Xem mẫu

  1. PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM: BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ GIẢI PHÁP Nguyễn Anh Trụ Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội Tel/Fax: +84-24 6261 7554 E-mail: nguyenanhtru@vnua.edu.vn 1. Mở đầu Phát huy lợi thế tự nhiên, trong hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam luôn duy trì ở mức tăng trưởng trung bình khoảng 3,5%/năm, mức cao ở khu vực châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Sau thời kỳ thiếu lương thực kéo dài, từ năm 1989, Việt Nam đã dầ̀n trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản trên thế giới (Bùi Kim Thanh và Tạ Đức Thanh, 2021). Giai đoạn 2016-2020, hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích không ngừng tăng lên qua các năm. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 82,6 triệu đồng/ha năm 2015 lên 102,8 triệu đồng/ha năm 2020. Trong giai đoạn 2016-2020, sản lượng lương thực có hạt đạt 240,7 triệu tấn, giảm 2,1% so với sản lượng lương thực có hạt giai đoạn 2011-2015. Sản lượng thịt hơi các loại tăng khá, bình quân giai đoạn 2016-2020, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tăng 2,2%/năm; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng 4,4%/năm; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm 0,1%/năm; thịt gia cầm hơi giết, bán tăng 9,9%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng liên tục tăng qua các năm, từ 40,8% năm 2015 lên 41,9% năm 2019 và ước tính đạt 42% năm 2020, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng khoảng 0,2%/năm. Sản xuất thủy sản trong 5 năm 2016-2020 đã có nhiều khởi sắc. Sản lượng thủy sản giai đoạn 2016- 2020 bình quân tăng 5,2%/năm, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 5,6%/năm; sản lượng khai thác tăng 4,8%/năm (Tổng cục Thống kê, 2021). Tuy nhiên, năm 2020 và những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp xác định tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Chuỗi số liệu tăng trưởng GDP, tỷ lệ tăng sản phẩm nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu nông sản từ những năm đầu đổi mới đến nay cho thấy, nông nghiệp đã trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế trước biến động khó lường của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều ngành hàng nông sản của Việt Nam hiện vẫn còn dựa vào lao động giản đơn; quy mô sản xuất nhỏ với lợi thế so sánh thấp; xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp và lợi ích thu được không cao. Việt Nam có vị trí địa lý nằm trong khu vực chịu tác động lớn của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển sản xuất nông nghiệp hàm chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững… Tình trạng mưa đá ở phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra phổ biến ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; khô hạn gay gắt ở các tỉnh Tây Nguyên… tác động tiêu cực tới năng suất, sản lượng một số ngành hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như lúa gạo, trái cây, cà phê, hồ tiêu, cao su (Bùi Kim Thanh và Tạ Đức Thanh, 2021). Đồng thời, nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên cả 3 phương diện kinh tế, xã hội và môi trường, mà nếu không có những giải pháp ngăn chặn thì nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững là rất lớn, làm mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai và lại đẩy người nông dân về cuộc sống đói nghèo (Hoàng Thị Chỉnh, 2010). Ở nước ta, phát triển bền vững nền nông nghiệp đang đứng trước những áp lực của sự suy giảm tài nguyên, gia tăng phát thải và biến đổi khí hậu (Nguyễn Thị Miền, 2021). Sự gia tăng bền vững về năng suất đã ngăn ngừa việc khai thác quá mức đất đai và làm chậm lại tốc độ phá rừng. Đây chính là một thách thức lớn cho những thập kỷ tiếp theo trong việc áp dụng công nghệ mới cho phép 1
  2. phát triển nông nghiệp một cách bền vững để phù hợp với nhu cầu ngày càng gia tăng về thực phẩm và xu hướng bảo vệ môi trường ngày càng nổi lên rõ rệt (Nguyễn Hoàng Tiến, 2020). Mục tiêu của báo cáo là phân tích thực trạng phát triển nông nghiệp bền vững ở các nước trên thế giới nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam. Từ đó, đề xuất một số giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam. 2. Tổng quan về phát triển nông nghiệp bền vững 2.1 Khái niệm phát triển nông nghiệp bền vững Có nhiều khái niệm về phát triển nông nghiệp bền vững (PTNNBV). Theo FAO (1992), phát triển nông nghiệp bền vững là quá trình quản lý và duy trì sự thay đổi về tổ chức, kỹ thuật và thể chế cho nông nghiệp phát triển nhằm đảm bảo thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của con người về nông phẩm và dịch vụ vừa đáp ứng nhu cầu của mai sau. Theo Đỗ Kim Chung và cộng sự (2009), PTNNBV là quá trình đảm bảo hài hòa ba nhóm mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, thỏa mãn nhu cầu về nông nghiệp hiện tại mà không tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của tương lai. Tác giả Phạm Doãn (2005) cho rằng PTNNBV là quá trình đa chiều, bao gồm: (1) tính bền vững của chuỗi lương thực (từ người sản xuất đến tiêu thụ, liên quan trực tiếp đến cung cấp đầu vào, chế biến và thị trường); (2) tính bền vững trong sử dụng tài nguyên đất và nước về không gian và thời gian; (3) khả năng tương tác thương mại trong tiến trình phát triển nông nghiệp và nông thôn để đảm bảo cuộc sống đủ, an ninh lương thực trong vùng và giữa các vùng. Theo Hoàng Thị Chỉnh (2010), về kinh tế, muốn nông nghiệp phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp phải đạt hiệu quả cao, sản phẩm làm ra nhiều, không những đáp ứng tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi, dự trữ lương thực mà còn xuất khẩu ra thị trường thế giới. Về xã hội, một nền nông nghiệp bền vững là phải đảm bảo cho người nông dân có đủ công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao, đảm bảo được nhu cầu vui chơi, giải trí thông qua các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, cuộc sống lành mạnh, không có các tệ nạn xã hội. Về môi trường, nông nghiệp phát triển bền vững là không hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng và biển, đảm bảo cân bằng hệ sinh thái, giữ nguồn nước ngầm trong sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Theo các tác giả Behnassi M (2011), Shabbir A và D’Silva J (2011) thì PTNNBV không chỉ đem đến những vấn đề đạo đức, xã hội và tiềm ẩn trong đó cả những vấn đề về môi trường, mà còn nhằm mục đích chỉ ra những kinh nghiệm thành công từ khắp nơi trên thế giới, những thành công liên quan đến nông nghiệp bền vững, đến quản lý nguồn tài nguyên nước và đất bền vững, và cả các quá trình sáng tạo trong chăn nuôi, sản xuất. Phát triển nông nghiệp bền vững cũng nhằm cung cấp đầu vào cho quá trình ra quyết định, khuyến khích việc chuyển giao kiến thức, công nghệ và những kỹ năng liên quan cho các quốc gia khác nhau, nơi có điều kiện khí hậu nông nghiệp tương tự có thể áp dụng; do đó tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững là một cách tiếp cận phù hợp để giải quyết các thách thức an ninh lương thực hiện nay. Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc - UNEP (United Nations Environment Programme) cho rằng, để tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững (SARD), cần có sự điều chỉnh căn bản trong chính sách nông nghiệp, chính sách môi trường và chính sách kinh tế vĩ mô, ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, ở cả các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển. Mục tiêu chính của SARD là để tăng sản lượng lương thực một cách bền vững và tăng cường an ninh lương thực. Điều này có liên quan đến các sáng kiến giáo dục, sử dụng các biện pháp khuyến khích kinh tế và sự phát triển của các công nghệ mới, thích hợp, do đó đảm bảo nguồn cung cấp lương thực thực phẩm ổn định, đầy đủ dinh dưỡng, tiếp cận được với các nhóm dễ bị tổn thương, và đáp ứng đủ sản xuất cho thị trường; 2
  3. đáp ứng đủ việc làm và tạo thu nhập cho thế hệ tương lai để giảm nghèo; quản lý tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường (Bộ Khoa học & Công nghệ, 2019). Tóm lại, PTNNBV cần đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm mà không làm hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và môi trường. 2.2 Đặc trưng của phát triển nông nghiệp bền vững Thứ nhất, nền nông nghiệp bền vững là nền nông nghiệp trong đó hoạt động của con người phù hợp với quy luật phát triển của tự nhiên, khai thác và phục hồi được thực hiện trong cùng một quá trình, nhờ đó duy trì được môi trường tự nhiên cho đời sống trường tồn của mọi thế hệ. Thứ hai, PTNNBV là nền sản xuất nông nghiệp đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao, ổn định, dựa trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại sản xuất. Thứ ba, PTNNBV là nền nông nghiệp sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực, nhưng vẫn đảm bảo sự tăng trưởng. Thứ tư, PTNNBV là nền sản xuất nông nghiệp có cơ cấu kinh tế hợp lý. Nói đến cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp là nói đến cơ cấu giữa chăn nuôi và trồng trọt. Thứ năm, PTNNBV là nền sản xuất nông nghiệp bảo đảm được công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, bảo đảm được cơ sở vật chất cho phát triển nông thôn mới. Thứ sáu, PTNNBV là nền nông nghiệp, trong đó đòi hỏi trình độ của người lao động ngày càng cao. 2.3 Tiêu chí đánh giá phát triển nông nghiệp bền vững Khi nghiên cứu về chỉ tiêu đánh giá PTNNBV, các nhà nghiên cứu đều có quan điểm chung là sử dụng đồng thời các chỉ tiêu thể hiện tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Về chỉ tiêu kinh tế, Markus và Werner (2008) cho rằng, tính bền vững kinh tế của phát triển nông nghiệp bao hàm khả năng sinh lời, tính thanh khoản, sự ổn định và giá trị gia tăng. Các chỉ tiêu được sử dụng là: mức thu nhập, tỷ lệ lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư hay trên vốn chủ sở hữu, luồng tiền mặt, sự thay đổi của vốn chủ sở hữu và giá trị tăng thêm. Nguyễn Thị Mai (2011) đã sử dụng các chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ GDP nông nghiệp/GDP, thu nhập bình quân đầu người và tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người, tỷ lệ diện tích được cơ giới hóa trên tổng diện tích canh tác. Granz và cộng sự (2009) đề cập tới 3 nhóm chỉ tiêu kinh tế: 1) tính ổn định về kinh tế: mức nợ trên vốn chủ sở hữu, điều kiện trang thiết bị máy móc, nhà cửa, vườn cây lâu năm; 2) hiệu quả kinh tế: tổng thu nhập, năng suất, tỷ suất sinh lời của tài sản và vốn; 3) kinh tế địa phương: tỷ lệ lao động, tiền lương của địa phương trong tổng lao động, tiền lương của vùng, mức thu nhập thấp nhất của nông trại so với mức lương của vùng. Về chỉ tiêu xã hội, theo Markus và Werner (2008), tiêu chí bền vững xã hội bao hàm các lĩnh vực liên quan đến đầu vào lao động, cấu trúc nông trại, các chỉ tiêu về việc làm (mức cung địa điểm làm việc, phân bố về độ tuổi làm việc, tỷ lệ nữ giới tham gia lao động, đào tạo), mức độ tham gia các hoạt động xã hội (tỷ lệ lao động là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh). Granz và cộng sự (2009) cho rằng các chỉ tiêu xã hội cần xem xét là điều kiện làm việc (phương tiện vệ sinh và nhà ở, số giờ làm việc, khoảng cách về thu nhập, cơ hội đào tạo phát triển, phân biệt giới tính), an ninh xã hội (mức lương có khả năng chi trả tiềm năng, luật pháp và thủ tục về việc làm). Trong khi Nguyễn Thị Mai (2011) 3
  4. lại sử dụng các chỉ tiêu xã hội nhu tỷ lệ dân số nông thôn trên tổng dân số, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch và dùng điện, tỷ lệ hộ có điện thoại. Về chỉ tiêu môi trường sinh thái, Nguyễn Thị Mai (2011) cho rằng, các chi tiêu cần tính toán là tỷ lệ diện tích được tuới tiêu trên tổng diện tích được canh tác, mức phân bón trên 1 hecta đất canh tác, thuốc trừ sâu nhập khẩu trên 1 hecta đất canh tác, tỷ lệ che phủ rừng. Trong khi đó, Markus và Werner (2008) đề cập đến nhiều khía cạnh môi trường. Đó là tính cân bằng về khoáng chất (mức cân bằng đạm, lân, kali và vôi trong đất, cân bằng về mùn), sử dụng thuốc trừ sâu bệnh (tần suất sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, mức giảm rủi ro do sử dụng thuốc), bảo vệ đất (tiềm năng sói mòn đất, nguy hại của chai cứng đất), đa dạng sinh học (qui mô thửa ruộng, tỷ lệ diện tích các khu vực sinh thái có giá trị lớn và sự đa dạng của cây trồng), cân bằng năng lượng (mức sử dụng năng lượng trong sản xuất nông nghiệp). Granz và cộng sự (2009) đưa ra các chỉ tiêu liên quan tới nước, đất, năng lượng, đa dạng sinh học, tiềm năng thất thoát đạm, lân và bảo vệ cây trồng và chất thải. Tóm lại, chính sách PTNNBV phải đảm bảo được mục đích là kiến tạo một hệ thống bền vững về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Về kinh tế, sản xuất nông nghiệp phải đạt hiệu quả cao, làm ra nhiều sản phẩm, không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi, dự trữ lương thực mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Về xã hội, một nền NNBV phải đảm bảo cho người nông dân có đầy đủ công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. Về môi trường, PTNNBV là không hủy hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên, giữ nguồn nước ngầm trong sạch và không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tùy từng vùng, quốc gia và điều kiện nghiên cứu, các chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá chính sách PTNNBV có thể khác nhau. Nhưng các chỉ tiêu chung sử dụng để đánh giá chính sách phát triển NNBV đều được nhìn nhận chung theo 3 nhóm: Kinh tế, Xã hội và Môi trường. 3. Thực trạng phát triển nông nghiệp bền vững ở các nước trên thế giới và Việt Nam 3.1 Phát triển nông nghiệp bền vững ở Trung Quốc Trung Quốc là đất nước rộng lớn với tổng diện tích đất hơn 9,3 triệu km2 và dân số đến ngày 17/11/2021 là 1.445.841.293. Kinh tế Trung Quốc nói chung, nông nghiệp nói riêng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Trên thực tế, phần lớn đất canh tác đều được sử dụng để trồng cây lương thực nên Trung Quốc nằm trong nhóm các quốc gia sản xuất hàng đầu về lúa gạo, khoai tây, lúa mì, kê, lạc và thịt lợn. Trung Quốc rất chú trọng phát triển nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu 1,4 tỷ dân trong nước và hướng ra xuất khẩu. Trong các vấn đề phát triển nông nghiệp, phát triển bền vững nông nghiệp trong điều kiện dân số lớn, mức tăng cao về tuyệt đối đã từng bước được chú trọng, nhất là những năm gần đây. Cụ thể: Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Trước tiên, có thể kể đến là chính sách đầu tư xây dựng một cơ chế để phát triển công nghiệp và đô thị thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Sự phân phối thu nhập quốc dân được điều chỉnh tăng cho nông nghiệp và nông thôn. Trung Quốc đã xóa bỏ thuế nông nghiệp với mức 133,5 tỷ NDT mỗi năm, tạo động lực khuyến khích người dân đầu tư phát triển nông nghiệp. Năm 2020 đánh dấu năm bội thu thứ 17 liên tiếp của Trung Quốc với sản lượng ngũ cốc đạt gần 670 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm 2019. Trung Quốc là nước thực hiện khá tốt chính sách hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tại vùng trồng lương thực. Ngoài ra, còn hỗ trợ cho mua hạt giống chất lượng cao và máy nông nghiệp, hỗ trợ tư liệu sản xuất nông nghiệp. 4
  5. Để phát triển bền vững nông nghiệp, Trung Quốc đã chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Sau khi Chương trình Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao quốc gia được thiết lập, công nghệ nông nghiệp cao ở Trung Quốc đã phát triển nhảy vọt, trước hết là ở khâu giống. Nông nghiệp Trung Quốc đã có những đột phá tại công nghệ chủ chốt, như: công nghệ sản xuất cây trồng hiệu quả an toàn, công nghệ nhân giống động vật khỏe mạnh, công nghệ bảo tồn nước, công nghệ thông tin trong nông nghiệp và nông nghiệp kỹ thuật số, công nghệ giám sát môi trường và công nghệ xử lý sinh học, công nghệ thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, công nghệ chế biến nông sản, công nghệ chuyển đổi năng lượng sinh học và các sản phẩm khoa học – kỹ thuật được tạo ra như: vắc xin, công nghệ gen chọn lọc, phân bón sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, cơ sở dữ liệu nông nghiệp, hệ thống thông tin nông nghiệp, đã nâng cấp các công nghệ công nghiệp và hình thành các ngành công nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, Trung Quốc đã khá chú trọng tới vấn đề nông dân. Sau cải cách mở cửa, chính sách khẳng định chủ thể sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nông dân với những cải cách kinh tế ở nông thôn đã tạo ra bước phát triển vượt bậc trong nông nghiệp Trung Quốc. Trung Quốc cũng rất quan tâm đến cải cách chính sách thuế. Nhiều loại thuế đã được giảm từ năm 2000 – 2004 và giảm chỉ còn một nửa, việc thiếu hụt ngân sách địa phương do miễn giảm thuế được trung ương bù. Việc cắt giảm nhiều loại thuế, chỉ còn ba loại thuế: thuế nông nghiệp, phí hành chính và phí thực hiện các công việc chung đã giảm bình quân 30% gánh nặng cho nông dân (Lê Khánh Cường, 2022). 3.2 Phát triển nông nghiệp bền vững ở Thái Lan Là quốc gia có tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Thái Lan được xem là quốc gia đứng đầu trong sản xuất nông nghiệp ở một số lĩnh vực quan trọng, như: cây trồng, vật nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Theo các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng ở Thái Lan và tạo ra việc làm nhiều nhất cho dân cư nông thôn của nước này. Ngành nông nghiệp Thái Lan thu hút khoảng 40% lực lượng lao động và đóng góp gần 10% GDP. Các chuyên gia nhận định, số liệu này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành Nông nghiệp Thái Lan và cho rằng nước này nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ để lĩnh vực này có thể phát huy tối đa các thế mạnh, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 30,43% tổng số việc làm của thị trường lao động Thái Lan trong năm 2019. Hiện tại, Chính phủ Thái Lan đang xem xét đầu tư 1 tỷ baht (hơn 30 triệu USD) trong tài khóa 2020 nhằm hỗ trợ nông dân và thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp trong nước phát triển. Con số này sẽ là một phần trong ngân sách hàng năm trị giá 14 tỷ baht (hơn 366 triệu USD) của tài khóa 2020 và dự kiến bắt đầu được thực hiện trong tháng 5/20202. Về chính sách hướng đến PTNNBV, Thái Lan đã thực hiện các chính sách mang lại hiệu quả trên nhiều mặt, cụ thể: Thứ nhất, về chính sách trợ giá nông sản và hỗ trợ nông dân, như: mua phân bón với giá thấp, miễn cước vận chuyển phân bón, được cung cấp giống mới có năng suất cao, được vay vốn lãi xuất thấp từ ngân hàng nông nghiệp… Đặc biệt, nhiều ưu đãi về vốn và tăng cường bảo hiểm cho người nông dân được Chính phủ Thái Lan thực hiện; thuế nông nghiệp được bãi bỏ. Để khuyến khích người nông dân hiện đại hóa sản xuất, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra những ưu đãi hấp dẫn cho việc nâng cấp phương thức sản xuất và chất lượng thu hoạch theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, như: Chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP), Chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO-22000. 5
  6. Thứ hai, tổ chức khai thác nông nghiệp theo hướng khai thác lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương trong phát triển nông nghiệp. Nhờ đó, Thái Lan đã nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản, các nguồn lực được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, yêu cầu của PTNNBV được đáp ứng. Trên thực tế, Thái Lan đã tập trung phát triển các ngành mũi nhọn sản xuất hàng nông – thủy, hải sản phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Công nghiệp chế biến thực phẩm Thái Lan phát triển mạnh nhờ chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp bằng một chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (One tambon, One product – OTOP). Gắn liền với việc xem trọng chất lượng sản phẩm, Chính phủ Thái Lan cũng rất quan tâm đến chính sách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để thực hiện có hiệu quả chính sách này, chính phủ Thái Lan đã phát động chương trình: “Thái Lan là bếp ăn của thế giới” để kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm bảo đảm cho xuất khẩu và người tiêu dùng. Thứ ba, mở cửa thị trường thích hợp để thu hút đầu tư mạnh mẽ của nước ngoài cho nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến thực phẩm. Chính phủ Thái Lan đã có chính sách trợ cấp ban đầu cho các nhà máy chế biến và đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng, như: cảng, kho lạnh, sàn đấu giá và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển; xúc tiến công nghiệp và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thứ tư, trong nông nghiệp, Thái Lan luôn coi trọng đến đạo đức, thành thật với người tiêu dùng, chú trọng hoạt động sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường. 3.3 Phát triển nông nghiệp bền vững ở Israel Đất nước Israel diện tích chỉ rộng khoảng 21.639 km2, dân số hiện tại của Israel là 8.840.871, đất canh tác rất ít, chỉ chiếm 18,3% tổng diện tích, không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, lượng mưa ít, nhưng Israel có nền kinh tế phát triển với trình độ cao. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, Israel không những sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp và công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp ra thế giới. Một trong các nguyên nhân để nông nghiệp Israel thành công đó là áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, khắc phục các điều kiện thời tiết khắc nghiệt để phát triển nông nghiệp một cách hiệu quả và bền vững. Israel là một đất nước không có tài nguyên nước nhưng lại có công nghệ tiết kiệm nước, xử lý nước rất tốt để phục vụ cho phát triển nông nghiệp xanh. Tổng kết kinh nghiệm PTNNBV qua đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho thấy, Israel đã giải quyết tốt các vấn đề sau: Một là, xác định rõ các chức năng quản lý nhà nước đối với nông nghiệp và xây dựng các nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đưa cơ quan này trở thành một “đầu tàu” trong việc dẫn dắt, chỉ đạo, kiểm tra, khuyến khích các hoạt động nông nghiệp nói chung và công nghệ nông nghiệp nói riêng, vừa bảo đảm hiệu quả vừa rất cập nhật. Các nhiệm vụ chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là: (1) Hướng dẫn và đào tạo nghề; (2) Bảo vệ đất, trong đó chú trọng hướng dẫn nông dân và giúp họ trong các hoạt động liên quan đến việc bảo vệ chất lượng và độ màu mỡ của đất, chống ngập lụt, chống hạn hán; (3) Cung cấp các thông tin nghiên cứu chiến lược về kinh tế hữu ích và cập nhật về thị trường nông sản toàn cầu; làm tốt các dịch vụ thú y; bảo hộ cho vật nuôi, kiểm soát và bảo vệ thực vật; (4) Sử dụng côn trùng thân thiện với môi trường; (5) Khuyến khích vốn đầu tư cho nông nghiệp. Hai là, chú trọng phát triển các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu, các cơ quan nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) phục vụ nông nghiệp. Hiện nay, Israel có khoảng 10 cơ quan nghiên cứu nông nghiệp lớn, tiêu biểu là Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp (ARO), Cơ quan Nghiên cứu nông nghiệp (hay còn gọi là Trung tâm Volcani) đều thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa Nông nghiệp thuộc Trường Đại học Hebrew… Trong các đơn vị đó, ARO là cơ quan nghiên cứu 6
  7. nông nghiệp tiêu biểu, chịu trách nhiệm tới 75% các nghiên cứu nông nghiệp toàn quốc và cũng được đánh giá là đơn vị hậu thuẫn cho các thành công lớn về nông nghiệp của Israel trên trường quốc tế. Ba là, Chính phủ Israel đã đẩy mạnh đầu tư và thu hút đầu tư cho khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó đầu tư kinh phí cho hoạt động R&D từ ngân sách chính phủ, chủ yếu thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm; từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp khác từ nước ngoài. Vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm này đổ vào cho các công ty khởi nghiệp, các dự án R&D đang thực hiện hoặc mới chỉ là các dự án R&D khả thi. Kinh nghiệm quan trọng nhất của Israel để xây dựng được một nền nông nghiệp hiện đại là đầu tư cho khoa học – kỹ thuật, phục vụ trực tiếp cho phát triển nông nghiệp, với những quyết sách táo bạo. Mặc dù Chính phủ không ưu đãi đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp nhưng Israel là một trong những nước có mức đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp thuộc loại lớn nhất thế giới, với gần 100 triệu USD mỗi năm, chiếm khoảng 3% tổng giá trị sản lượng nông nghiệp quốc gia. Nguồn kinh phí đó được cung cấp trực tiếp cho việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ứng dụng và các nhà đầu tư giữ bản quyền sáng chế. Phần lớn các nghiên cứu đều do những công ty sản xuất sản phẩm đầu vào, như: hệ thống tưới tiêu, phân bón, nhà kính… triển khai nghiên cứu. Bốn là, Chính phủ đã tăng cường phối hợp giữa Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà tư vấn – Nhà nông. Xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các nhà trong sự phối hợp đó. Năm là, chú trọng phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp đặc trưng Israel. Nông nghiệp Israel được cấu thành dựa trên sự hợp tác của các cơ sở nông nghiệp được phát triển từ đầu thế kỷ XX. Các mô hình hợp tác được quy định cụ thể trong Đăng ký Hợp tác quốc gia. 3.4 Bài học kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam Thứ nhất, phát huy vai trò quản lý nhà nước của Chính phủ đối với nông nghiệp, từ quy hoạch đến xây dựng chiến lược là cơ sở cho PTNNBV khi triển khai trên thực tế. Thứ hai, các quốc gia đều khai thác khá tốt các tác động tích cực do công nghiệp hóa, hiện đại hóa mang lại. Trung Quốc là quốc gia khai thác tốt mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, triển khai tốt vấn đề “tam nông”, nhất là xây dựng và khai thác tốt các công trình hạ tầng nông thôn. Các công trình vừa nâng cao năng lực kinh tế, nông nghiệp, nông thôn, vừa góp phần hạn chế các tác động tiêu cực của tự nhiên đến các hoạt động nông nghiệp như kinh nghiệm của Thái Lan có chiến lược xây dựng và phân bổ hợp lý các công trình thủy lợi lớn phục vụ cho nông nghiệp. Thứ ba, tại các nước nghiên cứu, vai trò của Nhà nước, của Chính phủ được thể hiện ở ban hành các chính sách định hướng, khuyến khích nông nghiệp phát triển bền vững, như: chính sách đầu tư, chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao… Về vấn đề này, kinh nghiệm của Trung Quốc, Israel và Thái Lan đều thể hiện ở những mức độ khác nhau, trong đó vai trò của Chính phủ Israel trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, của Thái Lan trong khai thác lợi thế so sánh, kết nối thị trường, của Trung Quốc trong hỗ trợ thuế… thể hiện rất rõ. Thứ tư, để PTNNBV, các quốc gia nghiên cứu đều phát triển theo hướng khai thác lợi thế so sánh nhằm sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, (nhất là tài nguyên thiên nhiên). Thái Lan có chương trình mỗi làng một sản phẩm và có chiến lược phát triển nông nghiệp xanh,.. đã mang lại lợi ích lớn trong khai thác tài nguyên, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản. 7
  8. Thứ năm, tuy ở những mức độ khác nhau nhưng các quốc gia đều chú trọng đến vấn đề môi trường, xử lý khá tốt các tác động tiêu cực do công nghiệp hóa, hiện đại hóa cao gây nên, trong đó vấn đề quy hoạch, vấn đề phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được tổng kết và đã thể hiện khá rõ. Ngoài ra, Thái Lan còn chú trọng đến bảo hiểm, chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm; Trung Quốc chú ý đến công nghệ giám sát môi trường, và nâng cao vai trò chứng nhận quốc tế về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); Israel chú ý đến bảo vệ đất trước sự tác động của các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và ô nhiễm do hoạt động công nghiệp gây nên… Thứ sáu, hầu hết các quốc gia đều chú trọng đến liên kết và gắn bó các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; hình thành chuỗi giá trị nông sản. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp không chỉ giải quyết được vấn đề đầu ra, mà còn tạo các điều kiện để tiêu thụ nông sản ổn định, nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản. Thái Lan đã đồng bộ hóa các chính sách, bảo đảm tính liên thông từ sản xuất đến bao tiêu xuất khẩu, giảm rủi ro cho nông dân; Trung Quốc mở rộng các quan hệ của kinh tế thị trường thay cho các quan hệ truyền thống; Israel chú trọng liên kết 4 nhà (Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà nông) trong phát triển nông nghiệp, chú trọng phát triển các hợp tác xã nông nghiệp. 3.5 Phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam Việt Nam đã có những thành công nhất định trong phát triển nông nghiệp bền vững. Nền nông nghiệp Việt Nam được phát triển dựa trên cơ sở quy hoạch cụ thể cho từng vùng theo hướng mở nhằm khai thác triệt để những lợi thế so sánh và khắc phục những hạn chế của vùng. Về kinh tế, thực hiện đầu tư công, chính sách tài chính ưu đãi và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển một cách bền vững (Hoàng Thị Chỉnh, 2010). Hơn nữa, để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và phát triển công nghiệp chế biến, Việt Nam đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và thực hiện liên kết mô hình “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Giai đoạn 2016-2020, hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích không ngừng tăng lên qua các năm. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 82,6 triệu đồng/ha năm 2015 lên 97,1 triệu đồng/ha năm 2019. Ngành trồng trọt tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành, chuyển đổi theo kế hoạch diện tích đất lúa kém hiệu quả và chủ động chuyển đổi diện tích gieo trồng lúa hằng năm không cân đối được nguồn nước sang trồng rau, màu, cây ăn quả hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng giai đoạn 2016-2020 ước tính đạt 26,07 triệu tấn, tăng 17,4% so với giai đoạn 2011-2015, trong đó sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tăng 5,5%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng 15,9%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 10,7%; thịt gia cầm hơi giết, bán tăng 46,8%. Bình quân giai đoạn 2016-2020, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tăng 2,2%/năm; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng 4,4%/năm; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm 0,1%/năm; thịt gia cầm hơi giết, bán tăng 9,9%/năm. Sản lượng sữa tươi tăng qua các năm, giai đoạn 2016-2020 ước tính đạt 4.683,6 triệu lít, bình quân tăng 8,5%/năm. Sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020 hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra: Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây; diện tích rừng gỗ lớn; diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC; sản lượng gỗ rừng trồng đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; thu dịch vụ môi trường rừng; tỷ lệ che phủ rừng. Các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững cộng với chủ trương cơ cấu lại lâm nghiệp đã được thực hiện hiệu quả, rừng tự nhiên được quản 8
  9. lý chặt chẽ hơn, rừng trồng chuyển theo hướng đa chức năng và phát triển trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ, năng suất, chất lượng và giá trị từng loại rừng đã được nâng cao; độ che phủ rừng liên tục tăng và hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp tăng bình quân là 5,6%. Với mục tiêu phát triển thuỷ sản toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá, gia tăng giá trị và bền vững, trong 5 năm qua ngành thủy sản đã có những đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Sản lượng thủy sản giai đoạn 2016-2020 bình quân tăng 5,1%/năm, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 5,2%/năm (Tổng cục Thống kê, 2021). Về xã hội, nông dân Việt Nam được khuyến khích tham gia vào các tổ, hội và hợp tác xã để cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất. Nhận thức của ngườinông dân về kỹ thuật sản xuất, kiến thức thị trường được nâng cao thông qua các chương trình đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật do trung tâm khuyến nông và các hội, đoàn thể khác tổ chức. Chính sách duy trì và phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp của Việt Nam nhằm tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho nông dân cũng góp phần giúp nông nghiệp phát triển bền vững, hạn chế tình trạng di cư đến vùng đô thị. Về môi trường, nông dân Việt Nam được trang bị kiến thức về những tác hại của ô nhiễm môi trường, cách bảo vệ môi trường và vận động nông dân thay đổi những tập quán, thói quen gây ô nhiễm môi trường. Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) được giới thiệu tới người dân bằng nhiều con đường: khuyến nông, thi tìm hiểu về IPM... Điều này đã giúp nông dân tiếp cận được với phương pháp canh tác mới, ít tổn hại tới môi trường. Trong chăn nuôi, các nông hộ có qui mô đàn tương đối lớn được khuyến khích, hỗ trợ lắp đặt biogas nhằm giảm chất thải khí đốt, hạn chế chặt phá cây xanh làm củi. Mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng so với mục tiêu đặt ra đối với nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại: Phát triển sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi chưa phổ biến; áp dụng khoa học công nghệ chưa mạnh, chưa tạo được “đột phá” về giá trị gia tăng cho sản phẩm. Ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều hạn chế và phải đối mặt với khó khăn, vướng mắc như: Dịch bệnh trên vật nuôi phức tạp và gây ảnh hưởng lớn; định hướng cơ cấu vật nuôi còn lệ thuộc nhiều vào yếu tố quy mô đầu con mà chưa tính đầy đủ đến yếu tố nâng cao năng suất vật nuôi, cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp với sự phát triển của thị trường; thói quen tiêu dùng sản phẩm vật nuôi; tổ chức sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết gắn sản xuất, chế biến với kết nối thị trường thiếu giải pháp chính sách thực hiện hiệu quả. Quá trình phát triển vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng thiếu ổn định, nhiều mục tiêu chưa đạt mức kế hoạch đề ra, những yếu kém nội tại mặc dù đã được khắc phục nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm vẫn chưa cao; trong khi thị trường tiêu thụ đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Kinh tế hộ nhỏ lẻ, ruộng đất sản xuất manh mún, đang ngày càng bộc lộ những hạn chế yếu kém, cản trở quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, gây khó khăn cho ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất; khó tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đều..., cản trở sản xuất lớn phát triển. Quan hệ sản xuất đổi mới còn chậm. Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hình thành chủ yếu là tự phát, hiệu quả chưa thật sự ổn định, mới tập trung nhiều ở lĩnh vực trồng trọt, thủy sản; 9
  10. các lĩnh vực khác chưa phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất đối với nền sản xuất theo hướng hiện đại và hội nhập. Công tác nghiên cứu khoa học thiếu tầm chiến lược; nhiệm vụ khoa học công nghệ nhiều nhưng cơ cấu chưa hợp lý, thiếu nghiên cứu về chế biến sâu, gia tăng giá trị của sản phẩm. Hoạt động khuyến nông còn dàn trải; mối liên kết giữa nghiên cứu và ứng dụng trong thực tiễn chưa chặt chẽ, hiệu quả không cao. Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, quy mô hẹp, chưa tạo được “đột phá” để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp. Nông nghiệp bị tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu như thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, sạt lở, xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng hơn ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước nên ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng và vật nuôi. Thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước ngày càng cạnh tranh gay gắt, nhất là chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả... Thị trường nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, có xu hướng giảm giá mạnh và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, một số mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu phải đối mặt với những quy định mới khắt khe và yêu cầu cao hơn của các thị trường nhập khẩu. Cơ chế chính sách ban hành nhiều nhưng chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực để thực hiện; mức huy động từ nguồn xã hội hoá còn thấp, nhiều vướng mắc, bất cập trong cơ chế chính sách chậm được thay đổi, nhất là chính sách về đất đai. 4. Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam Một là, quy hoạch và quản lý sử dụng đất nông nghiệp để bảo vệ nông dân. Đất là nguồn tài nguyên rất lớn. Kinh nghiệm của Trung Quốc, Thái Lan và Israel đã chỉ ra rằng, cần hạn chế tối đa lấy đất nông nghiệp trồng lúa cho mục đích công nghiệp, đánh thuế mạnh vào chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp nhằm ngăn chặn việc nông dân mất đất do đô thị hóa tạo nên. Ban hành chính sách và giám sát chặt chẽ việc quy hoạch sử dụng đất đai nông nghiệp trên cả nước nhằm quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, có tầm nhìn xa về xây dựng và phát triển nông thôn. Kiên quyết giữ các vùng đất tốt chuyên canh ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Khi cần thu hồi đất của nông dân phải đền bù thỏa đáng và bố trí công ăn việc làm thích hợp cho người nông dân. Phần lợi nhuận thu từ đất thu hồi trích theo tỷ lệ nộp lại cho địa phương sử dụng cho mục đích công cộng và xã hội. Nới rộng thời gian giao quyền sử dụng đất từ 50 đến 100 năm để người dân an tâm đầu tư lâu dài. Trong trường hợp người dân chuyển sang các ngành nghề khác thì Nhà nước đứng mua và cho thuê nhằm bảo đảm diện tích đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ đất ruộng ở nông thôn. Phương án quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp của Việt Nam đến năm 2020 là 26.732 nghìn hecta. Năm 2015, chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu góp phần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia và gia tăng xuất khẩu. Hai là, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản. Những hạn chế trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam vẫn là khó khăn về vốn, về điều kiện đất đai manh mún, nhỏ lẻ. Nếu không chuyển đổi nông nghiệp sang sản xuất quy mô lớn, có sự bảo hộ của Nhà nước đối với sản phẩm nông nghiệp thì rất khó để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp. Vì chỉ có phát triển sản xuất lớn dưới sự điều hành của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã thì KH - CN mới có cơ hội đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu, từ cơ giới hóa đến làm đất, lịch trình gieo 10
  11. trồng, chế biến và thu hoạch. Còn nếu không, như hiện nay, dù có đưa KH - CN vào thì cũng rất tốn kém và không thật sự hiệu quả. Ba là, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào phát triển nông nghiệp. Một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến thu hút FDI nói chung và FDI vào lĩnh vực nông nghiệp nói riêng là thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư nước ngoài như thủ tục đăng kí, cấp giấy phép đầu tư cần phải được đơn giản hóa tối đa bởi đây là rào cản lớn nhất đối với nguồn vốn FDI. Bên cạnh đó, cần nâng cấp hạ tầng cơ sở nông thôn. Nâng cấp hạ tầng cơ sở nông thôn là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI. Kinh nghiệm của Thái Lan là phát triển hệ thống vận tải hàng không với hệ thống sân bay thương mại rộng khắp, biến tất cả các vùng của Thái Lan chỉ cách thủ đô Bangkok khoảng 1 giờ bay. Mục tiêu thu hút vốn FDI vào ngành nông nghiệp Việt Nam được kỳ vọng nâng lên mức 4,5 tỷ USD vào năm 2020 và 6 tỷ USD vào năm 2030. Đồng thời, nâng tỷ trọng vốn đầu tư FDI trong nông nghiệp trên tổng vốn đầu tư FDI trong toàn bộ nền kinh tế lên mức 4% - 5% sau năm 2020. Nông nghiệp của Việt Nam mặc dù không được đầu tư mạnh nhưng nhiều sản phẩm nông nghiệp vẫn vươn lên đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu. Đây là lý do các tập đoàn quốc tế muốn đầu tư vào Việt Nam trong tương lai. Bốn là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững. Đây là quá trình chuyển dịch hợp lý, phù hợp với điều kiện của vùng, phát huy được lợi thế so sánh, bảo đảm nền nông nghiệp tăng trưởng nhanh và ổn định trong thời gian dài. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch bền vững không làm ảnh hưởng tới các yếu tố môi trường và xã hội và đạt được hiệu quả nâng cao đời sống nhân dân nói chung. Năm là, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Đây là quá trình bảo đảm tăng trưởng ổn định lâu dài, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tăng năng suất lao động, gia tăng giá trị và chất lượng sản phẩm, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của quốc gia. Đánh giá hiệu quả tăng trưởng nông nghiệp theo hướng bền vững cần hướng tới phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường, năng suất phải luôn đồng hành với chất lượng nông sản, trước hết là bảo đảm tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm nông nghiệp phải đa dạng, giá cả hợp lý, có sức cạnh tranh cao. Sáu là, tăng trưởng nông nghiệp toàn diện gắn với bảo đảm công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững là làm cho cuộc sống ngày càng tốt hơn. Vì vậy, quá trình phát triển cần gắn liền với các yếu tố xã hội như: Giải quyết việc làm, sử dụng lao động hợp lý, có chính sách gia tăng sản lượng và giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn. Gắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế nông nghiệp với mục tiêu tạo việc làm cho người dân và tăng năng suất lao động. Giảm khoảng cách giàu nghèo, ổn định xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Bảy là, tăng trưởng nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Quá trình tăng trưởng nông nghiệp cần phải có một môi trường bền vững để con người và muôn loài tồn tại lâu dài. Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững về môi trường là giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất nông nghiệp gây ra. Có kế hoạch khai thác, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, duy trì độ màu mỡ của đất, giảm thiểu ô nhiễm không khí và nguồn nước. Tám là, nâng cao trình độ chuyên môn và sự hiểu biết thị trường cho người lao động. Nông dân là chủ thể quan trọng nhất trong tam nông (nông nghiệp – nông thôn – nông dân). Do đó, muốn nông nghiệp Việt Nam sản xuất hiệu quả, nông thôn ngày càng đổi mới theo hướng hiện đại thì người nông dân phải được nâng cấp về mọi mặt. Trước hết, họ phải được học hành để nâng cao 11
  12. trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn. Từ đó, hình thành một đội ngũ “nông dân công nghiệp” làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. 5. Kết luận Mục tiêu của báo cáo là phân tích thực trạng phát triển nông nghiệp bền vững ở các nước trên thế giới nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam. Từ đó, đề xuất một số giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam. Qua nghiên cứu thực trạng PTNNBV ở các nước, sáu bài học kinh nghiệm được rút ra cho PTNNBV ở Việt Nam, gồm (1) phát huy vai trò quản lý nhà nước của Chính phủ đối với nông nghiệp, từ quy hoạch đến xây dựng chiến lược là cơ sở cho PTNNBV khi triển khai trên thực tế; (2) các quốc gia đều khai thác khá tốt các tác động tích cực do công nghiệp hóa, hiện đại hóa mang lại; (3) vai trò của Nhà nước, của Chính phủ được thể hiện ở ban hành các chính sách định hướng, khuyến khích nông nghiệp phát triển bền vững, như: chính sách đầu tư, chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao…; (4) để PTNNBV, các quốc gia nghiên cứu đều phát triển theo hướng khai thác lợi thế so sánh nhằm sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, (nhất là tài nguyên thiên nhiên); (5) tuy ở những mức độ khác nhau nhưng các quốc gia đều chú trọng đến vấn đề môi trường, xử lý khá tốt các tác động tiêu cực do công nghiệp hóa, hiện đại hóa cao gây nên, trong đó vấn đề quy hoạch, vấn đề phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được tổng kết và thể hiện khá rõ; (6) hầu hết các quốc gia đều chú trọng đến liên kết và gắn bó các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; hình thành chuỗi giá trị nông sản. Bài viết đề xuất các giải pháp thúc đẩy PTNNBV, gồm (1) quy hoạch và quản lý sử dụng đất nông nghiệp để bảo vệ nông dân; (2) ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản; (3) thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào phát triển nông nghiệp; (4) chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững; (5) nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững; (6) tăng trưởng nông nghiệp toàn diện gắn với bảo đảm công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân; (7) tăng trưởng nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bền vững; và (8) nâng cao trình độ chuyên môn và sự hiểu biết thị trường cho người lao động. Để thực hiện tốt những vấn đề nêu trên, cần đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; đồng thời, phải tạo sự đột phá về tổ chức và quản lý quy hoạch cùng với hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Việc ứng dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư và trợ giúp kỹ thuật, công nghệ cho các tiểu ngành có giá trị gia tăng cao trong nông nghiệp để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng tốt yêu cầu của một nền nông nghiệp hiện đại và hiệu quả (Phí Văn Hạnh, 2016). 12
  13. Tài liệu tham khảo Behnassi, M., Shahid, S. A., & D'silva, J. (2011). Sustainable agricultural development (p. 275). Springer, Heidelberg, Berlin. Bộ Khoa học và Công nghệ (2019). Tổng luận số 7/2019: Chính sách phát triển nông nghiệp bền vững của một số quốc gia và một số khuyến nghị cho Việt Nam trong bối cảnh mới. Hà Nội, tháng 7/2019. Bùi Kim Thanh và Tạ Đức Thanh (2020). Phát triển nông nghiệp Việt Nam – thành tựu và những yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới. https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/03/04/phat-trien- nong-nghiep-viet-nam-thanh-tuu-va-nhung-yeu-cau-dat-ra-trong-thoi-ky-moi/ Đỗ Kim Chung và cộng sự (2009). Giáo trình Nguyên lý Kinh tế Nông nghiệp. NXB Nông nghiệp, Hà Nội. FAO. (1992). World food dry. Food and Agriculture Organization, Rome, Italy. Granz J, Thalmann C., Stampfli A., Studer C. and Hani F. (2009). RISE- a method for assessing the sustainability of agricultural production at farm level. Rural Development News. Hoàng Thị Chỉnh (2010). Để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Phát triển Kinh tế, tháng Sáu năm 2010, trang 11–19. Lê Khánh Cường (2022). Phát triển nông nghiệp bền vững tại một số quốc gia và hàm ý cho Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/01/25/phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-tai- mot-so-quoc-gia-va-ham-y-cho-viet-nam/ Markus Ehrmann and Werner Kleinhanss (2008). Review of concepts for the evaluation of sustainable agriculture in Germany and comparison of measurement schemes for farm sustainability. Institute of Farm Economics, Braunschweig. Nguyễn Hoàng Tiến (2020). Thực trạng phát triển nông nghiệp bền vững tại các nước đang phát triển. Nguyễn Thị Mai (2011). Phát triển nông nghiệp bền vững ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Luận văn thạc sĩ kinh tế. Đại học Đà Nẵng. Nguyễn Thị Miền (2021). Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và khuyến nghị. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/3575-phat- trien-kinh-te-tuan-hoan-trong-nong-nghiep-o-viet-nam-mot-so-van-de-dat-ra-va-khuyen- nghi.html Phạm Doãn (2005). Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giải pháp xóa đói nghèo và bảo vệ môi trường. http://www.ttvnol.com/ttx/571456.ttvn. Phí Văn Hạnh (2016). Phát triển nông nghiệp bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế. https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-trong-thoi-ky- hoi-nhap-quoc-te-469278 Tổng cục Thống kê (2021). Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm 2016 – 2020. NXB Thống kê – 2021. 13
  14. 14
nguon tai.lieu . vn