Xem mẫu

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKH 2019 QUAN HỆ ẤN ĐỘ - ASEAN ĐẦU THẾ KỈ XXI - NHÌN TỪ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG LÊ THỊ THIÊN LỘC*, TRƯƠNG ĐÌNH TÝ Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế * Email: lethithienloc@gmail.com Tóm tắt: Biển Đông là nơi có vị trí vô cùng thuận lợi cho những mối giao thương giữa các nước trong khu vực với thế giới. Tài nguyên thiên nhiên ở đây vô cùng phong phú và quý hiếm như dầu mỏ, băng cháy – nguyên liệu được dự báo có thể phổ biến trong tương lai. Vì thế, ngoài tiềm năng phát triển thì Biển Đông luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột giữa các bên có liên quan. Cả Ấn Độ và ASEAN đều nhận thấy rõ mọi vấn đề đó. Bởi vậy, quan hệ hợp tác Ấn Độ - ASEAN nhìn từ góc độ Biển Đông được đánh giá sẽ là mối quan hệ mang tính cân bằng về lợi ích và cần thiết để duy trì an ninh tại đây. Từ khóa: Biển Đông, ASEAN, Ấn Độ, UNCLOS. 1. MỞ ĐẦU Biển Đông là tên gọi riêng của Việt Nam nói đến vùng biển trải rộng từ Singapore đến eo biển Đài Loan và bao phủ khoảng diện tích 3.447.000 km2 trong Thái Bình Dương. Đây là vùng biển lớn thứ 4 thế giới, rộng gấp 8 lần Biển Đen, gấp 1,2 lần biển Địa Trung Hải, chỉ đứng sau biển Philippines, Biển San Hô và Biển Ả Rập1. Biển Đông chứa nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế, là nơi giao thoa và hình thành các mối quan hệ lâu đời giữa các nước trên thế giới nói chung và giữa Ấn Độ với Đông Nam Á nói riêng. Nơi đây còn có các giá trị lợi ích địa - chiến lược quan trọng nên Biển Đông trở thành điểm tranh chấp, chạm mặt căng thẳng của nhiều quốc gia có liên quan. Trong những năm vừa qua, với sự gia tăng liên tục các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á tại Biển Đông, cùng với sự can dự của nhiều quốc gia trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hành động quyết đoán, bất chấp luật pháp quốc tế, Biển Đông trở thành một trong những vấn đề nổi cộm trong tình hình chính trị - an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Là quốc gia có mối liên hệ lịch sử lâu đời với khu vực Đông Nam Á và có nhiều lợi ích liên quan tại đây, Ấn Độ là một trong những cường quốc khu vực quan tâm và sớm thể hiện lập trường về vấn đề Biển Đông. Ấn Độ được xem là nước là một quốc gia “hiền hòa” nhất để có thể trở thành một người bạn thân hữu với ASEAN nhằm cùng nhau giải quyết vấn đề Biển Đông trong hòa bình. 2. BIỂN ĐÔNG - NHÌN TỪ LỢI ÍCH CỦA ẤN ĐỘ Nhằm đáp ứng phù hợp tình hình mới khi các quốc gia tuyên bố chủ quyền vùng biển, Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) đã được ban hành vào năm 1982 nhằm thiết lập một trật tự trên biển, tạo sự ổn định, đảm bảo chủ quyền, đảm bảo hoạt động thương mại trên biển. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Biển Đông khi xung đột tại đây được đánh giá là một trong những dạng thức xung đột khu vực khó khăn nhất và có chiều hướng gia tăng căng thẳng [7; tr.202]. Nhìn nhận một cách khách quan, Ấn Độ nằm hoàn toàn ngoài khu vực Biển Đông khi xét về địa lý tự nhiên, nhưng lại tiếp giáp với Đông Nam Á về phía Đông và có mối liên hệ văn hóa 1 Nguồn trích dẫn tại A look at the top issues at Asian security meeting Associated Press, Robin McDowell, July 21, 2011. 48
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN | 12/2019 gắn bó mật thiết với các quốc gia Đông Nam Á mà Ấn Độ vẫn gọi là Nam Dương. Mặt khác, trong chiến lược phát triển quốc gia từ thập niên 1990 đến nay, Ấn Độ đã xác định Đông Nam Á là khâu đột phá để đảm bảo và gia tăng ảnh hưởng, nâng cao vị thế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do vậy, tham gia giải quyết các vấn đề trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông chứa đựng nhiều lợi ích của Ấn Độ là một tất yếu. Nhằm cụ thể hóa những hoạch định và chiến lược của mình ở Biển Đông thì Ấn Độ sử dụng hai thuật ngữ “láng giềng mở rộng” và “khu vực vành đai Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Xét về lợi ích, tầm quan trọng của Biển Đông đối với Ấn Độ thể hiện ở các khía cạnh căn bản sau: Lợi ích Địa kinh tế: Thứ nhất, đối với Ấn Độ, xét về kinh tế - thương mại, Biển Đông chính là cánh cổng qua lại, chiếm gần 55% tổng sản lượng hàng hóa của Ấn Độ được chuyên chở qua eo biển Malacca ở Biển Đông để tiếp tục được đưa tới các thị trường chủ chốt ở Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Bình Dương đến Bắc và Nam Mỹ [2; tr.94]. Thứ hai, khi Ấn Độ thực hiện chính sách Hướng Đông, gia tăng dần quan hệ thương mại với các nước Đông Á thì con đường hàng hải cần phải được vươn xa hơn nữa. Ấn Độ muốn giảm dần sự phụ thuộc nhu cầu hàng hóa ở các cường quốc bờ Tây Thái Bình Dương như Trung Quốc và Nhật Bản. Ba là, dầu mỏ và khí đốt có tại Biển Đông thu hút sự quan tâm của Ấn Độ. Hiện nay, Ấn Độ đang triển khai các dự án khai thác năng lượng chung với Việt Nam tại Biển Đông. Các hoạt động này chiếm khoảng 45% quyền lợi và nghĩa vụ của Ấn Độ tại các lô 06.1, 127 và 128 ở vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam [2; tr.94]. Theo tính toán của Trung tâm nghiên cứu năng lượng TATA, trong năm 2011 Ấn Độ tiêu thụ 150 triệu tấn dầu mỏ, ngoài tự bản thân cung cấp thì phải nhập khẩu 1,5 triệu thùng/ngày. Trong 20 năm tới, Ấn Độ cần nhiều hơn lượng dầu mỏ và khí đốt để phục vụ cho ô tô và nhu cầu hàng ngày của nhân dân… [7; tr.223]. Nguồn tài nguyên ở Biển Đông đã tạo tính tin cậy và khả năng hợp tác tìm những mỏ dầu mới để khai thác đảm bảo cho sự phát triển của Ấn Độ. Thứ tư, trong tuyên bố chung tầm nhìn Ấn Độ - ASEAN tháng 12/2012, hai bên một lần nữa khẳng định sự hợp tác của Ấn Độ với ASEAN trên lĩnh vực biển là tôn trọng luật pháp quốc tế mà trước hết là UNCLOS 1982. Tuyên bố này là thông điệp mà Ấn Độ muốn gởi đến Trung Quốc trước hành động mang tính “thách thức” của quốc gia này. Lợi ích Địa chính trị: Tại khu vực Ấn Độ Dương, Ấn Độ là quốc gia “cầm trịch” ở sân chơi này, còn Trung Quốc thì đóng vai một “chính khách” lớn có nhiều ảnh hưởng ở châu Á. Việc triển khai chính sách Hướng Đông mà chủ thể quan trọng của Ấn Độ là ASEAN ngoài việc phát triển giao lưu thương mại, kinh tế… còn là “những bước đi” thận trọng nhằm kiểm tỏa Trung Quốc [6; tr. 208]. Thậm chí, chính Trung Quốc phải thừa nhận Ấn Độ đóng vai trò là một đối thủ cạnh tranh của mình ở khu vực Biển Đông [7; tr.208]. Mở rộng hơn, việc gây ảnh hưởng đối với ASEAN là khu vực tiếp giáp với hai đại dương lớn này chính là cơ hội dễ dàng cho Ấn Độ có thể hợp tác được với Hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản. Biển Đông đóng vai trò là cửa ngõ hàng hải quan trọng nối liền hai đại dương Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương [7; tr.209]. Từ đó, có thể nhận thấy rằng, chính Biển Đông là vùng đệm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, vô cùng quan trọng về mặt địa chính trị của Ấn Độ. Mặc khác, Ấn Độ không thể nào ngăn chặn được Trung Quốc đến với Ấn Độ Dương nhưng Ấn Độ hoàn toàn có thể tạo ưu thế cạnh tranh với Trung Quốc ở Biển Đông. Cụ thể hơn, Ấn Độ đến với Biển Đông như là một nước cờ với mục đích cân bằng quyền lực với Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Có thể nói, sự hiện diện ở Biển Đông cho phép Ấn Độ gia tăng ảnh hưởng trong khu vực tương xứng với vị thế một cường quốc đang phát triển, mở rộng môi trường chiến lược và có thể cạnh tranh với Trung Quốc. 49
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKH 2019 3. TẦM QUAN TRỌNG CỦA BIỂN ĐÔNG ĐỐI VỚI ASEAN Biển Đông nằm trong phạm vi không gian địa chiến lược của các quốc gia Đông Nam Á, ảnh hưởng đến chính trị ASEAN và hầu hết các quốc gia ở đây đều có lợi ích mật thiết với vùng biển này. Vì đây là nơi có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tuyến hàng hải, an ninh của các quốc gia trong khu vực. “Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải thương mại đông đúc nhất thế giới, được bao quanh phần lớn là bởi các quốc gia Đông Nam Á” [7; tr.226]. Tầm quan trọng của Biển Đông ảnh hưởng rất lớn và có thể xem là sự tác động đến những điều chỉnh chính sách đối ngoại của các quốc gia ở đây. Về kinh tế, Biển Đông là nguồn khai thác thủy hải sản đảm bảo lương thực cho hàng trăm triệu người. Thêm vào đó, khai thác các loại khoáng sản, dịch vụ du lịch biển đảo… cũng mang đến hàng trăm công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập, phát triển bền vững kinh tế - xã hội cho các quốc gia Đông Nam Á. Đặc biệt, trước những thách thức về vật liệu mới thay thế trong tương lai thì Biển Đông nổi bật với tài nguyên băng cháy… dầu mỏ, khí tự nhiên cũng là nguồn năng lượng giúp các quốc gia ở đây giảm bớt lượng nhập khẩu dầu từ Nga, Trung Đông… Về thương mại, vùng biển này đảm bảo cho các hoạt động giao thương giữa các nước Đông Nam Á với các quốc gia và vùng biển khác trên thế giới. Vùng biển này chứa nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng nhập khẩu vào Đông Bắc Á [2; tr. 51]. Tuyến thông thương hàng hải (SLOC) không chỉ có vai trò to lớn đối với thế giới mà nó còn mang đến sự thịnh vượng chung với tất cả thành viên ASEAN. Vì vậy, an ninh hàng hải ở đây luôn được các quốc gia có liên quan đặc biệt chú ý: nạn cướp biển, xung đột vũ trang trên Biển Đông… đều là những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các quốc gia Đông Nam Á. Về chính trị, nguy cơ Biển Đông bị độc chiếm sẽ là mối đe dọa lớn đến ASEAN, các quốc gia Đông Nam Á sẵn sàng thay đổi chiến lược, cách thức ngoại giao để ngăn chặn những biểu hiện mang tính thách thức đó. 4. BIỂN ĐÔNG TRONG QUAN HỆ ẤN ĐỘ - ASEAN ĐẦU THẾ KỈ XXI Quan hệ giữa Ấn Độ và Đông Nam Á mang tính lịch sử lâu đời, thông qua con thương nhân và truyền giáo, hòa bình mang dấu ấn đặc trưng của Ấn Độ. Vì lẽ đó, quan hệ Ấn Độ và ASEAN phát triển tự nhiên. Từ 1950 đến 1967, Ấn Độ thực hiện chính sách hòa bình, trung lập, ủng hộ tích cực cuộc đấu tranh giành độc lập của các nước Đông Nam Á, tham gia sáng lập Phong trào Không Liên Kết. Sau khi tổ chức ASEAN được thành lập (1967), quan hệ của Ấn Độ với các nước trong tổ chức này ngày càng được cải thiện. Có thể thấy, mối quan hệ với ASEAN có vị trí quan trọng trong đường lối đối ngoại của Ấn Độ. Từ những chính sách mang tính “nước đôi”, Ấn Độ từng bước có những ảnh hưởng lớn đến khu vực ASEAN và hợp tác ngày một sâu rộng hơn. Đặc biệt hơn cả, giai đoạn từ sau năm 1991 mối quan hệ Ấn Độ - ASEAN phát triển một cách nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Liên quan đến Biển Đông, ngay từ năm 1991, khi Ấn Độ ban hành chính sách Hướng Đông, Biển Đông được xem là “bước đệm” để Ấn Độ vươn ra châu Á - Thái Bình Dương [2; tr. 95]. Năm 1995, sau khi chính thức trở thành nước đối thoại của Diễn đàn Khu vực (ARF), Ấn Độ đã tăng cường hợp tác với ASEAN và hiện diện an ninh ở Biển Đông nhất là từ đầu thế kỉ XXI. Có thể xem xét quan hệ Ấn Độ - ASEAN về vấn đề Biển Đông đầu thế kỉ XXI qua các nội dung chủ yếu sau: 4.1. Ấn Độ và ASEAN chia sẻ quan điểm ủng hộ tự do hàng hải, hòa bình và an ninh ở khu vực Biển Đông Ấn Độ có nhiều cơ sở “hợp tình, hợp lý” trong việc đưa ra các cam kết trách nhiệm về hòa bình, an ninh Biển Đông và đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy an ninh Biển Đông. Ấn Độ là một cường quốc ôn hòa và hoàn toàn thích hợp để tạo mối quan hệ thân hữu trong khu vực. Nhìn chung, Ấn Độ có thể thực hiện các nhiệm vụ của một cường quốc ổn định với sự giúp đỡ của tất cả các quốc gia có cùng chí hướng. Xét về mặt tổng thể, Hiến chương ASEAN 50
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN | 12/2019 năm 2007 đã cụ thể hóa cho nhận thức chung của ASEAN với mục tiêu đầu tiên là “duy trì và thúc đẩy hòa bình và an ninh, ổn định và tăng cường hơn nữa các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực”1. Như vậy, những nguyện vọng và đòi hỏi chính đáng về “hòa bình, an ninh và ổn định” tại khu vực là mối quan tâm, sự chia sẻ sâu sắc của cả Ấn Độ và ASEAN. Tính cộng hưởng về nhận thức là tiền đề quan trọng để một cường quốc có trách nhiệm và một tổ chức năng động ở châu Á - Thái Bình Dương cùng hợp tác để thúc đẩy an ninh Biển Đông. Ngày 7/5/2009, Trung Quốc chính thức gửi Công hàm yêu cầu lưu truyền trong cộng đồng các nước thành viên Liên Hợp Quốc bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là đường chữ U, đường đứt đoạn 9 khúc) trên Biển Đông. Tuyên bố phi lý này của Trung Quốc đã dấy lên những quan ngại từ cộng đồng quốc tế về tham vọng của quốc gia này tại Biển Đông. Cũng từ đây, tính chất bất ổn ở Biển Đông ngày càng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Theo đó, lập trường của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông cũng rõ ràng hơn. Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất vào tháng 10/2010 tại Hà Nội, Ấn Độ đã bày tỏ quan điểm về nhu cầu đảm bảo an ninh hàng hải tại châu Á - Thái Bình Dương. Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K.Anthony nhấn mạnh: “An ninh của các tuyến giao thông đường biển đóng vai trò sống còn trong thế giới ngày nay. Các nước có lợi ích chung trong việc đảm bảo cho các tuyến đường biển được lưu thông, được đảm bảo an ninh và tự do hàng hải, các nguồn cung cấp năng lượng và thương mại. Cướp biển vẫn còn là một thách thức nghiêm trọng đối với cộng đồng thế giới, như chúng ta đã chứng kiến ở trong vịnh Aden2 và các khu vực lân cận. Hải quân Ấn Độ đang tích cực tham gia vào các hoạt động tuần tra và hộ tống chống cướp biển ở vịnh Aden trong hơn hai năm nay. Ấn Độ cam kết phối hợp với các nước khác trong nỗ lực chống cướp biển”3. Như vậy, an ninh hàng hải và cách tiếp cận an ninh hàng hải tại châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành mối quan tâm trực tiếp của Ấn Độ. Quan điểm của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông ngày càng được thể hiện rõ ràng. Trong thông cáo báo chí ngày 1/9/2011, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ: “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế, bao gồm cả ở Biển Đông và quyền lưu thông phù hợp với các nguyên tắc được luật pháp quốc tế thừa nhận. Những nguyên tắc này cần được tất cả các bên tôn trọng” [7; tr.234]. Trong Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tổ chức tại Phnom Penh (Campuchia) vào tháng 11/2012, liên quan đến vấn đề Biển Đông, Ấn Độ cũng đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tiếp cận các lực như thủy sản và khí đốt phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tham vấn các vấn đề chính trị và an ninh như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Quốc phòng - Quân sự ASEAN mở rộng, đề xuất rằng các nhà lãnh đạo nên làm việc với nhau vì một cấu trúc khu vực mở, cân bằng, toàn diện và minh bạch. Đặc biệt, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ được tổ chức tại New Delhi vào tháng 12/2012 với chủ đề “Quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ vì hòa bình và thịnh vượng” đã quyết định nâng quan hệ ASEAN - Ấn Độ lên “đối tác chiến lược”. Đây là cơ sở quan trọng để thắt 1 Nguyên văn tiếng Anh: “To maintain and enhance peace, security and stability an further strengthen peace- oriented values in the region”. The ASEAN Charter, Jakarta: ASEAN Secretariat, January 2008. Phiên bản điện tử có tại: http://www.asean.org/archive/publications/ASEAN-Charter.pdf, truy cập 6/5/2019 2 Vịnh Aden là vịnh nằm trong Biển Ả Rập giữa Yemen ở bờ phía nam của Bán đảo Ả Rập và Somalia trên bán đảo Sừng châu Phi. Về phía Tây bắc, vịnh nối với Biển Đỏ thông qua eo biển Bab-el-Mandeb, rộng khoảng 20 dặm. 3 “India asks ADMM Plus for cooperation to secure sea-lanes”, Open India, 12/10/2010, tại địa chỉ: http://www.oneindia.com/2010/10/12/indiaasks-admm-plus-for-cooperation-to-secure-sea-lanes.html, truy cập ngày 9/5/2019. 51
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKH 2019 chặt quan hệ hai bên trong tất cả các lĩnh vực như chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội,… Tại Hội nghị này, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã nhấn mạnh quan hệ Ấn Độ - ASEAN đã bắt đầu trên nền tảng là nhân tố kinh tế, tuy nhiên quan hệ này còn mang nhiều hàm ý chiến lược ngày càng gia tăng, trong đó khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” ổn định, an toàn và thịnh vượng có tầm quan trọng rất lớn đối với tương lai và sự thịnh vượng của cả Ấn Độ và ASEAN. “Tuyên bố Tầm nhìn Ấn Độ - ASEAN” tháng 12/2012 cũng nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi cam kết tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh hàng hải và tự do hàng hải, sự an toàn cho các tuyến giao thông trên biển giúp các hoạt động thương mại không bị gián đoạn phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS”1. Tại cuộc họp lần thứ 15 Ủy ban hợp tác chung ASEAN - Ấn Độ (AIJCC) vào tháng 6/2015 nhằm kiểm điểm quan hệ hợp tác ASEAN - Ấn Độ thời gian qua và xác định các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác hơn nữa trong thời gian tới, Ấn Độ tiếp tục xem ASEAN là trọng tâm hợp tác. Về phương hướng tiến triển, Ấn Độ và ASEAN cam kết tăng cường hợp tác thực chất, nâng cao hiệu quả hơn nữa, trong đó an ninh biển là một nội dung quan trọng2. 4.2. Ấn Độ và ASEAN tăng cường hợp tác để đảm bảo anh ninh, an toàn và thịnh vượng trên Biển Đông Để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc và tiến tới gắn an ninh Biển Đông như là mối quan tâm chiến lược hàng đầu trong vấn đề an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ đã tăng cường quan hệ với ASEAN - một thể chế trung tâm, năng động và nhiều hứa hẹn tại Đông Nam Á. Về kinh tế, để tăng cường lòng tin và thúc đẩy quan hệ Ấn Độ - ASEAN, Ấn Độ đã gia nhập “Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á” (TAC) và ký “Tuyên bố chung về Hợp tác chống khủng bố quốc tế” vào năm 2003, thông qua “Hiệp định quan hệ đối tác hòa bình, tiến bộ và phồn vinh” nhân Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 3 tại Lào vào năm 2004. “Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ” (AIFTA) cũng được xây dựng để thúc đẩy toàn diện quan hệ chính trị và kinh tế hai bên. Về an ninh - quốc phòng, trong những năm gần đây, các lực lượng quân sự của Ấn Độ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với một số quốc gia ASEAN tại Biển Đông. Từ năm 1993, Ấn Độ và Singapore tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung như SIMBEX và MILAN hằng năm, xung quanh các đảo Andaman và Nicolar3, xúc tiến các cuộc tập trận chống tàu ngầm vào tháng 4/2007 [1; tr.87]. Từ tháng 4 đến tháng 5/2007, Ấn Độ đã xúc tiến tập trận Hải quân song phương với Việt Nam, Philippin, Malaysia, Singapore và Indonesia [1; tr.59]. Việc hợp tác quân sự của Ấn Độ với các quốc gia ASEAN đã tạo nên bước đột phá giúp Ấn Độ tăng cường khả năng gây ảnh hưởng liên tục đối với các nước ASEAN và mở rộng tầm ảnh hưởng đến khu vực Biển Đông. Vào năm 2011, Ấn Độ đã bày tỏ thái độ rõ rệt đối với việc Trung Quốc phản đối việc Công ty ONGC Videsh Limited (OVL) khai thác hai lô dầu khí 127 và 128 của trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Theo đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã gọi các tuyên bố phản đối của Trung Quốc là “không có cơ sở pháp lý” [7; tr.241]. Vào cuối tháng 7/2012, Hải quân Ấn Độ đã khai trương một căn cứ không quân mới mang tên INS Baaz tại vịnh Campbell trên đảo Great Nicobar gần eo biển Malacca. Việc xây dựng căn cứ Baaz sẽ 1 “Vision Statement ASEAN India Commemorative Summit”, The ASEAN Secretariat, 21/12/2012, tại địa chỉ: https://asean.org/vision-statement-asean-india-commemorative-summit/,truy cập ngày 10/5/2019. 2 “Việt Nam cam kết thúc đẩy hợp tác ASEAN - ẤN Độ lên tầm cao mới”, Báo Nhân dân điện tử, 23/6/2015, tại địa chỉ https://www.nhandan.com.vn/thegioi/item/26699402-viet-nam-cam-ket-thuc-day-hop-tac-asean-an-do- len-tam-cao-moi.html, truy cập ngày 10/9/2019. 3 Quần đảo Adaman và Nicolar là một trong bảy lãnh thổ liên bang của Cộng hòa Ấn Độ. Ngày nay, người nước ngoài muốn tới Andaman và Nicobar phải xin giấy phép đặc biệt. 52
  6. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN | 12/2019 giúp Ấn Độ giám sát vịnh Benghal và kiểm soát lối ra vào phía Tây eo biển Malacca. Với tầm nhìn chiến lược, Ấn Độ cũng thuận lợi hơn trong việc tăng cường khả năng hợp tác và tuần tra với hải quân của các quốc gia ASEAN như Indonesia, Thái Lan và thậm chí là các quốc gia xa hơn như Việt Nam, Malaysia, Singapore. Về an ninh - thương mại, cùng với các thỏa thuận về hợp tác dầu khí thì Ấn Độ cũng nhấn mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước ASEAN trong việc bảo vệ, duy trì an ninh, tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế. Cả hai bên cũng chia sẻ rằng vấn đề Biển Đông nên được các bên kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình theo UNCLOS 1982 và DOC 2002. Nhằm tăng tính linh hoạt trong việc điều chỉnh những chiến lược an ninh trước cấu trúc an ninh đang thay đổi tại vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Thủ tướng Narendra Modi đã tích cực thúc đẩy quan hệ quốc phòng, trong đó chú trọng vào tăng cường quan hệ hợp tác hàng hải với các lực lượng hải quân khu vực như Australia, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam. Khi đến thăm Việt Nam năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố, Ấn Độ sẽ tăng cường sức mạnh phòng thủ cho Việt Nam qua việc gia tăng số lượng tàu chiến Ấn Độ đỗ tại các cảng biển của Việt Nam, hải quân Ấn Độ cũng giúp Việt Nam phát triển cảng biển. Quan hệ quân sự Ấn Độ - Singapore cũng được tăng cường bằng các cuộc tập trận SIMBEX, diễn tập lục quân, không quân và hải quân. Ấn Độ cũng hỗ trợ đào tạo sĩ quan cho Singapore [6; tr.35-36]. Hợp tác an ninh - quốc phòng giữa Ấn Độ với Việt Nam, Singapore, Myanmar, Malaysia,… ngày càng chặt chẽ đã cho thấy quan hệ Ấn Độ - ASEAN đang được nâng cao. Các hoạt động giao lưu, học hỏi, tăng cường bồi dưỡng nhân viên,… các hoạt động tập trận chung tại Biển Đông đã dần tăng cường lòng tin, thúc đẩy sự gắn kết về an ninh chiến lược. Thông qua các hoạt động hiện diện và hợp tác quân sự tại Biển Đông, Ấn Độ đã tăng cường năng lực an ninh biển cho các quốc gia ASEAN nhằm đảm bảo Biển Đông không bị “độc chiếm” bởi một nước lớn nào. Trong tương lai, Biển Đông tiếp tục là vấn đề được quan tâm sâu sắc của Ấn Độ trong quan hệ với ASEAN. Thông qua các nỗ lực ngoại giao ở Biển Đông, Ấn Độ đã đảm bảo được lợi ích kinh tế, an ninh của mình. Ngoài ra, kết quả hợp tác còn cho thấy, Ấn Độ ngày càng đóng vai trò lớn hơn tại khu vực, có thể nhìn nhận như một cường quốc trong mục tiêu cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc của các quốc gia ASEAN. Ngược lại, thông qua các hoạt động đối thoại và giao lưu với Ấn Độ, ASEAN mong muốn sẽ làm dịu đi tình hình căng thẳng tại Biển Đông và ràng buộc các nước lớn trong các mối quan hệ lợi ích đan xen nhằm duy trì hòa bình, ổn định cho khu vực Đông Nam Á [5; tr.22]. 5. KẾT LUẬN 5.1. Quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN tại Biển Đông được thể hiện qua hai phương diện chủ yếu: (1) Chia sẻ, trao đổi quan điểm về tầm quan trọng của an ninh hàng hải tại Biển Đông; (2) Tiến hành các hoạt động hợp tác khai thác kinh tế (khai thác dầu khí), các hoạt động hải quân tại khu vực. 5.2. Sự ủng hộ của Ấn Độ đối với ASEAN thể hiện qua quan điểm và động thái của Ấn Độ tại Biển Đông những năm đầu thế kỉ XXI cho thấy rằng Ấn Độ là quốc gia có quan điểm, lập trường rõ ràng, có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Sự hội tụ lợi ích giữa Ấn Độ và ASEAN trong vấn đề Biển Đông là khởi đầu của mối tương tác chiến lược sâu rộng của hai bên. 5.3. Tiếp nối những thành công đã đạt được trong những năm qua, mối quan hệ Ấn Độ - ASEAN hứa hẹn sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn. Ấn Độ và ASEAN cùng nhìn về một tương lai hòa bình, thịnh vượng của khu vực, và vấn đề Biển Đông sẽ luôn là “điểm nhấn” trong sự hợp tác song phương này. 53
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKH 2019 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bùi Thị Đào (2012). Quan hệ Ấn Độ - ASEAN trong thập niên đầu thế kỷ XXI, Luận văn Thạc sỹ Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. [2] Đặng Đình Quý (Chủ biên) (2005). Tìm kiếm giải pháp vì hòa bình và công lý ở Biển Đông, NXB Học viện Ngoại giao, Hà Nội. [3] Nguyễn Ngọc Trường Sơn (2014). Về vấn đề Biển Đông, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. [4] Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Văn Du (Đồng chủ biên) (2006). Chiến lược đối ngoại của các nước lớn và quan hệ với Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [5] Thông Tấn xã Việt Nam (2012). Các vấn đề quốc tế, Tài liệu tham khảo đặc biệt. [6] Thông Tấn xã Việt Nam (2013). Các vấn đề quốc tế, Tài liệu tham khảo đặc biệt. [7] Trần Nam Tiến (2016). Ấn Độ với Đông Nam Á trong bối cảnh quốc tế mới, NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh. [8] Võ Xuân Vinh (2013). ASEAN trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 54
nguon tai.lieu . vn