Xem mẫu

  1. TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN VÀ CÁC YẾU TỐ PHÁT TRIỂN TS. Bùi Tiến Hanh & TS. Nguyễn Trọng Hòa Học viện Tài chính Tóm tắt Ngày nay phát triển tài chính toàn diện có tính chất toàn cầu, trở thành tầm nhìn chung của toàn thế giới. Phát triển một hệ thống tài chính phục vụ cho tất cả các thành viên trong xã hội đã và đang trở thành một chính sách và là một trụ cột quan trọng bảo đảm phát triển bền vững của các quốc gia. Tài chính toàn diện và phát triển tài chính toàn diện là một vấn đề rộng lớn và phức tạp, có nhiều quan điểm và góc nhìn khác nhau. Bài viết này bàn luận về một số vấn đề cơ bản về tài chính toàn diện: bản chất và các yếu tố phát triển tài chính toàn diện. Tài chính toàn diện là tài chính cho toàn xã hội, đặc biệt là cho các chủ thể có điều kiện và khả năng hạn chế được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính được cung ứng bởi các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức. Phát triển tài chính toàn diện là phát triển thị trường cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính bảo đảm cho các doanh nghiệp và người dân, được nhìn nhận từ bên cung sản phẩm, dịch vụ và từ bên cầu tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Với góc nhìn đó, các yếu tố phát triển tài chính toàn diện bao gồm: (i) Mạng lưới và kênh cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính; (ii) Sản phẩm, dịch vụ tài chính; (iii) Cơ sở hạ tầng tài chính; (iv) Hiểu biết và khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính của người tiêu dùng. Từ khóa: Tài chính toàn diện; yếu tố phát triển. 1. Bản chất của tài chính toàn diện Trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đặc biệt quan tâm đến phát triển tài chính toàn diện và coi phát triển tài chính toàn diện là một trong những trụ cột quan trọng bảo đảm phát triển ổn định, bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, những năm gần đây tài chính toàn diện và phát triển tài chính toàn diện đã được bàn luận nhiều; đồng thời, các quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển tài chính toàn diện từng bước được thể chế hóa trong các chiến lược và chính sách phát triển kinh tế - xã hội như nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội của người dân; xây dựng đồng bộ, nâng cao chất lượng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ và trợ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, năm APEC 2017 tại Việt Nam, tài chính toàn diện và vai trò của tài chính toàn diện đối với sự phát triển nông nghiệp và nông thôn là một trong những chủ đề chính được đưa ra bàn thảo. Như vậy, phát triển tài chính toàn diện là một trong những chính sách và trụ cột quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Vậy tài chính toàn diện là gì? Hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về tài chính toàn diện. - Theo Tổ chức hợp tác toàn cầu về tài chính toàn diện (GDFI): Tài chính toàn diện là một trạng thái mà theo đó tất cả người ở độ tuổi lao động có thể tiếp cận hiệu quả tới dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, thanh toán, bảo hiểm từ các nhà cung cấp dịch vụ chính thống. Tài chính toàn diện giúp bộ phận chưa tiếp cận với dịch vụ ngân hàng hoặc tiếp cận nhưng chưa chính thống được tham gia hệ thống, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo, an ninh việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống và phúc lợi xã hội. 74
  2. - Theo Ngân hàng Thế giới (WB): Tài chính toàn diện có nghĩa là các cá nhân và doanh nghiệp có quyền truy cập vào các sản phẩm và dịch vụ tài chính hữu ích với giá cả phải chăng để đáp ứng nhu cầu của họ bao gồm: giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm, những dịch vụ này được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững. Hoặc tài chính toàn diện đứng trên góc độ người dân và doanh nghiệp là việc cung cấp có trách nhiệm và bền vững các sản phẩm, dịch vụ tài chính hữu ích, phù hợp với khả năng cho mọi cá nhân và doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của họ về giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm. Những quan niệm trên cho thấy tài chính toàn diện được hiểu theo nghĩa rộng hơn so với tiếp cận tài chính. Phát triển tài chính toàn diện quan tâm đến việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính từ hệ thống tài chính chính thức tới mọi người dân và doanh nghiệp một cách an toàn, thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và với chi phí hợp lý; đồng thời, bảo đảm cho tất cả các doanh nghiệp và người dân nếu có nhu cầu thì đều có khả năng tiếp cận và được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính từ hệ thống tài chính chính thức. Tính toàn diện của tài chính ở đây được hiểu là tất cả người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và với chi phí hợp lý và được cung cấp bởi các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính chính thức hoạt động an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm. Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Trong tất cả các khách hàng hay người tiêu dùng mà tài chính toàn diện hướng tới phục vụ thì đặc biệt chú trọng đến nhóm cá nhân và tổ chức chưa được hoặc chưa có khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính từ hệ thống tài chính chính thức như người dân có thu nhập thấp, người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Những phân tích trên có thể rút ra kết luận phát triển tài chính toàn diện là phát triển hệ thống tài chính chính thức hướng tới khách hàng là mọi doanh nghiệp, tổ chức và người dân; hệ thống đó bảo đảm các sản phẩm, dịch vụ tài chính sẵn có phù hợp với nhu cầu của khách hàng, thuận tiện, với chi phí hợp lý và an toàn và tất cả các khách hàng đều có thể sử dụng thường xuyên. 2. Các yếu tố phát triển tài chính toàn diện Phát triển tài chính toàn diện là phát triển thị trường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính bảo đảm cho các doanh nghiệp và người dân được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu và khả năng của họ một cách thường xuyên, bền vững. Với quan niệm đó, các yếu tố phát triển tài chính toàn diện bao gồm: (i) Mạng lưới và kênh cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính; (ii) Sản phẩm, dịch vụ tài chính; (iii) Cơ sở hạ tầng tài chính; (iv) Hiểu biết và khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính của khách hàng. Một là, mạng lưới và kênh cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính. Sự phát triển của các tổ chức tài chính và các kênh cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính tác động trực tiếp đến sự phát triển về không gian, thời gian tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính của các doanh nghiệp, các tổ chức và người dân một cách thường xuyên và bền vững. Ở Việt Nam hiện nay, mạng lưới phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính chủ yếu vẫn dựa trên cách thức tổ chức truyền thống, thông qua sự hiện diện của chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch truyền thống. Rào cản về chi phí khiến cho mạng lưới cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài 75
  3. chính còn thiếu vắng ở nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới và hải đảo. Các kênh cung ứng dịch vụ hiện đại qua thiết bị di động và Internet chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội như tính thuận tiện, đảm bảo an ninh, an toàn, chi phí hợp lý… Chính vì vậy, phát triển tài chính toàn diện trước hết cần phát triển một hệ thống các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính hoạt động an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm; trong đó phát huy vai trò của các tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng và các định chế tài chính chuyên biệt… với mục tiêu là các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản được cung cấp đến tất cả người tiêu dùng theo cách thức phù hợp, thông qua các kênh phân phối từ truyền thống đến hiện đại. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam nên tập trung: (i) Phát triển mô hình đại lý ngân hàng để mở rộng phạm vi bao phủ điểm cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính đến gần với người dân ở các vùng chưa hoặc ít có dịch vụ như vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn; (ii) Phát triển nhanh các kênh phân phối hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số nhằm mở rộng phạm vi cung ứng sản phẩm, dịch vụ với chi phí hợp lý, đặc biệt là qua Internet và điện thoại di động. Hai là, sản phẩm, dịch vụ tài chính. Sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, phong phú, thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp cận, sử dụng của người tiêu dùng với chi phí hợp lý có tác động tích cực đến phát triển tài chính toàn diện; đặc biệt đối với người tiêu dùng có thu nhập thấp, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng ra, biên giới và hải đảo. Ở Việt Nam, các sản phẩm, dịch vụ tài chính còn chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các sản phẩm chủ yếu tập trung vào tín dụng, trong khi dịch vụ tiết kiệm, dịch vụ thanh toán, bảo hiểm, hưu trí… còn thiếu hoặc chưa phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp cận, sử dụng của người tiêu dùng. Vì vậy, phát triển tài chính toàn diện cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo để phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp cận, sử dụng của người tiêu dùng một cách thuận tiện, an toàn, chi phí hợp lý. Trong đó, chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng là người nghèo, người thu nhập thấp, dân cư nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình sản xuất kinh doanh; phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng chưa được, hoặc ít được phục vụ; tập trung phát triển các sản phẩm tài chính vi mô linh hoạt, có cấu trúc đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu đại bộ phận người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Ba là, cơ sở hạ tầng tài chính. Phát triển một hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính bền vững tạo điều kiện phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối hiện đại với mục tiêu là kiến tạo môi trường cho việc đa dạng hóa các kênh tiếp cận và phát huy vai trò của thị trường để mở rộng khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính phong phú, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng tài chính. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính nhằm thúc đẩy sự phát triển các kênh phân phối mới dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại như ngân hàng điện tử, ngân hàng di động, ngân hàng đại lý để cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính; phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hiệu quả với trọng tâm là một hệ thống thanh toán quốc gia hiện đại, hoạt động an toàn và hiệu quả. 76
  4. Ở Việt Nam, phát triển cơ sở hạ tầng tài chính nên tập trung: (i) Phát triển hạ tầng thanh toán theo hướng tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển mạnh các kênh cung cấp dịch vụ điện tử như ngân hàng trực tuyến, ngân hàng Internet, ngân hàng di động, ATM và POS; các phương thức thanh toán hiện đại như thanh toán không tiếp xúc, thanh toán di động, thanh toán qua mã QR...; áp dụng các biện pháp an ninh, tiêu chuẩn bảo mật hiện đại đảm bảo thanh toán nhanh chóng, an ninh an toàn, tiện lợi và có chi phí hợp lý. (ii) Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác; cho phép tổ chức tài chính khai thác các dữ liệu sinh trắc học và thông tin cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cho việc nhận biết, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử trực tuyến; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực khách hàng khi cung cấp dịch vụ. (iii) Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính toàn diện thống nhất với các tiêu chí quốc tế và định kỳ bổ sung, cập nhật dữ liệu phục vụ cho việc đánh giá, giám sát việc thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Bốn là, hiểu biết và khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính của người tiêu dùng. Người tiêu dùng hiểu biết tài chính và được bảo vệ đầy đủ bằng hệ thống pháp luật với mục tiêu là hình thành những người tiêu dùng tài chính có khả năng sử dụng, đánh giá các sản phẩm, dịch vụ tài chính mà các tổ chức tài chính có trách nhiệm cung cấp, cả về lợi ích và rủi ro để sáng suốt lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu thực tế của họ. Ở Việt Nam, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận còn thấp nên khó tiếp cận tín dụng ngân hàng. Nếu xét theo quy mô doanh nghiệp, tỷ lệ các doanh nghiệp thua lỗ thường tỷ lệ nghịch với quy mô doanh nghiệp cho thấy tính dễ bị tổn thương của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ. Hiệu quả hoạt động thấp, kém ổn định là một trong những nguyên nhân từ chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa khiến cho các doanh nghiệp này khó tiếp cận tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, trình độ văn hóa giáo dục và tiếp cận công nghệ thông tin của người dân, nhất là cư dân nông thôn còn thấp: Trình độ văn hóa của cư dân nông thôn là thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước; tỷ lệ sử dụng Internet tương đối thấp, đa số chỉ có những người trẻ mới sử dụng các thiết bị kỹ thuật số; kém hiểu biết về tài chính khiến người dân ngại ngần sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức, ngược lại, còn bị rơi vào bẫy của các tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính bất hợp pháp, có rủi ro cao. Thói quen tiêu dùng tiền mặt còn khá phổ biến kể cả ở thành thị và nông thôn. Khuôn khổ luật pháp và thể chế bảo vệ người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng tài chính còn thiếu và phân tán. Điều này là một nguyên nhân dẫn đến người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng vào các giao dịch tài chính, làm hạn chế sự tiếp cận và sử dụng của người dân đối với các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức. Chính vì vậy, phát triển tài chính toàn diện nên xúc tiến: (i) Xây dựng và triển khai những biện pháp tổng thể để tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân như xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược giáo dục tài chính quốc gia; các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính chính thức xây dựng và triển khai các chương trình cung cấp thông tin cho người dân hiểu rõ về các sản phẩm, dịch vụ tài chính; đẩy mạnh các chương trình truyền thông phổ biến kiến thức tài chính cho mọi nhóm đối tượng... (ii) Xây dựng khuôn khổ pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng tài chính phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế như nghiên cứu và ban hành quy định về bảo vệ người tiêu dùng tài chính; thúc đẩy vai trò cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính có trách nhiệm của các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính; thiết lập cơ quan giám sát bảo vệ người tiêu dùng tài chính… 77
  5. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Phương Lan và Nguyễn Thị Hương Thanh (2017), Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện ở Việt Nam - Ý nghĩa và sự cần thiết; Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ ngành Ngân hàng. 2. Phạm Thị Hồng Vân và Trần Thị Thu Hường (2017), Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển tài chính toàn diện - Giải pháp đối với Việt Nam; Kỷ yếu hội thảo quốc tế, Thúc đẩy tiếp cận tài chính tại Việt Nam, NXB Lao động và Xã hội. 3. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (2017), Tiếp cận thị trường tài chính, Báo cáo thường niên Thị trường tài chính, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 4. Dự thảo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 78
nguon tai.lieu . vn