Xem mẫu

  1. PHÁT TRIỂN TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ TRONG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TS. Lê Phương Khoa Kế toán- kiểm toán I. ĐẶT VẤN ĐỀ Tài nguyên giáo dục mở và truy cập mở đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nói chung và hoạt động nghiên cứu khoa học nói riêng. Tài nguyên giáo dục mở ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng nghiên cứu khoa học trong trường đại học cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với giảng viên, sinh viên. Đã có rất nhiều trường đại học, cao đẳng ở khắp nơi trên thế giới thành công với mô hình truy cập mở đến các tài nguyên giáo dục mở phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nắm bắt được xu thế chủ đạo đó, chúng ta cần có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để hoà vào dòng chảy tri thức của nhân loại và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học. II. NỘI DUNG 2.1. Khái quát về tài nguyên giáo dục mở Tài nguyên giáo dục mở là “các tư liệu dạy, học và nghiên cứu trong bất kỳ phương tiện nào, dù là số hay không, nằm trong miền công cộng hoặc đã được phát hành theo một giấy phép mở cho phép những người khác truy cập, sử dụng, tuỳ biến thích nghi và phân phối lại không mất phí, không có các giới hạn hoặc có các giới hạn được hạn chế. Việc cấp phép mở được xây dựng trong khuôn khổ các quyền sở hữu trí tuệ hiện hành như được các quy ước quốc tế thích hợp xác định và tôn trọng vị thế tác giả của tác phẩm” [3]. Đồng thời, UNESCO kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới công khai giấy phép tài liệu giáo dục, công khai tài trợ cho công chúng sử dụng. Tuyên bố này được coi là một bước ngoặt lịch sử của phong trào phát triển tài nguyên giáo dục mở [1]. Tài nguyên giáo dục mở có thể được hiểu là bất kỳ tài nguyên nào được thiết kế để sử dụng trong việc dạy và học (bao gồm các chương trình giảng dạy, các tư liệu của khoá học, các sách giáo khoa, các ứng dụng đa phương tiện…) sẵn có, cho phép các giảng viên và sinh viên sử dụng mà không đòi hỏi phải trả các khoản phí bản quyền hoặc giấy phép 131
  2. Nguồn tài nguyên, học liệu là một phần không thể thiếu trong giáo dục nghề nghiệp. OER đã xuất hiện như một khái niệm mới khơi dậy tiềm năng to lớn để thay đổi giáo dục, đặc biệt là giáo dục hiện đại [2]. Tính chất truy cập dễ dàng của các tài nguyên giáo dục mở đã trở thành một trong số những yếu tố tối quan trọng. Tài nguyên giáo dục mở thường tồn tại ở dạng số hoá và có thể được chia sẻ dễ dàng qua Internet. Tài nguyên giáo dục mở tạo cơ hội để các nước đang phát triển tiếp cận đến nguồn tài liệu khoa học chất lượng cao. UNESCO là tổ chức cổ vũ cho việc phát triển tài nguyên giáo dục mở trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là các nước đang phát triển [3]. 2.2. Một số đề xuất giải pháp nhằm phát triển tài nguyên giáo dục mở trong hoạt động nghiên cứu khoa học. 2.2.1. Về phía nhà trường Nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ đội ngũ giảng viên tạo lập môi trường học tập, nghiên cứu và giảng dạy hiệu quả, đồng thời cung cấp cho họ cơ hội phát triển chuyên môn của mình. Xây dựng và phát triển tài nguyên học tập, nghiên cứu khoa học đều là những phần không thể thiếu của quá trình này. Nhà trường cần chủ động tạo ra tài nguyên giáo dục mở, đồng thời tích cực sử dụng tài nguyên bên ngoài. Nhà trường cần có các chiến lược và chính sách khuyến khích phát triển và sử dụng tài nguyên giáo dục mở, công nhận chính thức nguồn học liệu này, xem xét đưa ra các chính sách bản quyền linh hoạt với các tài liệu nội sinh, và đảm bảo cơ sở hạ tầng cần thiết để giảng viên và sinh viên khai thác tài nguyên giáo dục mở thuận lợi 2.2.2. Về phía giảng viên Đội ngũ giảng viên là nhân tố quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chất lượng của tài nguyên giáo dục mở phục vụ cho hoạt động này chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên nào giảng viên chọn để sử dụng, họ điều chỉnh chúng thế nào cho phù hợp với bối cảnh cụ thể và họ tích hợp chúng thế nào vào các hoạt động giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Giảng viên hợp tác với đồng nghiệp (bao gồm cả việc đánh giá đồng nghiệp) để công bố công khai nguồn tài nguyên do mình tạo ra và khai thác các tài liệu hiện đang được soạn thảo cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Việc giảng viên chấp nhận chia sẻ nguồn học liệu của họ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tài nguyên giáo dục mở. 2.2.3. Về phía sinh viên Trong cộng đồng người dùng của tài nguyên giáo dục mở, sinh viên sẽ là nhóm sử dụng chính, vì vậy vai trò của họ là rất quan trọng. Nhà trường, giảng viên cần có 132
  3. hướng dẫn cụ thể cho việc sinh viên tham gia sử dụng, đánh giá và đóng góp cho tài nguyên giáo dục mở. Sinh viên cần được yêu cầu sử dụng nguồn học liệu này vào việc nâng cao hiểu biết, làm các bài nghiên cứu khoa học, cũng như hoàn thành các bài tập trong từng môn học. Đồng thời họ cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cơ bản về việc đánh giá các nguồn tài liệu, họ cần tôn trọng tri thức của sáng tạo và ý thức được việc cần phải tránh đạo văn. 2.2.4. Về phía thư viện Thư viện trong các nhà trường là đơn vị quản lý và cung cấp tài nguyên giáo dục mở. Với chức năng cơ bản của mình là cung cấp học liệu cho hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, thư viện là nơi tốt nhất cho việc thu thập, lưu trữ, phân phối và chia sẻ nguồn tài nguyên giáo dục mở của nhà trường Với nghiệp vụ và cơ sở hạ tầng của mình, thư viện sẽ tổ chức nguồn học liệu, kết nối và cung cấp nguồn học liệu cho cộng đồng sử dụng. Thư viện làm việc với giảng viên và nhà nghiên cứu trong nhà trường để khuyến khích họ công bố mở, bên cạnh đó tích cực tìm kiếm các nguồn học liệu mở bên ngoài để giới thiệu cho người dùng. Xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở, tạo lập cộng đồng người dùng và hướng dẫn sử dụng là những nhiệm vụ chính của các thư viện nhà trường. III. KẾT LUẬN Trong xu thế đổi mới giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học thì vấn đề khai thác tài nguyên giáo dục mở mang ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Các trường đại học cần khai thác tài nguyên giáo dục mở phục vụ cho các hoạt động đào tạo, học tập và nghiên cứu khoa học của nhà trường, giảng viên và sinh viên. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. “OER và ứng dụng trong giáo dục”. http://huc.edu.vn 2. The US Government, The open government partnership - The third open government national action plan for the Unitated States of America. Truy cập từ https://www.whitehouse.gov 3. UNESCO, What are Open Educational Resources (OERs)?. Truy cập từ http://www.unesco.org DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT 1. OER: Tài nguyên giáo dục mở 133
nguon tai.lieu . vn