhân có phải chịu đựng các hành vi bạo lực gia đình hay không; (3) nâng cao nhận thức của cộng động về mua bán người và những sang chấn tâm lí ở nạn nhân. 2.3. Những vấn đề đặt ra trong công tác tham vấn tâm lí cho nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng Nhân viên công tác xã hội ở tuyến xã, phường đóng vai trò quan trọng trong công tác tham vấn cho nạn nhân bị mua bán trong quá trình họ tái hòa nhập cộng đồng. Nhân viên công tác xã hội có thể chủ động đến gặp, hỗ trợ nạn nhân, cũng có khi nạn nhân đến gặp nhân viên công tác xã hội để nhận được sự trợ giúp. Trong quá trình tham vấn cho nạn nhân những vấn đề như xây dựng mối quan hệ hợp tác, thiết lập mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ; đào tạo – trao đổi kinh nghiệm và áp dụng hình thức tham vấn nhóm cho các nhóm tự lực là những vấn đề thiết yếu giúp cho công 172
  5. Tham vấn tâm lí cho nạn nhân bị mua bán trong quá trình nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng tác tham vấn có hiệu quả. 2.3.1. Xây dựng mối quan hệ hợp tác trong tham vấn cho nạn nhân Nạn nhân bị mua bán cho rằng, họ chỉ bị suy nhược cơ thể. Những phản ứng như trầm buồn, tức giận, không kiểm soát được sự lo âu, hốt hoảng là hậu quả của những bệnh thực thể gây ra. Và họ nghĩ rằng chỉ cần chữa trị về mặt y tế không cần đến tham vấn – trị liệu tâm lí. Với những nạn nhân như vậy, nhân viên công tác xã hội, chuyên viên tham vấn giúp nạn nhân hiểu rõ mối quan hệ giữa các sự kiện sang chấn tâm lí xảy ra trong tình trạng bị mua bán và các phản ứng tâm lí ở thời điểm hiện tại. Nhân viên công tác xã hội cần khẳng định với nạn nhân rằng, những phản ứng đó là rất bình thường, luôn quan sát thấy ở những người trải qua sang chấn tâm lí. Nạn nhân im lặng không nói và thể hiện thái độ. Sự im lặng của nạn nhân xuất phát từ các nguyên nhân sau: sợ bị lộ chuyện, không có gì để nói, đầu óc trống rỗng, không tìm thầy những từ ngữ thích hợp để bày tỏ đời sống nội tâm, nghi ngờ sự giúp đỡ của nhân viên công tác xã hội. Trong trường hợp nạn nhân im lặng, cán bộ tham vấn có thể nói về nguyên tắc bảo mật thông tin, thể hiện sự thấu cảm và tâm thế sẵn sàng nói chuyện, giúp đỡ nạn nhân. Sự im lặng hay chưa hiểu đúng về tình trạng sức khỏe tâm thần của nạn nhân sẽ được giải quyết khi mối quan hệ hợp trong tham vấn cho nạn nhân được xây dựng. Mối quan hệ hợp tác là mối quan hệ được thiết lập giữa nhân viên công tác xã hội và nạn nhân bị mua bán, trong đó nhân viên công tác xã hội và nạn nhân làm việc cùng nhau một cách tích cực để giải quyết những vấn đề của nạn nhân. Mối quan hệ hợp tác nhấn mạnh đến sự tham gia tích cực, chủ động của nạn nhân trong quá trình tham vấn; diễn ra trong suốt quá trình tham vấn; sự kháng cự và chống đối giữa nhà tham vấn và nạn nhân ở mức thấp nhất và được kiểm soát. 2.3.2. Thiết lập mạng lưới cộng tác viên làm công tác tham vấn tâm lí – xã hội cho nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng Chúng ta nhận thấy rằng, việc hỗ trợ một nạn nhân bị mua bán trở về phải dựa vào cộng đồng, do đó vai trò của cộng tác viên rất là quan trọng. Có nhiều lí do tại sao cần có sự tham gia của cộng tác viên làm công tác tham vấn cho nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng: (1) cộng tác viên là người thường xuyên tiếp xúc với nạn nhân, do đó thuận lợi trong công tác chăm sóc, nâng đỡ về mặt tâm lí và giúp đỡ nạn nhân giải quyết những khó khăn trong cuộc cống; (2) trong hoàn cảnh hiện tại các nhà tham vấn chuyên nghiệp, bác sĩ tâm thần còn ít, do vậy không đủ sức bao phủ tất cả các tuyến, đặc biệt tại cộng đồng. 2.3.3. Công tác đào tạo nhân viên công tác xã hội làm tham vấn tâm lí cho nạn nhân bị mua bán Trong công tác đào tạo nhân viên công tác xã hội làm công tác tham vấn tâm lí cho nạn nhân bị mua bán, nhất thiết phải đào tạo lí thuyết đi đôi với thực hành. Phần lí thuyết cần đào tạo về thực trạng của mua bán người, các hình thức mua bán người, cơ chế của sự tổn thương tâm lí xã hội do các sự kiện sang chấn tâm lí gây ra, các rối loạn tâm lí điển hình của nạn nhân bị mua bán, quyền của con người liên quan đến nạn nhân bị mua bán, các nguyên tắc đạo đức khi tham vấn – hỗ trợ cho nạn nhân; các kĩ năng thực hành cần nhấn mạnh đến kĩ năng xây dựng mối quan hệ hợp tác, xây dựng lòng tin, kiểm soát cảm xúc tức giận, giải quyết vấn đề; tham vấn – trị liệu tâm lí cho nạn nhân. 2.3.4. Đưa hoạt động tham vấn nhóm vào chương trình hoạt động của các nhóm tự lực Báo cáo của IOM chỉ ra rằng, các nhóm tự lực ở Bắc Giang đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tái hòa nhập, do các buổi họp nhóm chính là cơ hội để nạn nhân gặp gỡ và chia sẻ kinh 173
  6. Nguyễn Bá Đạt nghiệm cũng như khó khăn và nhận được lời khuyên của những người đồng cảnh ngộ giúp họ khắc phụ trở ngại. Mô hình này có thể sử dụng làm mẫu cho các tỉnh khác. Tuy nhiên, nhóm tự lực cũng chưa tiếp cận được các nạn nhân trẻ, mới trở về, trong khi nhóm được xây dựng với mục đích tạo môi trường an toàn giúp đương đầu với những tổn thương về mặt tinh thần, cùng với những người đồng cảnh ngộ có khả năng thấu hiểu. Do đó, một số khía cạnh của mô hình nhóm tự lực chưa được thực hiện đầy đủ, vì đa số phụ nữ tham gia đã bị mua bán và trở về từ vài năm trước khi tham gia nhóm. Bên cạnh đó, do các vấn đề tâm lí xã hội, sức khỏe tâm thần gần như đã phục hồi tổn thương về tinh thần và chủ yếu quan tâm tới việc nâng cao thu nhập hơn là thảo luận về những trải nghiệm liên quan đến mua bán người (David Trees and al, 2012 [1]). Khi mô hình xây dựng nhóm tự lực được áp dụng rộng rãi ở các địa phương, cần đưa hoạt động tham vấn nhóm trở thành nội dung sinh hoạt chính trong giai đoạn mới thành lập, bởi những vấn đề tâm lí - xã hội, sự tổn thương tâm lí thần ở nạn nhân chưa được hồi phục, đặc biệt đối với những nạn nhân còn trẻ tuổi, mới trở về cộng đồng. 3. Kết luận Tham vấn tâm lí giúp nạn nhân bị mua bán: (1) thuyên giảm các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng cản trở quá trình tái hòa nhập cộng đồng; (2) nâng cao năng lực thích ứng, giải quyết vấn đề trong cuộc sống; (3) học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Công tác tham vấn diễn ra một cách linh hoạt với các hình thức như tham vấn cá nhân, tham vấn nhóm và tham vấn gia đình. Nhân viên công tác xã hội hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng nhất thiết phải được đào tạo để hiểu các vấn đề sức khỏe tâm thần của nạn nhân và có kĩ năng thực hành tham vấn. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] David Trees, Vũ Phạm Thị Nguyên Thanh, Trần Ban Hùng, 2012. Báo cáo đánh giá các mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về ở Việt Nam. Cơ quan công bố: IOM. [2] Commit, 2012. Tái hòa nhập nhìn từ quan điểm của các cơ sở hỗ trợ nạn nhân về những thành công & thách thức trong quá trình (tái) hòa nhập cộng đồng của nạn nhân bị buôn bán trong khu vực Tiểu vùng sông Mê-Công mở rộng. [3] Nations Unies, 2010. Traite des femmes et des filles Rapport du Secrétaire général. http://www.ohchr.org/FR/Pages/WelcomePage.aspx. [4] Nations Unies, 2012. Traite des femmes et des filles Rapport du Secrétaire général. http://www.ohchr.org/FR/Pages/WelcomePage.aspx. ABSTRACT Psychological counseling for victims of human trafficking during reintegration into the community Victims of human trafficking have experienced multiple forms of violence and maltreatment from traffickers And they suffer from enduring trauma and illnesses. They are in need for counseling and treatment for psychological wounds. Counseling may be provided to individuals, groups or as a family service. Depending on the stage of return and level of psychological crises and the victim’s mental health problems, counseling must be flexible and suit the needs of each victim. Keywords: Human trafficking, mental health, counseling 174
nguon tai.lieu . vn