Xem mẫu

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 6, pp. 127-133 SỰ THỰC HIỆN CHỨC NĂNG SINH ĐẺ CỦA GIA ĐÌNH VIỆT NAM HIỆN NAY Nguyễn Thanh Bình Trường Đại học Sư phạm Hà Nội E-mail: ngthanhbinh56@yahoo.com Tóm tắt. Theo quan điểm của xã hội học, gia đình là một thiết chế xã hội đặc biệt. Bởi vì, gia đình thực hiện các chức năng vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Một trong những chức năng cơ bản nhất của gia đình là chức năng sinh đẻ. Có thể khẳng định rằng không có một thiết chế xã hội nào có thể đảm nhiệm được chức năng đó một cách chính thức ngoài thiết chế gia đình. Dựa trên kết quả điều tra dân số ở Việt Nam trong những năm gần đây, bài viết phân tích các khía cạnh khác nhau về sự thực hiện chức năng sinh đẻ của gia đình Việt Nam. Từ khóa: Gia đình Việt Nam, chức năng sinh đẻ, điều tra dân số, thực hiện. 1. Mở đầu Cùng với sự biến đổi kinh tế-xã hội trong những năm gần đây, gia đình Việt Nam cũng có sự biến đổi nhất định. Tuy nhiên, gia đình vẫn thực hiện những chức năng cơ bản đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội: chức năng sinh đẻ, chức năng kinh tế, chức năng giáo dục và chức năng chăm sóc người già. Trong đó, chức năng sinh đẻ là một trong những chức năng quan trọng nhất mà gia đình phải đảm nhiệm. Vậy, xu hướng sinh đẻ ở các gia đình Việt Nam hiện nay như thế nào? Bài viết sẽ phân tích các nội dung cụ thể xoay quanh vấn đề nêu trên. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Mức sinh của các gia đình Việt Nam có xu hướng giảm dần Trong các thước đo về mức sinh, tổng tỷ suất sinh (TFR) là một chỉ số được thế giới cũng như Việt Nam sử dụng để đánh giá mức sinh là cao hay thấp. Tổng tỷ suất sinh được định nghĩa là số con trung bình mà một người phụ nữ sinh ra trong suốt cuộc đời sinh đẻ của mình (từ 15 tuổi đến 49 tuổi). Mức sinh của các gia đình Việt Nam đã giảm rõ rệt từ năm 1999 đến năm 2009 (Biểu đồ 1). Số con trung bình của mỗi phụ nữ đã giảm từ 2,33 con năm 1999 xuống còn 2,03 con năm 2009. Ngoại trừ mức sinh năm 2004 (mức sinh thời kỳ 1.4.2003 - 1.4.2004) cao hơn một chút so với năm 2003 (mức sinh thời kỳ 1.4.2002 - 1.4.2003) có thể do quan 127
  2. Nguyễn Thanh Bình niệm của người Việt năm 2003 (âm lịch) là năm Quý Hợi là năm đẹp về tuổi nên mức sinh của năm này cao đột biến so với năm trước đó. Tuy nhiên, mức sinh lại giảm mạnh trong năm 2005 và xu hướng giảm liên tục được duy trì đến năm 2009. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình ở Việt nam trong bối cảnh hiện nay. Biểu đồ 1. Tổng tỷ suất sinh ở Việt Nam giai đoạn 1999 - 2009 (Đơn vị: con/phụ nữ) [1] Theo kết quả điều tra, có sự chênh lệch nhất định giữa mức sinh của các hộ gia đình đô thị với mức sinh của các hộ gia đình nông thôn. Cụ thể, mức sinh ở khu vực thành thị là 1,81 con/phụ nữ thấp hơn so với 2,14 con/phụ nữ ở khu vực nông thôn. Nguyên nhân của sự chênh lệch trên là do: 1) ở khu vực đô thị người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình giúp họ chủ động trong việc tránh thai và không sinh con ngoài ý muốn, 2) những cặp vợ chồng ở khu vực đô thị có trình độ nhận thức và điều kiện sống tốt hơn nên họ hiểu biết rõ về lợi ích của việc ít con, 3) mức độ phụ thuộc của cha mẹ già vào con cái ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn nên nhu cầu sinh nhiều con của các gia đình đô thị là không cao. Điều này tất yếu dẫn đến mức sinh của các gia đình đô thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (Biểu đồ 2). Từ biểu số liệu trên ta thấy, mức sinh ở khu vực nông thôn thường có xu hướng giảm từ năm này qua năm khác. Mức sinh ở khu vực này năm 2009 đạt 2,14 con/phụ nữ thấp hơn nhiều so với 10 năm trước đó (2,57 con/phụ nữ năm 1999). Trong khi đó ở khu vực đô thị mức sinh trong 10 năm qua không có sự biến đổi nhiều, xung quanh mức 1,7 - 1,8 con/phụ nữ. Từ kết quả trên, có thể nhận thấy rõ sự thay đổi tích cực trong nhận thức về lợi ích của việc sinh ít con trong các gia đình nông thôn. Tuy nhiên, mức sinh của khu vực nông thôn vẫn còn cao và có một khoảng cách khá xa đối với khu vực đô thị, chính vì thế trong thời gian tới chúng ta vẫn cần thiết quan tâm đến công tác dân số kế hoạch hóa trong các gia đình nông thôn. Nếu xét theo các vùng kinh tế - xã hội, Tây Nguyên là vùng có mức sinh cao nhất cả nước. Năm 2009, mức sinh của vùng này là 2,65 con/phụ nữ. Tiếp sau khu vực Tây Nguyên là khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với tỷ lệ 2,24 con/phụ nữ. Hai vùng có 128
  3. Sự thực hiện chức năng sinh đẻ của gia đình Việt Nam hiện nay Biểu đồ 2. Tổng tỷ suất sinh chia theo khu vực nông thôn, đô thị qua các năm (Đơn vị: con/phụ nữ) [1] mức sinh thấp nhất là Đông Nam Bộ và Đồng Bằng song Cửu Long với mức sinh tương ứng là 1,69 và 1,84 con/phụ nữ. Mặc dù có mức sinh cao nhất nhưng hai vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên lại là hai vùng có tốc độ giảm sinh nhanh nhất trong những năm qua. Đối với khu vực Tây Nguyên, mức sinh giảm từ 3,56 con/phụ nữ năm 1999 xuống còn 2,65 con/phụ nữ và đối với khu vực Trung du và miền núi phía Bắc mức sinh giảm từ 3,07 con năm 1999 xuống còn 2,24 con/phụ nữ. Nguyên nhân của nó là do sự thay đổi về điều kiện sống và trình độ nhận thức của người dân ở các khu vực này đã được nâng lên rõ rệt trong những năm gần đây. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh con thứ ba trong suốt những năm qua cũng có xu hướng giảm rõ rệt trên phạm vi toàn quốc (ở cả khu vực nông thôn và khu vực đô thị). Tỷ lệ sinh con thứ ba của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2005 ở khu vực nông thôn là 23,7% và ở khu vực đô thị là 11,6%. Đến năm 2009 tỷ lệ này giảm xuống còn 18,9% ở khu vực nông thôn và 9,3% ở khu vực đô thị. Điều này tất yếu dẫn đến hai hệ quả đồng thời sau đây: 1) mức sinh sẽ giảm xuống cùng với sự giảm sút của tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba và 2) quy mô gia đình người Việt sẽ ngày càng nhỏ đi (Bảng 1). Xu hướng này giúp Việt Nam có cơ hội ổn định dân số và tạo thuận lợi cho Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và chất lượng. Quy mô hộ gia đình năm 2009 là 3,8 người, và quy mô này có xu hướng giảm dần trong suốt thời gian qua (4,44 người năm 2002, 4.36 người năm 2004, 4,24 người năm 2006 và 4,12 năm 2008), ở cả khu vực nông thôn và khu vực thành thị, cũng như ở tất cả các vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Theo kết quả điều tra, vào ngày 1.4.2009, Đồng Bằng sông Hồng có số người bình quân một hộ thấp nhất cả nước (3,5 người). Vùng có số người bình quân một hộ cao nhất là Tây Nguyên (4,1 người). 129
  4. Nguyễn Thanh Bình Bảng 1. Quy mô hộ gia đình Việt Nam qua các năm (Đơn vị: người) [1] 2000 2004 2006 2008 2009 Toàn quốc 4,44 4,36 4,24 4,12 3.8 Nông thôn 4,49 4,41 4,28 4,14 3.9 Đô thị 4,27 4,20 4,13 4,07 3,7 Tây Nguyên là nơi tập trung của các dân tộc ít người, có mức sinh cao và có tập quán sống theo gia đình nhiều thế hệ nên quy mô hộ gia đình cao nhất cả nước là hoàn toàn hợp lý. 2.2. Độ tuổi sinh lần đầu có xu hướng ngày càng cao Độ tuổi sinh lần đầu được xác định thông qua tuổi kết hôn lần đầu của các vợ chồng, bởi vì ở Việt Nam các cặp vợ chồng sau khi kết hôn thường sinh con ngay. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu ngày càng cao, tăng từ 24,4 tuổi năm 1989 lên 25,4 tuổi năm 1999 và 26,2 tuổi năm 2009. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu có xu hướng tăng đối với nam. So với năm 1999, tuổi kết hôn trung bình năm 2009 của nam tăng 0,8 năm, trong khi đó tuổi kết hôn trung bình của nữ năm 2009 không đổi. Chênh lệch tuổi kết hôn trung bình lần đầu giữa nam và nữ ngày càng lớn, với mức 3,4 năm vào năm 2009. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam và nữ có sự khác biệt nhất định giữa các vùng kinh tế xã hội và giữa nông thôn với đô thị (Bảng 2). Bảng 2. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu chia theo giới tính, thành thị/ nông thôn và các vùng kinh tế xã hội năm 2009 (Đơn vị: năm) [1] Nơi cư trú/các vùng kinh tế - Tuổi kết hôn trung bình lần đầu xã hội Nam Nữ Toàn quốc 26,2 22,8 Thành thị 27,7 24,4 Nông thôn 25,6 22,0 Các vùng kinh tế - xã hội Trung du và miền núi phía Bắc 24,2 21,3 Đồng bằng sông Hồng 26,2 22,5 Bắc Trung Bộ và Duyên hải 26,8 23,0 miền Trung Tây Nguyên 25,2 21,8 Đông Nam Bộ 27.4 24.2 Đồng bằng sông Cửu Long 26.1 22.6 Qua bảng số liệu trên ta thấy với cả nam và nữ, tuổi kết hôn trung bình ở thành thị 130
  5. Sự thực hiện chức năng sinh đẻ của gia đình Việt Nam hiện nay đều cao hơn ở nông thôn. Điều này phản ánh đúng quy luật hiện nay ở Việt Nam, đó là nam giới và nữ giới ở thành thị thường kết hôn muộn hơn so với ở nông thôn. Cũng theo bảng số liệu trên, Đông Nam Bộ là vùng có tuổi kết hôn trung bình lần đầu cao nhất trong cả nước (27,4 năm đối với nam và 24,2 đối với nữ), tiếp theo sau là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Hai vùng có tuổi kết hôn trung bình lần đầu thấp nhất là Tây Nguyên (25,2 năm đối với nam và 21,8 năm đối với nữ), và vùng Trung du và miền núi phía Bắc (24,2 năm đối với nam và 21,3 năm đối với nữ). Kết quả này là do ở cả hai vùng Tây Nguyên và miền núi phía Bắc có tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số tương đối nhiều. Họ có phong tục tập quán riêng và không có điều kiện học tập lên cao cũng như trình độ nhận thức còn hạn chế nên họ thường kết hôn sớm. Tóm lại, tuổi kết hôn lần đầu của nam và nữ trong những năm qua đã tăng lên đáng kể, và có sự khác biệt nhất định giữa các vùng miền và các khu vực. Tuổi kết hôn lần đầu càng cao tất yếu dẫn đến độ tuổi sinh lần đầu của các cặp vợ chồng cũng phải tăng lên. 2.3. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai tương đối cao Sử dụng các biện pháp tránh thai là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chức năng sinh đẻ của gia đình Việt Nam. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai càng cao thì mức sinh tất yếu sẽ giảm và quy mô gia đình sẽ nhỏ và ổn định. Kết quả điều tra năm 2006 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi) có chồng sử dụng các biện pháp tránh thai là tương đối cao, đạt 81,7% trên phạm vi toàn quốc. Các biện pháp tránh thai cụ thể được sử dụng bao gồm: viên uống tránh thai (10,6%), vòng tránh thai (55,2%), bao cao su (11,0%), đình sản nữ (5,5%), đình sản nam (0,3%), tính vòng kinh (11,2%), xuất tinh ngoài (4,9%), biện pháp khác (0,3%). Với kết quả này, biện pháp tránh thai bằng vòng tránh thai được nhiều cặp vợ chồng lựa chọn nhất. Có thể giải thích nguyên nhân là do biện pháp này dễ thực hiện vì với sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại việc đặt vòng tránh thai khá đơn giản, chi phí không cao. Điều quan trọng hơn, phương pháp tránh thai này không ảnh hưởng nhiều đến “cảm giác” trong quan hệ tình dục của cả vợ và chồng. Có một sự khác biệt lớn trong việc sử dụng phương pháp tránh thai này giữa khu vực nông thôn và khu vực đô thị. 59,4% phụ nữ nông thôn sử dụng phương pháp đặt vòng trong khi đó tỷ lệ này ở khu vực đô thị là 42,9%. Nguyên nhân chính của sự khác biệt này là do phụ nữ ở khu vực đô thị có nhiều sự lựa chọn các biện pháp tránh thai khác do điều kiện ở đô thị phát triển hơn. Hơn nữa, sự nhận thức của phụ nữ về các biện pháp tránh thai ở khu vực đô thị cũng tốt hơn ở khu vực nông thôn nên họ có thể sử dụng các biện pháp tránh thai khác bên cạnh sử dụng biện pháp tránh thai đặt vòng. Điều này dẫn đến tỷ lệ phụ nữ đô thị sử dụng biện pháp tránh thai đặt vòng thấp hơn so với phụ nữ nông thôn là hoàn toàn hợp lý. Tỷ lệ nam giới ở khu vực đô thị sử dụng biện pháp tránh thai bằng bao cao su cao hơn so với nam giới ở khu vực nông thôn (18,1% so với 8,6%). Điều này được giải thích bằng nguyên nhân ở đô thị việc tiếp cận các dịch vụ dân số kế hoạch hóa gia đình dễ dàng 131
  6. Nguyễn Thanh Bình và thuận lợi hơn so với ở nông thôn. Một điều đáng lưu ý ở đây là tỷ lệ phụ nữ và nam giới sử dụng biện pháp tránh thai là triệt sản (kể cả triệt sản nam và triệt sản nữ) là rất thấp, đặc biệt đối với triệt sản nam (chỉ có 0,3% trên phạm vi toàn quốc). Nam giới cho rằng họ sẽ mất đi phẩm chất đàn ông của mình nếu sử dụng biện pháp triệt sản nam, vì thế rất ít nam giới chấp nhận biện pháp này. Đối với phương pháp uống thuốc tránh thai, phụ nữ ở độ tuổi 15 - 19 chiếm tỷ lệ cao nhất (26,7%), tiếp đến là nhóm tuổi từ 20 - 24 (20,6%) và thấp nhất là phụ nữ ở nhóm tuổi 45 - 49 (3,8%). Có thể nói, độ tuổi càng trẻ thì tỷ lệ sử dụng viên tránh thai càng lớn. Điều này phản ánh đúng thực tế bởi vì độ tuổi càng trẻ thì khả năng hiểu biết về phòng tránh thai là không cao. Nhiều trường hợp những người trẻ tuổi quan hệ tình dục không an toàn và không có những hiểu biết nhất định dẫn đến phải sử dụng viên tránh thai khẩn cấp. Căn cứ vào số con hiện có trong gia đình, chúng ta cũng có thể đưa ra được kết luận về việc sử dụng các biện pháp tránh thai của cặp vợ chồng. Cụ thể, các cặp vợ chồng chưa có con thì sử dụng các biện pháp tránh thai là thấp nhất (11,4%), nếu có 1 con thì tỷ lệ này là 63,4%, tỷ lệ cặp vợ chồng có hai con sử dụng các biện pháp tránh thai là cao nhất (85,5%), có từ 3 con trở lên tỷ lệ là 79,3%. Rõ ràng, chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam quy định mỗi gia đình có một hoặc hai con đã ảnh hưởng đáng kể đến việc sử dụng biện pháp tránh thai của các cặp vợ chồng có 2 con hoặc từ 3 con trở lên. 2.4. Nhu cầu sinh con trai vẫn còn phổ biến trong các gia đình Việt Nam Trong những năm gần đây, mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc thực hiện bình đẳng giới, tuy nhiên trên thực tế các cặp vợ chồng vẫn mong muốn sinh con trai. Điều này thể hiện rõ nét qua tỷ số giới tính khi sinh. Tỷ số này được xác định bằng số trẻ em trai được sinh ra trên 100 trẻ em gái của một thời kỳ (thông thường là một năm). Tỷ số này thông thường là 104 - 106/100 và nhìn chung là rất ổn định qua thời gian và không gian giữa các châu lục, quốc gia, khu vực và chủng tộc người. Ở Việt Nam, trong giai đoạn từ 1999 đến 2005, xu hướng biến động tỷ số giới tính khi sinh không rõ ràng và dao động trong khoảng 104 đến 109 trẻ em trai /100 trẻ em gái. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng đáng kể. Theo kết quả điều tra biến động dân số năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 109,8 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ này năm 2007, 2008 và 2009 lần lượt là 111,6, 112,1, 110,5 bé trai/100 bé gái. Rõ ràng, khả năng mất cân bằng về giới tính của trẻ em ở Việt Nam là có cơ sở, với tâm lý chung là mong muốn sinh con trai. Do ảnh hưởng của Nho giáo, người con trai thường được coi trọng hơn phụ nữ, bởi lẽ con trai sẽ là người nối dõi tông đường, chăm sóc cha mẹ khi về già, thờ cúng tổ tiên,. . . Chính điều này tạo ra nhu cầu sinh con trai của các gia đình Việt Nam là tương đối lớn. Sự phát triển của y tế cũng góp phần không nhỏ vào sự mất cân đối giữa trẻ em nam và trẻ em nữ trong những năm gần đây. Lý do là cha mẹ biết giới tính của con trước khi sinh và sự trợ giúp nhằm 132
  7. Sự thực hiện chức năng sinh đẻ của gia đình Việt Nam hiện nay sinh con theo ý muốn khá phổ biến trong những năm gần đây. Chúng ta có thể khẳng định rằng, nhu cầu sinh con trai của các gia đình Việt Nam là rất lớn do ảnh hưởng của văn hóa và sự trợ giúp đắc lực của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sinh đẻ. 3. Kết luận Về cơ bản, gia đình Việt Nam đang thực hiện tốt chức năng sinh đẻ của mình. Cụ thể, mức sinh của các hộ gia đình đã giảm xuống và điều này dẫn đến sự thành công của chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam trong những năm gần đây. Tuổi kết hôn lần đầu tăng lên dẫn đến độ tuổi sinh lần đầu cũng tăng theo, và điều này cũng dẫn đến mức sinh giảm xuống. Với sự thay đổi về điều kiện sống theo chiều hướng tích cực và sự nhận thức của người dân cũng tăng lên đáng kể dẫn tới nhu cầu về sử dụng các biện pháp tránh thai là tương đối cao. Kết quả điều tra cho thấy, phần lớn các cặp vợ chồng đều sử dụng các biện pháp tránh thai. Một điều đáng lưu ý là do quan niệm sống và do ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa nên các gia đình đều có nhu cầu sinh con trai. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam trong những năm gần đây. Chúng ta cần có biện pháp hợp lý nhằm giải quyết vấn đề này nếu không nó sẽ tác động không nhỏ đến cuộc sống của thế hệ sau này. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, 2010. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Các kết quả chủ yếu. Hà Nội. [2] Lê Thi, 2002. Gia đình Việt Nam trong bối cảnh đất nước đổi mới. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. ABSTRACT The function of reproduction in present day Vietnamese families From a sociological point of view, the family is a special social institution. The existence of the family makes possible the survival and development of society. One of the most important functions of the family is reproduction. It can be said that no social institution other than the family could, officially, undertake this function. Making use of recent census data, this article analyzes some aspects of reproduction in the Vietnamese family. 133
nguon tai.lieu . vn