Xem mẫu

  1. Hội thảo khoa học Quốc gia Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Việt Nam QUÁ TRÌNH ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN VÙNG TÁI ĐỊNH CƯ THỦY ĐIỆN SƠN LA Ở HUYỆN QUỲNH NHAI Hoàng Thị Vân1*, Nguyễn Thu Thanh1, Tống Thanh Bình2* 1 Trường THPT Quỳnh Nhai 2 Trường Đại học Tây Bắc * Email: binhtt@utb.edu.vn; lonchuotlyminh@gmail.com Tóm tắt: Quỳnh Nhai là 1 trong 3 huyện của tỉnh Sơn La phải thực hiện nhiệm vụ di dân tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La. Sau gần 15 năm thực hiện nhiệm vụ đến nay đời sống nhân dân tại các khu, điểm tái định cư huyện Quỳnh Nhai đã ổn định và từng bước phát triển. Hầu hết số hộ tái định cư có nhà kiên cố, hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm tái định cư được quy hoạch và xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đi lại, sản xuất của người dân. Các hộ dân tái định cư cơ bản đã được giao đất sản xuất nông nghiệp và được hướng dẫn sản xuất, chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, hiện nay ở các khu, điểm tái định cư của huyện đang tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo. Để đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân đòi hỏi phải tiếp tục có sự quan tâm đồng bộ, thiết thực của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Bài viết tập trung nghiên cứu về quá trình ổn định đời sống nhân dân tái định cư ở huyện Quỳnh Nhai, phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp để đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân. Từ khóa: Quỳnh Nhai, thủy điện Sơn La, tái định cư. 1. MỞ ĐẦU Việc xây dựng công trình Thủy điện Sơn La có ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng đặc biệt, đóng góp nguồn điện lớn phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đề ra “Sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển… tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” [1]. Chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Thủy điện Sơn La, được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La tại Quyết định số 196/2004/QĐ-TTg ngày 29/11/2004 với mục tiêu: Phải tạo được các điều kiện để đồng bào tái định cư sớm ổn định chỗ ở và đời sống, trên cơ sở khai thác tiềm năng về tài nguyên và sức lao động, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn nơi ở cũ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. Công trình Thủy điện Sơn La là công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam, phải tiến hành công cuộc di dân tái định cư có tổ chức lớn nhất ở nước ta cho đến thời điểm hiện tại. Sơn La là tỉnh bị tác động và di dân tái định cư nhiều hơn so với tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Vùng ngập của tỉnh Sơn La bao gồm 3 huyện Thuận Châu, Mường La, Quỳnh Nhai. Quỳnh Nhai là huyện phải thực hiện khối lượng di dân lớn nhất của tỉnh Sơn La, chiếm 2/3 khối lượng công tác di dân trong toàn tỉnh (8.435/12.500 hộ, thuộc 09 xã, 99 bản, xóm, 36.000 nhân khẩu), đồng thời phải di chuyển toàn bộ trung tâm hành chính huyện đến địa điểm mới. “Công tác di dân tái định cư Thủy điện Sơn La được tổ chức triển khai trên địa bàn toàn huyện với
  2. 568 Hoàng Thị Vân, Nguyễn Thu Thanh, Tống Thanh Bình số lượng lớn nhất tỉnh; Đặc biệt là phải di chuyển và xây dựng lại toàn bộ trụ sở của các cơ quan đầu não của huyện tại nơi mới, cũng đặt ra nhiều khó khăn và thách thức cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương” [2]. Với tầm vóc đó, công tác tái định cư còn rất nhiều công việc phải giải quyết về lâu dài, đặc biệt là vấn đề không để người dân vùng di cư tái nghèo. Vì thế, việc quan tâm sinh kế cho người dân vùng tái định cư có ý nghĩa vô cùng to lớn. Trong những năm qua Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai đã luôn xác định công tác di dân tái định cư dự án Thủy điện Sơn La là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ di dân năm 2010, huyện tập trung vào ổn định đời sống nhân dân với mục tiêu: Tạo được các điều kiện để nhân dân các khu, điểm tái định cư sớm ổn định chỗ ở và đời sống, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn nơi ở cũ. Huyện Quỳnh Nhai xác định nhiệm vụ di dân tái định cư vừa là thời cơ vừa là thách thức, bước ngoặt lịch sử ngàn năm có một để thực hiện xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi lạc hậu. 2. NỘI DUNG 2.1. Khái quát về huyện Quỳnh Nhai và quan điểm chỉ đạo thực hiện công tác di dân tái định cư Thủy điện Sơn La (2005 - 2020) Huyện Quỳnh Nhai nằm ở khu vực Tây Bắc của tỉnh Sơn La, cách trung tâm thành phố Sơn La 62 km về phía Tây Bắc. Tổng diện tích tự nhiên 105.600 ha. Phía Bắc giáp huyện Sìn Hồ, Tân Uyên (Lai Châu), phía Tây giáp huyện Tuần Giáo (Điện Biên), phía Đông giáp huyện Than Uyên (Lai Châu), phía Nam giáp huyện Thuận Châu và Mường La, tỉnh Sơn La. Quỳnh Nhai là vùng đất tụ cư của nhiều dân tộc, trong đó tỷ lệ dân tộc Thái chiếm 80,9 %, dân tộc Kinh 3,6 %, dân tộc Mông 4,6 %, dân tộc Kháng 5,9 %, dân tộc La Ha 2,8 %, dân tộc khác 2,2 %. Dân số của huyện không ngừng tăng lên, nhất là trong những năm gần đây, dân số năm 2018 là 65.155 người, với 14.338 hộ. Dân cư chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước, đánh bắt cá trên lòng hồ Sông Đà. Các dân tộc có bản sắc văn hóa và tập quán sinh hoạt khác nhau, trong quá trình sinh sống, lao động, đồng bào các dân tộc đã có sự giao thoa văn hóa và hòa đồng, chia sẻ. Nhân dân các dân tộc huyện Quỳnh Nhai có truyền thống anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong xây dựng quê hương. Trước ngày 21/02/2011, huyện Quỳnh Nhai có 13 đơn vị hành chính, 185 bản. Thực hiện Nghị quyết 10/NQ-CP ngày 21/02/2011 của Chính phủ, huyện Quỳnh Nhai hiện có 11 đơn vị hành chính tương ứng 11 xã: Cà Nàng, Chiềng Bằng, Chiềng Khay, Chiềng Khoang, Chiềng Ơn, Mường Chiên, Mường Giàng, Mường Giôn, Mường Sại, Nậm Ét, Pá Ma Pha Khinh với 109 bản, xóm. Huyện Quỳnh Nhai bắt đầu thực hiện di dân đợt 1 từ năm 2005 và hoàn thành vào tháng 4/2010. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ di dân tái định cư Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai luôn xác định: Ổn định đời sống nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII (2005) của huyện nhấn mạnh nhiệm vụ di dân tái định cư Thủy điện Sơn La: Triển khai có hiệu quả dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân ra khỏi vùng lòng hồ, đúng tiến độ với phương châm cuộc sống và sinh hoạt nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Hoàn thành cơ bản nhiệm vụ di dân tái định cư vào năm 2008 và hoàn thành vào năm 2010. Chương trình tái định cư là cuộc cách mạng về sắp xếp lại dân cư, xây dựng bản mới phát triển toàn diện, thay đổi phương thức sản xuất, đảm bảo phát triển bền vững cả trước mắt và lâu dài [3]. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, năm 2010 Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX của Huyện xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác di dân tái định cư thủy điện Sơn La trong giai đoạn mới: Hoàn thành việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng phương án sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt Đề án “Ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân tái định cư thủy điện Sơn La” của tỉnh đồng thời tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh về chính sách bồi thường, hỗ trợ [4]. Đại hội Đảng bộ lần thứ XX (2015) của huyện Quỳnh Nhai tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ công tác tái định cư dự án thủy điện Sơn La: Tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La; từng bước đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân tại các khu, điểm tái định cư và nhân dân trên địa bàn toàn huyện [5]. Như vậy quan điểm của Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai đối với nhiệm vụ ổn định đời sống nhân dân các khu, điểm tái định cư được thể hiện rõ lộ trình, từng bước từ “thay đổi phương thức sản xuất”, “xây dựng phương án sản xuất, ổn định đời sống nhân dân” đến “từng bước đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân tại các khu, điểm tái định cư và nhân dân trên địa bàn toàn huyện”. Trong thời gian qua, huyện Quỳnh Nhai đã thực hiện nhiều giải pháp để ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các khu, điểm tái định cư nói riêng và cho nhân dân trong toàn huyện nói chung như: Tiến hành rà soát lại quy hoạch dân cư, quy hoạch đất đai tại các điểm tái định cư; tổ chức điều chỉnh
  3. Quá trình ổn định đời sống nhân dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La 569 ở huyện Quỳnh Nhai lại quy hoạch dân cư cho phù hợp với điều kiện thực tế, đề nghị tỉnh, Trung ương cho phép di chuyển định cư lần hai đối với những điểm tái định cư thật sự khó khăn trong phát triển sản xuất và ổn định đời sống. Để thực hiện các giải pháp trên, Huyện đã tranh thủ sử dụng, lồng ghép có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đời sống, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân như: Chương trình 135; Chương trình định canh định cư theo Quyết định số 33/QĐ-TTg của Chính phủ; Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Chính phủ; Chính sách cho vay vốn phát triển theo Quyết định số 54/QĐ-TTg của Chính phủ; Chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ- CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và chính sách xóa nhà tạm; Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Huyện đã tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho các hộ tái định cư, hỗ trợ cho vay phát triển sản xuất với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa. Sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương và nỗ lực của người dân đã giúp kinh tế, xã hội huyện Quỳnh Nhai trong 15 năm có nhiều chuyển biến. 2.2. Những thành tựu và vấn đề đặt ra Thành tựu đạt được Với khẩu hiệu “Tất cả vì dòng điện ngày mai của tổ quốc”, qua 6 năm tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác chuyển dân, đến tháng 4/2010 huyện Quỳnh Nhai đã hoàn thành di chuyển 8.435/8.435 hộ ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La an toàn về các điểm tái định cư. Tại các khu, điểm tái định cư đời sống của nhân dân đã từng bước được ổn định và nâng cao. Trong Báo cáo tổng kết công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La - huyện Quỳnh Nhai năm 2016 [6] nêu rõ: Về thu nhập: Thu nhập bình quân đầu người của các hộ tái định cư năm 2005 (trước khi di chuyển dân) là 0,3 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân năm 2015 là 1,12 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân đầu người nơi tiếp nhận dân tái định cư năm 2015 là 1,02 triệu đồng/người/tháng. Về tỷ lệ hộ nghèo: Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các hộ tái định cư (hộ tái định cư so với tổng số hộ tái định) năm 2005 là 35,62 %; năm 2015 là 14,34 %. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân vùng đón dân tái định cư năm 2015 là 18,63 %. Số nhà ở: Nhà ở của các hộ tái định cư là 4.735 nhà; trong đó nhà ở kiến cố chiếm 98,85 %. Nước sinh hoạt: 100 % số hộ tái định cư được đầu tư hệ thống nước sinh hoạt tự chảy, trong đó: 69,9 % số hộ được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; 30,1 % số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Điện sinh hoạt: Số hộ tái định cư được sử dụng điện sinh hoạt là 4.735 hộ, đạt 100 % so với tổng số hộ tái định cư. Giáo dục: Tỷ lệ trẻ em tại các khu, điểm tái định cư trên địa bàn đến tuổi đi học được đến trường là 100 %; tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học vùng tái định cư là 99,98 %, tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS là 98,26 %; tỷ lệ người dân tái định cư biết chữ là 89,6 %; Về thực trạng sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản: Trồng trọt: Diện tích, năng suất, sản lượng một số cây trồng chính (lúa, ngô, sắn,...) tại các khu, điểm tái định cư năm 2015: Lúa 1 vụ: 33,36 ha, năng suất: 17,2 tạ/ha, sản lượng 57,1 tấn; lúa 2 vụ: 95,7 ha, năng suất: 33,5 tạ/ha, sản lượng: 331,9 tấn; ngô: 924,4 ha, năng suất: 51,1 tạ/ha; sản lượng: 4.729,5 tấn; sắn: 2.572 ha, năng suất: 60,9 tạ/ha; sản lượng: 15.615,2 tấn; cây trồng khác: 265,13 ha. Chăn nuôi: Số đàn, số con của một số con nuôi chính năm 2015. Trâu: 3.849 con; Bò: 5.150 con; Dê: 4.651 con; Lợn: 14.753 con; gia cầm: 66.217 con. Một số con nuôi chính có lợi thế để nhân rộng và phát triển là: Bò, Dê, Lợn. Nuôi trồng thủy sản: Cá lồng: số lượng: 576 lồng, với số hộ tái định cư: 234 hộ. Lâm nghiệp: Diện tích khoanh nuôi, bảo vệ rừng: Rừng phòng hộ là 17.391,32 ha. Về kết quả đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: Ưu tiên các công trình thiết yếu nước sinh hoạt, điện; các dự án san nền nhà, đường giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của dân cư, góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân tại nơi ở mới, 11 khu, 96 điểm tái định cư với 723 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư tại Quyết định số 2009/QĐ-TTg ngày 04/11/2013, với tổng mức vốn 2.192,8 tỷ đồng. Đến 2016 đã phê duyệt 690 dự án, tổng vốn đầu tư là 2.333,3 tỷ đồng (bao gồm 138 dự án, vốn đầu tư 182,2 tỷ đồng được đầu tư sửa chữa, nâng cấp do hậu quả mưa lũ). Đã phê duyệt quyết toán: 657 dự án, với tổng giá trị 1.506.154/2.192.843 triệu đồng, đạt 82,1 % so với giá trị giải ngân, đạt 68,6 % so với tổng vốn đầu tư. Đánh giá mức độ ổn định của 96 điểm tái định cư năm 2016: Có 21 điểm tái định cư ổn định, có điều kiện phát triển tốt; 60 điểm tái định cư ổn định, có điều kiện phát triển trung bình và còn 15 điểm tái định cư có khó khăn về điều kiện phát triển [7]. Đến nay đánh giá mức độ ổn định của 96 điểm tái định cư như sau: Ổn định, có điều kiện phát triển 15 điểm; Cơ bản ổn định, có điều kiện phát triển 81 điểm; Chưa ổn định nhưng có khả năng phát triển 02 điểm [8].
  4. 570 Hoàng Thị Vân, Nguyễn Thu Thanh, Tống Thanh Bình Quá trình ổn định đời sống, phát triển sản xuất nhân dân huyện Quỳnh Nhai nói chung và nhân dân các khu, điểm tái định cư nói riêng đã khai thác tốt lợi thế lòng hồ rộng 10.500 ha mặt nước của huyện để nuôi trồng đánh bắt thủy sản. Năm 2010, huyện Quỳnh Nhai nuôi thử chưa đầy 100 lồng cá, đến nay đã phát triển lên hơn 7.000 lồng cá, với 45 hợp tác xã, 670 thành viên tham gia, sản lượng khai thác, đánh bắt, nuôi trồng hàng năm ước tính đạt khoảng 3 nghìn tấn, thu nhập hàng chục tỷ đồng. Trong đó, có hàng trăm hộ nông dân ở xã Chiềng Bằng, Chiềng Ơn, Mường Sại nuôi cá lồng thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hơn một tỷ đồng. Người dân cũng đã tạo ra sản phẩm hàng hóa sản xuất nước mắn, làm cá tép dầu từ cá lòng hồ. Năm 2019, có 10 hợp tác xã, 01 doanh nghiệp được trao quyền sử dụng Giấy chứng nhận thương hiệu “Cá Sông Đà” do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép. Bên cạnh đó, lòng hồ thủy điện Sơn La cũng tạo ra tiềm năng phát triển du lịch cho huyện, để tạo công việc và tăng thu nhập cho người dân. Huyện đã hình thành các sản phẩm du lịch riêng như: Du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Năm 2019, huyện đã thu hút khoảng 1.000 khách quốc tế và 80.000 khách nội địa, khách địa phương đến tham quan du lịch [9]. Đối với những địa điểm không tận dụng được lợi thế của mặt nước lòng hồ, người dân đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi như: trồng cỏ, trồng nấm, trồng cây dược liệu, trồng cây ăn quả trên đất dốc (bưởi, cam, chanh leo,…), nuôi bò, dê nhốt chuồng, nuôi lợn hướng nạc,... Các mô hình kinh tế bền vững, hiệu quả trên đang được nhân rộng góp phần tháo gỡ khó khăn về tình trạng thiếu đất sản xuất và nâng cao đời sống của người dân ở các khu, điểm tái định cư. Nhìn tổng thể bức tranh các khu, điểm tái định cư ở huyện Quỳnh Nhai sau di dân tái định cư thủy điện Sơn La có thể thấy đời sống, sản xuất của đồng bào các dân tộc cơ bản đã ổn định. Một số nơi xuất hiện những mô hình sản xuất mới, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đã bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, trên thực tế tại các khu, điểm tái định cư dự án Thủy điện Sơn La ở huyện Quỳnh Nhai vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Tồn tại và những vấn đề đạt ra Những năm đầu, việc ổn định đời sống nhân dân vô cùng khó khăn do di dân tái định cư là một nhiệm vụ mới quan trọng toàn diện và nhạy cảm liên quan đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như đất đai, phong tục, tập quán, tư tưởng, nhận thức, tâm lý dân tộc, môi sinh, môi trường, chế độ chính sách, đời sống, sản xuất, kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội,... Quỳnh Nhai lại là vùng tập trung chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Dao, Kháng. Trong đó, nhóm dân tộc rất ít người - La Ha đời sống vốn đã khó khăn, trình độ dân trí thấp, lao động hầu như chưa qua đào tạo, phong tục tập tập quán canh tác chủ yếu là thuần nông, kinh tế tự cấp, tự túc. Tâm tư nguyện vọng của nhiều người là không muốn xa quê hương bản quán, nơi đã từng sinh sống ngàn đời nên dù đã đến sinh sống tại các điểm tái định cư nhưng tâm lý chán nản, chưa muốn ổn định tại nơi ở mới. Bên cạnh đó, những năm đầu tại các điểm tái định cư, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Mặc dù đã có đường giao thông đến trung tâm 11/11 xã, song đường vào một số điểm tái định cư còn chưa hoàn thiện về mùa mưa việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn. Điện, nước sinh hoạt ở một số điểm di dân chưa đảm bảo. Việc thu hồi đất, giao đất sản xuất còn chậm; còn hạn chế trong việc xây dựng các phương án sản xuất tạo ra các mô hình, dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp và chuyển giao kỹ thuật chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ tái định cư tại nơi ở mới. Không chỉ vậy, việc chưa xây dựng được phương án đào tạo nghề và thu hút lao động trẻ là con em các hộ tái định cư để tạo công ăn việc làm tăng thu nhập đã ảnh hưởng đến vấn đề ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Đại hội Đảng lần thứ XX huyện Quỳnh Nhai (2015) đánh giá: Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhưng chưa bền vững, giá trị tuyệt đối tổng sản phẩm còn thấp so với các huyện trong tỉnh, quản lý một số công trình đầu tư chưa chặt chẽ [10]; Thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp, tiến độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu vật nuôi cây trồng chậm, việc áp dụng khoa học - công nghệ cho sản xuất còn hạn chế [11]; Thu nhập bình quân đầu người thấp (15.0 triệu đồng/người/năm). Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 30,2. Lao động được đào tạo nghề năm 2015 chỉ có 137 người, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức 22 %. Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động qua đào tạo làm việc trong nền kinh tế ước thực hiện trong năm 2015 đạt 12,5 % [12]. Những khó khăn mà người dân Quỳnh Nhai đã và đang phải đối mặt đó là: Thiếu đất sản xuất ở các điểm tái định cư nông thôn, do môi trường và điều kiện sống thay đổi, trước đây phần lớn các hộ dân tái định cư đều sinh sống ở vùng có địa hình thấp như Mường Chiên, Pha Khinh, Pắc Ma, Chiềng Ơn, Mường Sại, Mận Ét, khí hậu thuận lợi, cuộc sống của người dân chủ yếu là làm ruộng lúa nước và đánh bắt thủy sản ven sông nhưng khi chuyển đến nơi ở mới thì địa hình cao hơn, độ dốc lớn hơn, đất đai cằn cỗi hơn, người dân phải chuyển sang làm nương trồng lúa, ngô, sẵn, trồng cây ăn quả trên đất dốc. Phương thức canh tác trên đất dốc người dân chưa quen nên hiệu quả kinh tế thấp. Tiến độ giao đất và xây dựng các công trình phục vụ
  5. Quá trình ổn định đời sống nhân dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La 571 ở huyện Quỳnh Nhai sản xuất cho nhân dân trong diện tái định cư của huyện chậm; việc định hướng sản xuất cũng như tổ chức sản xuất cho nhân dân của các cơ quan chức năng còn lúng túng. Vì vậy, tình trạng trì trệ trong sản xuất và người dân không có việc làm diễn ra ở nhiều điểm tái định cư. Đến năm 2017 Quỳnh Nhai có diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 16,69 % tổng diện tích đất, là 1 trong 2 huyện của tỉnh Sơn La có tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp chiếm dưới 20 % [13]. Do quỹ đất ít, nhiều người dân đã bỏ bản, mường để đi lao động làm thuê ở các thành phố lớn, các công ty, nhà máy dưới xuôi. Theo số liệu tổng hợp của Công an huyện Quỳnh Nhai tính đến tháng 4 năm 2020 trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có 1.329 người vắng mặt đi lao động làm thuê, học tập trong và ngoài nước, trong đó lao động làm thuê 1.280 người; làm thuê, học tập ở nước ngoài 49 người. Việc nhiều người bỏ bản, mường đi lao động làm thuê bên cạnh những ưu điểm không thể tránh khỏi những hệ lụy, thậm chí gây bất ổn về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Một bộ phận người dân chọn cách “bám lòng hồ” nhưng thiếu hiểu biết đã sử dụng các ngư cụ đánh bắt “tận diệt” điều này ảnh hưởng lớn đến nguồn thủy sản và hệ sinh thái lòng hồ Thủy điện Sơn La. Lúng túng trong chuyển đổi ngành nghề ở các điểm tái định cư đô thị: Bản Nghe Tỏng, Bản Chẩu Quân (các hộ chuyển đến từ bản Nghe Tỏng, bản Chẩu Quân, xã Mường Chiên), bản Phiêng Nèn 1, 2, 3 (các hộ chuyển đến từ các xã Mường Chiên, Mường Sại, Pha Khinh, Chiềng Bằng, Cà Nàng) thuộc xã Mường Giàng. Đời sống trước đây của người dân cũng chủ yếu là nghề nông, trồng lúa nước. Theo đề án di dân các hộ dân ở điểm tái định cư này sẽ được chuyển đổi ngành nghề sang sản xuất thủ công các ngành nghề thủ công truyền thống như mộc, đan lát, dệt, thêu thổ cẩm và phát triển du lịch cộng đồng. Song đến nay các điểm tái định cư này vẫn chưa có sản phẩm thủ công truyền thống thành hàng hóa, du dịch cũng chưa thu hút được du khách. Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Mường Giàng khóa XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đánh giá: Cơ cấu công nghiệp - xây dựng chiến 19,5 %, thương mại - dịch vụ 16,03 %. Tăng trưởng kinh tế có bước chuyển biến, song chất lượng tăng trưởng còn hạn chế,... còn chậm, chưa vững chắc, trong quá trình triển khai có lúc còn lúng túng, chưa xác định được bước đi, cách làm phù hợp. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, kết quả đầu tư, quản lý, sử dụng cơ sở hạ tầng: Đường giao thông: Đường vào điểm tái định cư: 31 còn tốt, 28 xuống cấp, quản lý sử dụng chưa tốt. Đường nội bộ điểm tái định cư: 40 còn tốt, 44 xuống cấp, quản lý sử dụng chưa tốt. Nhà trẻ, mẫu giáo: 54 còn tốt, 39 xuống cấp, quản lý sử dụng chưa tốt. Nhà văn hóa tại điểm tái định cư: 52 còn tốt, 35 xuống cấp, quản lý sử dụng chưa tốt. Nước sinh hoạt: 28 còn tốt, 64 xuống cấp, quản lý sử dụng chưa tốt [14]. Thiếu vốn để tái đầu tư, ngày 31/5/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 666/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La”, thời gian thực hiện từ 2018 - 2025. Đề án phấn đấu, đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần năm 2014 và giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%. Theo đó, tỉnh Sơn La bố trí sắp xếp ổn định đời sống sản xuất cho người dân thuộc 57 xã trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí là 5.141 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 (2018 - 2020) đã được Thủ tướng phê duyệt là 1.800 tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, đến nay huyện vẫn chưa được cấp kinh phí để triển khai thực hiện trong khi đó nhiều khu, điểm tái định cư cơ sở hạ tầng như đường, hệ thống nước sạch đã xuống cấp. Nguy cơ tái nghèo: Chuyển về các điểm tái định cư, nhân dân được Nhà nước thực hiện chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng; chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đời sống. Tuy nhiên do phải làm lại từ đầu và trong một thời gian dài chưa làm ra sản phẩm cho nên số tiền hỗ trợ của nhà nước dần dần được người dân chi dùng vào việc sinh hoạt, làm lại nhà cửa, mua sắm các vật dụng cần thiết. Bên cạnh đó, nhiều hộ do có tiền trong tay đã chi tiêu quá mức vào việc ăn uống, mua sắm; thậm chí có hộ gia đình rất nghèo nhưng vẫn mua sắm các vật dụng như xe máy, tủ lạnh; không ít trường hợp còn vướng vào các tệ nạn xã hội... nên tiền tích lũy của người dân, tiền bồi thường, đền bù của Nhà nước không được đầu tư vào sản xuất. Nguy cơ tái nghèo ở nhiều điểm tái định cư là khó tránh khỏi. Điều này từng xảy ra ở một số nơi trong cả nước - những vùng có các điểm tái định cư thủy điện, như thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An) cũng như một số huyện thuộc tỉnh Sơn La. Bất cập chung của các khu tái định cư là “... việc giao đất sản xuất cho các hộ tái định cư chưa kịp thời hoặc không đúng tiến độ, không đủ diện tích được phê duyệt. Cơ sở hạ tầng tại các khu tái định cư thiếu đầu tư, không đồng bộ, đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp,… nhiều hộ đã xuống lòng hồ thủy điện để mưu sinh, kéo theo nhiều hệ quả, tác hại xấu, gây bất ổn về an ninh trật tự, an toàn cho người dân” [15]. Như vậy, đời sống của người dân huyện Quỳnh Nhai sau khi di chuyển đến nơi ở mới tuy đã được cải thiện, ngày một nâng cao nhưng còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm dần qua từng năm nhưng vẫn còn cao, thu nhập bình quân đầu người tuy tăng so với thời điểm trước khi di chuyển nhưng vẫn còn ở mức thấp, tiềm ẩn
  6. 572 Hoàng Thị Vân, Nguyễn Thu Thanh, Tống Thanh Bình nguy cơ tái nghèo trong thời gian tới; lực lượng lao động trong huyện chủ yếu là lao động nông nghiệp và chưa qua đào tạo, tỷ lệ lao động nông nghiệp chuyển dịch sang các ngành nghề khác (dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, du lịch) còn thấp; việc xây dựng các phương án chuyển đổi sản xuất, nghề nghiệp và việc làm cho người dân thuộc dự án di dân, tái định cư còn chậm; các công trình cơ sở hạ tầng tuy đã được quan tâm đầu tư, sửa chữa nhưng còn chưa đáp ứng yêu cầu, đang ngày càng xuống cấp. 2.3. Một số đề xuất đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân vùng tái định cư Để đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân nơi đây đòi hỏi các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm đến một số nội dung chủ yếu sau: Một là, đối với các điểm tái định cư nông thôn: Cần tiếp tục tiến hành rà soát lại quy hoạch dân cư, quy hoạch đất đai tại các điểm tái định cư; tổ chức điều chỉnh lại quy hoạch dân cư cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đảm bảo đất sản xuất cho người dân các điểm tái định cư; Quan tâm chỉ đạo việc dự báo thị trường, điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất, chỉ đạo sử dụng có hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên đất đai trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng cường thâm canh, xen canh, tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đối với các điểm đất sản xuất quá ít không đảm bảo ổn định sản xuất của người dân thì có thể đề nghị cho di chuyển lần 2 vì đất canh tác cho các hộ dân ở các khu tái định cư là vấn đề “sống còn”, quyết định mấu chốt đến phát triển ổn định đối với các hộ dân tái định cư vốn chủ yếu sống dựa vào trồng trọt và chăn nuôi nhỏ [16]. Hai là, đối với các điểm tái định cư đô thị: Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Quan tâm phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp và thủ công truyền thống thông qua mở các lớp đào tạo nghề, dạy nghề truyền thống, phát huy tốt vai trò của các nghệ nhân, gắn phát triển nghề thủ công truyền thống với phát triển du lịch, để sản phẩm ngành nghề truyền thống thành hàng hóa. Chú trọng giới thiệu, quảng bá các loại hình du lịch của địa phương. Ba là, tiếp tục tích cực chỉ đạo, khai thác tốt lợi thế lòng hồ thủy điện, hơn 10.000 ha mặt nước, với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, nên hướng dẫn tạo điều kiện để nhân dân tái định cư các xã sống ven hồ chuyển đổi hướng sản xuất sang nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, phát triển du lịch lòng hồ, du lịch sinh thái, điều này sẽ góp phần giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, tạo điều kiện phát triển kinh tế tăng thu nhập cho bà con tái định cư vùng lòng hồ thuỷ điện. Bốn là, tiếp tục tăng cường đầu tư cho hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, trong đó tập trung nguồn lực để hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng giá trị kinh tế cao, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất nhằm tạo vùng nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến và cung ứng hàng hóa tập trung tại các khu, điểm tái định cư, làm tốt khâu định hướng thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa thông qua việc khuyến khích xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp và các cơ sở sơ chế bảo quản nông sản khi các vùng nguyên liệu đã hình thành, liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, các nhà đầu tư trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nông, thủy sản. Năm là, tiếp tục định hướng công tác đào tạo nghề phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của huyện nhằm nhanh chóng chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động vùng tái định cư; ưu tiên đào tạo nghề cho lao động tái định cư thủy điện, xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư hướng dẫn cách làm ăn cách sản xuất kinh oanh hiệu quả, tăng cường các lớp tập huấn phát triển kỹ thuật theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Xem xét tăng cường cán bộ, công chức có trình độ năng lực ở tuyến huyện xuống công tác tại các xã để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm tổ chức triển khai, thực hiện tốt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Sáu là, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực: ưu tiên đầu tư cho hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đời sống, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân tại các khu, điểm tái định cư. Đảm bảo các khu, điểm tái định cư đều được sửa chữa, đầu tư xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng toàn diện như điện lưới quốc gia, đường giao thông cứng hóa, hệ thống nước sạch, nhà lớp học, nhà văn hóa, tạo điều kiện để đồng bào ổn định đời sống và sản xuất, phát triển bền vững. 3. KẾT LUẬN Quỳnh Nhai là một huyện nghèo, khó khăn, trong thực hiện Dự án Thủy điện Sơn La phải thực hiện khối lượng công việc di dân chiếm 2/3 khối lượng công việc của tỉnh Sơn La nhưng với tinh thần “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc” huyện Quỳnh Nhai đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau khi di chuyển đến nơi ở mới đời sống nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực, ngày càng ổn định và nâng cao song vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn: thiếu đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng xuống cấp, nguy cơ tái nghèo. Để phát triển kinh tế, xã hội bền
  7. Quá trình ổn định đời sống nhân dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La 573 ở huyện Quỳnh Nhai vững cần khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện như phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản và cần được sự quan tâm sửa chữa, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng toàn diện như điện, đường giao thông, hệ thống nước sạch, nhà lớp học, nhà văn hóa, góp phần giúp nhân dân ổn định đời sống, sản xuất và phát triển bền vững./. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Hà Nội. Trang 185 - 186 [2]. Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai, (2005), Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai lần thứ XVIII, Trang 30. [3]. Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai, (2005), Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai lần thứ XVIII, Trang 37. [4]. Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai, (2010), Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai lần thứ XIX, Trang 90,91. [5]. Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai, (2015), Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai lần thứ XX, Trang 17. [6]. Báo cáo tổng kết công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La - huyện Quỳnh Nhai năm 2016. [7]. Báo cáo tổng kết công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La - huyện Quỳnh Nhai năm 2016. [8]. Báo cáo số: 32/BC-UBND huyện Quỳnh Nhai, ngày 13/01/ 2020 Đánh giá tình hình sản xuất của các hộ tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai. [9]. Báo cáo số 516/BC - UBND ngày 08/5/2020 của UBND huyện Quỳnh Nhai. [10]. Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai, (2015), Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai lần thứ XX, Trang 34. [11]. Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai, (2015), Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai lần thứ XX, Trang 12. [12]. Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai, (2015), Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai lần thứ XX, Trang 24- 25. [13]. Cục Thống kê tỉnh Sơn La, năm 2018, Niên giám thống kê tỉnh Sơn La 2017, Trang 24. [14]. Báo cáo số: 32/BC-UBND huyện Quỳnh Nhai, ngày 13/01/ 2020 Đánh giá tình hình sản xuất của các hộ tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai. [15]. Nguyễn Thị Minh Phượng, Chính sách di dân tái định cư tại các dự án Thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Tạp chí KH-CN Nghệ An, Số 8/2014, Trang 25. [16]. T83-Lê Anh Tuấn và Đào Thị Việt Nga,(2016), Phát triển thủy điện ở Việt Nam: Thách thức và giải pháp. Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước phát hành, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Mã ISBN: 978-604-67-0766-0, Trang 83. THE PROCESS OF STABILIZING THE PEOPLE’S LIVES IN THE RESETTLEMENT AREA IN QUYNH NHAI DISTRICT AS A RESULT OF SONLA HYDROPWER PLANTS Hoang Thi Van1, Nguyen Thu Thanh1, Tong Thanh Binh2 1 Quynh Nhai Highschool 2 Tay Bac University Email: binhtt@utb.edu.vn; lonchuotlyminh@gmail.com Abstract: Quynh Nhai is one of the 3 districts in Son La province that have to carry out the task of resettlement due to Son La Hydropower Project. After nearly 15 years, the lives of people in the resettlement areas in Quynh Nhai district have been stabilized and gradually improved. Most of the households have permanent houses; infrastructure systems in the resettlement sites have been planned and synchronized, meeting the needs of daily life, travelling and production. The resettled households have basically been allocated agricultural land and given instructions on production and job- changing. However, at present, there is a potential risk of reimpoverishment in the resettlement areas. To ensure
  8. 574 Hoàng Thị Vân, Nguyễn Thu Thanh, Tống Thanh Bình sustainable lives for people, it is required to continue to have the synchronous and practical attention of all levels and branches from central to local. The article focuses on the process of stabilizing the livelihood of resettled people, analyzing the current situation and proposing some solutions to ensure sustainable livelihood for people in Quynh Nhai district. Keywords: Quynh Nhai, Son La hydropower, resettlement.
nguon tai.lieu . vn