Xem mẫu

  1. QUAN NIỆM VỀ THUYẾT ĐA TRÍ TUỆ CỦA HOWARD GARDNER VÀ NHỮNG TRANH LUẬN ĐA CHIỀU XUNG QUANH HOÀNG PHƯƠNG TÚ ANH, HOÀNG NHƯ QUỲNH, HOÀNG THỊ TƯỜNG LINH Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Nghiên cứu tập trung phân tích quan niệm về thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner (1983). Ông đã đưa ra lý thuyết đa trí tuệ với tám loại năng lực trí tuệ khác nhau cùng tồn tại trong một con người. Bên cạnh đó, sau khi ra đời, thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner đã nhận được vô số ý kiến đồng tình ủng hộ cũng như hoài nghi về tính thực tiễn của nó. Tuy nhiên, nếu các nhà giáo dục có hướng vận dụng hợp lý, linh hoạt, sáng tạo thì thuyết đa trí tuệ ra đời sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả giảng dạy, phát triển tối đa năng lực của người học. Từ khóa: thuyết đa trí tuệ, năng lực trí tuệ, đa chiều, giáo dục tiểu học. 1. MỞ ĐẦU Quan niệm về sự thông minh thường được xem trọng ở khả năng tiếp thu các kiến thức cơ bản như Toán, Văn, Lý, Hóa của trẻ ở trường. Tuy nhiên, phải chăng một học trò không giải được bài toán thầy giáo đưa ra là một học sinh kém thông minh? Hay một cậu bé chỉ thích thú tìm hiểu về thiên nhiên, môi trường lại có điểm số môn Văn, Tiếng Việt thấp là học trò kém thông minh? Lịch sử thế giới đã chỉ ra rất nhiều minh chứng cho điều ngược lại. Chẳng hạn, một cầu thủ bóng đá có thể thành công với những pha bóng tinh tế, chính xác mà khó có nhà toán học nào có thể làm được. Liệu rằng những nhà soạn nhạc vĩ đại đều học tốt các môn học ở trường? Qua đó chúng ta có thể nhận ra mâu thuẫn về quan niệm truyền thống về sự thông minh, được biết đến nhiều nhất là hệ thống các câu hỏi IQ (intelligence quotient), mang tính định lượng để đo lường trí tuệ của con người. Từ năm 1983, tiến sĩ Howard Gardner đã đặt ra các vấn đề trên và thông qua tác phẩm Frames of mind: The Theory of Multiple Intelligences [2], ông đã công bố các nghiên cứu về lý thuyết đa trí tuệ của mình. Ở đây, chúng tôi tập trung một số vấn đề cơ bản về quan niệm đa trí tuệ của Howard Gardner. Bên cạnh đó, những tranh luận xung quanh học thuyết này vẫn luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Phải hiểu thế nào cho đúng tinh thần của Gardner để từ đó vận dụng có hiệu quả học thuyết này là vấn đề chúng tôi hết sức quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh đổi mới phương pháp đánh giá học sinh tiểu học ở Việt Nam đang nhận được nhiều ý kiến dư luận khác nhau. Những lý giải dựa vào mối liên hệ giữa học thuyết này và định hướng đổi mới giáo dục ở Việt Nam sẽ góp phần giải đáp một số ý kiến tiêu cực đưa ra. 2. NỘI DUNG 2.1. Quan niệm về trí thông minh Khái niệm về thông minh đã được nghiên cứu cách đây khoảng 100 năm. Có nhiều cách định nghĩa về khái niệm này. Theo D. Wechsler (1944) [14], thông minh thể 21
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 hiện qua khả năng tổng hợp của một cá thể để hành động có mục đích, suy nghĩ hợp lý và giải quyết hiệu quả những vấn đề xung quanh của mình. Còn theo L. Humphreys (1979) [7], thông minh là kết quả của quá trình thu thập, lưu trữ dữ liệu trong bộ nhớ, tìm kiếm, kết hợp, so sánh và sử dụng các thông tin và kỹ năng phù hợp môi trường mới. Nói chung, sự thông minh là một phức hợp bao gồm năng lực của một người về logic, hiểu biết, tự nhận thức, học tập, kiến thức tình cảm, lập kế hoạch, sáng tạo và giải quyết vấn đề. Trong đó, người ta định lượng sự thông minh của một cá nhân bằng chỉ số thông minh, hay IQ là một khái niệm được nhà khoa học người Anh Francis Galton đưa ra trong cuốn sách Hereditary Genius xuất bản vào cuối thế kỷ 19. Sau đó, nó được J. Cattell và nhà tâm lý học người Pháp Alfred Binet [2] phát triển bằng việc thảo ra những bài trắc nghiệm để kiểm tra năng lực trí tuệ của trẻ khi đi học. Kế tiếp, nhà tâm lý học người Mỹ Giáo sư Lewis Terman (Giảng viên trường đại học Standford) đã phát triển bài trắc nghiệm gồm những câu phức tạp hơn để dùng cho người trưởng thành và đặt tên là bài trắc nghiệm chỉ số thông minh Stanford-Binet. Nó nhanh chóng trở nên thông dụng trên khắp nước Mỹ và toàn thế giới. Tuy nhiên, Howard Gardner đã nhận thấy rằng trí thông minh của con người bao gồm rất nhiều khả năng rộng lớn và phổ biến hơn. Ông nhận định rằng không nên cho rằng ở con người chỉ tồn tại duy nhất một dạng trí thông minh thường được phản ảnh bởi chỉ số IQ của mỗi cá nhân mà thay vào đó nên nghĩ đến các dạng thông minh khác bao gồm cả năng khiếu âm nhạc, năng khiếu liên quan đến không gian hay chuyển động cơ thể. Những loại trí thông minh này mặc dù không thể thể hiện qua những bài kiểm tra trên giấy nhưng lại có thể được sử dụng như một nền tảng cơ bản cho các phương pháp giáo dục mang lại nhiều hiệu quả hơn. Năm 1983, Gardner đã đưa ra Thuyết Đa trí tuệ về các dạng thông minh và phân loại thành các dạng thức chủ yếu sau: 1. Thông minh Logic - Toán (Logical - Mathematical Intelligence). 2. Thông minh Từ vựng - Ngôn ngữ (Verbal - Linguistic Intelligence). 3. Thông minh Thị giác - Không gian (Visual - Spatial Intelligence). 4. Thông minh Cơ thể (Bodily - Kinesthetic Intelligence). 5. Thông minh Âm nhạc (Musical Intelligence). 6. Thông minh Nội tâm (Intrapersonal Intelligence) 7. Thông minh tương tác (Interpersonal Intelligence). 8. Thông minh thiên nhiên (Natural Intelligence). Các dạng thông minh này là tiền đề, cơ sở để tạo ra những năng lực khác nhau của các cá thể. Sau đây là một số thể hiện của các dạng năng lực đó: 1. Năng lực tư duy: Thể hiện ở các khả năng tư duy như: tính toán, phân tích, tổng hợp, nhận định, phán xét… Những người có năng lực tư duy tốt thường có trí nhớ tốt, giỏi suy luận, khái quát, nhận dạng (hình ảnh, con số…) 22
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 2. Năng lực ngôn ngữ: Thể hiện ở các khả năng diễn đạt, sử dụng công cụ ngôn ngữ (nói, đọc, viết…) với trí tưởng tượng phong phú, nhạy cảm, lôi cuốn… 3. Năng lực vận động: Thể hiện ở các khả năng vận động (chỉ huy, điều khiển, thực hiện…) các loại hình vận động của các bộ phận cơ thể như chân, tay, thân, mắt, miệng… tạo sự khéo léo, uyển chuyển trong thực hiện các động tác, dễ dàng diễn tả hoặc truyền đạt cảm xúc, ý tưởng qua hình thể. 4. Năng lực âm nhạc: Thể hiện tính nhạy cảm đối với các giai điệu, tiết tấu, âm thanh, cảm xúc,… qua các giác quan đặc biệt là thính giác. 5. Năng lực thị giác: Thể hiện qua các khả năng nổi trội trong tư duy hình ảnh, hình tượng, không gian, bố cục, màu sắc (vật thể, vị trí, tọa độ…) thông qua các giác quan đặc biệt là mắt. 6. Năng lực tương tác: Thể hiện qua khả năng tinh tế, nhạy cảm, thấu hiểu,… trong nhìn nhận, đánh giá đối tượng (con người, sự việc) qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. 7. Năng lực nội tâm: Thể hiện cuộc sống nội tâm phong phú, có xu hướng hướng nội. Những người có năng lực nội tâm rất am hiểu bản thân, có khả năng nhận biết, đánh giá chuẩn xác các cảm xúc và hành vi của mình, làm chủ bản thân. 8. Năng lực thiên nhiên: Thể hiện các khả năng nhạy cảm với môi trường thiên nhiên, thích quan sát, tìm hiểu về thế giới tự nhiên (động vật, thực vật, đất, nước,…) và các hoạt động ngoài trời. Thuyết Đa trí tuệ (Theory of Multiple Intelligences) của Howard Gardner ra đời là kết quả của sự tổng kết, đánh giá từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, những khảo sát thực nghiệm của chính ông trên rất nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian tương đối dài. Tuy nhiên, ngay từ lúc ra đời, học thuyết này cũng gây ra những tranh luận trong giới học thuật và giáo dục. 2.2. Ý kiến đa chiều về thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner Quan niệm về trí thông minh thông thường đang tồn tại hiện nay bắt nguồn từ những quan điểm của các nhà nghiên cứu trong thế kỷ trước. Quan điểm này cho rằng mỗi cá thể đều có một mức thông minh hoặc tiềm năng nhất định và có thể xác định chỉ số thông minh (IQ) qua các bài kiểm tra ngắn. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu tâm lý học luôn hoài nghi quan điểm ấy. Theo [3], Walter Lippmann là người đầu tiên đặt ra nghi vấn với những tiêu chí xác định trí thông minh ấy. Những năm 1930, L. L. Thustone thuộc Đại học Chicago đề cập đến sự tồn tại của bảy vectơ độc lập trong trí não. J. P. Guilford (1960) đưa ra 120 đến 150 nhân tố về thông minh. Gần đây, R. J. Sterrberg thuộc Đại học Yale đưa ra một lý thuyết mới về trí tuệ bao gồm một nhân tố liên quan kỹ năng tính toán, một nhân tố liên quan đến quan hệ mạch lạc của văn chương, một liên quan đến tính sáng tạo. Những người theo quan điểm hoài nghi này đều cho rằng mỗi cá thể là khác nhau, riêng biệt nên có điểm khác nhau về trí tuệ. 23
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 Nhưng dù có phản đối hay tán thành quan điểm về trí thông minh thông thường thì tất cả đều thống nhất bản chất tự nhiên của trí thông minh là có thể xác định được bằng kiểm tra, phân tích dữ liệu. Đối với thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner, từ khi thuyết này ra đời (1983), nó đã nhận được sự quan tâm của giới học thuật với những góc nhìn đa chiều. Chẳng hạn, các nhà giáo dục và học sinh rất thích thú, ủng hộ lý thuyết này. Đối với họ lý thuyết này không những phù hợp với quan điểm rằng trẻ con đứa nào cũng thông minh theo kiểu nào đó, mà nó còn đem lại hy vọng sẽ có nhiều học sinh được giáo dục hiệu quả nếu tạo được môi trường giáo dục phù hợp với việc xem xét để đưa những quan điểm đó vào giáo trình, bài tập. Tuy nhiên, cũng có những quan niệm sai lầm khi vận dụng lý thuyết này vào giảng dạy. Chẳng hạn, mỗi chương trình cần phải được giảng dạy theo bảy hay tám cách khác nhau hay giáo viên sử dụng bảy hay tám bài kiểm tra khác nhau để phát hiện ra trí thông minh của học sinh. Đối với các nhà khoa học, điều này vẫn khó chấp nhận. Một số học giả đặt câu hỏi liệu sự đa dạng trí thông minh này đã được kiểm nghiệm thực tế hay chưa. Một số khác lại quan ngại khi phải loại bỏ cách kiểm tra đã trở thành tiêu chuẩn và phải chấp nhận những tiêu chí mới lạ, không mang tính định lượng như đã đề cập ở trên. Đối với Lohman [8], nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Iowa, lý thuyết của Gardner là một sự lừa dối bởi nó phủ nhận sự tồn tại của trí nhớ làm việc trung tâm và tầm quan trọng của lập luận logic. Ông cho rằng có thể đánh giá những sự xuất chúng khác nhau nhưng không cần đánh đồng chúng với nhau. Còn theo nhà tâm lý người Úc, S. McGreal, lý thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner là huyễn hoặc, mơ hồ, bởi một số khái niệm thông minh như thông minh nội tâm hay thông minh âm nhạc, thông minh cơ thể - vận động phù hợp với khái niệm năng khiếu hơn là khái niệm thông minh [9]. Ông cho rằng thuyết này của Gardner phản ánh sự cảm tính, trực giác của giáo dục chứ không đủ cơ sở về các bằng chứng khoa học. Trong khoảng 200 năm vừa qua, đã có nhiều loại lý thuyết được đưa ra về trí thông minh, có khoảng từ 1 đến 150 loại trí thông minh khác nhau. Tuy nhiên, thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner dù nhận được những quan điểm đối lập song nó vẫn nhận được sự ủng hộ của các nhà khoa học và giáo dục trên thế giới. Chẳng hạn, Hoerr (2004) phân tích các kết quả sau khi vận dụng thuyết đa trí tuệ trong dạy học ở trường New City [6]. Ở Malaysia, các nhà giáo dục nghiên cứu việc vận dụng lý thuyết đa trí tuệ này vào môn khoa học và các môn khác ở cấp 2 [12]. Yong Lee Min and Suriani Othman nghiên cứu cách vận dụng thuyết này trong dạy học toán ở tiểu học tại Singapore [10],… Tất cả đều chứng minh được tính hiệu quả của thuyết này trong thực tiễn. Vậy vấn đề ở đây, điều gì khiến khuôn mẫu về đa trí tuệ của Gardner trở thành đặc biệt, hữu dụng và có tính thuyết phục cao? Gardner cho rằng do những quan điểm hẹp về định nghĩa đã làm giảm giá trị các khả năng đến mức chỉ công nhận tài năng chứ không phải là thông minh. Ông cũng chỉ ra rằng lý thuyết này căn cứ trên các bằng chứng thực tế. Ông kết luận trí tuệ cá nhân xuất phát từ các nghiên cứu trong thập kỷ 24
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 trước về năng lực cảm xúc và sự phát triển “lý thuyết tinh thần” ở trẻ em. Điều mà Gardner mong muốn đó là lý thuyết này cần được coi như một phương pháp hơn là mục đích giáo dục. Đồng thời, theo [1], Gardner đã thiết lập được các yêu cầu cần thiết đặc trưng mà mỗi loại trí thông minh phải đạt được để có thể đủ điều kiện xác định là một loại trí tuệ trong học thuyết của ông. Dưới đây là điểm qua sơ lược một số tiêu chuẩn ấy: + Sự nhạy cảm với các hệ thống biểu trung đã được mã hóa. Theo đó, khả năng biểu tượng hóa trong tư duy của con người hay khả năng diễn đạt những ý tưởng, kinh nghiệm thông qua sự mô tử các hình ảnh, con số và từ ngữ là dấu hiệu để xác nhận đó là trí thông minh của con người. + Khả năng bị tổn thương và biến mất khi có các tác động xâm phạm và gây hại đến những vùng đặc trưng riêng biệt của nó trong não bộ. Như đã biết bộ não là một tổ hợp phức tạp. Do đó lý thuyết đa trí tuệ vẫn còn đang tranh luận liệu tồn tại hay không bảy hệ thống của não bộ hoạt động một cách tương đối độc lập. Gardner đã từng nghiên cứu nhiều bệnh nhân bị tổn thương não. Và ông đưa ra ý kiến rằng bất kỳ lý thuyết nào về trí thông minh đều phải dựa trên cơ sở sinh học, tức là bắt nguồn từ não bộ. + Sự ủng hộ từ kết quả các thí nghiệm về tâm lý học. + Có cơ chế hoạt động rõ ràng. Ví dụ năng khiếu âm nhạc thể hiện khả năng cảm thụ giai điệu, hòa âm, nhịp điệu, âm sắc và cấu trúc âm nhạc. + Có một quá trình lịch sử tiến hóa và mang tính hợp lý. Những biểu lộ của trí thông minh được đánh giá một cách tốt nhất bằng việc nhìn vào những khả năng đóng góp của nó đối với xã hội chứ không phải là việc giành được kết quả tốt hay không trong các bài kiểm tra. + Có một quá trình lịch sử phát triển đặc biệt ở cá nhân kèm theo sự thể hiện chuyên nghiệp mang bản chất tự nhiên. Theo thuyết đa trí tuệ, mỗi loại trí thông minh biểu hiện ra vào một thời điểm xác định trong thời thơ ấu, chúng đều có một chu kỳ bộc lộ và phát triển rực rỡ trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Các nhà nghiên cứu đã tranh cãi về vấn đề trí thông minh trong gần một thế kỷ, trong đó bao gồm cả tranh luận về sự tồn tại duy nhất hay nhiều trí thông minh. Do đó khó có thể dự đoán khi nào những tranh luận này kết thúc. Tuy nhiên, theo chúng tôi, để phù hợp với các khả năng của con người mà không nhất thiết kết hợp với những phẩm chất tốt như khả năng sáng tạo, thông thái hay đạo đức, quan niệm về trí thông minh cần được hiểu thoáng hơn. Trong suốt một khoảng thời gian dài lịch sử, các cá nhân được đánh giá dựa trên những tiêu chí khuôn mẫu, định lượng thông minh bằng các câu hỏi ngắn đã được chuẩn hóa. Nhưng Gardner mong muốn sự đánh giá đó có thể thoát ra khỏi lối mòn, không hẳn dựa vào những yếu tố mang tính định lượng, mà thay vào đó có cái nhìn, cách đánh giá khách quan toàn diện thông qua việc quan sát, đánh giá thường xuyên trong quá trình lâu dài. Đặc biệt trong giáo dục, việc vận dụng thuyết đa trí tuệ rất cần thiết. Bởi lý thuyết này là sự nỗ lực đưa ra một khái niệm rộng hơn về trí 25
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 thông minh trên nền tảng khoa học. Khái niệm đó là phương tiện của các nhà giáo dục để giúp ngày càng nhiều cá nhân làm chủ được kiến thức một cách hiệu quả. Do đó nếu áp dụng hợp lý, lý thuyết này giúp con người đạt hiệu quả cao trong công việc và giải trí. 2.3. Xu hướng vận dụng thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner trong giáo dục tiểu học ở Việt Nam Tuy đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trên thế giới, nhưng nghiên cứu về thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner và sự vận dụng nó trong giảng dạy ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phổ biến. Trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng có một số nghiên cứu về vấn đề này như: Võ Thanh Hà thực hiện đề tài “Nghiên cứu lý thuyết đa trí tuệ (đa trí thông minh) (multiple intelligences) [16] và khả năng ứng dụng vào giáo dục tiểu học”, Bùi Thanh Thủy với việc “Ứng dụng thuyết đa trí tuệ vào việc thiết kế một số mẫu dạy học môn Tiếng Việt, Văn, Toán lớp 3 CGD” [18]… Bên cạnh đó, cũng có các đề tài khoa học, luận văn thạc sĩ tập trung nghiên cứu ứng dụng thuyết này vào dạy học nội dung cụ thể. Mặc dù vậy, ở nước ta quan niệm về thuyết đa trí tuệ vẫn còn khá mới với đại đa số người dạy và người học. Đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, cụ thể với bậc Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 30 (2014) và hiện đang áp dụng Thông tư 22 (tháng 11/ 2016) về đánh giá học sinh tiểu học. Điểm nổi bật của việc đổi mới nằm ở mục đích của đánh giá, đó là vì sự tiến bộ của học sinh, đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp nhận xét, trong đó giáo viên trao đổi việc đánh giá của học sinh và phụ huynh. Hơn nữa, việc đánh giá không chỉ chú trọng về kết quả học tập mà còn quan tâm đến phẩm chất, năng lực của học sinh. Từ đó việc khen thưởng cũng có thay đổi, thay vì chỉ dựa vào tiêu chí kết quả các môn học, thì nay còn dựa vào sự tiến bộ vượt bậc của học sinh đối với môn học hay năng lực, phẩm chất nào đó. Đây là một sự đổi mới về nhận thức trong cách đánh giá học sinh đối với các nhà sư phạm cũng như người học và phụ huynh. Những đổi mới này nhằm định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Có thể thấy mục đích của đổi mới giáo dục Việt Nam (cụ thể Giáo dục tiểu học) và thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner có những nét tương quan với nhau. Do đó, học thuyết này của Gardner - nếu được hiểu đúng và vận dụng tốt sẽ mang lại hiệu quả trong quá trình dạy học ở tiểu học Việt Nam. Chính vì vậy, học thuyết đa trí tuệ nên được trang bị cho các nhà sư phạm tương lai ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học, các nhà giáo dục cần định hướng, tạo điều kiện, cơ hội để sinh viên tiếp cận, thực hành, ứng dụng thuyết đa trí tuệ vào dạy học ở tiểu học nhằm phát huy thế mạnh từng loại năng lực của người học, không đòi hỏi điều mà người học không thể có, giúp các em học sinh tiểu học dưới tác động của giáo dục có thể phát huy tối đa năng lực trí tuệ nổi trội của mình. 26
  7. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 3. KẾT LUẬN Thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner đã mở ra một cuộc cách mạng về quan niệm trí thông minh. Từ việc xem xét nhiều năng lực khác nhau tới những năng lực liên quan đến tri giác, năng lực liên quan đến khả năng lập kế hoạch, khả năng hài hước hay khả năng về âm nhạc, khi chúng đáp ứng các tiêu chí mà Gardner đưa ra thì đó vẫn được xem là thông minh. Vẫn còn nhiều quan điểm đồng tình, ủng hộ hay phê phán học thuyết này của Gardner. Nhưng chúng ta không thể chối cãi tính tích cực mà thuyết này đem lại, đặc biệt trong giáo dục tiểu học. Các nhà giáo dục, nhà sư phạm, người dạy, người học cần có cái nhìn thoáng hơn, toàn diện, sâu sắc hơn về thuyết này như mong muốn của người sáng tạo ra nó. Howard Gardner từng cho rằng học thuyết này là phương tiện của các nhà giáo dục giúp người học làm chủ kiến thức, phát huy các khả năng của mình. Thiết nghĩ, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng lý thuyết đa trí tuệ của Gardner nhằm phát hiện thiên hướng phát triển năng lực trí tuệ của học sinh tiểu học, từ đó tìm ra những cơ hội và những chọn lựa về giáo dục thích hợp cho các cá nhân phát triển năng lực trí tuệ nổi trội của mình, định hướng và bồi dưỡng giúp các em có thể phát huy tối đa năng lực tư duy trong hoạt động học tập và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] T. Armstrong (1999), 7 (Seven) Kinds of Smart: Identifying and Developing Your Multiple Intelligences, New York: Plume. [2] A. Binet (1916), New methods for the diagnosis of the intellectual level of subnormals, The development of intelligence in children: The Binet-Simon Scale, Baltimore: Williams & Wilkins, p. 37–90. [3] H. Gardner (1983), Frames of mind: The theory of multiple intelligences, New York: BasicBooks. [4] H. Gardner (2007), A multiplicity of Intelligence: In tribute to Professor Luigi Vignolo, Neuropsychological research: A review. New York, NY: Psychology Press. [5] J.P. Guilford (1960), Alternate uses, Form A. Beverly Hills, CA: Sheridan Supply. [6] T. Hoerr (2004), How MI Informs Teaching at New City School, Teachers College Record, Volume 106 Number 1, p. 40-48. [7] L.G. Humphreys (1979), The construct of general intelligence. Intelligence 3 (2): p. 105-120. [8] D.F. Lohman (2001), Fluid intelligence, inductive reasoning, and working memory: Where the theory of Multiple Intelligences falls short, Paper presented at the annual meeting of the American Educational Research Association in Seattle, WA. [9] S. McGreal (2013), The Illusory Theory of Multiple Intelligences, https://www.psychologytoday.com/blog/unique-everybody-else/201311/the-illusory- theory-multiple-intelligences. [10] Y. L. Min, S. Othman (2011), Teaching mathematics through multiple intelligences. [11] R. J. Sternberg, S. William (1982), Handbook of human intelligence.Cambridge, UK: Cambridge University Press. [12] T. Sulaiman, A.R. Abdurahman, S.S.A. Rahim (2010), Teaching Strategies Based on 27
  8. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 Multiple Intelligences Theory among Science and Mathematics Secondary School Teachers, Procedia Social and Behavioral Sciences 8, p.512-518. [13] B. A. Visser, M. C. Ashton, P. A. Vernon (2006), Beyond g: Putting multiple intelligences theory to the test, Intelligence, 34, p. 487-502. [14] D. Wechsler (1944), The Measurement of Adult Intelligence, 3rd Edn. Baltimore, MD: The Williams & Wilkins Company. [15] Trần Khánh Đức (2010), Lý thuyết đa thông minh và đổi mới phương pháp dạy học ở bậc đại học, repositories.vnu.edu.vn [16] Võ Thanh Hà (chủ nhiệm đề tài) (2013), Nghiên cứu lý thuyết đa trí tuệ (đa trí thông minh) (multiple intelligences) và khả năng ứng dụng vào giáo dục tiểu học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. [17] [17] Nguyễn Thị Mai Lan (2010), Ứng dụng lý thuyết trí tuệ đa nhân tố của Howard Gardner vào việc tìm hiểu các loại hình trí tuệ của học sinh tiểu học, http://ihs.vass.gov.vn/noidung/tintuc/List/NhungVanDePhatTrienConNguoi/View_Deta il.aspx?ItemID=25. [18] Bùi Thanh Thủy (chủ nhiệm đề tài) (2014), Ứng dụng thuyết đa trí tuệ (đa trí thông minh) (multiple intelligences) vào việc thiết kế một số mẫu dạy học môn Tiếng Việt, Văn, Toán lớp 3 CGD. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Title: THE CONCEPTION OF MULTIPLE INTELLIGENCE THEORY OF HOWARD GARNER AND DIVERSED DISCUSSION AROUND Abstract: This paper focuses on analyzing The Theory of Multiple Intelligence of Howard Gardner (1983). He assumes there are eight unique intelligences existing in a person. Additionally, after coming out, the Theory of Multiple Intelligence of Howard Gardner is both supported and criticized on practical issues at the same time. However, it is undeniable to conceive the efficiency of this theory in education. Thus it helps education researchers find proper application in training pedagogical university students. Keywords: The Theory of Multiple Intelligence, intelligence ability, multi- dimension, primary education. ThS. HOÀNG PHƯƠNG TÚ ANH ThS. HOÀNG NHƯ QUỲNH CN. HOÀNG THỊ TƯỜNG LINH Khoa Giáo dục Tiểu học - trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế. Email:hoangphuongtuanh@gmail.com,hoangquynhvi@gmail.com,hoangthituonglinh111@gmail.com Điện thoại: 01657007557 (Tú Anh); 01688618871 (Như Quỳnh); 0934675734 (Tường Linh) 28
nguon tai.lieu . vn