Xem mẫu

  1. TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN TRONG BỐI CẢNH GIÀ HOÁ DÂN SỐ TS. Nguyễn Thuỳ Linh TS. Vũ Quốc Dũng Học viện Tài chính Tóm tắt Tài chính toàn diện (Financial Inclusion) đang được nhắc đến khá nhiều trên các diễn đàn và các kênh thông tin. Tài chính toàn diện được hiểu theo cách khái quát nhất thì đó là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi thành viên trong xã hội đặc biệt là đối với nhóm đối tượng yếu thế, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, góp phần gia tăng cơ hội sinh kế. Sự ảnh hưởng của tài chính toàn diện đến phát triển kinh tế xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo và bất bình đẳng đã được ghi nhận trong các nghiên cứu, hay trong các báo cáo của các nhà nghiên cứu, các tổ chức tài chính quốc tế cũng như của các Chính phủ. Các nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển tài chính toàn diện đã chỉ ra một trong những nhân tố ảnh hưởng đến tài chính toàn diện là nhóm nhân tố đến từ phía cầu liên quan đến đặc điểm nội tại của người tiêu dùng [2, trg. 97]. Bài viết này tập trung phân tích sâu về một nhân tố thuộc về người tiêu dùng, đó là mức độ già hoá dân số. Già hoá dân số là thay đổi cấu trúc các sản phẩm tiết kiệm, tín dụng và làm hình thành một số dịch vụ tài chính mới. Đồng thời, già hoá dân số cũng đòi hỏi mở rộng các phương tiện giao dịch điện tử, giao dịch số đảm bảo sự hiện đại thuận tiện. Thực thi tài chính toàn diện trong bối cảnh già hoá dân số chính là nhận diện và đáp ứng được những sự thay đổi đó. Từ khoá: tài chính toàn diện, già hoá dân số, người cao tuổi 1. Tổng quan về tài chính toàn diện Tài chính toàn diện được tiếp cận và nghiên cứu trên rất nhiều góc độ khác nhau. Quan điểm được nhắc đến nhiều nhất là của Ngân hàng Thế giới khi cho rằng: “Tài chính toàn diện có nghĩa là các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính - các giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm - đáp ứng nhu cầu của họ và có mức chi phí hợp lý, được cung cấp theo một cách thức có trách nhiệm và bền vững”. Với quan điểm của Liên minh Tài chính Toàn diện thì lại cho rằng tài chính toàn diện rộng hơn và đa chiều hơn, nhấn mạnh đến cả khía cạnh chất lượng sử dụng dịch vụ. Hoặc như Liên Hiệp Quốc cho rằng, tài chính toàn diện là "cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý cho người dân" [2, trg 95]. Từ các quan điểm đó cho thấy, tài chính toàn diện được nhìn nhận khá đa chiều, nhưng đều thống nhất khi cho rằng tài chính toàn diện mang đến cho người dân khả năng tiếp cận về các dịch vụ tài chính chất lượng một cách thuận tiện cho tất cả các tầng lớp dân cư, đặc biệt là tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, góp phần hạn chế bất bình đẳng trong nền kinh tế khi đảm bảo khả năng sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính trong hệ thống tài chính chính thức cho mọi đối tượng. Do đó, có thể khái quát quan niệm tài chính toàn diện là “sự đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng hệ thống tài chính chính thức cho tất cả mọi thành phần của nền kinh tế”. Nội hàm của tài chính toàn diện (i) Dịch vụ thanh toán và hệ thống thanh toán quốc gia Nền tảng cơ bản cho tài chính toàn diện là một hệ thống thanh toán quốc gia hoạt động hiệu quả, đồng thời cũng hình thành nền tảng cơ bản cho tài chính toàn diện. Đó là, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; hệ thống thanh toán bán lẻ, đặc biệt là các giao dịch chuyển khoản điện tử; các hệ thống chuyển mạch thẻ; cơ sở hạ tầng xác thực nhân thân (hệ thống định danh); hệ thống thông tin tín dụng và chia sẻ thông tin khác; hạ tầng truyền thông... Đáp ứng cho việc hình thành hệ thống thanh toán quốc gia hoạt động hiệu quả đó là các dịch vụ thanh toán phải sẵn sàng, đơn giản và thuận tiện hướng đến giao dịch phi tiền mặt. Vì thế 311
  2. tài khoản giao dịch (hay tài khoản thanh toán) là một dịch vụ tài chính cơ bản cần được cung cấp cho tất cả mọi người. Việc tiếp cận và sử dụng một tài khoản giao dịch để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán và để giữ tiền là bước đầu tiên trong việc được tiếp cận tài chính đầy đủ. Đây cũng chính là tiền đề để có thể tiếp cận đến toàn bộ sản phẩm và dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của người sử dụng như tín dụng, bảo hiểm, tiết kiệm và đầu tư. Việc chấp nhận và sử dụng rộng rãi tài khoản giao dịch và các dịch vụ tài chính cao hơn sẽ có tác động tích cực tới hệ thống thanh toán quốc gia ít nhất ở 3 khía cạnh: các dịch vụ và cả hệ thống thanh toán sẽ được cải tiến và hiện đại hóa liên tục; gia tăng hiệu suất tổng thể của hệ thống thanh toán quốc gia; những cải cách pháp lý liên quan đến thanh toán mà bắt nguồn từ các mục tiêu tài chính toàn diện đến lượt mình sẽ tạo ra những phát triển tích cực về mặt tổng thể cho hệ thống thanh toán quốc gia. Tất cả những tác động tích cực này lại có thể cải thiện hơn nữa các điều kiện tiếp cận và sử dụng các tài khoản thanh toán nói riêng và tài chính toàn diện nói chung, và như vậy tạo thành một vòng tuần hoàn hiệu quả. (ii) Đa dạng mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ về tài chính Việc đa dạng kênh phân phối và các điểm tiếp cận dịch vụ là việc làm tiếp theo để nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Trong một thế giới công nghệ phát triển nhanh chóng, đặc biệt là công nghệ viễn thông, công nghệ số, khi mạng lưới truyền thống (hay vật lý) của các tổ chức tín dụng như chi nhánh, phòng giao dịch trở nên đắt đỏ về mặt chi phí thì có một số chính sách mới đã chứng tỏ được hiệu quả, bao gồm: thanh toán qua điện thoại di động, phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ ngân hàng số, mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tài chính. (iii) Tăng cường hiểu biết về tài chính cho mọi công dân Thiếu kiến thức và hiểu biết về các loại sản phẩm/dịch vụ tài chính hiện có cũng như các yêu cầu cần thiết để sử dụng các sản phẩm/dịch vụ đó đã khiến người dân thiếu sự tự tin, ngại tiếp cận và thái độ không tin tưởng đối với các sản phẩm/dịch vụ trên thị trường tài chính chính thức. Điều này tạo rào cản lớn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính trên thị trường chính thức, gia tăng số lượng người không tiếp cận sản phẩm ngân hàng, thúc đẩy sự xuất hiện của các sản phẩm/dịch vụ tài chính phi chính thức (thị trường tài chính chợ đen), cản trở sự cải thiện tài chính toàn diện trong mọi quốc gia. Vì vậy, am hiểu về tài chính, sẵn sàng sử dụng và khai thác một cách thuần thục dịch vụ tài chính là cơ sở cho tài chính toàn diện. Vì vậy nhiều quốc gia đã triển khai các chương trình hành động về giáo dục tài chính tiếp cận các đối tượng khác nhau để thông qua giáo dục tăng cường đào tạo kỹ năng và năng lực tài chính cho người dân để họ có thể tiếp cận và sử dụng có trách nhiệm các dịch vụ tài chính, quản lý tốt hơn tình hình tài chính cũng hướng đến mục tiêu là thể hiện tài chính toàn diện. Nhân tố ảnh hưởng đến tài chính toàn diện (i) Mức độ đầy đủ và đa dạng của dịch vụ và sản phẩm tài chính, sự phát triển của các tổ chức tài chính trung gian, sự gia tăng và đa dạng các công cụ tài chính. Nghiên cứu của Jones (2006) nêu rõ rằng sự phát triển các hiệp hội tín dụng cho phép phát triển các sản phẩm tài chính, từ đó người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính hơn [6]. Các tổ chức tài chính này chính là kênh dẫn nguồn tài chính đến với mọi người dân trong xã hội, và rõ ràng khi hệ thống kênh dẫn đầy đủ và đa dạng thì sẽ dễ dàng đưa các dịch vụ tài chính đến với nhiều người hơn. Ngoài ra, khi các tổ chức tài chính đông đảo thì chi phí của dịch vụ tài chính sẽ được giảm thấp để tăng cường cạnh tranh. Điều này sẽ cho phép mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính cho người nghèo và người có thu nhập thấp. (Clamara, 2014) [4]. (ii) Đặc điểm của dân cư. Nhu cầu và khả năng tiết kiệm, đầu tư phụ thuộc nhiều vào đặc trưng của dân cư. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính. Từ lý thuyết về “sự ưa thích thanh khoản” của Keynes, cho thấy, nhu cầu nắm giữ tiền mặt của xã hội xuất phát 312
  3. từ các động cơ: giao dịch, dự phòng và đầu cơ (M. Friedman, 1998) [1, trg 653 ]. Các công bố sau này còn phân tích sâu là nhu cầu nắm giữ tiền cho giao dịch ngoài phụ thuộc vào yếu tố thu nhập thì còn phụ thuộc vào thái độ trước rủi ro, giới tính và thói quen chi tiêu của từng dân tộc. Trong công bố của Phạm Thị Hồng Vân và Trần Thị Thu Hương (2017) đã dẫn chứng các nghiên cứu quốc tế được thực hiện nhằm chứng minh mức độ và khả năng tiếp cận tài chính toàn diện phụ thuộc vào độ tuổi, trình độ học vấn, chức vụ, công ăn việc làm và mức độ chịu đựng các rủi ro của dân cư [2, trg 99-102]. Các phân tích đều dẫn đến kết luận là người có độ tuổi 46 và 57, những người có gia đình, những người có trình độ học vấn cao thì có nhu cầu tiếp cận tài chính toàn diện cao hơn. Còn những đối tượng có mức độ rủi ro cao như: hay ốm đau, dễ mất việc làm, dễ hứng chịu những thảm hoả thiên nhiên thì nhu cầu tài chính toàn diện sẽ thấp hơn. Lưu ý là về yếu tố độ tuổi thì các nghiên cứu đều chỉ minh chứng được là độ tuổi có nhu cầu tiếp cận tài chính toàn diện cao nhất là độ tuổi trên dưới 50 mà thôi. Đặc biệt một nghiên cứu của Cyn-Young và Rogelio (2015) [5] chỉ ra rằng cấu trúc dân số trong xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển tài chính toàn diện của quốc gia. Quốc gia nào có cấu trúc dân số già hoá và tỷ lệ phụ thuộc cao thì tài chính toàn diện có xu hướng kém phát triển hơn. Điều này hoàn toàn hợp lý và được giải thích bởi sự tác động của biến tuổi đã được đề cập tại phần trên. Khi độ tuổi vượt quá ngưỡng giới hạn, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính có xu hướng giảm sút là hoàn toàn có thể. 2. Già hoá dân số Vấn đề già hoá dân số đang được coi trọng trong vấn đề phát triển toàn cầu do tính chất nghiêm trọng không kém gì so với gia tăng dân số. Già hoá dân số gây ra rất nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế, hạ tầng cơ sở và các dịch vụ an sinh xã hội. Trên thế giới, cứ một giây là có hai người tổ chức sinh nhật trong 60 tuổi. Trung bình một năm có gần 58 triệu người tròn 60 tuổi. Hiện nay, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên - còn gọi là nhóm 60+) là nhóm dân số tăng nhanh nhất, nhưng cũng là nhóm dân số nghèo nhất [3, trg 9]. Hiện nay, cứ 10 người cao tuổi thì mới có 1 người trên 60 tuổi, nhưng dự báo vào năm 2050 thì cứ 5 người đã có 1 người trên 60 tuổi [3, trg. 10]. Hình 1: Tỷ lệ người cao tuổi (60+) trên thế giới vào năm 2012 và 2050 60+ chiếm 60+ chiếm 10 -19 % 10 -19 % 60+ chiếm 0-9 % 60+ chiếm trên 30 % 60+ chiếm trên 30 % Nguồn: United Nations Department of Economic and Social Afaires (UNDESA) 313
  4. Chỉ số về già hoá dân số cơ bản là tỷ lệ người cao tuổi (trên 60 tuổi) trên tổng dân số. Chỉ số này đang tăng nhanh ở mọi khu vực với những tốc độ khác nhau. Như vậy có thể nhận định già hoá dân số là một vấn đề của toàn cầu. Nhìn trên Hình 1 cho thấy vào năm 2012, ở toàn khu vực châu Á, chỉ tiêu này chỉ ở bậc thứ 1, tức là từ 0 - 9 %. Sau 38 năm khu vực châu Á đã có sự phân chia rõ rệt: ở Bắc Á thì chỉ tiêu này đã tăng lên trên 30%, tương đương bậc 5 là bậc cao nhất trong già hoá dân số. Khu vự Nam Á, Đông Nam Á tăng lên bậc 2 tức là từ 10-19%. Khu vực châu Mỹ thì đã nhảy từ bậc 2 lên bậc 5 vào năm 2050. Tương tự như vậy đối với toàn khu vực châu Âu. Riêng khu vực Tây Âu thì mức độ già hoá dân số đã ở bậc cao nhất vào năm 2012. Những khu vực có cấu trúc dân số trẻ thì tốc độ già hoá lại càng nhanh. Nếu so sánh tốc độ gia tăng người cao tuổi trong tháp dân số ở các khu vực (Hình 2) cho thấy, trong vòng 18 năm (từ 2012-2030), tỷ trọng người trên 60 tuổi tăng 5% đối với khu vực châu Á còn khu vực châu Âu là 6%. Nhưng dự báo trong 20 năm tiếp theo (từ 2030-2050) thì châu Á có tỷ trọng người trên 60 tuổi đã tăng 8,6%, gần gấp đôi mức gia tăng của ở châu Âu là 5%. Mức tăng tỷ trọng dân số trên 60 tuổi ở khu vực Châu Phi ở các giai đoạn từ 2012-2030 và 2030-2050 lần lượt là 1% và 3,5%; khu vực Châu Mỹ La tinh và Biển Caribee là 6,5% và 8,5%; và 6% và 2,3% đối với khu vực Bắc Mỹ và Châu Đại Dương. Hình 2: Tỷ lệ dân số 60+ ở các Châu lục Nguồn: United Nations Department of Economic and Social Afaires (UNDESA) 3. Những tác động của già hoá dân số và mối liên hệ với tài chính bền vững Già hoá là một thành tựu của quá trình phát triển. Nâng cao tuổi thọ là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của loài người. Hiện nay có tới 33 quốc gia đạt được tuổi thọ trung bình trên 80 tuổi, trong khi đó 5 năm về trước con số này chỉ là 19 quốc gia. Dự báo đến năm 2050 sẽ có 65 nước có trên 30% dân số từ 60 tuổi trở lên [3, trg 12]. Quá trình biến đổi nhân khẩu học này không ngừng có những tác động đến nền kinh tế. Đặt trong mối liên hệ với tài chính toàn diện có thể đánh giá các tác động trên các góc độ như sau: Thứ nhất, già hoá dân số sẽ gia tăng nhu cầu giao dịch điện tử, nhưng đòi hỏi các giao dịch điện tử phải hiện đại và thuận tiện. 314
  5. Trong xã hội già hoá dân số, giao dịch có tính chất thường xuyên và có quy mô lớn sẽ là giao dịch liên quan đến chi trả lương hưu. Trong môi trường tài chính toàn diện thì việc chi trả lương hưu cho một bộ phận đông đảo dân cư chắc chắn không thể thực hiện bằng tiền mặt. Nói cách khác là điện tử hoá thậm chí số hoá chi trả lương hưu. Tuy nhiên, người cao tuổi lại chờ đợi các giao dịch này có tính hiện đại nhưng đơn giản và thuận tiện. Hiện đại để làm giảm bớt việc di chuyển của người cao tuổi đến các địa điểm nhận lương hưu bằng tiền mặt. Đơn giản và thuận tiện để đáp ứng với đối tượng khách hàng có những hạn chế nhất định về trí nhớ, sức khoẻ và năng lực tiếp nhận và sử dụng những công nghệ hiện đại. Nếu các tổ chức tài chính nhận thức và thay đổi kịp thời đến sự thay đổi của thị trường dịch vụ này sẽ đảm bảo mở ra một thị trường lớn cho các giao dịch thanh toán điện tử và giao dịch số. Đồng thời đáp ứng được với nhu cầu của phần đông công dân thì sẽ thể hiện được nội hàm của tài chính toàn diện. Thứ hai, già hoá dân số sẽ làm thay đổi cấu trúc các sản phẩm tiết kiệm, tín dụng và hình thành mới các nhu cầu về dịch vụ tài chính mới. Tài chính toàn diện là cho phép mọi công dân đều được đáp ứng về nhu cầu tiết kiệm. Trong nền kinh tế có dân số trẻ, các sản phẩm tiết kiệm, tín dụng hoặc bảo hiểm phải đáp ứng được với nhu cầu của người trẻ, ví dụ: cho vay trả góp mua nhà, mua xe ô tô, cho vay tiêu dùng hoặc các sản phẩm chéo giữa tiết kiệm - giáo dục; tín dụng - mua sắm; bảo hiểm nhân thọ - an sinh giáo dục hoặc các sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khẻo chỉ dành cho người dưới 60 tuổi… Bước sang giai đoạn dân số già hoá, muốn thực thi tài chính toàn diện cần thay đổi cấu trúc các sản phẩm này, tức là phải đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi. Một trong những nhu cầu thường trực và thiết yếu của đối tượng này là nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh, nhu cầu các dịch vụ dưỡng sinh. Vì thế, muốn thực thi tài chính toàn diện trong bối cảnh này, các sản phẩm cần thay đổi và đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Tiếp theo, già hoá dân số sẽ hình thành nhu cầu về dịch vụ quản lý và đầu tư quỹ hưu trí, và thực thi tài chính toàn diện chính là đáp ứng được với những nhu cầu này. Để chuẩn bị cho thời kì già hoá dân số, các chế độ hưu trí sẽ được đổi mới và đa dạng nhầm đảm bảo tiêu chí “tồn tại những người nghỉ hưu giàu có”. Ngoài chế độ hưu trí cơ bản thì sẽ xây dựng thêm chế độ hưu trí bổ sung hoặc hưu trí tự nguyện. Về bản chất triển khai các chế độ hưu trí này là đang chuẩn bị tương lai cho tài chính toàn diện khi mà nền dân số rơi vào thời kì già hoá. Trong nền kinh tế lúc đó sẽ hình thành các tài khoản hưu trí bổ sung và tài khoản hưu trí tự nguyện, cũng như hình thành nhu cầu quản lý và đầu tư quỹ hưu trí bổ sung hoặc quỹ hưu trí tự nguyện. Quan trọng là xã hội đòi hỏi chất lượng quản lý và đầu tư để đảm bảo sự an toàn và sinh lời trong dài hạn. Điều đó mở ra cơ hội cho các định chế tài chính để mở rộng dịch vụ của mình cũng như gia tăng thu nhập. Đồng thời đáp ứng với nhu cầu về dịch vụ quản lý quỹ của chính người cao tuổi trong xã hội. Đó là sự thay đổi căn bản trong cơ cấu dịch vụ tài chính của xã hội. Phát triển tài chính toàn diện chính là nhìn thấy những thay đổi đó và đáp ứng nó. 4. Kết luận Già hoá dân số là một hiện thực đang diễn ra ở nhiều nước phát triển và sẽ đến với các nước đang phát triển. Nói cách khác, già hoá dân số trên phạm vi toàn cầu là một tương lai gần. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đây là một thành tựu của loài người khi kéo dài tuổi thọ cho người dân. Nhưng điều đó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế xã hội. Đặt trong môi trường tài chính toàn diện thì thách thức của hiện tượng già hoá dân số đòi hỏi sự thay đổi căn bản về chủng loại, cấu trúc và chất lượng của các dịch vụ tài chính, sao cho vẫn giữ được tôn chỉ của tài chính toàn diện là “đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính cho mọi thành phần của nền kinh tế”. 315
  6. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. F. Mihskin, Tiền tệ, Ngân hàng và thị trường Tài chính, NXB Khoa học và kĩ thuật, 1998. 2. Phạm Thị Hồng Vân, Trần Thị Thu Hường, Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển tài chính toàn diện - Giải pháp đối với Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy tiếp cận tài chính tại Việt Nam”, 2017. 3. Báo cáo về già hoá dân số và người cao tuổi ở Việt Nam, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA). 4. Clamara, N., Pena, X, Tuesta, D. (2014), Factors that matter for financial inclusion: Evidence from Peru, BBVS Research, Mardridh. 5. Cyn-Young, P. Rogelio, M. (2015), Financial inclusion, poverty, and income inequality in developing Asia, No.426, Asian Development Bank. 6. http://khoahocnganhang.org.vn/news/wp-content/uploads/2017/09/So-luoc-tai-chinh- toan-dien.pdf 316
nguon tai.lieu . vn