Xem mẫu

  1. SẢN XUẤT HẠT GIỐNG PHẨM CHẤT CAO QUY MÔ CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI CÁC GIỐNG LÚA CHỦ LỰC VÀ CÓ GIÁ TRỊ HÀNG HÓA CAO PHỤC VỤ XUẤT KHẨU CHO VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG Dương Hoàng Sơn1, Mai Nguyệt Lan1, Huỳnh Văn Nghiệp1, Đoàn Mạnh Tường1, Phạm Trung Kiên1, Lê Thị Mỹ Nhung1, Trương Thị Kiều Liên1, Nguyễn Thị Ngọc Mai1, Phan Quốc Thứ2 và Phạm Văn Mịch3 (1) Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (2) Công ty cổ phần giống cây trồng Hậu Giang (3) Trung tâm giống nông nghiệp Cà Mau. Tóm tắt: Dự án “Sản xuất hạt giống phẩm chất cao quy mô công nghiệp đối với các giống lúa chủ lực và có giá trị hàng hóa cao phục vụ xuất khẩu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long” thuộc Chương trình Sản phẩm quốc gia lúa gạo 2015-2020. Dự án được thực hiện từ tháng 07/2018 đến tháng 12/2020 nhằm liên kết cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ hạt giống đối với các giống lúa SXTN và giống lúa chủ lực có giá trị cao phục vụ xuất khẩu, nội tiêu; xây dựng cánh đồng mẫu, vùng nguyên liệu tập trung để sản xuất lúa thương phẩm có giá trị xuất khẩu gạo từ 600 USD/tấn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa bền vững ở vùng ĐBSCL. Dự án đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh cho các giống lúa thơm OM9921 và OM18 về mức bón phân đạm (N) và thời gian thu hoạch TGTH). Liên kết với các đơn vị sản xuất hạt giống các địa phương 59,992 tấn SNC và 2.644,5 tấn giống lúa NC. Liên kết xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất lúa thương phẩm sử dụng hạt giống có phẩm cấp cao và áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, bền vững tại các tỉnh trong vùng với 3 mô hình lúa thương phẩm OM9582, quy mô 100 ha/mô hình/vụ, đạt năng suất trên 7,18 tấn/ha vụ Đông Xuân (ĐX) và trên 6,22 tấn/ha vụ Hè Thù (HT) và 3 mô hình lúa thơm OM18, quy mô 50 ha/mô hình/vụ, đạt năng suất trên 6,72 tấn/ha vụ ĐX và trên 5,70 tấn/ha vụ HT. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến là vựa lúa của cả nước, đóng góp trên 50% sản lượng lúa, chiếm 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Trong đó, cơ cấu nhóm gạo trắng chất lượng cao xuất khẩu chiếm 27,5%, gạo thơm chiếm 25,%, gạo trắng trung bình chiếm 13,69%, gạo trắng cấp thấp chiếm 11,29%, xuất khẩu tấm chiếm 9,43%, nếp chiếm 8,57% và gạo Japonica chiếm hơn 1% (VFA, 2015). Dù đạt được nhiều thành tựu nhưng ngành hàng lúa gạo cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường mới nổi, lúa hàng hóa có phẩm chất tốt nhưng không 80
  2. phân biệt với lúa gạo phẩm chất kém đã làm giảm đi giá trị của lúa gạo có chất lượng cao. Hầu hết, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt mức trên dưới 400 USD/tấn. Quan điểm của tái cơ cấu ngành là phải thay đổi tư duy sản xuất, xuất khẩu, không chạy theo số lượng nữa mà tập trung nâng cao chất lượng. Muốn làm được điều đó phải có những giống lúa chất lượng cao, sản xuất với số lượng lớn. Vì vậy, việc quy hoạch, phát triển vùng sản xuất lúa có chất lượng tập trung, có tổ chức là rất cần thiết vừa sắp xếp, cơ cấu giống lúa của vùng vừa đáp ứng được nhu cầu gạo xuất khẩu với giá trị hàng hóa cao, nâng cao chất lượng gạo Việt Nam trong khu vực và thế giới. Với những lý do nêu trên việc thực hiện dự án “Sản xuất hạt giống phẩm chất cao quy mô công nghiệp đối với các giống lúa chủ lực và có giá trị hàng hóa cao phục vụ xuất khẩu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long” là rất cần thiết, có cơ sở và khả thi nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa hiện nay. 2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP 2.1. Vật liệu Các giống lúa mới là sản phẩm nghiên cứu, chọn tạo từ đề tài của Viện và các giống đã được công nhận chính thức cấp quốc gia và công nhận sản xuất thử nghiệm từ sau năm 2016. 2.2. Nội dung và phương pháp thực hiện 2.2.1. Hoàn thiện giải pháp KHCN cho các giống lúa được xác định cho các tiểu vùng Các thí nghiệm được thực hiện tại 3 điểm trên đất phù sa (Cần Thơ), đất nhiễm phèn (Hậu Giang) và đất nhiễm mặn (Sóc Trăng). + Nhóm thí nghiệm 1: Tuyển chọn 4-5 giống lúa có năng suất cao nhất để phát triển sản xuất cho từng vùng (có ít nhất 2 giống lúa thơm để làm nguồn vật liệu cho các thí nghiệm tiếp theo): bố trí theo thể thực khối hoàn toàn ngẫu nhiên, 20 giống lúa với 3 lần lặp lại. + Nhóm thí nghiệm 2: Xác định mức bón phân đạm phù hợp cho các giống lúa thơm: kiều bố trí thừa số 2 nhân tố, 3 lần lặp lại, gồm 6 mức phân đạm 0N, 60N, 80N, 90N, 100N và 120N (kg/ha) và 2 giống lúa OM18 và OM9921. + Xác định thời điểm thu hoạch phù hợp cho các giống lúa thơm: kiều bố trí thừa số 2 nhân tố, 3 lần lặp lại, gồm 6 mức thời điểm thu hoạch: 24, 26, 28, 30, 32 và 34 ngày sau trổ (50%) và 2 giống lúa OM18 và OM9921. 81
  3. 2.2.2. Tổ chức sản xuất giống lúa quy mô công nghiệp cho các giống lúa đã được công nhận SXTN và công nhận chính thức cấp quốc gia Quy trình thực hiện: quy trình sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng theo TCVN 12181:2018 - Quy trình sản xuất hạt giống cây thụ phấn của Bộ nông nghiệp và PTNT. * Sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng - Giống lúa được công nhận SXTN: OM18, OM9582, OM8959, OM10373, OM232, OM355, OM3673, OM9915, OM5976, OM22, OM20, OM380, OM429, OM375. - Giống lúa được công nhận chính thức/lưu hành: OM9921, OM6932, OM18, OM9582, OM232, OM9577, ST24. * Sản xuất hạt giống nguyên chủng - Giống lúa được công nhận SXTN: OM9582, OM8959, OM10373, OM232, OM355, OM3673, OM9915, OM5976, OM22, OM20, OM380, OM429, OM375. - Giống lúa được công nhận chính thức/lưu hành: OM9921, OM6932, OM18, OM9582, OM232, ST24. 2.3. Xây dựng mô hình lúa hàng hoá chất lượng cao tập trung phục vụ xuất khẩu và nội tiêu, với các mô hình quy mô cánh đồng mẫu liên kết sản xuất và áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, bền vững và hiệu quả Mô hình giống lúa thơm OM18, quy mô thực hiện: 50 ha/mô hình/vụ x 2 vụ, thực hiện tại 3 tỉnh vùng ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Mô hình giống lúa chất lượng cao OM9582, quy mô 100 ha/mô hình/vụ x 2 vụ, thực hiện tại 3 tỉnh vùng phù sa Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp. Áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi điểm mô hình tổ chức 01 cuộc hội thảo đầu bờ, với số lượng 70 người/ cuộc. So sánh, đánh giá năng suất và hiệu quả kinh tế của mô hình với ruộng đối chứng của nông dân. 2.4. Đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền Dự án phối hợp với các đơn vị được chỉ định và có chức năng đào tạo 32 cán bộ kiểm định đồng ruộng, 16 lấy mẫu và 5 kiểm nghiệm hạt giống cây trồng theo quy định của Bộ nông nghiệp và PTNT; tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa các cấp cho 350 lượt cán bộ kỹ thuật, quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến 500 lượt nông dân. 82
  4. 3. KẾT QUẢ THỰC HIỆN Các giống lúa đạt năng suất cao (trên 7 tấn/ha) trên đất phù sa tại Cần Thơ gồm OM18, OM9582, OM22, OM3673 và OM9921, trên nhiễm phèn tại Hậu Giang gồm OM9582, OM22. Năng suất các giống lúa trên đất nhiễm mặn tại Sóc Trăng có năng suất thấp hơn và chỉ có OM18 có năng suất đạt trên 6 tấn/ha. Các giống lúa có năng suất trung bình tại 3 điểm đạt cao nhất gồm OM18, OM9582, OM22, OM9921 và OM20. Trên đất phù sa và đất nhiễm phèn: mức phân đạm phù hợp nhất 90N trong vụ ĐX và 80N trong vụ HT trên cả hai giống OM18 và OM9921. Mức đạm 90N phù hợp đối với giống lúa OM18 và 80N đối với giống OM9921 trong cả 2 vụ ĐX và HT trên đất nhiễm mặn. Thời gian thu hoạch thích hợp là 28-30 NST trong vụ HT và 26-28 NST trong vụ ĐX đối với giống lúa OM18; 30-32 NST trong vụ HT và 28-20 NST trong vụ ĐX đối với giống lúa OM9921. Sản xuất 59,992 tấn hạt giống siêu nguyên chủng các giống lúa thuộc dự án, trong đó 13,820 tấn giống lúa SXTN và 46,172 tấn giống lúa chủ lực. Sản xuất 2.651,22 tấn hạt giống nguyên chủng các giống lúa thuộc dự án, trong đó 806,72 tấn giống lúa SXTN và 1.844,50 tấn giống lúa chủ lực. Mô hình CĐML đạt năng suất 6,72 tấn/ha trong vụ ĐX; 5,70 tấn/ha trong vụ HT. Tổng sản lượng đạt 1.861,8 tấn lúa OM18 thương phẩm. Mô hình CĐML đạt năng suất 7,18 tấn/ha trong vụ ĐX; 6,22 tấn/ha trong vụ ĐX. Tổng sản lượng 4.020,1 tấn lúa OM9582 thương phẩm. Đào tạo và cấp chứng chỉ kiểm nghiệm hạt giống cho 06 người; tập huấn kỹ thuật cho 350 cán bộ kỹ thuật và 500 nông dân. Có 4 giống lúa thực hiện trong dự án được công nhận chính thức, công nhận lưu hành cấp quốc gia. Có 2 bài báo khoa học công bố trên tạp chí Khoa học Công nghệ nông nghiệp Việt Nam, số 11/2020. 4. KẾT LUẬN Dự án đã góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống nhân giống lúa các cấp, xúc tiến quá trình xã hội hóa công tác giống trong khu vực. Dự án được thực hiện tạo ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra các vùng sản xuất theo chuỗi từ cơ sở nghiên cứu đến doanh nghiệp, trung tâm sản xuất giống và chuyển giao cho nông dân sản xuất tạo vùng nguyên liệu, phục vụ cho thị trường gạo chất lượng cao trong nước và thị trường gạo xuất khẩu. 83
nguon tai.lieu . vn