Xem mẫu

PHƢƠNG THỨC ỨNG XỬ VỚI NGÔN NGỮ DÂN TỘC CỦA
TRẦN NHÂN TÔNG
NCS. Hoàng Thị Tuyết Mai *,
Giảng viên Trường ĐH Khoa học,
Đại học Thái Nguyên
Tóm tắt:
Thế kỷ XIII được coi là mốc quan trọng của nền văn hoá Việt và cũng là mốc phát triển của riêng chữ
Nôm. Trong giai đoạn mới hình thành thứ chữ riêng có của dân tộc này, các chính thể hành chính quan
phương có những nỗ lực khác nhau trong việc khích lệ sự hưng thịnh và hoàn thiện của chữ Nôm1. Đóng
vai trò quan trọng trong nền văn hóa đặc thù giai đoạn đầu độc lập, vua Trần Nhân Tông có cách ứng xử
hết sức đặc biệt với chữ Nôm. Đấng minh quân sáng suốt của nhà Trần đã đặc biệt hóa vị thế của chữ Nôm
như là cách để định vị mình giữa chúng sinh và thần dân.
Từ khóa: Phương thức ứng xử, chữ Nôm, Văn học Nôm, thơ Nôm Trần Nhân Tông, văn học Lý Trần
Summary:
KING TRAN NHAN TONG AND NOM SCRIPT: A FEUDAL ATTITUDE AND POLICIES
TOWARDS THE NATIONAL LANGUAGE
Hoang Thi Tuyet Mai,
School of Sciences, Thainguyen University
The thirteenth century is considered as the milestone of Vietnamese culture and of the Nom scripts as
well. In the early stage of this new-born national script, the feudal reigns made different efforts to
encourage and develop it. Playing an essential role in the cultural foundation in the early stage of
independence, KingTran Nhan Tong of Tran dynastyplaces an importance onNom script. He supports and
developsNom script as a significant way to self-actualize to his people.
Key words: Feudal attitudes and policies, Nom Script, Nom Literature, Nom Poetry of Tran Nhan Tong,
literature in the Ly Tran dynasties
1. Nơi “gác ngọc lầu vàng” dụng chữ Nôm để củng cố vƣơng quyền
1.1.Vinh danh ngƣời đuổi cá sấu bằng Văn Nôm
Sách Đại Việt sử kí toàn thư quyển V, Kỉ nhà Trần viết: “Bấy giờ (năm 1282) Có cá sấu đến sông Lô.
Vua sai thượng thư Hình bộ là Nguyễn Thuyên làm văn ném xuống sông, con cá sấu tự đi mất. Vua cho
việc này giống như việc của Hàn Dũ, cho đổi họ là Hàn Thuyên. Thuyên lại giỏi làm thơ phú quốc âm.
Nước ta thơ phú dùng nhiều quốc âm, thực bắt đầu từ đấy”. [3]. Và chú thích: Hàn Dũ – Danh sĩ đời
Đường ở Trung Quốc, làm quan ở Triều Châu, ở đấy có nhiều cá sấu, Hàn Dũ làm bài văn vứt xuông nước,
cá sấu bỏ đi.

*) Hoàng Thị Tuyết Mai, nghiên cứu sinh Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học
quốc gia Hà Nội. Hiện công tác tại Khoa Văn – xã hội, ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên. ĐT: 0986222413,
email: Tuyetmaidhkh@gmail.com
1
Xem luận văn thạc sĩ Hoàng Thị Tuyết Mai, Phương thức ứng xử với chữ Nôm và văn học Nôm thời Lý Trần,
bảo vệ tại trường ĐH KHXH & NV Hà Nội, tháng 7 năm 2011

Đóng vai trò như một bề trên sáng suốt, Trần Nhân Tông có thái độ đặc biệt với sự kiện chính trị - xã
hội và văn hóa nêu trên. Sự kiện có màu sắc huyền thoại về thi sĩ họ Hàn được nhắc tới như những ý kiến
được đưa ra bởi một tầm hiểu biết hạn hẹp đã bị lấn át bởi tầm hiểu biết có phần rộng hơn là niềm tin vào
khả năng sáng tạo gần như vô hạn của trí tưởng tượng con người. Tám thế kỉ đã qua, sự kiện cũ chỉ được
ghi lại vài dòng lạnh lùng trên trang giấy, nhưng kí ức tiềm ẩn của các bậc thức giả vẫn thao thức, trở trăn
cho những gì thuộc về bản ngã văn hóa dân tộc. Câu chuyện về thi sĩ họ Hàn đuổi “ngặc ngư” bằng văn
Nôm được Trần Nhân Tông phủ màn sương huyền thoại có giá trị như những nỗ lực tạo dựng bản sắc văn
hóa và tinh thần quốc gia dân tộc bởi “Huyền thoại là một trong những thành tố chính yếu trong việc tạo
dựng tinh thần quốc gia, nhất là tinh thần quốc gia tôn giáo (religions nationalism)”2. Các thế hệ sau luôn
nhắc tới sự kiện này với những lăng kính và cách lí giải khác nhau.
Vua Tự Đức từng làm thơ ca ngợi:
Quốc ngữ văn chương thùy nhiễm hàn
Bất vong đôn bán bị nham khan
Lư giang di ngạc hà thần tốc
Bác đắc quân vương tứ tính Hàn
Dịch:
Quốc ngữ văn chương mới nhúng tay
Chẳng quên tiếng mẹ khá khen thay
Sông Lư đuổi sấu in Hàn Dũ
Nên được nhà vua đổi họ ngay. [4]
Sử gia nước ngoài A.B Pôliacốp cũng ghi nhận: “Trên cơ sở chữ tượng hình Trung Quốc, hệ thống chữ
viết dân tộc – “chữ Nôm” được phổ biến rộng rãi. Một trong những nhà thơ chữ Nôm tiêu biểu nhất thời
gian này là Nguyễn Thuyên” [2]
Bàn luận về đoạn sử trên Nguyễn Khắc Thuần viết: “Về sự chuẩn xác của đoạn văn này thì chúng ta có
thể ngờ vực, nhưng, việc Nguyễn Thuyên được Trần Nhân Tông ban cho họ Hàn là điều có thật và thơ chữ
Nôm kể từ đó được gọi là thơ Hàn luật cũng là điều hoàn toàn có thật”. [5]
Trần Ngọc Vương cho rằng:“Bằng hàng loạt những hoạt động đối nội, hoàng đế Trần Nhân Tông rất
nhanh chóng chứng tỏ khả năng cố kết nhân tâm, kiên nhẫn “đãi cát tìm vàng” để tận dụng nhân tài, trước
hết phục vụ cho sự nghiệp chống ngoại xâm mà chỉ tiên liệu sơ sài cũng biết sẽ vô cùng gian nan ấy. Điển
hình cho loại hoạt động này là các sự kiện : sai Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chiêu dụ trịnh Giác Mật
thổ tù ở đạo Đà Giang (1280), bày tỏ “thần uy” bằng cách sai Nguyễn Thuyên làm “văn đuổi cá sấu” ở
sông Hồng (1282)…”[6]
Đóng vai trò như người định hướng sáng suốt, vua Trần Nhân Tông đã khuyến khích thứ ngôn ngữ dân
tộc bằng cách của người cai trị thiên hạ tinh tế và có tầm nhìn chiến lược. Đọc kĩ năm dòng sử ngắn ngủi
chúng ta thấy có hai lần xuất hiện bóng dáng của chính thể quan phương mà Trần Nhân Tông là người tạo
tác. Lần thứ nhất “Vua sai thượng thư Hình bộ là Nguyễn Thuyên làm văn ném xuống sông…”, nghĩa là
việc sáng tác thơ và làm thơ là do ý chí của đấng chí tôn, là chủ ý của chính thể hành chính. Việc sử dụng
chữ Nôm và sáng tác thơ Nôm lúc này hẳn là phổ biến lắm và có tác dụng lớn lắm đối với vương quyền và
2

Dẫn theo Nguyễn Hữu Sơn, Văn học trung đại Việt Nam – Quan niệm con người và tiến trình phát triển, NXB
Khoa học xã hội, 2005, tr.121

thần quyền nên những sự kiện lớn và gây lo lắng cho nhiều người phải viện đến thơ Nôm (chứ không phải
thơ chữ Hán). Hơn nữa, màu sắc huyền bí của sự kiện cùng với sự linh diệu của thứ văn “độc” này dường
như có sự trợ giúp của đấng siêu nhiên. Với mục đích chính trị, bản thân vua Trần Nhân Tông không chỉ
coi trọng và đề cao chữ Nôm mà còn “cấp” cho thứ chữ này những thuộc tính và quyền năng siêu phàm có
màu sắc tâm linh nhằm củng cố vương quyền và khẳng định vị thế của người dụng chữ Nôm sáng tác. Hơn
thế, chữ Nôm được ngầm định như là một phần linh diệu, bí hiểm của hình sông, dáng núi, của vang vọng
thẳm sâu tinh anh và thần thái núi sông. Tại thời điểm này, chữ Nôm là cái gì thiết thân, gần gũi nhưng
cũng đầy huyễn hoặc của phần sâu xa tiềm thức mà chỉ học giả Nguyễn Thuyên mới đủ tài để “đối thoại”
với các đấng bậc siêu nhiên linh ứng.
Khi cá sấu bỏ đi, lần thứ hai vua lại bày tỏ uy thế bằng cách ban cho thi nhân họ Hàn – họ của một
danh sĩ đời Đường ở Trung Quốc. Vinh danh người sáng tác bằng chữ Nôm là một cách khuyến khích thứ
chữ dân tộc một cách khéo léo và rõ ràng nhất. Đó cũng là cách ban thưởng của một nước có văn hiến, hiểu
Thi Thư, biết Lễ Nhạc giống như trong sử chính thống của thiên triều (Trung Quốc). Vả chăng, sự kiện này
có tính “công thức” giống như trong điển chế, nó rất phù hợp với tư duy hồi cổ của các nước nằm trong khu
vực đồng văn, luôn lấy quá khứ làm qui chuẩn cho mọi hành xử trong thiên hạ. Màu sắc cổ kính và chất
Đông phương của sự kiện có giá trị văn hóa khu vực rõ nét. Nó như một minh họa về cách tư duy kiểu
phương Đông: tất thảy các sao đều phải chầu về ngôi sao tử vi đế tọa - bậc chí tôn (Trung Quốc). Với sự
kiện này, sợi dây liên hệ giữa nước phiên thuộc và thiên triều truyền thống vẫn được kết nối bởi những qui
chuẩn văn hóa phổ quát, song nước Nam đã là nước Nam – một mảnh riêng biệt về lãnh thổ và văn hiến.
Khát vọng khẳng định dân tộc với những ưu thế của riêng mình như nguồn mạch xuyên suốt, thẩm thấu các
lĩnh vực của đời sống xã hội thời Lý - Trần. Với chữ Nôm, ông vua cai trị thời Trần đã khéo léo tạo nên
một “kênh” thông tin đặc biệt, tạo những dư âm có lợi cho nước Nam trong mối quan hệ với nước láng
giềng Trung Quốc.
Hơn nữa, cách hành xử này cũng rất hợp lý nếu soi chiếu dưới góc độ Nho giáo.Việc nhà vua sai bề tôi
đuổi “ngặc ngư” bằng thứ văn “độc” chứng tỏ quyền uy tối thượng của đấng chí tôn. Nó là cách khẳng định
ngầm rằng dưới bầu trời Nam lúc này ông vua đã có quyền tối cao. Sức mạnh của người cai trị ngai vàng là
phép cộng của cả vương quyền và thần quyền. Cho nên, sự kiện này có ý nghĩa như một phức thể văn hóa.
Với Trần Nhân Tông chữ Nôm không những được coi trọng mà nó vừa là sản phẩm sáng tạo riêng có
của nước Nam, là sản phẩm tuyệt vời của trí tuệ dân tộc nằm trong “mạch” chung của ngôn ngữ Đông
phương mà Trung Quốc luôn là cái nôi kiến tạo. Với nước ta ngày đầu độc lập, việc bảo vệ chính quyền tự
chủ là bất di bất dịch, song giữ mối quan hệ hòa hảo, uyển chuyển, linh hoạt, với Trung Quốc là vô cùng
cần thiết. Là người đứng đầu đất nước, một đất nước đã và đang và luôn phải tìm những bằng chứng rõ
ràng cho sự độc lập của mình bên cạnh Trung Quốc, Trần Nhân Tông đã vinh danh nền văn hóa của đất
nước mình bằng phương tiện rất đỗi dân tộc một cách khôn khéo.
1.2. Khuyến khích lệ “giảng cả âm nghĩa” chữ Hán nhƣ là một biện pháp thúc đẩy sự hƣng thịnh
của chữ Nôm
ĐVSKTT viết:
(Khoảng năm Mậu Tí, năm thứ 4, 1288)

“Vua bảo ty Hành khiển giao hảo với Viện Hàn lâm. Lệ cũ, phàm có tuyên ra lời nói của vua thì viện Hàn
lâm đưa trước bản thảo tờ chiếu cho ty Hành khiển để học tập trước, đến khi tuyên đọc thì giảng cả âm
nghĩa cho dân thường dễ hiểu, ….” [3]
Đời Trần chữ Hán tồn tại nơi triều chính nhưng nó vẫn thiếu cội rễ để tồn tại trong đời sống dân
chúng một cách thiết thân. Nhu cầu về một thứ chữ dân tộc đã và đang hiển hiện xung quanh một đất nước
nhỏ bé nhưng bắt đầu có vị thế và ngày càng khẳng định mãnh liệt sự tồn tại của mình. Đó đây, nơi đám
dân đen khắp nẻo kia, chữ Hán chẳng may may đụng chạm đến ngõ ngách của những rung cảm sâu thẳm
nhất và đời thường nhất. Trần Nhân Tông hiểu được những chống chếnh của ngôn ngữ chữ Hán và sự diệu
vợi của những qui tắc trong ngôn ngữ vay mượn nên duy trì việc diễn Nôm những văn bản mang tính chất
nhà nước. Lê Mạnh Thát cho rằng: “…việc đọc những chiếu chỉ triều đình không chỉ bằng tiếng Hán mà cả
bằng tiếng Việt, tiếng nói hàng ngày của người Đại Việt thời bấy giờ, nhằm cho mọi tầng lớp người dân
thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau có thể hiểu được nội dung những chính sách liên hệ đến số phận
của họ”3. Hơn thế, chính nhà vua lúc ngâm vịnh nhàn tản cũng dùng chữ Nôm để giãi bày những rung cảm
sâu kín của lòng mình4. Khía cạnh này khiến cho ông vua thiên tử này gần gũi với dân chúng hơn và cũng
thúc đẩy chữ Nôm phát triển phong phú hơn.
Cách ứng xử ấy (việc diễn Nôm những văn bản nhà nước) tồn tại chính thức như bao thứ nghi lễ cung
đình khác chứng tỏ nó vô cùng cần thiết. Hơn nữa ứng xử bằng lệ 5nghĩa là thói quen đó đã có những kiểm
chứng lịch sử và kinh nghiệm đủ để kiêu hãnh cho sự tồn tại của mình. Nó là bằng chứng chính đáng cho
hiện tượng song ngữ trong đời sống và sáng tác văn chương của Việt Nam thời trung đại. Đây cũng là một
biểu hiện tất yếu của ý thức yêu chuộng quốc âm, ý thức dân chủ, nhu cầu dùng tiếng Việt để biểu hiện tình
cảm thực của mình “dù học tập văn từ của Trung Hoa, mà vẫn nói năng, ca vịnh không rời với tiếng nói
của mình” (Phạm Đình Toái)6.
Có một mâu thuẫn tồn tại trong thời Lý Trần, đó là khát vọng độc lập và nỗ lực không mệt mỏi để
khẳng định nền tự chủ nhưng không dễ dàng thoát khỏi sự bủa vây của những yếu tố ngoại lai mà ngôn ngữ
là biểu hiện rõ ràng nhất. Bản thân vua Trần Nhân Tông cũng cùng lúc duy trì khoa cử (dùng chữ Hán) và
dùng lệ giảng âm nghĩa chữ Nôm như giải pháp tình thế để ngày một ngày hai chữ Nôm có cơ hội để
trưởng thành. Hơn ai hết Trần Nhân Tông đã khuyến khích chữ Nôm phát triển không chỉ ở chốn dân gian
mà ngay tại nơi bệ rồng thăm thẳm. Triều đình của nhà Trần vốn gần gũi với rặng tre của dân chúng7 và

3

Xem http://triethoc.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=191:mt-s-vn-t-tng-trn-nhantong&catid=5:t-tng-vit-nam&Itemid=224
4
Trường hợp Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền hành đạo ca đề cập bên dưới.
5
Xem Hoàng Thị Tuyết Mai, Phương thức ứng xử với ngôn ngữ và văn hóa thời Lý Trần, Tạp chí Văn hóa Nghệ
thuật, số 325 (2011) 20.
6

Phạm Đình Toái (1817 - 1901) quê Nghệ An, đỗ Cử nhân 1842, làm quan đến án sát Sơn Tây, bị thăng giáng
nhiều lần. Ngoài “Quỳnh Lưu tiết phụ truyện” bằng chữ Hán, ông chủ yếu dùng thơ lục bát điêu luyện để diễn
Nôm một số thiên trong Kinh truyện nho gia, nhiều thơ cổ điển Trung Quốc. Nổi tiếng vì có công nhuận
sắc “Đại Nam quốc sử diễn ca”, đã uốn nắn, rút gọn từ 1.887 câu còn 1.027 câu lục bát, làm cho tác phẩm trở
thành cô đọng, cổ kính mà lưu loát, hấp dẫn
7

Tinh thần khai phóng, khoan hòa của nhà Trần là một mạch chảy thông suốt. Chẳng hạn, sự kiện vua Trần
Thánh Tông từng bảo người tôn thất rằng: “Thiên hạ là thiên hạ của Tổ tông, người nối nghiệp Tổ tông nên cùng
với anh em trong họ cùng hưởng phú quý... ; sự kiện rước linh cữu Trần Nhân Tông năm Canh Tuất (1310) dân
tình xem đông đến mức phải tể tướng dẹp người, hữu ty dùng kế mới đi được... ; sự kiện vua cảm tình sự hộ
tùng của những người hầu hạ trong lúc loạn ly mà răn bảo các vệ sĩ không được la đuổi gia đồng của các vương
hầu...

cách hành xử hào phóng, khai mở ấy chúng ta cũng tìm thấy ở lĩnh vực sử dụng ngôn ngữ. Với đời vua
Trần Nhân Tông, Chữ Nôm có vị thế và cơ hội để phát triển không kém thua chữ Hán.
3. Chốn “dật sĩ tiêu dao” dụng chữ Nôm để kí thác tâm tƣ.
Chữ Nôm đã được chọn như điểm về của cảm hứng thẩm mĩ Phật giáo – thứ cảm hứng quan trọng bậc
nhất của văn học Lý Trần bởi ông vua – thi sĩ – phật hoàng Trần Nhân Tông. Với Cư trần lạc đạo phú và
Đắc thú lâm tuyền hành đạo ca, Trần Nhân Tông đã tôn vinh chữ Nôm như phương tiện đắc dụng để kí
thác tư tưởng của mình.
Trần Nhân Tông có sáng tác chữ Hán, song ông chỉ ghi dấu ấn bản thể mình như một thi nhân lỗi lạc
bởi những sáng tác bằng chữ Nôm. Triết lí sâu xa của lẽ sống con người được kí thác bằng văn Nôm – thứ
văn chương ở góc độ nào đó là của riêng người Việt. Nó cũng là thứ ngôn ngữ khu biệt với chữ Hán bởi
những qui ước rất Việt Nam trên dòng chảy chung của nguyên tắc tạo chữ của người Hán. Trên cái nền
chung về văn hóa và ngôn ngữ của nền văn minh Trung Hoa, người Việt Nam sau khi có tiếng nói riêng về
chính trị đã kịp tạo cho mình tiếng nói riêng về văn hóa, văn học. Chính việc coi trọng chữ Nôm và dùng
nó diễn đạt khu vực riêng của cảm thức người Việt đã giúp cho người Trung Quốc hiểu rằng hơn nghìn
năm đồng hóa vẫn không thể biến đất nước bé nhỏ Việt Nam thành một phần lệ thuộc vào mình. Việt Nam
vẫn là Việt Nam, bất luận quá khứ đau thương và vết hằn lịch sử in đậm hàng ngàn năm lịch sử. Ý thức
quyết liệt ấy được minh chứng bằng ngôn ngữ văn chương và bằng cảm hứng “cư trần” vốn là sản phẩm
của thuyết lí Phật giáo từ Ấn Độ qua phương Bắc đưa vào nhưng màu sắc của nó đã biến đổi theo cương
vực và lãnh thổ của người Nam.
Trước đó dù thư tịch Phật giáo có một số văn bia: Vân Bản tự chung minh (chùa Vân Bản), Chúc thánh
Báo Ân tự bi (Chùa Báo Ân)….Nhưng chỉ đến Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền hành đạo ca
chúng ta mới có những sáng tác bằng văn chương đúng nghĩa và tương đối qui mô bằng ngôn ngữ dân tộc.
Hai tác phẩm này có đề cập đến những vấn đề cốt lõi của Thiền Tông có ý nghĩa như đuốc tuệ soi đường
cho nhiều thế hệ người Việt giai đoạn Lý Trần. Con đường đạt đạo mà Cư trần lạc đạo phú chỉ ra có ý
nghĩa quan trọng và chi phối đời sống của hàng triệu người Việt trong những thế kỉ bản lề của dân tộc. Vị
trí của văn học Nôm trong sáng tác của Trần Nhân Tông có ý nghĩa như là mốc đầu tiên cho sự kết tinh của
ngôn ngữ và tinh thần dân tộc.
Với Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền hành đạo ca chữ Nôm đã đủ sức chuyển tải những nội
dung tư tưởng khác nhau và mang vẻ đẹp của riêng nó. Chữ Nôm được lựa chọn để phát biểu những tư
tưởng trìu tượng và khó nắm bắt một cách giản dị và dễ hiểu. Chữ Nôm là ngôn ngữ sáng tác, tức là nó đã
được chuyên nghiệp hóa và đáp ứng được những đòi hỏi về kĩ xảo nhất định trong đời sống và nhất là trong
nghệ thuật. Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền hành đạo ca xét trong lịch sử văn học dân tộc là những
tác phẩm khởi đầu cho dòng văn học Nôm. Giá trị của nó ngoài việc biểu đạt những vấn đề thuộc về tôn
giáo còn có ý nghĩa như là sự khẳng định tinh thần tự cường của một dân tộc và tầm nhìn xa trông rộng của
một ông vua đem chính ngôn ngữ dân tộc để truyền tải những vấn đề rất cao siêu.

nguon tai.lieu . vn