Xem mẫu

  1. THAM GIA TPP: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI NGÀNH LOGISTICS VIỆT NAM TS. Nguyễn Thái Sơn Trường Đại học Hải Phòng Tóm tắt Tham gia TPP tạo ra triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam. Với sự cắt giảm ngay lập tức 18.000 dòng thuế (tương đương 90% số dòng thuế) về 0%, số còn lại sẽ cắt giảm về 0% trong 10 năm sẽ tạo ra sự bùng nổ giao dịch thương mại và di chuyển đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác trong TPP. Sự gia tăng về di chuyển hàng hoá cùng các yếu tố đầu vào sản xuất sẽ tạo cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ ngành logistics. Song thực trạng các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn hạn chế về năng lực và quy mô, phải đối diện với rất nhiều thách thức cần vượt qua để có thể tận dụng cơ hội vàng từ TPP. Bài viết đánh giá những cơ hội, thách thức này và đề xuất một số giải pháp cho Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp logistics trong bối cảnh gia nhập TPP… 1. Đặt vấn đề Việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP) đã mang lại những kỳ vọng về phát triển kinh tế đối với Việt Nam cũng như các nước đối tác. TPP là một thoả thuận thương mại tự do đa phương với mục đích hội nhập kinh tế các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, các rào cản thương mại giữa các quốc gia sẽ bị xoá bỏ, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy lưu thông hàng hoá giữa các nước thành viên, với kỳ vọng sẽ thay đổi được 40% sản lượng kinh tế toàn cầu trong các lĩnh vực thương mại, môi trường, văn hoá và chuẩn mực đạo đức kinh doanh. Sự di chuyển tự do về hàng hoá và đầu tư sẽ mở ra những triển vọng phát triển mạnh mẽ cho logistics. Tuy nhiên, rất nhiều khó khăn đặt ra cho ngành logistics Việt Nam để có thể đón nhận được những cơ hội đó từ TPP. Bài nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá đúng về những cơ hội và thách thức mà ngành logistics phải đối mặt sau khi TPP được các nước thành viên thông qua. Bài viết được kết cấu thành các phần: giới thiệu về TPP và kỳ vọng phát triển kinh tế Việt Nam; thảo luận về những cơ hội và thách thức từ TPP đối 533
  2. với ngành logistics Việt Nam; từ đó, đề xuất một số hàm ý chính sách cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp logistics Việt Nam. 2. TPP và kỳ vọng phát triển kinh tế Việt Nam Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans- Pacific Partnership - TPP) là một thoả thuận/hiệp định thương mại tự do có nguồn gốc từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được ký kết năm 2005 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand và Brunei (P4). Từ năm 2008, các đối tác mới lần lượt tham gia và cùng đàm phán một FTA hoàn toàn mới, đưa tổng số thành viên lên 12 nước. Trong đó có 4 nước ASEAN là Việt Nam, Singapore, Brunei và Malaysia; 3 nước G7 là Mỹ, Canada và Nhật Bản; 2 nước Châu Đại Dương là Australia và New Zealand; 3 nước Trung - Nam Mỹ là Mexico, Peru và Chile. Trải qua 20 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên giữa kỳ, vào ngày 5/10/2015, việc đàm phán đã chính thức kết thúc, Bộ trưởng Thương mại của 12 nước thành viên đã ra tuyên bố chung về việc đã đạt được thoả thuận về TPP, mà theo đó, “sẽ tạo ra công ăn việc làm, tạo động lực tăng trưởng bền vững, phát triển toàn diện và thúc đẩy sáng tạo trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương” (Trung tâm WTO, 2015). TPP được hình thành với mục đích tạo ra một hình mẫu khuôn khổ hợp tác của thế kỷ XXI, thiết lập những chuẩn mực mới cho thương mại thế giới và kết hợp những vấn đề nảy sinh trong tương lai nhằm tăng cường sức cạnh tranh của các nước thành viên TPP trong nền kinh tế toàn cầu. TPP sẽ thiết lập vùng tự do kinh tế giữa các quốc gia thành viên với tiêu chuẩn cao hơn cơ chế của WTO thông qua việc mở cửa thị trường hàng hoá và dịch vụ, xoá bỏ thuế quan, dỡ bỏ rào cản thương mại, tạo cú hích phát triển mới ở từng nền kinh tế tham gia lẫn toàn bộ các mối quan hệ hợp tác giữa các nước. Việc hình thành TPP sẽ tạo ra một liên kết kinh tế với quy mô dân số khoảng 800 triệu người, chiếm 40% GDP và 26% giá trị thương mại toàn cầu. TPP sẽ trở thành một đối trọng lớn với các khu vực kinh tế khác, đặc biệt là đối với Liên minh châu Âu (EU). Do vậy, TPP có vai trò thúc đẩy các dòng chảy về thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, xác lập luật lệ cho thương mại và đầu tư trong thế kỷ XXI, tạo ra những chuyển biến lớn về kinh tế, thương mại và pháp lý tại các nước thành viên. TPP được coi là một FTA thế hệ mới, mang tính bước ngoặt của thế kỷ XXI với các đặc điểm: - Tiếp cận thị trường một cách toàn diện; - Tiếp cận mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết; 534
  3. - Giải quyết các thách thức mới đối với thương mại; - Bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại; - Nền tảng cho hội nhập khu vực. TPP được đánh giá là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, trên cơ sở cân bằng lợi ích và lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau của các nước thành viên. Hiệp định TPP bao gồm 30 chương điều chỉnh quan hệ thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại: các vấn đề truyền thống như thương mại hàng hoá, dịch vụ, đầu tư; các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho chuỗi cung ứng, doanh nghiệp nhà nước, lao động, môi trường… Khi TPP có hiệu lực, 90% số dòng thuế sẽ giảm về 0% ngay lập tức, 10% còn lại sẽ giảm dần về 0% trong lộ trình không quá 10 năm. Hơn nữa là các cam kết sâu bao gồm 22 lĩnh vực, nới lỏng đầu tư quốc tế và dòng chảy tự do của các nguồn lực, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, chất lượng cao cùng những chuỗi cung ứng mới trên phạm vị rộng lớn, mang lại lợi ích cho các nước tham gia. Với nhiều thoả thuận được coi là lớn nhất, tham vọng nhất đến nay, dựa trên những tiêu chuẩn rất cao cả về thương mại, kỹ thuật, IP (sở hữu trí tuệ), môi trường, lao động, tài chính - tiền tệ... Nhờ đó, TPP giúp hỗ trợ việc làm, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, phát triển toàn diện và đổi mới trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, mang lại cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm và định hình tương lai cả nền thương mại toàn cầu của thể kỷ XXI (Nguyễn Minh Phong, 2015). Đối với Việt Nam, TPP được coi là một sự kiện lịch sử đặc biệt sau WTO. Là một nước có nền kinh tế kém phát triển nhất trong TPP, Việt Nam được đánh giá là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Những lý thuyết về thương mại quốc tế và các đánh giá quốc tế hiện tại đều cho rằng Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích nhất trong khu vực. Theo Eurasia Group, TPP giúp GDP Việt Nam tăng 11% vào năm 2015, xuất khẩu tăng 28% (Vneconomy, 2015a). World Bank cũng cho rằng, Việt Nam có những lợi thế mà không nước nào có được từ TPP, theo đó, có thể sẽ bổ sung thêm 8% GDP, 17% giá trị xuất khẩu thực tế, và 12% lượng tích lũy tài sản cho Việt Nam trong vòng 20 năm tới (Vneconomy, 2015b). Cũng theo các đánh giá của các chuyên gia quốc tế, GDP năm 2025 có thể tăng thêm 35,7 tỷ USD, xuất khẩu có thể tăng thêm 68 tỷ USD. Với tổng kim ngạch xuất khẩu vào các nước TPP đạt 58,41 tỷ USD năm 2014, xuất siêu vào 7/11 thị trường của TPP, việc giảm thuế xuống 0% sẽ tạo một cú hích mạnh mẽ cho xuất khẩu của Việt Nam (Báo điện tử Nhân dân, 2015). TPP giúp Việt Nam cân bằng được quan 535
  4. hệ thương mại với các thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. TPP tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường tiêu dùng rộng lớn là Mỹ, Canada và Nhật Bản với mức thuế nhập khẩu 0%. Đồng thời, TPP giúp cho Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới, gia tăng thu hút các luồng đầu tư nước ngoài, kể cả trực tiếp và gián tiếp. Một lợi ích nữa phải kể đến là với các cam kết sâu, rộng trong TPP, nền kinh tế Việt Nam sẽ buộc phải phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế. Các ngành của Việt Nam có thể được hưởng những lợi ích trực tiếp, tích cực từ TPP như dệt may, da giày, thuỷ sản, gỗ… do được miễn giảm thuế đáng kể, với điều kiện đảm bảo được quy tắc xuất xứ. Các khu công nghiệp nằm gần cảng biển, sân bay, có cơ sở hạ tầng phát triển sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, kể cả trong và ngoài TPP. Các ngành vận tải, cảng biển logistics sẽ phát triển mạnh mẽ do nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá tăng cao giữa khu vực châu Á và Bắc Mỹ. 3. Cơ hội và thách thức từ TPP đối với ngành Logistics Việt Nam 3.1. Thực trạng ngành Logistics Việt Nam Logistics là quá trình lập kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hoá hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu, vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ. Nó là hoạt động tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các giấy tờ thủ tục khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá. Hoạt động của quản trị logistics cơ bản bao gồm quản trị vận tải hàng hoá xuất và nhập, quản lý đội phương tiện vận tải, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, thiết kế mạng lưới logistics, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu, quản trị nhà cung cấp dịch vụ thứ ba. Tuỳ theo mức độ thực hiện mà các hoạt động logistics được chia thành các loại hình sau: - 1PL (First party logistics hay logistics tự cấp): Là đơn vị sở hữu hàng hóa (có thể là gửi hàng hoặc người nhận hàng) tự tổ chức các hoạt động logistics để đáp ứng nhu cầu bản thân. - 2PL (Second party logistics hay cung cấp logistics bên thứ hai): Là đơn vị cung cấp dịch vận chuyển đơn lẻ trong chuỗi hoạt động logistics. 536
  5. - 3PL (Third party logistics hay cung cấp logistics bên thứ ba): Một công ty cung cấp giải pháp tổng thể về logistics cho khách hàng, họ co thế đảm nhận một số phần hay toàn bộ các công đoạn của chuỗi cung ứng. - 4PL (Fouth Party Logistics hay cung cấp logistics bên thứ tư): Công ty 4PL chỉ tập trung vào một đối tượng (có thể là nhà cung ứng hoặc nhà vận chuyển) để cung cấp hợp đồng dài hạn. Công ty 4PL được xem là “đối tác chiến lược”, mang lại nhiều giá trị cho các bên và cho toàn chuỗi cung ứng. - 5PL (Fifth Party Logistics hay cung cấp logistics bên thứ 5): Là loại dịch vụ thị trường thương mại điện tử, bao gồm các 3PL và 4PL. 5PL quản lý tất cả các công việc từ tương tác với các nhà cung cấp, kiểm tra tình trạng hàng tồn kho đến theo dõi các lô hàng vận chuyển bằng các công nghệ thích hợp. Logistics là một ngành đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành vận tải và logistics với bờ biển dài 3.200km, nằm ở vị trí chiến lược, trung tâm của Đông Nam Á. Theo báo cáo của World Bank, Việt Nam có chỉ số đánh giá phát triển logistics LPI (Logistics Performance Index) ở mức trung bình khá, năm 2014 xếp hạng 48/160 nền kinh tế (World Bank, 2015). Theo thống kê của Hiệp hội logistics Việt Nam (VLA), hiện có khoảng trên 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, khoảng 25 doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm 80% thị phần. Hơn 1.200 doanh nghiệp logistics nội địa chỉ chiếm khoảng 20% thị phần (Vietnam Logistics, 2015). Các doanh nghiệp logistics Việt Nam được hình thành từ các công ty vận tải hoặc giao nhận, có tuổi nghề còn non trẻ, năng lực tài chính, nhân sự và công nghệ đều yếu. Do vậy, các doanh nghiệp logistics trong nước phần lớn chỉ hoạt động trong một vài khâu đoạn của ngành như giao nhận hàng hoá, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ… Chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện logistics 2PL và làm đại lý cấp 2, cấp 3 cho các công ty toàn cầu. Chi phí logistics ở Việt Nam hiện cao gấp 2 - 3 lần so với thế giới, chiếm khoảng 21 - 25% GDP, tương đương 37 - 30 tỷ USD. Trong khi đó, với tiềm lực tài chính, công nghệ, nhân sự và mạng lưới toàn cầu, các công ty logistics FDI chiếm 30-35 tỷ doanh thu của ngành (CafeF, 2015). Hiện nay, chỉ có một số ít doanh nghiệp logistics Việt Nam có truyền thống, đã đầu tư hàng trăm tỷ để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, sẵn sàng cho cung cấp dịch vụ logistics 3PL như Gemadept, Transimex Sài gòn, Vinafco, Safi… 537
  6. 3.2. Các cơ hội, lợi ích đối với Logistics Việt Nam từ TPP Việt Nam đã hoàn tất đàm phán và ký kết một loạt các hiệp định quan trọng trong năm 2015, mà nổi bật là ký kết thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và kết thúc đàm phán TPP. Đây là những tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế Việt Nam, gia tăng lượng hàng hoá xuất nhập khẩu và tạo thị trường cho ngành logistics. Khác với AEC, các nước thành viên TPP ít có điểm tương đồng và cạnh tranh với Việt Nam. 3 trong số các quốc gia TPP là Mỹ, Canada, Nhật Bản là những nước nhập khẩu nhiều hàng hoá của Việt Nam. Do vậy, TPP sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho ngành logistics Việt Nam. Trước hết, việc gỡ bỏ 18.000 dòng thuế về 0% ngay lập tức cùng với những cam kết gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hoá giữa các quốc gia. Gia tăng thương mại quốc tế là cơ hội để mở rộng thị trường, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực. Dù với kịch bản nào, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hay “công xưởng gia công” hay là thị trường tiêu thụ, thì lượng hàng hoá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước TPP sẽ đều gia tăng. Việc thực hiện quy tắc xuất xứ theo phương thức “cộng dồn” sẽ xuất hiện nhiều luồng di chuyển về nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm từ các nước TPP và Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để logistics Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường logistics rộng lớn hơn. Cùng với gia tăng thương mại là sự vận động mạnh mẽ của các luồng đầu tư sản xuất đến Việt Nam từ các nước TPP và các nhà đầu tư ngoại khối nhằm hưởng lợi từ TPP. Hoạt động này cũng thúc đẩy di chuyển các nguồn lực sản xuất, trong đó có máy móc, thiết bị và nguyên liệu, mở thêm cơ hội lớn cho vận tải và logistics. Thứ hai, với triển vọng phát triển logistics như trên, cùng mức đánh giá tốc độ tăng trưởng của ngành logistics khá cao, ở mức 20%/năm và được dự báo sẽ duy trì được trong 5 - 10 năm tiếp theo (VCCI-HCM, 2015), sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực logistics. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước có cơ hội kêu gọi thêm nguồn đầu tư từ nước ngoài hoặc triển khai hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Với xu hướng M&A hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng mua lại một doanh nghiệp trong nước, nắm giữ cổ phần chi phối rồi tái cấu trúc lại hoạt động của doanh nghiệp để tránh các thủ tục đầu tư hoặc rào cản về sở hữu nước ngoài. Đồng thời, sự tham gia của các doanh nghiệp logistics quốc tế sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như cải thiện chỉ số LPI quốc gia. 538
  7. Thứ ba, trước sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp FDI, những đối thủ hơn hẳn về năng lực tài chính, công nghệ, nhân lực, năng lực quản lý và mạng lưới toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải tự đổi mới, liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến về công nghệ và quy trình, chất lượng phục vụ. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động cho ngành logistics. Thứ tư, sự sôi động của thi trường xuất nhập khẩu, có đà tăng trưởng 8- 10%/năm, sẽ tạo ra nhiều nhu cầu về dịch vụ logistics ở tất cả các khâu đoạn. Cơ hội tham gia của doanh nghiệp Việt vào cấp độ 3PL, 4PL sẽ nhiều hơn, tạo ra khí thế và động lực cho doanh nghiệp nội địa đầu tư sâu, rộng hơn vào cung cấp các dịch vụ gia tăng trong logistics. Thương mại điện tử là một nội dung được đàm phán trong TPP để tăng cường các hoạt động trong lĩnh vực này. Đây là tiền đề quan trọng để triển khai logistics ở cấp độ 5PL với sự vận hành hài hoà 3 hệ thống: Hệ thống quản lý đơn hàng (OMS), Hệ thống quản lý kho hàng (WMS) và Hệ thống quản lý vận tải (TMS). Thứ năm, sức ép từ TPP sẽ thúc đẩy kiện toàn, cải thiện hơn nữa bộ máy quản lý nhà nước và hệ thống cơ chế chính sách quản lý xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, giao nhận và logistics. Các nỗ lực và giải pháp cải cách hành chính như Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, Hệ thống E-manifest, Cơ chế một cửa quốc gia VNSW (với sự tham gia của 6 Bộ: Tài chính, Giao thông Vận tải, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Tài nguyên - Môi trường) đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành logistics. Việc giảm thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, hoàn thiện khung pháp lý cho ngành và chuẩn hóa quy trình dịch vụ, hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hay việc cải thiện, mở rộng cơ sở hạ tầng, quy hoạch hệ thống kho bãi, cảng biển, sân bay, cũng như các phương tiện vận tải,… sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics phát triển. 3.3. Các thách thức đối với Logistics Việt Nam từ TPP TPP mở ra nhiều cơ hội lớn cho phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và ngành logistics nói riêng. Tuy nhiên, các cơ hội không tự đến mà phải do sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp Việt Nam với sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước. Để tận dụng được các cơ hội, thu nhận các lợi ích từ TPP thì logistics Việt Nam phải đối diện và tìm cách vượt qua rất nhiều thách thức. Thách thức về tự do cạnh tranh: Tự do thương mại trong TPP và các FTA mang đến cơ hội tiếp cận thị trường mới, nhưng đồng thời với đó là mở cửa thị 539
  8. trường nội địa. Do vậy, các doanh nghiệp nội chịu sức ép cạnh tranh từ những doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các hãng logistics toàn cầu, luôn hơn hẳn về năng lực tài chính, công nghệ, chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp logistics của Việt Nam hầu hết có quy mô nhỏ. Trừ một số doanh nghiệp được hình thành từ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước có số vốn cỡ vừa như Gemadept (433 tỷ), Vietfracht (150 tỷ), Viconship (80 tỷ), Vinatrans (60 tỷ)… còn lại đều có quy mô nhỏ cả về vốn và nhân sự. Năng lực tài chính yếu khiến cho các doanh nghiệp Việt không thể tạo cho mình một hạ tầng logistics tốt, không xây dựng được mạng lưới hoạt động ở nước ngoài. Các doanh nghiệp này chỉ có thể cung cấp các dịch vụ cơ bản, ít giá trị gia tăng. Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất FDI có tính “dân tộc” cao, thường lựa chọn sử dụng dịch vụ vận tải và logistics từ các công ty dịch vụ có vốn từ nước của họ. Do vậy, mức độ cạnh tranh để giành những hợp đồng lớn càng trở nên gay gắt hơn. Thách thức về chất lượng dịch vụ: Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa cung cấp được dịch vụ logistics hoàn chỉnh theo đúng nghĩa của nó. Đa phần chỉ đảm nhận vai trò vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài, thực hiện các nghiệp vụ đơn lẻ khai báo hải quan, cho thuê phương tiện vận tải nội địa, kho bãi, mua bán cước phí… Những dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao như đóng gói, quản lý đơn hàng, thay mặt chủ hàng thực hiện các nghĩa vụ với bên thứ ba…, đặc biệt là dịch vụ logistics trọn gói “door to door” chưa được quan tâm. Hoạt động logistics chưa tạo thành một chuỗi liên tục trong chuỗi cung ứng. Thách thức về ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử: Trong hoạt động giao nhận vận tải, việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch và quản trị là một yếu tố quan trọng, đánh giá độ tin cậy và năng lực của doanh nghiệp logistics. Các doanh nghiệp Việt Nam thường quản lý thủ công, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới đang hoạt động ở Việt Nam như APLL, Maesk Logistics sử dụng những ứng dụng chuyên dụng để quản lý và cung cấp cho khách hàng khả năng nhìn thấy và kiểm soát đơn hàng (visibility) ở bất kỳ thời điểm nào. Mức độ ứng dụng thương mại điện tử (bao gồm cả trao đổi EDI và vận đơn điện tử, chứng từ điện tử…) của các doanh nghiệp Việt Nam yếu và thua kém so với các doanh nghiệp logistics nước ngoài, chưa có khả năng liên kết với các mạng lưới dịch vụ logistics khác. Do vậy, doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ có thể làm các dịch vụ đơn lẻ cho các doanh nghiệp logistics nước ngoài. 540
  9. Thách thức về nguồn nhân lực: Tại Việt Nam, hiện chưa có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp về logistics. Nguồn nhân lực của doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu là tự đào tạo theo kinh nghiệm thực tế, mức độ chuyên nghiệp còn kém. Khi thị trường bùng nổ, các doanh nghiệp logistics sẽ phải đối diện thêm với xu hướng thiếu hụt nhân lực giỏi do sức hút của các doanh nghiệp ngoại hoặc tự tách ra thành lập công ty riêng. Thách thức về cơ chế chính sách quản lý và hạ tầng logistics: Việc quản lý các hoạt động logistics không nhất quán, còn chồng chéo. Mỗi bộ quản lý một khâu đoạn như thuế và hải quan do Bộ Tài chính quản lý, vận tải và hạ tầng do Bộ Giao thông Vận tải, xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương phụ trách… Khung khổ pháp lý và thể chế chính sách cho hoạt động logistics còn nhiều bất cập. Hạ tầng cho vận tải và logistics còn nghèo nàn và thiếu đồng bộ, lạc hâu. Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS vẫn chưa đạt được hiệu suất mong muốn. Cơ chế một cửa quốc gia VNSW hiện mới chỉ có sự tham gia của 6 bộ. Cơ chế một cửa ASEAN - ASW mới chỉ kết nối kỹ thuật. Hệ thống vận đơn điện tử và sự kết nối với các chủ thể khác như ngân hàng, doanh nghiệp chưa được thiết lập. Môi trường cho hoạt động logistics còn ở mức độ trung bình. Chỉ số đánh giá phát triển logistics LPI mặc dù có sự thăng hạng từng năm, song vẫn chỉ ở tốp giữa của các nước được đánh giá. Hoạt động của các hiệp hội vẫn còn mang nhiều tính hình thức và ít sự ràng buộc đối với thành viên, mức độ liên kết giữa các thành viên chưa cao. 4. Một số gợi ý để phát triển ngành Logistics Việt Nam khi tham gia TPP Để tận dụng tốt những cơ hội và vượt qua những thách thức nêu trên từ TPP, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần phát huy tính chủ động, đổi mới tư duy và tăng cường năng lực cạnh tranh theo một số gợi ý, đề xuất sau: 4.1. Về phía Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước Hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động logistics. Xây dựng khung pháp lý thống nhất quản lý lĩnh vực này, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Thành lập cơ quan quản lý và điều hành logistics quốc gia để thống nhất điều phối hoạt động logistics của Việt Nam. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công, liên quan tới vận tải, giao nhận. Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thông 541
  10. quan tự động VNACCS/VCIS, hệ thống E-manifest và Cơ chế một cửa quốc gia VNSW để đẩy nhanh tốc độ giao dịch, rút ngắn thời gian thực hiện thông quan hàng hoá và phương tiện. Nghiên cứu xây dựng hệ thống vận đơn điện tử quốc gia theo mô hình e-B/L Korea của Hàn Quốc, kết nối hoạt động của các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ, người chuyên chở và ngân hàng. Hiện đại hoá hạ tầng vận tải và logistics. Có cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng 2030”. Có chiến lược thích hợp cải thiện chỉ số phát triển logistics LPI thông qua việc nâng cao các chỉ tiêu đánh giá của World Bank: Chất lượng cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại và vận tải; Hiệu quả của quá trình thông quan; Năng lực và chất lượng dịch vụ logistics; Khả năng lên kế hoạch và theo dõi các lô hàng; Đúng lịch của các lô hàng tới điểm đích; Mức độ dễ dàng khi thu xếp các chuyến hàng với giá cạnh tranh. Tăng cường hoạt động của các hiệp hội liên quan đến hoạt động vận tải, giao nhận và logistics để kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên trong hoạt động, đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ ngành logistics để có thể giảm được chi phí logistics xuống mức trung bình của thế giới. Hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam chiếm 21-25% GDP, chi phí này ở Mỹ là khoảng 9%, châu Âu khoảng 1%, Mexico là 14%, Singapore - 8%, Thailand - 19%, Malaysia - 13%, mức trung bình của thế giới là 15%. Giảm chi phí logistics sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo hiệu ứng tích cực cho phát triển logistics. Triển khai đào tạo nhân lực logistics chuyên nghiệp thông qua các trường đại học, các trung tâm đào tạo để có một đội ngũ nhân lực đủ năng lực cho nhu cầu của doanh nghiệp. 4.2. Về phía doanh nghiệp Các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần đánh giá và nhận thức đúng thực trạng của doanh nghiệp mình. Từ đó khắc phục các điểm yếu, phát huy điểm mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp logistics cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành, tạo ra những liên kết đủ lớn tham gia vào thị trường, hỗ trợ, bổ sung cho nhau, đủ sức để thực hiện chuỗi dịch vụ 542
  11. logistics hoàn chỉnh. Đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để hình thành chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu suất hoạt động. Doanh nghiệp logistics cần xác định chính xác phân khúc thị trường của mình. Cần sẵn sàng và chủ động tham gia làm đại lý hoặc nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh, “gia công” dịch vụ cho các công ty logistics toàn cầu để thực hiện các công đoạn nội địa. Đây là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để từng bước tham gia thị trường, học hỏi kinh nghiệm, cách làm việc, công nghệ của các công ty nước ngoài. Trong việc tiếp cận các doanh nghiệp FDI, cần tìm thị trường ngách, các doanh nghiệp FDI vừa và nhỏ để cung ứng dịch vụ với mức chi phí phù hợp với họ. Việc đẩy mạnh kết nối vận tải và dịch vụ logistics với các doanh nghiệp của các nước ASEAN, hợp tác với các công ty logistics ở các nước TPP để nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng thị trường, học hỏi kinh nghiệm, phương thức kinh doanh của đối tác. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử để hiện đại hoá, đơn giản hoá và rút ngắn quy trình giao dịch theo xu hướng thế giới, hướng tới sử dụng các phần mềm chuyên nghiệp cho quản trị logistics. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ, kiến thức về kinh doanh quốc tế và thương mại điện tử. Trong tương lai, các doanh nghiệp logistics cần đầu tư hoặc liên kết đầu tư để cung cấp thêm các dịch vụ có giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng, cải thiện dịch vụ và cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới hoạt động nhằm nâng cao khả năng phục vụ khách hàng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trung tâm WTO (2015), TPP kết thúc đàm phán, http://www.trungtamwto.vn/tpp/tpp-ket-thuc-dam-phan. 2. Nguyễn Minh Phong (2015), TPP - vận hội mới của Việt Nam, Báo Nhân Dân điện tử, http://www.nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/ 27622602-tpp-van-hoi-moi-cua-viet-nam.html. 543
  12. 3. Vneconomy (2015a), Vào TPP, các nước được, mất thế nào?, Thời báo Kinh tế điện tử, http://vneconomy.vn/the-gioi/vao-tpp-cac-nuoc-duoc- mat-the-nao-20151006040424787.htm. 4. Vneconomy (2015b), WB nói về lợi thế “không nước nào có” của Việt Nam trong TPP, http://vneconomy.vn/thoi-su/wb-noi-ve-loi-the-khong- nuoc-nao-co-cua-viet-nam-trong-tpp-20151202054630836.htm. 5. Báo Nhân dân điện tử (2015), Cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP, http://www.nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/27622002- co-hoi-va-thach-thuc-khi-viet-nam-gia-nhap-tpp.html. 6. World Bank (2015), Global Rankings 2014, http://lpi.worldbank.org/ international/global/2014. 7. Vietnam Logistics (2015), Dịch vụ logistics: “miếng bánh ngon” đang thuộc về doanh nghiệp FDI, http://www.vlr.vn/vn/news/img/chuoi- cung-ung/2352/dich-vu-logistics-mieng-banh-ngon-dang-thuoc-ve- doanh-nghiep-fdi.vlr. 8. CafeF (2015), Thị trường logistics: “Miếng bánh ngon” 35 tỉ USD đang thuộc về ai?, http://cafef.vn/vi-mo-dau-tu/thi-truo-ng-logistics-mie-ng- ba-nh-ngon-35-ti-usd-dang-thuoc-ve-ai-20151012191544787.chn. 9. VCCI-HCM (2015), Doanh nghiệp logistics trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu vào các FTA, Trung tâm Thông tin Thương mại
VCCI- HCM. 10. http://vcci-hcm.org.vn/tin-tuc-vcci/doanh-nghiep-logistics-trong-boi- canh-viet-nam-tham-gia-sau-vao-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-fta- tt6048.html. 544
nguon tai.lieu . vn