Xem mẫu

  1. PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM VÀ NHỮNG CƠ HỘI, THÁCH THỨC TỪ HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn ThS. Lê Đức Hoàng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân NCS. Lê Thị Ngọc Diệp Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Tóm tắt Phát triển công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2011- 2014 đang gặp rất nhiều khó khăn thách thức từ môi trường quốc tế cũng như trong nước. Tăng trưởng ngành công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi trong năm 2015 và dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn 2016-2020, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện TPP. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có sự tham gia của 12 nước, trong đó có Việt Nam. Những cơ hội mà TPP mang lại là rất lớn nhưng cũng không ít thách thức đối với phát triển công nghiệp Việt Nam. Có tận dụng được các cơ hội này hay không, phụ thuộc vào nhận thức và sự chuẩn bị của các doanh nghiệp. Bài viết tập trung vào các vấn đề sau: i) đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2011-2014 và 2015 ii) nhận diện các cơ hội và thách thức đối với phát triển công nghiệp Việt Nam khi Việt Nam tham gia TPP. 1. Thực trạng phát triển công nghiệp Việt Nam 1.1. Giai đoạn 2011-2014 Giai đoạn 2011- 2014 là giai đoạn mà công nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn và thách thức từ bối cảnh quốc tế và nội tại trong nước. Mục tiêu tăng trưởng công nghiệp cả giai đoạn 2011-2015 trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 đặt ra là 7,0-7,5% là khó có thể thực hiện với kết quả 4 năm thực hiện chỉ đạt 5,98% (Bảng 1). 625
  2. Bảng 1. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp giai đoạn 2011-2014 và dự báo đạt được năm 2015 2010 2011 2012 2013 2014 2015 Công nghiệp 6,6 8,2 6,2 5,4 6,1 9,39 Khai khoáng 2,1 2,5 4,7 -0,2 1,1 - Chế biến, chế tác 8,4 11,0 5,8 7,4 7,9 10,6 Điện, khí đốt, nước 11,3 9,5 12,4 8,5 8,9 - Cung cấp nước; xử lý 7,4 9,4 8,4 9,1 9,3 - rác thải, nước thải Nguồn: Bộ Công thương, 2014 Tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2014 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực phục hồi đà tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng tốc độ phục hồi còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong nước, kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách lớn trong tái cơ cấu kinh tế tập trung ở tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và thực hiện 3 khâu đột phá lớn về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, ngành công nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Giá trị gia tăng công nghiệp - xây dựng năm 2011 (theo giá so sánh 2010) tăng 6,7%; năm 2012 tăng 5,7%; năm 2013 tăng 5,4%, ước thực hiện năm 2014 tăng 6,1%. Bình quân 4 năm tăng 5,98%. Dự kiến nền kinh tế tiếp tục phục hồi hơn vào năm 2015, dự kiến tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng năm 2015 là 6,85%, trong đó ngành công nghiệp là 6,89%. Tính bình quân 5 năm tăng 6,16%. Do đó, chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2011-2015 khó đạt được kế hoạch đề ra (tăng 7,2- 7,7%). Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp cũng giữ tốc độ tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2011-2014. Tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 4 năm 2011 - 2014 là 8,3%/năm, dự kiến đến năm 2015 tăng trưởng bình quân 5 năm là 8,07%/năm. Trong nội bộ ngành công nghiệp, ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng cao nhất ước tăng bình quân 9,7%/năm, tiếp đến là ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải và nước thải tăng bình quân 9,1%/năm, ngành chế biến, chế tạo ước tăng 8,1%/năm, ngành khai khoáng tăng thấp nhất, ước tăng 1,9%/năm. 626
  3. Biểu đồ 1. Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp 100% 80% 60% 40% 20% 0% 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 CN khai thác CN chế biến CN điện khí và nước Nguồn: tác giả tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê Xét dưới góc độ cơ cấu ngành, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP tăng dần trong giai đoạn 2011-2015, khoảng từ 38,2% năm 2010 lên 38,62% năm 2014. Với các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu và phát triển kinh tế của Chính phủ cũng như những tín hiệu phục hồi kinh tế thế giới, chỉ tiêu này dự kiến sẽ đạt được 38,58% vào cuối năm 2015, tuy nhiên vẫn không đạt mục tiêu của Đại hội XI đề ra là 41-42%. Trong nội bộ ngành công nghiệp, cơ cấu đã từng bước được chuyển dịch đúng với định hướng, tăng dần ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần ngành khai khoáng, cụ thể: ngành khai khoáng giảm từ 8,5% năm 2010 xuống 8,0% năm 2015; ngành công nghiệp chế biến tăng từ 86,5% năm 2010 lên khoảng 86,6% năm 2015. Từ năm 2001 đến nay hàm lượng công nghệ trong ngành công nghiệp của Việt Nam thay đổi rất chậm. Theo cách thức phân loại các ngành công nghiệp của UNIDO, ở Việt Nam tỷ trọng ngành công nghiệp dựa vào tài nguyên đã có xu hướng giảm từ 42,7% năm 2010 xuống 38,5% năm 2014, ngành công nghiệp sử dụng công nghệ thấp (dệt may, da giầy, đồ chơi, sản phẩm nhựa, đồ gỗ, thủy tinh…) giảm từ 41,2% năm 2010 xuống 35,2% năm 2014. Ngành công nghệ trung bình và cao tăng lên khoảng 26,3% năm 2014. Tuy nhiên, tỷ trọng này vẫn còn thấp hơn mức 50 - 60% của các nước Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia 627
  4. (Nguyễn Ngọc Sơn, 2014). Những chính sách và chiến lược tăng cường công nghệ kinh tế trí thức, chuyển dịch cơ cấu sản xuất được triển khai trong nhiều năm qua chưa hiệu quả, chưa nâng được tầm công nghệ của nền kinh tế, đã đẩy Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực, những quốc gia đã rất năng động khi gắn chuỗi giá trị công nghiệp trung và cao để tự thay đổi cơ cấu sản xuất của mình. 1.2. Năm 2015 a. Về tăng trưởng ngành công nghiệp Trong năm 2015 sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 9,8% so với năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 5,9% của năm 2013 và 7,6% của năm 2014. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 6,5%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm nay tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn mức tăng của cùng kỳ hai năm gần đây[3]. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/12/2015 tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng thời điểm năm 2014 (cùng thời điểm năm 2013 tăng 10,2%; năm 2014 tăng 10%). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/12/2015 tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 1,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 4,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 8%. Tại thời điểm trên, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp khai khoáng giảm 1,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%[4]; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 1,1%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,3%. Tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp cho thấy ngành công nghiệp đã dần thoát khỏi thời kỳ suy thoái từ đầu thời kỳ kế hoạch 2011-2015. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng lần lượt là 11,5% và 10%, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp; ngành khai khoáng tăng 8,4%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,4%. 628
  5. Biểu đồ 2. Tốc độ phát triển chỉ số phát triển công nghiệp năm 2015 Nguồn: Bộ Công thương năm 2015 Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2015 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 38,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 28%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 17,4%; dệt tăng 15,1%. Một số ngành có mức tăng thấp: Khai thác than cứng và than non tăng 5,2%; sản xuất thuốc lá tăng 2,7%; sản xuất trang phục tăng 5,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 3%. Các sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành: điện sản xuất tăng 12,2%; xăng, dầu các loại tăng 24,8%; điện thoại di động tăng 42,6%; tivi tăng 49,6%; ôtô tăng 54,5%…Một số sản phẩm tăng trưởng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ như: than sạch tăng 4,9%; phân NPK tăng 0,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 1,9%; phân đạm ure tăng 1,4%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo giảm 5,6%; sắt thép thô giảm 1%; xe máy giảm 12,2%... Tình hình tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì tăng trưởng khá. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 tăng 2,1% so với tháng 9 và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 10 tháng đầu năm 2015, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 tăng 10,1%). Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng trưởng khá so với cùng kỳ: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 53,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 27,6%; sản xuất kim loại tăng 23,2%... Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng trưởng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ như: Sản xuất sản 629
  6. phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 1,9%; sản xuất thuốc lá tăng 0,6%; dệt tăng 2,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 0,5%. b. Tình hình tồn kho Tình hình tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với cùng kỳ. Tại thời điểm 01 tháng 10 năm 2015, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% so với cùng thời điểm năm 2014 (thấp hơn 1,1 điểm phần trăm của cùng thời điểm năm 2014). Trong đó, chỉ số tồn kho của một số ngành giảm so với cùng kỳ như: Sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 30,1%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 8,5%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất giảm 0,7%... Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung: sản xuất đồ uống tăng 97,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 41%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 54,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 29%... Như vậy, phát triển công nghiệp Việt Nam năm 2015 có thể được đánh giá như sau: Kết quả đạt được Thứ nhất, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà trưởng khá so với cùng kỳ của hai năm gần đây. Điều này cho thấy sản xuất công nghiệp đã bắt đầu khởi sắc, đặc biệt là trong một số ngành có hàm lượng công nghệ cao như điện tử, IT… Thứ hai, ngành sản xuất và phân phối điện và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Thứ ba, tình hình tiêu thụ tăng trưởng khá, tồn kho ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014, đây là những dấu hiệu tích cực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Tồn tại Thứ nhất, dấu hiệu khôi phục sản xuất công nghiệp vẫn còn hạn chế. Đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến nông sản. Thư hai, chưa có sự đột biến trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, điều này làm cho mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn tiếp tục là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và tăng trưởng dựa vào gia công. Thứ ba, sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành công nghiệp chế tạo như dệt may, da giầy, điện tử chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. 630
  7. 2. TPP và cơ hội thách thức cho phát triển công nghiệp Việt Nam Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phạm vi điều chỉnh rộng và mức độ cam kết sâu, đã có sự tham gia của 12 nước, trong đó có Việt Nam. Sau gần 5 năm đàm phán, đến cuối năm 2015, TPP có thể kết. Những cơ hội mà TPP mang lại là rất lớn nhưng cũng không ít thách thức đối với phát triển công nghiệp Việt Nam. Có tận dụng được các cơ hội này hay không, phụ thuộc vào nhận thức và sự chuẩn bị của các doanh nghiệp. Sau khi gia nhập WTO, quá trình hội nhập của Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, từ hội nhập theo chiều rộng sang hội nhập theo chiều sâu. Và một trong những yêu cầu của quá trình hội nhập theo chiều sâu đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn những đối tác chiến lược. Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, những đối tác chiến lược này cần được thể hiện thông qua các hiệp định thương mại khu vực tự do (FTA). Các FTAs sẽ là cơ sở để quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước đối tác phát triển mạnh hơn nhờ việc được hưởng những ưu đãi lớn hơn so với mức cam kết tối huệ quốc trong WTO. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia các FTAs đa phương, bao gồm: Hiệp định về thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN – Trung Quốc (ACTIG, thực hiện từ 1/7/2005), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKTIG, thực hiện từ 1/6/2007), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP, thực hiện từ 2008), Hiệp định thương mại tự do và quan hệ kinh tế thân thiện toàn diện ASEAN - Australia - New Zealand (AANZCERFTA, thực hiện từ 2010), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG, thực hiện từ 1/6/2010). Việt Nam cũng đã có hai FTAs song phương với Nhật Bản (Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, VJEPA, thực hiện từ 2009) và ChiLê (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chi Lê, ký tháng 10/2011). Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu gồm các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan đã chính thức được ký kết vào ngày 29/5/2015. Đây là hiệp định có ý nghĩa chiến lược mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu nói chung và với từng nước thành viên nói riêng. Tỷ trọng thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các đối tác đã có FTAs chiếm gần 60% tổng giá trị thương mại quốc tế của Việt Nam, trong đó chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu và gần 70% kim ngạch nhập khẩu (Đinh Văn Thành, 2012). Việt Nam kết thúc đàm phán FTA với EU, Hàn Quốc và TPP. Các đối tác đàm phán này đều là những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam: Hàn Quốc chiếm 5,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và tăng trưởng bình quân 36%/năm trong giai đoạn 2007-2011, EU chiếm 15,8% kim ngạch xuất khẩu, Mỹ (đối tác 631
  8. quan trọng trong TPP) chiếm 19% kim ngạch và tăng trưởng 12%/năm. Như vậy, có thể nhận thấy việc lựa chọn các đối tác FTAs của Việt Nam đều hướng tới lợi ích mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam. Trong số các FTAs này, có thể khẳng định vị trí quan trọng của TPP vì nó được coi là hiệp định mẫu của thế kỷ XXI và có sự tham gia của Mỹ. Nhìn lại quá trình gia nhập WTO, có thể thấy Hiệp định BTA Việt Nam – Mỹ cũng như việc kết thúc đàm phán với Mỹ là bước chuẩn bị quan trọng, mở đường cho việc gia nhập WTO. Như vậy, TPP có thể sẽ là bước chuẩn bị, tạo ra khung đàm phán cho toàn bộ các FTAs trong tương lai của Việt Nam. Với vị trí đó, việc tham gia TPP có thể sẽ là bước đi quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, tạo ra động lực phát triển kinh tế, cũng như thực hiện tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bảng 2. Các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam và tình trạng Tên Tình trạng 1. Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) Có hiệu lực Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc 2. Có hiệu lực (ACFTA) Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc 3. Có hiệu lực (AKFTA) Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản 4. Có hiệu lực (AJCEP) Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Úc-New Zealand 5. Có hiệu lực (AANZFTA) 6. Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA) Có hiệu lực 7. Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (JVEPA) Có hiệu lực 8. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Chilê Có hiệu lực Ký ngày 03/03/2015, 9. Hiệp định Thương mại Việt-Lào đang chờ phê chuẩn Ký ngày 05/05/2015, 10. Hiệp định Thương mại Tự do Việt-Hàn đang chờ phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh Kinh Ký ngày 29/05/2015, 11. tế Á Âu đang chờ phê chuẩn Kết thúc đàm phán 12. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU ngày 04/08/2015, đang chờ ký Kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình 13. ngày 05/10/2015, Dương (TPP) đang chờ ký 14. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) Nguồn: Bộ Công Thương, 2015 632
  9. 2.1. Cơ hội đối với phát triển công nghiệp Việt Nam Thứ nhất, TPP là động lực thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp thông qua sự tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu Với những tiêu chuẩn cao và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia, TPP sẽ là một hiệp định toàn diện, cân bằng, góp phần tăng cường sự minh bạch, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao đời sống và xóa đói giảm nghèo; TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế toàn cầu, và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm; TPP cũng sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Khi xem xét tác động đến từng quốc gia, điều đáng chú ý là không có một quốc gia nào bị thiệt từ việc tham gia TPP. Xét về giá trị tuyệt đối, ba nước được lợi lớn nhất từ TPP lần lượt là Nhật Bản, Hoa Kỳ và Việt Nam, trong đó riêng Việt Nam thì TPP giúp tăng GDP thêm 36 tỷ USD. Xét về tỷ lệ thì Việt Nam là nước được lợi lớn nhất từ TPP với con số là 15,5% GDP với TPP và 28% với FTAAP. Nguyên nhân của sự gia tăng này đã được Peter Petri chỉ ra là nhờ tăng cường sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực của các doanh nghiệp Việt Nam và thu hút đầu tư nước ngoài sau khi TPP có hiệu lực. Hiệp định TPP sẽ góp phần tạo ra một thị trường cạnh tranh tự do, chiếm đến 30% GDP toàn thế giới và 40% giá trị thương mại toàn cầu. Điều này sẽ buộc các doanh nghiệp tham gia phải khai thác lợi thế của chính mình để vừa cạnh tranh vừa hợp tác. Đây là cơ sở để hình thành chuỗi giá trị, trong đó, mỗi quốc gia thành viên TPP sẽ tham gia một công đoạn trong toàn bộ mạng lưới sản xuất khu vực đó. Đối với Việt Nam, việc này sẽ trở thành yếu tố giúp thu hút vốn FDI, không chỉ của các nước thành viên mà cả các nước không phải thành viên TPP để khai thác thị trường khu vực chấu Á – Thái Bình Dương đang phát triển rất năng động này. Thứ ba, TPP sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và nâng cao chất lượng tăng trưởng công nghiệp Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ở Việt Nam hiện phải nhập khẩu hàng năm hàng chục tỷ đô la các linh phụ kiện các ngành ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo (trong đó riêng các tập đoàn Nhật lớn như Toyota, Canon.. đang phải nhập khẩu từ nước thứ ba các linh kiện này. Theo quy định của TPP, hàng hóa Việt Nam muốn xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu tự sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP. Đây chính là cơ hội “vàng” thúc đẩy các DN công nghiệp hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất khó có thể cạnh tranh với các DN nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm, trình độ quản lý cao, vì thế trước mắt, thay vì 633
  10. cạnh tranh, các DN Việt Nam có thể liên kết, hợp tác với DN nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, từ đó từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, đối với ngành dệt may, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Trên thực tế, đã xuất hiện các dự án đầu tư lớn và rất lớn để đón đầu TPP. Đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, giúp Việt Nam tăng giá trị gia tăng nội địa cho hàng may xuất khẩu và giúp ngành may phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng. Cùng với việc hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP, người ta đang nói nhiều đến khả năng Việt Nam là trung tâm chế tạo mới của thế giới. Song để Việt Nam có thể đạt được điều này, vị đại diện Bộ Công Thương cho biết Việt Nam cần có các quyết sách quyết liệt và đặc biệt phải dành nguồn lực thích đáng cho phát triển công nghiệp chế tạo, trong đó ông nhấn mạnh cần phải tập trung phát triển mạnh mẽ ngành CNHT trên cơ sở tận dụng các dự án đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Việc phát triển CNHT trong giai đoạn này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo của thế giới. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư nguồn lực phù hợp để hỗ trợ các DN trong lĩnh vực CNHT, đặc biệt là DNVVN thông qua hỗ trợ về vốn tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và các ưu đãi về thuế và cơ sở hạ tầng. Thứ ba, TPP là sức ép thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh Cùng với những cảnh báo về các thách thức từ Hiệp định TPP, các doanh nghiệp Việt Nam đã phần nào cảm nhận được sức ép từ hội nhập quốc tế đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp, của sản phẩm. Mặc dù số lượng các doanh nghiệp ý thức được điều này không nhiều, nhưng cần phải ghi nhận các hội thảo của các ngành dệt may, chăn nuôi, dược phẩm, thuốc lá, rượu bia… đã khơi ra những thách thức mà TPP sẽ tạo ra đối với những ngành này. Riêng đối với ngành dệt may, thách thức từ việc đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi (yarn-forward) đã rõ ràng. Một trong những điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan vào thị trường các nước thành viên TPP là các DN Việt Nam phải chứng minh lô hàng xuất khẩu có nguyên liệu, phụ liệu từ sợi trở đi (không tính xuất xứ bông) được sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước thành viên TPP. Trong vài năm vừa qua, Hiệp hội dệt may (VITAS) và Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng yêu cầu này. Dự kiến năm 2014, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ triển khai 57 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 9.700 tỉ đồng, bao gồm 15 dự án sợi, tám dự án dệt, 24 dự án may, hai dự án bông trang trại…. Bên cạnh đó, đang có làn sóng đầu tư vào Việt 634
  11. Nam để sản xuất sợi, vải, phụ liệu cho ngành dệt may nhằm hưởng ưu đãi thuế. Ðây cũng chính là cơ hội để ngành dệt may nước ta tranh thủ phát triển sản xuất nguyên, phụ liệu trong nước. Ðã có rất nhiều nhà đầu tư nhanh chân đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu dệt may để đón đầu TPP như các tập đoàn Texhong (Hồng Kông), Mitsui (Nhật Bản), Sunrise (Trung Quốc)... Thí dụ Công ty Kyungbang (Hàn Quốc) vừa đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất sợi tại tỉnh Bình Dương, với vốn đầu tư giai đoạn một là 40 triệu USD, công ty này tiếp tục đầu tư thêm 160 triệu USD để tăng năng lực sản xuất sợi với kỳ vọng trở thành nhà máy sợi lớn nhất châu Á. Texhong bắt đầu đưa nhà máy dệt nhuộm có vốn đầu tư 300 triệu USD ở Quảng Ninh đi vào hoạt động, với 370 nghìn cọc sợi, với công suất 139 nghìn tấn/năm. Làn sóng đầu tư nước ngoài này sẽ tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may Việt Nam vốn đang vừa yếu, vừa thiếu. Với quan điểm không phân biệt giữa các thành phần kinh tế, rõ ràng đây là lợi ích mà chúng ta đang thu được từ TPP. Thứ tư, TPP là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của nước ta. Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này. Do các nước thành viên TPP chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014, hội nhập sâu hơn với các nền kinh tế này sẽ giúp gia tăng xuất khẩu của Việt Nam. Do khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 nổ ra và làm hạn chế hoạt động xuất khẩu Việt Nam chưa ký kết một hiệp định thương mại tự do song phương với Hoa Kỳ, TPP cũng sẽ là một giải pháp thay thế để đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường quan trọng này. Những cân nhắc như vậy là đặc biệt hợp lý sau của Việt Nam, động lực tăng trưởng chính của đất nước. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn hơn có thể là một tác động tích cực khác của TPP đối với triển vọng kinh tế dài hạn của đất nước. Thứ năm, TPP sẽ cơ hội để thu hút vốn đầu tư tư nước ngoài TPP cũng yêu cầu các thành viên phải áp dụng chính sách và bảo hộ đầu tư không phân biệt, trong khi cho phép các chính phủ thành viên có dư địa để theo đuổi các mục tiêu chính sách công chính đáng. Do FDI đóng vai trò là một trụ cột trong chiến lược phát triển đất nước, chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong những năm gần đây để cải thiện môi trường đầu tư, từ nâng cấp cơ sở hạ tầng tới 635
  12. cải cách hành chính và cải thiện khuôn khổ pháp lý. Một dấu hiệu rõ ràng của điều này là Luật Đầu tư năm 2014, được ban hành nhằm đơn giản hóa quá trình đầu tư, giảm thiểu sự mù mờ, và tạo ra môi trường bình đẳng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài so với các nhà đầu tư trong nước.Với những nỗ lực của nhà nước Việt Nam và tiềm năng của TPP trong việc giúp mở rộng xuất khẩu, nhiều khả năng hiệp định thương mại này sẽ tạo ra một dòng vốn FDI lớn chảy vào trong nước một khi nó có hiệu lực. 2.2. Thách thức Thứ nhất, Hiệp định TPP là một thách thức đối với năng lực cạnh tranh của một số ngành công nghiệp So với các nước tham giaTPP, Việt Nam có trình độ thấp hơn hầu hết các nước tham gia, đây sẽ là một thách thức lớn đối với toàn bộ nền kinh tế và một số ngành. Hiệp định TPP sẽ đặt các ngành trước sự cạnh tranh bình đẳng đối với các doanh nghiệp lớn, nhiều kinh nghiệm đến từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn cả ở thị trường nước ngoài. Về kinh tế, thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Mặc dù Việt Nam có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp nhưng sức cạnh tranh của nước ta trong một số ngành nghề chưa thực sự tốt, ví dụ như chăn nuôi. Dự kiến đây sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực. Đối với các ngành kinh tế khác, cạnh tranh cũng có thể xảy ra nhưng ở mức độ không lớn bởi vì các nền kinh tế TPP hiện nay có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu mang tính bổ sung hơn là mang tính cạnh tranh với cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đối với các ngành xuất khẩu như dệt may, da giày, thách thức trong việc tận dụng cơ hội giảm thuế, vượt qua các biện pháp kỹ thuật cũng như các quy định về quy tắc xuất xứ. Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, khi nguyên liệu của chúng ta vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan (các nước ngoài TPP) thì khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng mức thuế suất 0% vẫn còn là một câu hỏi. Đối với các ngành trong nước, TPP đặt ra thách thức trong việc cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Chẳng hạn, đối với ngành chăn nuôi, quy mô manh mún, nhỏ lẻ, giá thành sản xuất cao, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh vẫn đang là những điểm yếu cố hữu. Trong khi đó, các nước TPP như Australia, Hoa Kỳ lại có thế mạnh về ngành này. Nếu không kịp thời khắc phục những tồn tại 636
  13. này, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, dự kiến thuế nhiều sản phẩm thịt NK bằng 0%, ngành chăn nuôi trong nước rất dễ bị nhấn chìm. Thứ hai, Hiệp định TPP là một thách thức đối với tư duy quản lý của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam TPP là một cột mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Sự tham gia của Việt Nam vào hiệp định được thúc đẩy bởi nhiều cân nhắc kinh tế, chính trị và chiến lược. Về mặt kinh tế, hiệp định được kỳ vọng là sẽ giúp nước này đạt được tốc độ tăng trưởng GDP lớn hơn, mở rộng xuất khẩu, và thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn. Tuy nhiên, do là thành viên kém phát triển nhất của TPP, Việt Nam cần giải quyết nhiều thách thức để cải thiện khả năng cạnh tranh và tối đa hóa lợi ích tiềm năng mà hiệp định mang lại. Thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp là tư duy mới trong cạnh tranh. Trải qua gần 30 năm đổi mới mặc dù số lượng các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã tăng nhanh, đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, còn đó những doanh nghiệp nhà nước vẫn dựa vào các cơ quan chủ quản, và vẫn còn dựa vào ơ chế “xin-cho” và làm ăn chụp giật. Khi tham gia vào TPP đòi hỏi sự vận động của cơ chế thị trường, đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nhà nước do đòi hỏi xóa bỏ các yếu tố phi thị trường trong nền kinh tế quốc dân. Khi tham gia vào hiệp định TPP sẽ chuyển từ các rào cản thuế quan sang các rào cản kỹ thuật, môi trường. Để vượt qua các rào cản kỹ thuật, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự lựa chọn, theo dõi những thay đổi trong chính sách của các thị trường mục tiêu để chủ động chuẩn bị các biện pháp vượt rào cản chứ không phải chạy từ thị trường này sang thị trường khác. Trong cách tiếp cận này, đòi hỏi các doanh nghiệp phải xác định và tập trung khai thác lợi thế của mình và hợp tác với các đối tác phù hợp để có thể cùng nhau tiếp cận thị trường. Chính điều này đòi hỏi sự thay đổi tư duy kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam (Đào Văn Tiến, 2014). Thứ ba, thách thức về đảm bảo Bảo hộ sở hữu trí tuệ và bảo vệ môi trường TPP có tiêu chuẩn cao về bảo hộ sở hữu trí tuệ, bao gồm quy định phải thực hiện thủ tục tố tụng và chế tài hình sự đối với hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ quy mô thương mại, điều được coi là nghiêm ngặt hơn các quy định trong khuôn khổ WTO. Việc thực thi các quy định như vậy sẽ làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi mà việc sử dụng các phần mềm vi phạm bản quyền vẫn còn phổ biến. Tuy nhiên, trong dài 637
  14. hạn, việc bảo hộ tài sản trí tuệ tốt hơn được kỳ vọng là sẽ giúp các doanh nghiệp có động lực mạnh mẽ hơn để đầu tư vào các ngành công nghiệp sáng tạo mà Việt Nam đang tìm cách phát triển. Tóm lại, TPP có thể sẽ tạo ra một số tác động tích cực đối với phát triển công nghiệp Việt Nam trong cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi cùng với thách thức, do đó Chính phủ và doanh nghiệp cần có bước chuẩn bị kỹ càng và các chiến lược rõ ràng để nắm bắt các cơ hội này, tránh phóng đại quá mức những cơ hội mà TPP đem lại để không lặp lại những thất bại khi Việt Nam gia nhập WTO. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hoàng Văn Châu (2014), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và vấn đề tham gia của Việt Nam, NXB Bách khoa. 2. NEU/JICA. (2003). Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong kỷ nguyên toàn cầu hóa . 3. Nguyễn Ngọc Sơn (2014), Phát triển và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa. 4. Đào Ngọc Tiến (2013), Việt Nam tham gia Hiệp định TPP và vấn đề đặt ra trong thương mại hàng hóa, Tạp chí những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 2(202), 2/2013. 5. Đào Ngọc Tiến (2015), Một số kiến nghị đối với doanh nghiệp để tận dụng cơ hội từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Kỷ yếu Hội thảo của Chương trình KX01/11-15. 6. Ohno, K. & Nguyễn, V. T, (2005), Hoàn thiện chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, Hà Nội: Nhà xuất bản Lý luận Chính trị. 7. UNIDO (2013), Industrial development Report 2013, UNIDO 2013. 8. Viện nghiên cứu thương mại (2009), Chuỗi giá trị toàn cầu mặt hàng điện tử và khả năng tham gia của Việt Nam, trang 66, Báo cáo tổng hợp đề tài khoa học cấp Bộ, mã số 040.09.RD. 638
nguon tai.lieu . vn