Xem mẫu

  1. TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ - CƠ HỘI ĐỐI VỚI HỆ THỐNG THƯ VIỆN CÔNG CỘNG ThS. Kiều Thúy Nga1, ThS. Lê Đức Thắng1 MỞ ĐẦU Tài nguyên giáo dục mở (OER) được UNESCO khởi xướng năm 2002 đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ nhiều tổ chức, cá nhân, trường đại học, cơ sở giáo dục, đào tạo, các thư viện trên toàn thế giới [2]. Ở nước ta, những năm gần đây, nhận thấy tầm quan trọng, vai trò to lớn và cơ hội của Tài nguyên giáo dục mở đối với giáo dục, đào tạo nhất là giáo dục đại học, một số mô hình OER đã xuất hiện, đặc biệt là sự ra đời của Thư viện Học liệu Mở Việt Nam (http://voer.edu.vn) bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển OER và cộng đồng OER ở nước ta trong tương lai. OER ra đời với triết lý “cho đi – nhận lại” trên nguyên tắc cộng đồng cùng hợp tác [2], mục tiêu chính là cung cấp tài nguyên dạng số một cách tự do và mở cho giáo viên, người làm công tác giáo dục, sinh viên, học viên, những người học độc lập có thể sử dụng, chia sẻ, tái sử dụng cho mục đích giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Tính cộng đồng, phục vụ cộng đồng của OER khá tương đồng với mục tiêu của các thư viện công cộng (TVCC), mặc dù đối tượng người sử dụng có sự khác biệt, tuy nhiên TVCC và OER hoàn toàn có thể hỗ trợ lẫn nhau. Bài viết trình bày một số suy nghĩ về cơ hội và thách thức của OER đối với hệ thống thư viện công cộng ở Việt Nam trong việc tạo lập 1 Thư viện Quốc gia Việt Nam.
  2. 512 XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ nguồn thông tin dạng số, cung cấp thêm điều kiện cho việc học tập suốt đời của cộng đồng. 1. QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC - Nhận thức được tầm quan trọng của Tài nguyên giáo dục mở trong việc đổi mới giáo dục, ngay từ năm 2005, tại Nghị quyết số 14/2005/ NQ-CP, do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 02/01/2005 “Về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006–2020”, tại Nhiệm vụ và giải pháp đổi mới đã nêu rõ “sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động dạy và học. Khai thác các nguồn tư liệu giáo dục mở và nguồn tư liệu trên mạng Internet”, đây được coi là 1 trong 3 tiêu chí quan trọng để đổi mới phương pháp đào tạo [6]. - Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã được hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua ngày 4/11/2013 đã có định hướng cụ thể là “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập…” và “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” [5]. - Tại Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” phần Nhiệm vụ, giải pháp cũng xác định: “tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong việc cung ứng các chương trình học tập suốt đời cho mọi người” [7]. - Về quan điểm của Chính phủ liên quan đến đổi mới giáo dục, ngày 5/8/2016, tại Hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2016 – 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chỉ đạo “Cần tập trung sức lực thực hiện thành công đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, xây dựng nền giáo dục mở, thực học và liên thông”. [1]
  3. PHẦN 4. THỰC TRẠNG VÀ KINH NGHIỆM TRIỂN KHAI TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ 513 Như vậy, về chủ trương, Đảng, Chính phủ đã hoàn toàn ủng hộ việc tăng cường “giáo dục mở”, coi đây là giải pháp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở nước ta, trong “giáo dục mở” thì “tài nguyên giáo dục mở” đóng vai trò then chốt, vấn đề còn lại phụ thuộc vào sự hưởng ứng và có chương trình hành động cụ thể của các bên liên quan, cụ thể là các cơ quan quản lý (cơ chế, chính sách), các trường đại học, các cơ sở đào tạo, trung tâm giáo dục, viện nghiên cứu, các thư viện… 2. TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ – CƠ HỘI CHO THƯ VIỆN CÔNG CỘNG Tài nguyên giáo dục mở được coi là bất cứ tài liệu giảng dạy, học tập và phương tiện nghiên cứu nào trên bất cứ phương tiện nào nằm trong phạm vi miền công cộng (Public domain) hoặc được phát hành theo một giấy phép mở cho phép bất cứ ai cũng có thể truy cập, sử dụng, thay đổi mục đích, sử dụng lại và phân phối lại không hạn chế hoặc ít hạn chế (Atkins, Brown & Hammond, 2007) [3]. Với đặc trưng là “mở”, hiện nay OER đang được xem là một nguồn tài nguyên thông tin khoa học quan trọng hỗ trợ cho phổ cập giáo dục, tạo ra sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn tài liệu giáo dục có chất lượng cao và hoàn toàn miễn phí với giấy phép mở, như vậy, qua đó OER đã góp phần tạo ra sự bình đẳng trong giáo dục. Đối với hệ thống thư viện công cộng, quan điểm về tạo khả năng truy cập miễn phí và không giới hạn phục vụ cộng đồng trong việc nâng cao kiến thức, học tập suốt đời đã được UNESCO đề cập trong tuyên ngôn về thư viện công cộng “Tự do, Thịnh vượng và Phát triển của xã hội và cá nhân là những giá trị cơ bản của con người. Nhưng những giá trị đó chỉ đạt được khi họ có đầy đủ thông tin để thực hiện quyền dân chủ của mình và đóng một vai trò tích cực trong xã hội. Việc tham gia xây dựng và phát triển dân chủ phụ thuộc vào nền giáo dục đầy đủ cũng như truy cập miễn phí và không giới hạn về kiến thức, tư tưởng, văn hoá và thông tin. Thư viện công cộng, cổng kiến thức về địa phương, nơi cung cấp điều kiện cơ bản cho việc học tập suốt đời, quyết định độc lập và phát triển văn hóa của cá nhân và nhóm xã hội. [4]
  4. 514 XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ Như vậy, xét về mục tiêu tăng cường tiếp cận thông tin, tri thức cho cộng đồng thì OER và thư viên công cộng là khá tương đồng. Việc các OER phát triển, đồng nghĩa với việc sẽ hỗ trợ và thúc đẩy TVCC cũng sẽ phát triển theo, đảm bảo mục tiêu bình đẳng về tiếp cận, sử dụng thông tin, và học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Học tập suốt đời có thể được định nghĩa là tất cả các hoạt động học tập có mục đích, được thực hiện trên cơ sở liên tục với mục tiêu nâng cao kiến ​​thức, kỹ năng và năng lực. Nó có chứa các loại hình giáo dục và đào tạo, chính quy, không chính quy và không chính thức. Vậy, nếu tham gia OER, TVCC có thể hưởng lợi gì từ OER, và TVCC có thể làm gì để hỗ trợ OER? Với đặc thù về nguồn tài liệu và thành phần người dùng tin khá khác biệt, tuy nhiên TVCC vẫn có thể chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào OER. Có thể xét trên 2 khía cạnh: cơ hội và thách thức. • Cơ hội - Tham gia mạng lưới OER, thư viện công cộng sẽ được hưởng lợi từ chính các thành viên tham gia, đây là nguồn thông tin giáo dục có chất lượng cao, từ đó thư viện có được nguồn tài liệu số đa dạng và phong phú, đặc biệt là miễn phí. - Giảm kinh phí bổ sung tài liệu (giáo trình, sách tham khảo, chuyên khảo…) bằng việc tận dụng được nguồn thông tin số hóa của OER, từ đó thư viện công cộng có thể nâng cao số lượng và chất lượng nguồn lực thông tin phục vụ cộng đồng. - Vượt qua được rào cản bản quyền tài liệu: với việc sử dụng các tài liệu của các OERs, tài liệu mặc định được coi là các tài liệu mở với các giấy phép sử dụng đã được gắn đối với mỗi tài liệu và được sử dụng miễn phí, do vậy các thư viện không cần quan tâm đến vấn đề bản quyền, một trong những trở ngại lớn đối với các thư viện công cộng trong việc phát triển các nguồn lực số hóa. - Với việc tích cực tham gia vào mạng lưới OER, thư viện công cộng sẽ được tiếp cận với phương thức tạo lập và khai thác nguồn tài nguyên thông tin theo hướng hiện đại, từ đó thay đổi quy trình làm việc,
  5. PHẦN 4. THỰC TRẠNG VÀ KINH NGHIỆM TRIỂN KHAI TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ 515 từng bước nâng cao trình độ đội ngũ nhân lực xử lý tài liệu và phổ biến thông tin, có thêm các kỹ năng về tạo lập và phát triển nguồn thông tin trực tuyến trên Internet. • Thách thức - Khả năng đóng góp tài liệu, với đặc thù là thư viện công cộng, phục vụ cộng đồng, cơ cấu, thành phần vốn tài liệu của TVCC là đa dạng, phong phú, nhưng lại không chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể, tuy nhiên, trước mắt, TVCC hoàn toàn có thể đóng góp bằng những tài liệu nằm ngoài phạm vi bảo hộ bản quyền như: văn bản pháp luật, tài liệu hết thời hạn bảo hộ bản quyền… - Đóng góp nhân lực tham gia xử lý tài liệu, kiểm soát chất lượng tài liệu, tư vấn người sử dụng khai thác thông tin và tạo ra thông tin mới: TVCC với đội ngũ nhân lực được đào tạo về nghiệp vụ thư viện, có kỹ năng xử lý tài liệu số hoàn toàn có khả năng tham gia đội ngũ xử lý tài liệu số, kiểm soát chất lượng tài liệu góp phần vào việc nhanh chóng phổ biến tài liệu. Ngoài ra, TVCC có thể tư vấn, định hướng, hỗ trợ người sử dụng tìm kiếm, khai thác nguồn tài liệu OER tại các TVCC. - Phối hợp với hệ thống giáo dục tạo ra mạng lưới OER rộng khắp: Hệ thống thư viện công cộng với thế mạnh là có mạng lưới rộng khắp cả nước có thể phối hợp với OER tạo ra mạng lưới người sử dụng rộng lớn, lan tỏa tới cộng đồng, chứ không chỉ ở tại các cơ sở giáo dục. 3. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ • Đối với các cơ quan quản lý các cấp - Tích cực ủng hộ việc phát triển OER bằng việc ban hành các văn bản pháp luật công nhận và hỗ trợ cho OER. Có những giải pháp cụ thể tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thời điểm hiện tại, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho OER phát triển. • Đối với các thư viện công cộng - Tích cực ủng hộ và tham gia vào các mạng lưới OERs bằng việc tăng cường đóng góp tài liệu (nhất là những tài liệu mới) và đóng góp nhân lực tham gia và phối hợp thực hiện.
  6. 516 XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực về nghiệp vụ thư viện hiện đại, thư viện số và đội ngũ người làm công nghệ thông tin, hỗ trợ hiệu quả cho OER. - Tăng cường tư vấn, quảng bá các nguồn OER tới cộng đồng. - Tăng cường cơ sở vật chất tại mỗi thư viện, tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng khai thác OER một cách hiệu quả. KẾT LUẬN OER không chỉ tạo ra cơ hội lớn cho việc cải thiện chất lượng giáo dục tại Việt Nam mà còn là cơ hội lớn cho các thư viện công cộng trong điều kiện kinh phí cấp cho hoạt động rất hạn chế, ngân sách hằng năm dành cho công tác bổ sung tài liệu mới, nhất là tài liệu ở dạng giáo trình, tài liệu tham khảo, chuyên khảo… là rất thấp. Khi OER phát triển, TVCC sẽ có một nguồn tài liệu dạng số vô cùng quan trọng và có chất lượng phục vụ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập, tự học tập suốt đời. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lưu Ly, Giáo dục phổ thông chưa coi trọng đạo đức, nhân cách. 2. URL: http://www.vtc.vn/thu-tuong-giao-duc-pho-thong-chua-coi-trong- dao-duc-nhan-cach-d269735.html. (Truy cập ngày 05/09/2016). 3. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Khoa Thông tin – Thư viện) (2015). Xây dựng nền tảng học liệu mở cho giáo dục đại học Việt Nam. Đề xuất chính sách, tạo lập cộng đồng và giải pháp công nghệ. 4. UNESCO, (2013). Guidelines for Open Educational Resources (OER) in Higher Education. 5. Truy cập từ: http://www.unesco.org/new/en/communication-and- information/resources/publications-and-communication-materials/ publications/full-list/guidelines-for-open-educational-resources-oer-in- higher-education/. (Truy cập ngày 05/09/2016). 6. UNESCO, Public Library Manifesto (Tuyên ngôn UNESCO về thư viện công cộng). 7. URL: http://www.unesco.org/webworld/libraries/manifestos/libraman. html. (Truy cập ngày 05/09/2016).
  7. PHẦN 4. THỰC TRẠNG VÀ KINH NGHIỆM TRIỂN KHAI TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ 517 8. Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2013), Nghị quyết số 29- NQ/TW ban hành ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. 9. Việt Nam, Chính phủ (2005), Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 02/01/2005 “Về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006–2020”. 10. Việt Nam, Chính phủ (2013), Quyết định số 89/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành ngày 09/01/2013 “Về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020”.
nguon tai.lieu . vn