Xem mẫu

  1. SỰ ĐA DẠNG VỀ GIÁ TRỊ TÀI NGUYÊN CỦA KHU HỆ NẤM LỚN HUYỆN PHONG ĐIỀN, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NGUYỄN THỊ PHƯỢNG Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế NGÔ ANH Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế Tóm tắt: Nấm có vai trò quan trọng trong đời sống con người nên việc xác định giá trị tài nguyên của một khu hệ nấm lớn sẽ giúp chúng ta khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên. Sau quá trình nghiên cứu nấm lớn ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế chúng tôi đã xác định được 168 loài thuộc 73 chi, 34 họ, 22 bộ, 3 lớp trong 3 ngành: Myxomycota, Ascomycota và Basidiomycota. Trong đó, tài nguyên của khu hệ nấm lớn huyện Phong Điền gồm các nhóm nấm như sau: Nấm có lợi gồm: Nấm ăn: 35 loài, nấm dược liệu: 26 loài, nấm cộng sinh với thực vật: 4 loài và nấm hoại sinh trên đất: 36 loài. Nấm có hại gồm: Nấm độc: 4 loài, nấm hoại sinh phá hủy gỗ rừng: 111 loài và nấm ký sinh gây bệnh ở thực vật: 17 loài. Trong 168 loài nấm lớn đã xác định ở huyện Phong Điền, có 1 loài đang ở tình trạng sẽ nguy cấp (VU) và 1 loài đang ở tình trạng nguy cấp (EN) có tên trong ‘Sách Đỏ Việt Nam’, có 5 loài có tiềm năng trong công nghệ sinh học và kinh tế quốc dân. Từ khóa: Nấm, tài nguyên, khu hệ nấm, ngành, nấm ăn, nấm dược liệu, nấm cộng sinh, nấm hoại sinh, nấm độc. 1. MỞ ĐẦU Nấm có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống con người, có vai trò thực tiễn trong nền kinh tế quốc dân, trong khoa học cũng như trong vòng tuần hoàn vật chất. Nhiều loài nấm là nguồn thực phẩm ngon và bổ dưỡng như nấm Tràm (Boletus aff. felleus), Ngân nhĩ (Tremella fuciformis), nấm Mối (Termitomyces albuminosus), nấm Sò (Pleurotus ostreatus)…; chúng chứa nhiều protein, acid amin, giàu các chất khoáng và vitamin: A, B, C, D, F,… không có độc tố [1]. Một số loài được ứng dụng trong công nghiệp dược phẩm, đặc biệt các loài trong họ nấm Linh chi (Ganodermataceae) chứa nhiều hoạt chất có tác dụng dược lý cao như hoạt chất thuộc nhóm polysaccharide từ loài Cổ linh chi (Ganoderma applanatum) và Xích chi (Ganoderma lucidum) có tác dụng chống khối u, tăng khả năng miễn dịch, ngăn chặn sự phát triển của virus trong tế bào; nhóm triterpenoid từ các loài Ganoderma australe, Ganoderma sinense có tác dụng tốt trong điều trị tim mạch, tiểu đường, xơ gan, giảm cholesterol trong máu, tê thấp, làm da mặt thêm mịn; nhóm steroid từ Xích chi (Ganoderma lucidum) có hoạt tính giải độc gan [3]. Vì vậy, chế phẩm từ Linh chi được dùng để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như: gan, tiết niệu, tim mạch, ung thư, AIDS... Một số loài nấm cộng sinh có lợi ích trong ngành lâm nghiệp, nấm hình thành rễ nấm cộng sinh với thực vật, giúp cây tăng cường sự hấp thụ và vận chuyển các yếu tố dinh dưỡng, gia tăng tỷ lệ sinh trưởng của cây [2] như Boletus aff. felleus, Boletus zelleri… Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sau Đại học lần thứ hai Trường Đại học Sư phạm Huế, tháng 10/2014: tr. 254-260
  2. SỰ ĐA DẠNG VỀ GIÁ TRỊ TÀI NGUYÊN CỦA KHU HỆ NẤM LỚN... 255 Các loài nấm hoại sinh tham gia vào chu trình tuần hoàn vật chất trong thiên nhiên. Nấm hoại sinh tiết ra môi trường bên ngoài các enzyme để phân giải chất hữu cơ, các cành lá khô của thực vật thành chất mùn, chất khoáng làm tăng độ phì nhiêu và cải tạo môi trường đất. Ngoài các lợi ích kể trên, các nấm hoại sinh trên gỗ gây mục trắng, mục nâu phá hủy gỗ rừng, gỗ xây dựng ở các công trình kiến trúc gây thiệt hại nghiêm trọng. Một số loài ký sinh gây bệnh mục lõi, mục rễ ở cây đang sống làm cho cây chết hoặc bị yếu và gãy đổ. Một số loài nấm độc có các độc tố, chúng có thể gây ngộ độc hoặc gây chết người nếu ăn phải. Huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế có địa hình đa dạng, gồm các vùng sinh thái như vùng núi, vùng đồi và vùng đồng bằng duyên hải với nhiều loại đất và thảm thực vật khác nhau là điều kiện thuận lợi cho hệ sinh vật nói chung và hệ nấm nói riêng có tính đa dạng cao nhưng vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu về sự đa dạng về giá trị tài nguyên nấm lớn. Vì vậy, việc nghiên cứu “Sự đa dạng về giá trị tài nguyên của khu hệ nấm lớn ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế” nhằm bảo tồn nguồn gen của những loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, ứng dụng những loài có ích và hạn chế những tác hại do nấm gây ra. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Các phương pháp thu thập, xử lí, phân tích và định loại theo phương pháp của các tác giả Rolf Singer (1986) [8], Ryvarden và Gilbertson (1993) [7] và Trịnh Tam Kiệt (2011) [5]. Mẫu vật nghiên cứu được thu thập ở 8 điểm thuộc 8 xã của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1. Sự đa dạng các taxon của khu hệ nấm lớn ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế Bảng 1. Đa dạng các taxon của khu hệ nấm lớn trong các ngành Số bộ Số họ Số chi Số loài TT Tên ngành Số lớp N % N % N % N % 1 Myxomycota 1 1 4,54 1 2,94 1 1,37 1 0,60 2 Ascomycota 1 3 13,64 4 11,77 6 8,22 10 5,95 3 Basidiomycota 1 18 81,82 29 85,29 66 90,41 157 93,45 Tổng số 3 22 100 34 100 73 100 168 100 Biểu đồ 1. Phổ các ngành nấm Sau quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã xác định được 168 loài thuộc 73 chi, 34 họ, 22 bộ, 3 lớp trong 3 ngành: Myxomycota, Ascomycota và Basidiomycota. Qua kết quả nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng thành phần loài nấm lớn ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế rất phong phú và đa dạng. Trong 3 ngành thì ngành Basidiomycota chiếm
  3. 256 NGUYỄN THỊ PHƯỢNG – NGÔ ANH ưu thế tuyệt đối gặp 18 bộ, 29 họ, 66 chi, 157 loài, chiếm 93,45% tổng số loài đã xác định; ngành Ascomycota gặp 3 bộ, 4 họ, 6 chi, 10 loài, chiếm 5,95% và ngành Myxomycota gặp 1 bộ, 1 họ, 1 chi và 1 loài chiếm 0,60% (Bảng 1 và biểu đồ 1). 3.2. Sự đa dạng về giá trị tài nguyên của khu hệ nấm lớn ở huyện Phong Điền Sau quá trình điều tra, phân loại chúng tôi nhận thấy khu hệ nấm lớn ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế rất đa dạng về giá trị tài nguyên, bao gồm các nhóm nấm có lợi: nấm ăn, nấm dược liệu, nấm cộng sinh với thực vật có lợi cho cây trồng, nấm hoại sinh trên đất có lợi tham gia vào chu trình tuần hoàn vật chất trong tự nhiên và các nhóm nấm có hại: nấm hoại sinh phá hủy gỗ, nấm ký sinh gây bệnh ở thực vật và nấm độc. Bảng 2. Các nhóm nấm có lợi và có hại TT Nhóm nấm Số loài Tỷ lệ % 1 Nấm ăn 35 20,83 2 Nấm dược liệu 26 15,48 3 Nấm cộng sinh với thực vật 04 2,38 4 Nấm hoại sinh trên đất 36 21,43 5 Nấm độc 04 2,38 6 Nấm hoại sinh phá hủy gỗ 111 66,07 7 Nấm ký sinh gây bệnh thực vật 17 10,12 3.2.1. Nhóm nấm có lợi 3.2.1.1. Nấm làm thực phẩm Bảng 3. Danh lục các loài nấm ăn 1. Peziza abietina 19. Pleurotus nidulans 2. Cookeina sulcipes 20. Pleurotus porrigens 3. Cookeina tricholoma 21. Pleurotus ostreatus 4. Auricularia auricula 22. Polyporus arcularius 5. Auricularia cornea 23. Polyporus grammocephalus 6. Auricularia delicata 24. Schizophyllume commune 7. Auricularia fuscosuccinea 25. Macrolepicta excoriata 8. Auricularia polytricha 26. Termitomyces albuminosus 9. Auricularia rugosissima 27. Coprinus atramentarius 10. Tremella cinnabarina 28. Entoloma clypeatum 11. Tremella fuciformis 29. Hohenbuehelia petaloides 12. Guepiniopsis spathularia 30. Marasmius scorodonius 13. Cantharellus cibarius 31. Crepidotus herbatum 14. Lentinus subnudus 32. Lactarius indigo 15. Lentinus tigrinus 33. Russula vesca 16. Panus rudis 34. Boletus aff. felleus 17. Panus setiger 35. Boletus zelleri 18. Panus torulosus Nấm ăn ở huyện Phong Điền gặp 35 loài, chiếm 20,83% tổng số loài đã xác định. Nấm ăn là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều protein và các acid amine, hàm lượng protein chỉ sau thịt, cá. Nấm rất giàu chất khoáng, các acid amine không thay thế và các vitamin A, B, C, D, E,… có hàm lượng mỡ thấp, không có độc tố [1]. Ngày nay, nhiều hóa chất được sử dụng trong nông nghiệp và tồn dư trong các sản phẩm nông nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Vì vậy, nấm ăn được xem như là một loại “rau sạch”, “thịt sạch” an toàn cho con người.
  4. SỰ ĐA DẠNG VỀ GIÁ TRỊ TÀI NGUYÊN CỦA KHU HỆ NẤM LỚN... 257 Ở huyện Phong Điền chúng tôi đã phát hiện nhiều loài nấm mọc hoang dại là nguồn thức ăn quen thuộc trong các bữa ăn của nhân dân ta như Mộc nhĩ (Auricularia polytricha), nấm Tràm (Boletus aff. felleus), Ngân nhĩ (Tremella fuciformis), nấm Mối (Termitomyces albuminosus), nấm Sò (Pleurotus ostreatus)… 3.2.1.2. Nấm dược liệu Bảng 4. Danh lục các loài nấm dược liệu 1. Daldinia concentrica 14. Ganoderma lucidum 2. Auricularia auricula 15. Ganoderma philippii 3. Auricularia polytricha 16. Ganoderma sinense 4. Tremella cinnabarina 17. Ganoderma subresinosum 5. Tremella fuciformis 18. Ganoderma ungulatum 6. Ganoderma annulare 19. Hexagonia subtenuis 7. Ganoderma applanatum 20. Pycnoporus cinnabarinus 8. Ganoderma australe 21. Pycnoporus sanguineus 9. Ganoderma diaoluoshanense 22. Trametes hirsuta 10. Ganoderma flexipes 23. Trametes multicolor 11. Ganoderma fulvellum 24. Lentinus tigrinus 12. Ganoderma limushanense 25. Microporus xanthopus 13. Ganoderma lobatum 26. Schizophyllume commune Các loài nấm dược liệu chứa các hoạt chất có tác dụng dược lý nên được dùng trong Dược học. Trong 168 loài nấm lớn ở huyện, có 26 loài được dùng làm dược phẩm, chiếm 15,48% tổng số loài đã xác định. Đa dạng và giá trị nhất là các loài thuộc họ Linh chi (Ganodermataceae Donk), chúng được xem là “thượng dược” vì có tác dụng dược liệu rất lớn như trong quả thể Ganoderma lucidum có chứa các acid ganoderic A, B, G, H và hợp chất C6 có tác dụng làm giảm đau; các thành phần như germanium, polysaccharide, adenosine có hoạt tính điều trị bệnh viêm gan B, ung thư biểu mô mũi hầu, bệnh tiểu đường, ung thư dạ dày [3];  -D-glucan (polysaccharide) có khả năng chống khối u, tăng cường khả năng miễn dịch; Ganodosteron (steroid) có hoạt tính giải độc gan, acid ganoderic (triterpenoid) ức chế sinh tổng hợp cholesterol, giảm đau [6]; hoạt chất lingzhi-8 là tác nhân chống dị ứng phổ rộng và tăng cường tính miễn dịch rất hữu hiệu; một số hoạt chất methanol, hexane, ethyl acetate và những chất cơ bản khác có tác dụng kìm hãm quá trình sinh trưởng và phát triển của virus HIV [2]. Các polysaccharide từ Cổ linh chi (Ganoderma applanatum) có tác dụng chống khối u, ngăn cản sự phát triển của virus trong tế bào nên được sử dụng để hỗ trợ điều trị ung thư phổi, ung thư vú. Các loài nấm Tử chi (Ganoderma fulvellum, Ganoderma sinense) có tác dụng tốt trong điều trị bệnh tim mạch, tiểu đường, xơ gan, mất ngủ, tê thấp, làm da mặt thêm mịn [3]. Vì vậy, chế phẩm từ Linh chi được dùng để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như: gan, tiết niệu, tim mạch, ung thư, AIDS... Ở huyện Phong Điền - tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi đã gặp các loài Thanh chi (Ganoderma philippii), Hắc chi (Ganoderma subresinosum), Tử chi (Ganoderma sinense) và Xích chi (Ganoderma lucidum) là bốn trong sáu nhóm Lục bảo Linh chi quý hiếm đã phát hiện và nuôi trồng thành công ở Việt Nam. Ngoài ra, Cổ linh chi (Ganoderma applanatum) là một loài nấm dược liệu quý hiếm được dùng để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch.
  5. 258 NGUYỄN THỊ PHƯỢNG – NGÔ ANH Ngoài các loài trong họ nấm Linh chi, một số loài trong các họ khác cũng được sử dụng làm thuốc chữa trị bệnh như Pycnoporus sanguineus, Auricularia auricula, Pleurotus ostreatus… 3.2.1.3. Nấm cộng sinh có lợi cho cây Nấm cộng sinh thường gặp ở các họ nấm như Boletaceae, Cantharellaceae và Russulaceae. Ở huyện Phong Điền chúng tôi chỉ gặp 4 loài nấm cộng sinh. Đây là nhóm nấm đặc biệt, lấy thức ăn từ cơ thể vật chủ nhưng không làm chết hoặc tổn thương ký chủ, ngược lại còn giúp chúng phát triển tốt hơn. Các nấm cộng sinh này làm tăng quá trình hấp thụ của rễ, tăng sức đề kháng của cây đối với các điều kiện bất lợi của ngoại cảnh [2]. Vì vậy, hiện nay loài nấm cộng sinh được ứng dụng trong lâm nghiệp như các dự án tái sinh rừng hoặc trồng mới rừng ở những vùng đất nghèo chất dinh dưỡng. - Loài Boletus aff. felleus (nấm Tràm) hình thành rễ nấm cộng sinh với cây rừng ở rừng Tràm hoặc rừng trồng Bạch đàn, thường mọc vào mùa có giông các tháng 5, 6, 7 âm lịch hàng năm, sau những ngày nắng gắt. - Loài Cantharellus cibarius thường mọc trên đất rừng nhiều mùn, đất tơi xốp ở rừng Sồi, Dẻ hoặc rừng Thông hình thành rễ nấm cộng sinh với rễ cây. - Loài Boletus zelleri cộng sinh với rễ Thông. - Loài Russula vesca thường mọc trên đất rừng hình thành rễ nấm ngoại dinh dưỡng cộng sinh với các cây thuộc họ Sồi, Dẻ. 3.2.1.4. Nấm hoại sinh trên đất có lợi Cùng với vi khuẩn, nấm mốc, xạ khuẩn, nấm hoại sinh trên đất phân giải các chất hữu cơ phức tạp thành các chất đơn giản, có thể đồng hóa các chất đơn giản thành các chất phức tạp [2]. Nấm tham gia một trong các khâu quan trọng của chu trình chuyển hóa vật chất trong tự nhiên. Do đó, nó là yếu tố quan trọng làm tăng độ phì nhiêu của đất. Nấm hoại sinh trên đất có lợi đa số thuộc các họ: Agaricaceae, Entolomataceae, Pezizaceae như các loài: Macrolepicta excoriata, Termitomyces albuminosus, Entoloma clypeatum, Peziza abietina… tham gia vào chu trình tuần hoàn vật chất trong tự nhiên, góp phần cải tạo đất. 3.2.2. Nhóm nấm có hại 3.2.2.1. Nấm độc Trong khu hệ nấm lớn ở huyện Phong Điền, ngoài các loài nấm được dùng làm thực phẩm và dược phẩm còn có 4 loài nấm độc, chiếm 2,38% tổng số loài xác định. Trong các nấm độc, thường gặp một số chất độc như: cholin, muscarin và muscaridin. Các chất này rất độc, nếu ăn khoảng vài miligam (0,003-0,005g) có thể nguy hiểm đến tính mạng [2]. Vì vậy, bên cạnh những mặt lợi của nấm, cần thận trọng khi sử dụng. - Loài Inocybe caesariata thường mọc thành từng cụm trên đất rừng. Theo Teng S. C. (1996) mô tả là loài nấm độc [9]. - Loài Panaeolus retirugis hay còn gọi là nấm phiến hoa mọc phân tán hoặc mọc chùm. Nấm này thường mọc trên phân gia súc, phân bố rộng. Theo Teng S. C. (1996) là loài nấm độc [9]. - Loài Inocybe rimosa thường mọc chùm trên đất rừng hoặc vườn nhà, phân bố rộng, hình chuông. Theo Lê Văn Liễu (1977) mô tả đây là loài nấm độc [2]. - Loài Hebeloma versipelle mọc trên đất rừng. Theo Teng S. C. (1996) mô tả là loài nấm độc [9].
  6. SỰ ĐA DẠNG VỀ GIÁ TRỊ TÀI NGUYÊN CỦA KHU HỆ NẤM LỚN... 259 3.2.2.2. Nấm hoại sinh phá hủy gỗ Ở huyện Phong Điền chúng tôi gặp nấm hoại sinh phá hủy gỗ với số lượng rất lớn: 111 loài, chiếm 66,07% tổng số loài đã xác định, là đối tượng phá hủy gỗ rừng rất mạnh. Nấm hoại sinh gây mục gỗ gồm nấm gây mục trắng và gây mục nâu [2], chúng là nguyên nhân gây mục gỗ xây dựng, làm sụp đổ một số công trình, di tích lịch sử, nhà cửa,… gây thiệt hại nghiêm trọng. Đa số nấm hoại sinh phá gỗ ở huyện Phong Điền thuộc các họ Hymenochaetaceae, Stereaceae, Coriolaceae và Steccherinaceae. Nấm gây mục trắng thường gặp các loài: Trametes scabrosa, Nigroporus aratus, Pycnoporus sanguineus… Nấm gây mục nâu như các loài Daedalea biennis, Gloeophyllum saepiarium, Gloeophyllum subferrugineum… 3.2.2.3. Nấm ký sinh gây bệnh ở thực vật Trong 168 loài xác định ở huyện có 17 loài nấm ký sinh gây bệnh mục lõi hoặc mục rễ trên cây trồng, cây rừng [2], chủ yếu thuộc các chi Ganoderma, Phellinus và Trametes, chúng làm thay đổi tính chất lý hóa, cơ học của cây, làm cho cây chết hoặc bị yếu và gãy đổ, tác hại đến ngành nông, lâm nghiệp như Ganoderma philippii ký sinh trên rễ cây Cao su, cây Chè, cây Keo tai tượng gây ra bệnh rễ đỏ. Ganoderma lucidum ký sinh trên gỗ lõi của thân cây đang sống gây bệnh mục lõi, làm cho cây bị rỗng giữa và dễ ngã đổ do gió. Bảng 5. Danh lục các loài nấm ký sinh 1. Auricularia auricula 10.Trametes gallica 2.Ganoderma applanatum 11. Trametes hirsuta 3.Ganoderma diaoluoshanense 12. Trametes multicolor 4. Ganoderma lucidum 13. Trametes obstinata 5. Ganoderma philippii 14. Pycnoporus sanguineus 6. Inonotus nilgheriensis 15. Polypurus arcularius 7. Phellinus pectiatus 16. Schizophyllum commune 8. Phellinus senex 17. Marasmius scorodonius 9. Hexagonia subtenuis 3.2.3. Các loài nấm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và loài có tiềm năng trong công nghệ sinh học và đời sống Bảng 6. Các loài nguy cấp (EN), loài sẽ nguy cấp (VU) có tên trong "Sách Đỏ Việt Nam" 2007 [4] TT Tên loài Tình trạng loài 1 Cantharellus cibarius Fr. EN 2 Cookeina tricholoma (Mont.) Ktze. VU Các loài thuộc Lục bảo Linh Chi như: Xích chi (Ganoderma lucidum), Thanh chi (Ganoderma philippii), Tử chi (Ganoderma sinense) và Hắc chi (Ganoderma subresinosum) được xác định là loài có tiềm năng trong công nghệ sinh học và kinh tế quốc dân. 4. KẾT LUẬN Sau quá trình nghiên cứu sự đa dạng về giá trị tài nguyên của khu hệ nấm lớn huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi rút ra các kết luận sau: 4.1. Thành phần loài nấm lớn ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế rất đa dạng và phong phú. Chúng tôi đã xác định được 168 loài thuộc 73 chi, 34 họ, 22 bộ, 3 lớp trong 3 ngành: Myxomycota, Ascomycota và Basidiomycota.
  7. 260 NGUYỄN THỊ PHƯỢNG – NGÔ ANH 4.2. Thành phần loài nấm lớn ở huyện Phong Điền rất đa dạng về giá trị tài nguyên, gồm các nhóm nấm có lợi: Nấm ăn gặp 35 loài, chiếm 20,83% tổng số loài đã xác định; nấm dược liệu gặp 26 loài, chiếm 15,48%; nấm cộng sinh với thực vật gặp 4 loài, chiếm 2,38% và nấm hoại sinh trên đất gặp 36 loài, chiếm 21,43%, các nhóm nấm có hại: Nấm độc gặp 4 loài, chiếm 2,38% tổng số loài đã xác định; nấm hoại sinh phá hủy gỗ rừng gặp 111 loài, chiếm 66,07% và nấm ký sinh gây bệnh thực vật gặp 17 loài, chiếm 10,12%. 4.3. Trong 168 loài nấm lớn đã xác định ở huyện Phong Điền, có 1 loài đang ở tình trạng sẽ nguy cấp (VU) là Cookeina tricholoma (Mont.) Ktze. và 1 loài đang ở tình trạng nguy cấp (EN) là Cantharellus cibarius Fr. có tên trong ‘Sách Đỏ Việt Nam’ (2007); các loài thuộc Lục bảo Linh Chi như Xích chi (Ganoderma lucidum), Thanh chi (Ganoderma philippii), Tử chi (Ganoderma sinense) và Hắc chi (Ganoderma subresinosum) được xác định là loài có tiềm năng trong công nghệ sinh học và kinh tế quốc dân. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ngô Anh (2001). Sự đa dạng về công dụng của khu hệ nấm lớn ở Thừa Thiên Huế, Hội thảo quốc tế sinh học, Hà Nội, (1), tr. 14-18. [2] Ngô Anh (2003), Nghiên cứu thành phần loài nấm lớn ở Thừa Thiên Huế, Luận án Tiến sĩ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội. [3] Ngô Anh (2013). “Tác dụng của Linh chi”, Tạp chí nghiên cứu và phát triển – Sở khoa học và công nghệ Thừa Thiên Huế, (2), tr. 98-103. [4] Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (2007). Sách Đỏ Việt Nam – Phần II: Thực vật, NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội. [5] Trịnh Tam Kiệt (2011). Nấm lớn ở Việt Nam, Tập I, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội. [6] Đỗ Tất Lợi, Lê Duy Thắng, Trần Văn Luyến (1994), Nấm Linh chi – Nuôi trồng và sử dụng, NXB Nông nghiệp, Hà Nội. [7] Ryvarden L. & Gilbertson R. L. (1993), European Polypores Part 1, Groland Grafishke A/s Olso, Norway. [8] Singer R. (1986), The Agaricales in modern taxonomy, Sven Koeltz Scientific Book, Germany. [9] Teng S. C. (1996), Fungi of China, Mycotaxon Ltd., New York. Title: THE DIVERSITY OF NATURAL RESOURCES OF THE MACROMYCOFLORA IN PHONG DIEN DISTRICT, THUA THIEN HUE PROVINCE Abstract: The species composition of the macromycoflora in Phong Dien district, Thua Thien Hue Province is very abundant. Up to now, 168 species belonging to 73 genera, 34 families, 22 orders, 3 classes, 3 phyla: Myxomycota, Ascomycota and Basidiomycota have been registered. The natural resources is very abundant, consisting of: edible mushrooms: 35 species, medicinal ones: 26 species, symbiotic ones: 4 species, saprophytic ones on soil: 36 species, poisonous ones: 4 species, wood- destroying saprophytic fungi: 111 species, parasitic fungi on plants: 17 species. Among 168 species in Phong Dien district, Thua Thien Hue Province the Cantharellus cibarius Fr. is an endangered species (EN) and the Cookeina tricholoma (Mont.) Ktze. is a vulnerable species. Key words: Fungi, resource, macromycoflora, phyla, edible mushrooms, medicinal mushrooms, symbiotic mushrooms, saprophytic mushrooms, poisonous mushrooms. NGUYỄN THỊ PHƯỢNG Học viên Cao học, chuyên ngành Thực vật học, khóa 21 (2012-2014) – Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, ĐT: 0188 594 2983, Email: tinhieuyeuthuong36@gmail.com PGS. TS. NGÔ ANH Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế, ĐT: 0919 501 536
nguon tai.lieu . vn