Xem mẫu

  1. Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam Tống Thị Minh Phương Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Chuỗi giá trị toàn cầu (global value chain-GVC) là một khái niệm kinh tế nổi bật trong thế kỉ 21 và cũng là một trong những chìa khóa phát triển cho những nước đang phát triển như Việt Nam, bởi sản xuất, thương mại và đầu tư quốc tế ngày càng được quy tụ, liên kết và tổ chức trong các GVC, nơi các giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất được đặt ở các quốc gia khác nhau. Sự hình thành của GVC đi cùng với toàn cầu hóa đã trở thành một xu hướng tất yếu. Hiện nay, các nhà lý luận và hoạt động thực tiễn cho rằng có chủ yếu hai lộ trình để tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, một lộ trình thấp - tăng trưởng bần cùng hóa, các nhà sản xuất phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và bước vào “cuộc đua đến tận đáy”, hoặc một lộ trình cao, khi các nhà sản xuất hay các nước có sự hòa nhập tốt vào nền kinh tế toàn cầu, đạt được tăng trưởng thu nhập bền vững, theo Kaplinsky & Morris (2001). Vì vậy, tham gia thành công và với lộ trình phù hợp vào GVC cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các nền kinh tế trên thế giới trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, đặc biệt là với các nước đang phát triển như Việt Nam. Mặc dù nằm trong số các quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới đối với một số mặt hàng nông sản, phần lớn hàng nông sản của nước ta được xuất dưới dạng thô, giá trị xuất khẩu chưa được cao như sản phẩm tương tự có xuất xứ từ quốc gia khác. Xuất đi nhiều thị trường, nhưng tỷ trọng nông sản chế biến sâu được xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 25-30% tổng sản lượng nông sản, nhiều sản phẩm đạt dưới 10%, con số rất hạn chế và thấp hơn rất nhiều các quốc gia ASEAN. Do tính cấp thiết của việc gia nhập vào GVC trong hoạt động kinh tế quốc tế đến sự phát triển nền kinh tế của Việt Nam, vấn đề này từ lâu đã được đề cập đến trong các đề tài nghiên cứu khoa học, công trình nghiên cứu đã xuất bản, và được bàn luận sôi nổi ở các hội thảo chính sách 103
  2. và diễn đàn kinh tế nhiều năm nay. Tuy nhiên, mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm, sự tham gia của Việt Nam, cụ thể là các doanh nghiệp trong nước vào GVC hàng nông sản chưa thực sự đạt được như kỳ vọng, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và trở ngại. Mặc dù tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng Việt Nam vẫn là một nước đi sau trong quá trình tham gia vào GVC so với các nước phát triển và một số nước trong khu vực ASEAN. Sự xuất hiện của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có ý nghĩa như thế nào đến sự tham gia vào các GVC của nông sản Việt Nam? Những năm gần đây, từ khi Việt Nam bắt đầu đàm phán và ký kết FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), nhiều nhà đầu tư nước ngoài cùng với nguồn vốn quốc tế đã tìm đường đổ vào các ngành kinh tế của Việt Nam để đón đầu các cơ hội kinh doanh, xuất nhập khẩu do các FTA này mang lại. Tuy nhiên, theo số liệu tổng vốn đầu tư đăng ký (lũy kế còn hiệu lực) đến 20/12/2020, tỉ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm gần 1% trên tổng số vốn vào các ngành kinh tế, FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 59% tổng nguồn vốn FDI (Cục Đầu tư Nước ngoài, 2020). Vậy nên, chương “Tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đến sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam” nhằm phát triển thêm lý thuyết về GVC ngành nông sản và FTA thế hệ mới, cũng là một trong những điều kiện quan trọng, để tận dụng được hết các cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị nông sản khu vực và thế giới mà những hiệp định này mang lại. Thêm vào đó, tác giả cũng mong đóng góp ý kiến cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý tại Việt Nam để nắm bắt cơ hội giúp Việt Nam đạt được tham vọng tham gia vào GVC ngành nông sản. 2. LÝ LUẬN VỀ CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU, HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI VÀ THAM GIA VÀO GVC CỦA NÔNG SẢN VIỆT NAM 2.1. Lý thuyết về chuỗi giá trị toàn cầu Chuỗi giá trị toàn cầu - GVC là một đề tài gây nhiều chú ý và thu hút nhiều tranh luận trên thế giới, trong đó việc áp dụng phân tích GVC vào 104
  3. xem xét hiệu quả các mắt xích và việc gia nhập/nâng cấp trong chuỗi, mối quan hệ giữa GVC và phát triển kinh tế, GVC và các hiệp định thương mại sâu sắc, thế hệ mới đã được suy xét đến. Khái niệm chuỗi giá trị toàn cầu đã được giới thiệu và biết đến từ nhiều năm nay. Khái niệm này được sử dụng trong quản lý kinh doanh và lần đầu tiên được mô tả bởi Michael Porter (1985) trong cuốn sách, Lợi thế cạnh tranh: Tạo ra và duy trì hiệu suất cao (Competitive Advantage: Creating and Sustaining Superior Performance). Chuỗi giá trị là một tập hợp các hoạt động mà một công ty hoạt động trong một ngành cụ thể thực hiện để cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị cho thị trường. Khái niệm về chuỗi giá trị như công cụ hỗ trợ quyết định, đã được thêm vào mô hình chiến lược cạnh tranh của Porter, được phát triển vào đầu năm 1979. Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa số 04/2017/QH14 của Việt Nam định nghĩa chuỗi giá trị là mạng lưới liên kết tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm các giai đoạn tiếp nối nhau từ hình thành ý tưởng, thiết kế, sản xuất, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Nhìn chung, các học giả và nhà chính sách có sự đồng thuận lớn về nội dung khi đưa ra khái niệm của chuỗi giá trị. Khái niệm và tầm quan trọng của phân tích GVC lần đầu tiên được giới thiệu vào những năm 1990 trong bối cảnh phát triển (công nghiệp), (Gereffi và cộng sự, 1994) và dần dần được tích hợp vào chính sách phát triển của Ngân hàng Thế giới, UNCTAD, OECD và những nhà nghiên cứu và cơ quan nghiên cứu khác. Kaplinsky và Morris (2001) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân tích chuỗi giá trị trong việc hỗ trợ các nước, các nhà sản xuất tham gia hữu hiệu vào nền kinh tế toàn cầu, thông qua xem xét các công trình nghiên cứu lý thuyết cơ bản và phương pháp luận để nghiên cứu chuỗi giá trị. Hai nhà nghiên cứu cũng chỉ ra có chuỗi giá trị cơ bản và chuỗi giá trị mở rộng, sử dụng phương pháp luận đưa ra các loại hình nâng cấp trong chuỗi giá trị, các yếu tố cản trở và hỗ trợ quá trình nâng cấp. Vai trò của GVC đối với thương mại quốc tế và phát triển quốc gia cũng được đánh giá qua nhiều nghiên cứu. Theo Tổng thư ký OECD (Gurría 2012) sự xuất hiện của GVC vào cuối những năm 1990 đã cung 105
  4. cấp một chất xúc tác cho sự thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế, của chính phủ cũng như doanh nghiệp. Thông qua các GVC, sự liên kết tương tác lẫn nhau gia tăng khi các doanh nghiệp đa quốc gia đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong quốc tế hóa hoạt động kinh doanh. Nói về tầm quan trọng của GVC trong sự phát triển của mỗi quốc gia, Richard Baldwin (2014) tin rằng GVC là một điểm cố định mà các nhà hoạch định chính sách công nghiệp hóa của các quốc gia đang phát triển cần phải đi qua, bởi không có một nỗ lực công nghiệp hóa nào trong vòng 20 năm qua thành công nếu như bỏ qua tầm quan trọng của GVC. 2.2 Mối quan hệ giữa các FTA thế hệ mới và GVC Mối quan hệ này cũng đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của nhiều nhà nghiên cứu. Theo Miroudot, Rouzet & Spinelli (2013), rất khó để đánh giá quan hệ nhân quả liệu các hiệp định thương mại khu vực (RTA) có làm tăng sự tham gia của GVC hay chính các GVC thúc đẩy sự phát triển của các RTA. Hầu hết các nghiên cứu đã đi xem xét liệu các RTA có thúc đẩy GVC hay không, tập trung vào các tác động của việc tích hợp sâu hơn vào mạng lưới sản xuất như ở các nghiên cứu của Lawrence (1996), Yi (2003), Baier & Bergstrand (2004 & 2007), Pomfret & Sourdin (2009), Hayakawa & Yamashita (2011), Brooks & Ferrarini (2012) (Miroudot, Rouzet & Spinelli, 2013). Tuy nhiên, cũng có các nghiên cứu cho rằng RTAs chỉ đóng một vai trò khiêm tốn trong việc nảy nở các GVC như UNESCAP (2011) và Menon (2013), đặc biệt là ở khu vực Đông và Đông Nam Á (Miroudot, Rouzet & Spinelli, 2013). Lawrence (1996) là chỉ ra để thúc đẩy sản xuất xuyên biên giới diễn ra thuận lợi hơn, quốc gia cần đưa ra các chính sách tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh quốc tế diễn ra, dẫn đến sự cần thiết của các hình thức tích hợp sâu, các thỏa thuận bao gồm các quy tắc như cơ sở hạ tầng, thể chế, chính sách cạnh tranh, tiêu chuẩn hóa và hài hòa hóa các quy định sản phẩm, sẽ làm cho các hoạt động chia sẻ sản xuất an toàn hơn và ít gặp phải sự gián đoạn hoặc hạn chế. Sau này, Antràs và Staiger (2012) đã mô hình hóa sự tương tác giữa các mạng sản xuất quốc tế và hội nhập sâu rộng. Sự gia tăng dòng chảy thương mại bao gồm việc trao đổi đầu vào, hợp đồng 106
  5. và chi phí liên quan đến việc tìm kiếm nhà cung cấp đầu vào nước ngoài phù hợp, đã tạo ra các hình thức mới của hiệu ứng chính sách xuyên biên giới so với trường hợp hàng hóa được sản xuất tại một địa điểm. Do đó, bản chất thương mại đã thay đổi từ thương mại hàng hóa cuối cùng sang thương mại hàng hóa trung gian, dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng đối với các thỏa thuận sâu sắc hơn để có thể giải quyết các vấn đề xuyên biên giới mới này. Orefice và Rocha, (2014) cũng dựa trên nghiên cứu thực nghiệm chứng minh rằng có một liên kết qua lại hai chiều giữa hội nhập sâu và thương mại mạng sản xuất. Những phát hiện cho thấy rằng việc ký kết các hiệp định sâu sắc hơn sẽ làm tăng thương mại trong các mạng lưới sản xuất giữa các nước thành viên với mức trung bình gần 35%. Đối với tác động của các mạng lưới sản xuất thương mại đến hội nhập sâu, kết quả cho thấy mức độ thương mại cao hơn trong các mạng lưới sản xuất làm tăng khả năng ký các thỏa thuận sâu hơn khoảng 6%. Dominique Bruhn (2014) đã diễn giải tác động của các hiệp định thương mại ưu đãi trong bối cảnh GVC. Do GVC ngụ ý mối liên hệ chặt chẽ giữa các vấn đề thương mại và đầu tư, không chỉ các rào cản thương mại truyền thống mà còn cả các chính sách hậu biên có ảnh hưởng lớn đến việc các quốc gia tham gia vào GVC, cũng như họ nắm bắt được bao nhiêu giá trị trong đó. Các FTA sâu sắc đã nổi lên trong những thập kỷ qua không chỉ loại bỏ thuế quan, mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực chính sách khác cung cấp một khung quản trị kinh tế bổ sung cho các thể chế trong mỗi quốc gia. Theo nghĩa đó, vai trò của những hiệp định này đối với việc tích hợp vào các mạng sản xuất quốc tế cần được suy xét cẩn thận. 2.3. Việt Nam tham gia vào các GVC Theo một số nghiên cứu, Việt Nam sẽ nằm trong số các quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ việc tham gia, ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới và sâu sắc như là CPTPP hay EVFTA (Baker, Vanzetti va Huong (2014); World Bank, (2016); PIIE (2016); Petry, Plummer và Zhai (2012)). Theo báo cáo của ADB (2015), việc mở cửa nền kinh tế của Việt Nam tham gia các hiệp ước thương mại đã thúc đẩy FDI, xuất khẩu và phát triển kinh tế. Dòng vốn FDI trung bình hàng năm là 7,3 tỷ USD từ năm 2007 đến năm 107
  6. 2014. Thương mại quốc tế tăng đã nâng tỷ lệ thương mại trên GDP lên 170%. Sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc liên kết nhiều công ty trong nước hơn nữa trong GVC để họ có thể hưởng lợi từ nguồn vốn và công nghệ nước ngoài và tiếp cận thị trường toàn cầu, cũng như tạo ra lợi nhuận cho toàn bộ nền kinh tế. Theo Kummritz và cộng sự (2016), xét theo ngành kinh tế, giá trị gia tăng của Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng ở mức hai chữ số ở hầu hết các ngành, thể hiện mức tăng trưởng cao nhất trong số các nước cùng khu vực, bao gồm cả kinh doanh nông sản. Hollweg và cộng sự (2017) nhấn mạnh rằng các lợi ích và thách thức với các FTA thế hệ mới tồn tại song song như là EVFTA sẽ mở khóa toàn bộ hệ thống GVC của châu Âu, và tăng cường tiếp cận thị trường từ các hiệp định thương mại này dự kiến sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí thương mại, nhưng cũng đi cùng với thách thức để tận dụng những cơ hội này. Đáng chú ý là, những thỏa thuận mới này liên quan đến các nền kinh tế ở vị trí trung tâm công nghệ của thế giới, có thể cung cấp thêm các hiệu ứng lan tỏa. Kết nối với các trung tâm công nghệ, chẳng hạn như Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ, là thiết yếu cho việc nâng cao năng suất và thúc đẩy nâng cấp thông qua lựa chọn của người tiêu dùng có thu nhập cao. Tuy nhiên, Berger và cộng sự (2016) đã nhận định rằng ngày nay PTAs không phải là sự đảm bảo cho sự tham gia tốt vào GVC của Việt Nam và cũng yêu cầu rất nhiều chính sách kèm theo ở trong nước. Các tác giả chỉ ra các thách thức phải đối mặt như là các quy tắc chặt chẽ trong các hiệp định thương mại thế hệ mới, hoạt động kinh doanh trong nước chưa sẵn sàng trước xu thế mới, năng suất lao động thấp, xuất khẩu phụ thuộc FDI, theo đó là đưa ra các khuyến nghị về chính sách và công cụ hỗ trợ, đánh giá tiềm năng gia nhập GVC và tiến đến vị trí cao hơn trong chuỗi. Như vậy, mặc dù có rất nhiều tài liệu liên quan đến phân tích GVC và việc nâng cao chất lượng tham gia vào GVC, cũng như đánh giá tác động của các FTA thế hệ mới đến phát triển kinh tế, nhưng nghiên cứu về tác động của những FTA sâu sắc thế hệ mới đến việc tham gia vào GVC của nông sản Việt Nam thì còn rất hạn chế. Mật độ tác động của các FTA này 108
  7. như thế nào? Những tác động này sẽ thông qua các kênh nào, trực tiếp hay gián tiếp? Đặc biệt, là những cơ hội mang đến nhờ FTA thế hệ mới thúc đẩy và thách thức cản trở việc tham gia vào các chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp. Các nghiên cứu đã công bố trong và ngoài nước liên quan đến chủ đề này đã cung cấp những dẫn chứng cơ bản làm căn cứ cho việc nghiên cứu chủ đề này. 3. THỰC TRẠNG NÔNG SẢN VIỆT NAM THAM GIA VÀO GVC 3.1. Đường lối, chính sách của Việt Nam Việc tích cực hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu của Việt Nam đã hỗ trợ và tạo sức ép, động lực cho sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam, cũng như sự tham gia của nông sản Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995, và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 đã mang lại nhiều thuận lợi và tạo đà cho quá trình hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Năm 2011, trong Quyết định số: 2471/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, quan điểm chiến lược bao gồm: tích cực và chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng xây dựng và phát triển hàng hóa có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Quyết định cũng nêu ra định hướng chung là phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu một cách hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Tuy chiến lược và định hướng xuất khẩu này đã ra đời được gần chục năm, nội dung của nó vẫn cần thiết trong tình trạng hiện nay của hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 và sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành trong giai đoạn tới, các quan điểm, định hướng về xuất khẩu bền vững. 109
  8. Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì khái niệm nông sản được quy định cụ thể như sau: Nông sản là sản phẩm của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp. Nghị định 57/2018/NĐ-CP áp dụng đối với doanh nghiệp nhận ưu đãi và hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và có dự án đầu tư quy định tại khoản 3, 4, 5, Điều 3 Nghị định 57/2018/NĐ-CP; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP. Về chính sách pháp luật, theo điều 16, Luật Đầu tư Số: 61/2020/QH14 ban hành ngày 17/06/2020 đề cập đến (1) đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư có bao gồm: dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (2) các ngành, nghề ưu đãi đầu tư có bao gồm: nuôi trồng, chế biến nông sản (3) hình thức ưu đãi đầu tư bao gồm: ưu đãi thuế, tiền sử dụng và thuê đất, khấu hao và tính chi phí. 3.2. Tình hình tham gia vào GVC của nông sản Việt Nam Việt Nam đã gặt hái được một số thành công bước đầu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào GVC, nhưng dần dần bộc lộ những nhược điểm trong quá trình này. Việc tham gia vào GVC của nông sản Việt Nam còn hạn chế. Mặc dù quy mô xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng đầu thế giới với nhiều mặt hàng, hầu hết các mặt hàng được xuất khẩu dưới dạng thô, hàm lượng chế biến, giá trị xuất khẩu chưa cao, dẫn đến yêu cầu xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản đáp ứng được nhu cầu của thị trường quốc tế (Nguyễn Đình Quyết, 2020). Tương tự đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nước nhà, khi nhiều nhà nghiên cứu đã miêu tả Việt Nam nổi lên như một nhà máy sản xuất của châu Á chuyên về các chức năng lắp ráp cho các công ty nước ngoài, khâu có giá trị thấp trong các công đoạn của GVC. Thực tế cho thấy nền kinh tế trong nước đã được hưởng lợi từ chiến lược phát triển định hướng xuất khẩu này, cơ hội xuất khẩu đã tạo ra việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và những nghiên cứu gần đây, một loạt các nhân tố cản trở việc tham gia 110
  9. vào GVC như năng suất lao động thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với nước ngoài, lao động trình độ thấp, nền sản xuất manh mún trong nước là những nhược điểm trong bối cảnh các GVC đang ngày càng trở nên phức tạp, tinh vi hơn. Về phía các doanh nghiệp trong nước, khó khăn được cho là đến từ việc không đáp ứng được yêu cầu giá do chi phí đầu vào cao, khó cung cấp được các đơn hàng lớn, thiếu tiêu chuẩn quản lý phù hợp, thiếu kênh phân phối, năng lực thương mại hạn chế, yếu về thông tin thị trường, xu thế, công nghệ, nhà cung cấp… (Vũ Khuê, 2019). Ngành nông nghiệp đã có những cố gắng trong cải thiện tổ chức, sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống thương mại quốc tế trong phân phối, tiêu thụ toàn cầu (Nguyễn Đình Quyết, 2020). a) Liên kết thượng nguồn: Nguồn gốc ngành hàng nông sản được nhập khẩu vào Việt Nam để phục vụ xuất khẩu trong GVC Dựa trên số liệu GVC năm 2017 của RIVA (Hội nhập khu vực và phân tích chuỗi giá trị1) ta có thể thấy được nguồn gốc của hàm lượng nhập khẩu trong xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các nước trong khu vực ASEAN đến từ nguồn nào. Với mỗi màu sắc, thể hiện 1 khu vực khác nhau (hình 1). Hình 1 thể hiện hàm lượng nhập khẩu trong xuất khẩu nông, lâm nghiệp, thủy sản ở các quốc gia ASEAN phần lớn đến từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi hàm lượng nhập khẩu trong ngành hàng nông lâm nghiệp, thủy sản phục vụ xuất khẩu phần lớn đến từ khu vực này, cụ thể, 29,39% có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá trị 817,51 triệu USD, 6,45% đến từ Nhật Bản với 179,39 triệu USD, Thái Lan 5.6% với 155,69 triệu USD, Hàn Quốc 4,46% với 124,15 triệu USD,... (Hình 2). 1 Chương trình được phát triển bởi Ban Thương mại, Đầu tư và Đổi mới của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ủy ban Kinh tế Châu Mỹ Latinh và Caribe, Ủy ban Kinh tế Châu Phi và Diễn đàn Đông Á - Châu Mỹ Latinh 111
  10. Hình 1. Nguồn gốc của hàng lượng nhập khẩu trong xuất khẩu nông, lâm nghiệp, thủy sản của các nước ASEAN (Nguồn: RIVA, 2017) Ở khu vực Bắc Mỹ, Mỹ và Canada là nguồn cung cấp nông lâm thủy sản, hàng đầu cho Việt Nam để phục vụ xuất khẩu, trong đó Mỹ chiếm 6,55% tương đương 182,14 triệu USD. Khu vực Nam Mĩ, Brazil đóng góp 3,01% tương đương 83,83 triệu USD vào nguồn cung nhập khẩu để phục vụ xuất khẩu cho Việt Nam, bên canh đó còn có Argentina, Mehico, Peru... (Biểu đồ 2) Khu vực Châu Âu, năm 2017 cũng đóng góp một phần vào hàm lượng nhập khẩu phục vụ xuất khẩu với một số quốc gia chính như: Đức, Anh, Hà Lan, Ý, Thụy Sĩ, Bỉ … Hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ có đóng góp đáng kể hàm lượng nông sản nhập khẩu phục vụ xuất khẩu cho Việt Nam cho GVC đều đã là các quốc gia hiện đang kí kết hiệp định thương mại với Việt Nam, đặc biệt là loạt hiệp định kí kết gần đây: CPTPP, EVFTA, RCEP. Tuy nhiên, số liệu mà RIVA cung cấp hiện chỉ dừng lại ở năm 2017, số liệu cập nhật sẽ rất cần thiết để phản ánh toàn cảnh sự tham gia của hàng nông sản Việt Nam vào GVC, và tác động của các hiệp định mới. 112
  11. Hình 2. Hàm lượng nhập khẩu trong hàng nông lâm nghiệp, thủy sản phục vụ xuất khẩu đi khắp thế giới của Việt Nam đến từ đâu? (Nguồn: Tác giả dịch từ dữ liệu và biểu đồ của RIVA, 2017) Tổng giá trị xuất khẩu của hàng nông sản Việt Nam năm 2017 là 9,67 tỷ USD. Trong đó, giá trị khối lượng nông sản nhập khẩu vào Việt Nam trong tổng giá trị xuất khẩu ra Thế giới là 2,78 tỷ USD. b. Liên kết xuôi: Việt Nam đóng góp vào ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu của thế giới (GVC nông sản) Nếu tính theo khu vực thì xuất khẩu của các nước ASEAN đều đóng góp một phần lớn vào sản xuất phục vụ xuất khẩu của GVC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trừ Singapore, quốc gia xuất khẩu nông sản đi các quốc gia khắp thế giới chiếm ưu thế hơn là khu vực. (Biều đồ 3). Xuất khẩu nông sản của Việt Nam tuy đóng góp tỉ lệ hạn chế vào ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu của các nền kinh tế trên thế giới nhưng lại đa dạng vì được xuất đi các khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới, trong khi xuất khẩu nông sản của Lào, Campuchia, hay Brunei đóng góp chủ yếu cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Hình 3). 113
  12. Hình 3. Đóng góp xuất khẩu của các nước ASEAN vào ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu của nền kinh tế khác (theo khu vực) Tổng xuất khẩu của Việt Nam ngành nông sản là 9,63 tỷ USD năm 2017 theo (RIVA, 2017), trong đó 1,01 tỷ USD giá trị xuất khẩu của Việt Nam đóng góp vào ngành sản xuất xuất khẩu của nền kinh tế khác, đặc biệt, các nước trên thế giới (30,88%), Malaysia (12,72%), Úc (11,2%), Trung Quốc (7,37%), Mỹ (7,16%), Hà Lan (4,65%), Hàn Quốc (4,39%),…(Hình 4). Hình 4. Tỉ lệ đóng góp giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào sản xuất phục vụ xuất khẩu của các nền kinh tế khác trên thế giới (Nguồn: Tác giả dịch từ dữ liệu và biểu đồ của RIVA, 2017) 114
  13. Tuy nhiên, số liệu mà RIVA ở đây cũng chỉ cung cấp đến năm 2017, số liệu cập nhật sẽ rất cần thiết để phản ánh toàn cảnh sự tham gia của hàng nông sản Việt Nam vào sản xuất phục vụ xuất khẩu ở các nền kinh tế khác trên thế giới, và tác động của các hiệp định mới ký kết giai đoạn gần đây trong việc góp phần giúp tích hợp nông sản Việt Nam vào GVC. 3.3. Các FTA thế hệ mới và sự tham gia vào chuỗi giá trị hàng nông sản Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã từng bước thúc đẩy thương mại quốc tế và cũng gặt hái được nhiều thành công đáng kể góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, tham gia ký kết các hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, trong số đó là những đối tác thương mại lớn trên thế giới. Nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương giữa Việt Nam và các nước được ký kết đã tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao trong các năm trở lại đây. Bên cạnh đó, các FTA này cũng làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nguồn vốn FDI và các MNCs, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, đi cùng với cơ hội bước vào GVC của họ. Theo đánh giá của WB, hiện Việt Nam có giá trị xuất khẩu trên GDP cao hơn nhiều nước và doanh nghiệp FDI đang chiếm tới 3/4 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chưa thể đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng sản phẩm để tham gia GVC cùng các nhà sản xuất lớn, thiếu nhà cung cấp trong nước, hoặc là năng lực sản xuất thấp, công nghệ lạc hậu, chỉ tham gia ở các giai đoạn giá trị gia tăng thấp. Gần đây, trên cơ sở “chủ động, tích cực” tăng cường hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã kiên định trong việc đàm phán và ký kết một loạt các FTA thế hệ mới, với các điều khoản toàn diện, sâu sắc và chất lượng cao bao quát thương mại, đầu tư và nhiều chủ đề liên quan, với những quốc gia là những đối tác kinh tế năng động, có tiềm lực kinh tế và tiềm năng phát triển hàng đầu trên thế giới. Cho tới thời điểm hiện tại, các hiệp định này bao gồm: FTA Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh - UKVFTA (do hiệp định này được đàm phán dựa trên kế thừa nội dung EVFTA), và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái 115
  14. Bình Dương - CPTPP với 11 nước thành viên là Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam (sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định này). Sở dĩ được coi là “thế hệ mới” bởi các FTA này bao gồm cả các nội dung vốn được coi là “phi thương mại” như: lao động, môi trường, doanh nghiệp Nhà Nước (DNNN), cam kết phát triển bền vững và quản trị tốt; các nội dung mới hơn như: đầu tư, cạnh tranh, mua sắm công, thương mại điện tử, khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển; và các nội dung có trong quy định WTO nhưng sâu sắc hơn như thương mại hàng hóa, bảo vệ sức khỏe động vật và thực vật trong thương mại quốc tế, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ (IPR), tự vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, minh bạch hóa và chống tham nhũng, giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài (Nguyễn Thanh Tâm, 2016). Lê Thị Thúy (2017) cho rằng các đặc điểm FTA thế hệ mới là (i) có mức độ tự do hóa sâu với việc xóa bỏ phần lớn các dòng thuế quan, (ii) phạm vi cam kết rộng, (iii) có nhiều cam kết về thể chế, chính sách pháp luật nội địa, (iv) đối tác FTA đặc biệt lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…Trong một số FTA thế hệ mới còn có thêm đặc điểm là không có lộ trình đệm - kí và thực thi ngay, hay Nhà Nước cũng là một đối tượng của luật FTA khi cơ chế nhà đầu tư có thể kiện Nhà Nước sở tại nếu như vi phạm xảy ra (so với cơ chế truyền thống Nhà Nước kiện Nhà Nước ở WTO). Những năm gần đây, việc tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới trong việc tham gia vào GVC, tạo nên các GVC mới hay thúc đẩy dịch chuyển GVC vào Việt Nam đã thu hút sự quan tâm từ phía hoạch định chính sách cũng như khu vực nghiên cứu. Nếu như CPTPP tạo nên GVC giữa 11 thành viên năng động trong thương mại quốc tế là Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam (Mỹ vẫn để ngỏ khả năng quay lại CPTPP trong tương lai), thì EVFTA lại giúp Việt Nam tiếp cận, mở khóa toàn bộ GVC giữa 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu. UKVFTA giúp Việt Nam tiếp cận Vương quốc Anh, cơ hội thương mại và đầu tư song phương còn nhiều tiềm năng để phát triển. Và sự ký kết và đi vào thực thi các FTA thế hệ mới này sẽ góp phần tạo lập thương mại, tạo lập GVC giữa các quốc 116
  15. gia thành viên của hiệp định để đón đầu các cơ hội kinh doanh - đầu tư, mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam tham gia vào các GVC, đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam. Theo Nguyễn Thường Lạng (2016), các cam kết chặt chẽ trong CPTPP như quy định nguyên tắc xuất xứ hay hàm lượng nội địa hóa ít nhất 60% để được hưởng ưu đãi thuế quan của các quốc gia thành viên trở thành lợi thế kết nối theo chiều sâu giữa các nền kinh tế thành viên. Và các cam kết này chính là khuôn khổ pháp lý thúc đẩy sự kết nối giữa các khâu của chuỗi giá trị, hay sáng tạo chuỗi giá trị mới, các thành viên có cơ hội chiếm giữ khâu có giá trị cao nhất, trở thành người dẫn đầu trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, nếu không thể tham gia vào các GVC do các hạn chế về năng lực, các ưu đãi sẽ không được tận dụng hiệu quả, kìm hãm khả năng tham gia các cam kết tự do hóa thương mại trong xu hướng mở rộng không ngừng và bao trùm. Thêm vào đó, hiệp định này cũng có tác dụng hình thành chuỗi giá trị bao gồm các đối tác thương mại hiện sở hữu tiềm năng lớn về công nghiệp hỗ trợ như Nhật, Canada, Australia,… với “khả năng cung cấp công nghệ nguồn, vốn đầu tư, quy trình sản xuất, kinh nghiệm quản lý hiện đại” (Nguyễn Thường Lạng, 2016). Khi các doanh nghiệp lớn, làm chủ GVC ở các nước đối tác thương mại lớn tìm đến Việt Nam để đầu tư, đón đầu các cơ hội kinh doanh mà các FTA thế hệ mới mang lại, các doanh nghiệp này cũng góp phần dịch chuyển chuỗi giá trị mà họ sở hữu vào Việt Nam. Cho nên, như vừa đề cập ở trên, với các nước thành viên trong CPTPP và EVFTA là những quốc gia có tiềm lực về khoa học, kỹ thuật, sang tạo đổi mới, di chuyển nguồn vốn FDI cùng với các MNCs chủ các chuỗi GVC từ các quốc gia này vào Việt Nam cũng mang theo hy vọng mở ra giai đoạn sản xuất hàng nông sản xuất khẩu với hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn đối với Việt Nam. Như vậy, những FTA thế hệ mới này có thể mang lại nhiều thách thức, và đồng thời nhiều kỳ vọng cho sự phát triển của hoạt động thương mại quốc tế ngành nông sản của Việt Nam. Một khi những hiệp định thương mại này bắt đầu có hiệu lực, việc nông dân Việt Nam, và các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV tận dụng được lợi thế và luật chơi thương mại là vô cùng cần thiết để Việt Nam có thể thâm nhập vào GVC, đặc biệt là nông sản và không để mình bị đứng ngoài cuộc chơi. 117
  16. 4. MÔ HÌNH TÁC ĐỘNG CỦA HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI ĐẾN VIỆC THAM GIA VÀO GVC CỦA NÔNG SẢN VIỆT NAM Các nhân tố tác động của FTA thế hệ mới lên việc tăng cường năng lực tham gia vào các GVC của nông sản Việt Nam, được thể hiện như sau: * Nhân tố mục tiêu: Sự tăng cường năng lực tham gia vào GVC của nông sản Việt Nam Nhân tố tác động hỗ trợ tích cực từ phía FTA thế hệ mới: Sự dỡ bỏ hàng rào thuế quan, Tăng chuyển hướng và tạo lập thương mại, Các vấn đề về đầu tư, Các vấn đề phi thương mại, Áp lực thay đổi tư duy chính phủ, doanh nghiệp. Hình 5. Mô hình tác động của FTA thế hệ mới (Nguồn: Tác giả) * Nhân tố thứ nhất: Sự dỡ bỏ hàng rào thuế quan Với việc hàng rào thuế quan được cắt giảm và tiến đến gỡ bỏ, Việt Nam sẽ có khả năng tiếp cận nhiều thị trường mới, mang lại cơ hội cho nông sản Việt Nam tích hợp sâu hơn vào GVC tạo ra bởi khu vực FTA, do các công ty có thể cắt giảm được chi phí thuế đối với nguyên vật liệu, hàng hóa trung gian (chưa thành phẩm) và hàng hóa cuối cùng khi xuất nhập khẩu hàng hóa tới các nước là thành viên của FTA. Nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra tính cạnh tranh của xuất khẩu bắt đầu với việc có nguồn cung 118
  17. ứng hiệu quả và loại bỏ các rào cản đối với hàng nhập khẩu (Miroudot, Rouzet & Spinelli, 2013). Hay theo kết luận của OECD (2013), biên giới quốc gia càng “dày” thì việc tìm kiếm nguồn cung đầu vào quốc tế càng phức tạp và tốn kém. Đối với hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ được các nước xóa bỏ thuế quan ngay cho khoảng 78% - 95% số dòng thuế, trong đó hàng hóa thông thường sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế là 5 - 10 năm, đến cuối lộ trình thuế 98% - 100% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ. Đồng thời, Việt Nam loại bỏ ngay 65% số dòng thuế, từ năm thứ 11 thì 97,8% số dòng thuế sẽ được xóa cho các đối tác (Cục công nghiệp - BCT, 2019). Trong 4 nước thành viên thuộc khu vực châu Mỹ, thành viên của CPTPP là Canada, Chile, Mexico và Peru, có tới 3 nước mà Việt Nam lần đầu tiên có quan hệ FTA là Canada, Mexico và Peru (Ánh Dương, 2019). Đáng chú ý, đây đều là những thành viên có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan rất cao cho hàng hoá từ Việt Nam ngay khi hiệp định này có hiệu lực: Canada (94%), Chile (95%), Peru (81%) và Mexico (77%) (Ánh Dương, 2019). Chính vì thế, CPTPP có khả năng mở ra cánh cửa xuất khẩu và tạo lập hay dịch chuyển GVC cho nhiều mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế từ trước tới nay. Tuy nhiên, cũng cần chú ý, những ưu đãi về thuế quan luôn đi kèm với các tiêu chuẩn khắt khe, rào cản kỹ thuật, yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt. * Nhân tố thứ hai: Tăng chuyển hướng và tạo lập thương mại Một khi các FTA thế hệ mới được đàm phán, ký kết và đi vào thực thi sẽ kéo gần các nền kinh tế thành viên, tăng tạo lập thương mại giữa doanh nghiệp của các nước thành viên của FTA do cơ hội kinh doanh, đầu tư mà các FTA này mang lại, thúc đẩy hơn nữa giao thương giữa các nước để tận dụng các ưu đãi thuế quan, phi thuế quan giữa các thị trường, hình thành các GVC mới giữa các nước thành viên của FTA với nhau chứ không phải với nước ngoài FTA. Lấy ví dụ, trong các nước ASEAN, hiện Việt Nam đã tham gia CPTPP và EVFTA, như vậy, Việt Nam có lợi thế hơn các nước ASEAN khác khi thương mại giữa Việt Nam và các nước trong CPTPP, EVFTA tăng lên, hình thành GVC mới có Việt Nam hoặc dịch chuyển GVC từ các nước không phải thành viên CPTPP, hay EVFTA vào Việt Nam, có thể kéo theo giảm sút, chuyển hướng thương mại ra khỏi các 119
  18. nước ASEAN chưa tham gia hay ký kết CPTPP, FTA với EU như Thái Lan hay Indonesia. Như vậy, ký kết FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới có khả năng thúc đẩy tạo lập thương mại, taọ ra các GVC cho các nước thành viên của FTA. * Nhân tố thứ ba: Các vấn đề về đầu tư Các vấn đề về đầu tư trong CPTPP mở hơn và có sự bảo vệ quyền của nhà đầu tư nước ngoài cao hơn so với các hiệp định truyền thống, đặc biệt với sự bảo trợ của cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư nước ngoài. So với WTO, các nguyên tắc về mở cửa thị trường ở CPTPP mở hơn nhiều do thành viên cam kết mở cửa đầu tư theo phương thức chọn-bỏ, còn WTO là mở cửa theo phương thức chọn-cho. Hiệp định CPTPP với chương 9 quy định chi tiết các vấn đề về đầu tư, với ba nhóm nguyên tắc về đầu tư (1) Nhóm các nguyên tắc mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản đầu tư (nguyên tắc về không phân biệt đối xử (National Treatment và Most Favoured- Nation Treatment); nguyên tắc liên quan tới “Các yêu cầu về hoạt động” (Performance Requirements); nguyên tắc liên quan tới “Nhân sự quản lý cao cấp và Ban lãnh đạo”; (2) Nhóm các nguyên tắc nhằm đảm bảo các quyền lợi cơ bản của nhà đầu tư (nguyên tắc “chuẩn đối xử tối thiểu” (Minimum Standard of Treatment); nguyên tắc Bảo vệ tài sản của nhà đầu tư trước các biện pháp tịch thu, cưỡng chế, quốc hữu hóa; nguyên tắc Bảo đảm việc chuyển vốn tự do; (3) Các bảo lưu và ngoại lệ được CPTPP thừa nhận trong đối xử với nhà đầu tư nước ngoài (nhóm các ngoại lệ chung của Chương Đầu tư, nhóm các ngoại lệ/bảo lưu riêng của từng nước) (Trung tâm WTO và Hội nhập, 2018). Theo Nguyễn Mại (2018), thì CPTPP cũng như FTA thế hệ mới có những đòi hỏi cao hơn về đầu tư như là (i) tính công khai, minh bạch và dễ dự đoán của hệ thống luật pháp; (ii) quyền sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm hàng nhái, hàng giả, hình sự hóa các vi phạm về sở hữu trí tuệ, (iii) lao động và quyền của người lao đông bao gồm tiền lương và điều kiện làm việc, thành lập công doàn độc lập và (iv) phòng chống tham nhũng. 120
  19. Bởi CPTPP cũng như FTA thế hệ mới tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, do vậy khi nó có hiệu lực thì Việt Nam có vị thế thu hút FDI tốt hơn từ các nước thành viên khác vì thương mại gắn liền với đầu tư, đặc biệt với các thành viên mà Việt Nam chưa có thỏa thuận FTA. Hoạt động thu hút FDI hiệu quả sẽ đi cùng với việc dịch chuyển các chuỗi giá trị vào thị trường Việt Nam. Hơn thế nữa, nếu như Mỹ quay trở lại CPTPP, CPTPP có khả năng mở rộng quy mô từ 13,5% lên 40% GDP toàn cầu. Mỹ là nước sở hữu các tập đoàn công nghệ hàng đầu, việc quay trở lại của Mỹ cũng có ý nghĩa nếu các tập đoàn này quyết định di chuyển GVC của họ vào Việt Nam, có lợi cho mục tiêu thu hút FDI để tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới và bắt kịp cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0. * Nhân tố thứ tư: Các vấn đề phi thương mại Các vấn đề phi thương mại cũng đóng một vai trò nhất định trong việc tham gia của nông sản Việt Nam vào GVC, khi GVC có thể theo các nhà đầu tư nước ngoài là chủ chuỗi vào Việt Nam. Các vấn đề này bao gồm lao động (thực hiện nghĩa vụ ILO, luật lao động các quốc gia khác và cam kết quốc tế khác, tạo việc làm), thúc đẩy bình đằng giới, môi trường, cam kết phát triển bền vững và quản trị tốt, mua sắm công (minh bạch và công bằng, không phân biệt đối xử hay ưu đãi hàng hóa và dịch vụ của nhà thầu nội), minh bạch hóa và chống tham nhũng, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài, DNNN, khuyến khích sự phát triển của DNNVV, hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển... Các nghiên cứu trước đây của Maur & Shepherd (2011), hay Budetta & Piermartini (2009) cũng chỉ ra các hiệp định thương mại ưu đãi cũng thường đính kèm các điều khoản về sản phẩm và tiêu chuẩn quy trình làm ra sản phẩm (Bruhn, 2014). Các hiệp định với EU cũng thường yêu cầu sự tương thích với tiêu chuẩn châu Âu khi ký kết với các đối tác thương mại kém phát triển hơn châu Âu. Các doanh nghiệp MNCs lớn chủ các chuỗi GVC cũng tìm thấy các quốc gia áp dụng các tiêu chuẩn tương đồng về các vấn đề phi thương mại hấp dẫn khi dịch chuyển chuỗi giá trị, bởi (1) trên toàn cầu, các quy định này cũng gắn liền với thương hiệu của sản phẩm (phát triển bền vững, bình 121
  20. đẳng giới, bảo vệ môi trường), (2) các quy định này mang lại môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư (cạnh tranh, mua sắm công, minh bạch hóa, chống tham nhũng, DNNN), (3) bảo vệ quyền lợi chính đáng (cơ chế giải quyết tranh chấp). Tuy nhiên, các yêu cầu về phi thương mại cũng có khả năng tăng chi phí đối với các GVC, muốn tận dụng lợi thế lao động giá rẻ ở Việt Nam hay giảm chi phí môi trường phải đầu tư. Cho dù vậy, Việt Nam cũng đang đổi mới phương thức thu hút FDI, có chọn lọc và chú ý đến các vấn đề để chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, theo hướng phát triển bền vững nên đây cũng là động lực để phát triển đất nước và cơ hội tạo sức ép ban hành chính sách hỗ trợ phát triển GVC bền vững hơn trong tương lai. * Nhân tố thứ năm: Áp lực thay đổi tư duy chính phủ, doanh nghiệp Trước áp lực ký kết các FTA thế hệ mới, cả chính phủ và doanh nghiệp đều cần thay đổi tư duy. Giống như đứng trước việc gia nhập WTO, đối với chính phủ, đây là cơ hội tạo sức ép đến các bộ ban ngành, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh. Xét đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, khi thể chế, môi trường kinh doanh được hoàn thiện, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp phát triển, các sản phẩm nông nghiệp tham gia tốt hơn vào GVC. Đối với doanh nghiệp, trước đây khi quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, DNNVV không chủ động đầu tư phát triển. Muốn tham gia vào GVC, doanh nghiệp cần chủ động tự tìm hiểu các quy định của hiệp định và biết cách áp dụng vào thực tế, đồng thời thực hiện các công tác nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tích cực thay đổi mô hình đầu tư theo chiều sâu, đổi mới công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn theo nhu cầu của khách hàng, phát huy khả năng kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn lớn nước ngoài, đặc biệt thuộc các nước thành viên CPTPP, EVFTA. 5. KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH 5.1. Tạo thuận lợi cho việc phát huy tác động tích cực của các FTA thế hệ mới, hỗ trợ việc tích hợp sâu hơn vào GVC của nông sản Việt Nam Giai đoạn 2020-2021, dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới khiến cho nhiều quốc gia rơi vào hoàn cảnh khó khăn, trong đó có Việt Nam. Tuy 122
nguon tai.lieu . vn