Xem mẫu

  1. TẠO LẬP VÀ KHAI THÁC NGUỒN LỰC SỐ TRONG HỆ THỐNG THƯ VIỆN CHUYÊN NGÀNH KHOA HỌC XÃ HỘI Ths., Nguyễn Lê Phương Hoài, Email:phuonghoai.nl@gmail.com Viện Thông tin Khoa học xã hội –Viện Hàn lâm KH&XH VN Tóm tắt: Bài viết khái quát hệ thống thư viện chuyên ngành khoa học xã hội, trình bày công tác tạo lập và tổ chức khai thác nguồn lực số trong hệ thống thư viện chuyên ngành khoa học xã hội. Từ khóa: Thư viện chuyên ngành, Khoa học xã hội, Nguồn lực số 1. Khái quát về hệ thống thư viện chuyên ngành khoa học xã hội Hệ thống thư viện chuyên ngành khoa học xã hội, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), hiện nay gồm 33 thư viện của 33 đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trong đó thư viện KHXH 9 và thư viện Viện KHXH vùng Nam Bộ là hai thư viện tổng hợp có quy mô lớn, giữ vị thế thư viện quốc gia về KHXH. 10 Thư viện KHXH có vai trò định hướng và dẫn dắt sự phát triển của hệ thống các thư viện chuyên ngành KHXH. Các thư viện là những cơ sở phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và nhiều yêu cầu khác của xã hội về khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV). Về yếu tố tổ chức, quản lý: Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chỉ đạo chặt chẽ hoạt động thông tin – thư viện trong hệ thống. Hàng năm Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam dành kinh phí cho việc mua sách, báo, tạp chí, tư liệu và xử lý thông tin, bảo quản sách báo, thực hiện tin học hoá công tác thư viện. Mỗi năm hệ thống thư viện chuyên ngành KHXH được bổ sung kinh phí khoảng 16.844 tên tài liệu, bằng khoảng 1,3% tên tài liệu hiện có. Hai thư viện tổng hợp là thư viện KHXH và thư viện Viện KHXH vùng Nam Bộ có quy mô lớn, mô hình tổ chức gồm đầy đủ các phòng ban, bộ phận trong dây chuyền thư viện. Các thư viện còn lại được tổ chức dưới dạng phòng thuộc viện nghiên cứu chủ quản. Về nguồn lực thông tin: Hệ thống thư viện chuyên ngành KHXH lưu giữ nguồn lực thông tin truyền thống về KHXH&NV lớn nhất cả nước trong đó có nhiều bộ sưu tập tài liệu quý hiếm được coi là tài sản quốc gia, di sản văn hoá dân tộc như 9 Thư viện KHXH do Viện Thông tin KHXH quản lý 10 Vũ Hùng Cường (2019), “Hợp tác, liên kết, chia sẻ nguồn thông tin khoa học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế Hướng tới việc chia sẻ nguồn lực thông tin nghiên cứu khu vực tại Đông Nam Á, Hà Nội, tr. 46. 158
  2. các bản văn khắc Hán Nôm, văn bia, thư tịch cổ, hương ước… và nhiều loại đặc biệt khác như ảnh lịch sử, bản đồ… Nguồn tài nguyên thông tin còn bao gồm nhiều loại tài liệu xám phong phú, đa dạng về hầu hết các lĩnh vực như văn học, sử học, dân tộc học, khảo cổ học, kinh tế học… là kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trong hơn 65 năm xây dựng và phát triển, trong đó có nhiều công trình khoa học tiêu biểu được Đảng và Nhà nước Việt Nam đánh giá cao và được trao tặng các danh hiệu cao quý là Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Bên cạnh đó 32 tạp chí khoa học do các viện nghiên cứu Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam xuất bản, hàng năm cung cấp một số lượng lớn các ấn phẩm tạp chí khoa học, phản ánh các diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích, cung cấp và phổ biến thông tin KHXH&NV của Việt Nam và nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Thống kê đến cuối năm 2016, nguồn tài nguyên thông tin trong hệ thống các thư viện chuyên ngành KHXH là 1.371.448 tên tài liệu, tương đương 2.310.827 đơn vị tài liệu 11. Trong đó, thư viện KHXH có số lượng tài liệu nhiều nhất với 479.789 tên tài liệu (tương đương 1.165.384 đơn vị tài liệu). Bên cạnh nguồn lực thông tin truyền thống, hệ thống thư viện chuyên ngành KHXH xây dựng và phát triển các bộ sưu tập số thư viện. Về hạ tầng công nghệ thông tin: các thư viện chuyên ngành KHXH những năm gần đây được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu của độc giả. - Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động thông tin – thư viện: 100% thư viện có máy tính để bàn với tổng số là 144 máy, trong đó thư viện KHXH có số lượng nhiều nhất (40 máy), 23 thư viện chủ yếu có từ 2-4 máy để vừa hoạt động nghiệp vụ, vừa phục vụ bạn đọc, và 7 thư viện có từ 5-7 máy. Tất cả các thư viện đều có máy in, máy scan tài liệu tờ rời; riêng thư viện KHXH có thêm máy scan tài liệu đóng tập (Robot Scan Trenventus 2.0 MDS) và máy scan microfilm. Tổng số máy scan trong toàn hệ thống hiện nay gồm 2 máy Robot Scan Trenventus 2.0 MDS, 2 máy scan microfilm, 1 máy scan A0 và 30 máy scan A2, A3. Có 4 thư viện có máy photocopy tài liệu 12. Thư viện KHXH được trang bị thiết bị phục vụ công tác bảo quản, phục chế tài liệu. Các thư viện được trang bị đầu đọc mã vạch, thiết bị kiểm kê kho cầm tay phục vụ hoạt động thư viện. - Hệ thống máy chủ: có 4 thư viện có hệ thống máy chủ để quản lý hoạt động thư viện. Viện Nghiên cứu Trung Quốc có 01 máy chủ cấu hình Gigabyte z87 - d3hp, core i7 4770 3,4 GHz; 16GB Ram, HDD 1TB để chạy phần mềm quản trị thư viện tích 11 Viện Thông tin Khoa học xã hội (2016), Báo cáo khảo sát hiện trạng hoạt động của hệ thống thư viện thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Thư viện KHXH và thư viện các viện: Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt 12 Nam, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện KHXH Vùng Nam bộ 159
  3. hợp Ilib me 5.0. Viện Ngôn ngữ học có 01 máy chủ cấu hình Intel Core I5 3,2 Ghz, 4Gb RAM, HDD 1Tb để lưu và chia sẻ dữ liệu. Thư viện KHXH có 04 máy chủ hoạt động với các mục đích khác nhau: quản lý website và phần mềm thư viện, sao lưu dữ liệu, quản lý tên miền và quản lý an ninh. Thư viện Viện KHXH vùng Nam Bộ có 06 máy chủ phục vụ việc quản trị phần mềm Libol, website, CSDL và email. - Hạ tầng mạng: 20 thư viện đều có kết nối internet với tốc độ đường truyền phổ biến từ 5 Mbps đến 30 Mbps, 10 thư viện có đường truyền từ 35 đến 40 Mbps. Riêng Trung tâm Thông tin – Tư liệu – Thư viện thuộc Học viện KHXH có 2 đường truyền tốc độ 30 Mbps. Tất cả các thư viện đã được kết nối mạng LAN. 27 đơn vị mạng LAN nằm chung trong 1 tòa nhà, 2 đơn vị có mạng LAN nằm tại 2 tòa nhà 13, 1 đơn vị có mạng LAN nằm trên 3 tòa nhà 14. Tuy nhiên, có đến 27 đơn vị chưa áp dụng các biện pháp an ninh đối với mạng LAN. Chỉ có 3 đơn vị hiện sử dụng tường lửa nhằm đảm bảo an ninh mạng 15. - Ứng dụng các phần mềm quản lý thư viện trong hoạt động nghiệp vụ: Toàn bộ hệ thống thư viện thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã ứng dụng phần mềm để quản lý hoạt động nghiệp vụ. Phần mềm SmilLIB sử dụng tại 2 thư viện 16. Năm 2013, thư viện KHXH được đầu tư phần mềm Millennium của Innovative Interfaces đến năm 2017, nâng cấp lên phần mềm quản trị thư viện điện tử tích hợp Sierra. Nửa đầu năm 2017, phần mềm này đã được triển khai tại 28 thư viện, đến năm 2018 trang bị cho các thư viện còn lại. Đây là phần mềm có đầy đủ các phân hệ, tính năng như OPAC, bổ sung, biên mục, lưu thông, quản lý ấn phẩm định kỳ, báo cáo thống kê; hỗ trợ hoàn toàn MARC 21, AACR2, DDC và các tiêu chuẩn quốc tế về thư viện, có khả năng hoạt động với số lượng biểu ghi lớn, liên kết qua cổng Z39.50 và việc nhập, xuất tài liệu theo lô với tệp tin theo chuẩn ISO 2709. Hiện nay, toàn bộ dữ liệu của hệ thống thư viện chuyên ngành KHXH với hơn 1 triệu biểu ghi đã được tích hợp, cho phép truy cập trực tuyến tại địa chỉ http://opac.vass.gov.vn. Cùng với đó, phần mềm biên mục tài nguyên số tập trung Connexion, phần mềm quản lý thư viện số CONTENdm và phần mềm tìm kiếm tài nguyên tập trung WorldCat Discovery Services của OCLC được trang bị để quản lý hệ thống tài nguyên số và phục vụ tra cứu trên toàn hệ thống. - Ứng dụng phần mềm quản lý tài nguyên số: thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm sử dụng phần mềm mã nguồn mở Greenstone để quản lý nguồn tài nguyên số. 13 Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Viện Sử học 14 Thư viện Viện Văn học 15 Thư viện KHXH, Thư viện Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới và Trung tâm Thông tin – Tư liệu – Thư viện thuộc Học viện KHXH. 16 Thư viện Viện Nghiên cứu Trung Quốc và Thư viện Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á 160
  4. Thư viện KHXH và thư viện Viện KHXH vùng Nam Bộ chỉ có phân hệ quản lý tài nguyên số hoạt động tích hợp trong phần mềm quản trị thư viện của mình. - Trang tin điện tử riêng của thư viện: 9 thư viện trong hệ thống đã có website riêng. Về chuẩn nghiệp vụ: Hiện nay, các thư viện chuyên ngành KHXH đang sử dụng chung một số chuẩn nghiệp vụ: quy tắc biên mục: quy tắc biên mục Anh - Mỹ AACR2; khổ mẫu mô tả dữ liệu: Khổ mẫu MARC21 rút gọn dành cho các thư viện trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam do thư viện KHXH biên soạn; khuôn dạng trao đổi dữ liệu: chuẩn quốc tế ISO2709; chuẩn tra cứu liên thư viện: Z39.50 cho các cơ sở dữ liệu chung và riêng trong hệ thống. Việc sử dụng chung các chuẩn nghiệp vụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng hoạt động thông tin – thư viện nói chung và chia sẻ thông tin giữa các thư viện nói riêng. 2. Tạo lập nguồn lực số trong hệ thống thư viện chuyên ngành khoa học xã hội Sự dịch chuyển các bộ sưu tập in của thư viện sang các định dạng số là một xu hướng tất yếu. Bên cạnh đó, sự bùng nổ và gia tăng nhanh chóng nội dung số đã dẫn tới xu thế ngày càng phát triển mạnh mẽ các tài liệu ở dạng điện tử. Tài liệu chuyển dịch từ in sang định dạng số theo các cách xuất bản điện tử và số hóa tài liệu. Trong các thư viện chuyên ngành KHXH, tỷ lệ tài liệu điện tử /tài liệu truyền thống đang thay đổi theo hướng nghiêng về phát triển tài liệu điện tử. Các thư viện phát triển tài liệu điện tử theo 3 cách: Một là, tự tiến hành số hóa nguồn tư liệu in của thư viện: Từ năm 2008, thư viện KHXH bắt đầu triển khai số hóa tài liệu. Từ đó, số hóa trở thành hoạt động trọng điểm của thư viện KHXH. Nhiều dự án, chương trình số hóa tài liệu thư viện đã được thực hiện: "Assessment and preservation of the old Vietnamese École Française d’Extrême Orient archive in ancient ideographic Nôm script” (2008-2010), “Số hoá tư liệu cổ, quý hiếm được lưu giữ từ trước 1957: Ảnh chụp trước 1957, sắc phong, tài liệu quý hiếm các ngữ” (2011-2012), “Nâng cao chất lượng quản lý và phục vụ khai thác các kho tư liệu tại Thư viện Khoa học xã hội – Viện Thông tin Khoa học xã hội” (2011-2012), “Xây dựng thư viện điện tử - thư viện số - ngân hàng dữ liệu Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam” (2015-2018), “Xây dựng và phát triển ngân hàng dữ liệu cho hệ thống thư viện điện tử - thư viện số tập trung của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam” (2018-2019). Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đầu tư các dự án tăng cường nguồn lực riêng biệt cho Trung tâm Thông tin – Tư liệu – Thư viện thuộc Học viện KHXH và thư viện thuộc các viện: Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện KHXH vùng Nam Bộ, Viện KHXH vùng Tây Nguyên do đây là những thư viện có những đặc thù riêng. Những kết quả của các dự án, chương trình số hóa tài liệu đã đẩy nhanh công tác chuyển đổi số trong các thư viện. Nếu như đến cuối năm 2016, chỉ có 3/34 161
  5. thư viện tiến hành số hóa tài liệu in để quản lý và nâng cao khả năng khai thác nguồn tin điện tử là thư viện 17. Tổng số tài liệu số hóa ước đạt 1.400.000 trang tài liệu, bao gồm các tài liệu: sách nghiên cứu về Đông Dương do EFEO để tại, bản tin phục vụ nghiên cứu, báo cáo kết quả nghiên cứu, tư liệu hương ước, thần tích thần sắc, tư liệu địa chí địa danh. Đến năm 2018, tất cả các thư viện chuyên ngành KHXH được đầu tư trang thiết bị số hóa hiện đại, triển khai số hóa ở tất cả các thư viện. Tổng số trang tài liệu được số hóa trên toàn hệ thống lên 5.000.000 trang từ đa dạng loại hình tài liệu gốc là sách, bản đồ, microfilm, ảnh... Dự kiến đến hết năm 2019, các thư viện số hóa được 6.000.000 trang tài liệu, ưu tiên các tài liệu cổ, quý hiếm, đang trong tình trạng hư hại, tài liệu chuyên biệt, tài liệu nội sinh… Tài liệu số hóa được lưu trữ trong các thiết bị lưu trữ chuyên dụng (SAN và NAS) và phục vụ một phần qua hệ thống LAN. Hai là, bổ sung /tích hợp nguồn tin điện tử thông qua việc mua, trao đổi tài liệu điện tử đang được xuất bản: 17/34 thư viện có nguồn tài liệu điện tử, trong đó 8 thư viện mua và sử dụng sách điện tử của các nhà xuất bản trong và ngoài nước, 2 thư viện mua và sử dụng CSDL điện tử trực tuyến và 7 thư viện sở hữu các nguồn tài liệu điện tử khác gồm các nguồn tài liệu do thư viện tự xây dựng và nguồn tài liệu khai thác miễn phí thông qua mạng Internet. Ba là, xây dựng các liên kết (tạo khả năng truy cập) đến các nguồn tài liệu trực tuyến trên Internet. Nguồn tài liệu trực tuyến và các loại hình sản phẩm, dịch vụ thông tin tương ứng với nó được chú trọng phát triển với gia tốc ngày càng cao và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Thư viện KHXH đóng phí sử dụng chung CSDL Proquest Central, sử dụng miễn phí CSDL thư mục kết quả nghiên cứu và đề tài khoa học do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ xây dựng, mua CSDL trực tuyến của nhà xuất bản Springer và tìm kiếm cơ hội dùng thử các nguồn CSDL nước ngoài khác. Các nguồn CSDL trực tuyến đều được chia sẻ dùng trong toàn hệ thống thư viện chuyên ngành KHXH. Người dùng thư viện có thể truy cập trực tiếp tài liệu tại hệ thống máy tính được đặt tại các thư viện. 3. Khai thác nguồn lực số trong các thư viện khoa học xã hội Hiện nay, tài nguyên điện tử trực tuyến cho phép người dùng thư viện truy cập dễ dàng từ mọi nơi. Người dùng có thể truy xuất thông tin trực tiếp, ngay lập tức thay vì thông qua dịch vụ mượn trả của thư viện. Các thư viện chuyên ngành KHXH đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ phục vụ các bộ sưu tập in sang phục vụ kết hợp bộ sưu tập in và bộ sưu tập điện tử /số. Vì vậy, song song các dịch vụ khai thác nguồn lực truyền thống, nhằm tăng cường hiệu quả khai thác nguồn lực số, các thư viện triển khai đồng thời các dịch vụ: 17 Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Viện Dân tộc học và Thư viện KHXH 162
  6. - Dịch vụ tư vấn thông tin: thông qua các phương thức tham khảo trực tuyến trên website, fanpage, điện thoại, email, tư vấn trực tiếp tại quầy… - Dịch vụ tra cứu số: Cán bộ thư viện tra cứu trong hệ thống mục lục trực tuyến, các danh mục, thư mục điện tử, các CSDL, ngân hàng dữ liệu… sau đó cung cấp cho người dùng tin danh mục những tài liệu số có nội dung thỏa mãn nhu cầu tin của người dùng. - Dịch vụ cung cấp thông tin số theo chuyên đề: Đây là dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các nhà nghiên cứu, học viên sau đại học. Các thư viện cung cấp những tài liệu số có trong và ngoài thư viện, tập hợp theo chuyên đề và gửi qua email cho người dùng thư viện. - Dịch vụ hướng dẫn người dùng tin sử dụng thư viện số: hướng dẫn người dùng tin tìm kiếm, khai thác thông tin, sử dụng thư viện số và các dịch vụ của thư viện. Công nghệ di động với các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị đọc điện tử ngày càng chiếm đa số trong thị phần tiêu dùng thông tin đã làm thay đổi nhu cầu của người dùng thư viện. Người dùng thư viện tìm kiếm trong tài liệu thư viện, đọc tóm tắt và toàn văn dưới dạng số ngay lập tức, tìm và lưu tài liệu thông qua website trên thiết bị di động hoặc ứng dụng di động của thư viện thay vì tới thư viện để mượn tài liệu như trước đây. Thói quen đọc đang thay đổi mức tăng sử dụng thông tin trên thiết bị di động. Chỉ với thiết bị cầm tay kết nối internet, người dùng thư viện có thể đọc tài liệu trực tuyến. Để thích nghi với sự chuyển dịch sang tiêu dùng nội dung trên các thiết bị di động, các thư viện chuyên ngành KHXH tối ưu năng lực tìm kiếm của mục lục thư viện cho thiết bị di động, tích hợp các cơ sở dữ liệu trực tuyến sẵn có vào cùng một ứng dụng web hoặc ứng dụng di động, tích hợp nội dung di động với các dịch vụ thư viện. Các dịch vụ nội dung di động mới được các thư viện triển khai gồm có: - Sử dụng ứng dụng xem tạp chí điện tử cho thiết bị di động, cho phép độc giả tìm duyệt, đọc và theo dõi tạp chí khoa học; - Cung cấp danh mục tài nguyên thông tin có thể truy cập qua website và ứng dụng di động; - Dịch vụ cho mượn các thiết bị di động như máy tính bảng và thiết bị đọc số. Trong thời gian tới, sau khi chuyển đổi thành thư viện số, các thư viện hướng tới cung cấp các dịch vụ: phân tích và xử lí nhiều loại tài nguyên thông tin khác nhau; thúc đẩy các giá trị tiềm ẩn trong mọi thông tin, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ thông tin có giá trị gia tăng cao đúng lúc, đúng đối tượng; và chuyển giao thông tin đúng đến người dùng, các dịch vụ chuyên biệt và định hướng người dùng. Đồng thời, các thư viện tiếp tục phát triển các dịch vụ được cung cấp và khai thác trên các thiết bị di động. Khi các trang web và ứng dụng di động trở nên phổ biến, thư viện cung cấp 163
  7. những giải pháp phù hợp cho mọi thiết bị di động như thiết kế hỗ trợ hay tương thích mọi màn hình di động, đảm bảo tối ưu hóa việc xem thông tin trên mọi kích cỡ màn hình, tổ chức các dịch vụ liên quan tới trắc lượng các công bố khoa học, cung cấp các số liệu thống kê đối với các công bố khoa học, phục vụ việc đánh giá khoa học… Có thể thấy, hệ thống các thư viện chuyên ngành KHXH đã có nhiều chuyển đổi nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nguồn lực số và dịch vụ khai thác nguồn lực số. Trong tương lai, các thư viện chuyên ngành KHXH tiếp tục được đầu tư công nghệ hoàn thiện và đi vào hoạt động cùng với việc thực hiện các yêu cầu về chính sách, mô hình, chuẩn nghiệp vụ và nhân lực, hệ thống các thư viện chuyên ngành KHXH sẽ hoàn toàn thay đổi về chất trong hoạt động thông tin – thư viện, đáp ứng được những mục tiêu trong điều kiện mới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Vũ Hùng Cường (2019), “Hợp tác, liên kết, chia sẻ nguồn thông tin khoa học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế Hướng tới việc chia sẻ nguồn lực thông tin nghiên cứu khu vực tại Đông Nam Á, Hà Nội. 2. Nguyễn Lê Phương Hoài (2017), “Xu thế hoạt động thông tin – thư viện trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Kỷ yếu hội thảo khoa học Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động thông tin – thư viện, Nxb. Đại học Đà Nẵng, Đà Nẵng. 3. Nguyễn Thị Minh Trung, Nguyễn Lê Phương Hoài (2017), “Hệ thống thư viện chuyên ngành khoa học xã hội: thực trạng và xu hướng phát triển”, Niên giám thông tin khoa học xã hội, tập 12, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 164
nguon tai.lieu . vn