Xem mẫu

  1. QUẢN TRỊ CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO TRONG CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG CÔNG LẬP TRONG BỐI CẢNH ĐỔI MỚI GIÁO DỤC HIỆN NAY TS Nguyễn Tùng Lâm Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội Tóm tắt Bài viết tập trung nêu một số kinh nghiệm, một số việc làm trong công việc quản trị việc phát triển đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường phổ thông công lập trong điều kiện đổi mới giáo dục hiện nay, Đó là: - Giúp đội ngũ nhà giáo nhận thức và đánh giá đúng về phẩm chất năng lực của bản thân trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. - Giúp họ biết cách phát triển bản thân cho phù hợp với nghề nghiệp trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay. - Giúp họ phát huy nội lực bản thân và đơn vị để nâng cao phẩm chất năng lực trình độ nghiệp vụ trong công cuộc đổi mới - Phát triển đội ngũ nhà giáo phải gắn với phát triển văn hóa của mỗi nhà trường. Từ khóa: Quản trị trường học, phát triển đội ngũ nhà giáo, phát huy nội lực nhà giáo; phát triển văn hóa trường học. NỘI DUNG Nghị quyết 29 Trung ương của Đảng khóa XI, trong phần chỉ đạo đổi mới về công tác quản lý giáo dục đào tạo đã chỉ rõ “phân định công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục đào tạo”. Vì thế việc đổi mới công tác quản lý trong các nhà trường phổ thông hiện nay phải gắn với công tác quản trị trường học. “Quản trị” theo nghĩa của từ điển tiếng việt của Viện ngôn ngữ Việt Nam – Quý Long và Kim Thư chủ biên (2009) “Quản trị là phụ trách việc trông nom, sắp xếp công việc nội bộ của một tổ chức (Tr.504, nhà xuất bản lao động 2009 gốc nghĩa chữ Hán: 91
  2. “quản” và chăm nom; trị là sửa sang) Quản trị có thể coi là công việc “bếp núc” của cán bộ quản lý của mỗi cơ sở, không có ai làm thay. Nhưng “quản trị” cơ sở giáo dục đào tạo phải luôn gắn với tinh thần “Tự chủ” của cơ sở còn như quản lý của các trường học theo cơ chế bao cấp người quản lý không được giao quyền tự chủ chắc chắn việc quản trị không còn ý nghĩa. Vì cứ chờ lệnh của cấp trên mới được làm; làm gì phải báo cáo cấp trên, được phép mới được làm. Còn “quản trị” với tinh thần tự chủ, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ nhà nước giao cho cơ sở giáo dục thì người quản lý, người đứng đầu mỗi cơ sở đều được toàn quyền chỉ đạo. Vậy khi chưa có Nghị định của Chính phủ về tự chủ cho tất cả các trường công lập hiện nay thì các cán bộ quản lý các trường học phải làm gì? Làm như thế nào trong công tác “quản trị”? khi nào nhà nước mới phân định xong “quản lý nhà nước với quản trị của các cơ sở giáo dục đào tạo” (NQ 29TW). Nêu vấn đề trên để chúng tôi chia sẻ với các cán bộ quản lý trong các nhà trường phổ thông công lập hiện nay. Các trường công lập được tự chủ và các trường ngoài công lập, việc “quản trị” trường học là đương nhiên. Quản trị trường học trong các trường công lập hiện nay có nhiều việc phải làm, song hạn chế của chương trình hội thảo, chúng tôi chỉ xin nêu tập trung vào một vấn đề “Quản trị công tác phát triển đội ngũ nhà giáo mỗi trường phổ thông công lập trong thời kỳ đổi mới giáo dục đào tạo hiện nay” phải giải quyết nó như thế nào? Vấn đề phát triển đội ngũ nhà giáo trong mỗi nhà trường là yếu tố sống còn, yếu tố quyết định thành công của giáo dục nói chung và mỗi nhà trường nói riêng. Nói đến đội ngũ nhà giáo, các chính sách nhà nước mới chú ý đến bằng cấp, trình độ đào tạo, chưa chú trọng “Đổi mới mạnh mẽ tích cực nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp” (NQ 29TW). Quan điểm của chúng tôi, trong khi nhà nước còn lúng túng các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ở các nhà trường công lập thì Hiệu trưởng của mỗi nhà trường phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm, về “đạo đức và năng lực nghề nghiệp” của mỗi nhà giáo. Trong chuyên đề này chúng tôi xin nêu các giải pháp, những gợi ý để các Hiệu trưởng các nhà trường “quản trị” tốt công tác phát triển đội ngũ của mình: 92
  3. 1. Thứ nhất giúp đội ngũ nhà giáo nhận thức và đánh giá đúng về phẩm chất và năng lực của mình trong sự nghiệp đổi mới giáo dục Tham gia giải quyết vấn đề này để chúng tôi không chỉ tham gia tìm giải pháp thực hiện Nghị quyết 29/TW mà còn muốn khẳng định một tiêu đề: “Nếu không có một đội ngũ nhà giáo có chất lượng, thì không bao giờ chúng ta có chất lượng giáo dục”. Thật ra trong quá trình dạy học yếu tố người dạy và người học cũng có một quan hệ mật thiết. Thầy giỏi mấy nhưng trò cố tình không học cũng không thể có thành công chung. Nếu thầy kém nhưng trò chủ động, tích cực vẫn có thể có thành công nhất định ở trò. Nhưng ngược lại trò có kém nhưng gặp thầy giỏi trò vẫn có thể thành công nhất định. Trong mối quan hệ này, ông thầy vẫn là yếu tố quyết định. Giáo dục Việt Nam đã bị bệnh thành tích chi phối quá lâu ở tất cả các ngành học, cấp học; Chỉ đo kết quả học tập của học sinh bằng kết quả phần trăm lên lớp, xếp loại học lực và hạnh kiểm. Không có tổ chức kiểm định chất lượng để đánh giá một cách khách quan, khoa học về tất cả các quá trình giáo dục trong mỗi nhà trường. Tất cả chỉ được đánh giá bằng phong trào thi đua qua những con số các nhà trường tự báo cáo; Thêm vào đó chỉ có một số liệu về thi học sinh giỏi quận, huyện, tỉnh, thành phố, toàn quốc và quốc tế,la đang tin cây, còn tỷ lệ thi tốt nghiệp trung học phổ thông gần như các trường, các tỉnh thành sau mỗi năm học đều tiến đến con số tuyệt đối gần 100% (2012 – 2013 toàn quốc 98%). Như vậy đã từ lâu yếu tố quản lý, yếu tố đội ngũ nhà giáo trong mỗi nhà trường không được xem xét, đánh giá một cách khoa học, khách quan. Người dạy tốt chủ động sáng tạo cũng giống như người năng lực kém tinh thần trách nhiệm không cao. Tất cả đều chỉ biết tháng lĩnh lương… Ngành giáo dục đã thủ tiêu hoàn toàn động lực của người dạy. Năm 2012, Qũy của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nghiên cứu về đội ngũ nhà giáo có làm điều tra khoa học nhỏ lấy mẫu ở một số tỉnh thành ở các cấp học khi hỏi giáo viên thì đều nhận được một tỷ lệ là gần hoặc trên 50 % giáo viên các cấp trả lời “nếu được chọn lại nghề họ đều không muốn chọn lại nghề giáo viên”. Chưa có điều tra khoa học nào về tiêu chuẩn phát triển nghề nghiệp cho toàn thể đội ngũ nhà giáo ở tất cả các ngành học, cấp học. Tuy vậy bằng thực tế quản lý của các trường học phổ thông chúng tôi có thể phân loại đội ngũ nhà giáo đang giảng dạy ở các trường phổ thông thành 4 loại: Loại 1: Những nhà giáo giỏi chuyên môn có năng lực sư phạm luôn chủ động sáng tạo, say mê yêu nghề, trong điều kiện nào họ đều là người đi đầu kiên trì đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy luôn lôi cuốn khích lệ học sinh. Họ luôn là những nhà 93
  4. giáo mẫu mực, thực hiện lời dạy chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Loại 2: Những nhà giáo có năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm nhưng không nhiệt tình, không tự giác, không say mê với nghề như loại 1. Họ có thể làm tốt tùy hoàn cảnh, tùy vào năng lực cán bộ quản lý mỗi nhà trường. Loại 3: Năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm còn có nhiều hạn chế nhưng về mặt ý thức họ là người nghiêm túc cố gắng làm hết sức mình nhưng kết quả giảng dạy, giáo dục đều không đạt đến điều mong muốn, không thể đáp ứng nổi yêu cầu “đổi mới toàn diện, triệt để giáo dục” hiện nay. Nếu loại 1 và 2 chỉ chiếm số ít trong các nhà trường, loại 3 là loại chiếm số đông ở các nhà trường Loại 4: là loại nhà giáo có hạn chế cả về năng lực lẫn phẩm chất hoặc có năng lực nhưng phẩm chất kém. Tham gia tạo ra những tiêu cực cho ngành nhiều hơn là đóng góp tích cực. Loại nhà giáo này tuy không nhiều trong mỗi nhà trường, song phải sớm được thanh lọc khỏi các nhà trường. Nên 4 loại nhà giáo trong các nhà trường hiện nay, để thấy ngành giáo dục đào tạo phải sớm có cơ chế chính sách khích lệ, quản lý thế nào để loại 2 nhanh chóng thành loại 1 và phải tổ chức đào tạo lại, trang bị lại kiến thức, phương pháp cho số đông nhà giáo ở loại 3. Chúng ta mới có thể thực hiện yêu cầu “đổi mới toàn diện, triệt để” mới tạo chất lượng bền vững cho giáo dục Việt Nam. Nhưng chỉ phân tích ở góc độ nghiệp vụ nhà giáo chúng ta lại thấy những biểu hiện hạn chế chủ yếu sau: Số đông nhà giáo chưa thể hiện được đặc trưng nghề nghiệp của mình: những người luôn khát khao học hỏi, luôn mong muốn làm giàu tri thức khoa học, tri thức đời sống cho bản thân, luôn là tấm gương, là “thần tượng” của học trò. Họ luôn là tấm gương sống về học suốt đời, luôn chủ động sáng tạo khi tiếp cận mọi đối tượng học sinh. Nghề dạy học muốn thành công phải nắm được tâm sinh lý đối tượng mình dạy, mình giáo dục. Những nguyên tắc, phương pháp giáo dục giáo viên ít chú ý vận dụng trong thực tế. Đặc biệt phải từ thực tiễn giảng dạy, giáo dục mỗi người lại tự đúc rút cho mình những bài học kinh nghiệm, tự nâng cao năng lực trình độ. Điều này số đông giáo viên ít quan tâm, ít làm được. Có thể trong nhà trường sư phạm bộ môn Tâm lý giáo dục đã không được coi trọng, chưa được coi là môn chính để đào tạo tay nghề cho giáo viên mà chỉ được đối xử như 94
  5. một môn chung như: Lịch sử Đảng, triết học… Khi ra trường rồi, các trường phổ thông lại không đào tạo, chỉ trông chờ giáo viên tự học. Số đông nhà giáo mắc bệnh nghề nghiệp: chạy theo lý thuyết kinh điển, bám vào tri thức có sẵn trong sách giáo khoa (mặc dù nó đã lạc hậu cả về khoa học lẫn thực tiễn) không gắn với thực tiễn đời sống, luôn cho mình là đúng coi thường những đóng góp của đồng nghiệp, khó chịu với những thắc mắc của học sinh. Luôn nói nhiều, không chịu lắng nghe, luôn đổ lỗi cho học sinh, cho cha mẹ học sinh và nhà trường, đồng nghiệp, còn bản thân luôn cho là hoàn hảo. Số đông giáo viên chưa thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục là do coi thường những đợt tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ của từng trường hoặc cơ quan quản lý giáo dục tổ chức. Cũng có lỗi của người tổ chức là chưa thiết thực, còn hình thức, số đông giáo viên không coi trọng nghề của mình bằng chính việc không thực hiện được tính chuyên nghiệp của nghề giáo, dễ tự do tùy tiện, ngẫu hứng, không chịu theo những qui trình chuẩn mực chặt chẽ. Tùy tiện khác xa với linh hoạt và sáng tạo của nghề giáo. Trong các nhà trường sư phạm, nhà trường phổ thông ít đào tạo, ít đòi hỏi cao về mặt này để giáo viên quá tự do và tùy tiện về nghiệp vụ. Tất cả những chuẩn mực của một giờ lên lớp họ chỉ quan tâm thực hiện khi thao giảng hoặc có thanh tra, có người dự giờ. Như trên đã nêu do không nắm được tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không hiểu được phương pháp giáo dục, kinh nghiệm giáo dục tiên tiến nên dễ tùy tiện và dễ mắc sai lầm trong quá trình giáo dục. Đặc biệt từ sau 2020 khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng tích hợp các môn học, theo hướng phát triển theo năng lực người học nếu giáo viên không được huấn luyện đến mức có đủ kỹ năng, có thói quen để làm tốt trong các giờ lên lớp gây hứng thú học sinh hay lại để giáo viên tự do, tùy tiện thực hiện. Nếu vậy chắc chắn chúng ta không thể thay đổi tận gốc về chất đội ngũ nhà giáo hiện nay. 2. Giúp nhà giáo trong mỗi nhà trường biết cách phát triển bản thân cho phù hợp với sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay Biết phát triển bản thân là một trong những kỹ năng quan trọng của mỗi người trong xã hội phát triển, đặc biệt thời đại 4.0, thời kỳ hội nhập. Nếu không có kỹ năng phát triển bản thân sẽ không vượt qua những áp lực của nghề nghiệp, áp lực sự thay đổi của xã hội. Nhà giáo trong thời đại 4.0, không có kỹ năng phát triển bản thân không đáp ứng được yêu cầu phát triển nghề nghiệp, không hoàn thành sứ mệnh “Tấm 95
  6. gương cho học sinh noi theo”. Nên hiệu trưởng mỗi nhà trường biết “quản trị” việc này chắc chắn sẽ xây dựng được một đội ngũ nhà giáo tự giác, sáng tạo, tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục của mỗi nhà trường. Để giúp nhà giáo vượt qua chính mình, họ phải biết tự lãnh đạo bản thân. Chúng tôi muốn kiến nghị Bộ giáo dục và đào tạo, Công đoàn giáo dục Việt Nam và Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nên nghiên cứu, triển kha chương trình giáo dục “Nhà lãnh đạo trong tôi” (The leader in Me) của Tiến sỹ Tâm lý học Stepphen R.Covey khởi xướng những năm gần đây. Chương trình này đã được nhiều trường học ở Mỹ, Singapo và nhiều nền giáo dục tiên tiến áp dụng để xây dựng đội ngũ nhà giáo và áp dụng giáo dục học sinh của mình. Chương trình xây dựng trên cơ sở áp dụng “7 thói quen thành đạt” của TS Stepphen R.Covey trong tác phẩm của mình từ năm 1989. Tác phẩm “7 thói quen hiệu quả” được xây dựng trên cơ sở phỏng vấn, tìm hiểu những giám đốc, tổng giám đốc của những tập đoàn kinh tế lớn thế giới, những người thành công trong các lĩnh vực khoa học, xã hội, nghệ thuật để ông đúc rút ra 7 thói quen cho mỗi người muốn thành công trong cuộc sống. Đó là: - Sống chủ động - Bắt đầu với mục tiêu - Ưu tiên việc quan trọng - Tư duy cùng thắng - Hiểu rồi được hiểu - Hợp lực - Rèn giũa bản thân Nếu các nhà giáo được tập huấn kỹ lưỡng bằng những bài học tâm lý qua trải nghiệm họ sẽ thay đổi nhận thức, tạo được những thói quen tự hoàn thiện bản thân, chúng ta mới hy vọng có được một đội ngũ nhà giáo chủ động phát huy những kiến thức khoa học giáo dục tiên tiến vào công việc và cuộc sống thường ngày của mình Thành công của mỗi nhà giáo ở Việt Nam hiện nay còn phải biết phát huy nội lực của chính mình, từ chính những chương trình huấn luyện cụ thể này. 96
  7. 3. Giúp đội ngũ nhà giáo phát huy nội lực bản thân và đơn vị để nâng cao phẩm chất năng lực trình độ nghề nghiệp trong công cuộc đổi mới Nội lực là cái sẵn có tiềm ẩn trong mỗi nhà giáo trong mỗi đơn vị: Đó là lòng yêu nghề, yêu thương tôn trọng thế hệ trẻ; là tinh thần trách nhiệm, là lương tâm nghề nghiệp; là nhu cầu cống hiến; là lòng tự trọng; là sự say mê, sáng tạo… Tóm lại tất cả những gì có được trong mỗi nhà giáo mà lâu nay ta thường để nó “ngủ yên” hoặc “lặng thinh” trong sâu thẳm mỗi nhà giáo, chúng ta phải khơi dậy, phát huy nó biến thành động lực thôi thúc để nhà giáo tự kiếm tìm cơ hội, tự bồi dưỡng, tự nâng cao tay nghề và quan trọng tự tìm kiếm cách thể hiện nó như thế nào cho hiệu quả với tinh thần chủ động sáng tạo nhất. Tôi xin không bàn tới lý luận về “phát triển nội lực” của nhà giáo, nhà trường Việt Nam hiện nay mà chỉ nêu một thực tế mới đây. Ngày 20/10/2018 trên báo điện tử Vietnamnet có yêu cầu tôi bình luận về một bài viết của TS Nguyễn Chí Hiếu là đại diện duy nhất của Việt Nam được nhận học bổng Eisenhower Fellowship 2018 về giáo dục, trong dịp anh đến thăm trường công ở ngoại ô Chicago đã tạo nên 3 kỳ tích chỉ sau 3 năm: Trước khi lập kỳ tích, trường công lập ở Chicago vó 3000 học sinh đã rơi vào tình trạng: - 85% học sinh là dân nhập cư, 15% là dân Mỹ da đen - Học sinh nghỉ học giữa chừng cao ngưỡng 50-60% - Học sinh tốt nghiêp đại học chỉ có 5-10% - Học sinh bạo lực học đường, vào tù bóc lịch trên 40% Nhưng chỉ sau 3 năm thực hiện 3 kỳ tích thì: - Số học sinh nghỉ học giữa chừng chỉ còn 5% - Tỷ lệ học sinh vào đại học 50-60% - Tỷ lệ học sinh bao lực học đường và vào tù còn 0% Ba kỳ tích của nhà trường chỉ tập trung vào: Thứ nhất: Xây dựng chương trình học mới sao cho phù hợp với đối tượng học sinh chứ không phải chương trình cứng nhắc cho cả 3000 học sinh - Chương trình IB là dành cho 15% học sinh xuất sắc nhất, muốn hướng đến những trường đại học hàng đầu. 97
  8. - Chương trình Avid là dành cho 15% học sinh khá giỏi, muốn bước chân vào các trường đại học kha khá. - Chương trình Dạy nghề là dành cho 20% học sinh mà ở đó, chúng nó có nguyên một xưởng sữa chửa ô tô, một nhà bếp học nấu nướng, một phòng lab để học về lập trình và an ninh mạng, một xưởng in ấn để sản xuất ấn phẩm truyền thông. - Chương trình Nghệ thuật dành cho 10% học sinh mà ở đó chúng được tung hoành vẽ dầu, làm gốm, điêu khắc, múa hát, nhảy nhót. Thứ hai: Cả trường cùng làm khoa học 200 giáo viên của trường tập trung xây dựng 4 chương trình học cơ bản. Đó là chương trình học thuật, chương trình văn hóa và cộng đồng, chương trình phát triển đội ngũ, chương trình kiểm tra và đánh giá. Mỗi chương trình đều có kế hoạch sau 5 năm về đích như thế nào và có tới 7,8 hành động để thực hiện và có công cụ để đo lường cụ thể. Hàng giờ hàng ngày cả tập thể gần 200 giáo viên, nhân viên ấy vừa làm vừa phân tích, chỉnh sửa, học hỏi. Để rồi tất cả cùng nhau trưởng thành khi chính học sinh của họ trưởng thành. Thứ 3: giáo dục đâu phải là câu chuyện của chỉ nhà trường: chương trình này họ đã thu hút được đông đảo phụ huynh nhà trường tình nguyện cùng tham gia và các lực lượng xã hội tại địa phương giúp đỡ. Chắc chắn các nhà giáo Việt Nam có thể làm được và không kém gì các nhà giáo Mỹ. Bằng chứng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khó khăn như vậy chúng ra vẫn có Bắc Lý, Cẩm Bình, trường Lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình. Những điển hình tiên tiến, sống động về tinh thần vượt khó, tâm huyết, sáng tạo của các nhà giáo. Nay những điển hình phát huy nội lực của nhà giáo Việt Nam như thế chắc còn rất nhiều nhưng chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, tổng kết. Chúng ta đang thả nổi để cho các trường quốc tế phục vụ cho những người có tiền, cho việc đi du học. Chỉ có trở lại cơ chế tự chủ cho các nhà trường, để các nhà giáo phát huy hết nội lực của mình chúng ta mới có thể có thành công trong giáo dục, mang lại niềm vui hạnh phúc cho các thầy cô giáo khi chính họ mang đến cho các học trò của mình niềm vui, hạnh phúc. Và các em đang thực hiện những hòai bão, ước mơ bằng chính trí tuệ, công sức của mỗi người chứ không phải bằng “phong bì” để có bằng cấp, học vị và cả “thành công”. 98
  9. Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội và Công đoàn giáo dục Hà Nội đang thực hiện giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” đã khơi dạy được nội lực của nhiều nhà giáo Hà Nội không chỉ tâm huyết mà còn sáng tạo trong sự nghiệp trồng người. Cô Hiệu trưởng trường mầm non Cát Linh, Quận Đống Đa đã tìm cách huy động của cha mẹ học sinh, của các đồng nghiệp ở các trường ban để có được 500 vỏ trứng làm vệ sinh sạch sẽ cho 500 cháu mầm non, mẫu giáo để tổ chức “Ngày hội trứng” để giáo dục cho trẻ về thẩm mỹ, về môi trường, về ẩm thực, về sự khéo léo và cả STEM nữa. Đã có 50 thầy cô giáo Hà Nội được nhận giải thưởng “Nhà giáo tâ huyết, sáng tạo” như thê! Năm học 2017-2018, kênh VTV7 của Đài truyền hình Việt Nam đã làm chương trình “Thầy cô thay đổi” cũng học tập từ chương trình của Hàn Quốc nhưng chủ yếu chỉ tập trung phát huy nội lực của nhà giáo, tạo sự thay đổi mỗi nhà giáo khi họ biết quý những giá trị của nghề dạy học, khi họ mang lại niềm vui, hạnh phúc cho học trò của mình bằng chính sự tâm huyết, sáng tạo của mình. Và từ đó, họ có được thành công trong giảng dạy và hạnh phúc trong cuộc sống. 4. Phát triển đội ngũ nhà giáo phải gắn với phát triển văn hóa mỗi nhà trường 4.1 Quan niện về văn hóa nhà trường Họ phải hiểu được văn hóa nhà trường chính là văn hoá của tổ chức. Trong nền kinh tế thị trường, mỗi tổ chức phải tự khẳng định, tự xác định vị trí vai trò của mình bắng chính “Thương hiệu”, bằng sự tín nhiệm cao về các sản phẩm, các dịch vụ mình mang đến cho cộng đồng. Mỗi tổ chức chỉ khẳng định được cái “riêng có” cái uy tín về chất lượng toàn diện của các sản phẩm của tổ chức mình sáng tạo nên thì tổ chức đó mới đủ sức cạnh tranh và tồn tại phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường. Như vậy văn hoá tổ chức ra đời là do nhu cầu tự khẳng định của mỗi tổ chức. Nó là giải pháp để các tổ chức xây dựng con người nguồn lực quan trọng nhất của mỗi tổ chức với các lề lối làm việc, cách thức sống, những giá trị niềm tin mà mỗi tổ chức theo đuổi. Do đó, “ Văn hoá nhà trường” chỉ được nhìn nhận là “khung cảnh sư phạm” “môi trường sư phạm” và “ứng xử học đường” như lâu nay ta vẫn hiểu là cần thiết nhưng rõ ràng chưa đầy đủ, chưa làm rõ vị trí quan trọng, cái cao cả mà “văn hoá nhà trường” mang lại cho mỗi trường học. Chúng ta trong thời kỳ kinh tế thị trường, hội nhập hiện nay. Hiểu Văn hoá nhà trường là văn hoá tổ chức thời kinh tế thị trường, thời hội nhập là chúng ta phải nắm được bản chất của Văn hóa nhà trường. Đó là những biểu hiện ở các mặt chủ yếu sau: 99
  10.  Thứ nhất: Văn hóa nhà trường trước hết là cách tư duy và hành động của các thành viên trong nhà trường. Đó là những niềm tin vào các giá trị được đề cao, được xem trọng, đó là những phương thức giáo dục đào tạo chung và riêng của mỗi nhà trường trong khi thực hiện mục tiêu cấp học. Và tất cả những điều đó sẽ quy định chi phối toàn bộ các hành vi ứng xử của các thành viên trong nhà trường với nhau cũng như với xã hội.  Thứ hai, Văn hóa nhà trường còn được thể hiện một cách chặt chẽ nhất quán bởi những định chế, những cung cách điều hành (lãnh đạo) của mỗi nhà trường và sự tuân thủ của các thành viên. Khi liên kết với nhau để thực hiện mục tiêu đào tạo và để tạo ra những giá trị của mỗi nhà trường (tạo ra nhân cách của người dạy và người học). Đây chính là tính thống nhất của mỗi nhà trường. Cũng là mục tiêu cao cả của văn hóa nhà trường của mỗi nhà trường. Đây là điểm sẽ giúp việc chi phối những giá trị đề cao trong mỗi nhà trường nhanh chóng thực hịên.  Thứ ba, Văn hoá nhà trường không chỉ được thể hiện ở những điểm tư duy, hành động và bộ máy vận hành nhất quán của mỗi nhà trường mà còn phải được thể hiện thông qua những nét riêng biệt “riêng có” của mỗi nhà trường. Cái “riêng biệt” của mỗi nhà trường là những truyền thống xuyên suốt thời gian mà mỗi thành viên trong trong nhà trường đóng góp xây dựng: Nó có thể là truyền thống “dạy tốt - học tốt”, có thể là khung cảnh sư phạm, có thể là mối quan hệ bền vững, tình nghĩa thầy trò, hoặc cụ thể nó chỉ là phù hiệu, logo, bản trường ca, quần áo đồng phục… đang hiện hữu trong mỗi nhà trường Đây chính là những nét biểu hiện của tình thần bền vững của niểm tin, niềm tự hào của các thành viên trong mỗi nhà trường về mái trường mình đã trưởng thành, cống hiến. Thế hệ đi sau phải biết kế tiếp thế mạnh các thế hệ đi trước và sáng tạo nên những giá trị mới, những truyền thống mới cho mỗi nhà trường. Những nét riêng có này phải được tất cả các thành viên cùng chung bước, cùng thống nhất thực hiện. Chính tất cả những hành động, những giá trị mà các thành viên thống nhất thực hiện được trong khoảng thời gian nhất định nó không chỉ tạo ra “Chất văn hoá” của mỗi nhà trường mà đây chính là những yếu tố tạo nên sự bền vững của mỗi nhà trường mà chính đây là cách tạo ra cái “riêng có” của mỗi nhà trường khi những điều đó đã diễn ra trong mỗi nhà trường Hiểu đúng về những nét đặc trưng, những yêu cầu của văn hóa nhà trường như vậy, chúng ta mới thấy văn hóa nhà trường trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường, 100
  11. thời kỳ hội nhập hiện nay là rất quan trọng. Đó chính là môi trường tốt nhất để các nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bền vững. Đó là sự hỗ trợ cho mỗi nhà trường tạo ra sản phẩm nhân cách của người học, người dạy. Đây chính là mục tiêu cao cả của mỗi nhà trường hiện nay. Văn hóa nhà trường sẽ giúp cho chúng ta thực hiện đầy đủ, tốt nhất các cuộc vận động lớn trong các nhà trường hiện nay. Do đó văn hóa nhà trường sẽ giúp cho chúng ta tránh được các cách làm còn hạn chế của quá trình chỉ đạo các phong trào thi đua hiện nay. Đó là việc thực hiện đối phó, hình thức, không nhất quán, lúc làm lúc bỏ; Làm không vì lợi ích của mỗi thành viên trong nhà trường mà chỉ vì “Phong trào”, vì các cấp chỉ đạo… Vậy làm thế nào đây để mỗi nhà trường có thể nhanh chóng xây dựng được “Văn hoá nhà trường” của mình? 4.2 Giải pháp quản trị để phát triển văn hóa nhà trường a. Trước hết mỗi hiệu trưởng phải có văn hóa quản lý Để mỗi nhà giáo trong mỗi nhà trường hoàn thành trọng trách của mình, hiệu trưởng, chứ không ai khác trong nhà trường phải là người hỗ trợ đắc lực để mỗi nhà giáo thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Đặc biệt, Hiệu trưởng và các cán bộ quản lý trường chất lượng cao phải thấm nhuần những yêu cầu, tiêu chuẩn của người cán bộ quản lý trường học. Trước hết họ phải có văn hóa quản lý. Dựa theo tài liệu “Khám phá bị mật quản lý: Tám niềm tin cốt lõi” của tác giả người Mỹ Geoffreef Jamets (2011) nói về văn hóa của các CEO trong nền kinh tế thị trường, trên cơ sở tác giả tổng kết 100 cuộc phỏng vấn của CEO thành công. Trên cơ sở những tư tưởng của tác giả người Mỹ, chúng tôi đã biên tập, xây dựng thành 8 tiêu chuẩn văn hóa quản lý của người Hiệu trưởng Việt Nam hiện nay. (1) Sản phẩm của trường học trước hết là nhân cách người học và người dạy. Lấy sự phát triển nhân cách của học sinh và giáo viên làm thước đo sự phát triển bền vững của nhà trường; Tập trung năng lực quản lý cho việc “Dạy tốt – học tốt” tạo ra một môi trường làm việc tự chủ, sáng tạo có văn hóa của tất cả các bộ phận trong nhà trường, phấn đấu đạt những mục tiêu, sứ mệnh của mỗi nhà trường. (2) Mỗi nhà trường là một cộng đồng, cùng nhau hiến thân cho sự thành công và phát triển không phải là một cái máy. Coi trường học của mình như là một nơi tập hợp những hy vọng, hoài bão và ước mơ của mỗi cá nhân; Tất cả đều được kết nối với những mục đích lớn lao, cao đẹp của nhà trường mà do chính mỗi cán bộ giáo viên đã tôn vinh. Họ truyền cảm hứng để mỗi cán 101
  12. bộ giáo viên có thể tập trung hiến thân cho sự thành công và phát triển lớn mạnh của mỗi nhà trường, của các đồng nghiệp và cho bản thân mỗi người. (3) Quản lý là tạo điều kiện tốt nhất để Cán bộ giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, không phải để kiểm soát và bắt lỗi. Luôn thiết lập những quy tắc chỉ đạo chung và cam kết có đủ các nguồn lực giúp cán bộ giáo viên hoàn thành nhiệm vụ. Để cho các bộ phận được chủ động đưa ra các quyết định, các phương pháp riêng của mình và chỉ can thiệp trong những trường hợp cán bộ giáo viên không thực hiện đúng các mục tiêu nguyên tắc đã thống nhất: Luôn giúp cán bộ giáo viên nhận ra những thiếu sót của mình và giúp đỡ họ tự sửa chữa tự hoàn thiện bản thân. (4) Sự xuất sắc, sáng tạo, hiệu quả của mỗi cán bộ giáo viên của mỗi nhà trường luôn được tôn trọng. Họ không thể là những người non kém không thể tin cậy Luôn đối xử với mỗi cán bộ giáo viên như là những người quan trọng nhất trong mỗi nhà trường. Sự xuất sắc sáng tạo và hiệu quả là những tiêu chí luôn được tôn trọng ở khắp mọi lĩnh vực, từ mỗi lớp học đến văn phòng nhà trường. Kết quả là cán bộ giáo viên ở mọi bộ phận tự chịu trách nhiệm với chính bản thân mình, trước kết quả mỗi công việc họ được giao. Họ luôn được khích lẹ làm theo cách riêng của mỗi người nhưng lại hoàn thành xuất sắc sứ mệnh chung của nhà trường. (5) Động lực ở mỗi nhà trường xuất phát từ tầm nhìn, sự sáng tạo không phải từ sự sợ hãi. Luôn luôn truyền cảm hứng cho mọi người hướng về một tương lai tốt đẹp hơn và luôn gợi mở để mỗi cán bộ giáo viên của trường sẽ là một phần của tương lai tốt đẹp đó. Kết quả là, các cán bộ giáo viên làm việc tích cực hơn, hiệu quả hơn bởi vì họ tin tưởng vào mục tiêu của mỗi nhà trường, tận tâm sáng tạo với công việc họ đang làm. Và tất nhiên họ biết họ sẽ được chia sẻ những thành quả mà họ đã làm nên. Họ tự hào về những đóng góp của họ cho sự thành công chung của mỗi nhà trường. (6) Mọi công việc ở mỗi nhà trường phải trở nên vui vẻ, không thể là sự mệt nhọc. Luôn xem công việc như là một điều thú vị hiển nhiên và tin tưởng rằng công việc quan trọng nhất của người quản lý là giao đúng việc cho từng người và làm cho họ thật sự hạnh phúc khi họ làm việc. Mọi người đều thấy đến trường để được cống hiến, sáng tạo, được chia sẻ và giúp đỡ, không có sự khó khăn trở ngại nào làm họ nản chí, gục ngã. 102
  13. (7) Ứng dụng công nghệ thông tin và các tiến bộ khoa học ký thuật, khoa học Tâm lý giáo dục là con đường dẫn đến thành công của mỗi nhà trường. Luôn có ý thức gương mẫu và tạo mọi điều kiện để Cán bộ giáo viên nhà trường học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiến bộ khoa học giáo dục vào mọi hoạt động của nhà trường. Luôn thích ứng với “hệ thống công nghệ thông tin” để nâng cao hiệu quả quản lý làm cho mọi hoạt động của nhà trường vào nề nếp quy củ hơn, hiệu quả hơn, nhanh chóng và tiện lợi hơn. (8) Đổi mới toàn diện, triệt để để phát triển bền vững. Động viên được cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường. Luôn coi sự đổi mới như là một phần tất yếu của cuộc sống không đổi mới không thể phát triển kịp thời đại. Họ không coi đổi mới là vì lợi ích riêng của mình, họ biết thành công chỉ có thể xảy ra nếu cán bộ giáo viên và nhà trường đón nhận những ý tưởng mới và cách thức mới để làm việc có hiệu quả hơn. Họ luôn học hỏi để tự thay đổi mình mới có cơ hội tạo ra những đổi mới đột phá cho mỗi nhà trường. Luôn quan tâm đến việc động viên, thu hút cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội cùng tham gia các hoạt động giáo dục, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục trong mỗi nhà trường. b. Phát triển đội ngũ nhà giáo gắn với phát triển văn hóa nhà trường Giải pháp xây dựng văn hóa nhà trường (1) Trước hết các cán bộ quản lý, các thầy cô giáo trong mỗi nhà trường phải nhận thức sâu sắc về những yêu cầu của “Văn hoá nhà trường”, thấy được giá trị; vai trò của văn hóa nhà trường trong quá trình thực hiện mục tiêu cấp học của mỗi nhà trường. Từ đó có quyết tâm, bền bỉ và có kế hoạch để từng bước xây dựng cho mỗi trường học đạt được văn hóa nhà trường của riêng mình. (2) Tiếp theo bộ máy quản lý, lãnh đạo của mỗi nhà trường phải có tầm nhìn, xác định những giá trị cao cả mà mỗi nhà trường phải vươn tới. Phải chăng hiện nay mỗi trường học của mỗi cấp học phải làm rõ mô hình nhân cách của thầy, của trò trong mỗi nhà trường phải vươn tới là gì? Với học sinh trung học hiện nay, phải chăng là 4 trụ cột “Học để biết, học để làm; học để cùng chung sống; học để làm người” (UNESCO) là điều chúng ta phải vươn tới làm bằng được. Bởi vì hiện nay ta mới chỉ làm được việc “học để biết” một cách thụ động, máy móc, nặng nề. Còn những trụ cột khác của giáo dục thế kỷ 21 thì sao? 103
  14. Phải chăng đó là những giá trị tôn trọng, giá trị sáng tạo, giá trị dân chủ, thân thiện phải được các nhà trường mang đến cho từng học sinh trong cuộc sống học đường hàng ngày chứ không chỉ là những khẩu hiệu đẹp treo ở mỗi cổng trường. Nhà trường quyền uy, cách giáo dục áp đặt, cào bằng, học sinh và cha mẹ học sinh không được tôn trọng… Đây là những việc làm phổ biến trong các nhà trường chúng ta hiện nay. Chỉ có xây dựng được văn hóa nhà trường với những giá trị cao cả được nhà trường tôn vinh và thực hiện triệt để thì chúng ta mới có được một nền giáo dục hiện đại hoà nhập với thế giới. Triết lý giáo dục trong mỗi nhà trường Việt Nam chưa được hình thành một cách tường minh hay nói như một số tác giả hiện nay Triết lý giáo dục của nhiều trường học hiện nay đang theo đuổi lại là những triết lý sai lầm? (3) Xác định được những giá trị cao cả cho mỗi trường học phải theo đuổi đã khó, nhưng cái khó hơn là việc tổ chức thực hiện một cách bài bản, bền bỉ thường xuyên trong mỗi nhà trường lại càng khó hơn. Hiện nay chúng ta đã có những mô hình trường học làm tốt việc này, cần được phổ biến nhân rộng; Các cơ quan quản lý giáo dục phải phát động để chính thầy trò mỗi nhà trường “tự đo” kết quả thực hiện của mỗi nhà trường để phấn đấu. Văn hoá học đường chỉ được hình thành khi các thành viên trong mỗi nhà trường đều đồng loạt “Tư duy và hành động” thống nhất. Đặc biệt phải có quy chế và có nhữnh cơ chế để đảm bảo cho các thiết chế văn hóa nhà trường được thực hiện một cách thường xuyên bền vững. Thí dụ nói rằng tôn trọng học sinh nhưng mọi yêu cầu, mọi thắc mắc, những cái cản trở “Sự thân thiện” của mỗi nhà trường không được phát hiện giải quyết bằng chính việc thông qua việc lấy ý kiến của học sinh về giảng dạy của thầy về những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày không được các nhân viên nhà trường phục vụ đến nơi, đến chốn, kịp thời thì làm sao nhà trường có dân chủ, có thân thiện. Hiện nay các nhà trường đang duy trì nhiều hình thức phong trào thi đua là rất đúng. Nhưng nếu không đưa nó về việc thực hiện các yêu cầu của các hoạt động văn hoá trong mỗi nhà trường mà chỉ làm hình thức, đối phó thì những nội dung tốt đẹp của các cuộc vận động trong nhà trượng không thể trở thành những phẩm chất tốt đẹp trong mỗi con người của mỗi trường học. Nếu không hiểu được các yêu cầu của các phong trào, các cuộc vận động, trở thành những nét đẹp văn hoá của mỗi nhà trường chúng ta đã làm cho công sức của bao thế hệ thầy trò thành một thứ lãng phí lớn và nhiều khi nó trở nên phản tác dụng giáo dục 104
  15. trong mỗi nhà trường. Nhưng trong quá trình tổ chức các cuộc vận động này lại được các nhà trường tìm cách thực hiện sao cho có chất lượng và theo cách riêng của mỗi nhà trường để tạo ra cái độc đáo “riêng có” của mỗi trường học trong quá trình chỉ đạo cũng chính là các trường học đang xây dựng cho mình có được nhờ văn hóa nhà trường. Có vậy mới tạo ra những nét đẹp văn hóa độc đáo của mỗi nhà trường. Đó cũng chính là nét đẹp truyền thống của mỗi nhà trường. (4) Cuối cùng, việc lựa chọn những nội dung và hình thức giáo dục trong mỗi nhà trường trong giai đoạn hiện nay cũng rất quan trọng. Đây là những nhân tố quan trọng để chúng ta có được một nhà trường đạt những chuẩn mực “Văn hóa nhà trường” của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Trải qua giai đoạn nhiều năm thử nghiệm ở trường Đinh Tiên Hoàng, một mô hình giáo dục không lựa chọn đầu vào, nhưng phải đảm bảo chất lượng đầu ra, lại trong điều kiện một trường dân lập còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đã đạt được một số kết quả nhất định, đóng góp cho xã hội, cho thủ đô. Đó là nhờ chúng tôi đã thật sự quan tâm đến việc xây dựng cho mình một “Thương hiệu Đinh Tiên Hoàng” mà nền tảng là chúng tôi tạo ra từ văn hóa nhà trường Đinh Tiên Hoàng: - Ngoài những nội dung, chương trình giáo dục của Bộ, Sở Giáo dục và đào tạo chỉ đạo hàng năm, chúng tôi kiên trì tổ chức cho học sinh của mình được học chương trình giáo dục giá trị sống (living velue), kỹ năng sống. (Hiện nay xây dựng trường học thân thiện Bộ mới đưa vào nhưng chưa có chương trình, nội dung giáo dục cụ thể đến các trường). - Xây dựng những thói quen, hành vi văn hóa ở trường học và ở gia đình. Đây là những nội dung hết sức phong phú, (trong bài viết này chúng tôi chưa có ý kiến trình bày) - Tổ chức những hoạt động tập thể để chuyển tải nội dung của Văn hóa học đường theo cách riêng của trường Đinh Tiên Hoàng. Vừa tạo ra hiệu quả vừa tạo ra những nét đẹp riêng của nhà trường cho cả thầy, trò và cả cha mẹ học sinh. - Mọi hoạt động giáo dục của trường Đinh Tiên Hoàng từ lâu nay đã định hướng theo mục tiêu của trường học thân thiện, mọi học sinh đều được tôn trọng, tạo ra những hoạt động giáo dục mà tất cả đều thực hiện theo nguyên lý, phương châm giáo dục là: “Nhân cách không chỉ được hình thành bởi những gì được nghe và nói mà chủ yếu phải được hình thành bởi nỗ lực hành động của mỗi cá nhân” trường Đinh Tiên Hoàng đào tạo những học sinh chủ động sáng tạo, biết tự học, tự rèn luyện, chúng tôi nêu công thức phát triển bền vững của trường Đinh Tiên Hoàng: 105
  16. ft = đth – x2 Đ.T.H ở đây không để chỉ Đinh Tiên Hoàng mà là một khẩu hiệu đòi hỏi giáo viên Đinh Tiên Hoàng phải thống nhất khi hành động, đó là: Đ: đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục, phương pháp phục vụ; T: Tận tâm, tận lực trong mọi công việc; Tôn trọng học sinh và phụ huynh; H: Học hỏi nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn hợp tác với đồng nghiệp để sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn trở ngại; X2: Trừ đi mọi hành vi xấu xí trong nhà trường - Không được định kiến, trù úm học sinh - Không được mạt sát, hạ thấp nhân cách học sinh. - Không được vô trách nhiệm, vô lương tâm - Không được giả dối, cẩu thả - Không được tùy tiện, vô nguyên tắc - Không được vì vật chất mà hy sinh nhân cách Để có được Văn hóa nhà trường trong mỗi nhà trường hiện nay, chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý, chỉ đạo các trường học phải có một bộ phận chuyên nghiên cứu, chỉ đạo hỗ trợ cho các trường học hiểu đúng và làm đúng một cách “chuyên nghiệp” về Văn hóa nhà trường. Biến yêu cầu của các nhà quản lý giáo dục các cấp thành chính nhu cầu đích thực của cán bộ quản lý - thầy – trò mỗi nhà trường. Bộ Giáo dục đào tạo phải giải quyết được vấn đề làm sao thay đổi cách giáo dục hết sức lạc hậu các trường học hiện nay chỉ tập trung làm được mỗi việc “Truyền thụ kiến thức” Cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường chưa được đào tạo, bồi dưỡng để có đủ năng lực toàn diện cho việc đào tạo nhân cách toàn diện ở thế kỷ 21 cho học sinh mỗi nhà trường. Nguồn lực về thời gian sinh hoạt, về tài chính cho sinh hoạt để tạo ra “Chất văn hoá nhà trường” trong các nhà trường còn nhiều thiếu thốn. Các trường học chưa có cơ chế “Tự chủ” để làm những việc cần thiết, riêng có của mỗi nhà trường. Các trường. Các trường ngoài công lập khi xây dựng “Thương hiệu” riêng của mình đang phát huy được vai trò Văn hoá học đường có nhiều thuận lợi hơn các trường quốc lập. KẾT LUẬN Vấn đề quản trị công tác phát triển đội ngũ nhà giáo trong mỗi nhà trường phổ thông công lập hiện nay còn phải làm nhiều việc như xây dựng kế hoạch tuyển chọn, 106
  17. kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, kế hoạch xem xét đánh giá khen thưởng và thực iện các chế độ chính sách của nhà giáo, bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà giáo theo đúng Luật giáo dục, Điều lệ nhà trường phổ thông hiện nay. Tất cả những vấn đề này trong chương trình đào tạo cán bộ quản lý các cấp đã được Học viện quản lý giáo dục tập huấn, chắc chắn trong công việc “bếp núc quản trị” chúng ta sẽ có nhiều vấn đề phải bàn. Chúng tôi chỉ nêu lên một số kinh nghiệm tích lũy, nghiên cứu trong nhiều năm qua để các đồng nghiệp tham khảo. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nghị quyết 29 TW khóa 11 năm 2013 2. Nguyễn Tùng Lâm (2017) “Những vấn đề cấp thiết cần đổi mới trong công tác quản lý các trường phổ thông để nâng cao chất lượng giáo dục” (Kỷ yếu hội thảo “Chất lượng giáo dục phổ thông” của Ủy Ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên Nhi đồng Quốc hội tháng 12/2017) 3. Nguyễn Tùng Lâm (2013) “Văn hóa nhà trường” trong thời ký kinh tế thị trường và hội nhập” (Kỷ yếu hội thảo văn hóa nhà trường, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội 2013) 4. ‘Bàn tròn văn hóa học đường” (laodong.com.vn ngày 07/09/2008) 5. Quí Long – Kim Thư Viện ngôn ngữ học Việt Nam. Từ điển tiếng Việt, NXB Lao động 2009 Tr.504. 6. Stephen.R.Convey (1989) “Bảy thói quen hiệu quả”, nhà xuất bản Khoa học xã hội Hồ Chí Minh. 2007 7. Ngân Anh (2018) Ba kỳ tích của một trường công, vietnamnet.vn ngày 20/10/2018 107
nguon tai.lieu . vn