Xem mẫu

  1. HUFLIT International Conference On Ensuring A High-Quality Human Resource In The Modern Age - Oct 16, 2020 doi: 10.15625/vap.2020.00116 PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHO CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP Đào Vĩnh Hợp Trường Đại học Sài Gòn daovinhhop.dhsg@gmail.com TÓM TẮT: Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) không chỉ được biết đến với hơn 300 năm tạo dựng mà còn là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, kể từ thời tiền sử cách nay khoảng 4000 - 3500 năm. Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Thành phố khá phong phú, đa dạng và có giá trị vô cùng to lớn. Trước thời kỳ hội nhập như hiện nay, Thành phố đang có chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa để phục vụ cho sự phát triển chung của Thành phố. Bài viết nhằm nêu lên thực trạng nguồn nhân lực và đề xuất những giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố. Từ khóa: Nguồn nhân lực, bảo tồn, phát huy, di sản, Thành phố Hồ Chí Minh. I. ĐẶT VẤN ĐỀ Sài Gòn - TP. HCM là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa với hệ thống di sản văn hóa đa dạng và phong phú. Các di sản văn hóa vật chất và tinh thần đã và đang đồng hành cùng với những thăng trầm và sự phát triển đầy năng động của Thành phố nên rất cần được bảo tồn và phát huy, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Xuất phát từ vai trò của hệ thống di sản văn hóa đối với Thành phố cũng như tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản và thực tế của hoạt động bảo tồn di sản trên địa bàn TP.HCM,... đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách cho công tác đào tạo, quản lý đối với đội ngũ làm công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố. Bài viết nhằm giới thiệu tổng quan về hệ thống các di sản văn hóa ở TP.HCM và tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển của Thành phố; vai trò và thực trạng của đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay; từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập. II. HỆ THỐNG DI SẢN VĂN HÓA Ở TP. HCM VÀ VAI TRÕ ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THÀNH PHỐ A. Khái quát về hệ thống di sản văn hóa Theo Điều 1, Chương 1 của Luật Di sản Văn hóa năm 2001 thì “Di sản văn hoá bao gồm di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” [1]. Căn cứ vào Luật trên thì hệ thống di sản văn hóa hiện tồn tại ở TP. HCM có thể phân thành: Di sản văn hóa vật thể: - Di tích khảo cổ thời tiền - sơ sử. Những dấu vết sớm nhất chứng minh sự hiện diện của con người ở vùng đất Sài Gòn - TP. HCM mà khảo cổ học đã tìm thấy được có niên đại khoảng 3.500 năm cách ngày nay. Các di tích phân bố từ những vùng đất cao như Quận 12, Thủ Đức, Hóc Môn đến những vùng đồi gò ven sông như Quận 2, Quận 9, Quận 1 và xuống những vùng đất thấp trũng, cận biển như Bình Chánh, Cần Giờ. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã phát hiện hơn 30 di chỉ và vết tích khảo cổ có mặt trong vùng nội và ngoại thành, 02 di tích khảo cổ xếp hạng cấp quốc gia, đó là di tích Giồng Cá Vồ và di tích Lò gốm Hưng Lợi [2]. - Di sản văn hóa đánh dấu lịch sử khai phá vùng đất mới. Hiện nay, Thành phố có hàng trăm ngôi đình, chùa cổ, nhà cổ, mộ cổ… lưu dấu ấn những lưu dân Việt đầu tiên vào khai phá vùng đất Nam Bộ như: đình Nam Chơn, đình Phú Nhuận, đình Bình Thọ, chùa Giác Lâm, Giác Viên, Hội Sơn,… Loại hình di tích mộ cổ có niên đại chủ yếu từ đầu thế kỷ XIX tới đầu thế kỷ XX, phân bố tại gần hết các quận huyện của Thành phố mà tập trung nhất tại các Quận 2 (63 địa điểm), quận Phú Nhuận (11 địa điểm), Quận 9 (9 địa điểm), quận Gò Vấp (8 địa điểm). - Di sản kiến trúc của người Hoa ở Chợ Lớn. Từ cuối thế kỷ XVII, sau khi đặt chân đến Cù Lao Phố và Mỹ Tho, các di dân Trung Hoa đã có mặt tại vùng Sài Gòn. Toàn Thành phố hiện có 86 miếu và hội quán trong đó có 25 hội quán được xây dựng trên 100 năm còn tồn tại tập trung chủ yếu ở khu vực Chợ Lớn, như hội quán Tuệ Thành, Quảng Triệu, Hà Chương, Ôn Lăng, Lệ Châu,…[3]. Tại khu vực Chợ Lớn, còn có các chợ, khu phố cổ, hẻm cổ, nhà cổ, cửa hàng,…
  2. 426 PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHO CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP - Di sản kiến trúc dinh thự, công sở, nhà vườn, biệt thự thời Pháp thuộc. Đến nay, theo thống kê, Thành phố còn hơn 60 công trình tiêu biểu, được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX gồm: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Bảo tàng Thành phố, Bảo tàng Lịch sử, Trụ sở UBND Thành phố, Trụ sở Tòa án Nhân dân Thành phố, Bệnh viện Nhi Đồng II, Tòa Tổng giám mục, Trường Lê Quý Đôn, trường Marie Curie, trường Đại học Sài Gòn,… và các công trình công nghiệp và hạ tầng đô thị cổ ở khắp Thành phố. Kiến trúc đô thị Sài Gòn - TP. HCM là sự kết hợp giữa phương Tây và phương Đông - bản địa và ngoại sinh làm cho các công trình kiến trúc ở Sài Gòn thời thuộc Pháp có một phong cách kiến trúc khá đặc biệt, được gọi là phong cách kiến trúc Đông Dương [4]. - Di sản công trình công nghiệp và hạ tầng đô thị qua các thời kỳ. Hiện nay, TP.HCM còn lại khu văn phòng của Nhà máy điện Chợ Quán; Khu vực tháp nước hồ Con Rùa; Khu vực xí nghiệp liên hiệp Ba Son. Về đường bộ, năm 2011, Thành phố có tổng cộng 3.879 đường với chiều dài 3.534 km... [5]. Hiện nay các tuyến đường nội đô còn nhiều cây xanh cổ thụ như Đồng Khởi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Chí Thanh,… Về công viên, nổi tiếng có: công viên 30 tháng 4, Thảo cầm viên, Tao Đàn, 23 tháng 9, Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng, Gia Định, Phú Lâm,… Thành phố hiện nay có mạng lưới sông ngòi gồm: sông Ðồng Nai, sông Sài Gòn và sông Nhà Bè, cùng với đó là mạng lưới kênh rạch chằng chịt: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Nghé, Lò Gốm, Tàu Hũ,... Trên các sông và kênh, rạch có các cây cầu cổ: cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu, cầu Thị Nghè, cầu Mống, cầu Calmette, cầu Ông Lãnh, cầu Chữ Y, cầu Chà Và,… Di sản văn hóa phi vật thể. Các lễ hội truyền thống của cộng đồng: Lễ hội Nginh Ông ở xã Cần Thạnh và một số nơi thuộc huyện Cần Giờ là một trong những lễ hội thờ cúng cá Voi lớn nhất Nam Bộ. Các ngành nghề truyền thống cũng có nhiều lễ hội: lễ hội giỗ Tổ nghề kim hoàn được tổ chức ở hội quán Lệ Châu và tại các hội đoàn, gia đình theo nghề kim hoàn; lễ hội giỗ Tổ ngành hát Bội và Cải lương tại nhà truyền thống sân khấu (số 133, đường Cô Bắc, Quận 1) và tại các đoàn hát,… [6]. Các lễ hội tưởng nhớ những nhân vật có công giúp đỡ cộng đồng trong công cuộc di cư trên vùng đất mới: như Nguyễn Hữu Cảnh, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh… Lễ hội của cộng đồng người Hoa để tưởng nhớ các vị thần: Thiên Hậu, Quan Công... Bên cạnh đó, TP. HCM cũng là cái nôi của đờn ca tài tử và hiện đang phục hồi và phát triển với trên 1000 tài tử đờn và ca, các làng nghề thủ công truyền thống có số lượng ước tính trên 60 làng, được phân bố trong cả nội và ngoại thành. B. Tầm quan trọng của di sản văn hóa đối với sự phát triển của Thành phố Được tạo dựng trải qua nhiều thời kỳ: Sài Gòn thời tiền sử (cách nay 4000 - 3500 năm); Sài Gòn thời Phù Nam - Chân Lạp (thế kỷ I - XVI); lịch sử hơn 300 năm tính từ khi người Việt, người Hoa vào khai hoang lập nghiệp, nên hệ thống di sản văn hóa của vùng đất Sài Gòn - TP. HCM rất phong phú. Hiện nay, các di sản vật chất đã tạo thành một tổng thể di sản - cảnh quan - môi trường của Thành phố, làm nổi bật bản sắc văn hóa của cư dân, tạo cho Thành phố một vị thế địa lý và truyền thống lịch sử độc đáo để từ đó hình thành một “Bản sắc địa - văn hóa” năng động và cởi mở. Thời gian qua, hoạt động quản lý văn hóa của Thành phố đã đạt được những thành tựu nhất định: các cuộc vận động cộng đồng tham gia bảo vệ di sản đã được phát động và thu được nhiều kết quả; một số công trình nghiên cứu về các giá trị di sản cũng như vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Thành phố được triển khai;... Nhờ vậy, nhiều di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia hoặc Thành phố. Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao TP. HCM, đến hết tháng 5 năm 2017, Thành phố có 172 di tích đã được xếp hạng. Trong đó, có 02 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử); 56 di tích quốc gia (02 - khảo cổ học, 30 - kiến trúc nghệ thuật, 24 - lịch sử); 114 di tích cấp thành phố (66 - kiến trúc nghệ thuật, 48 - lịch sử) [7]. Đây chính là cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. Tuy nhiên, việc áp dụng kết quả nghiên cứu trên vào bảo tồn, phát huy vẫn còn nhiều bất cập. Các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Thành phố đã trải qua thời gian nên xuống cấp dần hoặc đang bị biến đổi dưới áp lực của quá trình đô thị hóa,… Điển hình, trên địa bàn Thành phố, còn nhiều di tích vẫn chưa được xếp hạng, điều này đồng nghĩa với nguy cơ bị xâm hại rất lớn và không thể cấm người dân sửa chữa. Riêng với những di tích được xếp hạng, việc quản lý vẫn chưa thực sự đảm bảo khoa học. Mặt khác, trên đà phát triển thịnh vượng và đô thị hóa mạnh mẽ, bộ mặt Thành phố đổi thay rất nhiều, các di sản văn hóa đã ít nhiều bị ảnh hưởng. Một phần không gian cổ kính và trang nghiêm của các kiến trúc cổ được thay thế bằng những công trình mới xây dựng, thậm chí được bố trí xen kẽ giữa những công trình mới và công trình cũ. Mặt khác, lối sống đô thị cũng làm cho các giá trị văn hóa truyền thống bị thay đổi, khó được bảo lưu. Do vậy, nhất thiết phải giữ gìn các di sản để làm tăng bản sắc văn hóa cho Thành phố. Cũng như ở nhiều nước Đông Nam Á và phương Đông, những công trình kiến trúc “thuộc địa” mà cụ thể là các kiến trúc Pháp ở Sài Gòn, sau một thời gian bị lỗi thời đã tìm lại được tiếng nói chung với xu thế kiến trúc hậu hiện đại. Chắc chắn, nếu biết bảo vệ và phát huy, những kiến trúc này không chỉ trở thành những di sản kiến trúc quý mà còn góp phần vào việc tạo ra những kiến trúc hiện đại trong tương lai.
  3. Đào Vĩnh Hợp 427 III. THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC CHO CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TP. HCM A. Khái niệm nguồn nhân lực Trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề nguồn lực phát triển của một quốc gia, dân tộc đang được đặc biệt chú ý nghiên cứu. “Nguồn lực con người là dân số và chất lượng con người, bao gồm cả thể chất và tinh thần, sức khỏe, trí tuệ, năng lực và phẩm chất” [8]. Nguồn nhân lực khoa học xã hội được xem là một trong những vốn cơ bản nhất cho sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần đưa quan điểm, chủ trương phát triển bền vững vào thực tiễn cuộc sống [9]. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa bao gồm cả những người thực hiện quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật và cả cộng đồng tham gia bảo tồn di sản. Chính từ giá trị vô cùng quan trọng của hệ thống các di sản văn hóa, do vậy Thành phố rất cần có những chiến lược đồng bộ và lâu dài để phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị này. Trong đó, yếu tố con người - nguồn nhân lực trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa cần được đặt lên hàng đầu. B. Thực trạng nguồn nhân lực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản Trong thời gian qua, vấn đề chú trọng đến nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản nói chung chưa được đặt ra phù hợp với tình hình thực tế và tiềm năng di sản của Thành phố. Công tác chuẩn bị, đào tạo đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ để nghiên cứu di sản, thực hiện các dự án hay quảng bá hình ảnh , giá trị di sản,... của các sở ban ngành, cơ quan tư vấn về bảo tồn, phát huy giá trị di sản,... thật sự vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Thực tế, một khi công tác nghiên cứu nghiệp vụ không được chú ý, đội ngũ cán bộ chuyên môn không đáp ứng được nhiệm vụ quản lý di sản, thì di sản bị biến dạng, bị hủy hoại một cách vô thức và hữu thức là điều không thể tránh khỏi [10]. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ của Thành phố đã dẫn đến tình trạng mở cửa rộng rãi cho các thành phần kinh tế tham gia vào công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Theo đó, một lực lượng đông đảo các đơn vị đã tham gia vào công tác này. Tuy nhiên, thực tế về đội ngũ cán bộ quản lý cùng các kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân kỹ thuật,... cũng cần xem xét ở trình độ chuyên môn cũng như hiểu biết sâu rộng về di sản và khả năng nắm được những nguyên tắc cơ bản trong tu bổ và phục hồi giá trị di sản. Mặt khác, những quy định về xây dựng cơ bản, như đơn vị thiết kế không được trực tiếp tham gia thi công,... đã tạo ra sự bất cập trong quy trình bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Các đơn vị thi công và giám sát thi công chưa đủ kiến trúc sư, kỹ sư trùng tu và nghệ nhân, nên việc thi công chưa đáp ứng những yêu cầu của khoa học đề ra. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng công trình và giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Ngoài ra, Thành phố hiện đang phát triển mạnh các hoạt động kinh tế, du lịch. Theo số liệu của Sở du lịch, trong năm 2019, tổng lượt khách quốc tế đến TP.HCM đạt 8,619 triệu lượt khách, tăng 13,48 % so với cùng kỳ (năm 2018 đạt 7,595 triệu lượt khách); khách du lịch nội địa đạt 32,77 triệu lượt, tăng 13 % so với năm 2018 (cùng kỳ đạt 29 triệu lượt khách) [11]. Nhiều giá trị di sản văn hóa đã nằm trong chương trình của các công ty du lịch nổi tiếng. Điển hình như: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - Dinh Độc Lập - Nhà thờ Đức Bà - Bưu điện Thành phố - Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bến cảng Nhà Rồng - Chùa Giác Lâm - Miếu Bà Thiên Hậu Quận 5,... là các địa điểm đến trong chương trình tour của các công ty du lịch như Lửa Việt, Saigon tourist,… Tuy nhiên, nguồn nhân lực phục vụ cho loại hình “du lịch di sản” ở Thành phố vẫn còn một số bất cập như: nhiều người tham gia hướng dẫn du lịch vẫn chưa được đào tạo khoa học, do đó chưa nắm được nội dung, giá trị di sản nên mỗi người giới thiệu di sản một khác, hoặc trình bày sai lệch về giá trị của di sản... Từ thực trạng trên, đòi hỏi thành phố cần có chiến lược trước mắt và lâu dài đối với công tác nguồn nhân lực nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, nhất là trong trong thời kỳ hội nhập hiện nay. IV. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC PHỤC VỤ CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững TP. HCM, đồng thời cũng để phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập, theo chúng tôi cần chú ý đến những giải pháp sau: A. Về mặt tổ chức quản lý các di sản văn hóa và nguồn nhân lực Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trước nhất chính sách của Ủy ban Nhân dân Thành phố, các sở ban ngành… đóng vai trò hết sức quan trọng. Thành phố cần có những chính sách đa dạng, linh hoạt phù hợp với thực tế, đặc biệt hài hòa được quyền lợi của người dân với Nhà nước. Các Sở, ban ngành cần chỉ đạo việc thống kê, đề xuất danh sách các công trình kiến trúc có giá trị cần bảo tồn trình Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét. Các sở ngành chức năng cũng cần nghiên cứu xây dựng cơ chế bảo tồn, nhất là đối với các di có giá trị nhưng chưa đủ điều kiện xếp hạng. Cần có chiến lược quy hoạch lại cảnh quan di tích, các hoạt động tín ngưỡng, khôi phục các loại hình văn hóa nghệ thuật, các lễ hội của cộng đồng, bảo quản, giữ gìn, kiểm kê, nghiên cứu giá trị những hiện vật cổ gắn với tín ngưỡng của cư dân.
  4. 428 PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHO CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP Cần tổ chức đào tạo và hướng dẫn nghiệp vụ về di sản văn hóa; trực tiếp thẩm định các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia; thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra các hoạt động bảo tồn di tích quốc gia để phát hiện và có giải pháp khắc phục kịp thời những sai phạm trong việc tu bổ, tôn tạo di tích, vì nếu để đến khi công luận lên tiếng mới kiểm tra, thanh tra thì không thể trả lại cho di tích cái giá trị mà nó vốn có được. Khác với các loại tài sản khác, di sản văn hóa không thể tái sinh, nên việc phát hiện sớm, kịp thời những sai sót trong bảo tồn di tích để khắc phục ngay là cực kỳ quan trọng, cũng cần kíp như bác sĩ điểu trị bệnh nhân cao tuổi vậy [12]. B. Công tác nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực Cần tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bao gồm đội ngũ quản lý, nghiên cứu về di tích, các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, kỹ thuật viên, thợ nghề, nghệ nhân, những người làm công tác bảo vệ di tích ở cơ sở... Hoạt động nghiên cứu khoa học về các di tích cũng nên được đẩy mạnh để xác định đúng đắn giá trị di sản văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh của di sản ra bên ngoài một cách rộng rãi qua các phương tiện truyền thông như sách báo, tạp chí, internet... Chính quá trình nghiên cứu cũng là quá trình giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hóa, ý thức này được tăng cường thông qua việc nâng cao chất lượng công trình nghiên cứu. Chúng tôi nghĩ rằng, cần phải có một số ngành nghiên cứu đặc thù để tiếp cận di sản văn hóa, điển hình như: ngành khảo cổ học đô thị, nhân học ứng dụng, văn hóa du lịch… Hệ thống các di tích trên địa bàn Thành phố cần được đưa thành một môn học bắt buộc đối với sinh viên, nhất là sinh viên ngành văn hóa du lịch. Cần khuyến khích các công trình nghiên cứu khoa học, đề tài, luận văn, luận án… nghiên cứu về Thành phố nói chung, đặc biệt là các di sản văn hóa. Hỗ trợ hơn nữa cho các dự án, trưng bày, triễn lãm về các giá trị di sản của Thành phố nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đến người dân, thế hệ trẻ và cả du khách xa gần… Những Viện nghiên cứu, Sở ban ngành, Trung tâm bảo tồn di tích, các bảo tàng... là những đơn vị nghiên cứu trực tiếp về công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa. Vì vậy, cần tăng cường đầu tư để có được một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn hóa và tính nghiệp vụ cao trên các lĩnh vực lớn như bảo tồn di tích khảo cổ học; di tích tín ngưỡng - tôn giáo, di tích lịch sử - cách mạng,... Xây dựng kế hoạch và tổ chức các chương trình đào tạo ngắn ngày, các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, các chương trình đào tạo chuyên sâu,... cho cán bộ quản lý, chuyên viên và kể cả nghệ nhân có tay nghề cao. Cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để các Viện nghiên cứu, trường Đại học, Bảo tàng trở thành những trung tâm nghiên cứu, thực nghiệm, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác quản lý di sản. Bên cạnh đó, vấn đề hội nhập quốc tế trong công tác đào tạo, trao đổi nguồn nhân lực cũng cần được đầu tư cơ bản. Ở Việt Nam nói chung và Thành phố nói riêng rất cần một đội ngũ kiến trúc sư chuyên nghiệp và một thái độ thẳng thắn của các nhà chuyên môn trong các vấn đề khoa học liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản [13]. Do vậy, cần phải đào tạo và nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ chuyên gia, khuyến khích các các bộ, giảng viên đi học tập, trao đổi với nước ngoài. Qua đó, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ ý kiến của chuyên gia và bạn bè quốc tế, cũng như kinh nghiệm bảo tồn và phát huy di sản của các nước tiên tiến như Mỹ, Pháp,... chẳng hạn trong trong các vấn đề bảo tồn di sản cho Thành phố. C. Xây dựng các cơ chế chính sách trong bảo tồn phát huy giá trị di tích và quản lý nguồn nhân lực Để có cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, trước nhất, cần đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân chủ trì lập quy hoạch, dự án hoặc chù trì tổ chức thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Vấn đề đơn giá cho bảo tồn di tích cũng cần tiếp tục được tháo gỡ cho phù hợp với tính đặc thù, chuyên biệt, đảm bảo cho các đơn vị chuyên tâm vào hoạt động này. Trong vấn đề quy hoạch đô thị, Thành phố nên học hỏi và áp dụng các bài học và kinh nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới. Trong suốt quá trình hoạch định và quản lý, các công việc cần phải phù hợp với luật môi trường, như đa dạng sinh học, luật bảo tồn văn hóa và các quy định, điều lệ về cảnh quan đô thị,... Các cấp chính quyền cần nghiên cứu thêm những cách thức để hỗ trợ cho cán bộ cơ sở, các trường học, chủ nhân di sản,... bằng nhiều cách thức phù hợp để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được ảnh hưởng sâu, rộng đến cả cộng đồng. Điển hình, có thể kể đến như triển khai học tập Luật Di sản văn hóa và các luật định có liên quan để cộng đồng có thể tiếp cận, hiểu được quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ di sản của Thành phố. Ngoài ra, giáo dục cho cộng đồng hiểu được những giá trị di sản cũng là một vấn đề nên làm bên cạnh việc phục vụ nhu cầu kinh tế, du lịch cho cộng đồng. Trong thời gian tới, nhà nước cần đầu tư kinh phí để tu bổ cho những công trình đang bị hư hại; tuyên truyền nâng cao ý thức bảo tồn di sản trong nhân dân; cần kết hợp với đầu tư tối đa cho việc nâng cao hơn nữa các yếu tố hạ tầng đô thị, môi trường cảnh quan, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các chương trình quảng bá du lịch... Thực tế, nguồn nhân lực di sản gắn bó chặt chẽ với hoạt động du lịch. Do vậy, Thành phố cũng cần có chiến lược lâu dài cho lĩnh vực du lịch di sản văn hóa như: đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên nhà hàng
  5. Đào Vĩnh Hợp 429 khách sạn, hướng dẫn viên du lịch... Nếu được đào tạo bài bản và hoạt động có hiệu quả thì đây sẽ là nguồn tài nguyên quý giá để phát huy giá trị di sản. V. KẾT LUẬN Như vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Thành phố cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía: Nhà nước, các sở ban ngành, cộng đồng, chủ nhân các di tích và cả cộng đồng. Thành phố cần có chiến lược cụ thể và lâu dài, trong đó những giải pháp trong công tác nguồn nhân lực đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Qua đó, các giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại được bảo tồn cũng như giúp Thành phố phát triển mạnh mẽ hơn, hướng đến mục tiêu: “phát triển nhanh, bền vững; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình” như Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2001), Luật Di sản văn hóa, Số: 28/2001/QH10, Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 200. [2] Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch TP. HCM, Sở Giáo dục & đào tạo TPHCM, Thành đoàn TP. HCM, TT Bảo tồn & phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP. HCM (2011). Hành trình di sản văn hóa TP. HCM. NXB. Thông tấn, tr.15. [3] Võ Thanh Bằng (chủ biên) (2008). Tín ngưỡng dân gian ở TP. HCM. NXB. ĐH Quốc gia TP. HCM, tr. 431-436. [4] Ngô Văn Doanh (2000). "Kiến trúc Pháp ở Sài Gòn". Sài Gòn - TP. HCM thế kỷ 20 - Những vấn đề lịch sử văn hoá. NXB. Trẻ, TP. HCM. tr. 365-370. [5] Trần Hữu Quang (2011). Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu. NXB.Tổng hợp TP.HCM, tr. 52. [6] Huỳnh Quốc Thắng (2014). “Chuyển tải các giá trị không gian văn hóa lễ hội Sài Gòn - TP. HCM vào khu đô thị mới Thủ Thiêm”. Kỷ yếu HT Lễ hội cộng đồng: truyền thống và biến đổi. NXB. ĐH QG TP. HCM, tr. 603-612. [7] Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (2017). Danh sách các công trình, địa điểm đã được quyết định xếp hạng di tích trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (đến hết tháng 5 năm 2017). Từ website: http://svhtt.hochiminhcity.gov.vn. Truy cập lúc 16:00 ngày 22/08/2018. [8] Phạm Minh Hạc (Chủ biên) (1996). Vấn đề con người trong sự nghiệp CNH, HĐH. NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 328. [9] Phạm Văn Đức (2015). "Phát triển bền vững và vai trò của khoa học xã hội đối với phát triển bền vững ở Việt Nam". Tạp chí Khoa học xã hội VN, số 2(87), tr. 9-18. [10] Nguyễn Quốc Hùng (2007). "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Việt Nam hiện nay từ lý luận đến thực tiễn". Bảo tàng - Di tích: Một số vấn đề lý luận thực tiễn. NXB. Văn hóa Thông tin, tr. 3-51. [11] Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (2020), từ http://sodulich.hochiminhcity.gov.vn. Truy cập lúc 10:26, ngày 8/4/2020. [12] Lưu Trần Tiêu (2012). "Mấy vấn đề về nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa". Di sản văn hóa Số 3 (40), tr. 17-21. [13] Phạm Quốc Quân (2008). "Di sản văn hóa Việt Nam: Đôi điều suy ngẫm". Di sản văn hóa bảo tồn và phát triển. NXB. Tổng hợp Tp.HCM, tr. 43-53. HUMAN RESOURCES DEVELOPMENT FOR PRESERVATION AND EXPLOITING CULTURAL HERITAGE IN HO CHI MINH CITY UNDER THE CONTEXT OF GLOBAL INTEGRATION Dao Vinh Hop ABSTRACT: Saigon - Ho Chi Minh city is not only a land region of over 300 years of establishment and development but it has much layers of traditional culture from the prehistory (about 4000 - 3500 Bp) until now. The city is plentiful, diversified by a system of tangible and intangible cultural heritage with its greatly high value. Nowadays, under the context of global integration, the city is outlining strategic plans to preserve and promote the value of this heritage system to support the city’s general achievements. This paper mentions to the state of human resources and put forward some resolutions of human resources management, which helps conserve and exploit cultural heritage system of the city.
nguon tai.lieu . vn