Xem mẫu

  1. Phim sitcom Hiểu một cách nôm na, sitcom (situation comedy) là hài kịch tình huống. Đặc trưng của công nghệ sản xuất sitcom là một tình huống, một câu chuyện được quay cùng lúc bởi nhiều máy quay trong một trường quay. Khác với phim thông thường, phim làm theo thể loại sitcom được thu tiếng trực tiếp, diễn viên thoại như cháo chảy, tự thể hiện giọng nói của nhân vật bằng đài từ của mình chứ không có người nhắc thoại hay có diễn viên lồng tiếng đảm đương khi thực hiện hậu kỳ. Cảnh trong phim "Bà mẹ nhí" Miley Cyrus_nhân vật chính trong series phim theo thể loại sitcom: "Hannah montana" Nhìn ra thế giới thì phim sitcom xuất hiện cách nay gần một thế kỷ. Không thể thay thế phim truyền hình được thực hiện trong những bối cảnh thật của đời sống nhưng phim sitcom đã dần trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của khán giả truyền hình ở nhiều nước phát triển. Thậm chí Friends (Những người bạn), bộ phim làm theo công nghệ sitcom của truyền hình Mỹ đã từng tạo nên cơn sốt về phim sitcom ở đất nước được mệnh danh là kinh đô của điện ảnh thế giới. Thế
  2. nhưng, thể loại phim sitcom chỉ mới bắt đầu thực sự xuất hiện ở Việt Nam cách nay chưa đầy ba năm. Bắt đầu từ cuối năm 2004, trong chương trình “giờ vàng phim Việt” của HTV, Lẵng hoa tình yêu của Hãng phim Lasta đã trở thành bộ phim Việt Nam đầu tiên làm theo thể loại sitcom được trình làng. Tiếp đó, hàng loạt phim truyền hình Việt Nam được sản xuất theo công nghệ sitcom, lần lượt ra đời như Vòng xoáy tình yêu, Bà mẹ nhí, Nguyệt quán. Người ta nói phim sitcom trở thành món ăn “không lạ” của khán giả truyền hình kể từ đó. Sự góp mặt của thể loại sitcom đưa đến cho khán giả sự mới lạ so với những bộ phim truyền hình được sản xuất theo cách làm phim truyền thống trước đây. Với công nghệ mới sitcom, tốc độ sản xuất phim truyền hình Việt Nam có bước tiến vượt bậc. Thường thì mỗi tập phim sitcom chỉ cần khoảng hai ngày là có thể hoàn thành. Với cách làm phim truyền thống thì chí ít cũng phải tốn 4 - 5 ngày, thậm chí là cả tuần, mới có thể xong một tập phim. Chưa bàn đến sự hay - dở của phim sitcom, công đầu đưa thể loại sitcom đến với truyền hình Việt Nam phải ghi nhận từ các hãng phim tư nhân. Từ những phim sitcom đầu tiên của Hãng phim Lasta như Lẵng hoa tình yêu, Vòng xoáy tình yêu... đến những phim sitcom đang quay như Cô gái xấu xí - hợp tác giữa VTV với Cty BHD, và cả những dự án phim sitcom đang casting diễn viên là Khách sạn vui vẻ (của VFC kết hợp với đối tác mua bản quyền là Cty Mesa) đã cho thấy phim sitcom là chiếc cầu nối hữu hiệu giữa nhà nước với các hãng phim tư nhân. Nói đúng hơn, phim sitcom đang dần trở thành một trong những biểu tượng của công cuộc xã hội hóa sản xuất chương trình truyền hình. Đạo diễn Thanh Hải - Phó giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam nhìn nhận: “Thể loại sitcom không còn xa lạ với thế giới, nhưng với
  3. những người làm truyền hình Việt Nam thì sitcom vẫn là một công nghệ mới. Muốn làm phim sitcom đòi hỏi sự đầu tư kinh phí cao, từ trường quay đến thiết bị thu tiếng trực tiếp. Chính chủ trương xã hội hóa sản xuất chương trình truyền hình đã thu hút sự tham gia, đầu tư của các đối tác tư nhân, tạo tiền đề cho thể loại sitcom ra đời. Dù quanh phim sitcom còn có lời khen tiếng chê nhưng không thể phủ nhận thể loại này đã mang tới cho phim truyền hình Việt Nam một làn gió mới”. Đôi điều về phim sitcom Phim sitcom là thể loại thịnh hành trên truyền hình ở nhiều nước. Nó bắt nguồn trước hết từ kinh nghiệm của văn hoá dân gian, sau đó là sân khấu mà ở đó đã khai thác các yếu tố xung đột đời thường kết hợp với những yếu tố hài chua chát và bông lơn. Điển hình là trong các vở kịch của A.Chekhoc, H.Ipsen. Tiếp đó, nó vận dụng kinh nghiệm của nhiều đài phát thanh vốn đi đầu trong việc khai phá loại kịch truyền hình sitcom. Như vào những năm 1926-1959, đài phát thanh WBG ở Chicago liên tục có chương trình thường kỳ 15 phút/ ngày với sitcom đậm đà chất hài tếu phố phường. Tại Mỹ, từ cuối những năm 1940, sitcom đã ra đời như một tiết mục đều kỳ trên truyền hình. Nhiều tiết mục sitcom hàng tuần được chuyển thể từ kịch truyền thanh sitcom và phát sóng. Các phim thành công lớn như: Tình yêu với Lucy, Cuộc phiêu lưu của Ozzie và Harriet... Khi truyền hình phát triển mạnh vào đầu những năm 1960, nhiều thể loại phim định hình. Ngoài các thể loại quen thuộc như chính kịch hay tâm lý dạng soap operas, phiêu lưu - trinh thám, khoa học viên tưởng dài tập... thì thể loại
  4. sitcom cũng rõ nét ở nhiều nước và thu hút đông đảo khán giả. Có cả loại phim hoạt hình sitcom với những phim của Hanna - Barberra như The Flintstones and The Jetsons. Như vậy, phim sitcom phát triển mạnh ở Mỹ, một số nước Mỹ Latin, Tây Âu trong hơn 40 năm qua và từ giữa 1990 lan mạnh sang các nước như Nga, Hàn, Trung Quốc, Séc, Ba Lan... và bây giờ là Việt Nam. Từ năm 1980, sitcom vận dụng song song các yếu tố chính kịch và hài kịch một cách rõ rệt và vì thế nó còn có tên gọi là dramedy. Sitcom thời kỳ đầu được quay bằng 1 camera nhưng sau đó đã sử dụng cách quay nhiều máy, cho phép chọn cảnh tốt nhất khi dựng phim. Có nhiều phim sitcom thu tiếng cười của khán giả khi quay vào kênh nền phụ hoa chẳng hạn như phim Úc Sabrina - Cô phù thuỷ nhỏ, hoặc phim Mỹ Những người bạn - đã được phát sóng trên VTV. Phim sitcom ngày nay thường bỏ kênh tiếng cười của khán giả này mà theo phong cách tự nhiên của phim dài tập. Nội dung đề tài của phim sitcom rất phong phú như chính đời sống hiện thực nhưng nổi bật là hai nhóm chính: Quan hệ gia đình và quan hệ công việc hay cả hai gộp lại là quan hệ cá nhân trong đời thường. Vì thế, khó mà thấy trong phim sitcom những vấn đề vĩ mô xã hội - thời đại trực tiếp như những phim dài tập thuộc thể loại khác, chẳng hạn phim Nô tì Isaura của Brazin nói về ách áp bức nô lệ. Nói cách khác, sitcom chủ yếu đi sâu vào các vấn đề vi mô thuộc quan hệ cá nhân bởi đây cũng là mảnh đất màu mỡ của những gì thuộc bản chất người muôn thủa: hay - dở, tốt - xấu... cần diễn tả và gợi bài học cuộc sống. Ngày nay sitcom còn phân bổ ra nhiều nhánh theo nhóm giai tầng như nông thôn, đô thị, phụ nữ, thiếu nhi, học sinh, gia đình, bạn bè... Do đó, có thể nói sitcom nối tiếp truyền thống của dân gian và văn nghệ nói chung ở tất cả các dân tộc, tái hiện những chuỵên đời thường nhỏ vụn để giải trí bổ ích cho khán giả
  5. thông qua khả năng tiếp cận công chúng rộng rãi và tiện lợi, hấp dẫn là truyền hình. Có những sitcom dạng tiết mục hài quậy với nhân vật xuyên suốt như Mr Bean được sản xuất theo phong cách tự do và số lượng lớn những sitcom dài tập được sản xuất theo quy mô công nghiệp. Ở nước ta, chương trình Gặp nhau cuối tuần trước đây cũng là những dạng tự phát của sitcom tiết mục. Phong cách chủ đạo của sitcom là sự xung đột và va chạm của những đối cực bình thường - bất thường, hay - dở, nhẹ nhõm - nặng nề, tốt - xấu... hoà quyện với cái hài tếu và hài hước. Mức độ gây cười rất đa dạng, trong đó nhiều phim hoặc cảnh phim, cái hài chỉ nhẹ nhàng như một sự buồn cười ngầm gợi ra chứ không tạo nên cái hài gây cười xoà, cười oà như trong phim hài thông thường. Nhiều chỗ cái gây cười chỉ qua lời thoại hoặc hành vi bất thường. Một số phim sitcom Việt hoá đã hoặc đang phát sóng cũng đã cho thấy rõ tính chất này. Phần lớn các tình huống hài chỉ là những trạng huống và sắc thái đối nghịch gợi cười chứ không gây bật cười to. Chẳng hạn cái vẻ ngoài xấu xí dị hợm của Huyền Diệu (trong Cô gái xấu xí) đối nghịch với cái năng lực giỏi của cô và cả với cái môi trường toàn những người đẹp đẽ xung quanh... Hoặc trong Những người độc thân vui vẻ, cái hài ở chính những tính cách, bên cạnh cái tốt có những nét xấu phô lộ cộng với tình huống trớ trêu và va chạm của các phẩm cách đối lập. Phong cách gây hài của sitcom dạng này có thể khiến những khán giả thích cười to, cười nhiều chán nhưng nó lại đáp ứng những khán giả ưa sự chiêm nghiệm và cười thầm. Tính đa dạng đa chiều của sắc mầu nhân vật cũng là nét phong cách chủ đạo của sitcom. Khán giả có thể thấy nhiều chân dung tính cách mà mỗi tính cách luôn có vài ba mặt trở lên bổ sung cho nhau như giỏi chuyên môn, thông minh,
  6. chăm chỉ, nhẫn nhục, xấu gái song cũng đầy nữ tính... của Huyền Diệu; vui tính, lanh lợi... song lại đồng tính như Hùng Long... trong phim Cô gái xấu xí. Còn trong phim Những người độc thân vui vẻ là giám đốc khách sạn Hào Hùng vừa nghiêm túc... vừa ranh mãnh; Mai Lệ hay làm đỏm, nũng nịu và ưu ngọt... Thục Trinh có học thức nhưng thủ đoạn... ông Đàm căn cơ khó tính và chủ quan... Chính sắc thái đa dạng của các tính cách là một nhân tố làm nên cái chân thực khiến khán giả đồng cảm với nhân vật dù họ là ai. Trong sitcom, cảnh nội chiếm thời lượng chủ đạo và lời thoại là phương tiện hàng đâu để diễn tả nội dung. Nếu câu chuyện không hấp dẫn, tình huống yếu, thoại dở, diễn kém thì sitcom dễ làm khán giả chán nản bởi chỉ thấy diễn viên đi ra, đi vào với thời trang này kia và cãi nhau vụn, buồn vui vặt. Như vậy cũng như các thể loại khác kịch bản vẫn là yếu tố số một. Bên cạnh cái chung với phim dài tập - thời lượng thường là nửa giờ đến trên 40 phút, phim sitcom có nét riêng là công nghệ sản xuất chủ yếu có tính dây chuyền công nghiệp rất cao trong trường quay và vì thế đạt yêu cầu nhanh, chủ động, kịp thời cho kế hoạch phát sóng. Ở nước ta thể loại sitcom dài tập mới có vài ba năm nay, mở đầu là bộ phim Lẵng hoa tình yêu được Việt hoá từ kịch bản Hàn Quốc. Tiếp đó là các phim Nguyệt quán, Người mẹ nhí. Và hiện nay là Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ. Một số hãng phim cũng đang hoặc ráo riết thực hiện Việt hoá khi đã mua bản quyền các phim sitcom nổi tiếng của nước ngoài. Cuộc cạnh tranh và nở rộ của sitcom Việt hoặc Việt hoá đang bắt đầu. Đây là điều dễ hiểu khi truyền hình ngày càng phải lôi kéo khán giả phục vụ cho các chức năng giải trí, giáo dục, thẩm mỹ và thương mại - kinh doanh.
nguon tai.lieu . vn