Xem mẫu

  1. PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC LOGISTICS VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ 4 TS. Trần Thị Thu Hương1 Tóm tắt: Nguồn nhân lực là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành và mỗi quốc gia. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang ảnh hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu và tác động trực tiếp tới Việt Nam, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Logistics là một trong những lĩnh vực ứng dụng nhiều thành tựu và thu được nhiều lợi ích từ Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Do đó, phát triển nguồn nhân lực logistics nhằm tận dụng những cơ hội mà Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại trong việc nâng cao hiệu quả và hiệu suất hoạt động logistics có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trên cơ sở phương pháp nghiên cứu tại bàn, bài viết này trình bày thực trạng và một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Từ khoá: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, logistics, nguồn nhân lực, nhân lực logistics. Abstract: Human resource is one of the important motivations to promote the development of each business, each industry and each country. In the context that the 4th Industrial Revolution is strongly influencing on a global scale and directly impacting on Vietnam, the need to develop high quality human resources becomes ever more urgent. Logistics is one of the areas where many achievements have been applied and gained many benefits from the 4th Industrial Revolution. Therefore, developing logistics human resources to take advantage of the opportunities that the 4th Industrial Revolution bringing in the improvement of efficiency and logistics performance is extremely important. Based on the desk research method, this article presents the situation and some solutions to develop logistics human resources in Vietnam to meet the requirements of the 4th Industrial Revolution. Keywords: 4th industrial revolution; logistics; human resources; logistics human resources. 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC 1.1. Khái niệm nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực Hiện nay có nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau nhưng trong phạm vi bài viết này, nguồn nhân lực được hiểu theo quan điểm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đó là toàn bộ những người trong độ tuổi quy định có khả năng tham gia lao động. Nguồn nhân lực được thể hiện trên hai khía cạnh, đó là quy mô và chất lượng nguồn nhân lực. Quy mô nguồn nhân lực được hiểu là tổng số những người trong độ tuổi lao động theo quy định của nhà nước; phụ thuộc vào quy mô, 1 Email: tranthuhuong.vcu@gmail.com, Bộ môn Logistics Kinh doanh, Trường Đại học Thương mại.
  2. 672 QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 cơ cấu (độ tuổi và giới tính), phân bố dân cư, thời gian lao động có thể huy động được từ họ và tốc độ tăng nguồn nhân lực hàng năm. Chất lượng nguồn nhân lực được thể hiện thông qua các tiêu chí về sức khoẻ, trình độ chuyên môn, trình độ học vấn, trình độ lành nghề và các phẩm chất tâm lý xã hội khác của người lao động như tác phong, tinh thần, ý thức trong lao động. Các lý thuyết về tăng trưởng đã chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn phát triển nhanh và ở mức cao phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản, bao gồm: công nghệ mới, hạ tầng cơ sở hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính phát triển nguồn nhân lực. Phát triển nguồn nhân lực là sự biến đổi về quy mô và chất lượng nguồn nhân lực trên các mặt thể lực, trí lực, kỹ năng, kiến thức và tinh thần cùng với quá trình tạo ra những biến đổi tiến bộ về cơ cấu nguồn nhân lực. Như vậy, chúng ta có thể hiểu phát triển nguồn nhân lực là các hoạt động nhằm tạo ra nguồn nhân lực xã hội với số lượng và chất lượng đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời đảm bảo sự phát triển của mỗi cá nhân phù hợp với yêu cầu của môi trường. Trong đó, phát triển về quy mô nguồn nhân lực là sự gia tăng về số lượng và chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng phù hợp với môi trường và điều kiện mới. Phát triển về chất lượng nguồn nhân lực là sự gia tăng mức sống, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, phát triển phẩm chất và tăng cường thể chất của các thành viên trong xã hội. Trong phạm vi một tổ chức, phát triển nguồn nhân lực là việc phát triển về số lượng và chất lượng nhân lực thông qua thực hiện các chức năng của công tác phát triển nguồn nhân lực, nhằm có được một đội ngũ lao động phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển của tổ chức trong từng thời kỳ nhất định. 1.1. Tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tới phát triển nguồn nhân lực Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 dựa trên 3 lĩnh vực chính là kỹ thuật số, công nghệ sinh học và robot thế hệ mới... sẽ là nền tảng làm chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình kinh tế dựa vào tài nguyên và lao động chi phí thấp sang mô hình kinh tế dựa vào tri thức và công nghệ. Các nhà kinh tế và nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động sẽ chịu sự tác động mạnh mẽ về cung - cầu, cơ cấu lao động cũng như bản chất việc làm. Bên cạnh việc mang lại cơ hội tăng năng suất lao động, tăng thu nhập và mở cửa thị trường lao động, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra nhiều thách thức không nhỏ đối với việc phát triển nguồn nhân lực ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội. Riêng đối với lĩnh vực logistics, hầu hết những thành tựu công nghệ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã và đang được nghiên cứu, triển khai ứng dụng trong nhiều hoạt động logistics; từ công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) trong điều hành hoạt động vận tải và các phương tiện vận tải tự hành (không người lái) đến hệ thống kho hàng và trung tâm phân phối thông minh được tự động hoá, rô bốt hoá, kết nối Internet và sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR)… Rõ ràng, những ứng dụng này sẽ tạo nên một hệ thống logistics hiệu lực và hiệu quả cao nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức lớn cho phát triển nguồn nhân lực logistics để có thể đáp ứng được yêu cầu của ứng dụng công nghệ 4.0. Những thách thức đối với việc phát triển nguồn nhân lực logistics trong điều kiện của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 bao gồm: Thứ nhất, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tác động đến số lượng và chất lượng việc làm. Một số việc làm sẽ biến mất nhưng cũng xuất hiện những việc làm mới thông qua sự thay
  3. PHẦN 3: MÔI TRƯỜNG VẬN HÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP 673 thế sức lao động bằng máy móc, rô bốt, trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin. Theo dự báo của Liên hợp quốc, sẽ có khoảng 75% lao động trên thế giới có thể bị mất việc làm trong vài thập niên tới. Một nghiên cứu khác của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng đưa ra dự báo rằng khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Bên cạnh đó, chất lượng và hiệu quả việc làm cũng tăng lên nhanh chóng với sự hỗ trợ của những công nghệ và hệ thống thông tin hiện đại. Chẳng hạn như, trong lĩnh vực logistics, việc sử dụng hệ thống phương tiện vận tải tự hành, rô bốt và công nghệ thực tế ảo trong nhà kho sẽ giảm đáng kể đội ngũ lái xe và lao động tại kho hàng. Mặt khác, những công nghệ này có thể giúp nhân viên kho hàng nhận diện nhanh chóng thông tin lô hàng, hiển thị tuyến đường tối ưu để thu gom đơn hàng, từ đó đẩy nhanh thời gian làm hàng cũng như giảm thiểu sai sót, tối ưu hóa việc huấn luyện và sử dụng nhân lực logistics. Thứ hai, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tác động đến yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực. Để có thể vận hành được hệ thống công nghệ mới và thay đổi liên tục trong lĩnh vực logistics, nguồn nhân lực logistics phải được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong làm việc phù hợp. Bên cạnh đó, số lượng công việc cần lao động chất lượng cao ngày càng tăng đòi hỏi công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực logistics cần được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thứ ba, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với quá trình toàn cầu hoá sẽ hình thành và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của những thị trường lao động có tính chất khu vực và toàn cầu. Một bộ phận không nhỏ lao động từ nước ngoài có thể di chuyển vào thị trường nhân lực trong nước và ngược lại. Không những thế, bản thân logistics cũng là một lĩnh vực có tính quốc tế cao. Vì vậy, nguồn nhân lực logistics chất lượng cao không những cần đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn trong nước mà còn phải tính tới những tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường nước ngoài. Mục tiêu trở thành nhà cung cấp nguồn lực logistics chất lượng cao cho thị trường lao động quốc tế là vấn đề chúng ta cần đặt ra và cần có những hành động, giải pháp cụ thể ngay tại thời điểm này. 2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC LOGISTICS TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY 2.1. Quy mô đào tạo nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam Tại các cơ sở đào tạo chính quy hiện nay, logistics được giảng dạy cho 2 nhóm đối tượng, đó là: (1) sinh viên, học viên chuyên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng hoặc chuyên ngành Logistics và vận tải đa phương thức; (2) sinh viên, học viên thuộc các chuyên ngành/ ngành đào tạo khác nhưng được học các phần liên quan đến logistics trong chương trình đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay số lượng trường đại học có đào tạo chuyên ngành logistics không nhiều, quy mô đào tạo nhỏ và mới chỉ có một số ít trường đã có sinh viên tốt nghiệp. Bảng 1 dưới đây thống kê quy mô đào tạo tại một số trường đại học là thành viên của Mạng lưới Đào tạo Logistics Việt Nam.
  4. 674 QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 Bảng 1: Quy mô đào tạo trong Mạng lưới Đào tạo Logistics tại VN (Tên trường được sắp xếp theo thứ tự ABC) Số lượng sinh viên, học viên trung bình/năm Được học Tốt nghiệp Tuyển sinh Dự kiến mở ngành/ TT Cơ sở đào tạo về logistics ngành/ chuyên năm 2018 chuyên ngành vào ngành logistics năm 2019 1 ĐH Bà Rịa Vũng Tàu 256 80 150 - 2 ĐH Bách Khoa HN 200 - - - 3 ĐH Cần Thơ 300 - - - 4 ĐH Công nghiệp 80 50 50 - 5 ĐH Công nghệ GTVT 310 50 50 - 6 ĐH GTVT (Hà Nội) 350 30 80 - 7 ĐH GTVT TP. HCM 3.000 100 340 - 8 ĐH Hàng Hải 1.200 200 200 - 9 ĐH Hoa Sen 215 - - - 10 ĐH Kinh tế (ĐH QGHN) 200 - - - 11 ĐH Kinh tế Quốc dân 500 - 60 - 12 ĐH Ngoại Thương (HN) 800 - 60 - 13 ĐH SP Kỹ thuật TP.HCM 250 - - - 14 ĐH Tài chính Marketing 80 50 50 - 15 ĐH Thủ Đô Hà Nội 600 - 50 - 16 ĐH Thương Mại 800 - - 100 17 HV Tài Chính 250 - - 50 Tổng cộng 8.671 560 1.090 150 (Nguồn: Báo cáo Logistics Việt Nam 2018) Ngoài nguồn nhân lực được đào tạo chính quy hiện nay, quy mô đào tạo không chính quy để cấp chứng chỉ, chứng nhận trong lĩnh vực logistics tăng lên trong thời gian qua. Số lượng học viên được cấp chứng chỉ, chứng nhận mỗi năm tại một số cơ sở đào tạo lớn như sau: Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics (VLI) 1.250 học viên/năm; Trường Logistics và Hàng không Việt Nam 1.000 học viên/năm; Viện Logistics Việt Nam (VIL) với 600 học viên/năm; Viện Quản trị Logistics và Chuỗi cung ứng EDINS 400 học viên/năm; Đại học GTVT (Hà Nội) 200 học viên. Như vậy, với quy mô đào tạo như hiện nay, mỗi năm ngành logistics Việt Nam sẽ có thêm khoảng gần 10.000 sinh viên, học viên được nghiên cứu các học phần về logistics nhưng chỉ có 1/10 con số đó là tốt nghiệp đúng chuyên ngành logistics. Điều này cho thấy quy mô đào tạo chính quy dài hạn và đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Do đó, theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2018, có 85,7% doanh nghiệp Việt Nam phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc. Đặc biệt, một số doanh nghiệp logistics quy mô lớn lớn đã tự đầu tư trung tâm đào tạo nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng riêng để đảm bảo mục tiêu phát triển của doanh nghiệp như: Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) và Công ty Cổ phần Dịch vụ Logistics Hàng không (ALS) đào tạo lần lượt cho hơn 1.000 và hơn 500 lượt cán bộ nhân viên/năm.
  5. PHẦN 3: MÔI TRƯỜNG VẬN HÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP 675 2.2. Chất lượng nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam Tại Việt Nam hiện nay, nhân lực logistics được đào tạo ở nhiều bậc khác nhau từ đào tạo ngắn hạn đến trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, trên đại học và các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế (bảng 2). Đào tạo ngắn hạn chủ yếu được cung ứng bởi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đào tạo (Công ty TNHH Tri thức Hậu Cần; Viện Logistics Việt Nam - VIL; Viện Đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng EDINS); các cơ quan, tổ chức phi chính phủ (Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics - VLI, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam - VLA; Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam - VISABA, Hiệp hội Cảng biển - VPA) nhằm cấp chứng chỉ, chứng nhận nghề nghiệp cho các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu. Ngoài ra, còn có những khoá đào tạo ngắn hạn do các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thường xuyên tổ chức. Đào tạo ở bậc sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề chủ yếu dành cho nhân lực logistics ở cấp kỹ thuật, nghiệp vụ như lái xe nâng hạ hàng hoá, lái xe đầu kéo, tác nghiệp kho hàng… Hiện có 03 trường cao đẳng, 02 trường trung cấp tại TP Hồ Chí Minh và 01 trường cao đẳng tại Huế đã mở ngành Logistics. Đối với đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học, năm 2017 đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong đào tạo nhân lực logistics khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mở thêm mã ngành 52510605 - chuyên ngành “Quản trị Logistics và chuỗi cung ứng” thuộc khối ngành Quản lý Công nghiệp, cùng với mã ngành 52840104 - chuyên ngành “Logistics và Vận tải đa phương thức” thuộc khối ngành Khai thác Vận tải đã có trước đây. Điều này đã thúc đẩy các cơ sở đào tạo trong cả nước xây dựng và phát triển chương trình đào tạo logistics ở bậc đại học. Bên cạnh các trường đã tuyển sinh chuyên ngành/ngành logistics từ nhiều năm trước như Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh (2008), Đại học Hàng hải (2014), Đại học Quốc tế - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (2015), Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (2016), nhiều trường đại học khác đã bắt đầu tuyển sinh chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng từ năm học 2018 - 2019 như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương. Một số trường khác như Đại học Thương mại, Học viện Tài Chính cũng đang khẩn trương tiến hành các thủ tục để mở ngành/chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng vào năm 2019. Bảng 2: Các bậc đào tạo nhân lực logistics tại Việt Nam Đối tượng TT Bậc đào tạo Thời gian Bằng cấp đào tạo 1 Đào tạo ngắn hạn Chứng chỉ kỹ thuật Đa dạng, bao gồm 1a Huấn luyện kỹ thuật – nghiệp vụ - nghiệp vụ, Chứng nhân lực ở tất cả các 1b Bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nhận hoàn thành cấp từ công nhân kỹ < 200 giờ khóa học, thuật, người vận hành, 1c Huấn luyện chuyên môn bắt buộc 1d Đào tạo tái cấp chứng chỉ Bằng lái xe đến giám sát, quản lý, 1e Đào tạo nghề thường xuyên khác lãnh đạo… Chứng chỉ Nhân lực cấp kỹ thuật 2 Sơ cấp nghề 3 – 6 tháng Sơ cấp nghề nghiệp vụ 3 Trung cấp Bằng Nhân lực cấp kỹ thuật 3a + Trung cấp nghề 1 – 2 năm Trung cấp nghiệp vụ 3b + Trung cấp chuyên nghiệp
  6. 676 QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 Đối tượng TT Bậc đào tạo Thời gian Bằng cấp đào tạo 4 Cao đẳng 2 – 3 năm Nhân lực cấp kỹ thuật, 4a + Cao đẳng nghề Bằng Cao đẳng nghiệp vụ hoặc điều 4b + Cao đẳng (Bộ GD-ĐT) phối, giám sát Nhân lực cấp điều phối Bằng cử nhân, 5 Đại học 3,5-4,5 năm - giám sát, quản lý, lãnh Bằng Kỹ sư đạo… 6 Sau Đại học Nhân lực quản lý & 6a + Thạc sỹ 1,5-2 năm Bằng Thạc Sỹ chuyên gia; 6b + Tiến sỹ 3 – 4 năm Bằng Tiến Sỹ Lãnh đạo DN; 7 Các chương trình theo tiêu chuẩn quốc tế Nhân lực mới vào nghề; Dưới học thêm nâng cao kỹ 7a Chứng chỉ chuyên môn Certificate năng; người học chuyên 100 giờ Diploma, môn nghiệp vụ 7b Bằng nghề chuyên môn Tối thiểu 220 giờ Higher diploma Nguồn: Tổng hợp từ thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo Đối với bậc đào tạo sau đại học, tại Việt Nam hiện chưa có trường nào mở chuyên ngành logistics. Tuy nhiên, nhiều đề tài luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ về lĩnh vực logistics đã bắt đầu được quan tâm nghiên cứu trong những năm trở lại đây. Các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế để nhận chứng chỉ chuyên môn hoặc bằng nghề chuyên môn từ các tổ chức FIATA, ICAO cũng đã được triển khai tại Việt Nam hoặc nhân lực logistics Việt Nam được gửi đi đào tạo tại nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng nhân lực logistics đạt được những chứng chỉ và bằng nghề này hiện nay tại Việt Nam không nhiều, chỉ chiếm khoảng 17,4% và chỉ đối với nhân lực ở cấp quản trị. Cấp NV Kỹthuật - Nghiệp vụ 13,1% 21,7% 26,1% 39,1% Sơcấp Cấp Điều phối và Giá m sá t 4,3% 39,1% 34,8% 21,8% Trung cấp Cao đẳng Đại học Cấp Quản lý và Chuyên gia 82,6% 17,4% Trên đại học Đạt chứng chỉquốc tế/khu vực Cấp Quản trị 65,2% 17,4% 17,4% 0 0,2 0,4 0,6 0,8 1 1,2 Hình 1: Trình độ nhân lực logistics tại các DN Việt Nam theo bậc đào tạo Nguồn: Báo cáo Logistics Việt Nam 2018 3. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC LOGISTICS TẠI VIỆT NAM 3.1. Dự báo nhu cầu nhân lực logistics tại Việt Nam đến năm 2030 Nhu cầu nhân lực logistics xuất phát từ hai phía, bao gồm nhu cầu của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Theo kết quả khảo
  7. PHẦN 3: MÔI TRƯỜNG VẬN HÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP 677 sát nhu cầu nhân lực logistics được phản ánh trong trong Báo cáo Logistics Việt Nam 2018 cho thấy 81% số doanh nghiệp có kế hoạch phát triển nhân lực logistics trong năm tới. Trong đó, 33,3% số doanh nghiệp có kế hoạch tăng đồng thời cả quy mô và chất lượng nhân lực; 28,6% số doanh nghiệp có kế hoặc tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực; 19% số doanh nghiệp có kế hoạch tăng quy mô nhân lực. Hình 2: Kế hoạch phát triển nhân lực tại các doanh nghiệp trong năm tới Nguồn: Báo cáo Logistics Việt Nam 2018 Theo số liệu công bố trong Báo cáo Logistics Việt Nam 2018, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics tại Việt Nam khoảng 30.971 doanh nghiệp, quy mô nhân lực trung bình là 20 người/doanh nghiệp. Với mức tăng trưởng nhân lực bình quân khoảng 7,5%/năm (thấp hơn mức tăng trưởng chung của ngành trong giai đoạn vừa qua là 12% - 16% do đã loại trừ khả năng ứng dụng công nghệ cũng như nâng cao hiệu quả quản lý của các doanh nghiệp) thì nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ là 1.585.971 người. Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực tế đang hoạt động trên phạm vi cả nước khoảng 561.064 doanh nghiệp. Với tỷ lệ nhân lực logistics tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là 4% (vì nhìn chung, nếu các doanh nghiệp có quy mô trung bình 100 lao động thì cần có ít nhất 4 lao động logistics đảm nhận các hoạt động sau: quản lý xuất nhập khẩu, mua hàng, kho hàng, vận tải và phân phối). Đồng thời, quy mô trung bình của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Việt Nam khoảng 30 lao động/1 doanh nghiệp. Với xu hướng gia tăng tỷ trọng thuê ngoài, từ 35 - 40% như hiện nay lên 50 - 60% trong thời gian tới (theo Quyết định 200 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/02/2017) thì mức tăng trưởng nhân lực logistics của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ không cao, ước đạt khoảng là 5%/ năm. Do đó, giai đoạn đến năm 2030 các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Việt Nam cần thêm số nhân lực được đào tạo về logistics là 634.781 người. Như vậy, ước tính trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 tổng nhu cầu nhân lực logistics của các doanh nghiệp Việt Nam là 2.220.752 người. Cụ thể, nhân lực logistics tại được chia thành 4 cấp bao gồm: (1) Cấp quản trị là các nhà lãnh đạo cấp cao như giám đốc, phó giám đốc logistics; (2) Cấp quản lý và chuyên gia là các nhà lãnh đạo cấp trung như trưởng phòng logistics; (3) Cấp điều phối và giám sát như tổ trưởng tổ vận chuyển, chuyên viên hoạch định lộ trình vận tải…; (4) Cấp nhân viên - Kỹ thuật như lái xe, đóng gói hàng, điều kiển xe nâng… Theo đó, nhu cầu nhân
  8. 678 QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 lực logistics ở cấp quản lý chuyên gia đang là lớn nhất với 57,1% doanh nghiệp lựa chọn; sau đó là nhân lực ở cấp điều phối giám sát với 33,3% doanh nghiệp lựa chọn và cấp nhân viên kỹ thuật nghiệp vụ với 14,3% doanh nghiệp lựa chọn. Rất ít doanh nghiệp (9,5%) có nhu cầu tuyển dụng nhân lực ở cấp quản trị. Hình 3: Nhu cầu nhân lực logistics tại các doanh nghiệp theo cấp nhân lực Nguồn: Báo cáo Logistics Việt Nam 2018 3.2. Một số giải pháp và kiến nghị nhằm phát triển nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam Với đặc điểm công việc mang tính quốc tế lại trong một thị trường cạnh tranh gay gắt và tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, ngành logistics Việt Nam đòi hỏi phải phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao cả về kỹ năng thực tế, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh chuyên ngành logistics. Tuy nhiên hiện nay, nguồn nhân lực của ngành còn yếu và thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Một số giải pháp dưới đây được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết những hạn chế đó trong phát triển nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam hiện nay: Về phía cơ quan nhà nước:  - Cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực logistics trong tương lai gần và xa hơn. Đây là một trong những giải pháp cần được quan tâm trước hết, bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 sẽ dẫn tới những thay đổi rất lớn trong cơ cấu việc làm của lĩnh vực logistics - một trong những lĩnh vực ứng dụng rất nhiều thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng này.  - Cần rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có đào tạo về lĩnh vực logistics sao cho gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường nhân lực logistics trong cả nước, từng vùng và từng địa phương.  - Xem xét giành một khoản kinh phí cho giáo dục đào tạo bậc đại học đối với chuyên ngành logistics. Kinh nghiệm của Singapore - quốc gia có trình độ phát triển ngành dịch vụ logistics hàng đầu thế giới là tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm 2016, chính phủ Singapore đã đầu tư 4,5 tỷ đô la Singaprore trong 15 năm cho việc đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao. - Có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo với các tổ chức đào tạo mang tính thực tiễn như Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics - VLI, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam - VLA; Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam - VISABA, Hiệp hội Cảng biển - VPA trong công tác đào tạo nhân lực logistics nhằm gắn đào tạo lý thuyết với thực tiễn công việc. 
  9. PHẦN 3: MÔI TRƯỜNG VẬN HÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP 679 - Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định mã ngành đào tạo riêng cho lĩnh vực logistics, không nằm trong mã ngành Quản lý Công nghiệp như quy định tại Thông tư 24/2017/TT-BGDĐT (ban hành ngày 10/10/2017 và có hiệu lực từ ngày 25/11/2017) đồng thời Ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ đối với chuyên ngành logistics. Về phía các cơ sở đào tạo nhân lực logistics:  - Logistics là một lĩnh vực có mức độ hội nhập rất cao. Vì vậy, nguồn nhân lực logistics chất lượng cao phải được đào tạo để không chỉ đáp ứng yêu cầu trong nước mà còn làm việc được ở nước ngoài, đặc biệt là trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Do đó, các cơ sở đào tạo nhân lực logistics trong nước cần đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo chuẩn của những chương trình đào tạo quốc tế (chẳng hạn chương trình đào tạo của FIATA, chương trình AFFTA - ASEAN, chương trình đào tạo nghề Au4Skills Úc - Việt Nam)… Trong các chương trình này, cần kết hợp giữa đào tạo kiến thức chuyên môn với kỹ năng nghề nghiệp và đào tạo tiếng Anh chuyên ngành logistics với kỹ năng tin học. - Các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nhu cầu đào tạo nhân lực logistics như đảm bảo đầy đủ hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, các điều kiện học tập, thực hành, các thiết bị máy móc, hệ thống phần mềm mô phỏng hỗ trợ học tập bám sát thực tế kinh doanh. - Cần thay đổi phương pháp đào tạo cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn, làm tăng nguy cơ tụt hậu và phải đào tạo lại, thậm chí đào thải ngay sau khi tốt nghiệp. Cần đa dạng hoá phương thức đào tạo, kết hợp giữa đào tạo chính quy tập trung với đào tạo từ xa, đào tạo dài hạn với ngắn hạn, đào tạo tại trường kết hợp với đào tạo thực tế tại các doanh nghiệp. Đưa các chương trình khoa học công nghệ cao về logistics vào đào tạo tại các trường đại học nhằm phù hợp với yêu cầu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. - Phát triển các chương trình đào tạo thích hợp cho từng nhóm đối tượng đào tạo, bao gồm: Cán bộ quản lý tham gia vào việc hoạch định đường lối, chính sách và quản lý trực tiếp lĩnh vực logistics; cán bộ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp; cán bộ thừa hành công việc tại công sở và cán bộ làm công tác hiện trường. - Tăng cường liên kết và hợp tác giữa các cơ sở đào tạo về logistics. Trước mắt, cần chuyển đổi mô hình liên kết phi chính thức của Mạng lưới đào tạo logistics Việt Nam sang mô hình chính thức là Hiệp hội Đào tạo Logistics Việt - một tổ chức quy tụ các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo logistics trong cả nước. Các thành viên trong Hiệp hội này có thể thực hiện các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên, công nhận tín chỉ lẫn nhau hoặc hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực logistics. - Các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp logistics phối hợp xây dựng thổng thông tin hoặc thư viện kiến thức ngành logistics làm nguồn tài nguyên kiến thức chung phục vụ hoạt động học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực logistics. - Các trường đại học ở Việt Nam cần học tập, kinh nghiệm đào tạo lĩnh vực logistics của các trường đại học ở nước ngoài trong việc xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo gắn rất chặt với doanh nghiệp. Nhờ những trung tâm đó, bản thân các trường đại học cũng như doanh nghiệp đều thu được lợi ích. Về phía các trường, sinh viên sẽ được học tập ở môi trường sát với thực tế; về phía doanh nghiệp sẽ tìm nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai. 
  10. 680 QUẢN TRỊ NHÂN LỰC DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 Về phía các cơ sở sử dụng nhân lực logistics:  Với tư cách là người sử dụng nhân lực logistics, doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần tích cực trong việc chủ động nâng cao chất lượng nhân lực logistics của doanh nghiệp mình bằng cách: - Sẵn sàng hợp tác với các cơ sở đào tạo nhằm hỗ trợ các đơn vị này hoàn thiện chương trình đào tạo về lĩnh vực logistics sao cho gắn với thực tiễn; sẵn sàng tiếp nhận người học tới thực tập, thực tế tại doanh nghiệp; sẵn sàng tham gia giảng dạy các học phần thực tế tại các cơ sở đào tạo. - Tăng cường gắn kết với các cơ sở đào tạo nhằm xây dựng chương trình đào tạo riêng, đặc thù theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp mình.  TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Ban Chấp hành Trung ương (2016), Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. 2. Bộ Công Thương (2018) Báo cáo Logistics Việt Nam 2018, NXB Công Thương 3. Chính phủ (2017), Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/09/017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. 4. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020.  5. Tài liệu Hội nghị khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, 2018. 6. Chu Thị Bích Ngọc (2014), Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Tạp chí Lý luận Chính trị số 2-2014.
nguon tai.lieu . vn