Xem mẫu

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 RÈN LUYỆN MỘT SỐ KỸ NĂNG SỬ DỤNG MÁY TÍNH CHO SINH VIÊN THÔNG QUA HỌC PHẦN “ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG GIÁO DỤC MẦM NON” Phạm Thanh Thủy Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định thanhthuycdspnd@gmail.com Tóm tắt: Bài báo đề cập đến một số kỹ năng sử dụng máy tính cần rèn luyện cho sinh viên như: Kỹ năng sử dụng thư điện tử; kỹ năng khai thác tài liệu từ internet; kỹ năng soạn bài giảng điện tử và kỹ năng thiết kế trò chơi trên máy tính cho trẻ mầm non thông qua học phần “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học mầm non”. Những kỹ năng này là cơ sở cần thiết giúp sinh viên ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Từ khóa: Kỹ năng sử dụng máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin, giáo dục mầm non. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) đã đặt ra những yêu cầu mới đối với ngành giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng. Giáo viên mầm non trong thế kỷ XXI vừa cần được trang bị những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ vừa phải có kỹ năng sử dụng những thiết bị hiện đại trong việc tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Những năm gần đây, Vụ Giáo dục Mầm non đã có những chỉ đạo và triển khai Ứng dụng công nghệ thông tin (UDCNTT) trong toàn ngành (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2006; Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018). Điều này đã đem đến những hiệu quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non. Điều 8, tiêu chuẩn 5 trong Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT cũng yêu cầu mức độ đạt được về chuẩn giáo viên mầm non “Sử dụng được các phần mềm ứng dụng cơ bản trong chăm sóc, giáo dục trẻ em và quản lý nhóm, lớp; Xây dựng được một số bài giảng điện tử; sử dụng được các thiết bị công nghệ đơn giản phục vụ hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều giáo viên mầm non, trong đó có cả những giáo viên trẻ mới ra trường còn hạn chế về kỹ năng sử dụng máy tính (Đào Thị Minh Tâm, 2011). Đó là một cản trở lớn đối với giáo viên trong việc triển khai ý tưởng giáo dục với sự hỗ trợ các phương tiện công nghệ mà chủ yếu là máy tính trong quá trình thiết kế và sử dụng bài giảng, trò chơi,... cũng như gây khó khăn cho họ trong quá trình cập nhật thông tin để phát triển chuyên môn nghiệp vụ. Điều này cho thấy để triển khai UDCNTT một cách hiệu quả, bên cạnh sự quan tâm về mặt chính sách thì kỹ năng UDCNTT, đặc biệt là kỹ năng sử dụng máy tính (KNSDMT) của người giáo viên mầm non có vai trò hết sức quan trọng. Việc nắm bắt các KNSDMT cần có ở người giáo viên mầm non để định hướng rèn luyện trong quá trình học tập và công tác sau này là việc làm cần thiết, phải được thực hiện ngay từ trên ghế giảng đường. Trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non trình độ Đại học, Cao đẳng, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học mầm non” là học phần bắt buộc nhằm cung cấp cho sinh viên (SV) kiến thức và rèn luyện kỹ năng UDCNTT cơ bản phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non và phát triển chuyên môn cho bản thân. Mặc dù nội dung học phần trong chương trình đào tạo của các trường là không hoàn toàn giống 231
  2. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA nhau, nhưng điểm chung là hướng đến rèn luyện các KNSDMT cho sinh viên như: sử dụng các phần mềm vui chơi - học tập của trẻ (Kidsmart, Happykids, quả táo màu nhiệm, bút chì thông minh...); rèn luyện các kỹ năng sử dụng các phần mềm trong quản lý, thiết kế trò chơi, thiết kế bài giảng điện tử (Nutrikids, MS Powerpoint, Violet, Adobe Photoshop...). Xác định các kỹ năng cần rèn luyện cho SV trong quá trình giảng dạy học phần, từ đó định hướng rèn luyện kỹ năng này cho SV là việc làm quan trọng, có ý nghĩa. 2. NHỮNG KỸ NĂNG SỬ DỤNG MÁY TÍNH CẦN RÈN LUYỆN CHO SINH VIÊN TRONG HỌC PHẦN “ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG DẠY HỌC MẦM NON” KNSDMT có nhiều loại. Rèn luyện KNSDMT cho SV mầm non phải trải qua nhiều bước từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao. Các kỹ năng cần hình thành và rèn luyện cho người học thông qua học phần “UDCNTT trong dạy học mầm non” bao gồm: 2.1. Kỹ năng sử dụng thư điện tử Email hay còn gọi là thư điện tử hiện nay đã trở thành một công cụ phổ biến, giúp chúng ta có thể trao đổi, chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi. Đối với giáo viên mầm non, email là một kênh quan trọng nhằm giúp họ gửi và nhận tin tức, thông báo, tài liệu,... với lãnh đạo, đồng nghiệp,... một cách “chính thống”, nhanh chóng và hiệu quả. Có thể nói, sử dụng email là một kỹ năng hết sức cơ bản và gần như bắt buộc đối với giáo viên nói chung, giáo viên mầm non nói riêng. Công văn số 4960/BGDĐT-CNTT ngày 27/07/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã khẳng định: “Mỗi cán bộ và giáo viên có ít nhất một địa chỉ e-mail của ngành, có tên dưới dạng @ tên-cơ-sở-giáo-dục.edu.vn, trong đó tên-cơ-sở-giáo-dục có thể là moet, tên sở, tên phòng”. Vì vậy, cần thiết phải rèn luyện kỹ năng sử dụng email cho sinh viên trong quá trình học tập ở giảng đường đại học. Đó cũng là bước chuẩn bị cho quá trình công tác sau này. Để rèn luyện kỹ năng này cho sinh viên, giảng viên có thể thực hiện theo các bước sau đây: Bước 1: Hướng dẫn SV cách tạo và sử dụng email Đây là việc làm quan trọng, giúp sinh viên có thể tự tạo email cá nhân để sử dụng trong quá trình tham gia học phần. Giảng viên có thể hướng dẫn trực tiếp ngay trên lớp học, tạ video hướng dẫn hoặc cung cấp tài liệu để sinh viên tự nghiên cứu. Giảng viên nên định hướng cách đặt địa chỉ email và một số thao tác sử dụng cơ bản để dễ dàng quản lý trong quá trình thu, nộp bài tập sau này. Bước 2: Áp dụng việc gửi và nhận bài tập qua email Do điều kiện thời gian lên lớp hạn chế nên khi làm các bài thực hành, kiểm tra trên lớp hay ở nhà, SV sẽ chuyển qua email để giảng viên nhận xét, sửa và gửi lại bài cho các em. Đây là việc làm cần thiết nhằm giúp SV rèn luyện được kỹ năng nhận và gửi email để sau này khi ra trường các em không lúng túng trong việc nhận và gửi công văn, tài liệu cần thiết trong công tác chuyên môn. 2.2. Kỹ năng tìm kiếm, khai thác tư liệu từ internet Nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng từ internet là một kênh giúp giáo viên khai thác nhằm phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục cũng như cập nhật thông tin cần thiết để phát triển chuyên môn. Nếu như trước đây, việc tìm kiếm các tư liệu để tổ chức các hoạt động giáo dục khá khó khăn thì hiện nay, với internet, giáo viên có thể dễ dàng tìm kiếm là lựa chọn các tư liệu như hình ảnh, video, âm thanh,... một cách nhanh chóng và tiện lợi. Tuy 232
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 vậy, để có được kỹ năng này trong học phần UDCNTT trong dạy học mầm non, sinh viên cần nắm bắt cách thức tìm kiếm và áp dụng vào trong quá trình học tập. Để rèn luyện kỹ năng này cho sinh viên, giảng viên có thể thực hiện theo các bước sau đây: Bước 1: Giới thiệu một số trang web tìm kiếm thông tin và hướng dẫn cách thức tìm kiếm Nắm bắt các trang web tìm kiếm thông tin và biết cách thức tìm kiếm thông tin, tư liệu từ internet là việc làm quan trọng đối với người giáo viên mầm non. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy học phần UDCNTT trong dạy học mầm non, giảng viên cần giới thiệu và hướng dẫn sinh viên nội dung này. Những trang web hỗ trợ đắc lực cho giáo viên mầm non trong việc tìm kiếm tài nguyên như giáo án, tài liệu tham khảo chuyên môn, hình ảnh, video, âm thanh,... có thể kể đến là: giaovien.net, dayhocintel.org, mammon.com.vn, violet.vn, giaovienmamnon.com… Một số trang web khác cho phép chúng ta tìm kiếm nguồn tài nguyên khổng lồ để khai thác như Google.com.vn, Download.com.vn... Sinh viên cần nắm bắt những địa chỉ web này để phục vụ cho quá trình học tập, nghiên cứu và công tác sau này. Lựa chọn từ khóa để tìm kiếm thông tin, tư liệu cũng rất quan trọng nhằm giúp sinh viên khai thác hiệu quả các nguồn thông tin trực tuyến. Việc sử dụng các từ khóa ngắn gọn, từ khóa bằng nhiều thứ tiếng có thể giúp sinh viên có thể tìm kiếm được nhiều thông tin hơn. Bước 2: Tổ chức cho sinh viên thực hành tìm kiếm thông tin Đây là bước quan trọng nhằm giúp sinh viên hình thành kỹ năng tìm kiếm thông tin, tư liệu từ internet. Có thể nói, việc lựa chọn được các hình ảnh, đoạn video, âm thanh hay các thông tin phù hợp phụ thuộc bởi nhiều yếu tố như kỹ năng tìm kiếm của sinh viên, đặc biệt là kiến thức chuyên môn của sinh viên. Với những bài tập cụ thể, giáo viên cần đặt ra yêu cầu cụ thể và yêu cầu sinh viên thực hiện việc tìm kiếm các tài nguyên theo quy tắc đặt ra như “tính khoa học”, “tính sư phạm”, “tính trực quan, thẩm mỹ”, “tính đặc trưng” của đối tượng được lựa chọn. Giảng viên có thể đưa ra các bài tập về tìm kiếm thông tin riêng biệt cũng như xem “dữ liệu” được sử dụng trong bài tập là một tiêu chí đánh giá. Bên cạnh việc tìm kiếm thông tin, tư liệu thì việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật như điện thoại, máy ảnh, máy quay,... và các phần mềm hỗ trợ hiệu chỉnh các dữ liệu cũng rất quan trọng. 2.3. Kỹ năng thiết kế bài giảng điện tử Thiết kế bài giảng điện tử là một kỹ năng quan trọng cần có đối với người giáo viên mầm non. Bài giảng điện tử ở bậc học mầm non khác so với các cấp học khác ở chỗ chủ yếu khai thác các yếu tố hình ảnh, âm thanh, video,... và hầu như rất ít khi xuất hiện chữ viết. Điều này xuất phát từ khả năng nhận thức của lứa tuổi. Hầu hết bài giảng điện tử đối với trẻ mầm non được thiết kế trên các phần mềm trình diễn điện tử như MS Powerpoint, Violet, Macro media Flash,... với sự hỗ trợ của các phần mềm biên tập, chỉnh sửa âm thanh, hình ảnh, video... Để rèn luyện kỹ năng này cho sinh viên, giảng viên có thể thực hiện theo các bước sau đây: Bước 1: Hướng dẫn thao tác cơ bản đối với các phần mềm cho sinh viên Hướng dẫn cách thức sử dụng các phần mềm biên tập (cắt - ghép, chỉnh sửa...) hình ảnh, âm thanh, video như Photoshop, Goldwave, Proshow Producer,... và các phần mềm trình diễn điện tử như MS Powerpoint, Violet, Macro media Flash (chèn các đối tượng, thiết lập hiệu ứng...) là việc làm quan trọng nhằm giúp sinh viên có thể nắm bắt và vận dụng vào trong từng ý tưởng cụ thể sau này. Nội dung này có thể được tiến hành ngay trên lớp học với các bài tập từ đơn giản đến phức tạp. 233
  4. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Ví dụ 1: Giảng viên có thể hướng dẫn sinh viên tạo hình ảnh động mèo lắc đầu bằng Photoshop theo các bước như sau: Bước 1: Tìm hình ảnh từ trên internet. Bước 2: Cắt rời các bộ phận của đối tượng. Sử dụng công cụ Pen trong Photoshop để cắt rời phần đầu, thân mèo, sau đó sử dụng kỹ thuật copy hình tạo ra 3 hình ảnh mèo với các tư thế khác nhau (đứng thẳng, nghiêng đầu bên trái, bên phải). Bước 3: Sử dụng công cụ Jum to Photoshop để tạo hình ảnh động mèo lắc đầu. Bước 4: Chèn âm thanh vào hiệu ứng. Kích chuột trái vào hình ảnh vào Insert -> Audio -> Audio from file -> chọn file tiếng phù hợp. Hình 1. Hình ảnh động mèo lắc đầu trong phần mềm Photoshop Ví dụ 2: Hướng dẫn sinh viên thiết kế 1 slide giới thiệu cho trẻ tìm hiểu vòng đời của loài bướm trên MS Powerpoint 2016, giáo viên có thể thực hiện như sau: Nêu ý tưởng: Vòng đời của bướm gồm 4 đối tượng: (1) Bướm trưởng thành; (2) Trứng; (3) Sâu; và (4) Kén. Các hình ảnh được sắp xếp từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Khi kích chuột vào màn hình thì lần lượt từng đối tượng xuất hiện. Các thao tác thực hiện: Bước 1: Tìm các hình ảnh trong vòng đời của loài bướm trên internet và xử lý hình ảnh bằng Photoshop (nếu cần). Bước 2: Chèn hình ảnh và thiết lập hiệu ứng lần lượt cho từng hình ảnh. (1) Chèn hình ảnh: Insert -> Picture. (2) Thiết lập hiệu ứng: Chọn hình ảnh -> Animation -> Add Animation -> chọn hiệu ứng phù hợp). Bước 2: Tổ chức cho sinh viên thực hành thiết kế bài giảng điện tử thông qua các bài tập Giảng viên có thể chia sinh viên thành các nhóm để thiết kế bài giảng điện tử đối với các hoạt động như: Cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học, làm quen với chữ cái, làm quen với toán, tạo hình, âm nhạc, khám phá khoa học về môi trường xung quanh… Muốn thực hiện được những yêu cầu đó, SV phải nắm vững nội dung, phương pháp đặc thù của từng bộ môn, từng loại hoạt động theo từng độ tuổi. 234
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 Hình 2. Slide giới thiệu về vòng đời của loài bướm 2.4. Kỹ năng thiết kế trò chơi trên máy tính Nguyễn Ánh Tuyết (2005) cho rằng: “Trò chơi điện tử mang lại khá nhiều lợi ích, nhưng lợi ích lớn nhất là giúp cho con em chúng ta sớm tiếp xúc một cách trực tiếp với khoa học kỹ thuật hiện đại điều mà thế hệ chúng ta nằm mơ cũng không thấy, lại rất cần cho cuộc sống của con người trong thế kỷ tới”. Những trò chơi trong các hoạt động học ở mầm non nhằm tạo hứng thú cũng như củng cố, ôn luyện nội dung kiến thức cho trẻ. Những trò chơi này cần phải sinh động, hấp dẫn với trẻ, tạo sự thoải mái, thư giãn cho trẻ sau một khoảng thời gian dài tập trung trong giờ học, đảm bảo phù hợp với yêu cầu độ tuổi. Tuy nhiên, để thiết kế trò chơi hấp dẫn trẻ, đòi hỏi SV phải tìm tòi, học hỏi các thao tác, kỹ năng nâng cao. Việc này đối với nhiều SV vẫn là một vấn đề khó khăn. Để rèn luyện kỹ năng này cho sinh viên, giảng viên có thể thực hiện theo các bước sau đây: Bước 1: Hướng dẫn thao tác thiết kế một số trò chơi cụ thể cho sinh viên Đây là việc làm quan trọng, giúp sinh viên bước đầu nắm bắt cách thức thiết kế những trò chơi cụ thể theo những ý tưởng nhất định. Giảng viên có thể hướng dẫn trực tiếp trên lớp hoặc sử dụng thêm video hướng dẫn để sinh viên tự nghiên cứu và thực hiện. Thông thường, việc thiết kế các trò chơi đơn giản trên máy tính cho trẻ mầm non có thể được thực hiện trên phần mềm MS Powerpoint và có thể thực hiện theo các bước: (1) Xác định nội dung trò chơi; (2) Đặt tên cho trò chơi; (3) Tìm kiếm tư liệu (hình ảnh, âm thanh, đoạn nhạc, đoạn video); và (4) Tiến hành thiết kế trên phần mềm. Ví dụ: Với mục đích giúp trẻ 4-5 tuổi ôn tập nhận biết hình dạng trong hoạt động làm quen với toán. Giảng viên có thể hướng dẫn SV thiết kế trò chơi “Ô cửa bí mật” trên MS Powerpoint 2016 như sau: Nêu ý tưởng: Trò chơi gói gọn trong 1 slide powerpoint với 4 ô cửa. Đằng sau mỗi ô cửa là một hình (vuông, chữ nhật, tròn hoặc tam giác). Khi trẻ chọn ô cửa nào thì kích trái chuột vào ô cửa đó, ô cửa mở ra xuất hiện hình nào thì trẻ nói nhanh tên hình đó. 235
  6. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Thao tác thiết kế: Bước 1: Tạo các hình dạng) nằm sau các ô cửa (1) Vào Insert -> Shapes -> chọn hình và vẽ lên slide. (2) Vào Shape fill -> chọn màu thích hợp để đổ màu cho các hình. Bước 2: Tạo các ô cửa (1) Vào Insert -> Shapes -> vẽ các ô cửa để che các hình; vào Shape fill -> chọn màu thích hợp để đổ màu cho các ô cửa. (2) Tạo hiệu ứng biến mất cho mỗi ô cửa khi kích chuột vào chính nó: Chọn ô cửa -> vào Animations -> chọn hiệu ứng biến mất (exit), sau đó thiết lập trigger “start effect on click of” vào chính đối tượng đó. Bước 3: Viết tên trò chơi “Ô cửa bí mật” bằng chữ nghệ thuật (Vào insert ->WordArt) Hình 2. Trò chơi “Ô cửa bí mật” Bước 2: Cho sinh viên tự thiết kế trò chơi theo nhóm hoặc cá nhân Đây là bước thực hành, luyện tập và có thể được thực hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Ở mức độ thấp nhất, sinh viên thực hiện các bài tập có sự hướng dẫn trước của giáo viên theo cá nhân. Ở mức độ cao hơn, giảng viên có thể cho sinh viên thiết kế trò chơi theo ý tưởng cho sẵn hoặc tự nghĩ ra ý tưởng và cụ thể hóa trên phần mềm máy tính theo nhóm hoặc cá nhân. Các bài tập cơ bản nên được thực hiện ngay trên lớp dưới sự theo dõi và hướng dẫn của giảng viên. Các bài tập nâng cao có thể được thực hiện ở trên lớp và hoàn thành ở nhà, sau đó giáo viên trực tiếp góp ý trên lớp để sinh viên rút kinh nghiệm. 3. KẾT LUẬN UDCNTT trong dạy học mầm non là một xu thế tất yếu trong việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trong thế kỷ XXI - kỷ nguyên của tri thức và công nghệ thông tin. Những kỹ năng mà SV được rèn luyện qua học phần “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học mầm non” là những kỹ năng hết sức cơ bản trong việc sử dụng 236
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 máy tính để UDCNTT vào dạy học ở mầm non. Tuy nhiên, để đáp ứng với yêu cầu phát triển của xã hội, của nghề nghiệp sau này, bản thân giảng viên và SV cần phải cố gắng tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi nhiều hơn nữa mới có thể bắt kịp với những tiến bộ không ngừng của khoa học, công nghệ trong giảng dạy và học tập. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006). Công văn số 6704/BGDĐT-GDMN - Triển khai UDCNTT trong GDMN giai đoạn 2006-2010. [2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018). Công văn số 3945/BGDĐT-GDMN - Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2018-2019. [3] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011). Công văn số 4960/BGDĐT-CNTT - Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ CNTT năm học 2011-2012. [4] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018). Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT Ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non. [5] Đào Thị Minh Tâm (2011). Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học của giáo viên mầm non tại thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học ĐHSP TPHCM, số 31 năm 2011. [6] Nguyễn Ánh Tuyết (2005). Giáo dục mầm non - Những vấn đề lý luận và thực tiễn. NXB Đại học Sư phạm. Title: TRAINING SOME COMPUTER USE SKILLS FOR STUDENTS THROUGH THE SUBJECT “APPLYING INFORMATION TECHNOLOGY IN PRESCHOOL EDUCATION” Pham Thanh Thuy Nam Dinh Teacher Training College thanhthuycdspnd@gmail.com Abstract: The article mentioned some skills of using computers that need to train for students such as email use skills; skills to exploit materials on the internet; skills of writing electronic lectures and game design skills on computers for preschool children through the module “Application of information technology in preschool teaching”. These skills are an essential foundation to help students apply the advancements of science and technology into preschool care and education activities, meeting the development needs of modern society. Keywords: Computer use skills, information technology application, preschool education. 237
nguon tai.lieu . vn