Xem mẫu

  1. “ Quyền được biết ” Báo chí thể hiện "quyền được biết", một quyền cơ bản của con người. Đây là điều hầu như ai cũng biết. Song thực tế cho thấy báo chí có thể là nhân tố hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và xoá đói giảm nghèo. Thông tin là yếu tố quan trọng đảm bảo cho thành công của một chiến lược phát triển. Để xoá đói giảm nghèo, chúng ta phải tăng cường khả năng tiếp cận với thông tin và nâng cao chất lượng thông tin. Các cơ quan thông tin đại chúng, mà một số người coi là "hàng hoá phát triển", có vai trò hết quan trọng trong việc thúc đẩy công tác quản trị quốc gia tốt. Báo chí có thể đưa ra ánh sáng những hiện tượng tham nhũng trong các cơ quan Nhà nước và trong các doanh nghiệp, truyền đạt tiếng nói của người dân, góp phần tạo ra sự
  2. đồng thuận của công chúng để mang lại kết quả đổi mới cũng như tạo thuận lợi cho thị trường hoạt động tốt hơn bằng cách cung cấp những thông tin kinh tế đáng tin cậy. Giống như các nước khác, báo chí ở Việt Nam là lực lượng xung kích trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, vốn là rào cản lớn đối với quá trình phát triển kinh tế và xã hội. Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan nói rằng tham nhũng là một mối đe doạ đáng sợ. Ông cho rằng tham nhũng "hạ thấp nền dân chủ, phá hoại chế độ pháp quyền, bóp méo thị trường, hạn chế tăng trưởng kinh tế và làm cho nhiều người bị mất đi quyền được chia sẻ các nguồn lực kinh tế hay viện trợ cứu sinh". Chúng ta hãy xem vai trò của báo chí trong quá trình xét xử vụ án Năm Cam gần đây. Báo chí đưa tin về tham nhũng trong khi Việt Nam đang triển khai những bước đầu để tiến tới cải cách ngành toà án. Điều đó đã khuyến khích Chính phủ tăng cường hơn nữa trách nhiệm giải trình của mình và gây dựng được lòng tin. Một khu vực báo chí lành mạnh không những góp phần hạn chế hiện tượng lạm dụng quyền lực mà còn tăng khả năng đáp ứng những nhu cầu xã hội cơ bản của người dân. Bằng việc làm đó, báo chí góp phần xoá đói giảm nghèo và tăng cường phát triển kinh tế. Ví dụ, gần đây các nhà lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh hơi "giật mình" sau khi có những bài báo đặt câu hỏi về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Năm ngoái, báo cáo của LHQ về tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ với tiêu đề "Đưa các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đến với người dân" đã xếp trung tâm kinh tế của cả nước này ở vị trí thứ 14 về chất lượng cuộc sống. Có thông tin cho hay giờ đây Thành phố đang thảo luận về các biện pháp giải quyết những thách thức về mặt xã hội, đặc biệt là tình trạng bất bình đẳng hay HIV/AIDS, được coi là nguyên nhân làm giảm sút chất lượng cuộc sống của Thành phố.
  3. Về các vấn đề kinh tế, có những sáng kiến hiện đang được triển khai nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình thông qua việc công bố thông tin về ngân sách và luật pháp. Đây là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo thực hiện cam kết về dân chủ ở cơ sở. Trên cơ sở có thêm thông tin, người dân có thể đưa ra những quyết định lựa chọn đúng đắn hơn. Giáo sư Joseph Stiglitz, người đoạt giải thưởng Nô-ben, ủng hộ việc tăng cường tính minh bạch của các cơ quan Nhà nước và cho rằng nhiều quyết định chính trị kéo theo các hệ quả về mặt kinh tế. Việc cung cấp thông tin chất lượng hơn và kịp thời hơn dẫn đến việc phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả hơn và phù hợp hơn. Việc mở rộng tự do báo chí không chỉ là vấn đề đưa ra những thông cáo báo chí kịp thời và giàu thông tin, mà còn là vấn đề ý thức, tức là sẵn sàng chấp nhận rằng rủi ro của việc đưa ra thông tin gây xôn xao dư luận không nguy hại bằng rủi ro tiềm tàng của việc bưng bít thông tin. Dịch SARS là một ví dụ điển hình về cách thức phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan thông tin đại chúng. Một số người lo ngại rằng việc đưa ra thông tin một cách vô trách nhiệm về bệnh dịch này có thể gây ra phản ứng thái quá của công chúng. Nhưng thay vì giữ kín thông tin, Chính phủ đã chọn phương châm "mở cửa" được đông đảo dư luận trong và ngoài nước ca ngợi. Các cơ quan y tế không chỉ cho phép tiếp cận thông tin mà còn đảm bảo rằng các cơ quan thông tin đại chúng được chuẩn bị đầy đủ để cung cấp thông tin chính xác về tình hình dịch SARS. Ví dụ về chiến lược phòng chống HIV/AIDS thành công ở những nước như Uganđa cho thấy rằng bản thân các cơ quan thông tin đại chúng có thể trở thành một công cụ chính sách y tế quan trọng. Vì vậy, việc khai thác kỹ năng truyền thông của các nhà báo là một trong những cách thức hiệu quả nhất để phá tan sự im lặng xung quanh vấn đề HIV/AIDS, thông báo cho công chúng biết về những bước cần tiến hành để bảo vệ sức khoẻ của họ.
  4. Tuy nhiên, một báo cáo nghiên cứu mới đây ở Việt Nam cho thấy rằng các cơ quan thông tin đại chúng giữ vai trò chính trong việc duy trì sự kỳ thị do truyền đạt những thông điệp tiêu cực, không chính xác và không đầy đủ về HIV, các phương thức truyền bệnh (và nguy cơ đối với công chúng) cũng như về thực chất cuộc sống của những người sống chung với HIV/AIDS. Rõ ràng các phóng viên cần được hỗ trợ để nâng cao kiến thức về lĩnh vực này. Cửa sổ tình yêu, một chương trình phát thanh hàng tuần trên Đài tiếng nói Việt Nam với sự tư vấn kĩ thuật của Chương trình Dân số LHQ, là một diễn đàn để thanh niên đưa ra câu hỏi về các vấn đề tình dục và tình yêu. Những chuyên gia tư vấn và người dẫn chương trình giúp cho thanh niên hiểu biết về nguy cơ nhiễm HIV/AIDS và những biện pháp họ có thể áp dụng để tự bảo vệ mình. Quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và các cơ quan thông tin đại chúng cũng có thể giúp ích cho việc bảo vệ môi trường. Việc yêu cầu các công ty thông báo mức độ ô nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng là một biện pháp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm rất hiệu quả. Một biện pháp khác là công bố trên báo chí "danh sách đen" liệt kê các cơ sở gây ô nhiễm nhằm hạn chế những hành vi không thân thiện với môi trường. Việt Nam có khoảng 600 tờ báo và tạp chí, 59 đài phát thanh và truyền hình địa phương bên cạnh đài Truyền hình Trung ương và đài Tiếng nói Việt Nam và 12.000 nhà báo đã qua đào tạo. Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong cộng đồng quốc tế, vì vậy Việt Nam cần có một nền công nghiệp báo chí đảm bảo chuyển tải tới thế giới bên ngoài những thông tin chính xác và kịp thời về những gì đang diễn ra trong nước. Các cơ quan thông tin đại chúng cũng cần tiếp tục nâng cao hiểu biết và tranh thủ sự ủng hộ của công chúng trong nước để giải quyết những thách thức to lớn. Điều này càng cần thiết hơn khi Việt Nam triển khai thực hiện các hiệp định thương mại song phương và chuẩn bị gia nhập WTO - một tổ chức thương mại toàn cầu.
  5. Liên Hợp Quốc đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức phi chính phủ ở nhiều nước để hỗ trợ công tác phát thanh, truyền hình mang tính chất khách quan và các sáng kiến khác nhằm tăng cường trình độ chuyên môn và việc tự do trao đổi thông tin. Việt Nam cam kết xây dựng một xã hội tri thức. Xã hội này phải thông thoáng, trong đó mọi người đều được tiếp cận với thông tin, và mở cửa đón nhận những ý kiến và quan điểm rộng rãi hơn. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã góp phần truyền bá tri thức bằng cách cung cấp các thông tin cập nhật về kinh tế, xã hội và pháp luật về nguyên tắc là không mất chi phí. Chúng ta hãy suy ngẫm xem việc phát triển các cơ quan thông tin đại chúng mang tính chuyên nghiệp và có trách nhiệm cũng như việc tôn trọng những quan điểm khác biệt sẽ có tác dụng như thế nào để đưa Việt Nam trở thành một xã hội tri thức.
nguon tai.lieu . vn