Xem mẫu

  1. PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC TƯ VẤN TÂM LÍ CHO GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG GÓP PHẦN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC ThS. Mai Thị Mai Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Tóm tắt Quá trình học tập và phát triển, học sinh luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới và hội nhập, tình hình dịch bệnh toàn cầu như hiện nay thì khó khăn thách thức càng trở nên phức tạp hơn. Nhu cầu tư vấn tâm lí của học sinh ở các trường học là rất lớn và vai trò của người giáo viên là vô cùng quan trọng. Thực tế cho thấy năng lực tư vấn tâm lí của giáo viên còn nhiều hạn chế về kiến thức và kĩ năng cơ bản, dẫn đến rất ít học sinh tìm đến giáo viên để hỗ trợ giải quyết. Việc bồi dưỡng phát triển năng lực tư vấn cho giáo viên là cần thiết và phù hợp với đặc thù lao động nghề nghiệp của họ. Vì vậy, bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên là một trong những biện pháp quan trọng nhằm phát triển năng lực này cho giáo viên, từ đó giúp học sinh giải quyết được những khó khăn trong học tập và cuộc sống. Nghiên cứu này tập trung vào làm rõ: nhu cầu tư vấn học đường, thực trạng năng lực tư vấn tâm lí của giáo viên phổ thông và vấn đề bồi dưỡng năng lực tư vấn tâm lí cho giáo viên phổ thông thông qua việc tìm hiểu, tổng kết những nghiên cứu, hoạt động về tư vấn tâm lí của TTNC Tâm lí học – Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trong thời gian 10 năm qua. Từ khoá: Tư vấn tâm lí, năng lực giáo viên, nhu cầu tư vấn tâm lí, bồi dưỡng giáo viên. 1. Mở đầu Xã hội phát triển cũng với những mối quan hệ đa dạng, yêu cầu và áp lực của việc học ngày càng cao khiến cho học sinh hiện nay gặp không ít những khó khăn tâm lí. Bởi vậy, các em học sinh cần nhận được sự trợ giúp để phát triển toàn diện cả về thể lực, tri thức và nhân cách. Trên thế giới, rất nhiều quốc gia nhận thấy tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lí, vai trò của giáo viên trong việc tham gia hỗ trợ học sinh gặp khó khăn cả về học tập hướng nghiệp và rối nhiễu tâm lí. Ở nước ta, công tác tư vấn tâm lí cho học sinh phổ thông đã được ngành giáo dục và đào tạo quan tâm thể hiện qua các văn bản, chỉ thị, công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực tế, công tác tư vấn tâm lí cho 174
  2. học sinh được thực hiện với các hình thức khác nhau và phần nào giúp các em giải quyết khó khăn vướng mắc, giải toả căng thẳng tâm lí. Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo như được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW đã nêu thì việc tăng cường công tác tư vấn tâm lí sẽ góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ của ngành giáo dục. Tháng 12/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT- BGDĐT về “Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lí cho học sinh trong trường phổ thông”. Thông tư nêu rõ yêu cầu cần thành lập tổ tư vấn ở trường học. Trong điều kiện đội ngũ nhân lực được đào tạo tư vấn/tham vấn tâm lí còn hạn chế như hiện nay, để thực hiện được quy định của thông tư thì vai trò của giáo viên nói chung, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh giải quyết những khó khăn tâm lí nảy sinh. Chính vì vậy, việc bồi dưỡng giáo viên để giúp họ có những kiến thức, kĩ năng cơ bản trong quá trình thực hiện tư vấn cho học sinh là điều rất cần thiết và có ý nghĩa. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Nhu cầu tư vấn học đường và yêu cầu đặt ra đối với giáo viên phổ thông Các nghiên cứu của tác giả Hoàng Gia Trang (2013, 2016, 2020); Nguyễn Hồng Thuận (2018), Lê Quỳnh Nga (2020), Nguyễn Hồng Thuận & Lê Thị Quỳnh Nga (2017), Nguyễn Thị Hiền (2016)…đã chỉ rõ những khó khăn học sinh thường gặp phải trong thực tế học tập cũng như đời sống từ đó xác định nhu cầu tư vấn của học sinh, cụ thể như sau: Những khó khăn học sinh thường gặp phải, các tác giả Nguyễn Hồng Thuận, Lê Thị Quỳnh Nga (2015, 2017), Nguyễn Thị Hiền (2016),…đưa ra bao gồm: Khó khăn trong học tập: phương pháp học chưa đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ học tập; phải ứng phó với những áp lực thi cử và thành tích học tập, căng thẳng do học quá nhiều không được nghỉ ngơi, …; Khó hợp tác với bạn: khi thực hiện nhiệm vụ học tập hoặc trong hoạt động chung (không giải quyết được mâu thuẫn, không tạo được uy tín, bị các bạn tẩy chay,…); Những băn khoăn trong vấn đề giới tính: sự phát triển về cơ thể, những hiện tượng bất thường về giới tính, ….; Vướng mắc trong quan hệ với cha mẹ: Khi bị cha mẹ tạo áp lực về học hành và thi cử, thành tích học tập, bất bình đẳng trong quan hệ gia đình, khi thiếu sự đồng cảm và chia sẻ từ cha mẹ, mẫu thuẫn gia đình,…; Khó khăn trong quan hệ với thầy cô: Cảm thấy giáo viên có định kiến về mình, cho rằng thầy cô không yêu quý mình…; Khó khăn trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai, phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân. Nghiên cứu của tác giả Hoàng Gia Trang cũng cho biết, ở độ tuổi học sinh, trẻ đang có sự phát triển mạnh về các mặt tâm- sinh lí, sự tác động của môi trường gia đình, xã hội đồng thời yêu cầu về học tập đã tác động đến 175
  3. sự phát triển của học sinh, gây ra những khó khăn tâm lí. Một số nghiên cứu trước đây cho thấy, tỉ lệ học sinh rối nhiễu tâm lí, khó khăn tâm lí là 15% - 20% (Hoàng Gia Trang, 2020, tr 620). Như vậy, theo ước đoán sẽ có khoảng gần 3 triệu học sinh có khó khăn tâm lí ở các mức độ khác nhau. Nếu học sinh không được trợ giúp kịp thời sẽ dẫn đến những khó khăn tâm lí học đường như: căng thẳng, lo lắng, sợ học, chán học, gây hấn, bạo lực…Từ đó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động học tập của học sinh cũng như công tác giáo dục toàn diện của các trường phổ thông. Không chỉ cho thấy những khó khăn trong học tập và trong cuộc sống của học sinh, các nghiên cứu cũng chỉ rõ những khó khăn gặp phải từ phía giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục, và cả cha mẹ học sinh. Những khó khăn của giáo viên: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục, giáo viên cũng gặp phải một số khó khăn về tâm lí, phương pháp sư phạm và những vấn đề xã hội khác trong nhà trường, những khó khăn phố biến mà giáo viên gặp phải, đó là: Khó khăn trong việc ứng xử với học sinh; Khó khăn trong việc phối hợp với gia đình học sinh để giáo dục nhân cách cho các em; Khó khăn trong giáo dục những học sinh đặc biệt, chẳng hạn: học sinh có hành vi lệch chuẩn, học sinh có khó khăn về đọc – viết – làm toán, học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, học sinh có biểu hiện rối nhiễu học, trầm cảm, học sinh khuyết tật,…; Khó khăn trong tư vấn hướng nghiệp, tư vấn giới tính sức khoẻ sinh sản cho các em,….(Nguyễn Hồng Thuận, 2016). Khó khăn của cha mẹ/ gia đình học sinh: Gia đình là lực lượng giáo dục vô cùng quan trọng trong công tác giáo dục học sinh. Cha mẹ cần được thường xuyên trao đổi thông tin về học sinh, hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi và phát hiện kịp thời những biểu hiện sai lệch ở các em để có biện pháp hỗ trợ đúng lúc. Do đó, cha mẹ có nhu cầu giải quyết những mâu thuẫn, khó khăn tâm lí của con cái. Những khó khăn của học sinh và những vấn đề mà cha mẹ các em gặp phải trong quá trình chăm sóc và giáo dục con thường có mối quan hệ khăng khít. Những khó khăn thường thấy là: Khó khăn khi hướng dẫn con làm quen với môi trường học tập mới, thiệt lập các mối quan hệ mới,…; Khó khăn trong cách ứng xử với con cái: Khó khăn Khi con cái bướng bỉnh, không vâng lời, lầm lì, thu mình, vô lễ, đòi hỏi vô lí, mắc lỗi,…; Khó khăn vì chưa thấu hiểu con, khó nhận ra nhu cầu thực sự của con cái; Khó khăn khi giáo dục giới tính cho con và khó kiểm soát các mối quan hệ bạn bè của con; Khó khăn trong việc hợp tác, phối hợp với giáo viên và nhà trường để giáo dục con,…(Nguyễn Thị Hiền 2016), (Nguyễn Hồng Thuận, 2016 & 2018). 176
  4. Từ việc xác định những khó khăn gặp phải trong quá trình giáo dục học sinh, có thể thấy nhu cầu tư vấn của học sinh, giáo viên, nhà trường, cha mẹ và gia đình học sinh là khá lớn đặc biệt là từ học sinh để giải quyết vấn đề gặp phải của các em. Một số nghiên cứu của Hoàng Gia Trang (2016), Lê Thị Quỳnh Nga (2020),…chỉ rõ thực trạng nhu cầu tư vấn của học sinh ở các mặt khác nhau. Khảo sát đối với 392 học sinh tại 4 trường THCS ở Hà Nội và Hà Nam (Hoàng Gia Trang, 2016), cho thấy có tới 80-90% học sinh trả lời có nhu cầu được tư vấn các vấn đề: Định hướng nghề nghiệp; các vấn đề học tập, tệ nạn xã hội, tình trạng bắt nạt và gây hấn, các mối quan hệ xã hội và tình bạn khác giới. Kết quả nghiên cứu cũng khẳng định không có sự khác biệt thống kê giữa các nhóm HS có lực lực giỏi, khá và trung bình. Như vậy có thể thấy rằng, nhu cầu tư vấn của HS không phụ thuộc vào học lực của các em. Nói cách khác, HS có kết quả học tập đạt loại giỏi, khá và trung bình có nhu cầu được tư vấn như nhau. Kết quả nghiên cứu “Phát triển năng lực tư vấn của người giáo viên Trung học phổ thông” của tác giả Lê Thị Quỳnh Nga (2020), cũng khẳng định 65% giáo viên và 64,29% học sinh được hỏi cho biết học sinh cần và rất cần được tư vấn. Tuy nhiên giáo viên đánh giá mức độ nhu cầu cần được tư vấn của học sinh thấp hơn so với thực tế nhu cầu thực tế được tư vấn của học sinh. Học sinh còn thể hiện sự kì vọng của mình khi tìm đến sự tư vấn của giáo viên như: Giáo viên cho lời khuyên/ hướng giải quyết hợp lí với vấn đề gặp phải; Đảm bảo tính bảo mật của thông tin; Không bị định kiến, kì thị; Được lắng nghe và chia sẻ vấn đề gặp phải. Từ những vấn đề nêu trên, trong điều kiện đội ngũ nhân lực được đào tạo tư vấn/ tham vấn tâm lí còn hạn chế như hiện nay, để thực hiện hoạt động tư vấn cho học sinh trong các nhà trường, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn ngày càng cao thì vai trò của giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh nhằm giải quyết những khó khăn tâm lí nảy sinh trong học tập và cuộc sống để phát triển toàn diện. Qua các nghiên cứu nêu trên cho thấy, học sinh và giáo viên được hỏi đều khẳng định rằng, giáo viên có thể tư vấn giúp học sinh giải quyết các khó khăn gặp phải. Muốn vậy, giáo viên phải có kiến thức, kĩ năng cơ bản và thái độ tích cực để thực hiện tư vấn cho học sinh, cho phụ huynh và thực hiện nhiệm vụ của chính mình. Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thông tư mới nhất năm 2021 về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên THCS và THPT cũng đã quy định nhiệm vụ của giáo viên đối với công tác tư vấn, cụ thể: “Tổ chức các hoạt động tư vẫn tâm lí, hướng nghiệp cho học sinh và cha mẹ học sinh của lớp được phân công; (Chương II, Điều 3, khoản 1, điểm e thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021); “Tổ chức các hoạt động tư vẫn tâm lí, hướng 177
  5. nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh và cha mẹ học sinh của lớp được phân công (Chương II, Điều 3, khoản 1, điểm d thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021). 2.2. Năng lực tư vấn tâm lí của giáo viên phổ thông Nghiên cứu của các tác giả như Hoàng Gia Trang (2016, 2020), Lê Thị Quỳnh Nga (2020), Nguyễn Hồng Thuận (2018) đã có những khảo sát, đánh giá về năng lực tư vấn tâm lí của người giáo viên trong bối cảnh hiện nay. Tác giả Lê Thị Quỳnh Nga trong nghiên cứu “Phát triển năng lực tư vấn người giáo viên trung học phổ thông” (2020) đã thực hiện khảo sát thực trạng năng lực của người giáo viên THPT và đưa ra một số kết luận: Năng lực tư vấn của giáo viên đang ở mức thấp, giáo viên đã có những nhận thức nhất định về vai trò tư vấn của người giáo viên, nhưng tri thức về tư vấn thì còn hạn chế, một bộ phận giáo viên chưa có hiểu biết đầy đủ về bản chất, cấu trúc và các biểu hiện của năng lực tư vấn. Ngoài ra, kĩ năng và thái độ của người giáo viên cũng mới chỉ dừng ở mức độ cơ bản, chưa có sự ổn định, còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, giáo viên có xu hướng tự đánh giá năng lực của mình cao hơn đánh giá của học sinh. Thực tế khi khảo sát học sinh, mặc dù học sinh có nhu cầu tư vấn cao nhưng rất ít học sinh (khoảng 6%) tìm đến sự tư vấn của giáo viên, hơn một nửa số học sinh khảo sát cho biết không bao giờ (21,43%) hoặc hiếm khi (38,1%) đến gặp giáo viên để giúp đỡ. Nguyên nhân là có nhiều lí do, nhưng tựu chung lại là vì các em chưa thực sự hài lòng, và chưa đánh giá cao năng lực tư vấn của giáo viên. Khi xem xét mức độ hài lòng của học sinh đối với chất lượng tư vấn của giáo viên, hầu hết học sinh bày tỏ sự hài lòng ở mức độ thấp; thậm chí phần lớn học sinh sẽ hiếm khi (58,33%) hoặc không bao giờ (33,33%) tìm đến giáo viên sau khi đã thử xin tư vấn một lần. Điều này cho thấy năng lực tư vấn của người giáo viên thật sự chưa đáp ứng tốt nhu cầu và kì vọng của học sinh., từ đó có thể khiến cho hoạt động tư vấn trở nên kém hiệu quả. Do đó, họ cần được bồi dưỡng, nâng cao năng lực để có thể thực hiện được hoạt động tư vấn hiệu quả hơn trong nhà trường THPT. Số liệu từ đề tài nghiên cứu: “Phát triển năng lực tư vấn tâm lí cho giáo viên chủ nhiệm ở trường Trung học cơ sở” của tác giả Hoàng Gia Trang năm 2016 cho thấy, một bộ phận giáo viên (tỉ lệ khoảng 15%) hiểu chưa đầy đủ về năng lực tư vấn. Chính việc hiểu chưa đầy đủ có thể dẫn đến những các thức hỗ trợ cho học sinh chưa phù hợp khi các em học sinh gặp khó khăn tâm lí cần giải quyết. Thực tế cho thấy, một số giáo viên thường đưa ra lời khuyên, chỉ bảo học sinh của mình cách giải quyết vấn đề mà không phải là trao đổi để các em hiểu rõ vấn đề của mình và tự tìm cách giải quyết. Điều này có thể làm các em học sinh trở nên phụ thuộc, không có năng lực tự giải quyết vấn đề 178
  6. nảy sinh khác sau này. Đa số giáo viên được hỏi đều thể hiện thái độ sẵn sàng, tích cực và nỗ lực để giúp học sinh giải quyết khó khăn tâm lí thể hiện qua câu trả lời “Vui vẻ, nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ HS” và “Cố gắng để tư vấn hỗ trợ học sinh” khi các em mong muốn được giáo viên tư vấn. Tuy nhiên, vẫn có một tỉ lệ nhỏ (khoảng 6%) cho rằng sẽ e ngại hoặc từ chối tư vấn, hỗ trợ học sinh vì không quen với việc này hoặc cho đó là chuyện riêng của học sinh. Cũng trong nghiên cứu này đã cho thấy, giáo viên tự đánh giá kĩ năng tư vấn của mình cao hơn những gì học sinh đánh giá. Những kĩ năng được đánh giá khá ở giáo viên như: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tìm kiếm giải pháp và kĩ năng lượng giá trong tư vấn. Tuy nhiên, trong nhóm kĩ năng giao tiếp thì kĩ năng kiểm soát kiểm soát cảm xúc được cả học sinh và giáo viên đều đánh giá ở mức điểm thấp. Bên cạnh đó, các kĩ năng giáo viên đạt điểm thấp là kĩ năng xử lí thông tin, kĩ năng thấu hiểu học sinh và kĩ năng hợp tác. Trong đó, kĩ năng hợp tác đạt điểm thấp nhất. Đây là nhóm kĩ năng quan trọng bởi giáo viên không thể giải quyết được tất cả những vấn đề nảy sinh của học sinh mà cần có sự phối hơp với các lực lượng giáo dục khác, các bên liên quan. Giáo viên cũng không thể hỗ trợ tốt cho học sinh của mình nếu như không thấu hiểu và có kĩ năng cơ bản trong xử lí thông tin. Tác giả Nguyễn Hồng Thuận (2018) đã xem xét năng lực tư vấn của giáo viên dựa trên việc đáp ứng các nhu cầu tư vấn của học sinh hoặc kết quả hoạt động tư vấn cho học sinh và xác định nguyên nhân khiến học sinh đánh giá không cao vai trò của nhà trường trong việc giúp các em hiểu biết nghề, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu sau: Việc tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp nói chung, tư vấn hướng nghiệp nói riêng chưa hiệu quả (53.8% học sinh đánh giá chưa hiệu quả và 10.3% cho rằng không hiệu quả); Nhiều giáo viên chủ nhiệm không được bồi dưỡng kiến thức về tư vấn tâm lí, tâm lí học sinh nên chỉ tư vấn theo kinh nghiệm và hiệu quả chưa cao. Nhà trường chưa có cán bộ chuyên môn phụ trách công tác tư vấn tâm lí. Các lực lượng tham gia vào công tác này hiện nay đều là những lực lượng không chuyên, không được đào tạo bài bản về công tác tư vấn. Chính vì vậy, khi tư vấn cho học sinh các giáo viên chủ yếu tư vấn theo theo kinh nghiệm của bản thân và đồng nghiệp. Quá trình nắm bắt tâm lý học sinh, gợi mở để các em mạnh dạn bày tỏ những khó khăn đang mắc phải, quá trình giúp đỡ các em chưa chuyên nghiệp dẫn đến học sinh e ngại. Đối với giáo viên chủ nhiệm lớp, các tiết sinh hoạt lớp giáo viên thường dành để phổ biến các hoạt động tuần tiếp theo, phê bình các học sinh vi phạm hoặc có những biểu hiện không tốt trong tuần vừa qua. Nhiều giáo viên chưa quan tâm, tìm hiểu nguyên nhân tại sao học sinh lại như vậy và nếu tìm hiểu được nguyên nhân thì lại không biết phải tác động như thế nào, nhất là khi học sinh gặp những vấn đề nhạy cảm về giới tính, tình bạn, tình yêu. Theo thăm 179
  7. dò ý kiến của 44 học sinh trong một lớp 10 cho thấy, số học sinh có khó khăn, vướng mắc nhờ đến sự trợ giúp tâm lí của giáo viên chủ nhiệm là 10/44 (22,7%) em ở mức độ “không thường xuyên”; còn 34/44 (77,3%) học sinh trả lời “chưa bao giờ” nhờ đến sự trợ giúp của giáo viên chủ nhiệm. Qua đó, chúng ta thấy rằng còn những bất cập về năng lực tư vấn của giáo viên chủ nhiệm ở trường phổ thông, ngoài ra, học sinh chưa cảm thấy thoải mái khi nhờ giáo viên trợ giúp. Qua những nghiên cứu trên có thể thấy vai trò của giáo viên trong việc đáp ứng nhu cầu tư vấn tâm lí của học sinh là vô cùng cần thiết và quan trọng. Song thực tế, năng lực tư vấn tâm lí của giáo viên phổ thông còn nhiều khó khăn, hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu và kì vọng của học sinh. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, tuy giáo viên đã tham gia vào việc giải quyết vấn đề của học sinh nhưng họ thiếu đi “công cụ” tư vấn để đạt kết quả tốt dẫn đến hiệu quả của hoạt động chưa cao. Vì vậy, cần thiết phải nâng cao nhận thức, kĩ năng, thái độ của giáo viên trong việc hỗ trợ tâm lí cho học sinh. Chỉ khi giáo viên nhận thức được vai trò, trách nhiệm nghề nghiệp của mình trong việc giúp đỡ học sinh giải quyết vấn đề khó khăn, đồng thời có hiểu biết đúng đắn, thái độ tích cực và kĩ năng tư vấn cơ bản thì họ mới sẵn sàng, chủ động và khắc phục mọi khó khăn để có thể tư vấn, giúp đỡ học sinh đạt hiệu quả tốt hơn. Thực trạng nhu cầu bồi dưỡng năng lực tư vấn của người giáo viên phổ thông, kết quả khảo sát trong nghiên cứu của tác giả Lê Thị Quỳnh Nga cho thấy phần lớn giáo viên được hỏi trả lời rằng họ chỉ được cung cấp tài liệu để tự nghiên cứu hoặc được tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn nhưng không thường xuyên, và có tới 1/5 giáo viên cho biết họ chưa từng được đào tạo và bồi dưỡng. Số lượng giáo viên được đào tạo bài bản và thường xuyên liên tục chiếm rất ít. Trong số những giáo viên cho biết được bồi dưỡng ngắn hạn thì chủ yếu là giáo viên đến từ khu vực thành thì ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả Hoàng Gia Trang (2020) trong nghiên cứu của mình đã chỉ ra, hầu hết giáo viên đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cho biết từng tham gia giải quyết các khó khăn tâm lí của học sinh (chiếm 94,4%). Tuy nhiên, có đến 60% số giáo viên được hỏi trả lời chưa từng được tham gia tập huấn, bồi dưỡng hoặc đào tạo ngắn hạn về kĩ năng tư vấn tâm lí. Đồng thời, các kết quả khảo sát cũng cho thấy giáo viên có nhu cầu rất lớn (hơn 90% ý kiến được hỏi) được bồi dưỡng, tập huấn về năng lực tư vấn trong đó nhu cầu được bồi dưỡng về kĩ năng tư vấn chiếm tỉ lệ cao nhất, sau đó là đến bồi dưỡng kiến thức và cuối cùng là thái độ, tình cảm, có đến hơn 90% giáo viên mong muốn được tập huấn. (Hoàng Gia Trang, 2016 & 2020), Lê Thị Quỳnh Nga (2020). Như vậy, qua khảo sát, hầu hết các nghiên cứu đều khẳng định năng lực tư vấn của giáo viên phổ thông đang ở mức chưa cao, còn nhiều hạn chế. Giáo viên cần được bồi 180
  8. dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực để có thể thực hiện được hoạt động tư vấn hiệu quả hơn trong nhà trường phổ thông. Hoạt động bồi dưỡng cần được tổ chức làm sao để phát triển năng lực tư vấn cho giáo viên một cách thực chất, hiệu quả, khai thác tối đa tri thức, vốn kinh nghiệm đồng thời phát huy được tính tích cực, chủ động của người giáo viên. 2.3. Bồi dưỡng năng lực tư vấn tâm lí cho giáo viên phổ thông 2.3.1. Xác định cấu trúc năng lực tư vấn tâm lí của giáo viên phổ thông Nghiên cứu của các tác giả Lê Thị Quỳnh Nga (2015, 2020); Nguyễn Hồng Thuận & Lê Thị Quỳnh Nga (2017), Hoàng Gia Trang (2016), trên cơ sở căn cứ vào đặc điểm yêu cầu của nghề dạy học, các phẩm chất và năng lực của người giáo viên, các yêu cầu về phẩm chất và năng lực của người làm tư vấn, khái niệm về năng lực tư vấn tâm lí, các tác giả đã xác định cấu trúc năng lực tư vấn của người giáo viên phổ thông với các nội dụng cụ thể như sau: Kết quả nghiên cứu cấu trúc năng lực tư vấn của người giáo viên của tác giả Lê Thị Quỳnh Nga (2020) thì năng lực tư vấn bao gồm: - Kiến thức tư vấn: Kiến thức lí thuyết cơ bản về tư vấn; Kiến thức về đối tượng tư vấn; Kiến thức về nội dung, môi trường và điều kiên tư vấn - Kĩ năng tư vấn: Là nội dung cốt lõi trong việc phát triển năng lực tư vấn của người giáo viên, bao gồm: Kĩ năng lắng nghe, Kĩ năng đặt câu hỏi, Kĩ năng thấu cảm, Kĩ năng phản hồi, Kĩ năng cung cấp thông tin; - Thái độ tư vấn: Tình cảm đối với tư vấn; Động cơ tư vấn; Ý chí tư vấn. Trong nghiên cứu “Phát triển năng lực tư vấn tâm lí cho giáo viên chủ nhiệm ở trường Trung học cơ sở”, MS B2016-VKG-07, tác giả Hoàng Gia Trang đề xuất cấu trúc năng lực tư vấn tâm lí gồm: Tri thức về tư vấn tâm lí; Thái độ đối với tư vấn tâm lí và Kĩ năng tư vấn tâm lí. Tri thức ở đây gồm sự hiểu biết về lĩnh vực tư vấn tâm lí đăc biệt là tư vấn tâm lí cho lứa tuổi học sinh. Sự hiểu biết về quá trình thực hiện thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lí cho học sinh khi các em gặp khó khăn, các nguyên tắc đạo đức khi tiến hành tư vấn. Còn thái độ của người tư vấn ở đây thể hiện ở sự tích cực, nhiệt tình, có trách nhiệm, sẵn sàng vượt qua các khó khăn để thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi có thái độ tích cực đối với công việc tư vấn cho HS thì người giáo viên chủ nhiệm sẽ luôn cố gắng để giúp các em HS hoặc cũng có thể họ sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, cha mẹ HS, các chuyên gia và những người xung quanh để giúp HS tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề của mình. Thái độ sẽ có vai trò quan trọng dẫn dắt cá nhân 181
  9. thực hiện các kĩ năng, thao tác cụ thể. Về kĩ năng tư vấn của giáo viên chủ nhiệm, đây được hiểu là mặt thao tác, mặt biểu hiện ra bên ngoài của các tri thức, thái độ của giáo viên chủ nhiệm. Các biểu hiện này được cụ thể hóa thông qua giao tiếp với HS, xử lí thông tin liên quan đến khó khăn của HS, sự thấu hiểu HS, sự hợp tác với các lực lượng khác nhau để giải quyết vấn đề của HS; hỗ trợ HS định hướng giải pháp và lượng giá những thay đổi của HS sau khi được tư vấn. Như vậy, dù có điểm khác nhau, song các tác giả đều chỉ ra 3 thành tố của năng lực gồm: Tri thức/kiến thức; Thái độ và Kĩ năng. Vì vậy, muốn phát triển năng lực tư vấn tâm lí cho giáo viên thì cần tác động đến 3 thành tố nêu trên, 2.3.2. Xây dựng chương trình bồi dưỡng năng lực tư vấn tâm lí cho giáo viên phổ thông Các nghiên cứu của cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Tâm lí học và Giáo dục học về xây dựng chương trình bồi dưỡng năng lực tư vấn tâm lí cho giáo viên phổ thông phải kể đến như: Nguyễn Minh Đức (2016, 2018), Nguyễn Thị Hiền (2016), Hồ Viết Lương (2016), Lê Thị Quỳnh Nga (2015), Nguyễn Hồng Thuận và Lê Thị Quỳnh Nga (2017), và các nghiên cứu thuộc nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, Hội thảo cấp Viện của Trung tâm năm 2016,…. Các nghiên cứu đã chỉ rõ vai trò, nhiệm vụ, đạo đức tư vấn của người giáo viên trong công tác tư vấn tâm lí; Kinh nghiệm xây dựng chương trình bồi dưỡng năng lực tư vấn tâm lí của một số quốc gia trên thế giới; Nội dung cơ bản của bồi dưỡng năng lực tư vấn tâm lí; Nội dung tư vấn cho học sinh gặp khó khăn tâm lí; Mô hình tư vấn tâm lí trong nhà trường phổ thông; Sự phối hợp giữa các lực lượng trong tư vấn tâm lí,… Cán bộ nghiên cứu trong trung tâm đã thực hiện nghiên cứu chương trình bồi dưỡng, là căn cứ tham mưu cho Bộ Giáo dục vào Đào tạo ra quyết định Ban hành Chương trình Bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên làm công tác tư vấn cho học học sinh theo quyết định số 1876/QĐ-BGDĐT ngày 21 tháng 5 năm 2018 để thực hiện Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2017. Chương trình này có 8 modules với thời lượng 240 tiết tương đương 16 tín chỉ, bao gồm: 1/ Một số vấn đề chung về tư vấn tâm lí và nhu cầu tư vấn của học sinh; 2/ Các kĩ năng tư vấn tâm lí cơ bản; 3/ Tìm hiểu, đánh giá khó khăn tâm lý của học sinh; 4/ Tư vấn học sinh gặp khó khăn về tâm lý; 5/ Tư vấn học sinh có hành vi lệch chuẩn; 6/ Tư vấn học tập và hướng nghiệp; 7/ Tư vấn giới tính và sức khỏe sinh sản; 8/ Kiểm tra-đánh giá. Trên cơ sở chương trình khung, các cán bộ nghiên cứu đã tham gia biên soạn tài liệu tập huấn cho các tỉnh, một số cán bộ tham gia xây dựng “Cẩm nang tư vấn tâm lí dành cho giáo viên làm công tác tư vấn” của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam gồm 2 tập dành cho bậc Tiểu hoc và Trung học. Đây là tài liệu chính thức được dùng cho các 182
  10. khoá bồi dưỡng của Viện, được giáo viên đón nhận và đánh giá là tài liệu vô cùng hữu ích, hỗ trợ họ rất nhiều trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở trường. 2.3.3. Tổ chức hoạt động bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn tâm lí Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2017 và Quyết định 1876/QĐ-BGDĐT ngày 21 tháng 5 năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lí học và Giáo dục học là đơn vị đầu mối của Viện thực hiện xây dựng đề án đăng kí nhận nhiệm vụ Bồi dưỡng năng lực tư vấn tâm lí cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh và được Bộ phê duyệt. Từ năm 2018, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đã tổ chức tập huấn chương trình “Bồi dưỡng năng lực tư vấn tâm lí cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh” cho giáo viên phổ thông của 09 tỉnh thành trong cả nước gồm: Nam Định, Hà Nội, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Quảng Trị, Quảng Bình, Huế, Kiên Giang, Hưng Yên trong đó có sự tham gia tổ chức khóa tập huấn, chịu trách nhiệm chuyên môn của các giảng viên là cán bộ nghiên cứu của TTNC Tâm lí học và Giáo dục học. Tại mỗi địa phương, Sở/ Phòng sẽ tổ chức thành nhiều đợt tập huấn (chẳng hạn Nam Định 5 đợt), mỗi đợt sẽ có các lớp chia theo cấp học khác nhau để đảm bảo chất lượng khoá học. Tham gia khoá tập huấn, giáo viên phổ thông được tìm hiểu lí thuyết cơ bản, được dành nhiều thời lượng thực hành và tự học nghiêm túc theo đúng thời lượng quy định, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, việc học trực tiếp tập trung tại địa phương khó triển khai, TTNC Tâm lí học và Giáo dục học đã phối hợp với TTNC Ứng dụng Khoa học Giáo dục tổ chức thành công các lớp bồi dưỡng trực tuyến cho giáo viên phổ thông ở Hưng Yên. Tính đến nay đã có khoảng 3.700 giáo viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng, được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cấp chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lí học đường theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để tham gia kiêm nhiệm tư vấn tâm lí cho học sinh ở trường phổ thông. Hầu hết học viên tham dự các khoá bồi dưỡng đều có phản hồi tích cực về chất lượng khoá tập huấn. Học viên nhận thức được sự cần thiết của công tác tư vấn tâm lí cũng như 1 số nội dung cơ bản của tư vấn tâm lí nội dung, hình thức, nguyên tắc,….); bước đầu có những kĩ năng cơ bản của hoạt động này để có thể vận dụng được trong giải quyết vấn đề; sẵn sàng lắng nghe, tìm hiểu để định hướng, hỗ trợ học sinh khi các em gặp khó khăn, vướng mắc. Nhiều học viên, sau khi kết thúc khoá học, vẫn tiếp tục tự tìm hiểu về tư vấn tâm lí, kết nối với giảng viên khoá học để chia sẻ, trao đổi, bồi dưỡng chuyên sâu hơn để giúp họ thực hiện nhiệm vụ, giải quyết tốt hơn các vấn đề, tình huống thực tế gặp phải ở trường, ở đơn vị công tác. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc tổ chức 183
  11. chương trình bồi dưỡng vẫn còn gặp phải một số khó khăn thách thức như: Đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực Tâm lí đặc biệt ở chuyên ngành Tham vấn tâm lí chưa nhiều; Kĩ năng, phương pháp giảng dạy khi sử dụng 100% hình thức bồi dưỡng trực tuyến còn gặp khó khăn ở 1 số giảng viên là cán bộ chưa có kinh nghiệm giảng dạy; Sự kết nối với các địa phương chưa nhiều, nên số lượng học viên, các lớp bồi dưỡng chưa khai thác tương ứng với tiềm năng của các Trung tâm cũng như của Viện,…. Ngoài việc thực hiện xây dựng chương trình bồi dưỡng và tổ chức bồi dưỡng năng lực cho giáo viên phổ thông, cán bộ Trung tâm nghiên cứu Tâm lí học – Giáo dục học còn thực hiện các nghiên cứu và đưa ra những giải pháp khác nhằm phát triển năng lực tư vấn tâm lí cho giáo viên góp phần phát triển hoạt động tư vấn tâm lí. Trong đề tài nghiên cứu cấp Bộ năm 2016 “Phát triển năng lực tư vấn tâm lí cho giáo viên chủ nhiệm ở trường Trung học cơ sở” của tác giả Hoàng Gia Trang và cộng sự đã đề xuất 5 nhóm biện pháp bao gồm: 1/ Nâng cao nhận thức, thái độ tích cực về tư vấn tâm lí cho cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên chủ nhiệm; 2/ Bồi dưỡng kĩ năng tư vấn tâm lí cho giáo viên chủ nhiệm; 3/ Phối hợp các lực lượng giáo dục trong tư vấn tâm lí cho học sinh; 4/Xây dựng nhóm chuyên gia tư vấn; 5/ Giám sát và đánh giá công tác tư vấn của giáo viên chủ nhiệm (Hoàng Gia Trang, 2016). Ở một cách tiếp cận khác, luận án “Phát triển năng lực tư vấn của người giáo viên Trung học phổ thông” của tác giả Lê Thị Quỳnh Nga (2020), trên cơ sở nghiên cứu lí luận và thực trạng năng lực tư vấn của người giáo viên đã đề xuất 4 biện pháp cụ thể để phát triển năng lực tư vấn của người giáo viên, đó là: 1/ Đề xuất khung năng lực tư vấn của người giáo viên trung học phổ thông; 2/ Thiết kế và tổ chức seminar chuyên đề năng lực tư vấn của người giáo viên trung học phổ thông; 3/ Hướng dẫn thực hành, phân tích ca tư vấn của giáo viên trung học phổ thông; 4/ Rèn luyện kĩ năng tự học, tự bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên. Như vậy, dựa trên các cách tiếp cận khác nhau, các nghiên cứu đã chỉ ra những con đường để phát triển năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông, đồng thời cũng tiền đề, cơ sở cho việc phát triển các nghiên cứu tiếp theo. 2.3.4. Một số định hướng phát triển hoạt động bồi dưỡng năng lực tư vấn tâm lí cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn trong thời gian tới. Nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện hơn nữa các nội dung, hoạt động trong chương trình bồi dưỡng đảm bảo phù hợp với các hình thức học tập khác nhau gồm học tập trực tiếp, học tập trực tuyến và học tập kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến; Cán bộ làm công tác giảng dạy cần tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp dạy học trực tiếp cũng như trực tuyến, kĩ năng sử dụng công nghệ công tin, rèn 184
  12. luyện nghiệp vụ sư phạm để trở thành những giảng viên cốt cán của chương trình bồi dưỡng, đẩy mạnh chất lượng các khoá bồi dưỡng; Có cơ chế phối hợp rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong Viện về hoạt động bồi dưỡng giáo viên. Mở rộng liên kết, hợp tác với nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân hơn nữa để phát triển hoạt động bồi dưỡng này cũng như các chương trình liên quan khác, chẳng hạn bồi dưỡng giáo viên về giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống, bồi dưỡng nâng hạng,… Trong thời gian tới, cần thêm các nghiên cứu tập trung vào: Nghiên cứu đánh giá hoạt động bồi dưỡng để làm rõ những ưu điểm cũng như hạn chế, tồn tại cần khắc phục, thực tế triển khai hoạt động tư vấn của giáo viên khi về trường; Nghiên cứu các biện pháp phát triển kĩ năng cho đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn cho học sinh trong bối cảnh hiện nay đặc biệt với tình hình dịch bệnh phức tạp; Nghiên cứu các biện pháp nâng cao năng lực của giáo viên trong việc xây dựng chương trình phòng ngừa rối nhiễu tâm lí học sinh; Nghiên cứu thích nghi/ Việt hoá thậm chí xây dựng những những công cụ, kĩ thuật đo mới phù hợp điều kiện, hoàn cảnh, đáp ứng yêu cầu của nước ra hiện nay mà giáo viên phổ thông có thể sử dụng được trong quá trình tư vấn tâm lí cho học sinh. 3. Kết luận Trong quá trình phát triển, học sinh luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới và hội nhập, tình hình dịch bệnh toàn cầu như hiện nay thì khó khăn thách thức càng trở nên phức tạp hơn. Nhu cầu tư vấn tâm lí của học sinh ở các trường học là rất lớn và vai trò của người giáo viên là vô cùng quan trọng. Thực tế cho thấy năng lực tư vấn tâm lí của giáo viên còn nhiều hạn chế về kiến thức và kĩ năng cơ bản, dẫn đến rất ít học sinh tìm đến giáo viên để hỗ trợ giải quyết. Việc bồi dưỡng phát triển năng lực tư vấn cho giáo viên là hết sức cần thiết và phù hợp với đặc thù lao động nghề nghiệp của giáo viên. Và các kết quả nghiên cứu thực trạng cũng cho thấy, người giáo viên thực sự có nhu cầu được bồi dưỡng, nâng cao năng lực tư vấn. Vì vậy, bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên là một trong những biện pháp trong trọng nhằm phát triển năng lực này cho giáo viên, từ đó giúp học sinh giải quyết được những khó khăn trong học tập và cuộc sống, góp phần giáo dục toàn diện học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc. Các khóa tập huấn, bồi dưỡng mà TTNC Tâm lí học – Giáo dục học tham gia đã phần nào giúp giáo viên có thêm hiểu biết và kĩ năng tư vấn tâm lí cho học sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội có những thay đổi hiện nay, cần phát triển hoạt động bồi dưỡng tư vấn tâm lí cho giáo viên, cập nhật kiến thức, nội dung và hình thức tư vấn phù 185
  13. hợp với đặc điểm phát triển của học sinh. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện những giải pháp để khắc phục những hạn chế trong việc tổ chức thực hiên chương trình bồi dưỡng (đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng phương pháp, kĩ năng giảng dạy trực tuyến,….), cán bộ trung tâm cần thực hiện nhiều hơn nữa các nghiên cứu ứng dụng và triển khai để góp phần phục vụ cho việc phát triển năng lực tư vấn tâm lí cho giáo viên. Các nghiên cứu tập trung vào việc hình thành, phát triển, nâng cao năng lực cho giáo viên trong công tác tư vấn, nội dung và hình thức học tập bồi dưỡng phù hợp với đặc thù lao động nghề nghiệp của giáo viên. Chương trình, hoạt động bồi dưỡng cần phải được xây dựng, điều chỉnh và tổ chức phù hợp về nội dung, hình thức và thời gian để phát triển được năng lực tư vấn cho người giáo viên một cách thực chất, hiệu quả khai thác được vốn kinh nghiệm và phát huy được tính tích cực, chủ động của giáo viên. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Minh Đức (2016), Một số vấn đề xã hội của việc xây dựng chương trình bồi dưỡng tư vấn học đường cho giáo viên chủ nhiệm trường THPT, Kỉ yếu Hội thảo cấp Viện: “Phát triển năng lực tư vấn học đường cho giáo viên phổ thông”, Trung tâm Nghiên cứu TLH – GDH, tháng 10/2016. 2. Nguyễn Minh Đức (2018), Đạo đức trong nghề tư vấn tâm lý học đường – Một số hành vi điển hình, Hội thảo Hội KH TL-GD VN: Phổ biến kiến thức về tư vấn tâm lý học đường. 3. Nguyễn Minh Đức- Nguyễn Thanh Tâm (2018), Các chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về hướng dẫn và tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên phổ thông tại Ấn Độ và kinh nghiệm cho Việt Nam, Kỉ yếu Hội thảo: Phổ biến kiến thức về tư vấn tâm lý học đường, Hội Khoa học TL-GD Việt Nam. 4. Nguyễn Thị Hiền (2016), Tư vấn cho học sinh gặp khó khăn về tâm lý, Kỉ yếu Hội thảo cấp Viện: “Phát triển năng lực tư vấn học đường cho giáo viên phổ thông”, Trung tâm Nghiên cứu TLH – GDH, tháng 10/2016. 5. Hồ Viết Lương (2016), Sứ mệnh và nhiệm vụ của Tham vấn học đường ngày nay, Kỉ yếu Hội thảo cấp Viện: “Phát triển năng lực tư vấn học đường cho giáo viên phổ thông”, Trung tâm Nghiên cứu TLH – GDH, tháng 10/2016. 6. Lê Thị Quỳnh Nga (2020), Phát triển năng lực tư vấn của người giáo viên Trung học phổ thông, Luận án Tiến sĩ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. 186
  14. 7. Lê Thị Quỳnh Nga (2015), Tư vấn hay tham vấn – Vai trò nào cho người giáo viên THPT?, Tạp chí Tâm lí học (Số 12, tháng 12/2015) 8. Lê Thị Quỳnh Nga (2014), Nhận thức về lựa chọn nghề nghiệp của học sinh THPT, Tạp chí Khoa học giáo dục (Số 106, tháng 07/2014) 9. Lê Thị Quỳnh Nga (2020), Needs for Consultancy of Vietnam high school students, Archives of Business Research, Services for Science and Education, United Kingdom, Vol. 8, Issue 3, ISSN: 2054-7404, DOI: 10.14738/abr.83.2020. 10. Nguyễn Thanh Tâm (2018), Vai trò của giáo viên trong công tác tư vấn tâm lý học đường ở các trường phổ thông tại Ấn Độ và kinh nghiệm cho Việt Nam, Hội thảo Hội KH TL-GD VN: Phổ biến kiến thức về tư vấn tâm lý học đường 11. Nguyễn Hồng Thuận (2016), Nhiệm vụ và yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ làm công tác TVHĐ trong nhà trường phổ thông, Tạp chí Khoa học giáo dục, số 134, 11/2016; 12. Nguyễn Hồng Thuận, Lê Thị Quỳnh Nga (2017), Mô hình tư vấn học đường trong nhà trường phổ thông, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 13. Nguyễn Hồng Thuận (2018), Công tác tư vấn tâm lý học đường và những vấn đề đặt ra đối với giáo viên phổ thông, Kỷ yếu HTKHQG “Áp lực lao động nghề nghiệp giáo viên phổ thông”, Liên hiệp các hội KHKT VN. 14. Nguyễn Hồng Thuận (2013), Mô hình tư vấn học đường trong nhà trường phổ thông, V2013-NV, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam 15. Hoàng Gia Trang (2016), Phát triển năng lực tư vấn tâm lí cho giáo viên chủ nhiệm ở trường Trung học cơ sở, MS B2016-VKG-07, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. 16. Hoàng Gia Trang (2013), Nghiên cứu nhu cầu tư vấn hướng nghiệp của học sinh Trung học cơ sở, Mã số V2013-15, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam 17. Hoàng Gia Trang (2020), Biện pháp phát triển năng lực tham vấn tâm lí cho giáo viên chủ nhiệm đáp ứng yêu cầu đổi mới, Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: “Tâm lí học – Giáo dục học vì sự phát triển học sinh và nhà trường hạnh phúc”, NXB Đại học Sư pham Hà Nội, 2020. năng lực tư vấn học đường cho giáo viên phổ thông”. 18. Trung tâm Nghiên cứu Tâm lí học – Giáo dục học (2016), Bồi dưỡng năng lực tư vấn học đường cho giáo viên chủ nhiệm ở trường THPT, NVTX theo chức năng 2016, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. 187
nguon tai.lieu . vn